Ngay từ đầu cuộc chiến Nga-Ukraine, Trung Quôc vẫn tỏ ra ủng hộ Nga. Sau một năm chiến tranh thái độ của Trung Quốc vẫn có vẻ không thay đổi. Phương Tây đang rất lo ngại về khả năng Trung Quốc sẽ cung cấp vũ khí cho Nga trong thời gian tới.
Putin và Tập Cận Bình - Ảnh minh họa
Vậy Trung Quốc có thực sự muốn cho Nga thắng trong cuộc chiến này không ?
Nhắc lại quá khứ một tý để các bạn trẻ biết qua về mối quan hệ vô cùng rắc rối giữa Nga và Trung Quốc. Sau Chiến tranh thế giới thứ II, khối cộng sản đứng đầu là Liên Xô cố gắng tạo khối đoàn kết để chống Mỹ. Trung Quốc bấy giờ là một nước nghèo nàn, lạc hậu. Nga là đàn anh. Quan hệ hai nước tương đối tốt cho đến khoảng 1960. Những kẻ bá quyền không thể chung sống vì anh nào cũng muốn gây ảnh hưởng riêng của mình đến các nước cộng sản khác.
Bắt đầu từ năm 1960, Trung Quốc kết tội Liên Xô theo đuổi chính sách xét lại, xa rời chủ nghĩa Marx để chung sống với các nước tư bản. Năm 1969, mâu thuẫn đạt đỉnh điểm bằng một cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngày. Chắc các bạn lứa tuổi của tôi cũng chưa quên là ngay trên đường phố Hà Nội của chúng ta thời đó đã từng xẩy ra nhiều vụ ẩu đả, thậm chí đổ máu giữa các chuyên gia Liên Xô và Trung Quốc. Trong những năm 1970 quan hệ giữa hai nước lại còn tồi tệ hơn. Từ chỗ chửi Liên Xô là xét lại, Trung Quốc chơi luôn thẳng với Mỹ và thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ năm 1979 (gọi là ngoại giao bóng bàn : Trung Quốc mời đội bóng bàn Mỹ sang Trung Quốc thi đấu. Các cầu thủ bóng bàn Mỹ là những người Mỹ đầu tiên được đến Trung Quốc kể từ khi Mao lên cầm quyền từ 1949. Sau đó Mỹ lại mời các cầu thủ Trung Quốc sang thi đấu ở Mỹ).
Quan hệ Nga - Trung là một một mối quan hệ phức tạp rắc rối bởi vì về cơ bản họ cùng ý thức hệ nên buộc phải ôm nhau để chống Mỹ và phương tây nhưng cũng lại muốn làm suy yếu nhau để được làm bá chủ và giết nhau khi cần.
Vậy, hôm nay đây, Trung Quốc có thực sự muốn xông vào cứu Nga trong cuộc chiến tranh Nga - Ukraine ? Mỹ và phương tây rất lo sợ Trung Quốc cung cấp vũ khí và các phương tiện chiến tranh khác cho Nga. Nếu Trung Quốc thực sự tham gia vào cuộc chiến này thì bản chất và quy mô của cuộc chiến sẽ thay đổi. Nghịch lý thay, Trung Quốc hiện nay lại là quan thầy của Nga (đau thật). Trên thế giới hiện nay, chỉ có Tập mới có thể có một ảnh hưởng nào đó đối với Putin. Mặc dù các yêu cầu của phương Tây mong Tập hãm các tham vọng của Putin. Tập cho đến nay vẫn thể hiện khá rõ thái độ ủng hộ Putin : bỏ phiếu chống các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, cản trở Liên Hiệp Quốc mở điều tra về tội ác của Nga ở Ukraine, tăng cường thương mại với Nga để Nga có tiền nuôi chiến tranh (mua bán dầu khí : ngoại thương Nga Trung tăng 30% năm 2022).
