Không mới, đồng nhân dân tệ (CNY) giai đoạn trước từng có quãng phá giá liên tiếp, mà giới quan sát từng xem đó như một công cụ phi thuế quan trong ứng xử với xung đột thương mại.
Giá nhân dân tệ của Trung Quốc so với giá đồng bạc xanh của Mỹ hiện được giao dịch ở mức thấp nhất trong 15 năm trở lại đây, và đang trên đà ghi nhận một năm mất giá mạnh nhất kể từ 1994.
Có giai đoạn mức độ phá giá của đồng tiền này khiến nhiều chuyên gia và doanh nghiệp Việt quan ngại. Lần này, mức độ giảm giá và xu hướng cũng đang định hình những tác động đáng chú ý. Bởi lẽ Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ), suốt nhiều năm qua cho đến nay.
Trung Quốc gần đây thậm chí còn nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vốn đang chậm lại do cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản, và ảnh hưởng từ các lệnh phong tỏa do dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh thành tại nước này.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại nâng tỷ lệ dự trữ rủi ro ngoại hối từ 0% lên 20% khi họ thực hiện các hợp đồng giao dịch CNY kỳ hạn. Động thái này giúp giảm bớt một lượng CNY trên thị trường, qua đó kéo giá đồng tiền này lên.
Tuy nhiên, đồng CNY vẫn trên đà đi xuống do Bắc Kinh vẫn đang phải cân bằng giữa chính sách kích thích kinh tế và chính sách tỷ giá.
Gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 2,8% trong năm 2022. Đây cũng là một nỗi lo của Bắc Kinh với thị trường 1,4 tỷ dân.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc 8 tháng đầu năm đạt 116,4 tỉ USD, trong đó nhập khẩu khoảng 82,1 tỉ USD, xuất khẩu 34,3 tỉ USD. Như vậy, từ tháng 1 đến 8/2022, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 47,8 tỉ USD, tăng 21,9%. Trung Quốc là nước cung cấp nguyên phụ liệu đầu vào cho các ngành sản xuất Việt Nam và các loại máy móc thiết bị, vải các loại, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày, hóa chất…
Ngoài máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ nhiều hàng nông sản của Việt Nam, trong đó đặc biệt là các mặt hàng thủy sản, rau quả ; hạt điều ; cà phê ; chè ; gạo ; sắn và sản phẩm sắn ; cao su, sản phẩm từ cao su… Thế nên, khi CNY mất giá, câu hỏi đầu tiên là các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với thị trường này bị tác động như thế nào".
Trên thực tế, hầu hết những doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đều thanh toán bằng USD nên trong đợt giảm mạnh của CNY đều không bị ảnh hưởng nhiều.
"Mỗi tuần chúng tôi đều có đơn hàng thanh toán từ 50.000 – 100.000 USD. Như đợt hồi tháng 7, tỷ giá USD/VND tăng, công ty bán được với giá 23.850 đồng mỗi USD, cao hơn thời điểm năm ngoái 1.500 đồng. Như vậy, đối tác thanh toán 100.000 USD thì khoảng lời từ tỷ giá mang lại là 150 triệu đồng. Những doanh nghiệp có vốn thì khi nhận tiền USD về, họ chưa vội bán ra mà giữ trên tài khoản để chờ giá lên mới bán", đại diện một công ty xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chia sẻ.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ông Lê Quốc Phương, cựu phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), thì về nguyên tắc, nếu CNY mất giá so với VND thì hàng hóa của Trung Quốc đổ vào Việt Nam sẽ rẻ đi, nhập siêu của Việt Nam sẽ tăng lên. Nếu điều này xảy ra sẽ tạo sự cạnh tranh rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam về chất lượng, giá cả, thị phần. Khi ấy, các doanh nghiệp Việt sẽ phải "gồng mình" để cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc nếu nước này tiếp tục phá giá đồng CNY.
"Chưa hết, dù cơ hội mua nguyên phụ liệu đầu vào từ thị trường này với giá thấp hơn, nhưng ngược lại hàng Trung Quốc cũng sẽ rẻ hơn ở các thị trường khác, giúp nâng cao tính cạnh tranh, nhất là thị trường EU, Nhật và các nước Đông Á… Lúc này, hàng Việt Nam xuất khẩu sẽ bị giảm lợi thế cạnh tranh, thậm chí doanh nghiệp trong nước mất thị phần vào tay doanh nghiệp Trung Quốc ở những thị trường khác", ông Phương cảnh báo.
Trung Quốc lại phá giá đồng nhân dân tệ (RFI, 08/08/2019)
Chỉ trong vòng ba ngày, Trung Quốc tiếp tục thả nổi đồng nhân dân tệ ở mức thấp kỷ lục so với đô la Mỹ. Sau khi rơi xuống mức thấp kỷ lục hôm 05/08/2019, và tăng nhẹ vào hôm 07/08, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, một lần nữa, lại giảm giá so với đồng đô la Mỹ vào ngày 08/08.
