Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong hai ngày, từ 27 đến 28/8/2024, ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh, ông Vương Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại sự Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc – đã tiến hành một vòng trao đổi chiến lược mới với ông Jake Sullivan – Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ.

mytrung1

Hai ông Jake Sullivan và Vương Nghị đã tiến hành vòng "giao tiếp chiến lược" mới từ ngày 27 đến ngày 28/8/2024. Ảnh Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Đánh giá từ báo cáo cuộc họp được hai bên công bố, lập trường của hai bên có những điểm tương đồng và đã đạt được một số đồng thuận mới. Tuy nhiên, giữa hai bên vẫn còn nhiều khác biệt và bất đồng sâu sắc.

Điểm chung thứ nhất : Để mô tả bầu không khí của cuộc họp này, hai bên sử dụng ba từ tương đồng : "thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng" (candid, substantive, and constructive). Điều này cho thấy, cuộc gặp kéo dài hai ngày lần này vẫn giữ phong cách "trao đổi chiến lược" mà Vương Nghị và Sullivan đã tiến hành vào 18 tháng trước. Hai bên đã có cuộc thảo luận sâu sắc và hiệu quả về các vấn đề mang tính chiến lược trong quan hệ hai nước.

Điểm chung thứ hai : Hai bên rất coi trọng vai trò dẫn dắt của lãnh đạo hai nước trong quan hệ Mỹ-Trung, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện sự đồng thuận mà các nguyên thủ đã đạt được.

Trong năm điều mà Vương Nghị đề cập về "con đường đúng đắn để các nước lớn cùng chung sống" giữa Trung Quốc và Mỹ, điều đầu tiên là : Điểm mấu chốt để duy trì quan hệ Mỹ-Trung đi đúng hướng nằm ở sự lèo lái của nguyên thủ hai nước. Hai bên cần đề cao các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi, thực hiện sự đồng thuận mà nguyên thủ hai nước đã đạt được, qua đó thúc đẩy quan hệ Mỹ-Trung phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.

Nội dung của đoạn đầu tiên trong báo cáo cuộc họp của Mỹ viết : Cuộc họp này là một phần trong nỗ lực không ngừng nhằm duy trì các kênh trao đổi và quản lý một cách có trách nhiệm mối quan hệ Mỹ-Trung, như đã được Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Woodside năm 2023.

Để đạt được mục tiêu này, phía Trung Quốc tiết lộ, hai bên đã tiến hành thảo luận về một vòng trao đổi mới giữa nguyên thủ hai nước trong thời gian tới; phía Mỹ thậm chí còn tiết lộ rằng, hai bên hoan nghênh những nỗ lực không ngừng nhằm duy trì các kênh trao đổi thông suốt, bao gồm cả kế hoạch tổ chức cuộc điện đàm cấp lãnh đạo trong vài tuần tới.

Điểm chung thứ ba : Hai bên đều có ý định tiếp tục thực hiện sự đồng thuận đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Trung ở San Francisco, cũng như sẽ tiếp tục duy trì trao đổi chiến lược và đối thoại tiếp xúc ở mọi cấp độ giữa hai bên.

Phía Trung Quốc bày tỏ, hai bên nhất trí tiếp tục thực hiện sự đồng thuận quan trọng mà nguyên thủ hai nước đã đạt được tại hội nghị ở San Francisco, duy trì tiếp xúc cấp cao và trao đổi ở tất cả các cấp, đồng thời tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực như kiểm soát ma túy, hành pháp, hồi hương người nhập cư bất hợp pháp và ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai bên nhất trí tổ chức các cơ chế như cuộc gọi video giữa lãnh đạo quân đội hai nước và vòng đối thoại liên chính phủ Mỹ-Trung về trí tuệ nhân tạo lần thứ hai vào thời điểm thích hợp.

