Samarkand và Westminster : Sự sụp đổ quyền lực mềm của Nga và Trung Quốc
Tại Westminter, ngoài sự kính trọng được toàn thế giới dành cho nữ hoàng Elizabeth II, là hai sự chuyển giao quyền lực êm ái : một quốc vương mới và một thủ tướng mới. Cuộc họp ở Samarkand, hầu như cùng thời điểm với thất bại nặng nề của Nga ở Ukraine và sự kiện toàn cầu ở Luân Đôn, cho thấy sự sụp đổ quyền lực mềm của Moskva và Bắc Kinh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngồi chờ thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trước cuộc hội đàm bên lề hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Samarkand, Uzbekistan ngày 16/09/2022, trong khi lâu nay ông Putin thường để cho các nhà lãnh đạo khác phải đợi mình. AP - Alexandr Demyanchuk
Tang lễ nữ hoàng Anh được cử hành trọng thể tại Luân Đôn hôm nay với sự tham dự của hơn 2.000 khách mời trong đó có nhiều nguyên thủ, thành viên hoàng gia. Tội ác chiến tranh tại Izyum, vùng đất Ukraine vừa được giải phóng ; hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Đó là những chủ đề chính trên báo Pháp hôm nay.
Những khuôn mặt độc tài không được dự tang lễ thế kỷ
Le Figaro chạy tít lớn "Toàn thế giới họp lại để tưởng niệm Elizabeth II", dành bài xã luận trang nhất và nhiều bài viết ở trang trong cho nữ hoàng Anh quốc. Sau mười ngày quốc tang, hàng trăm ngàn người dân đến viếng nữ hoàng, hôm nay thế giới nói lời vĩnh biệt với Elizabeth II. Đã hơn hai thế kỷ, kể từ năm 1760 đến nay một tang lễ hoàng gia mới được tổ chức tại tu viện Westminster, có thể đón tiếp khoảng 2.200 khách mời danh dự, trong đó có trên 200 tổng thống, thủ tướng, quốc vương, hoàng hậu các nước.
Trong vòng thân hữu của nữ hoàng, có 16 vương quốc, 56 nước trong khối Thịnh Vượng Chung, sáu hoàng gia Châu Âu và hoàng đế Nhật Bản, các láng giềng, đồng minh…Hơn 1.000 giấy mời đã được gởi đi, nhưng tổng thống Nga Vladimir Putin không nhận được, bị xếp vào cùng hàng ngũ như phe Taliban ở Afghanistan, tên đao phủ Assad ở Syria và tập đoàn quân sự Miến Điện. Một lần cuối cùng, Elizabeth II đã tách biệt các kẻ thù của những giá trị dân chủ, đa phương và hòa bình, thần dân của bà sẽ nhớ rõ điều này.
Izyum, tội ác chiến tranh mới sau Bucha
Liên quan đến Ukraine, Le Monde chạy tựa trang nhất "Nga một lần nữa bị tố cáo tội ác chiến tranh". La Croix nhận thấy "Trong thành phố Izyum bị tàn phá, bóng tối của những tội ác chiến tranh mới". Đặc phái viên Le Figaro mô tả "Cảnh kinh hoàng ở nghĩa trang Izyum". Les Echos ghi nhận "Nga bị cáo buộc tội ác chiến tranh và ngày càng bị cô lập".
Một chương kinh hoàng mới lại mở ra từ cuối tuần qua tại thành phố 40.000 dân bị quân Nga chiếm hồi tháng Tư sau một tháng giao tranh dữ dội, và được Ukraine giành lại ngày 10/09. Các nhà điều tra trong trang bị bảo hộ màu xanh cật lực làm việc tại một nghĩa trang mọc lên trong một khu rừng thông ở ngoại vi thành phố. Nơi đây, xác của trên 450 người Ukraine đã được chở đến chôn trong 5 tháng chiếm đóng. Trong số những xác được khai quật, có người tay bị trói sau lưng, có người mang dấu vết bị thắt cổ, và theo chính quyền địa phương, đến 99 % có dấu hiệu bị tra tấn. Theo các nhân chứng, những ngôi mộ có thập giá, tên tuổi là nhờ thân nhân chi tiền cho lính Nga, còn mộ vô danh là người chết trên đường phố. Cũng có những người chết đói vì khu vực họ ở bị cô lập, người chết vì bệnh hoặc bị thương nhưng không được chữa trị.
