Nga đã trở thành chư hầu của Trung Quốc như thế nào ?
Trên Le Figaro, chuyên gia Alexander Gabuev coi Nga là "chư hầu mới" của Trung Quốc. Ông nhận thấy cuộc chiến tranh ở Ukraine đã cắt rời Nga khỏi thế giới phương Tây, Kremlin chỉ còn có thể trông cậy vào Trung Quốc để sống sót. Sự lệ thuộc này sẽ biến Nga thành công cụ, rất hữu ích cho cuộc cạnh tranh giữa chế độ Bắc Kinh với Washington.
Được khánh thành vào tháng 6 năm 2022, chiếc cầu đường bộ xuyên biên giới đầu tiên bắc qua sông Amur nối thành phố Blagoveshchensk của Nga với thành phố Heihe của Trung Quốc. Ảnh Vùng Amur / Dịch vụ báo chí của chính phủ / AFP
Tình hữu nghị nhập nhằng giữa Moskva và Bắc Kinh
Chuyến thăm Moskva của ông Tập Cận Bình tiếp tục được các báo chú ý nhiều nhất. Les Echos nhận thấy "Dưới khung cảnh vàng son của Kremlin, Vladimir Putin và Tập Cận Bình mừng một tình hữu nghị vẫn luôn nhập nhằng". Tờ báo dẫn lời một nhà ngoại giao Châu Âu cho rằng chuyến thăm ba ngày này "là một món quà thực sự cho Putin, bảo đảm một dạng đặc miễn ngoại giao hữu ích trong lúc này. Nhưng đó cũng là một nụ hôn thần chết". Putin hiểu rằng Nga không là gì cả trước Trung Quốc.
Le Monde nói về "sự ủng hộ có tính toán của Tập Cận Bình". Cho đến nay, chừng như Trung Quốc vẫn không trực tiếp giao vũ khí cho Moskva, và cũng không xuất khẩu ồ ạt các loại phụ tùng, chất bán dẫn đang bị phương Tây cấm vận. Kremlin hy vọng một thỏa thuận đổi vũ khí lấy công nghệ nguyên tử Nga mà Bắc Kinh đang cần, nhưng liệu Trung Quốc có dám chấp nhận rủi ro bị trừng phạt ? Về phía Nga, 50 tỉ mét khối khí đốt lâu nay bán cho phương Tây nay sẽ đổi hướng sang Trung Quốc. Nhưng ngoài năng lượng, ít có hợp tác trong những lãnh vực khác, và giới doanh nhân Nga vẫn thích làm việc với người Châu Âu hơn là người Hoa.
Từ vài ngày qua, Bộ ngoại giao Trung Quốc giải thích chuyến công du của ông Tập Cận Bình nhằm mục đích "hữu nghị, hợp tác, hòa bình". Le Monde lưu ý trật tự này là quan trọng : Ukraine đứng ở cuối, sau quan hệ Nga-Trung. Hôm 16/03, China Daily đăng một bài viết dài ca ngợi các hoạt động của Tập Cận Bình từ mười năm qua, nhưng cả nước Nga lẫn Vladimir Putin đều không được nhắc đến.
Quá lệ thuộc vào Trung Quốc, Nga trở thành chư hầu
Cũng về quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh, Le Figaro giải thích "Nga đã trở thành chư hầu của đế quốc Trung Hoa như thế nào". Theo tờ báo, "tình hữu nghị không giới hạn" trên các tuyên bố chính thức chỉ là ngoài mặt.
Tháng 11 năm ngoái, hãng xe hơi Moskvitch tưng bừng giới thiệu mẫu xe mới Moskvitch 3, được quảng cáo là một thành tựu kỹ thuật. Đây là kiểu xe "nội địa" đầu tiên ra đời từ nhà máy của tập đoàn Pháp Renault - đã bán đổ bán tháo cổ phần lại cho hãng Nga AvtoVAZ và rời nước Nga sau khi Putin khởi đầu cuộc xâm lăng Ukraine. Tuy nhiên ngay sau đó một phóng sự của kênh truyền hình Za Rouliom chuyên về xe hơi tiết lộ, kiểu xe này thực ra hoàn toàn được sản xuất và lắp ráp tại Trung Quốc, rồi thêm vào vài phụ tùng để gắn nhãn "made in Russia". Bị lộ tẩy, chính quyền bèn hứa sẽ có xe hơi "100% Nga" vào năm... 2025. Thị phần xe hơi Trung Quốc từ 7% năm 2021 đã tăng lên 18% cuối 2022, và được dự báo sẽ là 60% năm nay.
Xe hơi là một ví dụ cho thấy ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh lên nền kinh tế Nga kể từ sau "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, khiến chuyên gia Alexander Gabuev của Viện Carnegie gọi Nga là "chư hầu mới" của Trung Quốc. Ông nhận thấy "Cuộc chiến tranh ở Ukraine đã cắt rời Nga khỏi thế giới phương Tây. Bị trừng phạt, bị báo chí quốc tế tố cáo, bị tẩy chay khỏi các sự kiện văn hóa quan trọng của toàn cầu, Kremlin chỉ còn có thể trông cậy vào Trung Quốc". Nhưng mối quan hệ sẽ ngày càng bất bình đẳng, theo với tốc độ mà chế độ Putin lệ thuộc vào Bắc Kinh để sống sót.
