Kim Jong-un và Vladimir Putin tay trong tay, Bắc Kinh lo lắng
Báo chí Pháp ngày 19/06/2024 nhận định việc Vladimir Putin thăm Bình Nhưỡng là món quà cho Kim Jong-un. Hai nhà độc tài này xích lại gần nhau khiến một nhà độc tài khác lo ngại : Tập Cận Bình.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong-un dự lễ đón chính thức tại quảng trường Kim Il-sung ở Bình Nhưỡng, ngày 19/06/2024. via Reuters - Gavriil Grigorov
Chuyến thăm của Putin : Quà tặng cho Kim
Le Figaro ghi nhận Kim Jong-un trải thảm đỏ đón Vladimir Putin "người bạn tốt nhất của nhân dân Triều Tiên", trong chuyến công du đầu tiên kể từ 1/4 thế kỷ. Vài giờ trước khi "Sa hoàng mới" hạ cánh, Quân đội Nhân dân Triều Tiên đã phô trương cơ bắp với "kẻ thù" Hàn Quốc. Vài chục lính Bắc Triều Tiên vượt qua đường giới tuyến khu phi quân sự, khiến Hàn Quốc phải bắn cảnh cáo. Bình Nhưỡng tưng bừng đón tiếp người khách quan trọng nhất, sau chuyến thăm của Tập Cận Bình năm 2019.
Nhà nghiên cứu Cheong Seong-chang của Viện Sejong nhận định việc Putin đến thăm cấp Nhà nước hai ngày là "món quà cho Kim", nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, mức độ chưa từng thấy từ khi Liên Xô sụp đổ. Hoa Kỳ lo ngại hai chế độ toàn trị này sẽ hợp tác sâu hơn về quốc phòng để cung ứng cho guồng máy chiến tranh trên chiến trường Ukraine, đổi lại Bình Nhưỡng được chuyển giao công nghệ nhạy cảm. Một luồng sinh khí về ngoại giao và kinh tế ngoài mong đợi của Kim Jong-un, sau thất bại ở Hà Nội với Donald Trump năm 2019.
Từ nay Kim tha hồ đẩy nhanh chương trình nguyên tử mà không sợ bị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trừng phạt vì Nga sẽ dùng quyền phủ quyết. Nhờ số đạn dược tồn trữ vô cùng lớn thời chiến tranh lạnh, Bắc Triều Tiên đã giao 5 triệu quả đạn pháo cho Nga và nhiều hỏa tiễn đạn đạo, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS). Dù là đạn cũ chất lượng tồi, nhưng cũng đã giúp Moskva có thể oanh tạc dữ dội vào Ukraine.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng Nga giờ đây lệ thuộc nặng nề vào các chế độ toàn trị trên thế giới như Trung Quốc, Iran. Liệu hai nhà độc tài có đi xa hơn với việc lập liên minh quân sự hay không ? Đa số chuyên gia nghi ngờ khả năng Moskva chia sẻ các bí mật quân sự quan trọng như thiết kế hỏa tiễn hay tàu ngầm với người láng giềng thích quấy rối này.
Quan hệ Nga-Triều chỉ mang tính biểu tượng ?
Đối với nhật báo kinh tế Les Echos, quan hệ đối tác giữa Nga và Bắc Triều Tiên chỉ mang tính biểu tượng thay vì chiến lược. Hai nước đều kịch liệt chống phương Tây nhưng có rất ít lợi ích chung. Nhà phân tích Andrei Lankov của Kookmin University ở Seoul cho rằng vũ khí bán cho Nga cũng có giới hạn vì Bình Nhưỡng không muốn làm cạn kiệt kho dự trữ, và không thể gia tăng nhanh sản lượng do khó khăn về logistic và thiếu năng lượng.
Về thương mại, trong những năm 2010 trao đổi song phương giữa Bắc Triều Tiên với Nga chỉ 100 triệu đô la một năm, còn với Trung Quốc là 6 tỉ đô la. Bình Nhưỡng không có mấy nguồn lợi khiến Moskva chú ý, ngoài than đá và một ít khoáng sản thô. Tuy nhiên cũng có thể đề nghị nguồn lao động rẻ, trong khi các nhà máy vũ khí Nga đang cần công nhân. Hàng ngàn lao động xuất khẩu, mỗi người hàng năm mang về cho Bắc Triều Tiên 4.000 đến 5.000 đô la - cần thiết cho sự sống sót của họ nhà Kim - nhưng bản thân họ chỉ nhận được thù lao rất thấp.
