Anh Vũ, RFI, 04/05/2022
Khi thông báo mở cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine từ ngày 24/02/2022, ông Vladimir Putin gọi đó là "chiến dịch quân sự đặc biệt". Sau hơn hai tháng chưa có được thắng lợi cụ thể nào trên chiến trường, cuộc xung đột tại Ukraine có thể sẽ được Nga nâng lên thành cấp độ "chiến tranh" vào dịp kỷ niệm 09/05, ngày chiến thắng phát xít Đức, theo nhiều nhà quan sát phương Tây.
Tổng thống Nga Putin phát biểu trong lễ duyệt binh tại Quảng trường Đỏ ở Moskva, Nga, ngày 9/5/2019. Tổng thống Nga chủ trương khôi phục ngày Kỷ niệm chiến thắng phát xít. © Reuters
Những gì đang diễn ra tại Ukraine từ hơn hai tháng qua đã đạt đủ mọi tiêu chí của một cuộc chiến tranh thực thụ. Nhưng ngay từ đầu cuộc xâm lược trên quy mô lớn này, điện Kremlin, vì mục đích tuyên truyền trong nước vẫn gọi đơn giản đó là một "chiến dịch quân sự đặc biệt", với mục tiêu "phi quân sự hóa và phi phát xít hóa" Ukraine, điều này có nghĩa là nước Nga vẫn chưa trong tình trạng chiến tranh.
Gần đến ngày 09/05, kỷ niệm chiến thắng chủ nghĩa phát xít Đức theo truyền thống ở Nga, nhiều nguồn tin cũng như giới quan sát cuộc xung đột hiện nay rộ lên dự báo rằng, những khó khăn trên chiến trường có thể khiến tổng thống Nga đẩy cuộc chiến lên cấp độ cao hơn, bằng việc tuyên chiến chính thức với Ukraine và ra lệnh tổng động viên toàn quốc để đạt được mục tiêu.
Nhóm tư vấn của Mỹ CEPA (Centre for European Political Analysis) nhận định một kết cục như vậy là khó tránh khỏi khi quân Nga đang có xu hướng sa lầy trên chiến trường. Các chuyên gia của CEPA phân tích :
"Giới quân sự Nga nhận thấy sai lầm đã hạn chế các mục tiêu ban đầu của cuộc chiến. Các chỉ huy quân đội khẳng định giờ đây Nga không chỉ tấn công Ukraine mà đang đánh lại cả toàn khối NATO".
Các chuyên gia của viện nghiên cứu Royal United Service Institute, tại Vương quốc Anh cũng nhận định, vì không có chiến thắng cụ thể nào để thông báo, ông Putin sẽ có thể ban bố tình trạng chiến tranh vào ngày 09/05 tới.
Ngoài những suy luận, đồn đoán về thời điểm lễ kỷ niệm mừng chiến thắng, tuyên bố chiến tranh chính thức còn kéo theo những hệ lụy rất phức tạp. Nước Nga sẽ phải huy động tối đa nhân lực, vật lực cho cuộc chiến tranh. Cụ thể, theo tính toán của giới chuyên gia quân sự, kịch bản tuyên chiến sẽ buộc Nga phải huy động hơn 2 triệu quân, bao gồm quân dự bị, lính nghĩa vụ quân sự và quân chính quy, trong khi mà cuộc xung đột kéo dài hơn hai tháng nay đã làm tiêu hao không ít nguồn lực của quân đội Nga.
Hôm 02/05 vừa rồi, Bộ quốc phòng Anh đánh giá rằng Nga đã đưa "khoảng 65% quân số chiến đấu trên bộ vào Ukraine", và đến thời điểm này "hơn một phần tư các đơn vị bị mất khả năng chiến đấu". Đó là chưa kể một khối lượng lớn vũ khí đạn dược khí tài đổ vào chiến trường từ hôm 24/02, vấp phải sự kháng cự của Ukraine, đã bị tổn thất không nhỏ. Theo Kiev, từ đầu cuộc chiến, Nga mất khoảng 1.000 xe tăng. Nhiều nhà phân tích quân sự cho rằng phải mất nhiều năm nữa quân đội Nga mới khôi phục được năng lực.