Về điều này, phía Mỹ nêu cụ thể hơn: Hai bên đã thảo luận về tiến độ và các bước tiếp theo trong việc thực hiện các cam kết của Hội nghị Thượng đỉnh Woodside, bao gồm kiểm soát ma túy, trao đổi giữa quân đội hai nước cũng như sự an toàn và rủi ro của trí tuệ nhân tạo. Họ chú ý đến tầm quan trọng của việc giao lưu quân sự thường xuyên và liên tục, đồng thời lên kế hoạch tổ chức các cuộc điện đàm giữa các chỉ huy chiến khu trong tương lai gần. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các bước tiếp theo để làm giảm sự lưu thông của ma túy tổng hợp bất hợp pháp, cũng như tiếp tục hợp tác trong vấn đề hồi hương người nhập cư không có giấy tờ và hành pháp. Cả hai bên đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc thực hiện các bước cụ thể để giải quyết khủng hoảng khí hậu. Ngoài ra, John Podesta – Cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ về Chính sách Khí hậu Quốc tế – sắp tới thăm Trung Quốc.

Phía Mỹ cho biết, hai nhà lãnh đạo đều ghi nhận tầm quan trọng của kênh trao đổi chiến lược này trong 18 tháng qua, đồng thời cam kết tiếp tục duy trì hoạt động ngoại giao cấp cao và tham vấn cấp chuyên viên không bị gián đoạn.

Điểm chung thứ tư : Cả hai bên đều mong muốn tránh xung đột và cùng tồn tại hòa bình, nhưng lại có những bất đồng về cách thức đạt được điều này.

Vương Nghị chỉ ra rằng, điểm mấu chốt để Trung Quốc và Mỹ tránh xung đột và đối đầu nằm ở việc tuân thủ ba thông cáo chung. Phải gìn giữ nền tảng chính trị cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, tôn trọng chế độ chính trị và con đường phát triển của Trung Quốc, đồng thời tôn trọng quyền phát triển chính đáng của người dân Trung Quốc.

Sullivan bày tỏ, giữa Mỹ và Trung Quốc có bất đồng, có cạnh tranh, nhưng cũng có nhiều lĩnh vực cần hợp tác. Đồng ý rằng đối phương cần được đối xử theo cách bình đẳng và cạnh tranh cũng cần phải lành mạnh và công bằng. Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng tồn tại hòa bình trên hành tinh này trong một thời gian dài, mục tiêu chính sách của Mỹ là phải tìm được cách để quan hệ Mỹ-Trung phát triển bền vững. Mỹ sẵn sàng tiếp tục duy trì trao đổi chiến lược với Trung Quốc, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, cũng như giảm bớt những hiểu lầm và đánh giá sai lầm.

Qua đó có thể thấy, hai bên đã đạt được sự đồng thuận về việc duy trì đối thoại và trao đổi, phải làm gì tiếp theo và mục tiêu chung là tránh xung đột. Tuy nhiên, lập trường của hai bên về một số vấn đề lớn vẫn tồn tại những bất đồng dễ nhận thấy.

Điểm khác biệt thứ nhất : Về định nghĩa mối quan hệ giữa hai nước, phía Trung Quốc khẳng định mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ không thể được định nghĩa bằng sự cạnh tranh. Hai nước phải tôn trọng lẫn nhau và đối xử bình đẳng với nhau. Trong khi đó, phía Mỹ vẫn coi cạnh tranh là đặc điểm mang tính quyết định trong quan hệ Mỹ-Trung, đồng thời tìm kiếm sự hợp tác trong các lĩnh vực phù hợp với lợi ích của mình.

Điều này được thấy rõ qua năm điều mà Vương Nghị đề cập về "con đường đúng đắn để các nước lớn cùng chung sống" giữa Trung Quốc và Mỹ. Phía Trung Quốc có nhiều bất mãn và lo ngại về cách tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc.

Vương Nghị bày tỏ, điều then chốt để tương tác giữa Trung Quốc và Mỹ diễn ra suôn sẻ là đối xử bình đẳng với nhau. Xuất phát từ vị thế và sức mạnh không phải là cách thức tương tác đúng đắn giữa các quốc gia ; để Trung Quốc và Mỹ đạt được sự chung sống hòa bình, điều quan trọng là thiết lập một nhận thức đúng đắn. Về đối nội, Trung Quốc dốc sức để người dân Trung Quốc có một cuộc sống tốt đẹp, về đối ngoại thì nỗ lực đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và sự phát triển của thế giới. Phía Mỹ không nên phán xét Trung Quốc theo con đường mà mình từng đi, cũng không nên soi xét Trung Quốc qua khuôn mẫu rằng cường quốc tất sẽ theo đuổi bá quyền.