Bắc Triều Tiên xích gần với Nga : Con dao hai lưỡi cho Trung Quốc
Le Monde nhận định "Sự gần gũi giữa Putin và Kim mang lại cho Trung Quốc những cảm giác trái ngược". Lẽ ra đơn giản nhất là từ Bắc Kinh hồi giữa tháng 5, Vladimir Putin đi thẳng đến Bình Nhưỡng chỉ mất có hai giờ bay. Nhưng tổng thống Nga lại chờ đến một tháng sau mới sang thăm Bắc Triều Tiên hai ngày 18 và 19/06, sau đó đến Việt Nam. Tờ báo cho rằng có lẽ Trung Quốc không muốn tạo hình ảnh một bộ ba kẻ thù của phương Tây. Lệ thuộc hoàn toàn vào Bắc Kinh một thời gian quá dài, Kim Jong-un có lợi khi đa dạng hóa đối tác. Sự thay đổi này là con dao hai lưỡi cho Trung Quốc.
Kim Jong-un giao du với Nga, Bắc Kinh vừa nhẹ bớt gánh nặng phải bênh vực những hành động quá lố của Bắc Triều Tiên trước quốc tế, vừa bớt phải "nuôi báo cô" để chế độ Bình Nhưỡng sống sót. Đó là vì cần phải duy trì một vùng đệm, do các căn cứ quân sự Mỹ tại Hàn Quốc chỉ cách lãnh thổ Trung Quốc 400 kilomet. Nhưng Bắc Kinh cũng vất vả với những vụ thử nguyên tử, bắn hỏa tiễn của Bình Nhưỡng – chế độ này không nghe ai cả, chỉ hành động theo ý mình, và không chịu cải cách để phát triển theo kiểu Trung Quốc.
Hàng loạt vụ bắn hỏa tiễn trong những năm 2010 khiến các nhà chiến lược Trung Quốc tin rằng Bắc Triều Tiên, quốc gia duy nhất có hiệp ước quốc phòng chung, đã trở thành gánh nợ. Thỏa thuận này được gia hạn năm 2021, nhưng Global Times nhắc nhở, Bắc Kinh chỉ cứu giúp nếu Bình Nhưỡng bị tấn công chứ không phải là kẻ tấn công.
Nguyên tử : Dấu hiệu khiến Bắc Kinh lo ngại
Tuy đã chán ngán, nhưng rồi Bắc Triều Tiên lại trở nên cần thiết vì Trung Quốc lo ngại trước việc Hoa Kỳ ngày càng xích lại gần Nhật Bản và Hàn Quốc, thường bị Bắc Kinh cho là "NATO chống Trung Quốc". Moskva góp phần làm nhẹ bớt trừng phạt cho Bình Nhưỡng là điều tốt, nhưng qua đó ảnh hưởng của Bắc Kinh lại giảm bớt.
Cuộc chiến tranh của Nga với sự trợ giúp của đạn pháo Bắc Triều Tiên làm giảm trữ lượng vũ khí phương Tây, hoàn toàn có lợi cho Trung Quốc. Đồng thời giúp trắc nghiệm khả năng tránh né hệ thống tài chánh do Mỹ thống trị, mà một ngày nào đó sẽ cần đến nếu xâm lăng Đài Loan, chuẩn bị cho cú sốc tương lai giữa Trung Quốc với phương Tây. Tuy nhiên có thể Nga sẽ giúp Bắc Triều Tiên phát triển chương trình hỏa tiễn, Bình Nhưỡng không còn dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.
Hồi tháng 3/2023, nhật báo Rodong Sinmun đăng tấm ảnh Kim Jong-un, bao quanh là các sĩ quan cao cấp, đặt tay lên một quả bom tròn kích thước cỡ nửa thùng phi, sơn màu xanh lá và đỏ. Theo tờ báo nhà nước, đó là hai đầu đạn nguyên tử chiến thuật có thể gắn vào các hỏa tiễn tầm ngắn để tấn công vào Hàn Quốc. Thái độ này rất gần với Nga, đã nhiều lần dùng bóng ma nguyên tử đe dọa trong hai năm rưỡi chiến tranh với Ukraine. Và rất xa với chủ trương của Trung Quốc là chỉ mang tính răn đe. Một chủ đề đáng ngại mà Bắc Kinh đã nhiều lần nêu ra với Vladimir Putin từ khi xâm lăng Ukraine, nhưng tổng thống Nga vẫn không từ bỏ.
