Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong đế quốc Việt Nam 'Xa Thư Vạn Lý Đồ' của chúng ta có nhiều nước nhỏ bên trong mà quan trọng nhứt là nước Đại Việt (大越), trước kia là Văn Lang, của dân tộc Kinh miền Bắc. Rất quan trọng.

Nước Văn Lang (文郎) khởi nguồn năm 2879 trước công nguyên, tính đến nay là 4896 năm. Diện tích nước dưới 100.000 km2, tức là bằng 1 phần 3 diện tích đế quốc Việt Nam của nhà Nguyễn.

vanlang1

Phỏng ước lãnh thổ hai nước Văn Lang (màu vàng) của các vua Hùng và xứ Nam Cương (màu xanh lục) của Thục Phán, sau này hợp nhất thành nước Âu Lạc… (Wikipedia)

Theo chánh sử đời Lê sơ thì những vương triều của nước Văn Lang này có gốc là người bên Trung Hoa bao gồm họ Hồng Bàng, nhà Thục, nhà Triệu, nhà Hán, nhà Đường, Ngũ đại vào năm 906 sau công nguyên, tổng cộng 3785 năm. Sau đó chúng ta có nhà Trần và nhà Hồ gốc bên Trung Quốc, người Phúc Kiến và Chiết Giang thì thêm 195 năm. Hết thảy bề dày lịch sử nước Văn Lang và Đại Việt xưa, có 3980 năm được cai trị và dìu dắt bởi các vua chúa Trung Hoa và gốc Trung Hoa qua các giai đoạn thuộc địa và độc lập, và 18,7% người An Nam gốc Kinh tự cai trị.

Trong thời gian từ 1883 đến 1954, nước Đại Việt bị Pháp đô hộ, lại mất thêm 71 năm nữa. Thời gian người Việt, An Nam hay Kinh cai trị là 17,4%.

Trong giai đoạn cộng sản từ 1954 tới năm 2017 này, chánh trị văn hóa lịch sử và cá nhân ông Hồ Chí Minh từ bên Tàu qua nên tôi cho rằng cũng là Tàu, thì trừ 63 năm vào đó, thời gian người An Nam tự trị, nghĩa là tự cai trị bởi người Việt hay An Nam hay Kinh, còn lại là 782 năm... Đó là 15,9% của lịch sử 4896 năm.

Tôi cho rằng nhà Lý của Lý Công Uẩn gốc Việt nhưng theo nhà sử gia cộng sản Trần Quốc Vượng thì nhà Lý cũng là người Tàu thì trừ thêm 215 năm nữa. Còn lại 567 năm được người Việt cai trị. Đó là 11,6% của 4896 năm lịch sử.

Trong suốt chiều dài lịch sử thì hai dân tộc của hai miền Bắc và Nam của đế quốc Việt Nam chỉ có duy nhất 81 năm sống chung tương đối hòa bình. Đó là thời gian từ 1802 đến 1883, tức 1,71% trong dòng lịch sử 4896 năm, người Việt có chung ông hoàng bà chúa và chung lịch sử vui buồn lẫn lộn, đó là triều nhà Nguyễn gốc Thanh Hóa, Gia Miêu…

vanlang2

Bản đồ vương quốc Đại Nam năm 1844 (trích từ bản đồ vùng Viễn Ấn (Hinter Indien) của Carl Christian Franz (1788-1874) - Wikipedia

Than ôi, nhà Nguyễn và đặc biệt Cao Hoàng Gia Long lại bị nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội viết sách chửi rủa, hơn cả chửi Mã Viện, Minh Thành tổ, Mao Trạch Đông. Trước nhà Nguyễn và sau nhà Nguyễn hai miền Nam Bắc chỉ có giao thiệp với nhau bằng võ lực mà thôi.

Nơi đây tôi ngưng viết. Mọi người tự lấy ra kết luận riêng của mình.