Điểm khác biệt thứ hai : Mỗi bên vẫn có thái độ riêng về các vấn đề an ninh như Đài Loan, Biển Đông, Ukraine, nhưng điều này không loại trừ khả năng hai bên đạt được sự ngầm hiểu nhất định.

Về vấn đề Đài Loan, phía Trung Quốc đã tiến hành những đàm phán quan trọng. Ngoài cảnh báo "Hai nước Trung Quốc và Mỹ phải tránh xung đột và đối đầu, điểm mấu chốt là tuân thủ ba thông cáo chung ; gìn giữ nền tảng chính trị cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, đồng thời tôn trọng chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc", Vương Nghị nhấn mạnh, Đài Loan thuộc về Trung Quốc và Trung Quốc nhất định sẽ thống nhất. "Đài Loan độc lập" là nguy cơ lớn nhất đối với hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan. Phía Mỹ nên thực hiện cam kết không ủng hộ "Đài Loan độc lập", tuân thủ nguyên tắc Một Trung Quốc và ba thông cáo chung Mỹ-Trung, ngừng cung cấp vũ khí cho Đài Loan và ủng hộ sự thống nhất hòa bình của Trung Quốc.

Báo cáo cuộc họp của Mỹ chỉ đề cập đến vấn đề Đài Loan một cách ngắn gọn: Sullivan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định trên hai bờ eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, báo cáo phía Trung Quốc viết rằng, Sullivan bày tỏ Mỹ tuân thủ chính sách Một Trung Quốc và không ủng hộ "Đài Loan độc lập", "Hai Trung Quốc" hay "Một Trung Quốc, Một Đài Loan". Kết hợp với cuộc họp báo của Mỹ trước cuộc gặp mặt, lẽ ra trong cuộc họp Sullivan nên đề cập đến "Chính sách Một Trung Quốc" mà Mỹ tự định nghĩa, cũng như các lập trường truyền thống của nước này như phản đối bất kỳ bên nào đơn phương thay đổi hiện trạng và thúc giục hai bờ eo biển Đài Loan tiến hành cuộc đối thoại có ý nghĩa…

Về vấn đề Biển Đông gây nhiều ồn ào gần đây, Vương Nghị nhấn mạnh rằng, Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải đối với các đảo ở Biển Đông, đồng thời gìn giữ tính nghiêm túc và hiệu quả của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông. Mỹ không được sử dụng các hiệp ước song phương như một cái cớ để làm tổn hại chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, cũng như không được ủng hộ hay dung túng những hành vi xâm phạm của Philippines.

Trong khi đó, Sullivan nhắc lại cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ các đồng minh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và bày tỏ quan ngại về "các hành vi thất thường của Trung Quốc nhằm đáp trả các hoạt động hàng hải hợp pháp của Philippines ở Biển Đông".

Về vấn đề chiến tranh Nga-Ukraine, Vương Nghị bày tỏ, Trung Quốc luôn nỗ lực thúc đẩy đàm phán hòa bình, thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đúng đắn. Phía Mỹ không nên đẩy trách nhiệm về phía Trung Quốc, càng không nên tùy ý áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp. Sullivan thì bày tỏ lo ngại về "sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga và ảnh hưởng của nó đối với an ninh châu Âu và xuyên Đại Tây Dương".

Điểm khác biệt thứ ba : Về các vấn đề kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ, lập trường của hai bên có sự bất đồng rõ ràng và cách làm cụ thể khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn.

