Trung Quốc ca ngợi chuyến thăm của bộ trưởng quốc phòng Mỹ (VOA, 28/06/2018)
Bắc Kinh hôm 28/6 nói rằng chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis đã mang lại các kết quả tích cực đồng thời thông báo rằng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa sẽ tới thăm Washington trong năm nay.
Ông Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa duyệt đội danh dự hôm 27/6.
Ông Mattis là người đứng đầu Lầu Năm Góc đầu tiên tới Trung Quốc trong vòng 4 năm qua.
Theo Reuters, quan chức này cho biết rằng các cuộc trao đổi "rất, rất tốt đẹp", dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố với ông rằng Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ một tấc đất, ám chỉ tới chủ quyền đối với Biển Đông cũng như Đài Loan.
Ngoài hai vấn đề trên, quan hệ Trung – Mỹ đang trong giai đoạn căng thẳng vì tranh chấp thương mại.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo hàng tháng, theo Reuters, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng hai nước đã "đạt đồng thuận quan trọng" về sự tin tưởng lẫn nhau, về các cuộc trao đổi sắp tới cũng như về sự hợp tác và kiểm soát các thách thức cũng như nguy cơ.
Người phát ngôn của Bộ này cho biết rằng ông Ngụy Phượng Hòa đã nhận lời mời của ông Mattis và sẽ thăm Mỹ trong năm nay.
Ông Mattis từng có các tuyên bố mạnh mẽ về điều Washington coi là việc Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông.
********************
Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc trong cuộc gặp Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Jim Mattis, vào ngày 27 tháng 6 tại Bắc Kinh nói thẳng Trung Quốc sẽ không nhượng một tấc đất nào ở Biển Đông và Đài Loan.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis duyệt đội danh dự tại lễ đón ở Bắc Kinh hôm 27/6/2018 - AP
Tin tức ghi nhận được từ truyền thông quốc tế thì Ông Tập Cận Bình nói Bắc Kinh sẽ không có nhượng bộ nào về các quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc.
Phát biểu với vị khách nước Mỹ tại Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh mà ông Tập Cận Bình đưa ra được cho là cương quyết về các vùng biển tranh chấp trong khi ủng hộ mối quan hệ quân sự nhằm giúp giảm nghi ngờ và ngăn chặn hiểu lầm.
Sáng ngày 28 tháng 6, Bộ Quốc phòng Trung Quốc lại có ca ngợi chuyến thăm Bắc Kinh của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, nói rằng chuyến thăm đã đạt được những kết quả tích cực và cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phụng Hòa sẽ đến Washington trong năm nay.
Bản tin hãng Reuters cùng ngày cho biết ông Mattis mô tả các cuộc đàm phán là "rất, rất tốt" dù rằng như vừa nêu Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói thẳng với ông Mattis rằng Trung Quốc sẽ không nhượng một tấc đất nào ở Biển Đông và Đài Loan.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đến thăm Trung Quốc vào thời điểm được đánh giá căng thẳng tăng cao giữa Washington và Bắc Kinh về thương mại, Biển Đông và Đài Loan.
Tuy nhiên trong bài phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Tiền cho biết hai nước đã đạt được "sự đồng thuận quan trọng" về lòng tin, trao đổi - hợp tác, quản lý và kiểm soát rủi ro cũng như những thách thức.
Bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis tại Đối thoại Shangri-la vừa qua ở Singapore từng đưa ra những ý kiến mạnh mẽ của Washington đối với hoạt động quân sự hóa tại Biển Đông của Trung Quốc.
Trong một bài xã luận, tờ China Daily chính thức đưa ra những nhận xét tích cực hơn về ông Mattis, nhưng nói rằng sẽ là ngớ ngẩn nếu mong đợi chuyến đi ngắn của ông có thể giải quyết tất cả các vấn đề.