Tuyên bố chiến tranh vào ngày lễ mừng chiến thắng có thể cũng mang ý nghĩa nhất định trong việc khuấy động tinh thần ái quốc trong dân chúng, nhưng cũng thể hiện sự thừa nhận yếu kém. Hôm thứ Hai vừa qua, bình luận về khả năng Nga tuyên bố chiến tranh vào ngày 09/5 tới, phát ngôn viên ngoại giao Mỹ cho rằng "điều đó chỉ làm cho cả thế giới thấy nỗ lực chiến tranh của Nga đang trên đà thất bại, rằng chiến dịch quân sự và các mục tiêu đề ra đang chệch hướng".
Dù sao những dự báo về việc Vladimir Putin tuyên bố chiến tranh vẫn chỉ là một giả thuyết, giống như không ít các suy luận, đồn đoán về cách tính toán của tổng thống Nga từ đầu cuộc xâm lược Ukraine đến giờ, nhưng điều này thể hiện mối lo ngại về một tổng tư lệnh quân đội Nga như Putin, "khó lường, liều lĩnh, sẵn sàng làm mọi thứ để đạt được mục tiêu".
Theo nhật báo Pháp Libération, nhiều nguồn tin ngoại giao Mỹ có gợi đến khả năng những ngày tới, Nga sẽ mở các cuộc tấn công dữ dội hơn nhằm kiểm soát được một số thành phố ở phía đông và nam Ukraine, để có được thành quả nào đó cho ngày kỷ niệm 09/05. Mọi chuyện còn lại sẽ tính sau. Chỉ có điều dễ đoán hiện nay là cuộc chiến ở Ukraine này sẽ còn kéo dài chưa biết đến bao giờ kết thúc.
Anh Vũ
Nguồn : RFI, 04/05/2022
************************
Minh Anh, RFI, 03/05/2022
Giới chức Mỹ và phương Tây dự đoán có khả năng tổng thống Vladimir Putin sẽ chính thức tuyên chiến với Ukraine vào ngày 09/05, Ngày Chiến Thắng của Nga. Điều này sẽ cho phép Moskva huy động quân dự bị và tuyển dụng tân binh vào lúc quân đội Nga ra sức đánh chiếm phía Đông và Nam Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước Quốc hội, Saint Petersburg, ngày 27/04/2022 via Reuters - Sputntk
Le Figaro ngày 02/05/2022 trích dẫn phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Anh, Ben Wallace, khi trả lời phỏng vấn đài phát thanh BBC tuần rồi cho rằng nguyên thủ Nga "sẽ tìm cách thoát ra khỏi chiến dịch quân sự đặc biệt". Theo ông, Vladimir Putin "đã phơi bày kịch bản, chuẩn bị địa bàn để có thể nói là "Quý vị hãy nhìn đây, giờ mới chính là cuộc chiến chống phát xít và đây chính là điều tôi cần hơn là thế giới".
Phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ, Ned Price, hôm qua 02/05 cũng nói rằng có "nhiều lý do để tin rằng Nga sẽ làm mọi điều mà họ có thể để sử dụng" ngày 09/05 vào mục tiêu tuyên truyền. Ông Price còn nói thêm là có nhiều suy đoán theo đó "Nga rất có thể chính thức tuyên chiến" với Ukraine vào ngày đó. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ nói tiếp : "Đây sẽ là một sự mỉa mai lớn nếu Moskva tận dụng cơ hội "Ngày Chiến Thắng" để tuyên chiến, cho phép họ tăng số quân nhập ngũ theo cách mà cho đến lúc này họ chưa thể làm được, nhưng lại tiết lộ cho thế giới thấy rằng các nỗ lực chiến tranh của Nga đã thất bại, rằng họ lúng túng trong chiến dịch và các mục tiêu quân sự".