Tuy nhiên, hiện nay, Tập vẫn chưa muốn chuyển sang giai đoạn cung cấp vũ khí cho Nga vì thời gian qua do Covid, kinh tế Trung Quốc đang khủng hoảng nặng, nếu Trung Quốc làm như vậy thì sẽ bị phương Tây trừng phạt - mất các thị trường ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Có thể trong những ngày sắp tới Trung Quốc thuận bán cho Belarus một số khí tài chiến thuật (drine, đạn pháo…), nhưng hoạt động này không che được mắt ai. Ai cũng biết Belarus là chư hầu của Nga và quân đội Nga đang đồn trú trên lãnh thổ Belarus chuẩn bị tấn công mạn bắc Ukraine. Nếu Trung Quốc bán và chuyển vũ khí cho Belarus, có nghĩa là bán và chuyển vũ khí trực tiếp chó quân đội cho Nga đang đồn trú trên lãnh thổ Belarus. Nhưng bài toán của Trung Quốc cũng không đơn giản vì nếu Nga thua đậm trong cuộc chiến này thì uy tín của Trung Quốc cũng tiêu tan. Thêm vào đó, về lâu về dài nước Nga hậu Putin có thể sẽ trở thành một nước dân chủ khổng lồ ngay sát nách Trung Quốc thì đó mới chính là một cơn ác mộng đối với chế độ độc tài lớn nhất Châu Á.
Do vậy, chắc chắn Trung Quốc không mong muốn gì cuộc chiến này kết thúc chóng vánh. Chắc quý vị chưa quên câu nói của Đặng Tiểu Bình khi Liên Xô và Mỹ đang ganh đua trong cuộc Chiến tranh lạnh : "tọa sơn quan hổ đấu", hay câu "ngồi yên lặng bên bờ sông, xem xác kẻ thù trôi qua". Chắc chắn là Tầu vẫn áp dụng chính sách này thôi. Cuộc chiến càng kéo dài, càng làm cho Mỹ và Tây Âu mệt mỏi, bận rộn, khả năng chống Trung Quốc giảm cường độ, còn Nga thì càng ngày càng yếu và lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn, để rồi sẽ trở thành chư hầu ngoan ngoãn của Bắc Kinh.
Kế hoạch Hòa bình mà Bắc Kinh đưa ra hôm 24/02 vừa qua chỉ nhằm đánh bóng hình ảnh của Trung Quốc. Nội dung kế hoạch này không chỉ rõ ai là kẻ xâm lược Ukraine, không yêu cầu Nga rút quân, lại còn nêu khái niệm "chiến tranh lạnh" để đổ trách nhiệm cho Phương Tây, đặc biệt là nó còn nêu khái niệm tôn trọng chủ quyền quốc gia để Bắc Kinh dựa vào cớ đó đánh chiếm Đài Loan. Nói chung kế hoạch này mờ mờ ảo ảo có lợi cho Trung Quốc, không hề đưa ra sáng kiến gì cụ thể để chấm dứt chiến tranh Nga Ukraine. Tất cả vẫn chỉ là để tọa sơn xem hổ đấu, chờ xác kẻ thù trôi sông.
Các bạn đừng có quên là cách đây hơn một năm Tập đã tiếp Putin ở Bắc Kinh và khẳng định tình hữu nghị vô bờ bến với Nga, khi Putin dường như đã tỏ ý với Tập là sẽ đánh Ukraine. Nhiều bạn cuồng Putin và chính ngay cả nhiều nhân vật đầu não của Nga cũng lên tiếng là phương Tây đã lừa Putin nhảy vào cuộc chiến này.
Câu hỏi mà tôi đặt ra trong vụ này là thằng nào là thằng lừa đảo chính ? Thằng nào xui "trẻ con 71 tuổi" ăn cứt gà sáp ?
Còn ai dám hô "Đại dế Putin muôn năm" nữa không ?
Hoàng Quốc Dũng
(04/03/2023)
Hoa Kỳ vật vã xoay trục
Bắt đầu từ thời kỳ Tổng thống Obama cầm quyền, chính quyền Hoa Kỳ đã khởi động một chương trình được gọi là "Xoay trục sang Châu Á – Thái Bình Dương". Những cuộc bàn luận về việc rút quân khỏi Iraq lúc bấy giờ đã khá căng thẳng trong Quốc hội Hoa Kỳ.