Úc, 19/09/2017

Võ Thanh Liêm

Published in Quan điểm

Vì bị Trung Quốc ngăn cản không cho tìm kiếm và khai thác dầu khí trên thềm lục địa, Việt Nam nhiều phần phải tìm kiếm các nguồn năng lượng khác cho nhu cầu ngày một tăng cao.

nangluong1

Tàu hải giám của Trung Quốc, ngày 15 tháng Năm, 2014, lao vào mấy tàu cảnh sát biển của Việt Nam để chặn không cho tiến tới giàn khoan HD981 đang khoan tìm dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, phía nam quần đảo Hoàng Sa. (Hình : Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Theo một bài phân tích của tạp chí Asian Today, Việt Nam đã bắt đầu khai thác dầu khí trên thềm lục địa từ những năm cuối thập niên 1980. Nhiều mỏ dầu và mỏ khí đã được khám phá và khai thác êm xuôi cho đến những năm gần đây khi Trung Quốc lên giọng xác định chủ quyền lãnh thổ, chiếm hơn 80% Biển Đông, lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực.

Bắc Kinh đã nhiều lần cho tàu ngăn cản các tàu dò tìm dầu khí của Việt Nam trên các vùng biển mà họ có cái vạch chủ quyền "Lưỡi Bò" vắt ngang. Lần mới đây nhất, tháng Sáu vừa qua, tàu khoan dầu của công ty Rapsol mà Việt Nam thuê, đã phải hủy bỏ ngang cuộc trắc nghiệm tầm mức của trữ lượng dầu khí tại lô 136-3 Đông Nam Vũng Tàu 200 hải lý, khi Bắc Kinh đe dọa đánh chiếm các vị trí của Việt Nam.

Năm 2014, lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam, dù nhỏ bé về mọi mặt so với Trung Quốc, đã phải đối diện với đoàn tàu hải giám của Bắc Kinh suốt hai tháng rưỡi ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa cho tới khi giàn khoan của họ rút đi.

Vì nhu cầu năng lượng, tuy phải tạm đình hoãn bởi Trung Quốc cảnh trở, nhưng Việt Nam sẽ phải nỗ lực tìm kiếm các địa điểm khác để khoan tìm. Nền kinh tế của Việt Nam cần năng lượng để phát triển cũng như các nhà đầu tư quốc tế, và cả các công ty dầu khí quốc tế, nhìn thấy viễn ảnh không sáng sủa, trước sau sẽ theo nhau bỏ chạy.

Trong sô các dự án, dự án khai thác khí đốt tại mỏ Cá Voi Xanh – lô 118 – ngoài khơi miền Trung đã có thỏa thuận tiến hành với hàng Exxon-Mobil của Mỹ đầu tư $10 tỷ để khai thác. Mỏ này cũng có cái vạch "Lưỡi Bò" vắt chéo qua. Người ta không rõ rệt lắm đối với các đe dọa của Bắc Kinh với lô này nhưng các công ty dò tìm và khai thác dầu khí đều bị Bắc Kinh cảnh cáo không được hoạt động trên vùng biển mà họ ngang ngược gọi là "chủ quyền" trên Biển Đông.

Trữ lượng dầu của Việt Nam ước tính khoảng 600 triệu thùng, đứng hàng thứ nhì ở khu vực Đông Á Châu. Theo thống kê, nhà máy điện chạy than là nguồn năng lượng chính chiếm 34.4% nguồn lực năng lượng của Việt Nam năm 2015. Vì sử dụng than tương đối rẻ hơn nên Việt Nam dự tính gia tăng sản lượng từ các nhà máy chạy than lên 42.6%.

Việt Nam là nước bán dầu thô rồi nhập các lại các sản phẩm tinh lọc từ dầu mỏ. Cho đến nay, dầu khí vẫn là nguồn cung cấp tài chính chính yếu cho tổng sản lượng quốc gia (GDP) của Việt Nam. Từ năm 2000 trở lại đây, sản lượng dầu thô của Việt Nam suy giảm dần vì một số mỏ lớn khai thác từ lâu đã và đang cạn dần. Việt Nam cần phải tìm kiếm dầu khí các nơi khác không bị cản trở.