Đồng đô la Mỹ và đồng yuan Trung Quốc. Reuters/Thomas White
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hôm 08/08 đã ấn định tỉ giá tham chiếu chính thức cho đồng nhân dân tệ ở mức 7,0039 CNY/USD. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008, Trung Quốc ấn định tỉ giá dưới ngưỡng 7% so với đồng đô la Mỹ. Tính đến chiều 08/08 trên thị trường, đồng nhân dân tệ có tỉ giá 7,0435 CNY/USD, theo mức dao động được phép trong vòng 2% tỉ giá tham chiếu hàng ngày.
Theo hãng tin AP, việc điều chỉnh tỉ giá so với đồng đô la Mỹ một lần nữa cho thấy Bắc Kinh có thể sử dụng đồng nội tệ làm vũ khí thương mại chống lại các biện pháp trừng phạt của Washington. Việc phá giá đồng nhân dân tệ sẽ tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu Trung Quốc và có thể làm giảm tác động của việc Mỹ tăng thuế đối với hàng Trung Quốc.
Trung Quốc gây bất ngờ với tổng khối lượng hàng xuất khẩu tăng thêm 3,3% trong tháng Bẩy và cao hơn cả kết quả hồi tháng Ba. Theo đánh giá của một số nhà phân tích với Reuters, thành tích này có thể chỉ là tạm thời vì kể từ đầu tháng 09/2019, Washington sẽ áp thuế đối với những mặt hàng Trung Quốc chưa bị đánh thuế.
Mỹ công bố quy định cấm các tập đoàn công nghệ Trung Quốc
Chính quyền Mỹ tiếp tục tỏ ra cứng rắn đối với Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại chưa có hồi kết. Ngày 07/08/2019, Washington đã công bố những quy tắc chính thức cấm các tập đoàn công nghệ có liên quan đến Hoa Vi hoặc các doanh nghiệp Trung Quốc ký hợp đồng đấu thầu tại Mỹ.
Cụ thể, mọi cơ quan liên bang Mỹ bị cấm mua từ các tập đoàn trên những trang thiết bị điện tử viễn thông hoặc công nghệ mà có thể được sử dụng làm "một thành phần phụ hoặc phần chính cho toàn bộ một hệ thống".
Thực ra, theo AFP, quy định này là bước triển khai lệnh cấm đã được đưa vào luật quốc phòng mà Quốc Hội Mỹ thông qua trước đó. Quy định mới có hiệu lực tạm thời trong vòng 60 ngày kể từ ngày 13/08. Ngoài Hoa Vi, các công ty Trung Quốc như ZTE, Hytera Communications Corporation, Hangzhou Hikvision Digital Technology Company và Dahua Technology Company cũng nằm trong danh sách bị cấm đấu thầu tại Mỹ.
Hoa Vi hiện còn phải đối mặt với nhiều biện pháp trừng phạt khác, trong đó có lệnh cấm xuất khẩu công nghệ Mỹ cho doanh nghiệp Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia.
Thu Hằng
*****************
Trung Quốc báo hiệu còn hạ giá nhân dân tệ trong khi thương chiến tăng nhiệt (VOA, 08/08/2019)
Trung Quốc hôm thứ Năm 8/8 phát đi tín hiệu là họ có thể tiếp tục làm suy yếu đồng tiền quốc gia của mình, một động thái có nguy cơ lại làm leo thang cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ.
Tỷ giá nhân dân tệ/đô la đang tăng trong những ngày này
Ngân hàng trung ương Trung Quốc hôm 8/8 công bố tỷ giá trung tâm của biên độ giao dịch hàng ngày là hơn 7 nhân dân tệ đổi 1 đô la Mỹ, lần đầu tiên ở mức này sau hơn một thập kỷ. Con số cụ thể là 7,0039 nhân dân tệ ăn 1 đô la, so với mức 6,996 nhân dân tệ/1 đô la được ngân hàng trung ương công bố hôm 7/8.
Tác động thực chất của động thái này là truyền thông điệp đến các thị trường tài chính rằng Bắc Kinh kỳ vọng đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục suy yếu so với đồng đô la, có thể cao hơn mức 7 nhân dân tệ/1 đô la khá nhiều.
Điều đó nhiều khả năng càng làm cho chính quyền Tổng thống Trump tức tối. Đồng tiền yếu hơn giúp các nhà máy Trung Quốc bù đắp phần chi phí tăng lên do bị ông Trump đánh thuế khi họ bán hàng hóa cho Hoa Kỳ.