Cũng trong ngày hôm qua, đại sứ Mỹ bên cạnh Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), Michael Carpenter, phát biểu trước báo giới ở Washington, tố cáo Nga muốn sáp nhập hai vùng lãnh thổ ly khai thân Nga là Lugansk và Donetsk. Ông Michael Carpenter khẳng định Hoa Kỳ có những nguồn thông tin "đáng tin cậy" cho thấy "Nga đang ra sức dàn dựng một cuộc trưng cầu dân ý" vào trung tuần tháng 5/2022 theo hướng này.
Mỹ không khoan nhượng với Syria và muốn thuyết phục Nga (RFI, 11/04/2017)
Washington ngày 10/04/2017 khẳng định 20% máy bay Syria đã không thể hoạt động sau khi bị Mỹ oanh kích tuần qua. Chính quyền Mỹ cảnh cáo chế độ Damascus là mọi hành động tương tự như vụ sử dụng vũ khí hóa học ngày 04/04/2017 sẽ bị thẳng tay trừng trị. Theo giới quan sát, tổng thống Donald Trump thay đổi thái độ 180° và ông muốn cho thấy rõ điều này trước khi ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đến Moskva.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo oanh kích Syria ngày 06/04/2017 - REUTERS/Carlos Barria
Thông tín viên RFI tại Washington, Anne-Marie Capomaccio, cho biết thêm chi tiết :
"Vụ oanh kích của Mỹ ở Syria là một hành động trừng phạt : 59 hỏa tiễn Tomahawk đã nhắm vào căn cứ không quân mà theo Lầu Năm Góc, là nơi xuất phát đợt tấn công hóa học vào thường dân, do chính quyền ông Assad tiến hành.
Bộ Quốc Phòng Mỹ vào hôm qua, đúng hơn là bộ trưởng Mattis, khẳng định rằng đã "phá hủy hay gây hư hại cho một khối lượng lớn đạn dược và nhiên liệu, và 20% năng lực của không quân Syria".
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sean Spicer cũng tung ra những lời đe dọa trừng phạt và cảnh cáo của Mỹ đối với chế độ Bachar al-Assad như sau :
"Nếu phun hơi ngạt vào một đứa trẻ hay ném một thùng thuốc nổ vào những người vô tội, thì tổng thống Trump sẽ phản ứng lại ngay. Đó là hành vi không thể chấp nhận được… và hậu quả được thấy trước đấy !".
Nhà Trắng và Lầu Năm Góc cùng chung ngôn từ : Bất kỳ sai phạm nào của Syria sẽ bị trừng phạt bằng quân sự trong tương lai. Và ông Sean Spicer còn đi xa hơn nữa : Phát ngôn viên Nhà Trắng không tưởng tượng nổi một nước Syria hòa bình và một giải pháp chính trị nếu Bachar al-Assad vẫn ngồi đấy.
Ngoại trưởng Mỹ Tillerson sẽ cố thuyết phục đồng nhiệm Nga Lavrov mà ông gặp hôm nay tại Moskva về lập trường đó của Hoa Kỳ".
Mai Vân
***********************
Trump-Putin : Tuần trăng mật đã chấm dứt (RFI, 11/04/2017)
Trong thời gian tranh cử, ông Donald Trump đã nhiều lần lên tiếng bênh vực tổng thống Nga Vladimir Putin trên báo chí Mỹ. Khi ông đắc cử tổng thống, báo chí chính thức ở Nga đã hết lời khen ngợi nhà tỷ phú New York.
Quan hệ Donald Trump và Vladimir Putin rạn nứt vì Syria - REUTERS/Stevo Vasiljevic
Thế nhưng, sau vụ oanh kích của Hoa Kỳ vào Syria tuần trước, giọng điệu báo chí thân Putin đã thay đổi hẳn. Họ chỉ trích ông Trump "không có chút kinh nghiệm nào về chính trị quốc tế", "chỉ biết hành động theo cảm tính chứ chẳng biết suy xét gì".
