Không mới, đồng nhân dân tệ (CNY) giai đoạn trước từng có quãng phá giá liên tiếp, mà giới quan sát từng xem đó như một công cụ phi thuế quan trong ứng xử với xung đột thương mại.
Giá nhân dân tệ của Trung Quốc so với giá đồng bạc xanh của Mỹ hiện được giao dịch ở mức thấp nhất trong 15 năm trở lại đây, và đang trên đà ghi nhận một năm mất giá mạnh nhất kể từ 1994.
Có giai đoạn mức độ phá giá của đồng tiền này khiến nhiều chuyên gia và doanh nghiệp Việt quan ngại. Lần này, mức độ giảm giá và xu hướng cũng đang định hình những tác động đáng chú ý. Bởi lẽ Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Mỹ), suốt nhiều năm qua cho đến nay.
Trung Quốc gần đây thậm chí còn nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vốn đang chậm lại do cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản, và ảnh hưởng từ các lệnh phong tỏa do dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều tỉnh thành tại nước này.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại nâng tỷ lệ dự trữ rủi ro ngoại hối từ 0% lên 20% khi họ thực hiện các hợp đồng giao dịch CNY kỳ hạn. Động thái này giúp giảm bớt một lượng CNY trên thị trường, qua đó kéo giá đồng tiền này lên.
Tuy nhiên, đồng CNY vẫn trên đà đi xuống do Bắc Kinh vẫn đang phải cân bằng giữa chính sách kích thích kinh tế và chính sách tỷ giá.
Gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 2,8% trong năm 2022. Đây cũng là một nỗi lo của Bắc Kinh với thị trường 1,4 tỷ dân.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc 8 tháng đầu năm đạt 116,4 tỉ USD, trong đó nhập khẩu khoảng 82,1 tỉ USD, xuất khẩu 34,3 tỉ USD. Như vậy, từ tháng 1 đến 8/2022, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc lên tới 47,8 tỉ USD, tăng 21,9%. Trung Quốc là nước cung cấp nguyên phụ liệu đầu vào cho các ngành sản xuất Việt Nam và các loại máy móc thiết bị, vải các loại, sắt thép, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày, hóa chất…
Ngoài máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ nhiều hàng nông sản của Việt Nam, trong đó đặc biệt là các mặt hàng thủy sản, rau quả ; hạt điều ; cà phê ; chè ; gạo ; sắn và sản phẩm sắn ; cao su, sản phẩm từ cao su… Thế nên, khi CNY mất giá, câu hỏi đầu tiên là các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với thị trường này bị tác động như thế nào".
Trên thực tế, hầu hết những doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đều thanh toán bằng USD nên trong đợt giảm mạnh của CNY đều không bị ảnh hưởng nhiều.
"Mỗi tuần chúng tôi đều có đơn hàng thanh toán từ 50.000 – 100.000 USD. Như đợt hồi tháng 7, tỷ giá USD/VND tăng, công ty bán được với giá 23.850 đồng mỗi USD, cao hơn thời điểm năm ngoái 1.500 đồng. Như vậy, đối tác thanh toán 100.000 USD thì khoảng lời từ tỷ giá mang lại là 150 triệu đồng. Những doanh nghiệp có vốn thì khi nhận tiền USD về, họ chưa vội bán ra mà giữ trên tài khoản để chờ giá lên mới bán", đại diện một công ty xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chia sẻ.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ông Lê Quốc Phương, cựu phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), thì về nguyên tắc, nếu CNY mất giá so với VND thì hàng hóa của Trung Quốc đổ vào Việt Nam sẽ rẻ đi, nhập siêu của Việt Nam sẽ tăng lên. Nếu điều này xảy ra sẽ tạo sự cạnh tranh rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam về chất lượng, giá cả, thị phần. Khi ấy, các doanh nghiệp Việt sẽ phải "gồng mình" để cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc nếu nước này tiếp tục phá giá đồng CNY.
"Chưa hết, dù cơ hội mua nguyên phụ liệu đầu vào từ thị trường này với giá thấp hơn, nhưng ngược lại hàng Trung Quốc cũng sẽ rẻ hơn ở các thị trường khác, giúp nâng cao tính cạnh tranh, nhất là thị trường EU, Nhật và các nước Đông Á… Lúc này, hàng Việt Nam xuất khẩu sẽ bị giảm lợi thế cạnh tranh, thậm chí doanh nghiệp trong nước mất thị phần vào tay doanh nghiệp Trung Quốc ở những thị trường khác", ông Phương cảnh báo.