Hành động của Trung Quốc sẽ làm cho các bên chú ý nhiều hơn tới tỷ giá trung tâm hàng ngày của ngân hàng trung ương nước này trong những tuần tới để xem liệu Trung Quốc có hạ giá đồng tiền hay không - có thể tới mức là 7,5 hoặc 8 nhân dân tệ đổi 1 đô la - đó là mức mà sẽ bắt đầu làm suy yếu đáng kể tác dụng của việc Mỹ đánh thuế.
Động thái này cũng có thể khiến các ngân hàng trung ương khác ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương phải xem xét việc cắt giảm lãi suất của họ.
Hôm 7/8, ba ngân hàng trung ương của Ấn Độ, Thái Lan và New Zealand đã giảm lãi suất và việc này được nhiều người xem như là một nỗ lực phòng thủ nhằm củng cố nền kinh tế của họ vào lúc cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đe dọa đến tăng trưởng của toàn cầu.
(New York Times, CNN)
*******************
Vì sao đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sụt giá ? (BBC, 07/08/2019)
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc xuống mức thấp nhất trong hơn một thập niên qua, khiến Hoa Kỳ gọi Bắc Kinh là kẻ thao túng tiền tệ.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) nói việc đồng nhân dân tệ sụt giá là do "chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và việc tăng biểu thuế áp dụng đối với Trung Quốc".
Hôm thứ Hai, 1 đô la Mỹ ăn 7 nhân dân tệ, là mức thấp chưa từng có kể từ năm 2008 đến nay.
Bắc Kinh trước đó đã tìm cách ngăn chặn để đồng tiền nước mình không tụt xuống dưới mức tỷ giá mang tính biểu tượng.
Căng thẳng leo thang trong cuộc thương chiến, được châm ngòi từ các đe dọa mới về thuế quan từ Mỹ, được cho là đã làm Bắc Kinh thay đổi chính sách tiền tệ.
Hôm thứ Hai, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) nói việc đồng nhân dân tệ sụt giá là do "chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và việc tăng biểu thuế áp dụng đối với Trung Quốc".
Diễn biến mới này xảy ra chỉ ít ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông sẽ áp mức thuế 10% lên thêm 300 tỷ USD hàng Trung Quốc, trên thực tế có nghĩa là tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ.
Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ ra sao ?
Đồng nhân dân tệ không được mua bán tự do trên thị trường và chính phủ Trung Quốc hạn chế biên độ dao động tỷ giá hối đoái giữa nhân dân tệ với đô la Mỹ.
Không như các ngân hàng trung ương khác, PBOC không hoạt động độc lập và bị cáo buộc là có hành động can thiệp mỗi khi có những vấn đề lớn ảnh hưởng tới giá trị đồng nhân dân tệ.
Ông Julian Evans-Pritchard, Kinh tế gia Cao cấp về Trung Quốc của hãng Capital Economics, cho rằng bằng bước đi gắn việc phá giá đồng nhân dân tệ với đợt áp thuế mới của Mỹ, PBOC đã "biến tỷ giá hối đoái thành vũ khí, ngay cả khi ngân hàng này không chủ động làm suy yếu đồng tiền bằng việc trực tiếp can thiệp".
Đồng nhân dân tệ suy yếu có tác động gì ?
Đồng nhân dân tệ yếu hơn khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn, và sẽ rẻ hơn nếu mua bằng ngoại tệ.
Nhìn từ phía Mỹ thì đây được coi như nỗ lực để bù lại thiệt hại của việc hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ bị đánh thuế cao hơn.
Mặc dù điều này có vẻ như có lợi cho người tiêu dùng trên thế giới vì nay họ có thể mua hàng Trung Quốc với giá rẻ hơn, nhưng nó mang theo những rủi ro khác.
Đồng nhân dân tệ xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008
Đồng nhân dân tệ yếu hơn khiến hàng ngoại nhập vào Trung Quốc đắt hơn, do đó có nguy cơ đẩy lạm phát tăng cao và gây sức ép lên nền kinh tế vốn đã tăng trưởng chậm lại, cũng như khiến những người có tiền đầu tư vào những tài sản khác.
Trung Quốc đã từng phá giá đồng tiền chưa ?
Rồi. Hồi 2015, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đẩy tỷ giá đồng nhân dân tệ/đô la Mỹ xuống mức thấp nhất trong ba năm. Ngân hàng Trung ương nói động thái này được đưa ra để hỗ trợ cải cách thị trường.
Lần cuối cùng tỷ giá xuống mức 7 nhân dân tệ ăn 1 đô la Mỹ là trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Ông Evans-Pritchard từ hãng Capital Economics nói Trung Quốc từ lâu nay lập luận rằng tỷ giá 7 nhân dân tệ ăn 1 đô la là ngưỡng mà Trung Quốc có toàn quyền quyết định, "nhưng trước đây đã từng can thiệp để đồng nhân dân tệ không tụt xuống ngưỡng này".
