Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

16/09/2022

Điểm báo Pháp - Putin thất bại trong việc nhờ Tập Cận Bình giúp đỡ

RFI tiếng Việt

Chiến tranh Ukraine : Putin thất bại trong việc nhờ Tập Cận Bình giúp đỡ cụ thể

Dù không được nêu bật thành tựa lớn trang nhất, nhưng cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Uzbekistan cũng như sự kiện đảng cực hữu "chính thức" trở thành một thế lực chính trị hàng đầu tại Thụy Điển là hai chủ đề rất được báo chí Pháp ra ngày hôm nay 16/09/2022 quan tâm. 

putin1

Tổng thống Nga Vladimir Putin họp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Samarkand, Uzbekistan, ngày 15/09/2022 via Reuters - Sputnik

Trong một khung nhỏ trên trang nhất của mình, bên trên một bức ảnh chụp chủ tịch Trung Quốc ngồi họp cùng với tổng thống Nga Valadimir Putin vào hôm qua, thứ Năm 15/09 tại Uzbekistan, nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa : "Moskva hoài công tìm kiếm một hậu thuẫn thực thụ của Bắc Kinh". 

Tờ báo ghi nhận sự kiện là lần đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, tổng thống Vladimir Putin đã gặp người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình. Mục tiêu của ông Putin là tìm được sự ủng hộ của chế độ Trung Quốc để đối phó với phương Tây. 

Putin không được gì ngoài các tuyên bố hữu nghị

Tuy nhiên, theo Les Echos, tổng thống Nga đã không thu hoạch được gì ngoài những lời tuyên bố long trọng từ phía chủ tịch Trung Quốc. Đối với tờ báo Pháp, "nếu Bắc Kinh, giống như New Delhi, đã gia tăng việc mua dầu của Nga, thì họ vẫn không cung cấp vũ khí. Mặt khác, các công ty Trung Quốc vẫn tránh thị trường Nga để không bị trừng phạt trên các thị trường phương Tây, vốn lớn hơn gấp 20 lần". 

Trong bài phân tích mang tựa đề "Nga-Trung : Vladimir Putin tuyệt vọng tìm kiếm sự ủng hộ từ Tập Cận Bình", Les Echos không ngần ngại mỉa mai : "Cuộc gặp đầu tiên, tại Uzbekistan, giữa tổng thống Nga và đồng nhiệm Trung Quốc kể từ khi quân đội Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine đã làm nảy sinh những tuyên bố hùng hồn về tình hữu nghị. Nhưng liên quan đến các dấu hiệu trợ giúp cụ thể, Điện Kremlin có khả năng phải kiên nhẫn thêm". 

Tờ báo đã trích dẫn bà Tatiana Kastouéva-Jean, nhà nghiên cứu chuyên về Nga tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI ở Paris cho rằng : "Trong bối cảnh phải đối đầu với phương Tây, quan hệ với Trung Quốc mang ý nghĩa quyết định đối với Vladimir Putin, từ các hỗ trợ chính trị, cho đến vấn đề thị trường hydrocarbon, nguồn tài chính… Khả năng Nga vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện tại phụ thuộc rất nhiều vào người bạn Trung Quốc". 

Có điều là cho đến nay, ngoài những lời hay, ý đẹp về tình hữu nghị, quan hệ hợp tác và hội tụ quan điểm trong vấn đề chống phương Tây, Bắc Kinh vẫn cẩn thận không biến lời nói thành những hành động cụ thể để giúp đỡ Nga trong hồ sơ Ukraine : không cung cấp vũ khí, cũng như không xuất khẩu các thành phần công nghiệp, bao gồm cả linh kiện bán dẫn rất cần thiết nhưng đang bị phương Tây cấm vận. 

Đối với Les Echos, đây thực sự là một vấn đề đau đầu cho các ngành công nghiệp, dân sự và quân sự của Nga, bởi vì trong thực tế, các công ty Trung Quốc đều tôn trọng các lệnh trừng phạt của phương Tây. Họ không quên rằng đối với họ, thị trường Mỹ bình quân quan trọng hơn gấp tám lần thị trường Nga.  

Theo tờ báo, nếu trước đây, Trung Quốc đã thận trọng như vậy, thì hiện nay, trong bối cảnh mà chuyên gia Tatiana Kastouéva-Jean ghi nhận là "thất bại quân sự trên chiến địa, và tâm lý hoài nghi về tương lai ngày càng mạnh trong giới tinh hoa Nga", Vladimir Putin khó có thể nhận được nhiều từ Tập Cận Bình. 

