Tổng thống Macron : Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ được xây dựng lại (RFI, 16/04/2019)
Hỏa hoạn, có lẽ do tai nạn, thiêu đốt một phần Nhà thờ Đức Bà Paris, đã được khống chế vào sáng sớm thứ Ba 16/04/2019. Cấu trúc của báu vật biểu tượng văn hóa và tôn giáo của nhân loại không bị tổn hại. Trái lại, ngọn tháp chỉ thiên cao 93 mét, phần lớn mái ngói, kèo cột bằng gỗ từ thế kỷ 12 và toàn bộ hệ thống kính tròn trang trí bị cháy rụi. Người dân Pháp và du khách xúc động mạnh. Tổng thống Macron cam kết "nhà thờ sẽ được xây dựng lại". Cộng đồng quốc tế tỏ tình đoàn kết.
Khói và lửa bốc lên từ Nhà thờ Đức Bà Paris, Pháp, tối ngày 15/04/2019 Reuters/Benoit Tessier
Nhà thờ Đức Bà Paris vẫn đứng vững. Sau một đêm tận lực, 400 lính cứu hỏa bảo vệ thành công cấu trúc bằng đá của ngôi thánh đường hơn 850 tuổi. Có mặt tại hiện trường, tổng thống Pháp Emmanuel Macron không giấu xúc động, cam kết với toàn dân là "báu vật quốc gia sẽ được tái xây dựng" vì đó "là lịch sử, là văn học, là niềm tưởng tượng, là nơi người Pháp trải qua những sự kiện lớn".
Điều tra
Theo trung tá Gabriel Plus, phát ngôn viên lực lượng cứu hỏa Paris, ngọn lửa đã hoàn toàn bị khống chế, hầu hết được dập tắt. Thiệt hại vật chất rất nặng nề : toàn bộ mái nhà thờ bị hỏng, kèo cột bị cháy rụi, một phần vòm bán nguyệt sụp đổ, tháp mũi tên cùng với những ô kính tròn trăm năm tuổi biến thành than.
Ngọn lửa dường như xuất phát từ một giàn giáo trên nóc thánh đường vào khoảng gần 19h hôm qua 15/04, và đã nhanh chóng lan ra, đốt cháy mái nhà thờ tọa lạc giữa thủ đô Paris, được xây dựng trong suốt gần 200 năm, từ thế kỷ XII. Do đang trong giai đoạn tái thiết, hệ thống giàn giáo phủ vây chung quanh Nhà thờ Đức Bà Paris đã cản trở hoạt động của lính cứu hỏa, khiến cho việc chữa cháy rất khó khăn.
Tư pháp Paris đã cho mở cuộc điều tra về tội "sơ ý gây tổn hại". Các nhà điều tra nghi ngờ ngọn lửa xuất phát từ công trường chỉnh trang nhà thờ và có thể là do bất cẩn.
Vụ cháy Nhà thờ Đức Bà đã làm cho tổng thống Pháp Macron phải hủy thông điệp quan trọng gửi đến toàn dân được dự trù vào tối thứ Hai 15/04/2019, đáp ứng các đòi hỏi về an sinh xã hội của phong trào Áo Vàng.
Một câu hỏi then chốt được đặt ra ở đây là tại sao "không sử dụng máy bay chữa cháy" ? Ngay tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nóng lòng thúc giục lực lượng cứu hỏa Paris. Tổng Nha Phòng Vệ Dân Sự cho biết là không thể sử dụng "bom nước" vì sẽ làm sập toàn bộ nhà thờ.
Một ưu tiên khác vô cùng quan trọng là bằng mọi cách phải cứu các báo vật nghệ thuật vô giá bên trong nhà thờ. Tin vui là chiếc áo của thánh Louis và mũ gai trên đầu Chúa Jesus lúc bị hành hình còn nguyên vẹn.
Hàng loạt sáng kiến quyên góp tái thiết
Ngay sau khi hỏa hoạn xảy ra, tối hôm qua, 15/04/2019, tổng thống Emmanuel Macron khẳng định sẽ tổ chức một cuộc quyên góp toàn quốc để hỗ trợ việc tái thiết, dự kiến sẽ lâu dài và gian nan. Hàng loạt đóng góp và sáng kiến trùng tu ngay lập tức được đưa ra.
