Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

11/06/2024

Điểm báo Pháp - Tình hữu nghị Nga và Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Nga và Trung Quốc : Tình hữu nghị "có giới hạn"

Le Monde ngày 11/06/2024 nhận định "Tình hữu nghị "không giới hạn" giữa Moskva và Bắc Kinh được tuyên bố năm 2022, có giới hạn đương nhiên là lợi ích của mỗi bên". Nga đang trở thành chư hầu của Trung Quốc về kinh tế lẫn chính trị.

huunghi1

Gian hàng của ngân hàng Nga Alfa Bank tạo hình con rồng Trung Hoa tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg (Nga) ngày 07/06/2024. AP - Dmitri Lovetsky

Stalin để Mao chờ chực hai tháng : Thời thế nay đã đảo ngược

Tờ báo nhắc lại, mùa đông năm 1949, chỉ 6 tuần sau khi tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Mao Trạch Đông lên chuyến tàu xuyên Siberia để xin Stalin giúp tái thiết đất nước. Đang trên đỉnh cao quyền lực, "ông anh" Liên Xô để cho Mao chầu chực đợi suốt hai tháng trời tại một dacha ở ngoại ô Moskva rồi mới tiếp, để mở đầu việc hợp tác trong nhiều lãnh vực - tuy không kéo dài quá 10 năm.

Nhưng chuyện đó đã xưa rồi. Giờ đây Tập Cận Bình là người có thể buộc Vladimir Putin chờ đợi. Dù Putin được Tập trải thảm đỏ, tương quan sức mạnh đã đảo ngược. Tổng thống Nga đã thấm thía : ông ta vẫn luôn chờ đợi Tập Cận Bình bật đèn xanh cho việc đầu tư vào Sức mạnh Siberia 2, đường ống vận chuyển khí đốt từ Siberia sang Tân Cương. Financial Times tiết lộ, Trung Quốc ép phải bán với giá thật thấp so với giá bán cho Châu Âu, từ chối cam kết mua số lượng lớn, thậm chí còn đòi Gazprom phải chịu toàn bộ chi phí đường ống. Những đòi hỏi "quá phi lý" đối với Moskva.

Sự vắng mặt của Alexei Miller, tổng giám đốc Gazprom trong chuyến đi của Putin cho thấy thế yếu của tập đoàn khí đốt và của Nga. Từ thập niên 70, Gazprom đã xây dựng mạng lưới đường ống tại cựu lục địa, biến Châu Âu thành kẻ lệ thuộc vào năng lượng Nga. Tuy nhiên năm 2023, Gazprom chỉ bán cho Châu Âu được 1/3 khối lượng so với 2022. Khách hàng truyền thống này đã quay sang Na Uy, Qatar và Hoa Kỳ, giá mắc hơn nhưng ổn định. Hậu quả là Gazprom bị lỗ 6,4 tỉ euro, lần đầu tiên từ 25 năm qua, và vai trò đang giảm dần trong ngành kỹ nghệ khí đốt.

Tương quan kinh tế bất bình đẳng

Quan hệ kinh tế Nga-Trung hoàn toàn mất thăng bằng. GDP Trung Quốc cao gấp 10 lần Nga, và nếu Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại lớn nhất với 26% lượng trao đổi, Moskva chỉ là đối tác thứ sáu (3%) năm 2022. Không được dùng đồng đô la và bị loại khỏi hệ thống Swift, Nga đành gia tăng vị trí đồng nhân dân tệ.

Chẳng còn mấy lãnh vực mà Trung Quốc còn cần đến Nga. Trong kỹ nghệ vũ khí và năng lượng nguyên tử, hai nước cạnh tranh thay vì hợp tác. Tuy tập trận chung nhưng quân đội hai bên không có ý định hỗ tương. Hai nhà nghiên cứu Clara Fong và Lindsay Maizland nhận thấy nhiều viên chức, chủ doanh nghiệp, công dân Nga và Trung Quốc nghi kỵ lẫn nhau, các công ty khó thể làm việc chung.