Vương Nghị chỉ ra rằng, an ninh của các quốc gia phải chung, toàn diện, hợp tác và bền vững, an ninh của đất nước mình không thể được xây dựng trên sự thiếu an toàn của các quốc gia khác. An ninh quốc gia đòi hỏi phải có ranh giới rõ ràng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế thì càng cần phải được xác định một cách khoa học. Phía Mỹ nên ngừng kiềm chế Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ, cũng như ngừng làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của phía Trung Quốc. Việc sử dụng "thuyết dư thừa công suất" làm cái cớ để thực hiện chủ nghĩa bảo hộ sẽ chỉ làm tổn hại đến sự phát triển xanh toàn cầu và ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Trong cuộc họp, mặc dù Sullivan đã nhắc lại rằng "Mỹ không có ý định tách khỏi Trung Quốc", nhưng ông nhấn mạnh "Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các hành động cần thiết để ngăn chặn việc công nghệ tiên tiến của Mỹ bị sử dụng để làm suy yếu an ninh quốc gia, mà không làm hạn chế quá mức hoạt động thương mại hay đầu tư". Ông cũng nêu lên những lo ngại liên tục về "các chính sách thương mại không công bằng và các hoạt động kinh tế phi thị trường" của Trung Quốc.

Tóm lại, có thể kỳ vọng rằng trong gần 5 tháng còn lại trước khi chính phủ mới của Mỹ lên nắm quyền, Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục duy trì trao đổi và đối thoại, kiểm soát những bất đồng lớn, thúc đẩy hợp tác thực chất và cố gắng duy trì đà phát triển tương đối ổn định hiện nay trong quan hệ Mỹ-Trung, dựa trên sự đồng thuận mà nguyên thủ hai nước đã đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh San Francisco.

Dư Đông Huy

Nguyên tác : 评关注:中美最新战略沟通之同与不同, CRNTT, 29/08/2024.

Lê Thị Thanh Loan biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 02/09/2024

Additional Info

  • Author Dư Đông Huy, Lê Thị Thanh Loan
Published in Diễn đàn

Trưa 26/3/2024 (giờ miền Đông Hoa Kỳ), Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã có bài biểu tại Brookings Institution (Mỹ), một Think-tank liên tục đứng đầu bảng trong "Báo cáo Chỉ số về các Viện nghiên cứu toàn cầu". Tại đây, những người tham dự mong được tìm hiểu về cơ hội, thách thức khi Hà Nội và Washington đang nỗ lực giải quyết những khác biệt. Trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ từ 23 – 27/3, người đứng đầu Bộ ngoại giao đã công bố quan điểm chính thức về tầm nhìn của Việt Nam đối với mối bang giao với Hoa Kỳ vừa được nâng cấp lên "Đối tác chiến lược toàn diện" (CSP) từ hồi tháng 9/2023. Trên lý thuyết, năm định hướng ông Sơn viện dẫn để tăng cường mối quan hệ CSP Việt – Mỹ không có gì đặc sắc, chỉ lặp lại cách tiếp cận quen thuộc của phía Việt Nam từ trước tới nay (1). Tuy nhiên, đề cập tới một số vấn đề thời sự liên quan đến tình hình Việt Nam và cục diện khu vực, ông Sơn đã khiến cử tọa "bổ chửng" bởi hai lập luận độc đáo nổi bật trong buổi tọa đàm.

oc1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt tay với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn ở Hà Nội hôm 15/4/2023 - AFP

Thứ nhất, câu trả lời của ông Sơn liên quan đến câu hỏi của Giáo sư Jonathan Stromseth thuộc viện Brookings đặt vấn đề rằng, các doanh nghiệp nước ngoài luôn tìm kiếm sự ổn định, vì vậy sự kiện từ chức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mới đây nên được hiểu như thế nào ? Bùi Thanh Sơn tuyên bố xanh rờn : "Sự từ chức của Chủ tịch nước ở Việt Nam… không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại cũng như chính sách phát triển kinh tế của chúng tôi…", "một hoặc hai nhân vật lãnh đạo không làm thay đổi tình hình", Ngoại trưởng Sơn nhấn mạnh. Trong khi đó, truyền thông Mỹ và quốc tế, có những phản ứng liên quan đến luận điểm này của Ngoại trưởng Sơn. Bình luận trên tờ Bloomberg, nhà báo Karishma Vaswani đánh giá rằng, Việt Nam đang trên bờ vực mất đi sức hút từ chiến lược ‘Trung Quốc + 1’. Đây là một chiến lược kinh doanh do các tập đoàn đa quốc gia áp dụng để tránh chỉ đầu tư vào Trung Quốc và kêu gọi phải đa dạng hóa hoạt động kinh doanh sản xuất sang các quốc gia khác (Vietnam is in Danger of Losing its China + 1 Appeal) (2).