Thị trưởng thủ đô Paris Anne Hidalgo cho AFP biết trước mắt thành phố sẽ giải ngân 50 triệu euro, giúp cho việc trùng tu tháp nhà thờ bị hủy hoại. Chính quyền vùng Ile-de-France giải ngân 10 triệu. Thị trưởng Paris tuyên bố sẽ đề nghị với tổng thống tổ chức một hội nghị quốc tế của các nhà tài trợ, ngay trong những tuần tới.
Tối hôm qua, gia đình của nhà công nghiệp Pháp Pinault, lãnh đạo tập đoàn Kering, đứng thứ hai thế giới trong lĩnh vực thời trang xa xỉ (chủ nhân thương hiệu Yves Saint Laurent), thông báo đóng góp 100 triệu euro cho việc tái thiết thông qua công ty Artemis. Sáng nay, gia đình ông Bernard Arnault, giàu nhất nước Pháp, chủ tập đoàn LVHM đứng đầu thế giới trong lĩnh vực thời trang (chủ nhân thương hiệu Louis Vuitton), tuyên bố đóng góp 200 triệu euro. Tập đoàn L'Oréal cũng góp 200 triệu euro.
Quỹ Di Sản (Fondation du patrimoine), một tổ chức tư nhân, có sứ mạng bảo tồn các di sản Pháp, ngay ngày hôm nay, 16/04, đã khởi sự một chiến dịch "quyên góp quốc gia" tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris. Tập đoàn dầu khí Toyota mở màn chiến dịch, với khoản tiền 100 triệu.
Tổng giám đốc của tổ chức UNESCO Giáo Dục, Khoa Học và Văn Hóa Liên Hiệp Quốc, bà Audrey Azoulay, có mặt tại Paris nhấn mạnh đến các đánh giá thiệt hại cần được tiến hành nhanh chóng : "Nhà thờ Đức Bà Paris thuộc về di sản của nhân loại. Công trình này nằm trong danh sách các di sản nhân loại của UNESCO. Tôi đến đây cũng để chuyển tải một thông điệp đoàn kết, hỗ trợ đối với những gì sắp phải làm. Sẽ có các đánh giá đầu tiên về mức độ thiệt hại, khâu này sẽ được tiến hành rất nhanh".
Tú Anh, Trọng Thành
*******************
Hình ảnh lúc tòa tháp giữa bị sụp
Lính cứu hỏa đang vật lộn cứu toà nhà Gothic 850 năm tuổi, nhưng toà tháp giữa và phần mái của thánh đường đã bị sập.
Hiện chưa rõ nguyên nhân gây hỏa hoạn, nhưng giới chức nói có thể nó có liên quan tới hoạt động trùng tu đang diễn ra tại đây.
Một quan chức cứu hỏa Paris nói rằng cấu trúc chính của thánh đường đã "được cứu và bảo toàn".
Cơ quan công tố Paris nói đã mở cuộc điều tra vụ việc.
Người ta nghe thấy có những tiếng nổ lớn khi ngọn lửa bùng lên qua phần mái, phá huỷ các cửa sổ bằng kính màu của nhà thờ.
Mọi nỗ lực đang được huy động để cứu các tác phẩm nghệ thuật của nhà thờ và để chặn nguy cơ toà tháp phía bắc của công trình này khỏi bị sụp.
Thứ trưởng Nội vụ Laurent Nunes nói với các phóng viên rằng "không chắc" là phần này có thể cứu được hay không.
Hàng ngàn người tụ tập trên các đường phố quanh thánh đường, lặng lẽ theo dõi ngọn lửa cuồng nộ cháy. Một số người rơi lệ, trong lúc một số người khác hát các khúc ca hoặc cầu nguyện.
Một số nhà thờ quanh thủ đô nước Pháp đã rung chuông.
Tổng thống Pháp Emmanual Macron, người đã tới hiện trường, nói rằng tâm trí ông ở bên "toàn bộ người Thiên Chúa giáo và toàn thể nhân dân Pháp".
"Giống như tất cả đồng bào của tôi, đêm nay tôi đau buồn khi phải chứng kiến phần này của chúng ta bị thiêu đốt".
Sở cứu hỏa nói một chiến dịch lớn đang được triển khai
Do có vụ hỏa hoạn mà ông Macron đã huỷ một bài diễn văn toàn quốc quan trọng trên truyền hình, một viên chức Điện Élysée nói.