Bắc Kinh hùng hồn hơn trong việc chống phương Tây

Trong bài phân tích về cuộc gặp Nga-Trung, Le Monde cũng ghi nhận việc "Vladimir Putin tìm kiếm sự ủng hộ chống phương Tây từ Tập Cận Bình", nhưng nhấn mạnh đến việc tổng thống Nga cũng muốn Trung Quốc từ bỏ thái độ "trung lập" hình thức trong cuộc chiến Ukraine để dứt khoát hơn trong việc hậu thuẫn cho Nga. 

Le Monde đã trích lời nhà nghiên cứu Temur Umarov, chuyên gia về quan hệ Trung-Nga và Trung Á tại Quỹ Carnegie ở Moskva cho rằng : "Khi Nga phát động cuộc chiến chống Ukraine, họ không hề tính đến lợi ích cũng như phản ứng của Bắc Kinh - cũng như của các nước khác - do đó, các hành động của họ không hề dựa trên sự ủng hộ của bên này hay bên kia".  

Vào lúc này, cũng theo chuyên gia Umarov, Vladimir Putin mong đợi sự ủng hộ từ người đồng cấp Trung Quốc cả trong hành động cũng  như trong phát biểu : "Nga đang cố gắng thúc đẩy Trung Quốc đi xa hơn nữa theo hướng đối đầu với phương Tây (…). Điều mà Putin mong đợi từ hội nghị thượng đỉnh Samarkand là những tuyên bố dứt khoát hơn của Bắc Kinh về việc chống lại quyền bá chủ toàn cầu của Mỹ". 

Trên vấn đề này, Le Monde ghi nhận hai tín hiệu thể hiện rõ ràng hậu thuẫn mà Bắc Kinh dành cho Moskva : Từ tháng Hai đến nay, Tập Cận Bình chưa bao giờ nói chuyện qua điện thoại với tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và mới đây, khi đến Moskva để chuẩn bị cho cuộc gặp Putin-Tập Cận Bình vào hôm qua, nhân vật số ba trong chế độ Bắc Kinh là chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư đã không ngần ngại tuyên bố công khai rằng Trung Quốc "hoàn toàn hiểu rõ sự cần thiết của tất cả các biện pháp mà Nga thực hiện để bảo vệ các lợi ích cơ bản của mình" và "đang cung cấp sự giúp đỡ thông qua các hành động có phối hợp". 

Le Monde nhắc lại rằng cho đến nay, dù gia tăng mua dầu và than của Nga, thì dường như Trung Quốc vẫn không cung cấp viện trợ quân sự cho Moskva. Tờ báo đã trích lời chuyên gia Temur Umarov cho rằng "Trung Quốc rất cẩn thận và tuân thủ chặt chẽ các lệnh trừng phạt quốc tế", và trước mắt khó có chuyện các công ty Trung Quốc chuyển giao công nghệ dùng trong quân sự cho Nga.  

Thế nhưng chuyên gia này cũng cho rằng trong tương lai, Trung Quốc "sẽ thiết lập các cơ chế đặc biệt như họ đã làm với Iran và Bắc Triều Tiên, để xuất khẩu công nghệ trong khi vẫn thoát khỏi các lệnh trừng phạt". 

Liên Âu có thể là tường thành hiệu quả ngăn cực hữu

Riêng về thời sự Châu Âu, sự vươn lên ngoạn mục của phe cực hữu trong cuộc bầu cử Quốc hội tại Thụy Điển, mà kết quả được công bố hôm qua cũng là chủ đề được báo Pháp chú ý trên trang nhất, với hai bài xã luận trên La Croix Le Figaro.

Trên trang nhất của mình, bên trên một bức ảnh lớn chụp lãnh đạo đảng Dân Chủ Thụy Điển cực hữu cùng ban tranh cử của ông tối 11/09, tức là ngày bầu cử tại Thụy Điển, Le Monde chạy tựa "Tại Thụy Điển, cực hữu trở thành tâm điểm của bàn cờ chính trị". 

Tờ báo ghi nhận : Khối cánh hữu rốt cuộc đã giành chiến thắng trước liên minh cánh tả trong cuộc bầu cử. Vấn đề đặt ra là cánh hữu bảo thủ truyền thống sẽ phải thỏa hiệp với Đảng Dân Chủ Thụy Điển, một đảng dân tộc chủ nghĩa, hiện đã vươn lên thành đảng lớn thứ hai trong nước và là đảng đứng đầu bên cánh hữu. 