Kỹ nghệ vũ khí học hỏi từ chiến tranh Ukraine
Le Figaro nhận thấy Kiev đã gợi cảm hứng cho kỹ nghệ quốc phòng. Phóng viên tờ báo đã đến thăm gian hàng của Ukraine tại hội chợ vũ khí quốc tế Eurosatory ở ngoại ô Paris. Các drone không chiến, hải chiến và trên bộ được quân đội Ukraine sử dụng được triển lãm tại đây. Một gian hàng khiêm tốn bên cạnh những khu vực quy mô của các tập đoàn vũ khí quốc tế, nhưng một nhà kỹ nghệ nhận định "Sau chiến tranh, họ sẽ là những người cạnh tranh với chúng tôi".
Patrice Caine, tổng giám đốc Thales cho biết sắp tới sẽ bảo dưỡng các radar và phương tiện chiến tranh điện tử ngay tại Ukraine, và Kiev mong muốn sản xuất tại chỗ trong tương lai. Kỹ nghệ quốc phòng phương Tây học hỏi được rất nhiều từ cuộc chiến đang diễn ra. Tại Eurosatory, vũ khí được trưng bày nhưng tại Ukraine, chúng phục vụ thực sự. Le Figaro chú ý đến Magura V5, loại drone dài 5 mét được đặt ngay lối vào như biểu tượng của chiến thắng : vũ khí tự hành này có tầm hoạt động 960 kilomet, mang trọng lượng 320 ký đã giúp Ukraine phá hủy nhiều chiến hạm Nga ở Hắc Hải, trong đó có tàu đổ bộ Ivanovets hồi cuối tháng Giêng. Các vụ tấn công vào cảng Sevastopol, vào chiến hạm Ivan Khurs, Serguei Koto, Caesar Kunikov, Akula, Serna cũng là chiến công của các drone Magura.
Bên cạnh drone "vơ-đét" này, các drone không chiến cũng rất ấn tượng. Chẳng hạn drone cánh quạt Lord có tầm hoạt động trên 500 kilomet, bay được ở cao độ rất thấp kể cả không GPS. Drone EI 8.6 được giới thiệu ở dạng ma-két có thể bay đến 1.800 kilomet với tốc độ 170 km/giờ, mang theo 100 ký, và chỉ có một cánh nên giảm tín hiệu âm thanh và radar khó phát hiện. Ngoài ra còn có các robot IMP1 Ravlyk, Murakha, Wolly, trợ lực được trên các chiến địa gay go. Nhưng những người phụ trách gian hàng rất kiệm lời, vì bí mật quân sự.
Tập Hợp Dân Tộc : Ông vua bị lột truồng
Về tình hình chính trị nước Pháp, trong bài xã luận "RN, ông vua cởi truồng", Les Echos nhận định các thủ lãnh đảng Tập Hợp Dân Tộc (RN) chừng như không còn tin vào những chủ trương vô nghĩa của mình nữa. Chỉ trong vài ngày, những lời hứa chủ yếu đã bị hoãn lại đến mùa thu, thậm chí sau 2027. Việc hủy bỏ cải cách hưu trí bỗng dưng không còn khẩn cấp, thuế VAT 5,5 % trên sản phẩm thiết yếu bỗng không còn thiết yếu, hay bỏ thuế thu nhập cho người dưới 30 tuổi cũng vậy. Thậm chí tuy chống Hồi giáo nhưng RN không còn muốn cấm khăn choàng Hồi giáo nơi công cộng.
Thực tế là với 3.000 tỉ euro nợ công và 5,1 % thâm hụt ngân sách, tình hình tài chánh không cho phép vung tay quá trán. Trong một thời gian quá dài, các lãnh đạo đảng này đã ru ngủ người Pháp với các giải pháp phi thực tế. Ông vua RN nay đã bị lột truồng, và chỉ còn vài ngày nữa để cử tri nhận ra.
EU lo âu, Nga hy vọng vào chiến thắng của cực hữu Pháp
Le Figaro khẳng định, bầu cử của Pháp nhưng tác động đến cả Châu Âu. Hãy còn chưa xa, thời kỳ mà Emmanuel Macron được mến chuộng nhất châu lục, chỉ đứng sau nhân vật bất khả xâm phạm Volodymyr Zelensky. Các nước đánh giá cao nhiệt tình xây dựng Châu Âu - mà không phải nhà lãnh đạo nào cũng có được. Hai bài diễn văn cách nhau 7 năm ở Sorbonne như cột mốc dẫn đường trên vùng biển động. Và nay sự táo bạo trở thành "sự chẩn đoán vô trách nhiệm" - theo một nhà quan sát Đức.