Cuộc xâm lăng Ukraine biến "đại ca" Nga thành đàn em Bắc Kinh
Đã xa rồi, cái thời mà Liên Xô coi Trung Quốc cộng sản non trẻ của Mao là đàn em. Tháng 12/1949, "Người cầm lái vĩ đại" đến Moskva bằng xe lửa, phải chờ chực 5 ngày mới được Stalin chiếu cố. Một nhà ngoại giao cấp cao từng tham dự nhiều cuộc họp thượng đỉnh có cả Vladimir Putin và Tập Cận Bình nói với Le Figaro, chỉ cần quan sát cử chỉ đôi bên sẽ biết ai là ông chủ, và rõ ràng là ông Tập. Nhà phân tích Timothy Ash của BlueBay xác nhận, Putin muốn có quan hệ ngang hàng, nhưng không thể.
Theo Alexander Gabuev, hiện thời Moskva bán đại hạ giá tài nguyên cho Trung Quốc, mời gọi các doanh nghiệp Hoa lục vào thị trường Nga nay đã không còn những người cạnh tranh phương Tây. Trong tương lai, Bắc Kinh hy vọng Moskva sẽ hợp tác trong tất cả những vấn đề mà Trung Quốc quan tâm, theo điều kiện của Trung Quốc. Ông Gabuev cho rằng, để làm hài lòng Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo Nga không có chọn lựa nào khác là phải chấp nhận các điều kiện thương mại bất lợi cho mình. "Sự lệ thuộc của Kremlin vào Trung Quốc sẽ biến Nga thành công cụ hữu ích cho chế độ Bắc Kinh, rất có lợi trong cuộc cạnh tranh với Washington".
Với khả năng khuynh đảo đến 70% thu nhập của tập đoàn dầu khí Rosneft, Trung Quốc có thể áp đặt về chính trị hoặc đạt được những dự án đã thèm muốn từ lâu, như việc mở một căn cứ quân sự ở Bắc cực. Đồng nhân dân tệ đã vượt đồng đô la trong giao dịch ở thị trường chứng khoán Moskva, nay chiếm 40%.
Ủng hộ Nga một cách vừa phải, Trung Quốc chừng như không muốn đi xa hơn để không bị tách rời khỏi phương Tây. Liệu Tập Cận Bình có thể xoay đi khối vuông rubic, hứa cung cấp vũ khí cho Putin hay không ? Chuyên gia Vassili Kashine cho rằng việc này sẽ không công khai, vì Bắc Kinh vẫn luôn nuôi hy vọng thương lượng được với Mỹ, tránh đối đầu.
Bị truy nã, Putin chính thức trở thành người không thể giao du
Về tư thế của "chủ nhà" đang tiếp đón ông Tập, xã luận của Le Monde nhấn mạnh "Vladimir Putin chính thức trở thành một người không thể giao du". Tờ báo nhận định lệnh truy nã của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) làm tăng thêm sự cô lập của tổng thống Nga.
Việc đến thăm Mariupol vào ban đêm có thể là hành động thách thức Tòa án, nhưng kém phần quang minh chính đại. Mà thật ra đã từ lâu ông Putin vẫn tránh mọi tiếp xúc với đám đông, giữ khoảng cách khá xa trong các cuộc họp. Và nay ông là một tội phạm bị truy nã. Tấm áp-phích "wanted" giờ đây lơ lửng trên đầu Vladimir Putin. Đó là ý nghĩa mạnh mẽ nhất của quyết định từ Tòa án Hình sự Quốc tế.
Hiện thời khó có khả năng Putin ra đứng trước vành móng ngựa ở La Haye : Tòa án không có lực lượng cảnh sát, và Nga không giao nộp tổng thống của mình. Ông chủ điện Kremlin vẫn còn khả năng ra nước ngoài, vì tuy có đến 123 quốc gia phê chuẩn quy chế Roma (để thành lập ICC), vẫn còn khoảng 60 nước đứng ngoài, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ. New Delhi sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới và trên nguyên tắc, ông Putin cũng được mời.
Ngược lại, tính chính trị và biểu tượng của lệnh truy nã quốc tế vô cùng lớn. Khung cảnh lộng lẫy của Kremlin không che giấu được dưới ánh mắt thế giới, đối tác của Tập Cận Bình là một người bị truy nã vì tội ác chiến tranh - dù báo chí Trung Quốc giữ im lặng về việc này. Tổng thống Nga giờ đây là một nhân vật không thể giao du, cả trực tiếp lẫn qua điện thoại. Tòa án Hình sự Quốc tế đã gởi đến các nước xâm lược thông điệp được chờ đợi : không có hòa bình mà không công lý cho Ukraine.
