Mỹ - Trung đồng tình ổn định quan hệ sau các cuộc đàm phán
Minh Anh, 20/06/2023
Hôm 19/06/2023, trong ngày thứ hai chuyến thăm Bắc Kinh, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã được chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tại Đại Lễ Đường Nhân Dân. Trong cuộc trao đổi ngắn này, lãnh đạo Trung Quốc và ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc ổn định quan hệ giữa hai nước.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 19/06/2023. Reuters – Leah Millis
AFP cho biết, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Mỹ Joe Biden đã hoan nghênh những tiến triển được cho là "theo hướng tốt" trong quan hệ giữa hai nước sau chuyến thăm Bắc Kinh của ngoại trưởng Anthony Blinken nhằm tìm cách hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước.
Một trong những dấu hiệu cho thấy có sự hòa hoãn giữa đôi bên là ngoại trưởng Trung Quốc Tần Cương đã nhận lời mời đến thăm Mỹ.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo, lãnh đạo ngoại giao Mỹ cũng tỏ ra thận trọng về việc cải thiện quan hệ song phương.
Thông tín viên đài RFI, Stephane Lagarde từ Bắc Kinh tường thuật :
"Mọi việc không thể giải quyết chỉ trong một chuyến thăm, một chuyến đi và một cuộc trò chuyện duy nhất", ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã nhắc lại như thế sau khi kết thúc một cuộc việt dã ngoại giao. Hơn nữa, ông không chỉ có một mà có tới ba cuộc hội đàm, trong đó có một cuộc trao đổi kéo dài gần sáu giờ đồng hồ với đồng nhiệm Trung Quốc Tần Cương.
Ngoại trưởng Mỹ đã phải ra sức trấn an Bắc Kinh, bị ám ảnh bởi hồ sơ Đài Loan. Khi tái khẳng định "Hoa Kỳ không ủng hộ Đài Loan độc lập. Chúng tôi ủng hộ nguyên trạng", lãnh đạo ngoại giao Mỹ ngược lại cũng đặt ra những vấn đề với đồng nhiệm Trung Quốc về Ukraine và sự hậu thuẫn của Trung Quốc đối với Nga.
Ông phát biểu : "Cùng với nhiều nước khác, chúng tôi đã có được sự bảo đảm là Trung Quốc không và sẽ không cũng cấp hỗ trợ quân sự cho Nga để chúng có thể được sử dụng tại Ukraine. Tuy nhiên, điều làm cho chúng tôi quan ngại, chính là khả năng các doanh nghiệp Trung Quốc cung cấp công nghệ để Nga có thể dùng cho cuộc chiến xâm lược tại Ukraine. Chúng tôi đề nghị chính phủ Trung Quốc nên cẩn trọng về vấn đề này".
Cũng theo ngoại trưởng Mỹ, Trung Quốc cam kết không giao vũ khí cho Nga, và Hoa Kỳ cho rằng "Trung Quốc có thể đóng một vai trò chủ chốt" khi hậu thuẫn cho sáng kiến xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen nhằm tránh nạn khan hiếm thực phẩm tại những nước nghèo nhất thế giới, theo như phát biểu của ông Anthony Blinken, trước khi đáp máy bay đến Luân Đôn để tham dự cuộc họp về tái thiết Ukraine".
Minh Anh
****************************
Bắc Kinh đặt điều kiện với Washington để giảm căng thẳng
Minh Anh, RFI, 20/06/2023
Hôm 19/06/2023, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và để ngỏ khả năng Bắc Kinh sẵn sàng hạ nhiệt căng thẳng với Washington nhưng theo một số điều kiện.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tại Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 19/06/2023. AP - Leah Millis
Khi tiếp ngoại trưởng Mỹ, nguyên thủ Trung Quốc đánh giá chuyến thăm của ông Blinken đã góp phần tích cực cho "sự ổn định của mối quan hệ" giữa hai nước. Nhưng ông Tập Cận Bình cũng không ngần ngại cảnh báo, "những quan hệ tương tác giữa hai nước phải được dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau".