Từ khi ông Macron giải tán Quốc hội, Châu Âu lo lắng về hậu quả. Nước Pháp, với sức nặng của mình trong khối, không thể là phòng thí nghiệm lý tưởng để trắc nghiệm dân chủ một cách hú họa, đơn giản vì có thể kéo theo phần còn lại của châu lục xuống dốc nếu thất bại. Không ai phản đối việc người Pháp chọn lựa vận mệnh của mình, nhưng mỗi nước đều lo cho lợi ích của họ.
Đức ngán ngẩm việc trả giá cho sự phá sản của nước khác, Ý muốn mở rộng ảnh hưởng, Đông Âu lo ngại về viện trợ của phương Tây dành cho Kiev... Vì Emmanuel Macron đã coi bầu cử Châu Âu là vấn đề quốc gia, cuộc bầu cử Quốc hội Pháp sẽ tác động ở tầm châu lục ; về đường hướng EU, sự vững chắc của NATO, quan hệ với Putin, chiến tranh ở Ukraine và Gaza.
Trong khi đó Nga hy vọng đảng cực hữu RN chiến thắng. Bà Marine Le Pen từng đến gặp Vladimir Putin năm 2017, từ lâu duy trì quan hệ chặt chẽ với Moskva vốn cung cấp tài chánh cho đảng của bà dưới dạng một món vay năm 2014. Theo nhà bình luận Maxim Yusin của Kommersant FM, "Ít nhất những sự kiện ở Pháp là tin vui cho Moskva. Trong tương lai gần, tổng thống Pháp không còn có thể tập trung vào Ukraine hay lập liên minh chống Nga như ông tích cực vận động trong những tháng gần đây".
Thụy My
Kim Jong-un từng đi học ở Thụy Sĩ, đã bay qua Singapore và Hà Nội để gặp ông Tổng thống Trump, năm nay cũng cố ý giữ "nền nếp của ông cha", đáp chuyến xe lửa suốt 20 tiếng đồng hồ.
Xuất ngoại cũng là cơ hội Kim Jong-un cho thấy mình giống một vị hoàng đế ngự giá - trang trọng, uy nghi, tiền hô hậu ủng, ngựa xe, cờ quạt, mũ mãng huy hoàng.
Vladimir Putin đang cần thêm súng đạn. Cuộc xâm lăng Ukraine đã kéo dài gần 19 tháng, các nhà máy sản xuất vũ khí của Nga chạy không kịp, vì bị cấm mua nhiều thứ chíp, thiếu nguyên liệu và bộ phận. Nga đã mua vũ khí của Bắc Hàn từ năm ngoái ; chuyện mua bán có thể chỉ cần một cú điện thoại, rồi cấp dưới sẽ bàn bạc giá cả, thuận mua vừa bán. Tại sao Putin phải đích gặp Kim Jong-un ở Vladivostok, cách Moscow 6.000 km ?
Có lẽ vì Kim Jong-un muốn gặp.
Có hai lý do để Un muốn chụp hình chung với Putin. Một là thỏa mãn nhu cầu phô trương bộ mặt của mình. Hai là muốn Putin phải trao đổi, cung cấp cho Bắc Hàn các kỹ thuật quân sự mới nhất.
Un có nhu cầu đứng bên các chính khách quốc tế chụp hình, cả thế giới thấy mình là một nhân vật quan trọng. Kim Nhật Thành (Kim Il-sung), ông nội, và bố, Kim Chính Nhật (Kim Jong-il), chỉ đóng vai phụ trong các bức hình chụp với các lãnh tụ cộng sản Trung Quốc. Lần cuối cùng Kim Jong-un được đưa lên báo, đài thế giới là năm 2018, 2019, với Tập Cận Bình và Putin. Vinh dự lớn nhất là Un gặp Tổng thống Donald Trump hai lần, cũng trong hai năm đó. Cả ông bố và ông nội đều muốn mà không được gặp một tổng thống Mỹ nào.