Tờ China Daily nói thêm rằng thực tế quân đội của hai nước đã sẵn sàng đối thoại duy trì một cách cởi mở và trung thực hướng tới mối quan hệ Mỹ-Trung rộng mở hơn và có thể kiểm soát các rủi ro.
Về phía Hoa Kỳ, ông Mattis nhấn mạnh để hai nước có thể tiếp tục xây dựng quan hệ dựa trên nền tảng chung hiện có, Hoa Kỳ cũng sẽ phải tôn trọng mối quan hệ này và có những hành động phù hợp.
*******************
Tập Cận Bình : "Trung Quốc không thể mất một tấc đất nào" (VOA, 28/06/2018)
Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình nhưng không thể từ bỏ ‘một tấc đất’ nào mà tổ tiên để lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis hôm thứ Tư ngày 27/6.
Ông Tập Cận Bình tiếp ông James Mattis
Phát biểu của ông Tập thể hiện rõ những vấn đề gây căng thẳng đã ăn sâu trong quan hệ Mỹ-Trung, nhất là đối với quan điểm của Lầu Năm Góc là Bắc Kinh đang quân sự hóa Biển Đông, một tuyến đường hàng hải quan trọng trong giao thương quốc tế.
Bắc Kinh cũng hết sức ngờ vực ý định của Mỹ đối với hòn đảo tự trị và theo thể chế dân chủ Đài Loan vốn được Mỹ trang bị vũ khí. Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ thiêng liêng của họ.
Tiếp ông Mattis đang đến thăm Trung Quốc tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, ông Tập nói với ông Mattis rằng Trung Quốc ‘chỉ có ý định hòa bình’ và ‘không muốn gây hỗn loạn’, đài truyền hình trung ương nước này tường thuật.
Lợi ích chung giữa hai nước vượt xa những khác biệt, ông Tập nói, nhưng trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ thì không thể có nhượng bộ. Tuy nhiên, ông Tập không nói cụ thể khu vực nào.
"Chúng tôi không thể để mất cho dù chỉ là một tấc đất lãnh thổ do tổ tiên để lại. Những gì thuộc sở hữu của người khác, chúng tôi không hề tham muốn", ông Tập được dẫn lời nói.
Về phần mình, ông Mattis nói với báo giới rằng các cuộc hội đàm của ông ở Trung Quốc đã diễn ra ‘rất, rất tốt’.
"Tôi vui mừng được đến Trung Quốc và chúng tôi cũng xem mối quan hệ quân sự với Trung Quốc là có tầm quan trọng cao", ông Mattis nói.
Các quốc chức quốc phòng Mỹ đi cùng với ông Mattis cho biết các cuộc hội đàm nhìn chung diễn ra tích cực và chân thành. Mặc dù hai bên thừa nhận những điểm va chạm, họ cũng tìm cách tập trung vào những điểm có lợi ích chung – bao gồm việc cùng chia sẻ mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trong cuộc hội đàm trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa nói với ông Mattis rằng chỉ thông qua việc tôn trọng lẫn nhau và tránh đối đầu thì Mỹ và Trung Quốc có thể cùng nhau phát triển.
"Trung Quốc và Mỹ chỉ có thể phát triển cùng nhau nếu chúng ta không có xung đột, không có đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng", ông Ngụy nói.
"Quân đội hai nước Trung-Mỹ phải thực hiện sự đồng thuận của lãnh đạo hai nước, tăng cường tin cậy lẫn nhau, củng cố hợp tác và quản lý rủi ro để đưa quan hệ giữa hai quân đội trở thành một nhân tố giúp tạo ổn định trong quan hệ song phương", ông Ngụy nói.
Ông Mattis là người đứng đầu Ngũ Giác Đài đầu tiên đến thăm Trung Quốc từ năm 2014. Ông nói với ông Mattis ông mong đợi các cuộc thảo luận của ông ở Bắc Kinh sẽ ‘cởi mở và chân thành’.