Đọc những lời chỉ trích nói trên, người ta có cảm tưởng là quan hệ Mỹ-Nga đang trở lại giống như thời tổng thống Obama. Sự thay đổi giọng điệu đó diễn ra vào lúc ngoại trưởng Rex Tillerson sẽ đến Moskva ngày 11/04, chủ yếu để bàn về hồ sơ Syria với đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov.
Điện Kremlin đã hy vọng rằng với tổng thống Trump, Hoa Kỳ sẽ hành động chung với Nga để chống các lực lượng khủng bố ở Syria và đây sẽ là một điểm khởi đầu tích cực cho hợp tác giữa hai nước trong tương lai trên hồ sơ Syria, cũng như trên những vấn đề khác.
Nhưng hy vọng này nay đã tan thành mây khói sau vụ oanh kích của Mỹ vào Syria để đáp trả vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, mà chế độ Damascus bị cáo buộc là thủ phạm, khiến 87 người chết. Bản thân ngoại trưởng Tillerson cuối tuần qua đã chỉ trích Nga, do "đồng lõa" hoặc do "bất tài", đã không ngăn chận vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vào thường dân.
Hôm qua, Hoa Kỳ cũng đã khẳng định rằng Nga đã biết trước là sẽ có một vụ tấn công hóa học ở Syria, tuy hiện chưa có bằng chứng là Moskva có can dự vào vụ này.
Cho tới nay Nga vẫn khẳng định là chế độ Damascus không hề sử dụng vũ khí hóa học, mà khí độc đã lan ra sau khi một kho chứa vũ khí hóa học của lực lượng nổi dậy bị trúng bom. Trong bối cảnh như vậy, cuộc họp ngày 12/04/2017 giữa hai ngoại trưởng Mỹ Nga ở Moskva sẽ khó đạt được thỏa thuận.
Căng thẳng Mỹ-Nga trên hồ sơ Syria chắc sẽ còn kéo dài, bởi vì hôm qua, Hoa Kỳ đã cảnh cáo sẽ oanh kích lần nữa nếu chế độ Damascus mở các cuộc tấn công mới bằng vũ khí hóa học vào thường dân Syria. Trong khi đó, Nga cùng với Iran, một đồng minh khác của Damascus đã đe dọa sẽ có "phản ứng quyết liệt" với mọi cuộc tấn công mới vào Syria. Nói cách khác, họ sẵn sàng đáp trả Hoa Kỳ bằng quân sự.
Sau vụ oanh kích của Mỹ vào Syria, Nga cũng loan báo đã đình chỉ thi hành thỏa thuận với Hoa Kỳ về việc ngăn ngừa các sự cố giữa phi cơ hai nước trên không phận Syria. Moskva và Washington đã ký thỏa thuận này vào tháng 10/2015, vài tuần sau khi Nga khởi động chiến dịch can thiệp vào Syria để hỗ trợ cho chế độ Bachar al-Assad.
Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác đang gia tăng áp lực để buộc Putin ngưng yểm trợ cho chế độ Bachar al-Assad. Nhưng vụ oanh kích của Mỹ vào Syria dường như đã khiến cho Moskva càng nghiêng hẳn về phía Damas. Hơn nữa, sau vụ oanh kích nói trên, Nga lại càng khó mà thay đổi thái độ với chế độ Bachar al-Assad, vì sợ sẽ bị xem là hành động dưới áp lực của Mỹ. Tóm lại, vì hồ sơ Syria mà "tuần trăng mật" giữa tổng thống Trump và tổng thống Putin có lẽ đã chấm dứt.
Thanh Phương
*************************
Tillerson đi Moscow, trắng tay trong vấn đề trừng phạt Nga, Syria (VOA, 11/04/2017)
Ông Tillerson đến Moscow, 11/4/2017
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson đến Moscow hôm thứ Ba nhưng không có nhiều công cụ trong tay như Washington và London từng hy vọng để nỗ lực thuyết phục Nga từ bỏ chế độ Bashar al Assad ở Syria.