Xuất ngoại cũng là cơ hội Kim Jong-un cho thấy mình giống một vị hoàng đế ngự giá - trang trọng, uy nghi, tiền hô hậu ủng, ngựa xe, cờ quạt, mũ mãng huy hoàng. Mỗi lần các lãnh tụ Bắc Hàn đi xa, báo, đài thế giới phải chú ý đến phương tiện di chuyển độc đáo : Họ chỉ dùng hỏa xa. Kim Il-sung đã dùng xe lửa đi qua Trung Quốc rồi đến tận Việt Nam. Chuyến xe chở Kim Jong-il qua Moscow gặp Putin năm 2001 đi mất 10 ngày ! Cả hai không dám đi máy bay vì sợ tai nạn và lo bị ám sát !
Kim Jong-un từng đi học ở Thụy Sĩ, đã bay qua Singapore và Hà Nội để gặp ông Tổng thống Trump, năm nay cũng cố ý giữ "nền nếp của ông cha", đáp chuyến xe lửa suốt 20 tiếng đồng hồ, quãng đường chỉ dài 1.180 km, tức 55 km/giờ - xe lửa tốc hành ở Nhật chạy 320 km một giờ.
Tại sao xe chạy chậm như thế ? Một lý do là nó bọc thép, rất nặng. Có thể cũng vì xe lửa ở Bắc Hàn còn theo lối cổ thời 1930 chưa đổi, khoảng cách giữa đường rầy vẫn rất hẹp, chạy nhanh nguy hiểm. Khi đến biên giới lại mất mấy tiếng đồng hồ để đổi hết các bánh xe sắt, vì đường rầy bên Nga rộng hơn. Riêng việc kiểm soát an ninh tất cả các nhà ga, dò xét từng vật dụng, từng cử động của công nhân, cũng chiếm nhiều thời giờ.
Mỗi chuyến lãnh tụ Bắc Hàn xuất hành phải sử dụng hai hoặc ba đoàn xe giống hệt nhau cùng đi. Chỉ có một toa xe bọc thép kiên cố chở lãnh tụ, nhưng toa xe nào, nằm trong đoàn tàu nào, không ai biết. Đoàn xe lửa đặc biệt này mang danh hiệu "Taeyangho", – nghĩa là Mặt Trời trong tiếng Hàn Quốc – để tưởng niệm Kim Nhật Thành (Kim Il-sung).
Những sĩ quan Nga có kinh nghiệm mô tả với đài BBC cảnh sống xa hoa, tráng lệ bên trong các chuyến xe lửa Taeyangho. Thực đơn có tất cả các món ăn Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật, Đại Hàn ; từ tôm hùm đến bào ngư ; có thể gọi rượu vang Bordeaux, Burgundy từ Paris đưa tới, và rượu vodka Standard của Nga lúc nào cũng sẵn. Trên tàu sẵn có các phòng giải trí với các đoàn văn công phục vụ bất kể ngày đêm.
Ngoài ra, Kim Jong-un muốn hình ảnh được Vladimir Putin tiếp tước trọng thể sẽ chứng tỏ mình đúng là một chính khách quốc tế quan trọng. Cả hai đều giỏi trong nghệ thuật biến cuộc hội kiến trở thành đại sự thế giới. Cả hai hoàn toàn chỉ lo công việc quốc gia, không biểu lộ một cá nhân nào. Kim Jong-un chắc sướng hơn khi gặp Donald Trump, con người đa cảm, sau khi chia tay còn tuyên bố đã "phải lòng" (fell in love).
Cả Vladimir Putin và Kim Jong-un đều không nói chuyện tình cảm trong cuộc gặp gỡ này. Phát ngôn viên chính phủ Nga nói rằng hai bên không ký kết điều gì liên quan đến quân sự. Chuyện khó tin ! Vì giao dịch kinh tế giữa hai nước gần như hoàn toàn là số không, nền ngoại thương của Bắc Hàn chỉ có Trung Quốc, chiếm 95%.
Cho nên, họ chỉ còn một chuyện để thể thảo luận, là vũ khí ! Từ khi xâm lăng Ukraine, Nga đã mua súng và đạn đại pháo của Bắc Hàn. Hàng trăm xưởng chế tạo, mỗi xưởng mười ngàn công nhân trên cả nước ; đang có sẵn 10.000 khẩu đại bác và mấy chục triệu viên đạn ; tất cả các nước trong các nước Bắc Đại Tây Dương (NATO) góp lại cũng không bằng, theo báoNew York Times. Họ làm súng đạn theo mẫu của Nga, cho nên quân Nga sử dụng dễ dàng, chỉ thiếu loại "vũ khí tinh khôn" tự động tìm đánh trúng mục tiêu. Bắc Hàn cũng xuất cảng súng đạn cho các chế độ độc tài ở Syria và Iran.
