Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

20/06/2023

Điểm báo Pháp - Thiếu niên Ukraine trong bóng tối chiến tranh

RFI tiếng Việt

Thiếu niên Ukraine trong bóng tối chiến tranh

La Croix hôm nay 20/06/2023 chạy tựa trang nhất "Ukraine : Những thiếu niên trong bóng tối chiến tranh". Cuộc xâm lăng của Nga khiến lớp trẻ - đối mặt với nỗi sợ và cái chết - đã trở nên chín chắn hẳn.

gioitre1

Trẻ em quan sát hiện trường vụ tấn công bằng hỏa tiễn mới nhất của Nga làm hư hại một tòa nhà nhiều tầng ở Kryvyi Rih, Ukraine ngày 13/06/2023 AP - Andriy Dubchak

Trẻ em Ukraine : "Tuổi nhỏ làm việc nhỏ"

Đặc phái viên La Croix tại thành phố Tcherkassy bên bờ sông Dniepr nhận thấy các thiếu niên có thái độ dứt khoát hơn cả người lớn đối với văn hóa và ngôn ngữ Nga. Ở thành phố miền trung Ukraine này, chiến tranh vừa xa lại vừa gần. Những hồi còi báo động vẫn thường xuyên nổi lên, nhưng hiếm khi có tiếng nổ của đạn pháo Nga. Chỉ có chiếc cầu bắc qua sông Dniepr rộng mênh mông hai lần bị đánh bom, chỉ thiệt hại nhẹ. Tuy nhiên chiến tranh vẫn in dấu với những chuyến di tản, những gia đình chịu cảnh tang tóc, cuộc sống bấp bênh.

Vitali, 15 tuổi, nay là chỗ dựa của người mẹ và chịu trách nhiệm dạy dỗ em trai nhỏ, cha cậu đã ra chiến trường ngay từ đầu cuộc xâm lăng. Katerina cũng 15 tuổi, từ Kiev chuyển về để "an toàn" hơn, bạn bè đã tứ tán đi nhiều nơi ở Ukraine và ngoại quốc. Hàng đêm, cô bé cùng với mẹ và em hồi hộp chờ đợi tin người cha ngoài chiến trường. Hầu hết thiếu niên sống có trách nhiệm hơn kể từ khi quân Nga tràn sang xâm chiếm đất nước.

Tại Tcherkassy cũng như ở nhiều nơi khác, đa số người trẻ bắt nhịp với phong trào kháng chiến của người dân Ukraine. Một số em quyên góp giúp quân đội, số khác dệt lưới ngụy trang, đóng gói các khẩu phần cho chiến sĩ, phân phát thực phẩm. Yulia, 15 tuổi, mơ trở thành nhà báo, tạo các video trên TikTok và Telegram để kêu gọi đóng góp giúp binh sĩ.

Tẩy chay văn hóa Nga, thần tượng là chiến binh

Một nghiên cứu của Kantar-Ukraine nơi các thanh thiếu niên Ukraine từ 13 đến 19 tuổi nhấn mạnh nỗi lo về một người thân là mối quan tâm hàng đầu. Trong số hình mẫu để noi theo, cha mẹ chiếm 55%, quân đội 51%, tiếp đến là các tình nguyện viên, thầy cô giáo, còn diễn viên, ca sĩ chỉ chiếm có 11%. Có đến 95% người trẻ trong lứa tuổi này tin chắc vào chiến thắng của đất nước. Hai phần ba muốn sinh sống và học hành tại nước mình dù đang chiến tranh, 86% không nhìn thấy tương lai ở ngoại quốc.

Các em ngày càng chú trọng đến quan điểm chính thức của các thương hiệu về cuộc chiến, trước khi mua hàng. Coca-Cola và McDonald's chẳng hạn rất được ưa chuộng, khác với những nhãn hàng tiếp tục kinh doanh tại Nga. Những thần tượng mới là các blogger ngoài mặt trận hay các tình nguyện viên ở hậu phương, có người như Latchen từ vô danh nay có trên 1 triệu người theo dõi trên Telegram. Vadim cho biết không còn coi các clip của những blogger Nga. Nhóm chơi game video của cậu lâu nay với "giao du" với các "game thủ" Nga, nay chỉ chơi với các bạn Estonia hay Georgia.