Mọi người đều biết, ổn định chính trị là cực kỳ quan trọng đối với các tập đoàn đa quốc gia có hoạt động sản xuất lớn tại Việt Nam, bao gồm cả Apple của Mỹ, tập đoàn có nhiều nhà cung cấp từ nước này. Yếu tố ổn định chính trị cũng tác động không nhỏ tới quyết định của những nhà đầu tư quan tâm tới nước này. Được coi là trung tâm sản xuất chế tạo ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lũy kế vượt qua tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Các nhà phân tích cho rằng sự ổn định này, vốn được đảm bảo qua nhiều thập kỷ bởi một chính phủ chịu kiểm soát chặt chẽ của Đảng cộng sản, có vẻ như đã bắt đầu lung lay. Đấy là nhận định của Đài BBC hôm ông Sơn rời Mỹ ngày 29/3 (3). Trước đó, ngày 20/3, sau khi ông Thưởng được Trung ương Đảng đồng ý cho thôi chức, Reuters cũng đã dẫn lại nhận định của ông Florian Feyerabend, Trưởng đại diện tại Việt Nam của Viện KAS (Konrad-Adenauer-Stiftung) rằng, diễn biến gần đây trên chính trường Việt Nam dấy lên những nghi vấn về "tính khó dự báo, độ tin cậy và hoạt động nội bộ của hệ thống" – những yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ tới các quyết định đầu tư (4).

Trong khi đó như Blogger Trân Văn trên VOA khi nhìn lại ba năm qua, đã đánh giá trò hề "công tác cán bộ – khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị" – điều ông Sơn khẳng định là "không ảnh hưởng đến chính sách…" – chính là nguyên nhân khiến Ban chấp hành trung ương đảng khóa 13 và Quốc hội khóa 15 cùng phải tụ tập bất thường, mỗi bên tới… sáu lần, nhằm giải quyết hậu quả của "quy hoạch nhân sự". Tuy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam bảo đó là các "phiên họp bất thường" nhưng nếu xem xét một cách sòng phẳng về mục tiêu, cách thức tổ chức và tính chất của các "phiên họp bất thường" này thì rõ ràng các "phiên họp bất thường" đó chỉ là các tụ tập để hợp lý hóa, hợp pháp hóa phương thức đối phó với nan đề về nhân sự do "quy hoạch nhân sự" tạo ra ! (5).

Nhưng lập luận nổi bật thứ hai là khi Ngoại trưởng Sơn tuyên bố, Việt Nam ở vào vị trí đặc biệt có thể giúp bình ổn cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ – Trung, cùng lúc ông đề cao đường lối "ngoại giao cây tre". "Chúng tôi có thể xử lý cạnh tranh giữa các siêu cường", ông Sơn nói bằng tiếng Anh và cho rằng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn là điều đương nhiên, nhưng "xung đột không phải không thể tránh khỏi". Ngoại trưởng Sơn chỉ ra việc Việt Nam vừa nâng cấp quan hệ với Mỹ, Nhật, Úc và sắp tới sẽ là một số nước khác trong khu vực và thế giới để cho thấy Hà Nội đã "trở thành bạn tốt và đáng tin cậy của các nước" để có thể đóng góp cho hòa bình và ổn định trong khu vực (6). Không rõ, liệu Việt Nam sẽ đóng góp bằng cách nào khi mà chính The Washington Post ngày 6/3 đã công bố "Chỉ thị mật 24" của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ban hành hai tháng, trước khi Tổng thống Biden thăm Hà Nội.