Dù vậy Moskva không đến nỗi hoàn toàn bị trói tay chân trước láng giềng Trung Quốc. Vẫn có thể mua những sản phẩm bị cấm vận từ Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Các tiểu vương quốc ả rập thống nhất, các nước Trung Á ; nông sản Nga cần cho an ninh lương thực Trung Quốc, năng lực nguyên tử vẫn đáng gờm và dầu khí vẫn là thế mạnh. Tập Cận Bình không có lợi gì khi làm yếu đi đối tác chính trên trường quốc tế. Tạm gác việc tranh chấp lãnh thổ, cạnh tranh ở Trung Á, bất đồng về Ukraine, Moskva và Bắc Kinh cần đến nhau để cùng phá hoại trật tự quốc tế do phương Tây thiết lập.

Giải tán Quốc hội Pháp, Macron gây xáo động chính trường

Tình hình chính trị Pháp vẫn nóng bỏng trên trang nhất các báo hôm nay. Le Monde chạy tít "Macron giải tán Quốc hội, cực hữu trong thế mạnh", Le Figaro nhận định "Thách thức về bầu cử của Macron gây bối rối cho đảng cầm quyền". Les Echos quan tâm đến các hoạt động "vận động mạnh mẽ cho một chiến dịch chớp nhoáng". La Croix đặt câu hỏi "Liệu RN có thể thắng ?", Libération đặt hy vọng vào một "Mặt trận bình dân" mới.

Le Monde nhấn mạnh "Sau khi giải tán Quốc hội, chỉ có ba tuần lễ để tránh điều tệ hại nhất". Ba tuần chứ không phải là ba năm, tức chỉ hai mươi ngày để ngăn cực hữu lên nắm quyền tại Pháp - lần đầu tiên bằng lá phiếu - trong lúc phe này đã giành được những thắng lợi trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu. Dưới cú sốc kịch tính này, tuy hợp hiến nhưng vô cùng bất ngờ, hầu hết các nhà bình luận đều chọn cùng một hình ảnh : một ván bài tẩy.

Vấn đề là quyết định chóng vánh vào ngày 30/06 và 07/07 liên quan đến tương lai của nền dân chủ Pháp, và khuôn mặt sẽ trình ra trước các đồng minh và đối tác Châu Âu, trong khi châu lục một lần nữa phải chịu đựng chiến tranh và thế giới đang trong thảm họa khí hậu. Đặc biệt người chơi không còn là đầu trò : phiếu của đảng Phục Hưng chưa bằng phân nửa của cực hữu. Hơn bao giờ hết, tổng thống Emmanuel Macron phải đối mặt với mệnh lệnh đầy nghịch lý : làm giảm phiếu bầu cực hữu nhưng lại không có chính sách diệt trừ tận gốc nguyên nhân sâu xa.

Liên kết để chống cực hữu

Trong bài xã luận "Tập hợp để chống lại Tập Hợp (Dân Tộc)", Les Echos cho rằng không nên nhầm lẫn kẻ thù, bây giờ là lúc để lập ra một mặt trận của lý trí. Cần tập hợp các lực lượng chính trị để tránh thảm họa kinh tế và địa chính trị nếu Tập Hợp Dân Tộc (RN) chiếm đa số ở Quốc hội. Thực tế là hiện nay phe xã hội dù đã gượng dậy, hay đảng cánh hữu ôn hòa đều khó đối đầu, như vậy các đảng truyền thống cần có những hy sinh cần thiết để đưa ra những ứng cử viên chung. Liệu có thể trao chìa khóa cho những kẻ sẵn sàng làm đất nước lụn bại ? Và để yên cho Vladimir Putin xâm lược Ukraine, làm ra vẻ không biết rằng mục tiêu sắp tới là Châu Âu đã được nói rõ ?