Kể từ khi đất nước bị xâm lăng, nhiều thiếu niên đã ngưng dùng tiếng Nga, không hát những ca khúc Nga, những nghệ sĩ người Nga được ưa thích xưa nay bị loại khỏi danh sách. Irina, 14 tuổi nói : "Nếu nghe nhạc Nga, bạn giúp ca sĩ kiếm tiền và như vậy bạn tài trợ cho chiến tranh". Anton, 16 tuổi cho biết "đã gỡ bỏ tất cả những gì dính dáng đến Nga trong cuộc sống : thực phẩm, hàng hiệu. Đó là cách kháng chiến của tôi". Cậu thú thực tuy sợ phải đi lính, "nhưng nếu được triệu tập, tôi sẽ không trốn tránh".

Đập Kakhovka vỡ : Sống ra sao khi thượng nguồn khô cạn ?

Về vấn đề môi trường, đặc phái viên Le Monde ngược lên phía thượng nguồn và nhận thấy "Tại vùng Nikopol, tất cả vòi nước đều khô cạn" sau khi đập Kakhovka bị phá vỡ. Người dân hứng nước mưa để dùng, nước uống phải xếp hàng chờ phân phối. Thành phố 100.000 dân trước chiến tranh nay chỉ còn 40.000 người và có nguy cơ vơi thêm nếu không được cung cấp nước trở lại. Một người cho biết đây là điều đáng tiếc vì nhiều người di tản sang các nước khác đã lục tục trở về, trong số đó có một gia đình hồi hương từ Mỹ.

Hậu quả của việc phá đập Kakhovka không chỉ ở thành phố Nikopol, mà ảnh hưởng đến cả những nhà máy, trang trại ở Kherson, Zaporijia và Dnipropetrovsk. Tất cả những trạm bơm ở hữu ngạn đều ngưng hoạt động, chỉ riêng ở Kherson, nước từ đập Kakhovka tưới cho 400.000 hecta. Đội trưởng đội gác rừng ở công viên Kamianske Sick đưa cho nhà báo xem hình ảnh những kênh tưới tiêu hoàn toàn khô cạn, những tổ chim bỏ hoang, những con kỳ nhông chết khô… Thiệt hại riêng về thảo mộc ở khu bảo tồn phía hữu ngạn vùng Kherson ước tính đến 74,8 tỉ hrivna (1,9 tỉ euro), còn các loài động vật chưa thể tính được.

Canada : Trung Quốc gây sức ép lên cộng đồng Hoa kiều ở Vancouver

Liên quan đến Trung Quốc, Le Monde cho biết "Tại Vancouver, cộng đồng người Hoa chịu đựng sự giám sát của Bắc Kinh". Trung Quốc gây sức ép, đe dọa những người gốc Hoa sống tại Canada. Tờ báo nêu ra trường hợp của Kay, 28 tuổi, trước buổi lễ kỷ niệm 34 năm vụ thảm sát Thiên An Môn tổ chức tại một công viên ở Vancouver, nhận được một cú điện thoại nặc danh, khuyến cáo không nên đi dự. Cô gái gốc Thượng Hải, định cư ở Canada từ bốn năm qua biết rằng đã nằm trong danh sách của "họ", bàn tay vô hình của Bắc Kinh. Đảng cộng sản Trung Quốc muốn duy trì áp lực lên một trong những cộng đồng Hoa kiều đông đảo nhất ở ngoài Châu Á : có đến 1/5 trong 2,6 triệu cư dân Grand Vancouver là người Hoa.

Một thế kỷ sau đợt di dân đầu tiên gồm công nhân xây dựng đường xe lửa, đến lượt những người đối lập Hồng Kông đến định cư, khiến giá nhà tăng lên tại "Hongcouver". Chính tại khu phố sang trọng Shaughnessy của Vancouver mà bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), con của nhà sáng lập Hoa Vi (Huawei) bị quản thúc suốt ba năm, gây căng thẳng ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc. Tình hình trở nên tệ hại hơn từ tháng 11/2022 khi báo chí tiết lộ Bắc Kinh can thiệp vào cuộc bầu cử liên bang năm 2019 và 2021.