Khi đó cụm từ Xoay trục được nhắc đến nhiều lần.
Và có lẽ đó là thời kỳ mở đầu cho việc Hoa Kỳ thi hành chính sách đối diện với Trung Quốc, nhất là thời kỳ Tập Cận Bình lên cầm quyền, từ bỏ chính sách "Nằm im chờ thời" bắt đầu từ Đặng Tiểu Bình.
Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt cùng nhóm tác chiến – Hạm đội 7 Hải quân Mỹ
Nhiều chính sách, chiến lược của Hoa Kỳ đã chuyển biến, có nhiều thay đổi nhằm chống lại nguy cơ ngày càng hiện rõ khi Trung Quốc rõ ràng đang bằng mọi cách cả chính danh lẫn không chính danh vươn lên chiếm vị trí kinh tế, quân sự và nhiều mặt khác cạnh tranh trực tiếp với vai trò đứng đầu thế giới của Hoa Kỳ.
Trước hết, là vượt Nhật Bản về kinh tế, vươn lên nền kinh tế thứ 2 thế giới và tập trung hiện đại hóa quân đội, kinh tế với một tham vọng rõ ràng không cần giấu diếm như trước, thậm chí là những tham vọng lãnh thổ, lãnh hải và hà hiếp các quốc gia nhỏ bé lân cận.
Điều đó, đã báo động Hoa Kỳ khi vị trí dẫn đầu thế giới đã bị cạnh tranh khốc liệt.
Và mâu thuẫn bắt đầu từ đó được đẩy lên một bước mới.
Hiệp ước xuyên Thái Bình Dương (TPP) được chính quyền Obama dày công xây dựng, là bước đi ban đầu quyết liệt của chính quyền Obama nhằm bước những bước tiến dài, cơ bản để bao vây và kiềm chế, cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc bằng một vòng vây tập thể.
Thế rồi, Obama hết nhiệm kỳ Tổng thống thứ 44.
Thời đại Tổng thống thứ 45 Donald Trump bắt đầu, căng thẳng Mỹ - Trung được khơi lên ầm ĩ bằng các đòn trừng phạt và trả đũa lẫn nhau gọi là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Bằng những lời lẽ ồn ào đao búa, Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ Donald Trump đã thẳng thừng tuyên bố việc chống lại Trung Quốc trong thâm thủng mậu dịch, trong việc siết chặt các quy định nhằm hạn chế nạn ăn cắp bản quyền, ăn cắp trí tuệ… đã vốn xảy ra từ lâu đời và hình thành ở Trung Quốc một thứ văn hóa "Học tập và làm theo" đến mức "Giả như thật".
Song song với những đòn tăng thuế suất nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc là các biện pháp cấm các công ty của Trung Quốc hoạt động tại Hoa Kỳ trong các lĩnh vực nhạy cảm về an ninh, cạnh tranh trực tiếp đến sở hữu trí tuệ của Mỹ…
Những kết quả của cuộc chiến chưa hẳn là rõ ràng noài việc lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Hoa Kỳ tăng giá theo mức thuế bị đánh rất nặng, và người dân Hoa Kỳ là người trả số tiền đó. Nói cách khác, người dân Hoa Kỳ đã trả tiền túi của mình cho việc thu thuế suất tăng cao từ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu.
Số tiền đó, cũng được dùng để chi trả cho nông dân các tiểu bang như Wisconsin, Minnesota, Iowa… không xuất khẩu đỗ tương và ngô sang thị trường Trung Quốc. Và hẳn nhiên, lượng hàng hóa Trung Quốc cũng bị hạn chế phần nào giảm đi.
Không chỉ với Trung Quốc, mà với nhiều đối tác của Hoa Kỳ như Canada, EU… thời kỳ Tổng thống Donald Trump cũng là thời kỳ cơm không lành, canh không ngọt".
Bởi với Tổng thống Trump thì ông "Chiến tất". Thế cho nên, việc huy động cả thế giới để tạo thế bao vây với Trung Quốc của Hoa Kỳ chưa rõ rệt.