Phát ngôn viên của thánh đường nói rằng toàn bộ cấu trúc "bị bén lửa".
"Vẫn còn phải chờ xem phần khung vòm bảo vệ cho thánh đường có bị ảnh hưởng hay không", ông nói.
Sử gia Camille Pascal nói với hãng truyền thông Pháp BFMTV rằng trận hỏa hoạn đang huỷ hoại "di sản vô giá".
"Trong suốt 800 năm, Thánh đường đã canh gác Paris", ông nói.
"Các sự kiện vui buồn trong hàng thế kỷ đã được đánh dấu bằng những tiếng chuông của Nhà thờ Đức Bà Notre Dame".
"Chúng tôi cảm thấy kinh hoàng về những gì mình đang chứng kiến".
Thị trưởng Paris, bà Anna Hidalgo thúc giục người dân hãy tôn trọng, đứng cách hàng rào chắn mà các toán lính cứu hỏa dựng lên, nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gợi ý "có lẽ máy bay chở nước" có thể dùng để dập tắt ngọn lửa.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đề nghị giúp đỡ người dân Pháp, và gọi Notre-Dame là một "biểu tượng của văn hoá Pháp và Châu Âu".
"Tâm trí của tôi ở bên cạnh nhân dân Pháp đêm nay, và với lực lượng khẩn cấp đang chiến đấu với ngọn lửa hung tàn tại Nhà thờ Đức Bà Notre-Dame", Thủ tướng Anh Theresa May viết trên Twitter.
Vatican nói tin tức về vụ hỏa hoạn đã "gây sốc và đau buồn", và nói thêm rằng Toà thánh đang cầu nguyện cho các lực lượng cứu hỏa Pháp.
Nhà thờ Đức Bà Notre-Dame, một địa danh du lịch nổi tiếng, đang trong quá trình trùng tu sau khi có các vết nứt xuất hiện trên đá, khiến có những lo sợ là cấu trúc toà nhà có thể sẽ trở nên không ổn định.
Hồi năm ngoái, Giáo hội Thiên chúa tại Pháp đã kêu gọi gây quỹ để giúp bảo tồn thánh đường này.
Một vài thông tin về Notre-Dame
Nhà thờ đón gần 13 triệu du khách tới thăm mỗi năm, nhiều hơn so với Tháp Eiffel ;
Nhà thờ được xây dựng vào Thế kỷ 12 và 13, hiện đang trong quá trình trùng tu quy mô lớn ;
Một số bức tượng ở phần mặt tường toà nhà đã được đem đi phục chế ;
Phần mái, là phần đã bị ngọn lửa phá huỷ, hầu hết được làm bằng gỗ.
******************
Pháp : Cháy lớn tại Nhà thờ Đức Bà Paris (RFI, 15/04/2019)
Hỏa hoạn bùng phát lúc 18 giờ 50, giờ Paris, ngày 15/04/2019. Khoảng 400 lính cứu hỏa được huy động. Do địa hình phức tạp, việc cứu hỏa gặp khó khăn. Vòi phun nước không vượt quá 30 mét. Tháp nhọn trên nóc Nhà thờ Đức Bà Paris cao 83 mét đã bị cháy rụi và sập.
Nhà thờ Đức Bà Paris bị hỏa hoạn, ngày 15/04/2019 ©Patrick ANIDJAR/AFP
******************
Cháy lớn ở Nhà thờ Đức Bà Paris (VOA, 16/04/2019)
Lính cứu hỏa Paris đang cố gắng dập lửa ở Nhà thờ Đức Bà – một kỳ quan nổi tiếng ở Paris – vào khoảng 7h tối ngày 15/4 theo giờ địa phương (tức khoảng nửa đêm theo giờ Việt Nam) trong lúc ngọn lửa và khói bốc lên từ phía trên nhà thờ, tờ Le Monde đưa tin.
Khói bốc lên cuồn cuộn từ phía trên Nhà thờ Đức Bà Paris
Tin cho hay ngọn tháp nhọn của nhà thờ đã đổ sập.
Ngọn lửa bốc lên từ mái giáo đường, vốn là di tích lịch sử được viếng thăm nhiều nhất Châu Âu. Tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của vụ cháy vẫn đang được đánh giá. Theo phát ngôn nhân của Nhà thờ Đức Bà, đám cháy bùng phát vào khoảng 18h50.