Vì sao việc Trung Quốc phá giá tiền tệ làm Mỹ tức giận ?
Việc Trung Quốc làm hàng hóa của họ có tính cạnh tranh hơn đánh vào tâm điểm của cuộc chiến thương mại giữa ông Trump với Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ lâu nay cáo buộc Trung Quốc phá giá đồng tiền nhằm hỗ trợ xuất khẩu, điều mà Bắc Kinh bác bỏ.
Mặc dù gắn đợt phá giá mới nhất với cuộc chiến thương mại, Trung Quốc tiếp tục tuyên bố nước này sẽ không tham gia "phá giá cạnh tranh".
Thống đốc PBOC Dịch Cương hôm thứ Hai nói Trung Quốc "sẽ không tiến hành phá giá cạnh tranh, và sẽ không can thiệp vào tỷ giá để đạt lợi thế cạnh tranh".
Vì sao việc phá giá tiền tệ gây tranh cãi ?
Việc thao túng tiền tệ - bởi Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác - được cho là coi thường luật thương mại quốc tế bằng cách tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng.
Một quốc gia có thể thao túng tiền tệ bằng cách làm tăng hay giảm tỷ giá hối đoái một cách không tự nhiên. Tỷ giá mới có thể được tạo ra để giúp hàng xuất khẩu có tính cạnh tranh cao hơn, để giảm lạm phát hoặc giảm dòng vốn chảy vào.
Một báo cáo do Laurence Howard viết đăng trên Emory Law Review nói thao túng tiền tệ đã "có tác động nghiêm trọng lên thị trường toàn cầu".
"Trên khắp thế giới, việc thao túng tiền tệ có lẽ đã dẫn đến việc mất hàng triệu việc làm ở Mỹ và mất một số việc làm ít hơn, nhưng vẫn đáng kể, ở Châu Âu", ông Howard viết.
Điều gì sẽ xảy ra với đồng nhân dân tệ ?
Các nhà phân tích dự đoán đồng nhân dân tệ sẽ còn tiếp tục tụt giá.
Chiến lược gia chuyên phân tích thị trường Edward Moya nói việc đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá là điều "nên được trông đợi", và chúng ta có thể sẽ chứng kiến đồng tiền này "còn mất giá thêm 5% nữa vào cuối năm nay".
Hãng Capital Economics dự đoán tỷ giá hối đoái sẽ xuống tới mức 7,3 đồng nhân dân tệ ăn 1 đô la Mỹ vào cuối năm, so với mức 6,90 nhân dân tệ như được đự đoán trước đây.
******************
Nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc giảm 19% trong tháng 7 giữa lúc thương chiến căng thẳng (VOA, 08/08/2019)
Kim ngạch nhập khẩu của Mỹ vào Trung Quốc sụt giảm trong tháng 7 giữa lúc cuộc chiến thuế quan giữa Bắc Kinh và Washington tiếp tục căng thẳng, theo AP.
Hàng hóa chờ được xuất khẩu tại một cảng nước sâu ở Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh minh họa
AP dẫn dữ liệu hải quan hôm 8/8 cho biết kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Hoa Kỳ vào Trung Quốc đã giảm 19% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 10,9 tỷ đôla, mặc dù vậy, con số này vẫn ít hơn mức giảm thấp nhất là 31,4% vào tháng 6. Cũng trong tháng 7, kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ giảm 6,5%, xuống còn 38,8 tỷ đôla.
Reuters cho biết trong khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ tiếp tục thu hẹp trong tháng 7 do Hoa Kỳ áp dụng thuế suất cao, thì xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục mở rộng sang Châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan và đáng chú ý nhất là thị trường Đông Nam Á (ASEAN).
Bắc Kinh đã trả đũa việc tăng thuế quan của Hoa Kỳ trong cuộc tranh chấp về thương mại và công nghệ bằng cách áp đặt các mức thuế có tính chất trừng phạt của riêng mình và đình chỉ nhập khẩu đậu nành Mỹ và các hàng hóa khác.
AP dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ vào Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2019 đã giảm 28,3% so với năm ngoái.
Các nhà kinh tế cho biết ngay cả khi đạt được thỏa thuận với Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc năm nay vẫn thấp do lượng cầu toàn cầu không cao.
Hồi tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump gây bất ngờ cho cả Trung Quốc lẫn các nhà đầu tư khi đe dọa sẽ áp thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỷ đô la vào ngày 1/9 tới, và sau đó nhanh chóng liệt Trung Quốc vào hàng "nước thao túng tiền tệ" vào hôm 5/8 để trả đũa cho việc Bắc Kinh tuyên bố sẽ ngừng mua nông sản của Mỹ và cho phá giá đồng nhân dân tệ.