Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

03/04/2023

Điểm báo Pháp – Sinh viên Nga không muốn học tiếng Hoa

RFI tiếng Việt

Nga : Sinh viên khoa học phản đối bị bắt buộc học tiếng Hoa

Báo Le Monde hôm 03/04/2023 chú ý tới việc hơn một ngàn sinh viên trường đại học MFTI danh giá của Nga đã ký vào kiến nghị chống lại việc bắt buộc học tiếng Hoa trong suốt bốn năm, được cho là "phi lý và tai hại". Một số giáo sư cũng ủng hộ họ, cho rằng đối với các ngành khoa học cơ bản, tiếng Anh mới là cần thiết.

ngatrung0

Một lớp học tiếng Hoa - Ảnh minh họa

Chủ trương thù địch của Putin khiến Châu Âu thêm cảnh giác

Về việc Nga xét lại chủ thuyết đối ngoại, coi phương Tây là mối đe dọa chiến lược như thời Liên Xô cũ, Le Figaro nhận thấy đây là một thất vọng mới cho những ai vẫn còn mong đối thoại với Moskva. Đồng thời củng cố thêm lý lẽ cho quyết định truy nã Vladimir Putin của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Thêm vào đó, vụ bắt giữ nhà báo Evan Gershkovich của Wall Street Journal cũng mang màu sắc chiến tranh lạnh.

Đặc phái viên Le Figaro ở Vilnius cho biết, từ sau cuộc xâm lăng Ukraine, phi cơ NATO tuần tra thường xuyên hơn trên không phận các nước Đông Âu. Những chiến đấu cơ Rafale của Pháp nay mang theo đại bác và hỏa tiễn không đối không trong mỗi phi vụ. Trong thế giới mạng, Le Monde ghi nhận các vụ tấn công tin học vào Liên Hiệp Châu Âu (EU) trong sáu tháng qua từ 9,8% vọt lên 46,5%. Theo báo cáo ngày 29/03 của Thalès, sự gia tăng này liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine : 61% vụ tấn công trên thế giới trong một năm qua là từ Nga, và những nước ủng hộ Ukraine là nạn nhân chính.

Hiệu quả cấm vận Phương Tây : Nga bị suy thoái lâu dài

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos khẳng định cấm vận của phương Tây rõ ràng đã làm suy yếu sức mạnh của Nga. Ngay cả ông Vladimir Putin lần đầu tiên đã phải thừa nhận điều này. Các biện pháp trừng phạt nhằm lấp đầy khoảng trống giữa các tuyên bố ngoại giao ít có tác động và các hoạt động quân sự tốn kém. Đó là nhận định của Agedit Demarais, Economist Intelligence Unit (EIU). Bà nói rõ, trừng phạt không nhằm làm sụp đổ nền kinh tế hay thay đổi chế độ, mà để tác động lên khả năng tiến hành chiến tranh với Ukraine, và về mặt này, tỏ ra rất hiệu quả. L'OCDE dự báo năm nay kinh tế Nga thụt lùi 5,6%, Ngân hàng Thế giới cho rằng sẽ -3,3%.

Nhà nghiên cứu Michal Wyrebkowski của Yale School of Management ghi nhận : "Trên 1.000 công ty đa quốc gia phương Tây đã rời khỏi nga. Đối với một nước lệ thuộc vào nhập khẩu và chuyển giao công nghệ, trừng phạt đã chôn vùi giấc mơ phát triển kinh tế trong nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên". Đó chính là mục tiêu của Hoa Kỳ và đồng minh. Tổng cộng khoảng mười mấy ngàn sản phẩm đã bị Mỹ cấm vận, "nhiu hơn c Liên Hip Quc, Liên Hip Châu Âu và Canada cng li". 

