Luật sư Lê Công Định bình luận rằng việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc can thiệp vào chuyện hãng xe Đức BMW đổi nhà phân phối tại Việt Nam cho thấy "sự đương nhiên bất thường, dị hợm" và "tưởng mình là ông trời con !"
Ông Nguyễn Xuân Phúc tham gia một sự kiện của công ty Trường Hải. (Hình : Báo Đầu Tư)
Giữa tháng Chín, truyền thông Việt Nam đưa tin Công ty ô-tô Trường Hải "giành quyền phân phối BMW" thay cho Euro Auto từ tháng Giêng, 2018.
Báo điện tử VnExpress nhận định : "Sự xuất hiện của Trường Hải cùng BMW ở mảng xe sang hứa hẹn mang tới làn gió mới. Hãng xe Việt cần sự hài hòa của cả nguồn lực, thị trường và chính sách mới mong tạo ra cuộc cách mạng như đã làm được ở xe phổ thông. Khi đó, Mercedes, Audi hay Lexus khó lòng ngồi yên. Tất nhiên, Trường Hải cũng phải giải quyết bài toán lớn về chất lượng dịch vụ mà Euro Auto để lại, vốn không được lòng khách hàng".
Hồi tháng Bảy, báo điện tử Zing cho hay : "Tại cuộc gặp với Thủ tướng Phúc ở Đức, đại diện BMW cho biết muốn tiếp cận 700 xe hơi trị giá 15 triệu Euro đang bị giữ ở cảng (Việt Nam), để (lô xe này) không phải bị hủy".
"Ông Phúc cho biết mức thuế áp dụng lô 700 xe đang bị giữ ở cảng Việt Nam "đã được tính thấp hơn giá trị rất nhiều" và có "một số giấy tờ giả".
Theo báo Zing, Thủ tướng Phúc "khẳng định vụ việc không phải do Tập đoàn BMW tại Đức mà là do một số người ở đại lý Việt Nam". Do đó ông Phúc "đề nghị cần thiết phải thay đại lý". Ngoài ra, chính phủ Việt Nam "sẽ điều tra và xử lý nghiêm (vụ việc) để đảm bảo môi trường đầu tư, quyền lợi của các bên".
Ở góc độ khác, hôm 17 tháng Chín, Luật sư Lê Công Định viết trên Facebook : "Tin Thủ tướng Phúc đề nghị hãng BMW phải thay nhà phân phối tại Việt Nam thoạt nghe tưởng bình thường vì Euro Auto bị cáo buộc trốn thuế, nên việc thay đổi nhà phân phối này là đương nhiên. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể là bình thường nếu nó đến từ quyết định của chính BMW, chứ không phải từ yêu cầu/đề nghị ban đầu của một thủ tướng".
"Trong cương vị một thủ tướng, ông Phúc không nên và không có quyền mở miệng nói ra yêu cầu/đề nghị như vậy, bởi lẽ sự lựa chọn hay thay đổi nhà phân phối là giao dịch thuần túy dân sự giữa BMW và Euro Auto, mà bất cứ quan chức thuộc bộ máy công quyền nào cũng không được quyền và được phép can thiệp, dù viện đến bất kỳ lý do gì, kể cả bảo vệ luật pháp hay duy trì trật tự công cộng".
Luật sư Định phân tích thêm : "Nếu Euro Auto vi phạm pháp luật như cáo buộc của cơ quan điều tra, thì hành vi phạm pháp của công ty này và cá nhân có liên quan sẽ được xử lý theo luật định. Việc xử lý và trừng phạt hành vi phạm pháp là cơ chế tự động của bộ máy công quyền. Và, cuối cùng, tuyên bố một cá nhân nào phạm tội, tức trốn thuế trong trường hợp này, chỉ có thể là công việc của tòa án, chứ không phải của chính phủ".
"Điều đáng tiếc là mọi quan chức ở Việt Nam từ thấp đến cao đều tưởng mình là ông trời con, chuyện gì cũng có thể can thiệp, cũng có thể lớn tiếng yêu cầu/đề nghị, nên việc can dự vào giao dịch dân sự nói riêng và quan hệ dân sự nói chung một cách phi lý và vô lối vẫn xảy ra hàng ngày ở Việt Nam, đến nỗi ai cũng thấy đó là điều đương nhiên. Quả là sự đương nhiên bất thường, thậm chí dị hợm !".
Báo Lao Động hôm 17 tháng Chín dẫn lại lời ông Phúc tại lễ khởi công dự án sản xuất ô-tô VinFas : "Ô-tô không chỉ là ô-tô, mà còn là thương hiệu quốc gia. Đảng, nhà nước có chủ trương xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ trong môi trường bất trắc, việc có thương hiệu ô-tô là rất quan trọng".
Truyền thông Việt Nam hồi tháng Ba này đưa tin ông Phúc dự lễ khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất ô-tô Thaco Mazda của Công ty Trường Hải tại tỉnh Quảng Nam, cũng là quê hương của ông Phúc.
Hồi tháng Tư, 2016, báo Việt Nam tường thuật nhận định của ông Phúc rằng Công ty cổ phần Ô-tô Trường Hải "lớn mạnh như Phù Đổng Thiên Vương". (T.K.)