Libération nhắc lại một tình cờ lịch sử : Đúng vào ngày này cách đây 90 năm, hai nhà lãnh đạo đảng xã hội là Léon Blum và Jean Zyromski bí mật gặp gỡ thủ lãnh đảng cộng sản Maurice Thorez, người đã chặn mọi khả năng lập ra liên minh cánh tả. Nguy cơ phát-xít đã hiển hiện, và dù vô cùng kiêu căng, Thorez hiểu được tầm quan trọng của thời điểm, đề nghị một "Mặt trận bình dân của tự do, lao động và hòa bình". Liên minh cánh tả được khởi động, và "Mặt trận bình dân" thành công chưa từng thấy.

Còn hiện nay, RN sau khi về đầu tại đại đa số thành phố Pháp trong cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu, sẽ có thể tiếp tục giành thắng lợi trong bầu cử Quốc hội. Phản ứng đầu tiên của thị trường là đồng euro và cố phiếu các công ty Pháp mất giá. Theo nhật báo thiên tả, chỉ có một Mặt trận bình dân phiên bản 2024 mới cứu vãn được tình thế.

Liệu cử tri Pháp thay đổi quan điểm ?

Le Figaro đặt câu hỏi, ông Emmanuel Macron hy vọng những gì ? Khó thể có việc người dân thay đổi hoàn toàn quan điểm chỉ trong một tháng. Tại 96/101 tỉnh, họ đã đưa RN lên vị trí đầu. Tổng thống trông cậy vào số cử tri vắng mặt lần trước để đảo ngược tình thế chăng ? Khi giải thể Quốc hội, tổng thống Macron nói rằng muốn "viết nên lịch sử thay vì chịu đựng", nhưng chừng như thực tế sẽ ngược lại. "Tôi đã lắng nghe thông điệp, cảm nhận mối quan tâm của các bạn và sẽ không để rơi vào im lặng" Emmanuel Macron tự tin nói.

Tuy nhiên theo tờ báo cánh hữu, người dân không tin vào những lời hứa nữa. Từng được coi là thành lũy chống lại cực hữu, nhưng do không hành động nhanh chóng trước tình trạng nhập cư, tội phạm... khó thể nhờ những liên kết vào phút chót mà đảng cầm quyền giữ được thể diện. Khi triệu tập bầu cử Quốc hội, Emmanuel Macron dường như muốn nói với người Pháp "Tôi trông cậy vào các bạn" để họ thay đổi ý kiến. Còn ba năm nữa mới kết thúc nhiệm kỳ, Macron đã gánh lấy rủi ro vô cùng lớn.

Moskva gia tăng gây rối trước Thế vận hội Paris

Trong khi đó với những tin giả, tấn công tin học, phá hoại..., từ nhiều tháng qua Nga tung ra vô số hoạt động để gây bất ổn cho Thế vận hội Paris, bôi xấu hình ảnh nước Pháp. Mới đây Viginum, cơ quan phụ trách giám sát các vụ xâm nhập kỹ thuật số của nước ngoài, tiết lộ một chiến dịch lớn của Kremlin mang tên búp bê Nga "Matriochka", giả mạo khoảng 500 định chế Pháp, từ cơ quan truyền thông đến Tòa đô chánh Paris.

Tuần trước, trung tâm phân tích của Microsoft chỉ ra những vụ phá rối từ nhóm Doppelgänger của Nga. Marc-Antoine Brillant, giám đốc Viginum viết trên Le Figaro, tất cả sự kiện thời sự xã hội của Pháp đều bị lợi dụng để phân cực hóa dư luận. Việc tổ chức thường theo hình kim tự tháp, với các chiến dịch do Kremlin quyết định, tình báo Nga lên kế hoạch và các cơ quan tư nhân thực hiện. Những công ty tư này tìm cách chiếm lĩnh không gian mạng với những robot có thể phổ biến thông tin mỗi 45 giây nhờ trí thông minh nhân tạo.