Washington đang tìm cách làm giảm thị phần toàn cầu của năng lượng Nga từ 30% xuống 15% trong dài hạn. Chẳng hạn các mỏ dầu khí ở miền cực bắc Nga cần công nghệ tiên tiến mà chỉ Hoa Kỳ mới có. Không chỉ năng lượng, kỹ nghệ Nga lệ thuộc vào phương Tây. Michal Wyrebkowski giải thích, Trung Quốc chỉ cung cấp được 13,3% bảng điều khiển điện, 14,1% động cơ đốt trong và 9,8% phụ tùng máy gia công kim loại. Công nghệ thông tin Nga lệ thuộc phương Tây đến 80% nhu cầu. Chương trình thay thế hàng nhập khẩu phương Tây bằng hàng nội địa tốn kém đến hàng trăm tỉ đô la, hậu quả là Nga không thể đạt nổi mức GDP như trước chiến tranh, ít nhất đến 2027.

Nga-Iran : Liên minh cơ hội giữa hai chế độ bị thế giới tẩy chay

Trong bối cảnh đó, Nga quay sang kết thân với các chế độ độc tài khác. Le Monde nhận định "Nga-Iran : Mặt trận chung của những kẻ bị ruồng bỏ". Moskva, bị quốc tế trừng phạt do xâm lăng Ukraine và Tehran vì chương trình nguyên tử, đã nối kết với nhau trong một liên minh cơ hội. Iran cung cấp các drone Shahed-136, giúp Nga tấn công vào cơ sở hạ tầng Ukraine mà không mấy tốn kém. Hai bên sắp xây dựng tại Tatarstan (Nga) một nhà máy có thể sản xuất ít nhất 6.000 drone. Theo Sky News, vào đầu năm nay hai tàu hàng mang cờ Nga xuất phát từ Iran đã vận chuyển 100 triệu băng đạn cỡ nhỏ và 300.000 đạn pháo. Đổi lại, Teheran hy vọng được giao hỏa tiễn và chiến đấu cơ.

Tuy chưa thể là đối tác chiến lược, với viễn cảnh Iran gia nhập hai tổ chức mà Nga là thành viên, gồm BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (OCS), quan hệ đôi bên dần thăng bằng hơn dù trước nay Moskva luôn thống trị. Những thập niên qua hợp tác quân sự đôi bên không mấy suông sẻ, trong đó Iran ở thế yếu. Một cựu quân nhân Iran cay đắng kể, năm 1990, kiệt quệ sau cuộc chiến tranh với Iraq, Tehran mua vũ khí nơi nhà cung cấp của kẻ thù mình với những điều kiện khắc nghiệt. Moskva giao tiêm kích Mig-29 với tài liệu hướng dẫn tối thiểu, các phi công Iran chỉ được huấn luyện sơ sài, phụ tùng thay thế không đủ. Đến khi cả hai cùng tham chiến ở Syria và hiệp ước nguyên tử Vienna bị hủy bỏ, quan hệ mới được cải thiện.

Trao đổi thương mại tăng 20% trong năm 2022, trong khi trước cuộc xâm lăng, các nhà đầu tư cảnh báo sự khác biệt sâu sắc giữa hai nền văn hóa. Chẳng hạn "đàm phán có thể kéo dài nhiều tháng, phải uống mấy chục lít trà mới xong", "đối tác Iran coi việc không trả lời mail hay điện thoại là bình thường". Tại Teheran, cũng có những ý kiến phản đối, sợ rằng Iran hướng quá xa về Châu Á, hoặc trở thành con tin của Nga trong cuộc chiến tranh ở Ukraine.

Sinh viên một trường danh giá ở Moskva chống việc học tiếng Hoa

ngatrung1

Viện Vật lý và Công nghệ Moskva (MFTI). © Wikipedia/Vmenkov

Trên bình diện văn hóa, song song với việc siết chặt quan hệ với Bắc Kinh, thông tín viên Le Monde tại Moskva cho biết sinh viên một trường đại học nổi tiếng của Nga phản đối việc bắt buộc học tiếng Hoa.  Sinh viên Viện Vật lý và Công nghệ Moskva (MFTI) kể từ năm tới phải học Hoa ngữ trong bốn năm. Tiếng Anh được giảng dạy tiếp trong hai năm đầu, các ngoại ngữ khác như Pháp, Đức, Tây Ban Nha chỉ là nhiệm ý, phải trả phí và không được tính vào quá trình học. Hơn một ngàn sinh viên đã ký vào kiến nghị chống lại việc cải cách "phi lý và tai hại này". 