Điện Élysée loan báo Tổng thống Emmanuel Macron sẽ đến thị sát hiện trường vụ cháy vào chiếu tối hôm nay. Phủ Tổng thống cho biết vì lý do đó, bài diễn văn của ông Macron bàn về các giải pháp rút ra sau cuộc Đại Thảo luận Toàn quốc để giải quyết cuộc khủng hoảng áo vàng, dự kiến diễn ra tối nay sẽ bị hoãn lại.
Trên Twitter, ông Emmanuel Grégroire, trợ lý thứ nhất của thị trưởng Paris, viết : "Một vụ cháy lớn đang xảy ra ở Nhà thờ Đức Bà, quý vị phải tránh xa nơi này và chúng tôi phải sơ tán khu vực để cho phép lực lượng cứu hộ can thiệp".
BBC cho biết hiện vẫn chưa biết nguyên nhân gây ra hỏa hoạn nhưng các quan chức cho biết nó có thể liên quan đến việc sửa chữa.
Các hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy những cột khói cuồn cuộn bốc lên không trung phía trên ngôi giáo đường 850 tuổi, được thiết kế theo kiến trúc Gothic.
Thị trưởng Paris Anne Hidalgo mô tả đây là ‘vụ cháy khủng khiếp’, bà kêu gọi mọi người hãy tôn trọng hàng rào an ninh mà lực lượng cứu hỏa vừa dựng lên để đảm bảo an toàn.
******************
Người dân Paris đau đớn nhìn Nhà thờ Đức Bà bị cháy (VOA, 16/04/2019)
Người dân Paris đau buồn và các du khách sững sờ hôm thứ Hai ngày 15/4 đã không tin vào mắt mình khi nhìn thấy ngọn lửa hung dữ xé toạc Nhà thờ Đức bà Paris, một trong những công trình lịch sử được yêu mến nhất thế giới.
Người dân Pháp khóc vì Notre Dame de Paris bị cháy*
Hàng ngàn người chứng kiến đứng dọc theo các cây cầu trên sông Seine và dọc theo bờ sông và được giữ ở khoảng cách an toàn sau hàng rào do cảnh sát dựng lên khi ngọn lửa bao trùm lấy mái nhà thờ.
"Lòng tôi tan nát", bà Elizabeth Caille, 58 tuổi và sống gần nhà thờ, nói. "Đó là biểu tượng của Paris. Đó là biểu tượng của Thiên chúa giáo. Đó như là cả thế giới sụp đổ đối với tôi".
Khi màn đêm buông xuống trên thủ đô nước Pháp, ngọn lửa đỏ lực vẫn hoành hành từ ngay trong lòng của tòa vương cung thánh đường theo kiến trúc Gothic được xây dựng từ thế kỷ thứ 12 và nó phát ra những tia sáng ma quái đằng sau những ô cửa sổ kính màu.
Những người chứng kiến mặt cứng đờ đứng chôn chân tại chỗ khi nhìn thấy quy mô của thảm họa. Họ tự hỏi liệu ngôi giáo đường này sẽ trụ vững qua đêm nay khi những đám mây khói có mùi cay sè bay lên trời. Một số người xúc động thấy rõ.
"Nó sẽ không bao giờ như trước nữa", cô Samantha Silva, 30 tuổi, nói với đôi mắt ngấn lệ khi cô kể lại cô đã dẫn bạn bè nước ngoài đến Paris đến thăm Nhà thờ Đức bà như thế nào.
Được xây trong hơn một thế kỷ bắt đầu từ năm 1160, Nhà thờ Đức bà Paris được các nhà sử học xem là biểu hiện đẹp nhất của kiến trúc Gothic của nhà thờ Pháp.
Tòa giáo đường này đã từng trụ được sau khi bị người Huguenot theo Tin Lành nổi loạn cướp phá hồi thế kỷ thứ 16, bị đốt phá trong Cách mạng Pháp vào năm 1789 và bị bỏ trong tình trạng gần như quên lãng cho đến khi cuốn tiểu thuyết ‘Thằng gù nhà thờ Đức Bà’ của đại văn hào Victor Hugo ra đời vào năm 1831 vốn dẫn đến sự quan tâm trở lại của công chúng đối với nhà thờ và sau đó là một đợt trùng tu lớn vốn bắt đầu vào năm 1844.