Lũng đoạn, tuyên truyền… những mưu chước của Bắc Kinh

Bà Lý Mỹ Bảo (Mabel Tung), chủ tịch Hiệp hội Vancouver ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông, một trong những người tổ chức tưởng niệm Thiên An Môn khẳng định : "Đã từ lâu Bắc Kinh xen vào công việc của chúng tôi". Là người Hồng Kông định cư ở Canada từ 1979, cho biết từ nhiều năm qua, mỗi lần biểu tình ủng hộ dân chủ là lực lượng "phản biểu tình" đông đảo gồm sinh viên Trung Quốc du học lại có mặt. Các sinh viên này chịu áp lực vì lãnh sự quán nắm được mọi thông tin khi xin visa.

Chu Vĩ Quang (Bill Chu), kỹ sư người Hồng Kông về hưu, công dân Canada từ nửa thế kỷ, đã thành lập Hiệp hội hòa giải Canada, từng ra điều trần trước một ủy ban đặc biệt ở Quốc hội. Ông tố cáo Bắc Kinh dùng những vũ khí vô hình như hối lộ đại biểu, dọ thám trong trường đại học, dùng truyền thông địa phương tiếng Hoa, lập đồn công an với danh nghĩa hiệp hội… để giám sát và tẩy não. Nhà hoạt động này tỏ ra thất vọng khi Canada vì tôn trọng "đa phương" đã không đánh giá đúng đắn mối đe dọa.

Cũng vì bị cho là "chống Trung Quốc" mà ông Triệu Cẩm Vinh (Kenny Chiu), 58 tuổi, cựu dân biểu bảo thủ ở Hạ Viện bị thất cử, do một chiến dịch quy mô bôi xấu ông trong lúc tranh cử. Tình báo Canada có được tài liệu cho thấy cựu lãnh sự Trung Quốc tại Vancouver, Đông Hiểu Linh (Tong Xiaoling) đã khoe khoang thành tích này. Theo Lưu Tế Lương (Simon Sai Leung Lau), nhà tranh đấu Hồng Kông lưu vong tại Canada sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia mới, tất cả cơ quan truyền thông tiếng Hoa ở Vancouver đều có nhận tài trợ của Trung Quốc. Ngoài kênh CCTV, nhật báo Global Chinese Press, Sing Tao Daily, truyền hình Fair Child TV, radio 1320 CHMB lặp lại những luận điệu của Bắc Kinh, gây ảnh hưởng nơi những người không nắm vững tiếng Anh, người già hay di dân thế hệ đầu tiên.

Nhà đầu tư không còn mặn mà với Trung Quốc

Trên lãnh vực kinh tế, Les Echos lý giải "Những lý do khiến các nhà đầu tư rời Trung Quốc" : tỉ lệ tăng trưởng đáng thất vọng, rủi ro địa chính trị, lãi suất trái phiếu thấp. Sự thờ ơ với Hoa lục đã rõ : với 7,2 tỉ đô la rút khỏi thị trường tài chánh trong tháng Năm, các trái phiếu Trung Quốc bị bỏ rơi trong năm tháng liên tiếp. Trước hết, chính sách tiền tệ của Châu Âu và Hoa Kỳ đã khiến lãi suất danh nghĩa của Trung Quốc thất thế, chỉ 2,6% so với trái phiếu 10 năm của Mỹ là 3,75%. Bên cạnh đó là sự phục hồi kinh tế không như chờ đợi, đặc biệt với chiến lược "China Plus One" của các tập đoàn đa quốc gia từ nhiều năm qua đã đa dạng hóa nguồn cung.

Sản xuất giảm mạnh kể từ 7 năm qua : là một trong những nước hiếm hoi gia tăng xuất khẩu vào lúc đại dịch hoành hành, nay năng lực sản xuất của Trung Quốc bị dư thừa vì các nước khác cũng đã mở cửa và tăng trưởng thế giới chậm lại. Cuối cùng, căng thẳng với Đài Loan gây lo ngại Bắc Kinh sẽ bị trừng phạt và đóng băng tài sản như trường hợp Nga. Tuy Bắc Kinh chuẩn bị bơm thêm nhiều tỉ đô la vào nền kinh tế, nhất là cơ sở hạ tầng, nhưng các nhà đầu tư nay quan tâm đến các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản. Đặc biệt Ấn Độ hưởng lợi nhiều nhất từ hiện tượng chạy khỏi Trung Quốc với ưu thế năng lượng giá rẻ, dân số và tăng trưởng năng động.