Thực ra nếu muốn tiếp tục được cung cấp các thứ súng đạn này, Vladimir Putin không cần gặp mặt Kim Jong-un. Chính Kim mới là người cần hội kiến.
Các chính phủ Nga xưa nay, từ thời Stalin, không tỏ ra kính trọng lãnh tụ những nước bé mà to mồm. Kể từ năm 1991, chế độ cộng sản Liên Xô sụp đổ, bộ trưởng quốc phòng Nga, ông Sergei Shoigu là nhân vật đầu tiên qua thủ đô Bình Nhưỡng (Pyongyang) hồi tháng 7 năm nay, nhân kỷ niệm 70 năm ngày đình chiến Nam – Bắc.
Lần cuối cùng, Un gặp Putin năm 2019 không đưa tới một kết quả cụ thể nào để đem khoe. Lần này, nhân cơ hội đòi Putin "trả lễ", phải đích thân đi 6.000 cây số tới gặp mình. Còn yêu cầu được đưa tới các xưởng chế tạo và kho chứa máy bay, hỏa tiễn loại mới nhất mà Bắc Hàn chưa đủ sức làm.
Kim Jong-un được đi xem các xưởng đóng tàu thủy, trung tâm không gian Vostochny Cosmodrome. Một phó thủ tướng Nga đưa Un tới thăm xưởng chế tạo máy bay mang tên Yuri Gagarin, phi hành gia người Nga đầu tiên lên vũ trụ. Un được thấy các chiến đấu cơ Sukhoi, Su-35 và Su-57, mới nhất là Sukhoi 100 ; còn được vào ngồi cạnh phi công, rồi coi các máy bay biểu diễn.
Chỉ quan sát không đủ. Nhu cầu lớn của Kim Jong-un là cải tiến kỹ thuật không lực nước mình. Một giờ trước khi Un gặp Putin, Bắc Hàn đã phóng hai hỏa tiễn liên lục địa, lần đầu tiên Un không chứng kiến vì đi xa. Hỏa tiễn của Bắc Hàn có thể gắn đầu đạn nguyên tử, có thể bay xa tới nước Mỹ nhưng trên đường bay xa có thể bị hư hỏng. Nga và Mỹ đã chế tạo được loại vỏ bọc hỏa tiễn không thể hư hỏng, như các vỏ bọc vệ tinh nhân tạo. Bắc Hàn chưa biết cách, theo bản tin BBC. Kim Jong-un có thể xin Putin giúp về kỹ thuật này. Đây là điều Mỹ đã cảnh cáo Nga trong khi Putin gặp Un.
Kim Jong-un còn mong được Nga giúp trong ngành không gian. Năm nay, hai lần Bắc Hàn phóng vệ tinh nhân tạo đều thất bại. Nhưng Putin không hứa hẹn gì cả, kể cả các kỹ thuật tàu ngầm nguyên tử. Nga có thể sẽ viện trợ lương thực cho Bắc Hàn, nhưng điều này không được nói ra, giữ thể diện cho lãnh tụ !
Trên các trang mạng ở Nga đã chiếu cảnh nhân viên bảo vệ Kim Jong-un khám xét cái ghế ông ta sẽ ngồi nói chuyện với Putin. Họ lật trước, lật sau, dùng máy dò kim loại, dò chất nổ, thuốc độc. Cần bảo đảm cái ghế có thể chịu đựng sức nặng cả tấm thân to béo của vị "Lãnh tụ Yêu Quý" như dân chúng Bắc Hàn vẫn phải gọi !
Với dân số bằng nhau, Nam Hàn đã xuất cảng những đồ điện tử của LG, SamSung, các xe hơi Hyundai, Kia, và các ban nhạc, ca sĩ phim bộ chinh phục khán giả khắp thế giới. Còn Bắc Hàn dồn tất cả tài nguyên chế tạo súng, đạn lớn nhỏ, cho tới bom nguyên tử và các thứ hỏa tiễn. Dân đã chết đói nhiều lần trong các năm qua.
Trong tiệc đại yến Vladivostok, trước khi chia tay Putin và Kim Jong-un đã trao đổi quà tặng, là những khẩu súng mẫu của mỗi bên ; đúng như nội dung cuộc gặp gỡ.