Rồi thời kỳ ồn ào quan hệ Mỹ - Trung của Tổng thống Donald Trump cũng qua.
Và thời kỳ của Tổng thống thứ 46 Joe Biden đến với một sắc thái khác. Khác với sự ồn ào của người tiền nhiệm, Joe Biden và chính quyền mới của Hoa Kỳ lại vẫn tiếp tục chính sách kiềm chế Trung Quốc tối đa.
Tuy nhiên, tình hình Quốc tế đã có những biến chuyển mới.
Đó là cuộc chiến xâm lược Ukraine của Nga đã đẩy cả thế giới vào những lựa chọn khá khốc liệt.
Một liên minh ma quỷ mới ?
Người ta đã nghĩ đến một cục diện thế giới sẽ thay đổi ra sao, khi mà Nga liên kết với Trung Quốc để chống lại Hoa Kỳ.
Có thể thấy đó là lo ngại chính đáng, khi Nga là một cường quốc kế thừa từ Liên Xô, một bên trong cuộc chiến tranh lạnh kéo dài, Nga thừa hưởng hầu hết những thành quả của Liên Xô để lại từ khoa học, kinh tế, vũ khí và các mối quan hệ Quốc tế.
Nga là quốc gia có lãnh thổ lớn nhất thế giới với đầy đủ các loại tài nguyên, khoáng sản, năng lượng…
Và những khi đó, Nga đã tưởng vượt qua được thời kỳ độc tài cộng sản của Liên bang Xô viết trước đây để lột xác vươn mình thành một quốc gia dân chủ. Đó cũng là hy vọng không chỉ của người dân Nga, mà là của cả các quốc gia khác.
Bởi có nền dân chủ thật sự, thì cách hành xử và trách nhiệm quốc tế sẽ thay đổi.
Tuy nhiên, là một đất nước đã quen nuôi dưỡng độc tài chuyên quyền, nước Nga đã không vươn mình lên được về phía dân chủ, mà quay lại chịu chấp nhận bởi một nhân vật Putin thay thế Staline thuở trước, đưa nước Nga vào vòng độc tài trở lại ở mức độ cao hơn.
Vốn nòi cộng sản, việc Putin bắt tay Tập Cận Bình, hình thành mối liên minh ma quỷ là điều rất có thể và rất đáng lo ngại lúc bấy giờ, khi mà nước Nga được coi như một cường quốc về quân sự với những vũ khí được ca ngợi lên tận mây xanh.
Và người ta tưởng rằng, phen này thì khối cộng sản lại được tập hợp và thế giới lại chia hai như xưa.
Cuộc chiến xâm lược tàn bạo và sự vỡ mộng
Cuối năm 2021, đầu năm 2022, những cuộc tập trung gần 200.000 quân Nga trên biên giới Nga – Ukraine làm cả thế giới chú ý. Tình báo Hoa Kỳ đã liên tục cáo buộc Nga tập trung quân ở biên giới nhằm lên kế hoạch tấn công Ukraine. Bên cạnh đó, Nga còn có những cuộc tập trận chung cùng với Belarus. Tuy nhiên, Moscow liên tục phủ nhận, khẳng định mọi động thái điều binh đều nhằm tự vệ và đảm bảo an ninh của đất nước mình.
Đầu tháng 2/2022, Putin đã đích thân đến Bắc Kinh và gặp Tập Cận Bình. Cuộc gặp này diễn ra khi trên biên giới Nga – Ukraine đang có những căng thẳng leo thang nghiêm trọng. Tại cuộc gặp đó, hai bên thề nguyền, cam kết sẽ nâng tầm mức quan hệ khăng khít giữa hai bên đến mức "không hạn chế. Putin đã hào hứng rằng nó đang "phát triển tích cực theo con đường hữu nghị và đối tác chiến lược", và "Thực sự là chưa từng có tiền lệ". Thậm chí Putin mô tả quan hệ Nga - Trung là "hình mẫu về một mối quan hệ đáng quý".