Mức tiêu thụ điện của Việt Nam, theo đầu người, năm 1995 chỉ có 156kw/giờ nhưng đã lên tới 1,415kw/giờ vào năm 2014. Nhu cầu tiêu thụ điện năng gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 10.5% cho giai đoạn từ 2016-2020. Sau đó, dự báo gia tăng lối 8% cho giai đoạn từ 2020 đến 2030 với giả định là chương trình cung cấp điện năng đạt kế hoạch. Hiện một số khu vực vùng sâu vùng xa vẫn chưa được kết nối vào với lưới điện quốc gia.

Việt Nam tùy thuộc nhiều vào than đá để có điện nên vấn đề cam kết giảm bớt 25% ô nhiễm môi sinh đã không đạt được. Ngay như tại thủ đô Hà Nội, ô nhiễm không khí cao hơn 2.5 chỉ số theo tiêu chuẩn của tổ chức Y Tế Thế Giới đề ra. Bệnh tật liên quan đến tim, phổi vì thế sẽ gia tăng nhiều hơn.

Trước khi quá muộn, Việt Nam cần phải phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo để thỏa mãn cả nhu cầu điện năng và vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, cả khả năng tài chính cũng như kiến thức khoa học kỹ thuật để phát triển lãnh vực này đều thiếu.

Trong số 50 dự án điện gió, mới chỉ có 4 dự án đã hoạt động với tổng công suất khiêm tốn 160MW. Nếu được phát triển, các hệ thống điện mặt trời có thể cung cấp đến 35% nhu cầu điện của Việt Nam và điện gió cung ứng được khoảng 13% , nhưng như ở trên trình bày, Việt Nam thiếu cả tài chính và kiến thức khoa học kỹ thuật.

Năm ngoái, Việt Nam đã phải tạm gác dự án xây dựng hai lò điện nguyên tử tại tỉnh Ninh Thuận dù đã ký hợp đồng với Nga. Tốn phí đến $18 tỷ lại có nhiều nguy hiểm, chuyên viên chưa đào tạo được bao nhiêu.

Đối diện với nhiều lực cản, đặc biệt là cái vạch "Lưỡi Bò," trong khi nhu cầu điện năng mỗi ngày mỗi gia tăng, tìm các nguồn cung ứng điện năng cho Việt Nam là bài toán đầy thử thách. (TN)

Published in Việt Nam

Luật sư Lê Công Định bình luận rằng việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc can thiệp vào chuyện hãng xe Đức BMW đổi nhà phân phối tại Việt Nam cho thấy "sự đương nhiên bất thường, dị hợm" và "tưởng mình là ông trời con !"

nxp1

Ông Nguyễn Xuân Phúc tham gia một sự kiện của công ty Trường Hải. (Hình : Báo Đầu Tư)

Giữa tháng Chín, truyền thông Việt Nam đưa tin Công ty ô-tô Trường Hải "giành quyền phân phối BMW" thay cho Euro Auto từ tháng Giêng, 2018.

Báo điện tử VnExpress nhận định : "Sự xuất hiện của Trường Hải cùng BMW ở mảng xe sang hứa hẹn mang tới làn gió mới. Hãng xe Việt cần sự hài hòa của cả nguồn lực, thị trường và chính sách mới mong tạo ra cuộc cách mạng như đã làm được ở xe phổ thông. Khi đó, Mercedes, Audi hay Lexus khó lòng ngồi yên. Tất nhiên, Trường Hải cũng phải giải quyết bài toán lớn về chất lượng dịch vụ mà Euro Auto để lại, vốn không được lòng khách hàng".