"Thiên lý nhãn" đang làm thay đổi cuộc chiến ở Ukraine
Cũng tại Izyum, Libération đến với những chiến binh đang chuẩn bị vũ khí và các drone high-tech cho những trận tấn công sắp tới. Theo lời những chiến sĩ của lữ đoàn 120 Ukraine, số tù binh Nga bắt được trong trận phản công vừa qua lên đến 10.000 người và theo tình báo Anh, cuộc đột kích của Ukraine đã đặt sư đoàn cận vệ xe tăng số 1 ra ngoài vòng chiến. Tờ Forbes của Ukraine cho biết 2.850 lính Nga đã tử trận và 590 phương tiện bị phá hủy gồm xe tăng, xe bọc thép, giàn pháo… Tất cả diễn ra rất chóng vánh, nhờ những "mắt thần" của Ukraine, cuộc giao tranh chỉ kéo dài vài giờ.
Ba người lính thuộc đơn vị đặc biệt Aerorozveka phụ trách giám sát trên không của lữ đoàn 120 nhấn mạnh : "Mắt của chúng tôi là những drone này, và những gì làm được trong những ngày qua đang thay đổi chiều hướng cuộc chiến". Sau khi bị xâm lăng, Bộ Tổng tham mưu Ukraine đã tung ra dự án quy mô "Đôi mắt", tăng gấp đôi số đơn vị có trang bị drone. Song song đó, chính phủ có chương trình "Đạo quân drone" dựa vào United24, một nền tảng huy động vốn từ cộng đồng để nhanh chóng trang bị 10.000 drone.
Những toán ba người bố trí dọc theo tiền tuyến sở hữu những drone tinh nhạy Matrice 300 RTK, mà ống kính có thể phân biệt được vật thể ở xa 15-20 km. Một binh sĩ cho biết có thể nhìn thấy một xe tăng đang chạy, một người đang đi, thậm chí bảng số xe… Khi cuộc phản công bắt đầu, lực lượng Ukraine cứ mỗi 10 km lại có 1 drone. Nhờ các thiết bị Starlink của tỉ phú Elon Musk, những "thiên lý nhãn" của Ukraine cung cấp cho các sĩ quan cao cấp ở Kiev những hình ảnh thực 24/24 từ chiến trường. Chỉ cần lướt ngón tay trên máy tính bảng, họ có được tọa độ chính xác của mục tiêu và ra lệnh khai hỏa. Trong ba ngày tái chiếm Izyum, pháo binh Ukraine với công nghệ mới đã làm tan tác quân Nga, mở đường cho lính dù của lữ đoàn 25 nhảy xuống thành phố gần như vắng bóng địch.
Putin trắng tay tại hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải
Về quan hệ quốc tế, Les Echos nhận định "Trong ngõ cụt, Putin ra về tay trắng từ Samarkand". Tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (OCS) ở Uzbekistan với 15 nhà lãnh đạo các nước "bạn bè", tổng thống Nga muốn chứng tỏ với phương Tây là không hề bị cô lập, nhưng ông ta lại chịu áp lực từ các đồng minh và đối tác. Mặc cho những cái bắt tay thắm thiết, vào lúc Moskva đang bị lên án vì tội ác ở Izyum, ông chủ điện Kremlin không nhận được bất cứ một tuyên bố ủng hộ nào tại Samarkand về hồ sơ quan trọng Ukraine.
Bản thân Vladimir Putin nhìn nhận Tập Cận Bình trong hậu trường đã bày tỏ mối "quan ngại". Tại phiên họp toàn thể, đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi chấm dứt cuộc chiến "càng sớm càng tốt". Tổng thống nước chủ nhà Shavkat Mirziyoyev không ngừng cổ vũ "đối thoại", còn Kassym-Jomart Tokayev, tổng thống Kazakhstan - nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ - công khai nhấn mạnh đến việc tôn trọng "toàn vẹn lãnh thổ". Các nhà lãnh đạo khác chỉ đơn giản nêu ra "cuộc khủng hoảng Ukraine" và giữ một khoảng cách gây bối rối cho Kremlin.