Mục đích của Chỉ thị nói trên nhằm tiếp tục áp đặt sự kiểm soát nghiêm ngặt người dân với thể chế độc tài, công an trị khét tiếng. Bộ Chính trị đã yêu cầu các quan chức Đảng/Nhà nước phải cảnh giác và "ngăn chặn các mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia" có thể đến từ sự "mất cảnh giác khi tham gia vào các sáng kiến và các chiến lược của các cường quốc" hoặc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài "tiếp quản thị trường và doanh nghiệp trong nước và chiếm lĩnh các lãnh vực kinh tế quan trọng" (7). Nền ngoại giao "sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Trường Khanh" (8) của Việt Nam đã bị một phóng sự trên RFA chất vấn ngày 29/3/2024 : Việt Nam có đang ỷ lại quá mức vào "ngoại giao cây tre" (9) ? Bản thân ông Sơn cũng như nhiều quan chức cao cấp khác của Việt Nam rơi vào thế lưỡng nan. Một mặt, kêu gọi cán bộ không được "mất cảnh giác khi tham gia các CSP với Mỹ và phương Tây, mặt khác, lại đòi hỏi chính quyền Biden xem xét bãi bỏ tình trạng "kinh tế phi thị trường" cho Việt Nam. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đánh giá, Việt Nam khó đáp ứng được các yếu tố cần thiết để được công nhận là nền kinh tế thị trường dựa trên các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ.

Chỉ vài ngày sau khi kết thúc chuyến thăm Mỹ, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn lại dự kiến lên đường thăm Trung Quốc trong hai ngày 3 và 4/4 (10). Chưa rõ, trong các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Sơn làm thế nào để có thể tiếp cận quan hệ Mỹ – Trung ? Được biết, sau khi Việt Nam nâng quan hệ với Nhật Bản và Úc lên cấp độ CSP thì Trung Quốc đã công khai cảnh cáo Việt Nam : "Không bao giờ được trở thành bên ủy nhiệm cho bất kỳ phe phái nào và không bao giờ được lao vào vòng xoáy cạnh tranh giữa các nước lớn !" (11). Lần này sang Trung Quốc, liệu ông Sơn có dám nêu vấn đề Vịnh Bắc Bộ với lãnh đạo Trung Quốc, chứ chưa nói đến chuyện làm thế nào để giúp bình ổn quan hệ Mỹ – Trung, như ông vừa "nổ" tại Brookings Institution. Điều không ngạc nhiên là truyền thông Việt Nam "dấu nhẹm" hai tuyên bố "động trời" của ông Sơn tại Mỹ. Rõ ràng, Ban Tuyên giáo không muốn cho người dân biết quá nhiều về bang giao Việt – Mỹ, vì sợ cán bộ và người dân dễ bị "diễn biến" hoặc "chuyển hóa" như cảnh báo của "Chỉ thị mật 24" nói trên (12).

Trần Hiếu Chân

Nguồn : RFA, 02/04/2024

Tham khảo :

(1) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-foreign-minister-assured-foreign-businesses-about-internal-instability-03272024020705.html

(2) https://www.bloomberg.com/opinion/articles/2024-03-24/china-1-vietnam-is-in-danger-of-losing-its-appeal ?

(3) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c2jx9en7pzno  (Chủ tịch nước từ chức, Việt Nam trấn an Mỹ về 'ổn định chính trị')

(4) https://www.reuters.com/world/asia-pacific/vietnam-communist-party-approves-presidents-resignation-says-state-media-2024-03-20/

(5) https://www.voatiengviet.com/a/quy-hoach-nhan-su-ke-thua-va-hong-phuc-dinh-kem-dai-hoa-p1-/7547155.html

(6) https://www.voatiengviet.com/a/ngoai-truong-bui-thanh-son-viet-nam-co-the-giup-binh-on-quan-he-my-trung/7549777.html

(7) https://www.washingtonpost.com/opinions/2024/03/06/vietnam-directive-24-repression/

(8) https://aokieudep.com/doc/phan-tich-doan-trich-noi-thuong-minh/

(9) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-relying-too-much-on-bamboo-diplomacy-03292024101328htmlhttps:/www.voatiengviet.com/a/nen-ngoai-giao-truc-loi-cua-ha-noi-lieu-se-hieu-qua-/7551989.html

(10) https://laodong.vn/thoi-su/bo-truong-ngoai-giao-bui-thanh-son-tham-trung-quoc-vao-tuan-toi-1320625.ldo