Về phía mình, Trung Quốc tích cực lên tiếng ủng hộ Nga trong bất đồng giữa Moscow với NATO liên quan đến vấn đề Ukraine. Trước đó, Trung Quốc gọi những lo ngại về an ninh của Nga là "chính đáng", nói rằng chúng cần được "xem xét và giải quyết một cách nghiêm túc".
Được lời như cởi tấm lòng, Putin tin tưởng : "Khả năng phối hợp chính sách đối ngoại giữa Nga và Trung Quốc được dựa trên các cách tiếp cận gần gũi và trùng khớp trong nỗ lực giải quyết các vấn đề toàn cầu lẫn khu vực".
Thế rồi, với sự tin tưởng về tình "bạn không giới hạn", Putin yên chí trở về Moscow rồi trở mặt xua quân xâm lược Ukraine một cách tàn bạo và trắng trợn bất chấp những lời mình đã tuyên bố cũng như các nguyên tắc quốc tế.
Putin tin tưởng rằng sẽ nhanh chóng giải quyết việc xâm lược Ukraine và cả thế giới chỉ đứng nhìn như đã từng đứng nhìn Nga cướp bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014.
Thế nhưng cuộc đời vốn không như là mơ. Cuộc xâm lược của Putin đã vấp phải sự chống trả quyết liệt với tinh thần dũng mãnh của quân và dân Ukraine.
Điều đặc biệt, là cả thế giới đã bừng tỉnh trước sự kháng cự quật cường của Ukraine trước họa xâm lăng và đã sát cánh cùng với họ trong cuộc chiến.
Cuộc chiến Ukraine bước sang tháng thứ 10.
Tính chất cuộc chiến vẫn là cuộc chiến xâm lược và chống xâm lược. Tuy nhiên, tương quan cuộc chiến đã thay đổi. Có thể nói rằng, đó là một cuộc chiến khốc liệt với những chuyển biến nhanh chóng về thế và lực trên chiến trường.
Phía Nga, cuộc xâm lược tưởng chừng như sẽ thực hiện hoàn hảo phương châm đánh nhanh, thắng nhanh, nay đã sa lầy vào những thất bại liên tiếp to lớn và nhục nhã trên nhiều chiến trường, để bước vào một cuộc chiến cầm cự và phòng thủ.
Thậm chí, giờ đây quân đội Nga - một "Cường quốc quân sự đứng hàng thứ 2 thế giới" - nay đã bỏ chiến trường để chuyển sang chiến đấu với các công trình dân sự như trạm điện, đập nước, cơ sở năng lượng, và trường học, trạm hộ sinh.
Đó là những hành động côn đồ khủng bố.
Ngược lại, phía Ukraine, cuộc chiến chống xâm lược, chấp nhận mọi hy sinh để bảo vệ lãnh thổ và quyền tự do, độc lập của một dân tộc đã đi từ sự bị động, lúng túng ban đầu đã chuyển sang thế phản công và giải phóng.
Có thể nói, quá trình cuộc chiến diễn ra suốt 9 tháng qua, cả thế giới đã chứng kiến nhiều sự thay đổi, mà điều thay đổi dễ thấy nhất, đó là vị thế của nước Nga.
Từ một quốc gia được mệnh danh là "cường quốc", được vị nể hoặc ít nhất là e ngại trên trường quốc tế khi có những sự kiện liên quan đến Nga, nói theo ngôn ngữ dân gian, thì "nói có kẻ nghe, đe lắm người sợ", qua một thời gian ngắn của cuộc chiến, Nga đã tự đưa mình vào vị trí bị cả thế giới lên án, phỉ nhổ và cô lập.
Có thể thấy rõ điều này : Những lệnh trừng phạt khắc nghiệt giáng xuống không chỉ Nga, mà còn là các tổ chức, cá nhân liên quan đến hệ thống lãnh đạo Nga. Không chỉ về kinh tế, mà còn là ngoại giao và thương mại…
Giờ đây, thay vì các hãng xưởng, các tập đoàn kinh tế thế giới tìm đường vào đầu tư tại Nga, thì ngược lại, những chuyến tháo chạy bằng mọi cách đã thành một làn sóng đẩy nên kinh tế Nga và ốc đảo của sự cô lập.
