Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

18/09/2017

Thêm thuế, tăng thuế : dân hết gánh nổi

Tổng hợp

Tư duy đánh thuế (VnExpress, 18/09/2017)

"Em phải làm gì bây giờ, hay em rút tiền mua nhà ra ?". 

Bạn tôi gọi điện chiều chủ nhật, khi mặt báo nào cũng có cụm từ "đánh thuế lãi tiết kiệm".

thue1

Đánh thuế tiền tiết kiệm - đề xuất không vì người dân

Sau khi bán một căn nhà ở Hà Nội, được hơn 6 tỷ đồng, cô chia ra 3 phần gửi tiết kiệm tại ba ngân hàng khác nhau. Hai phần ba số tiền để dành cho một căn hộ cao cấp tại quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ nhận nhà vào 2019. Hiện tiến độ đóng tiền cho căn hộ khoảng 50% nên một nửa "căn hộ" vẫn đang gửi trong ngân hàng.

Những người "làm thuế" ở Việt Nam chẳng xa lạ gì với ý tưởng đánh thuế lên lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Cách đây hơn 10 năm, khi bà Nguyễn Thị Cúc còn làm phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, trong cái trụ sở cục thuế cũ ở Lò Đúc, bà đã chia sẻ với tôi rằng việc đánh thuế tiền gửi tiết kiệm đã được chính phủ, một số đại biểu quốc hội đả động đến và thảo luận rất kỹ từ lâu. Nhưng ý tưởng này không thể áp dụng vì nước ta chưa có đủ các điều kiện của một hệ sinh thái thuế hoàn chỉnh.

Hệ sinh thái đó thực chất là hạ tầng công cụ để có thể thu thuế đúng, chính xác, kịp thời và đầy đủ của tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội mà không gây bất công bằng hay các hệ lụy chính sách.

Ví dụ, đó là một môi trường có sự giảm thiểu việc dùng tiền mặt. Thay vào đó là hạ tầng thanh toán mà các giao dịch đều phải đi qua, nhà nước do đó có dữ liệu đầy đủ về việc một ngày có bao nhiêu đồng từ túi trái người dân qua túi phải. Hay chỉ "enter" cái tên là hiện ra đồng nào ra, đồng nào vào trong ví của anh. Đó là một hệ thống thu thuế trách nhiệm, không dồn cái khó cái khổ lên vai người dân. 

Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần không đồng tình với ý kiến thu thuế tiền gửi tiết kiệm. Và họ có cái lý của mình. Vốn tín dụng từ các ngân hàng vẫn là dòng máu chính nuôi nền kinh tế, luôn chiếm 80-90% vốn đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp. Vốn ấy từ đâu ra ? Từ tiền gửi của dân chúng. Tức có thể nói, GDP chúng ta có được nhờ phần rất quan trọng từ tiền gửi của dân.

Sâu xa hơn, vì sao chúng ta may mắn có "mỏ vàng tiết kiệm" dồi dào trong nhiều năm qua ? Là nhờ thói quen tiết kiệm đặc trưng của người Việt Nam. 

Nhờ tính tiết kiệm, mà thực ra là hệ quả của một nền văn hóa lịch sử nhiều thăng trầm, chiến tranh và thiên tai đã khiến Việt Nam lọt vào danh sách top 15 những quốc gia có tỷ lệ tiết kiệm của dân chúng cao nhất toàn cầu theo các báo cáo kinh tế của Ngân hàng Thế giới nhiều năm liền. 

Các chuyên gia của World Bank cũng chỉ ra rằng chính nền tảng tiết kiệm là bộ đệm quan trọng giúp nền kinh tế không đổ vỡ trong những tình huống khó khăn.

Giờ đây, nếu ta đòi đánh thuế tiền lãi tiết kiệm, thì ai cũng hiểu hệ lụy đầu tiên là người dân sẽ rút bớt tiền ra khỏi ngân hàng, hoặc may mắn nhất là họ… không rút ra nhưng không gửi thêm tiền vào các nhà băng.