Hồi tháng Bảy, báo điện tử Zing cho hay : "Tại cuộc gặp với Thủ tướng Phúc ở Đức, đại diện BMW cho biết muốn tiếp cận 700 xe hơi trị giá 15 triệu Euro đang bị giữ ở cảng (Việt Nam), để (lô xe này) không phải bị hủy".

"Ông Phúc cho biết mức thuế áp dụng lô 700 xe đang bị giữ ở cảng Việt Nam "đã được tính thấp hơn giá trị rất nhiều" và có "một số giấy tờ giả".

Theo báo Zing, Thủ tướng Phúc "khẳng định vụ việc không phải do Tập đoàn BMW tại Đức mà là do một số người ở đại lý Việt Nam". Do đó ông Phúc "đề nghị cần thiết phải thay đại lý". Ngoài ra, chính phủ Việt Nam "sẽ điều tra và xử lý nghiêm (vụ việc) để đảm bảo môi trường đầu tư, quyền lợi của các bên".

Ở góc độ khác, hôm 17 tháng Chín, Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook : "Tin Thủ tướng Phúc đề nghị hãng BMW phải thay nhà phân phối tại Việt Nam thoạt nghe tưởng bình thường vì Euro Auto bị cáo buộc trốn thuế, nên việc thay đổi nhà phân phối này là đương nhiên. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể là bình thường nếu nó đến từ quyết định của chính BMW, chứ không phải từ yêu cầu/đề nghị ban đầu của một thủ tướng".

"Trong cương vị một thủ tướng, ông Phúc không nên và không có quyền mở miệng nói ra yêu cầu/đề nghị như vậy, bởi lẽ sự lựa chọn hay thay đổi nhà phân phối là giao dịch thuần túy dân sự giữa BMW và Euro Auto, mà bất cứ quan chức thuộc bộ máy công quyền nào cũng không được quyền và được phép can thiệp, dù viện đến bất kỳ lý do gì, kể cả bảo vệ luật pháp hay duy trì trật tự công cộng".

Luật sư Định phân tích thêm : "Nếu Euro Auto vi phạm pháp luật như cáo buộc của cơ quan điều tra, thì hành vi phạm pháp của công ty này và cá nhân có liên quan sẽ được xử lý theo luật định. Việc xử lý và trừng phạt hành vi phạm pháp là cơ chế tự động của bộ máy công quyền. Và, cuối cùng, tuyên bố một cá nhân nào phạm tội, tức trốn thuế trong trường hợp này, chỉ có thể là công việc của tòa án, chứ không phải của chính phủ".

"Điều đáng tiếc là mọi quan chức ở Việt Nam từ thấp đến cao đều tưởng mình là ông trời con, chuyện gì cũng có thể can thiệp, cũng có thể lớn tiếng yêu cầu/đề nghị, nên việc can dự vào giao dịch dân sự nói riêng và quan hệ dân sự nói chung một cách phi lý và vô lối vẫn xảy ra hàng ngày ở Việt Nam, đến nỗi ai cũng thấy đó là điều đương nhiên. Quả là sự đương nhiên bất thường, thậm chí dị hợm !".

Báo Lao Động hôm 17 tháng Chín dẫn lại lời ông Phúc tại lễ khởi công dự án sản xuất ô-tô VinFas : "Ô-tô không chỉ là ô-tô, mà còn là thương hiệu quốc gia. Đảng, nhà nước có chủ trương xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ trong môi trường bất trắc, việc có thương hiệu ô-tô là rất quan trọng".

Truyền thông Việt Nam hồi tháng Ba này đưa tin ông Phúc dự lễ khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất ô-tô Thaco Mazda của Công ty Trường Hải tại tỉnh Quảng Nam, cũng là quê hương của ông Phúc.

Hồi tháng Tư, 2016, báo Việt Nam tường thuật nhận định của ông Phúc rằng Công ty cổ phần Ô-tô Trường Hải "lớn mạnh như Phù Đổng Thiên Vương". (T.K.)

Published in Việt Nam
Trang 4 đến 4