Và đòn sấm sét đến từ Narendra Modi. Phát biểu trước báo chí vào đầu cuộc họp song phương, thủ tướng Ấn Độ nói với Vladimir Putin : "Tôi biết rằng chiến tranh lúc này là không nên". Một thành viên phái đoàn Ấn nói với Les Echos, đây là lần đầu tiên ông Modi, có lẽ dưới áp lực của Hoa Kỳ, đã sửa lưng Putin như thế, mặc nhiên lên án cuộc chiến của ông ta.
Đã hẳn Vladimir Putin dẫn dụ về chuyện làm ăn ở Samarkand. Nga bán cho Trung Quốc 50 tỉ mét khối khí đốt một năm thay vì cho Châu Âu, với Thổ Nhĩ Kỳ thì cho trả 25% bằng đồng rúp, ký hợp đồng 4,6 tỉ đô la với Uzbekistan. Ấn Độ cũng lợi dụng mua vũ khí, dầu lửa và phân bón Nga với giá rẻ. Một loan báo khác lẽ ra phải có tiếng vang : cho không 300.000 tấn phân bón đối với các nước đang phát triển, nhưng tất cả hầu như không gây ấn tượng nào. Bởi vì đang trong thế kẹt, Vladimir Putin ra về tay trắng về chính trị.
Nga lép vế, Tập Cận Bình đóng vai thủ lãnh chống phương Tây
Trong khi đó Le Monde nhận thấy "Tại Samarkand, Tập Cận Bình đóng vai thủ lãnh phe chống phương Tây". Một tháng nữa, ông Tập sẽ tiếp tục nắm giữ chức tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc một nhiệm kỳ thứ ba. Hai tháng nữa, ông sẽ gặp tổng thống Mỹ Joe Biden bên lề G20 ở Indonesia. Nhưng chưa chi Tập Cận Bình đã quyết định đẩy nhanh việc thiết lập một trật tự thế giới mới. OCS là tổ chức quốc tế duy nhất có một cái tên Trung Quốc, thế nên rất quan trọng với Bắc Kinh cho dù Nga vẫn giữ vai trò chính. Theo nhà Trung Quốc học Emmanuel Lincot, rõ ràng đây là một dạng chiến tranh lạnh.
Tập Cận Bình đưa ra lộ trình năm điểm về an ninh, chính trị và hợp tác kinh tế, trong đó có ý đồ sâu xa về Tân Cương. Bị co kéo giữa Nga và Trung Quốc, OCS còn bộc lộ những điểm yếu khác. Ngay trong hội nghị thượng đỉnh, giao tranh vẫn diễn ra ở biên giới hai nước thành viên Kyrgyzstan và Tadjikistan. Ông Tập không gặp riêng thủ tướng Ấn Độ, và không ai biết xử sự ra sao với phe Taliban ở Afghanistan.
Doanh nghiệp Châu Âu bắt đầu quay lưng với Trung Quốc
Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos cho biết các công ty Châu Âu ngày càng quay lưng lại với Trung Quốc. Tuy tổng đầu tư của Châu Âu vào Trung Quốc những năm gần đây có vẻ ổn định, nhưng đó là nhờ một ít tập đoàn chủ yếu là Đức. Đây là dấu hiệu cho thấy tâm lý ngờ vực ngày càng cao đối với nền kinh tế thứ nhì thế giới. Nhật báo kinh tế đưa ví dụ tập đoàn BASF của Đức vừa khai mạc một nhà máy hóa chất tại Quảng Đông trị giá 10 tỉ euro, sự kiện hiếm thấy là có sự hiện diện của phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính (Han Zheng). Nhưng phía sau những bài diễn văn hùng hồn, một cây không che được rừng.