Ngân hàng chỉ sống khi có tiền chạy qua. Thu nhập của nhà băng giảm, hoặc chi phí của nhà băng tăng lên vì thuế tiền lãi tiết kiệm. Cả hai điều này đều khiến tiền thuế nhà băng đóng cho Bộ Tài chính giảm đi. Tức, mong muốn tăng thu của Bộ Tài chính không thành.

Nếu người dân rút tiết kiệm khỏi nhà băng, họ sẽ tìm chỗ "gửi" khác. Những kênh có khả năng sinh lời không chính thức nhưng không bị pháp luật cấm chính là cho vay cá nhân lẫn nhau (bộ luật Dân sự đã cho phép) ; cho vay quay vòng lẫn nhau, chính là hình thức chơi hụi ; tham gia cho doanh nghiệp vay qua các kênh tự phát để có lãi suất cao hơn ngân hàng trả, chính là tín dụng đen… Không gửi ngân hàng, anh sẽ làm việc khác để có lời. Tức là sẽ có những biến tướng của tín dụng cá nhân, tiết kiệm mà nó bóp méo, cản trở sự hình thành một hệ thống tài chính minh bạch. Làm loang rộng hơn vùng tối - vùng khó kiểm soát của nền kinh tế. Tất nhiên, người dân hứng chịu nhiều rủi ro hơn khi đem tiền cất trong vùng tối này.

Và rồi, lựa chọn không mong muốn nhất của chúng ta, là người có tiền đổi Việt NamD thành "đô" gửi ra nước ngoài. Ví dụ, ở ngay một số nước Châu Á quanh Việt Nam, người nước ngoài dễ dàng mở tài khoản tiết kiệm hợp pháp chỉ với cuốn hộ chiếu và tối thiếu 200.000 USD, tương đương với 4,5 tỷ đồng. Khi đó, con số 6 tỷ USD chuyển ra nước ngoài của Việt Nam mỗi năm như một thống kê gần đây liệu có còn gây ấn tượng ?

Và quan trọng hơn mục tiêu lớn nhất của chính phủ là tăng trưởng GDP sẽ bị lung lay.

Nhìn rộng ra, những đề xuất thu thuế căn nhà thứ hai, áp thuế tiền lãi tiết kiệm, tăng thuế VAT… là những mảnh ghép rời rạc, dễ bào mòn niềm tin dù nó có được thực thi hay trì hoãn vào phút chót. Những người đề xuất nói rằng nó đi đúng thông lệ quốc tế. Nhưng trong bối cảnh Việt Nam, khi thể chế chưa hoàn thiện và vùng "kinh tế xám" vẫn loang rộng, nơi người dân sẵn sàng đặt "chơi hụi" lên bàn cân cùng "tiết kiệm ngân hàng", có hơn một "thông lệ" để cân nhắc.

Ông Hồ Quốc Tuấn, một giảng viên đại học tại Anh, khi mô tả về một chính sách áp thuế sai thời điểm, đã gọi đó là hành động "lấy đi tiền của người nghèo khi họ cần chúng nhất".

Hồng Phúc

**********************

Ma trận thuế (TBKTSG, 16/09/2017)

Doanh nghiệp Việt Nam nằm trong ma trận các quy định về thuế khi cơ quan quản lý liên tục có đề xuất sửa luật.

thue2

Phân bón, thức ăn chăn nuôi vốn không chịu thuế đang được đề xuất chuyển sang đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%. Ảnh : LÊ HOÀNG VŨ

Chuyện thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi là một ví dụ. Trong báo cáo định hướng sửa đổi, bổ sung năm luật thuế mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để hoàn thiện trình Chính phủ, cơ quan này đề xuất chuyển mặt hàng phân bón, thức ăn chăn nuôi vốn không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5%. Mục tiêu là để các doanh nghiệp sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi được khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng, tháo gỡ khó khăn phải gánh chịu suốt gần ba năm qua khi thực hiện khoản 3a, điều 5, Luật thuế giá trị gia tăng từ đầu năm 2015. Theo quy định trên, các mặt hàng này không chịu thuế giá trị gia tăng nên doanh nghiệp không được kê khai, khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, phải tính vào chi phí sản phẩm, đẩy giá thành tăng và lợi nhuận giảm, gây bất lợi trong cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu cùng loại.