"Quan hệ giữa hai quân đội có vai trò quan trọng trong mối quan hệ nói chung giữa hai nước", ông Mattis nói.
Ông Mattis cũng đã mời ông Ngụy đến thăm Lầu Năm Góc.
Mối quan hệ quân sự giữa hai nước đã bị thử thách trong những tháng vừa qua. Hồi tháng Năm, Lầu Năm Góc đã rút lại lại lời mời Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận hải quân đa quốc gia với lý do là các động thái quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông. Quyết định của Mỹ đã khiến Trung Quốc bực tức và được nêu lên trong các cuộc hội đàm với ông Mattis, Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết.
"Các vấn đề bất đồng được xác định nhưng không nhất thiết được đi sâu vào bàn thảo", ông Randall Schriver, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh Châu Á-Thái Bình Dương nói. Ông Schriver cho biết thêm rằng hai bên đồng ý tiếp tục đối thoại về Biển Đông.
Ông Ngụy cũng có thái độ lạc quan tương tự trong những phát biểu của ông.
"Chuyến thăm của Ngài đến Trung Quốc lần này… là một nhân tố tích cực mới trong mối quan hệ giữa hai quân đội và hai nhà nước", ông Ngụy, người chỉ mới nhậm chức hồi tháng Ba, nói.
Thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ đề cập thoáng qua về Biển Đông, Đài Loan và Bắc Triều Tiên và dẫn lời ông Ngụy nói với ông Mattis về lập trường của Trung Quốc đối với những vấn đề trên.
Khi ông Mattis đến Trung Quốc, truyền thông Nhà nước cho biết một đội tàu chiến của Trung Quốc đã tổ chức diễn tập chiến đấu hàng ngày ở vùng biển gần Đài Loan và không quân Trung Quốc cũng thường xuyên tập trận gần hòn đảo này.
*********************
Đài Loan cáo buộc Trung Quốc can thiệp tự do báo chí (RFA, 28/06/2018)
Đài Bắc hôm 28/06 cáo buộc Trung Quốc can thiệp quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận của Đài Loan và Nhật Bản bởi Bắc Kinh phản đối việc một tờ báo Nhật Bản cho đăng tải cuộc phỏng vấn Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp một ngày trước đó.
Ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Tiếp trong một cuộc họp báo hồi tháng 05/2018 - AFP
Trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Sankei Shimbun (Nhật Bản), ông Ngô đã kêu gọi một cuộc đối thoại an ninh Đài Loan - Nhật Bản trước sự tăng cường hoạt động của lực lượng vũ trang Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương cũng như những nguy cơ đang được đặt ra cho cả hai nước trong thời gian gần đây.
Tờ báo này cũng đã mô tả lời kêu gọi của Ngoại trưởng họ Ngô giống như một động thái hiếm hoi về quan hệ ngoại giao giữa hai nước, vì Đài Loan trước đó không hề có quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. Điều này đồng nghĩa ông Ngô hy vọng rằng Đài Loan và Nhật Bản có thể tăng cường quan hệ song phương để đối phó với các hoạt động quân sự thường xuyên của Trung Quốc gần Đài Loan.
Tuy nhiên, ngày hôm sau, phiên bản trực tuyến của Sankei Shimbun đăng tải thông tin Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản phản đối bài viết này với cáo buộc Đài Loan là một phần của Trung Quốc và lên án bài báo ủng hộ độc lập đối với Đài Loan.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đài Loan Lý Hiền Chương cho biết phản đối của Trung Quốc là một minh chứng cho thấy Trung Quốc can thiệp về tự do báo chí và ngôn luận đối với Nhật Bản và Đài Loan và động thái này là một điều không thể chấp nhận.
Ông Lý cũng cho rằng Trung Quốc đang đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với những giá trị toàn cầu về tự do và dân chủ và kêu gọi các quốc gia có cùng quan điểm hợp tác để ngăn chặn sự lan truyền ảnh hưởng của Trung Quốc.