(11) https://www.voatiengviet.com/a/nen-ngoai-giao-truc-loi-cua-ha-noi-lieu-se-hieu-qua-/7551989.html

(12) https://dangcongsan.vn/thoi-su/bo-truong-ngoai-giao-bui-thanh-son-du-toa-dam-ve-quan-he-viet-nam-hoa-ky-662009.html

Additional Info

  • Author Trần Hiếu Chân
Published in Quan điểm

Mỹ - Trung đồng tình ổn định quan hệ sau các cuộc đàm phán

Minh Anh, 20/06/2023

Hôm 19/06/2023, trong ngày thứ hai chuyến thăm Bắc Kinh, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tại Đại Lễ Đường Nhân Dân. Trong cuộc trao đổi ngắn này, lãnh đạo Trung Quốc và ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc ổn định quan hệ giữa hai nước.

trungmy1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 19/06/2023. Reuters – Leah Millis

AFP cho biết, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoan nghênh những tiến triển được cho là "theo hướng tốt" trong quan hệ giữa hai nước sau chuyến thăm Bắc Kinh của ngoại trưởng Anthony Blinken nhằm tìm cách hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước.

Một trong những dấu hiệu cho thấy có sự hòa hoãn giữa đôi bên là ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã nhận lời mời đến thăm Mỹ. 

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo, lãnh đạo ngoại giao Mỹ cũng tỏ ra thận trọng về việc cải thiện quan hệ song phương. 

Thông tín viên đài RFI, Stephane Lagarde từ Bắc Kinh tường thuật :

"Mọi việc không thể giải quyết chỉ trong một chuyến thăm, một chuyến đi và một cuộc trò chuyện duy nhất", ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã nhắc lại như thế sau khi kết thúc một cuộc việt dã ngoại giao. Hơn nữa, ông không chỉ có một mà có tới ba cuộc hội đàm, trong đó có một cuộc trao đổi kéo dài gần sáu giờ đồng hồ với đồng nhiệm Trung Quốc Tần Cương.

Ngoại trưởng Mỹ đã phải ra sức trấn an Bắc Kinh, bị ám ảnh bởi hồ sơ Đài Loan. Khi tái khẳng định "Hoa Kỳ không ủng hộ Đài Loan độc lập. Chúng tôi ủng hộ nguyên trạng", lãnh đạo ngoại giao Mỹ ngược lại cũng đặt ra những vấn đề với đồng nhiệm Trung Quốc về Ukraine và sự hậu thuẫn của Trung Quốc đối với Nga.

Ông phát biểu : "Cùng với nhiều nước khác, chúng tôi đã có được sự bảo đảm là Trung Quốc không và sẽ không cũng cấp hỗ trợ quân sự cho Nga để chúng có thể được sử dụng tại Ukraine. Tuy nhiên, điều làm cho chúng tôi quan ngại, chính là khả năng các doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp công nghệ để Nga có thể dùng cho cuộc chiến xâm lược tại Ukraine. Chúng tôi đề nghị chính phủ Trung Quốc nên cẩn trọng về vấn đề này".

Cũng theo ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc cam kết không giao vũ khí cho Nga, và Hoa Kỳ cho rằng "Trung Quốc có thể đóng một vai trò chủ chốt" khi hậu thuẫn cho sáng kiến xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen nhằm tránh nạn khan hiếm thực phẩm tại những nước nghèo nhất thế giới, theo như phát biểu của ông Anthony Blinken, trước khi đáp máy bay đến Luân Đôn để tham dự cuộc họp về tái thiết Ukraine".

Minh Anh

****************************

Bắc Kinh đặt điều kiện với Washington để giảm căng thẳng

Minh Anh, RFI, 20/06/2023

Hôm 19/06/2023, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và để ngỏ khả năng Bắc Kinh sẵn sàng hạ nhiệt căng thẳng với Washington nhưng theo một số điều kiện.

mytrung3

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 19/06/2023. AP - Leah Millis

Khi tiếp ngoại trưởng Mỹ, nguyên thủ Trung Quốc đánh giá chuyến thăm của ông Blinken đã góp phần tích cực cho "sự ổn định của mối quan hệ" giữa hai nước. Nhưng ông Tập Cận Bình cũng không ngần ngại cảnh báo, "những quan hệ tương tác giữa hai nước phải được dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau".