Đây là tin tạm vui với các doanh nghiệp trong ngành vì cuối cùng thì những tiếng thở than của họ đã được cơ quan chức năng ghi nhận và đồng ý sửa đổi. Trước đó, họ kiến nghị "được" chịu thuế giá trị gia tăng 5% trở lại như trước khi Luật Thuế giá trị gia tăng (Luật 71/2014/QH13) có hiệu lực hoặc chịu thuế 0% để được khấu trừ, hoàn thuế nhưng đều bị từ chối. Chẳng hạn, tại Công văn 3637/BTC-CST ngày 18-3-2016 trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính lý giải rằng chính sách phân bón không chịu thuế giá trị gia tăng phù hợp với thực tế, thông lệ quốc tế, đã góp phần giảm giá mua cho người nông dân. Bởi lẽ, phân bón không chịu thuế ở tất cả các khâu nhập khẩu, sản xuất, bán buôn và bán lẻ. Khi không chịu thuế, giá bán của thương nhân không có thuế giá trị gia tăng, người nông dân được giảm giá. Trong khi đó, giá bán của doanh nghiệp sản xuất phân bón khi không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào ở khâu sản xuất lại tăng ở mức 0,71% so với trước đó.

Lần này, nếu đề xuất mới nhất của Bộ Tài chính được Quốc hội thông qua và áp dụng từ đầu năm 2019 thì thêm một lần nữa, trong vòng bốn năm, chính sách thuế giá trị gia tăng với phân bón, thức ăn chăn nuôi... lại thay đổi và trở về trạng thái cũ.

Câu chuyện về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa khấu trừ hết lũy kế 12 tháng hoặc bốn quí liên tục là một ví dụ khác.

Ngày 6/4/2016, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, Quốc hội đã thông qua Luật số 106/2016/QH13 với một điều khoản được sửa đổi như sau : "Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết trong tháng hoặc trong quí thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo". Quy định như vậy, theo Bộ Tài chính, là để phù hợp với bản chất của thuế giá trị gia tăng (thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng). Quy định này có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Vậy nhưng, sau một năm áp dụng, cũng chính Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định này. Theo đó, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết sau 12 tháng hoặc bốn quí thì được hoàn thuế giá trị gia tăng. Cơ sở của đề xuất này là nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp (lâu nay không được hoàn thuế nên số thuế đầu vào phải tính vào chi phí, phải ứng vốn để nộp thuế), phù hợp với bản chất của thuế giá trị gia tăng...

Bỏ chuyện hợp lý hay không hợp lý của những đề xuất kể trên sang một bên, chỉ nói về chuyện liên tục điều chỉnh, bổ sung các quy định trong luật, cũng đủ thấy chính sách thuế với doanh nghiệp thay đổi nhanh chóng ra sao. Nói như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan là thực tế này cho thấy tính bất ổn của luật pháp. Hậu quả là doanh nghiệp, người dân rơi vào một ma trận văn bản thuế và khó lòng mà theo kịp.

Chuyện không theo kịp, rất dễ thấy, không chỉ với người nộp thuế mà cả với những người thực thi chuyện thu thuế. Cứ theo dõi mục "văn bản mới" trên trang web của Tổng cục Thuế hay cục thuế tỉnh, thành nào đó là phần nào hiểu được vấn đề. Mỗi ngày, các cơ quan này phát hành cả tá công văn để trả lời thắc mắc, hướng dẫn việc thực hiện cho các đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp. Câu trả lời bao giờ cũng là căn cứ luật này, nghị định kia thì thực hiện như thế này. Nghĩa là, quy định thì có sẵn. Nhưng việc thực hiện lại có vẻ rất lúng túng và khó tuân thủ.