Việc lãnh đạo số một Trung Quốc bỏ qua những nghi thức ngoại giao nghiêm ngặt để tiếp ngoại trưởng Mỹ được một số nhà quan sát đánh giá như là một dấu hiệu Bắc Kinh cũng muốn làm dịu căng thẳng với Washington.
Trong nhãn quan của giới lãnh đạo Trung Quốc, Hoa Kỳ là nguồn cội sâu thẳm của mọi căng thẳng giữa hai nước vì những "cảm nhận sai lệch" về Trung Quốc, động cơ của những leo thang đối đầu bắt đầu từ thời tổng thống Donald Trump.
Thế nên, bất kỳ sự nhượng bộ nào cũng có cái giá phải trả. Bắc Kinh, thông qua lời vị lãnh đạo ngoại giao cao cấp nhất, ông Vương Nghị đặt ra những điều kiện để giảm căng thẳng, buộc Hoa Kỳ phải có những nhượng bộ về vấn đề Đài Loan, dỡ bỏ các cấm vận nhắm vào lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc và chấm dứt "những hành động can thiệp" vào nội bộ Trung Quốc, nói một cách khác là Mỹ nên ngưng chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Tân Cương và Hồng Kông.
Cũng theo ông Vương Nghị, Hoa Kỳ nên từ bỏ những luận điệu "mối đe dọa" Trung Quốc trong các cuộc tranh luận cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024. Bắc Kinh cho rằng khó thể nối lại các kênh đối thoại khi mà "cuộc cạnh tranh có nguy cơ biến thành xung đột" do việc Mỹ vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược "bao vây" Trung Quốc. Do vậy, ông Vương Nghị cho rằng Washington phải chọn giữa "hợp tác và xung đột".
Ngoại trưởng Mỹ như để trấn an Bắc Kinh, đã khẳng định với chủ tịch Tập Cận Bình rằng, Hoa Kỳ không muốn "kềm hãm" đà đi lên về kinh tế của Trung Quốc, cũng không hậu thuẫn "nền độc lập" cho Đài Loan, hay tìm cách thay đổi chế độ ở Bắc Kinh. Ông Blinken nhắc lại lập trường không thay đổi của Mỹ từ năm 1979 : Thừa nhận nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất, nhưng không chấp nhận việc dùng vũ lực thống nhất với Đài Loan.
Vận mệnh Đài Loan một lần nữa được đặt lên bàn cờ chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc. Người ta còn nhớ năm 1971, để có thể bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc nhằm dễ bề chống đối Liên Xô, cả tổng thống Mỹ Richard Nixon ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đều hiểu rằng đã đến lúc phải chấp nhận nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất và phải hy sinh Đài Loan.
Theo như lời thuật từ Lyle J. Goldstein, biên tập viên cho tạp chí Defense Priorities, với kênh truyền hình Arte, vào thời điểm đó Hoa Kỳ đã chấp nhận mọi yêu cầu từ Trung Quốc như rút hết các căn cứ quân sự, nhân sự và các loại vũ khí, kể cả các chiến đấu cơ và đầu đạn hạt nhân. Vào thời điểm đó, Trung Quốc chưa là cường quốc kinh tế thứ hai như hiện nay và dân số chỉ khoảng 800 triệu dân.
Le Figaro nhắc lại, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không ngừng gia tăng kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa tổng thống Mỹ Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bali, Indonesia hồi tháng 11/2022. Những cáo buộc về hoạt động gián điệp của Trung Quốc (vụ khinh khí cầu) buộc ngoại trưởng Mỹ phải hoãn chuyến công du Bắc Kinh dự trù từ tháng 2/2023. Washington nhiều lần tìm cách nối lại các kênh đối thoại nhưng bất thành, và gần đây nhất Bắc Kinh từ chối đề nghị cuộc gặp giữa bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin với đồng nhiệm Trung Quốc Lý Thượng Phúc bên lề diễn đàn An ninh Shangri-La, ở Singapore hồi tháng 5/2023.
Minh Anh