Việc lãnh đạo số một Trung Quốc bỏ qua những nghi thức ngoại giao nghiêm ngặt để tiếp ngoại trưởng Mỹ được một số nhà quan sát đánh giá như là một dấu hiệu Bắc Kinh cũng muốn làm dịu căng thẳng với Washington.

Trong nhãn quan của giới lãnh đạo Trung Quốc, Hoa Kỳ là nguồn cội sâu thẳm của mọi căng thẳng giữa hai nước vì những "cảm nhận sai lệch" về Trung Quốc, động cơ của những leo thang đối đầu bắt đầu từ thời tổng thống Donald Trump.

Thế nên, bất kỳ sự nhượng bộ nào cũng có cái giá phải trả. Bắc Kinh, thông qua lời vị lãnh đạo ngoại giao cao cấp nhất, ông Vương Nghị đặt ra những điều kiện để giảm căng thẳng, buộc Hoa Kỳ phải có những nhượng bộ về vấn đề Đài Loan, dỡ bỏ các cấm vận nhắm vào lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc và chấm dứt "những hành động can thiệp" vào nội bộ Trung Quốc, nói một cách khác là Mỹ nên ngưng chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Tân Cương và Hồng Kông.

Cũng theo ông Vương Nghị, Hoa Kỳ nên từ bỏ những luận điệu "mối đe dọa" Trung Quốc trong các cuộc tranh luận cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024. Bắc Kinh cho rằng khó thể nối lại các kênh đối thoại khi mà "cuộc cạnh tranh có nguy cơ biến thành xung đột" do việc Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược "bao vây" Trung Quốc. Do vậy, ông Vương Nghị cho rằng Washington phải chọn giữa "hợp tác và xung đột".

Ngoại trưởng Mỹ như để trấn an Bắc Kinh, đã khẳng định với chủ tịch Tập Cận Bình rằng, Hoa Kỳ không muốn "kềm hãm" đà đi lên về kinh tế của Trung Quốc, cũng không hậu thuẫn "nền độc lập" cho Đài Loan, hay tìm cách thay đổi chế độ ở Bắc Kinh. Ông Blinken nhắc lại lập trường không thay đổi của Mỹ từ năm 1979 : Thừa nhận nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất, nhưng không chấp nhận việc dùng vũ lực thống nhất với Đài Loan.

Vận mệnh Đài Loan một lần nữa được đặt lên bàn cờ chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Người ta còn nhớ năm 1971, để có thể bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc nhằm dễ bề chống đối Liên Xô, cả tổng thống Mỹ Richard Nixon ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đều hiểu rằng đã đến lúc phải chấp nhận nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất và phải hy sinh Đài Loan.

Theo như lời thuật từ Lyle J. Goldstein, biên tập viên cho tạp chí Defense Priorities, với kênh truyền hình Arte, vào thời điểm đó Hoa Kỳ đã chấp nhận mọi yêu cầu từ Trung Quốc như rút hết các căn cứ quân sự, nhân sự và các loại vũ khí, kể cả các chiến đấu cơ và đầu đạn hạt nhân. Vào thời điểm đó, Trung Quốc chưa là cường quốc kinh tế thứ hai như hiện nay và dân số chỉ khoảng 800 triệu dân.

Le Figaro nhắc lại, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không ngừng gia tăng kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia hồi tháng 11/2022. Những cáo buộc về hoạt động gián điệp của Trung Quốc (vụ khinh khí cầu) buộc ngoại trưởng Mỹ phải hoãn chuyến công du Bắc Kinh dự trù từ tháng 2/2023. Washington nhiều lần tìm cách nối lại các kênh đối thoại nhưng bất thành, và gần đây nhất Bắc Kinh từ chối đề nghị cuộc gặp giữa bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin với đồng nhiệm Trung Quốc Lý Thượng Phúc bên lề diễn đàn An ninh Shangri-La, ở Singapore hồi tháng 5/2023.

Minh Anh

Additional Info

  • Author Minh Anh
Published in Quốc tế