Câu hỏi đặt ra là, một văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành đều qua một quy trình lấy ý kiến góp ý, thảo luận, bàn bạc... mà sao lại có tình trạng "đẽo cày giữa đường" như kiểu thuế suất thuế giá trị gia tăng với phân bón, thức ăn chăn nuôi kể trên ? Câu trả lời là có rất nhiều lý do, từ rất nhiều phía mà báo chí đã tốn không ít giấy mực. Chẳng hạn như chuyện xây dựng chính sách nằm trong tay chính cơ quan hành pháp nên trong rất nhiều trường hợp, các quy định thường theo hướng làm sao dễ nhất cho người quản lý. Đó là chưa kể người xây dựng chính sách được đánh giá là "ngồi phòng máy lạnh", xa rời thực tế. Những nguyên tắc về thực hiện báo cáo đánh giá tác động thường bị bỏ qua, ví dụ như chuyện đáng lẽ phải để một cơ quan độc lập đánh giá thì lại do cơ quan xây dựng chính sách tự làm (như dự án một luật sửa năm luật thuế của Bộ Tài chính hiện tại). Bản thân đối tượng chịu tác động của chính sách thì thường không quan tâm đến việc góp ý vì quá bận làm ăn kinh doanh hoặc có nói nhưng không được ghi nhận. Bên cạnh đó, quan trọng không kém là năng lực của các thành viên trong cơ quan hành pháp...

Rõ ràng, để hạn chế được tình trạng ma trận thuế, có rất nhiều việc phải làm từ rất nhiều bên. Trong đó, sự chủ động lên tiếng của chủ doanh nghiệp, phản biện của chuyên gia, năng lực và sự công tâm của các cơ quan truyền thông, có ý nghĩa không nhỏ. Ma trận thuế không còn thì doanh nghiệp mới chuyên tâm sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, đóng nhiều thuế cho ngân sách. Đây là sự đảm bảo số thu bền vững, chắc chắn hơn rất nhiều lần những đề xuất tăng thuế mà cơ quan quản lý đang làm hiện nay.

Minh Tâm

**********************

Dân Việt Nam ‘phải è cổ’ vì thuế nặng (Người Việt, 16/09/2017)

Luật sư Trần Vũ Hải dẫn một link bài về việc chính quyền Hà Nội sửa năm luật thuế, nhưng theo ông, "thực chất chủ yếu để thêm thuế, tăng thuế".

thue3

Mạng xã hội xôn xao khi báo chí Việt Nam dẫn lời Thứ Trưởng Tài Chính Vũ Thị Mai nói : "Tăng thuế VAT không ảnh hưởng tới người nghèo". (Hình : Báo Pháp Luật TP.HCM)

Ông Hải cũng bình luận : "Trong khi (người ta) không thấy bàn gì về việc giảm bớt các khoản chi vô bổ, lãng phí hay không kiểm soát được, thậm chí mất công bằng ! Nói tóm lại, (nhà nước) thiếu tiền ngân sách và trả nợ công, nên dân và doanh nghiệp phải è cổ ra nhé, kêu ca cũng chỉ cho có vẻ ‘dân chủ’ thôi !"

Ông cũng đưa ra lời kêu gọi : "Mạng xã hội cần lên tiếng mạnh mẽ những sắc thuế và cách quản lý thuế vô lý, cản trở phát triển và đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp bất lợi đến những người nghèo, người thu nhập thấp, những doanh nghiệp nhỏ ! Và cách chi tiêu vô tội vạ cho bộ máy tầng tầng lớp lớp, quan liêu và hiệu quả thấp, thậm chí nhiều ‘đầy tớ’ lấy bắt nạt dân và doanh nghiệp làm ‘lẽ sống.’"

Cũng liên quan đến việc chính quyền tăng thu nhắm vào doanh nghiệp, nhà báo Vũ Kim Hạnh, cựu tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, viết hôm 16 tháng Chín : "Chiều qua, mình đi Phan Thiết dự cuộc họp của một hội đồng tư vấn kinh tế. Tại cuộc họp, mình có nhắc và nhiều người cũng bày tỏ âu lo về việc nhà nước sắp tăng thu của doanh nghiệp nhiều khoản tiền : Bảo hiểm xã hội thu đủ theo thu nhập thật từ năm 2018, phí công đoàn 2%…, (việc này) đang khiến các chủ doanh nghiệp thực sự lo sốt vó. Và lại nghĩ đến cách mạng công nghiệp 4.0 mà hiệu ứng đầu tiên là nhiều doanh nghiệp sẽ sử dụng dàn robot thay công nhân".