Trong bài xã luận mang tựa đề "Bức tường thành", viết về cuộc bầu cử tại Thụy Điển, nhật báo công giáo Pháp La Croix không tránh khỏi lo lắng : "Một lần nữa, những luồng gió dân tộc chủ nghĩa đang thổi mạnh ở Châu Âu". Tờ báo ghi nhận : "Sau Pháp, chính ở Thụy Điển, một đảng có nguồn gốc cực hữu đã đạt được điểm số lịch sử".  

Đối với La Croix, trước đà vươn lên của xu hướng cực hữu, các đảng truyền thống đã tìm cách gọi là "ma quỷ hóa", tức là nhấn mạnh lên tính chất xấu xa của các tư tưởng cực đoan, hoặc là "bắt chước", tức lấy lại các chủ đề "ăn khách" của các thành phần dân tộc chủ nghĩa. Thực tế cho thấy là cả hai cách này đều thất bại. 

Rốt cuộc, theo La Croix, bức tường thành chống cực hữu hiệu quả có thể là Liên Hiệp Châu Âu, mà Thụy Điển sẽ lên làm chủ tịch luân phiên từ tháng Giêng tới đây, cho phép giải quyết một số lo lắng ảnh hưởng đến người dân Châu Âu trước quá trình toàn cầu hóa. 

Châu Âu phải học cách sống chung với cực hữu

Cũng trên trang nhất, trong một khung nhỏ, nhật báo thiên hữu Le Figaro đã nhấn mạnh đến đà vươn lên của các đảng cực hữu trên toàn Châu Âu qua ví dụ ở Thụy Điển và ở Ý. Tờ báo chạy tựa "Thụy Điển, Ý : Châu Âu dưới áp lực của chủ nghĩa dân tộc" 

Theo Le Figaro, đảng Dân Chủ Thụy Điển chống nhập cư của ông Jimmie Akesson, đã trở thành lực lượng đầu tiên bên cánh hữu của chính trường nước này, và sẽ ảnh hưởng đến chính sách của liên minh cánh hữu lên cầm quyền tại Stockholm trong tương lai vì đảng bảo thủ thuộc phe ôn hòa sẽ chỉ có thể điều hành đất nước với sự hỗ trợ của cực hữu. 

Tuy nhiên, Le Figaro đã trấn an ngay rằng có rất ít khả năng đảng cực hữu Thụy Điển tham gia chính phủ, nhưng với số dân biểu mà họ nắm trong tay, các đảng cánh hữu còn lại không thể xem nhẹ ý kiến của họ nữa. 

Đối với tờ báo thiên hữu Pháp, ngay sau Thụy Điển, kịch bản cực hữu "lên ngôi" có thể tái diễn ở Ý với cuộc bầu cử lập pháp sẽ diễn ra trong vài ngày tới đây. Theo các cuộc thăm dò dư luận, lãnh đạo của đảng cực hữu Ý Fratelli d’Italia (Anh em nước Ý), bà Giorgia Meloni có cơ hội tốt trở thành thủ tướng. Và tờ báo đã giới thiệu một bài phỏng vấn độc quyền nữ chính khách này, trong đó bà đã tiết lộ tầm nhìn của mình về Châu Âu. 

Hiện tượng cực hữu vươn lên tại Ý và Thụy Điển đã tạo ra nhiều phản ứng lo ngại. Nhưng trái với La Croix, Le Figaro tỏ ra không mấy lo lắng. Trong bài xã luận mang tựa đề "Ván bài mới", tờ báo cho rằng các chủ trương cô lập cực hữu hầu như đều thất bại ở mọi nơi, ngoại trừ ở Pháp và Đức. Do đó, tờ báo cho rằng người Châu Âu nên học cách "sống với tình thế mới này, một tình thế chắc chắn sẽ thúc đẩy những thay đổi". 

Đô la Mỹ vẫn mạnh hơn euro

Ngoài hai chủ đề chung kể trên, tựa lớn trang nhất các báo hôm nay được dành cho các hồ sơ hoàn toàn khác nhau, từ thế mạnh của đồng đô la Mỹ trên Le Monde, hy vọng không bị thảm bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ của tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden trên Le Monde, cho đến tâm lý lạc quan chống được dịch Covid-19 trên Le Figaro, hay kế sách chống lạm phát của các doanh nghiệp Pháp trên Les Echos

Về sức mạnh của đồng đô la Mỹ, Le Monde nêu bật "Lạm phát, nợ nần : Các tác động của uy thế thống trị của đồng đô la". 