Nhà thờ này tiếp tục được sử dụng làm nơi tổ chức tang lễ quốc gia ở Pháp trong thời hiện đại. Các lãnh đạo thế giới đã đến đây để tham dự lễ tang của các cựu tổng thống Charles de Gaulle và Francois Mitterrand.
"Thật khủng khiếp, 800 năm lịch sử đã tan thành mây khói", du khách Đức Katrin Recke nói.
Trong khi lính cứu hỏa chạy đua để cứu những tác phẩm nghệ thuật vô giá, các nhà lãnh đạo thế giới đã bày tỏ đau buồn trong các thông điệp gửi tới người dân Pháp.
"Nhà thờ Đức bà Paris thuộc về toàn thể nhân loại. Thật là một quang cảnh đau lòng. Thật kinh hoàng. Tôi chia sẻ nỗi buồn với nước Pháp", ông Jean-Claude Juncker, chủ tịch Ủy ban Châu Âu, viết trên Twitter.
Bà Hillary Clinton, cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ, viết trên Twitter : "Trái tim tôi hướng về Paris. Nhà thờ Đức bà là biểu tượng của khả năng đoàn kết của nhân loại chúng ta cho mục đích cao cả hơn : xây dựng những công trình đẹp đến nghẹt thở làm nơi thờ phượng mà không một cá nhân nào có thể tự mình xây dựng được".
************************
Nhà thờ Đức Bà ở Paris ý nghĩa thế nào với người Pháp ? (BBC, 16/04/2019)
Không có công trình nào khác giàu biểu trưng cho nước Pháp như nhà thờ Đức Bà Notre-Dame de Paris.
Nhiều người nhìn vào ngọn lửa nhấn chìm nhà thờ mà rơi nước mắt
Nếu có đối thủ nào thì đó là tháp Eiffel, công trình được xây dựng sau hơn một thế kỷ. Nhà thờ Notre-Dame sừng sững ở Paris kể từ những năm 1200.
Tên nhà thờ này sau này cũng là tựa của một trong những kiệt tác văn học của nước Pháp. Cuốn tiểu thuyết Hunchback of Notre-Dame (Thằng Gù Ở Nhà thờ Đức Bà) của văn hào Victor Hugo được người Pháp gọi đơn giản là Notre Dame de Paris.
Lần gần nhất, tòa giáo đường bị thiệt hại lớn là trong cuộc Cách mạng Pháp, khi các bức tượng thánh bị những người chống Giáo hội phá hủy. Tòa nhà tồn tại sau cuộc nổi dậy của Công xã Paris năm 1871, cũng như hai cuộc Thế chiến mà không bị ảnh hưởng gì.
Do vậy mà nhiều người bị sốc khi chứng kiến một công trình bền bỉ như vậy của nước Pháp bị cháy.
Khu vực nhà thờ Notre-Dame là một trong số ít các điểm tham quan khiến cho người Paris cảm thấy may mắn khi sống ở đó.
Nhà thờ Notre Dame de Paris có ý nghĩa nhiều hơn một cơ sở tôn giáo
Nhưng đây không phải là nơi cư dân địa phương thường xuyên lui tới. Trong ba thập kỷ ở thành phố quê hương, tôi đi nhà thờ này chỉ hơn ba hoặc bốn lần.
Không chỉ là điểm du lịch nổi tiếng nhất ở Tây Âu, tám thế kỷ sau khi hoàn thành, nhà thờ Notre-Dame vẫn là nơi thờ phụng với khoảng 2.000 buổi lễ được tổ chức mỗi năm.
Nhà thờ có ý nghĩa nhiều hơn một cơ sở tôn giáo. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết "cả quốc gia" bị sốc về vụ hỏa hoạn.
Thị trưởng Paris Anne Hidalgo nói Notre Dame "là một phần của di sản chung của chúng tôi".
Nhiều người nhìn vào ngọn lửa nhấn chìm nhà thờ mà rơi nước mắt. Sự đau buồn của họ được chia sẻ bởi những người theo tín ngưỡng và những người không theo tôn giáo nào tại một quốc gia mà đức tin từ lâu đã không còn là điều kết nối dân chúng với nhau.
Henri Astier