Pháp : Vụ án "con mèo và TGV"

Chuyển sang lãnh vực xã hội, Le Figaro nói về vụ án "Tàu cao tốc, con mèo và cuộc tranh luận". Sáu tháng sau khi một con mèo bị tàu cao tốc (TGV) cán chết, tập đoàn đường sắt Pháp SNCF hôm qua phải ra tòa án cảnh sát Paris vì "cố ý đả thương chí mạng một thú nuôi". Đây là lần đầu tiên tòa dành nguyên buổi chiều cho một vụ án. Theo SNCF, đó là "một tai nạn đáng tiếc", còn Quỹ 30 triệu người bạn tố cáo "một hành động tàn bạo cố tình".

Hôm 02/01, một bà mẹ cùng với con gái chuẩn bị lên tàu ở ga Paris-Montparnasse đi Bordeaux, thì mèo Neko thoát khỏi giỏ xách, trốn dưới một toa tàu. Dù đã năn nỉ nhân viên đừng cho tàu chạy, nhưng con tàu vẫn khởi hành, chú mèo chết thảm. Chủ tịch Quỹ 30 triệu người bạn, Reha Hutin tố cáo do người chủ đã mua vé cho mèo Neko nên "SNCF đã cố tình cán chết một hành khách". Một bản kiến nghị đòi công lý cho chú mèo thu thập được 100.000 chữ ký, ngay cả bộ trưởng nội vụ Gérard Darmanin cũng cho biết "rất bị sốc".

Một người ngoại quốc cộng sản được đưa vào điện Panthéon

Le Figaro hôm nay chú ý đến "Bạo lực, quan liêu, nhập cư..." dẫn đến hiện tượng nhiều thị trưởng không còn muốn làm việc ở Pháp, nhất là ở những thành phố nhỏ. Con số từ chức đã lên đến hơn 1.000 người. Les Echos nói về "Kế hoạch của chính phủ để kìm hãm chi tiêu công", với mục tiêu tiết kiệm 10 đến 15 tỉ euro cho năm tới. 

Libération ra số đặc biệt về trí thông minh nhân tạo (AI), dành cho khách mời Cédric Villani vai trò tổng biên tập số báo. Nhà toán học này là người từng đoạt giải thưởng danh giá Fields năm 2010 cùng lúc với Ngô Bảo Châu. Le Monde đưa tít "Cánh hữu Châu Âu hợp tác với cực hữu", từ Ý đến Thụy Điển, Phần Lan... Các liên minh mới này hình thành dần từ những quan điểm như từ chối di dân, chống lại phong trào "woke"... Những thay đổi này mở đường cho một bộ mặt khác của Nghị Viện Châu Âu trước cuộc bầu cử tháng 6/2024. 

Đặc biệt một sự kiện được các báo rất quan tâm : Missak Manouchian, người hùng kháng chiến bị quân Đức xử bắn năm 1944 được đưa vào điện Panthéon, cùng với vợ là bà Mélinée. Là người Armenia sống sót sau nạn diệt chủng, Missak di cư sang Marseille năm 1925 và tình nguyện gia nhập quân đội Pháp năm 1939. Ông trở thành một trong những thủ lãnh của FTP-MOI, mạng lưới kháng chiến của đảng cộng sản gồm những người nước ngoài.

Trong lá thư cuối cùng gởi cho vợ, ông viết : "Trong vài giờ nữa, tôi sẽ không còn trên thế gian này (…). Chúc hạnh phúc cho những ai sống sót và được hưởng tự do, hòa bình mai sau. Tôi chắc chắn rằng dân tộc Pháp và tất cả những ai chiến đấu cho tự do sẽ biết tưởng niệm ký ức một cách trang trọng". Tám thập niên sau, vinh dự này mới đến với kháng chiến quân ngoại quốc và lại là người cộng sản, ở nơi tôn vinh những nhân vật làm rạng danh nước Pháp.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 159 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)