Le Monde ghi nhận : Trong bối cảnh bất ổn về kinh tế và địa chính trị, đồng tiền của Hoa Kỳ đã vượt quá đồng euro lần đầu tiên kể từ năm 2002. Theo tờ báo, giá trị của đồng đô la có liên quan đến sự gia tăng tỷ giá, nhưng cũng phản ánh sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và tương quan lực lượng trên hành tinh. 

Vấn đề là sự tăng giá của đồng đô la, cộng với giá thực phẩm và dầu khí tăng cao, đang thúc đẩy giá cả nói chung tăng vọt và làm suy yếu thêm các nước nghèo nhất. 

Theo Le Monde, đồng euro giảm giá đã làm trầm trọng thêm lạm phát ở Pháp, đặc biệt là về hóa đơn năng lượng, trong khi hiệu quả cạnh tranh chưa thấy đâu. 

Hai mươi ba năm sau, những hứa hẹn khi được khai sinh, đồng tiền Châu Âu duy nhất đã không thực sự cạnh tranh với tờ giấy bạc xanh, tức là đồng đô la Mỹ. 

Uy tín Joe Biden bất ngờ tăng cao trở lại

Cũng liên quan đến Mỹ, nhưng trên bình diện chính trị, Libération nêu bật : "Bầu cử giữa kỳ - Biden, người trở về (từ cõi âm", chơi chữ trên từ revenant, vừa có nghĩa là "người trở về", vừa có nghĩa là "hồn ma".

Trong bài xã luận "Trước cuộc bầu cử giữa kỳ, đà vươn lên mong manh và bất ngờ của Joe Biden", Libération thấy rằng một vài tuần trước cuộc bầu cử giữa kỳ, vào một thời điểm không hề thuận lợi cho phe đang cầm quyền, tổng thống thuộc đảng Dân Chủ dường như đã hòa giải được với một phần cử tri của mình và thậm chí một thất bại vừa phải sắp tới đây sẽ là điều đáng khích lệ. 

Ông Joe Biden và đảng Dân Chủ đã lấy lại được một phần uy tín nhờ những đạo luật được cho là can đảm, như việc xóa nợ cho sinh viên hay luật về các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng đã thúc đẩy việc tạo ra việc làm mới. 

Đối mặt với hàng loạt các sáng kiến ngoạn mục này, người Mỹ có thể đã hiểu hậu quả của một cuộc bỏ phiếu cho phe đối lập Đảng Cộng hòa : gia tăng sự chia rẽ đang đe dọa đất nước trong việc quyền phá thai bị phủ nhận hay khả năng Donald Trump có thể trở lại. 

Đối với Libération, một thất bại vừa phải của phe Dân Chủ sắp tới đây sẽ không chữa khỏi tình trạng chia rẽ nội bộ của đất nước, nhưng sẽ là một dấu hiệu đáng khích lệ cho tương lai. 

Le Figaro: Tại sao Covid không gây lo ngại nữa

Tựa lớn trang nhất Le Figaro được dành cho lãnh vực y tế : "Covid, tại sao khủng hoảng lại ở phía sau chúng ta ?".

Theo tờ báo số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng khi mùa thu đến, nhưng các chuyên gia tỏ vẻ tin tưởng. Nhờ có vac-xin và khả năng miễn dịch tập thể, đợt thứ tám này hứa hẹn sẽ ít nghiêm trọng hơn những đợt trước. 

Không giống như các đợt trước, đợt bùng phát dịch trở lại không phải do một biến thể mới, dễ lây lan hơn, mà do tính chất theo mùa và sự gia tăng tiếp xúc trở lại sau kỳ nghỉ hè. 

Trong vài tháng tới, khả năng bảo vệ bằng vac-xin sẽ trở nên hiệu quả hơn nhiều, nhờ vào vac-xin đầu tiên nhắm trực tiếp vào biến thể Omicron của Moderna và Pfizer/BioNTech. 

"Tiền lương, lạm phát : Phản ứng của các công ty" 

Các cuộc đàm phán lương bổng đang được mở ra tại nhiều doanh nghiệp vào lúc lạm phát đã vượt mức 6%. Les Echos điểm qua tình hình của 4 ngành nghề chính : Công nghiệp xe hơi, phân phối hàng tiêu dùng, xây dựng, nhà hàng.

"Hẹn nhau tại lâu đài" 

Ngày Di Sản Châu Âu là dịp để một số chủ lâu đài tại Pháp mở cửa dinh thự của mình cho khách vào tham quan. Cách làm này thường xuất phát từ nhu cầu tài chánh.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 343 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)