Hội nghị ngoại trưởng G7 hôm thứ Ba tại Lucca, Italy, không thống nhất được các lệnh trừng phạt chọn lọc nhằm vào giới quân sự Nga và Syria, với lập luận rằng trước hết cần phải có cuộc điều tra xác nhận phe nào ở Syria đã sử dụng vũ khí hóa học đánh vào thường dân.
Phát biểu với các phóng viên khi chuẩn bị đi Moscow, nơi ông sẽ đưa ra tối hậu thư, Tillerson nói : "Chúng tôi không thể để điều này xảy ra lần nữa. Chúng tôi muốn làm dịu nỗi thống khổ của người Syria. Nga có thể góp phần vào tương lai đó và đóng một vai trò quan trọng. Hoặc Nga có thể duy trì liên minh với nhóm này, song chúng tôi tin rằng việc đó sẽ không phục vụ lợi ích dài hạn của Nga".
Vụ tấn công hóa học đã khiến cho thế giới lên án cũng như dẫn đến một cuộc tấn công tên lửa của Mỹ, đánh dấu một bước ngoặt trong cách tiếp cận của chính quyền ông Trump đối với cuộc xung đột đã kéo dài 6 năm tại Syria.
Tổng thống Hoa Kỳ, Donald Trump, và Thủ tướng Anh, Theresa May, đã nhất trí sẽ gây sức ép để Nga tách ra khỏi ông Assad sau vụ tấn công bằng hóa chất với dự định áp dụng các biện pháp trừng phạt chọn lọc, nhưng hai quốc gia hàng đầu G7 là Đức và Ý đều không đồng ý.
Về phần mình, ông Putin hôm thứ Ba kêu gọi Liên Hiệp Quốc điều tra về vụ tấn công hồi tuần trước. Không đưa ra chi tiết, ông cũng nói rằng Nga đã nhận được thông tin tình báo về những mưu đồ "khiêu khích" bằng cách sử dụng vũ khí hóa học để đổ lỗi cho chính phủ Syria.
Quyết định của các ngoại trưởng G7 ở Ý giờ đây đồng nghĩa là viễn cảnh trừng phạt trở nên mờ nhạt. Tiến trình thực hiện một cuộc điều tra sẽ kéo dài và phức tạp, đòi hỏi phải có một nghị quyết của LHQ và sự đồng ý của chính phủ Assad để các thanh sát viên vũ khí được tiếp cận các địa điểm bên trong phần lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của ông Assad trước khi xác định được ai chịu trách nhiệm và có phải là người Nga hay không.
Vào lúc tình hình biến chuyển nhanh chóng liên quan đến cách tiếp cận của Mỹ về vấn đề Syria, ông Tillerson nói rõ rằng Washington hy vọng Assad sẽ không phải là một thành phần trong tương lai của Syria. Ông nói với các bộ trưởng ở Lucca rằng cuộc tấn công tên lửa của Mỹ hồi tuần trước là cần thiết, đó là vấn đề an ninh quốc gia của Hoa Kỳ, và nó cho thấy chính quyền ông Trump chưa dừng lại đối với ông Assad.
*******************
Putin từ chối gặp Ngoại trưởng Mỹ (VOA, 11/04/2017)
Điện Kremlin ngày 10 tháng 4 cho biết Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson sẽ không gặp Tổng thống Vladimir Putin trong chuyến thăm Moscow ngày 12 tháng này, một động thái có thể do căng thẳng sau cuộc tấn công bằng phi đạn của Mỹ vào một căn cứ không quân Syria trong tuần qua.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson
Ông John Kerry, người tiền nhiệm của ông Tillerson, thường gặp ông Putin và Ngoại trưởng Nga khi thăm Moscow, và Tổng thống Nga cũng từng vài lần gặp Ngoại trưởng Tillerson khi ông Tillerson còn điều hành công ty dầu khổng lồ ExxonMobil trước khi đảm nhận chức vụ hiện nay.
Ông Putin cũng đích thân trao tặng ông Tillerson huy chương cao quý của Nga - Huân chương Hữu nghị - vào năm 2013, và nhiều người kỳ vọng là cựu Tổng giám đốc công ty Exxon sẽ gặp ông Putin trong chuyến thăm Nga đầu tiên với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ.