Có thể nói rằng, trước cuộc xâm lăng của Nga, nói đến mùa đông, hẳn nhiên Châu Âu sẽ nói đến Nga là nguồn cung cấp năng lượng dầu mỏ, than đá, khí đốt như một điều hiển nhiên không thể thiếu. Và dù là mối quan hệ mua bán, nhưng không thể không nói rằng năng lượng đã đưa Nga lên một vị thế khó có thể thay thế đối với Châu Âu. Đã hình thành một quan niệm khi người ta cho rằng không thể có bất cứ phương thuốc cai nghiện nào hữu hiệu để Châu Âu chấm dứt cơn nghiện đối với năng lượng Nga.
Vì vậy, Nga đã tận dụng thứ vũ khí này qua một quá trình lịch sử dài trong các cuộc xung đột. Để nhiều khi, dù bất bình với chính sách xâm lược, bành trướng phi nghĩa của Nga, nhiều quốc gia vẫn cứ phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" mà im lặng, mà bỏ qua hoặc phản đối lấy lệ.
Tuy nhiên, chỉ mấy tháng sau cuộc chiến ở Ukraine, điều đó đã hoàn toàn thay đổi.
Và cuộc tình Trung – Nga
Có lẽ, trước khi cuộc xâm lược diễn ra, ít người tưởng tượng được nước Nga hùng cường lại có những ngày đen tối như hôm nay. Khi mà chỉ mấy tháng, Nga đã lâm vào cơn khủng hoảng toàn diện về nhân lực, vũ khí, đạn dược và cả tinh thần quân sĩ, nhân dân dành cho cuộc chiến.
Chẳng ai nghĩ rằng, có lúc, nước Nga cường quốc lại phải lạy lục quỵ lụy Iran để mong được bán cho máy bay không người lái hay tên lửa dùng cho chiến trường, điều mà chỉ có thể làm ngược lại trước đây.
Chẳng ai có thể nghĩ đến việc Nga muối mặt đặt vấn đề mua đạn được và thậm chí là quân lính của Triều Tiên cho cuộc chiến xâm lược của mình.
Ở đây, chúng ta nhìn nhận về một mối quan hệ mà thoạt nhìn, người ta cứ tưởng rằng lại có mối quan hệ "môi hở răng lạnh" hay "máu chảy ruột mềm", đó là mối quan hệ Nga – Trung.
Tin tức cho hay, Nga đã yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ về khí tài và quân sự, hậu cần cho quân đội, nhưng phía Trung Quốc đã đánh bài lờ. Nghĩa là chẳng hy vọng gì ở mối tình "không giới hạn" này, điều này Nga đến nay mới thấm.
Mới đây, tin từ Bloomberg cho hay : Trung Quốc tạm dừng mua dầu của Nga, chờ phương Tây đưa ra "giá trần" đối với "vàng đen" của Nga bắt đầu từ 6/12/2022.
Thông tin này có vẻ như rất bình thường trong hàng núi thông tin hàng ngày trên thế giới. Tuy nhiên, nếu ai chú ý, sẽ thấy rất rõ điều này : Mối quan hệ Nga – Trung không hề đơn giản sống chết có nhau "không giới hạn" như những lời tuyên bố, thề thốt của cả hai bên đã từng cao giọng bấy lâu nay.
Thế nhưng, mặc cho Nga sa lầy trong cuộc chiến, Trung Quốc về hình thức không tham gia các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và thậm chí còn phản đối bằng lời nói, nhưng trên thực tế lại tuân thủ chúng.
Những thông tin cho biết Nga đề nghị sự trợ giúp về quân sự và kinh tế từ Trung Quốc, nhưng đã bị cự tuyệt đã nói lên thái độ này. Nghĩa là "mối quan hệ không giới hạn" này, chỉ giới hạn trong lời nói.