Thời kỳ các doanh nghiệp phương Tây cúi đầu xin một suất đầu tư đã xa rồi - một nghiên cứu của nhóm Rhodium nhấn mạnh. Hiện bốn tập đoàn Đức Volkswagen, BMW, Daimler và BASF chiếm đến 1/3 tổng đầu tư của Liên Hiệp Châu Âu vào Trung Quốc. Những năm gần đây, hầu như không có thêm công ty Châu Âu mới chọn lựa thị trường Hoa lục, số vụ chuyển nhượng trên 1 triệu euro chỉ còn phân nửa. Sự thiếu minh bạch và zero Covid làm rủi ro tăng cao cho nhà đầu tư. Về phía Berlin cũng đang chuẩn bị giảm lệ thuộc vào Bắc Kinh qua việc siết chặt điều kiện bảo đảm của Nhà nước.
Quyền lực mềm phương Tây lên ngôi ở Westminster, trước Samarkand thù địch
Les Echos cũng so sánh hai sự kiện lớn hôm nay qua bài phân tích "Thế giới giữa Samarkand và Westminster". Thoạt nhìn có thể ngỡ Câu lạc bộ Thượng Hải là biểu tượng cho tương lai thế giới, còn tang lễ nữ hoàng Anh tiêu biểu cho quá khứ. Một bên là trọng tâm thế giới dịch chuyển về Châu Á, bên kia là sự kiện toàn cầu nhưng không che giấu được sự xuống dốc của nước Anh, của Châu Âu và có thể cả phương Tây chăng ? Nhưng thực tế ngược lại, tình hình phức tạp hơn nhiều. OCS, tập hợp đa dạng này là cả một sự nhập nhằng. Chống phương Tây hay trung lập ? Nghịch lý ấy được đào sâu từ khi Nga bắt đầu cuộc phiêu lưu quân sự thảm hại ở Ukraine, sự thù ghét phương Tây không đủ làm chất xi-măng gắn kết.
Trung Quốc ủng hộ cuộc chiến của Nga nhưng Tập Cận Bình trước khi đến Samarkand đã dừng lại ở Kazakhstan, để chứng tỏ tương lai nước này lệ thuộc Bắc Kinh nhiều hơn là Moskva. Từ đầu cuộc xâm lăng Ukraine, New Delhi từ chối chọn lựa giữa Moskva và Kiev. Tuy nhiên hiểm họa về lâu về dài cho Ấn Độ là Trung Quốc, và chẳng phải Moskva có thể bảo vệ được Ấn mà là Washington. Khi từ chối đứng về phe dân chủ, phải chăng Ấn Độ của Narendra Modi đã hy sinh lợi ích lâu dài cho lợi ích trước mắt (Ấn Độ lệ thuộc một phần vào vũ khí Nga). Nước Ấn không liên kết của Nehru ngày xưa, nay muốn chối từ thực tại ?
Còn Iran, không thành viên OCS nào muốn nước này trở thành cường quốc nguyên tử, nhưng đây lại là tham vọng chính của Tehran. Về phần Nga khi chọn lựa Châu Á trong khi cội rễ văn hóa sâu sắc là Châu Âu, có nguy cơ tự trói chặt tay chân vào Trung Quốc. Và khó có việc Tập Cận Bình trực tiếp cứu nguy cho Putin ở Ukraine. Tại đông bắc Ukraine, việc quân Nga bại trận chạy dài đã tạo ra nhiều nạn nhân liên đới. Cho dù chiến tranh còn lâu mới kết thúc, nhưng rõ ràng Bắc Kinh đã có chọn lựa sai lầm, vào thời điểm tệ hại.
Tại Westminter, là hai sự chuyển đổi êm ả : một tân vương và một tân thủ tướng. Cuộc họp ở Samarkand, trùng hợp với thời điểm Nga thất bại nặng nề ở Ukraine và vinh dự toàn thế giới dành cho vị nữ hoàng được yêu mến, cho thấy quyền lực mềm (nếu không phải là quyền lực) của Nga và Trung Quốc đã sụp đổ. Ngày lễ toàn cầu ở Westminster, tương phản hẳn với các chế độ độc tài, củng cố thêm quyền lực mềm của thế giới tự do. Putin và Tập đã toan chôn vùi quá sớm các giá trị phương Tây.
Thụy My