Tuy nhiên, phát ngôn viên của ông Putin, ông Dmitry Peskov, ngày 10 tháng 4 loan báo với truyền thông rằng không có kế hoạch cho một cuộc gặp như vậy. Dù không tiết lộ nguyên do, nhưng ông Peskov khẳng định ông Tillerson chỉ gặp người tương nhiệm trực tiếp là Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov và sẽ phải theo các thủ tục ngoại giao một cách chặt chẽ.
Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh tấn công bằng phi đạn vào một căn cứ quân sự Syria trong tuần qua để trả đũa điều mà Washington và các đồng minh nói là một cuộc tấn công bằng khí độc làm cho nhiều thường dân thiệt mạng.
Moscow nói không có bằng chứng là quân đội Syria thực hiện cuộc tấn công, và gọi vụ tấn công bằng phi đạn của Mỹ là một hành vi xâm lấn vi phạm luật pháp quốc tế.
Chuyến viếng thăm của ông Tillerson được coi là một thử nghiệm đầu tiên xem liệu chính quyền mới của ông Trump có thể sử dụng xung lực từ việc tấn công vào căn cứ của Syria để vạch kế hoạch và thi hành chiến lược chấm dứt chiến tranh Syria hay không.
Ngay cả trước khi ông Trump ra lệnh cuộc tấn công tại Syria, chuyến viếng thăm của ông Tillerson đã bị bao trùm bằng những vấn đề gai góc.
Những vấn đề đó bao gồm cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cáo buộc Nga vi phạm một hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng, cùng với và nỗ lực thu hẹp khác biệt về cách thức chiến đấu chống lại Nhà nước Hồi Giáo.
Các nhà phân tích cho rằng Syria là một trong số ít lãnh vực mà Moscow và Washington có thể tìm được những điểm chung.
Ông Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Nga, ngày 10 tháng 4 nói những cuộc không kích của Mỹ chứng tỏ Washington hoàn toàn không muốn hợp tác về vấn đề Syria.
Phản ứng về tin tức của truyền thông cho rằng ông Tillerson sẽ sử dụng chuyến viếng thăm này nhằm áp lực để Moscow thôi ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đồng minh lớn nhất của Nga tại Trung Đông, ông Peskov nói chuyện này không có hy vọng thành công.
*****************
Tillerson đi Moscow giữa không khí căng thẳng Mỹ - Nga (VOA, 09/04/2017)
Ngoại trưởng Mỹ gặp báo giới tại sân bay Palm Beach, West Palm Beach, Florida, 6/4/2017,
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ tới Moscow vào ngày 12/4, chỉ vài ngày sau khi Hoa Kỳ phát động cuộc tấn công tên lửa vào một căn cứ không quân Syria để thể hiện phản ứng về một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học của Syria giết hại nhiều thường dân.
Các giới chức nói rằng ngoại trưởng Mỹ sẽ thúc giục Nga suy nghĩ lại về việc họ tiếp tục trợ giúp chính phủ Syria Bashar al-Assad.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hôm thứ Bảy nói ông đã hủy bỏ chuyến thăm Moscow, dự kiến diễn ra vào ngày 10/4. Ông Johnson phát biểu : "Những diễn biến ở Syria đã thay đổi tình hình về cơ bản".
Ngoại trưởng Tillerson dự kiến sẽ tới Moscow vào thứ Tư, sau khi ông tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G-7 ở Ý từ ngày 9 đến 11/4.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không trả lời câu hỏi của VOA liệu chuyến đi Moscow của ông Tillerson có thay đổi hay bị hủy bỏ hay không sau khi quân đội Mỹ tiến hành oanh kích. Nhưng tính đến ngày Chủ Nhật, cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bị đưa ra khỏi lịch trình chuyến thăm Moscow của ông Tillerson.
Các nhà phân tích nói rằng dù sao Washington cũng cần có các hoạt động ngoại giao tiếp sau hành động quân sự.