Chỉ còn chưa đầy 7 tuần nữa là khai mạc Thế vận hội, nỗi lo càng lớn. Mỗi lần tổng thống Emmanuel Macron lên tiếng ủng hộ Ukraine, lập tức có chiến dịch bóp méo, nhằm khơi rộng rạn nứt xã hội. Theo giáo sư David Colon, Thế vận hội là thời điểm trong mơ nhằm bôi đen hình ảnh Pháp quốc và chính quyền ở tầm quốc tế.

Từ tin tặc đến phá hoại trực tiếp

Để đối phó, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Quân lực và cơ quan an ninh, các hoạt động lũng đoạn của Nga được công khai tố cáo. Chẳng hạn một video bắt chước giống như của đài truyền hình TF1 nói rằng các nhà tài trợ cho lễ khai mạc Thế vận hội lần lượt rút lui. Các bài báo giả mạo các cơ quan truyền thông quốc gia trong đó có AFP khẳng định du khách hủy hàng loạt phòng khách sạn và Airbnb đã đặt ở Paris vì sợ khủng bố. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng, vì khó thể ước lượng được những gì đã diễn ra trên các kênh mã hóa.

Các cư dân mạng đăng lại những bài viết, hình ảnh chế giễu rốt cuộc đã phục vụ cho lợi ích của Kremlin. Từ vài tuần qua, phá hoại trên không gian mạng dần chuyển sang thế giới thực, như vụ in các bàn tay màu đỏ lên bức tường ở khu tưởng niệm diệt chủng Do Thái ngay giữa Paris, do ba người Bulgaria được Nga chi tiền, hay vụ đặt năm quan tài phủ cờ Pháp ở chân tháp Eiffel. Nhưng các chuyên gia tỏ ra lạc quan về khả năng đối phó, hệ thống tin học của 350 định chế liên quan đến Thế vận hội đang được bảo vệ chưa từng thấy.

Ukraine trong cuộc chiến không cân sức ở Kharkiv

Trên chiến trường Ukraine, phóng sự của Libération tại Kharkiv miêu tả "Cuộc kháng chiến với vũ khí bất đối xứng". Kiệt sức, ít người hơn, trang bị kém quân Nga, nhưng các chiến sĩ Ukraine vẫn chận được đợt tấn công của Moskva tung ra cách đây một tháng. Cuộc chiến đấu vẫn tiếp tục dưới sự đe dọa của drone và phi cơ địch.

Phóng viên chứng kiến một nhóm chiến binh năm người thuộc lữ đoàn tác chiến 92 Ukraine dùng drone để tấn công sang đất Nga, hạ được một chiếc thiết giáp trên đường đến Belgorod. Họ được gởi gấp đến tăng viện trước đợt tấn công của quân Nga, và trong tháng qua phải thay đổi nơi trú ẩn bốn lần. Các drone Ukraine mỗi đêm hoạt động từ 22 giờ đến 4 giờ sáng, không cần được đồng minh bật đèn xanh vì dùng đạn trong nước sản xuất.

Phương tiện của họ cũng là máy tính bảng, kính hồng ngoại… nhưng không phải trong phòng máy lạnh với màn hình lớn, mà chen chúc trong một căn hầm cùng với ruồi muỗi, nhện. Phân nửa số drone của nhóm do các tình nguyện viên chế tạo. Còn đơn vị pháo của lữ đoàn cơ giới 57 ở Vovchansk, nơi tập trung các trận đánh cũng như thành phố Lyptsi gần đó, đã lâu không được đi phép. Đa số là người tình nguyện ngay từ đầu cuộc xâm lăng, từ 26 đến 55 tuổi. Những người lính lấy làm tiếc rằng nếu họ được dùng vũ khí viện trợ trước đó, quân Nga không thể uy hiếp Kharkiv như hiện nay.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 219 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)