Trong khi đó, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của Nga sa lầy trong cuộc chiến, bị cấm vận và hạn chế xuất khẩu năng lượng cho Châu Âu và các nước khác. Trung Quốc đã cùng với vài nước chơi con bài "đục nước, béo cò" bằng nguồn năng lượng giá rẻ, chiết khấu cao bất ngờ từ Nga mà Nga phải nghiến răng chấp nhận.
Và đến nay, khi nghe tin Phương Tây quyết định đòn trừng phạt thứ 9 vào Nga bằng cách áp giá trần xuất khẩu dầu từ Nga, thì người ta phát hiện ra rằng Trung Quốc đã tạm dừng nhập khẩu dầu từ Nga để chờ đợi việc áp giá trần dầu mỏ của Nga có hiệu lực vào ngày 5/12/2022.
Mặc dù Nga phản đối rằng sẽ cắt hoàn toàn việc bán dầu cho các quốc gia áp giá trần. Nhưng điều đó đồng nghĩa với đóng cửa ngành khai thác nhiên liệu – một ngành xương sống của nền kinh tế Nga.
Và khi đó, dưới chiêu bài là "bạn thân không giới hạn" của Nga, Trung Quốc sẽ là quốc gia thu lợi nhiều nhất từ nguồn nhiên liệu, khí đốt giá rẻ mà Nga buộc phải chấp nhận.
Và người ta đọc ra mối quan hệ "tình nghĩa, thắm thiết và không giới hạn" của những người cộng sản có ý nghĩa như thế nào.
Điều đó, cũng có nghĩa là mối liên minh ma quỷ Trung – Nga chẳng có gì đáng sợ.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 30/11/2022
Tổng thống Nga Vladimir Putin là lãnh đạo cường quốc hiếm hoi, nếu không phải là duy nhất, xuất hiện bên cạnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp khai mạc Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh hôm 04/02/2022. Trong bối cảnh quan hệ giữa phương Tây và Moskva đang hết sức căng thẳng trên vấn đề Ukraine, hai nhà lãnh đạo đã không ngần ngại phô trương quan hệ "hữu nghị" Nga-Trung trong một bản tuyên bố chung lên án Hoa Kỳ và vai trò của các liên minh quân sự Phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 04/02/2022. Alexei Druzhinin Sputnik/AFP
Tuy nhiên, trong một bài phỏng vấn dành cho kênh truyền hình TV5 Monde ngày 05/02, chuyên gia về Trung Quốc Marc Julienne thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) cho rằng đằng sau bề ngoài thân thiết được phô bày, quan hệ giữa Moskva và Bắc Kinh vẫn được đánh dấu bằng một thái độ nghi kỵ lẫn nhau, đặc biệt từ phía Nga.
Nga chiếm Crimea 2014 : Khởi đầu tiến trình "tái hơp" với Trung Quốc
Về tiến trình xích lại gần nhau giữa Nga và Trung Quốc trong những năm gần đây, nhà nghiên cứu Pháp trước hết ghi nhận một dấu mốc quan trọng : Sự kiện Nga sáp nhập vùng Crimea của Ukraine vào năm 2014.
Marc Julienne : Đó là thời điểm mà Vladimir Putin cảm thấy mình bị cô lập trên trường quốc tế. Nga đã thúc đẩy quan hệ đối tác với Trung Quốc với mục tiêu phá vỡ tình trạng cô lập này và cho thấy rằng Moskva không đơn độc. Đó là một động thái phô trương chính trị hơn là một liên minh chiến lược thực thụ, được biểu thị bằng những cuộc tập trận quân sự chung trên quy mô lớn và được nhấn mạnh bằng những cuộc gặp thượng đỉnh song phương, như vào hôm 04/02/2022 ở Bắc Kinh.
Quan hệ đối tác đó chỉ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, nếu Nga vẫn tiếp tục căng thẳng với Mỹ, và nhất là nếu cạnh tranh Trung Quốc-Hoa Kỳ đạt đến một tầm cao mới. Trung Quốc và Nga có cùng những lợi ích giống nhau khi chống lại Washington. Đây là một yếu tố rất quan trọng trong quan hệ đối tác Moskva-Bắc Kinh.