EU tăng tốc sản xuất đạn dược cho Ukraine
Cũng liên quan đến chiến tranh ở Ukraine, Le Monde dành hai trang báo cho những vấn đề xoay quanh sự kiện Châu Âu dành 2 tỉ euro để tăng tốc sản xuất đạn dược. Tại Ukraine, mỗi ngày quân Nga bắn ra gần 20.000 quả đạn pháo, trong khi quân đội Ukraine buộc lòng phải sử dụng ít hơn bốn, năm lần do thiếu đạn. Tổng thống Volodymyr Zelensky xin Liên Hiệp Châu Âu (EU) cung cấp 1 triệu quả đạn, nhất là loại 155 ly, nhưng năng lực sản xuất của châu lục không thể đáp ứng.
Trong nhiều thập niên hòa bình, quân đội các nước Châu Âu chỉ đặt hàng số lượng tối thiểu, kỹ nghệ quốc phòng chỉ sống bằng xuất khẩu. Các tập đoàn vũ khí không thể mạo hiểm đầu tư khi không có những hợp đồng lớn dài hạn. Thủ tướng Estonia, bà Kaja Kalllas đề nghị các nước EU hợp lại đặt sản xuất 1 triệu quả đạn, ước tính 4 tỉ euro. Nhưng rốt cuộc đã có giải pháp khác : mỗi nước chuyển giao một số đạn trong kho cho Kiev, quỹ của Châu Âu bù giá 50-60%. Giai đoạn thứ hai là cùng đặt mua đạn, khoảng 1 tỉ euro và trong giai đoạn cuối, Ủy Ban Châu Âu hỗ trợ 15 công ty tại nhiều nước để sản xuất đạn. Với đơn đặt hàng lớn, thời gian sản xuất từ 18 tháng được rút xuống chỉ còn 6 tháng.
Trong bài "Kinh tế thời chiến đang ở ngưỡng cửa chúng ta", Le Monde nhắc nhở, khi Hoa Kỳ tham chiến năm 1942, chi quân sự lên đến 37% GDP và 90% ngân sách liên bang. Số tàu bè, máy bay, đạn dược xuất xưởng tăng lên gấp 20 lần. Đối với kỹ nghệ quốc phòng Pháp, nhà xuất khẩu vũ khí thứ ba thế giới sau Hoa Kỳ và Nga, thế trận mới đòi hỏi rất nhiều đầu tư và nhân lực.
Khí hậu, chiến tranh, tài chánh : những mối đe dọa lớn hơn tuổi về hưu
Việc chính phủ Pháp vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội hôm qua với tỉ lệ khít khao 9 phiếu, sau khi vận dụng Điều 49.3 Hiến pháp để thông qua cải cách hưu trí, chiếm trang nhất các báo hôm nay. Le Monde ra từ chiều hôm trước nhận định "Sau 49.3 là một tuần lễ căng thẳng". Libération cho rằng thủ tướng "Elisabeth Borne được cứu vãn, nhưng vẫn thất bại". Les Echos chạy tít "Macron trước những thách thức về sau", Le Figaro đặt câu hỏi "Và giờ đây tổng thống Emmanuel Macron có thể làm gì ?". Riêng La Croix quan tâm đến việc quân đội Ukraine đang gia tăng tuyển quân để chuẩn bị cho cuộc phản công.
Theo Libération, tuy thoát được kiến nghị bất tín nhiệm, nhưng đây là chiến thắng "mang vị đắng" cho chính phủ. Les Echos kêu gọi hãy "Quay lại với thực tại". Việc tăng tuổi hưu cần những cuộc tranh luận chứ không phải sự hỗn loạn, vì còn có những nguy cơ khác lớn hơn đang đe dọa đến đời sống.
Một thực tế : Có thể không đạt được đa số ở Quốc hội ủng hộ tăng tuổi về hưu lên 64, nhưng điều chắc chắn là phía chống đối không chiếm được đa số. Giờ đây đã được thông qua, tuy với đa số khít khao nhưng bởi một Quốc hội được bầu lên một cách dân chủ, việc cấp thiết là chấm dứt ngay bạo lực. Sau hai tháng bừng bừng bốc lửa, giờ là lúc quay trở lại với mặt đất. Đất Pháp là nơi hào phóng về phúc lợi, Nhà nước Pháp chi cho xã hội nhiều nhất trong số các nước OCDE. Đến 2030, người Pháp vẫn về hưu sớm nhất tại Châu Âu đang giảm sút dân số.
Có nhiều vấn đề quan trọng hơn "quyền được lười biếng". Trước hết là "quả bom khí hậu" : trong 10 năm tới nhiệt độ sẽ tăng trên 1,5°C. Kế tiếp, là mối đe dọa địa chính trị. Trong khi người Pháp luôn kêu rêu, thì hàng ngàn người ở biên giới Châu Âu gục ngã dưới gót giày một đế quốc muốn chống lại cách sống phương Tây. Có phải đây là lúc để đình công nhằm làm việc ít hơn ? Rủi ro thứ ba là tài chánh - đừng quên nước Pháp đang nợ nần rất nhiều. Từ chối việc cải cách để làm thăng bằng ngân sách, không chấp nhận kỷ luật Châu Âu, chẳng khác nào là một Frexit mặc nhiên, với những hậu quả tai hại.
Thụy My