Nhìn nhận rằng tiếng Hoa "mang li nhng cơ hi mi trong mt thế gii đang thay đổi", nhưng họ cho là số lượng hợp tác với các nhà khoa học Trung Quốc chưa đạt đến mức để phải học tiếng Hoa. Các sinh viên yêu cầu "được tự do chọn lựa", vì giảng dạy ngoại ngữ là một điểm mạnh của MFTI, một trường đại học nổi bật trong việc đào tạo các nhà vật lý, sinh học, toán học, kỹ sư... Một mối lo khác là hiện chỉ có hơn một chục giảng viên tiếng Hoa, trong khi trường có 6.000 sinh viên.

Yếu tố Trung Quốc và tác hại đối với khoa học

Ai cũng thấy yếu tố địa chính trị là động cơ của chủ trương này. Hôm 28/03, một cán bộ của MFTI, Viktor Moskalev bị bắt ngay trong trường vì "tung tin thất thiệt", sau khi đăng hai lời bình trên mạng xã hội nêu ra việc "phá hủy" de Mariupol và lính Nga "cướp bóc" ở Ukraine. Vài ngày trước đó, một cuộc thuyết trình của ông Dimitri Muratov, giải Nobel Hòa bình, tổng biên tập báo Novaïa Gazeta đã bị hủy bỏ dưới áp lực của các nhóm "ái quốc". Tuy chủ đề ngoại ngữ ít nhạy cảm hơn, nhưng mang tính biểu tượng, cho thấy Nga nay lệ thuộc công nghệ Trung Quốc.

Trang web kinh tế BFM.ru khi phỏng vấn nhà vật lý thiên văn Sergei Popov, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học, đã ngạc nhiên khi ông ủng hộ quan điểm của sinh viên. Ông Popov nhấn mạnh, đối với các ngành khoa học cơ bản thì chỉ có tiếng Anh, và điều đó sẽ không thay đổi trong tương lai gần. Ông nói : "Một trăm phần trăm những gì tôi đọc và 90% những gì tôi viết là bằng tiếng Anh". Trưởng khoa Ngôn ngữ phương Đông của Viện Ngôn ngữ học (RGGU), Tarass Ivchenko cũng nhắc lại vị trí trung tâm của tiếng Anh và cảnh báo : sau bốn năm học tiếng Hoa, "sinh viên sẽ không đọc nổi một bài báo khoa học nào".

Tính chính trị làm giảm mức độ tin cậy vào tư pháp Mỹ

Nhìn sang nước Mỹ, các báo chú ý đến sự kiện lần đầu tiên một cựu tổng thống bị khởi tố hình sự. Les Echos nhận thấy "cánh hữu dân túy siết chặt hàng ngũ phía sau ông Donald Trump".  Bị lấy dấu vân tay, chụp ảnh nhìn thẳng và nghiêng, thậm chí có thể bị còng tay… Donald Trump biết rằng có thể tận dụng những hình ảnh gây sốc khi ông bị đối xử như một tên tội phạm thông thường. Trong vòng 24 giờ kể từ khi bị truy tố, tổ chức chiến dịch của ông đã huy động được hơn 4 triệu đô la, một phần tư trong số đó là từ các nhà tài trợ mới.

Đa số người Mỹ nghĩ rằng công tố viên Manhattan thiên vị. Theo một cuộc thăm dò của Quinnipiac, 62% cho rằng ông Alvin Bragg hành động chủ yếu vì lý do chính trị, so với 32% tin rằng ông muốn thực thi luật pháp. Trong số những người ủng hộ luận điểm "chính trị", có 93% đảng viên Cộng hòa và 29% đảng viên Dân chủ tin vào điều này.