Cùng thời điểm, báo điện tử VnExpress dẫn lời Luật sư Trương Thanh Đức, công ty Luật Basico, cho rằng thu nhập từ tiết kiệm mà tới vài trăm triệu đồng nên gọi là đầu tư và phải nộp thuế thu nhập.

Theo ông Đức, cần phải quy định thêm việc đánh thuế đối với tiền gửi nói chung, tiền gửi tiết kiệm nói riêng tại các tổ chức tín dụng khi vượt một mức nhất định. Ông Đức nói : "Nếu thu nhập từ lãi tiết kiệm cao hơn hai lần mức thuế khởi điểm (tính theo năm) của thu nhập cá nhân tính thuế," báo này tường thuật.

thue4

Hiện nay tại Việt Nam, mức thuế khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân là 108 triệu đồng (khoảng 4.752 USD)/năm. Như vậy, theo đề xuất của Luật sư Đức, nếu cá nhân có khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm hơn 200 triệu đồng (8.800 USD), thì "cần phải vào diện nộp thuế".

"Lâu nay chúng ta đã quá yêu chiều ngành ngân hàng. Nhiều người thu nhập từ tiết kiệm ngân hàng tới 200 triệu đồng thì như vậy phải gọi là đầu tư rồi," VnExpress dẫn lời ông Đức.

Luật sư Phạm Công Út ở Sài Gòn bình luận ngắn : "Một luật sư đồng nghiệp (của tôi) đề nghị đánh thuế cả tiền lãi gửi tiết kiệm trong dân. Tôi cho rằng đây là giải pháp rất tệ và dễ bị xã hội lên án cái ý tưởng mang tính… vơ vét này".

Ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc công ty địa ốc Đất Lành, đặt vấn đề : "Không biết ngân khố quốc gia đang vấn đề gì nhưng thấy mấy anh ở Bộ tài chính đua nhau lập ý tưởng tăng thuế bằng mọi cách mới thấy tính bất thường của nó. Mới đầu là ý tưởng tăng thuế VAT lên mức cao nhất là 12% đã làm nhiều người suy nghĩ về cái ngân khố quốc gia thực sự có vấn đề. Nay, có thêm ý tưởng đánh thuế VAT 10% khi chuyển nhượng đất đai gây hệ lụy rất lớn đối với thị trường bất động sản về thanh khoản hoặc thậm chí (gây ra tình trạng) đóng băng nếu ý tưởng trở thành hiện thực, giá nhà đất ngay lập tức tăng lên 10%".

Tháng trước, mạng xã hội xôn xao khi báo chí Việt Nam dẫn lời Thứ trưởng tài chính Vũ Thị Mai nói : "Tăng thuế VAT không ảnh hưởng tới người nghèo".

Báo điện tử VnExpress tường thuật lời bà Mai rằng Bộ tài chính đánh giá tác động lên người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp khi thay đổi thuế suất VAT là "không nhiều".

Nhà báo Hà Phan ở Sài Gòn nói nửa đùa nửa thật trên mạng xã hội : "Sau đề nghị đánh thuế lãi tiết kiệm, tôi đề nghị thêm một số loại thuế sau : Thuế đi nhà nghỉ để bảo vệ hạnh phúc gia đình và đạo đức xã hội ; thuế làm việc riêng trong giờ hành chính để đảm bảo giờ làm việc của các cơ quan tổ chức ; thuế thuốc để các bệnh viện đỡ quá tải, dân tình ý thức không được ốm đau ; thuế ngủ quạt để tiết kiệm điện và giảm ô nhiễm môi trường"

"Thuế đi xe đạp để giảm kẹt xe ; thuế mặc quần áo để tiết kiệm chi tiêu ; thuế dùng điện thoại di động để hạn chế lướt Facebook, chém gió ; thuế đi đường để đỡ tắc nghẽn ; thuế thu từ người thu nhập thấp để họ cố gắng làm giàu ; thuế cơm để giảm bớt ăn, tránh béo phì ; trước mắt thu ngay thuế phát ngôn để giảm bớt phát ngôn bậy ạ !" ông viết. (T.K.)

Quay lại trang chủ
Read 850 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)