Les Echos giải thích "Sự chia rẽ chính trị làm giảm giá trị của các định chế tư pháp". Tại đa số tiểu bang, các biện lý cũng như sherif hay thanh tra tài chánh được bầu ra. Và như vậy để giành được chiếc ghế, họ phải chọn phe Dân chủ hay Cộng hòa, phải vận động tranh cử, gây quỹ như các chính khách. Biện lý Alvin Bragg cũng vậy, ông được hỗ trợ bởi một hiệp hội do quỹ của tỉ phú George Soros tài trợ. Trong ba năm qua, mức độ tin tưởng vào tư pháp liên bang đã giảm đến 22 điểm, còn 47%, thấp chưa từng thấy.

Sáu câu hỏi về vụ Donald Trump bị khởi tố

Les Echos tóm tắt vụ này qua sáu câu hỏi.

1. Ông Donald Trump bị cáo buộc những gi ? Ông bị nghi mua sự im lặng của một nữ diễn viên phim khiêu dâm năm 2016. Luật sư cũ của ông đã chuyển 130.000 đô la cho cô này, vài ngày trước chiến dịch tranh cử, và ông Trump đã hoàn tiền lại, nhưng tư pháp nghi ngờ ông đã tính vào quỹ tranh cử.

2. Các tội danh ? Đến ngày mai, thứ Ba 04/04 mới được biết.

3. Donald Trump có bị vào tù hay không ? Nếu bị kết tội, khả năng này có thể diễn ra.

4. Trump có thể ra tranh cử năm 2024 ? Hiến Pháp Hoa Kỳ không cấm, và đã có tiền lệ là ứng cử viên Eugee Debs, chống lại Đệ nhất Thế chiến, năm 1920 vận động tranh cử từ trong nhà tù ở Atlanta.

5. Có tổng thống nào lâm vào trường hợp tương tự ? Gần đây có Richard Nixon và Bill Clinton, nhưng không phải bị khởi tố hình sự, mà là thủ tục "impeachment" (truất phế).

6. Tư pháp còn cáo buộc ông Trump những gì ? Về hình sự, tội can thiệp bầu cử, giữ tài liệu mật tại nhà ; về dân sự, thổi phồng giá trị của Trump Organization để vay nợ.

Pháp : Trợ tử, vấn đề nhạy cảm

Bên cạnh sự kiện cựu tổng thống Mỹ Donald Trump bị khởi tố, chiến tranh Ukraine và xu hướng các nước độc tài cấu kết với nhau, tham vấn công dân về trợ tử và an tử tại Pháp được báo chí Paris hôm nay đề cập nhiều. Le Figaro chạy tựa "Trợ tử : Macron đứng trước một quyết định nhiều rủi ro". La Croix đặt câu hỏi : "Hội nghị công dân về trợ tử, và nay sẽ là gì" - một dự luật, một sáng kiến ở Quốc hội hay trưng cầu dân ý ? Libération cho rằng "Hội nghị công dân đã phá vỡ điều cấm kỵ" lâu nay.

Theo nhật báo công giáo La Croix, câu hỏi đặt ra cho 184 thành viên của Hội nghị Công dân về việc kết thúc cuộc đời thật đơn giản, thậm chí quá đơn giản, theo một số người. Bản kết luận cho thấy cái chết êm dịu không phải là ưu tiên hàng đầu. Yêu cầu lớn nhất là củng cố hệ thống y tế để hỗ trợ tất cả bệnh nhân, và cụ thể hơn là những người ở giai đoạn cuối đời. Như vậy việc hợp pháp hóa an tử còn là sự thừa nhận thất bại. Với Le Figaro, có hai điều chưa rõ ràng. Trước hết, đa số nhân viên y tế đều chống lại việc trợ tử, sợ rằng nhiệm vụ cứu người của mình trở nên méo mó. Kế tiếp là vấn đề an tử. Triết gia Emmanuel Hirsch đánh giá "Không có luật nào đáp ứng được nỗi đau của chúng ta khi đối mặt với cái chết".

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phan Minh
Read 263 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)