Trung Quốc đang phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng dầu khí của Nga. Từ hơn 20 năm nay, Bắc Kinh đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, vốn chủ yếu đến từ vùng Vịnh Ả Rập và chuyển về Trung Quốc xuyên qua eo biển Malacca và Biển Đông.
Để tránh nguy cơ nguồn cung cấp đó bị bóp nghẹt ở khu vực yết hầu đó, Trung Quốc đã cố gắng tìm thêm nhiều nguồn cung cấp dầu và các tuyến đường cung cấp mới. Nga và Turkmenistan hoàn toàn phù hợp với chiến lược đa dạng hóa này nhờ các đường ống mới.
Còn đối với Nga, hợp tác với Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng cũng mang lại cho Moskva một đòn bẩy đáng kể trên Bắc Kinh vì Nga hiện đã trở thành một trong những nhà cung cấp chính của Trung Quốc.
Những mối lo ngại chính của Nga đối với Trung Quốc
Cho đến nay, Nga và Trung Quốc luôn tìm cách phô trương tình "hữu nghị" giữa hai bên trước thế giới. Đối với chuyên gia Marc Julienne, quan hệ đó tuy nhiên không thực sự là một "liên minh" đúng nghĩa.
Marc Julienne : Chúng ta quả là đã nghe nói rất nhiều về một "liên minh" Nga-Trung, nhưng tôi không nghĩ là như vậy. Có sự nghi kỵ rất lớn giữa hai bên, đặc biệt từ phía Nga. Moskva rất thận trọng đối với đối tác của mình, nhất là trong lãnh vực công nghệ kỹ thuật số của Trung Quốc mà chính quyền và quân đội Nga không muốn sử dụng.
Tại Nga cũng tồn tại nỗi lo ngại sâu xa về việc dân Trung Quốc tràn sang các khu vực dân cư thưa thớt ở miền Viễn Đông Nga.
Sau cùng, vùng Trung Á là khu vực cạnh tranh giữa hai bên, nơi mà Trung Quốc ngày càng mở rộng ảnh hưởng vừa thông qua sự phát triển của Con Đường Tơ Lụa Mới, vừa nhờ các quan hệ đối tác an ninh và xuất khẩu vũ khí.
Còn về hợp tác song phương Nga-Trung, đó là những quan hệ hợp tác tình huống. Cả hai bên đều biết cách xác định các lĩnh vực có lợi ích chung mà việc hợp tác sẽ hữu ích. Trong lãnh vực không gian chẳng hạn. Hiện nay, đang có một cuộc đua chinh phục Mặt Trăng giữa một bên là Hoa Kỳ, và bên kia là Trung Quốc và Nga, với mục tiêu là thiết lập một trạm vũ trụ trên quỹ đạo Mặt Trăng vào năm 2030.
Nga, cường quốc không gian hàng đầu trong lịch sử, hiện không còn đủ phương tiện - ít ra là một mình - để thực hiện tham vọng của mình. Do đó, Moskva và Bắc Kinh đã ký một thỏa thuận hợp tác để thăm dò Mặt Trăng và cùng nhau xây dựng trạm này (với các điều khoản vẫn còn rất mơ hồ). Đây cũng là một cuộc cạnh tranh trực tiếp cụ thể với Hoa Kỳ.
Do đó, quan hệ đối tác Trung-Nga là một cuộc hôn nhân vì lý trí, một mối quan hệ hợp tác tùy theo hoàn cảnh. Chúng ta vẫn còn xa một liên minh ngoại giao, chính trị và quân sự bao gồm một hiệp ước phòng thủ chung. Hơn nữa, nếu chiến tranh nổ ra ở Ukraine, khó có thể thấy Trung Quốc lao vào giúp đỡ Nga, và đó cũng không phải là yêu cầu của Moskva đối với Bắc Kinh.
Hơn nữa, trong một số lĩnh vực, lợi ích của hai nước hoàn toàn khác biệt. Cần nhớ rằng Nga bán rất nhiều vũ khí cho Ấn Độ, quốc gia đang có tranh chấp biên giới với Trung Quốc.
Bắc Kinh muốn mượn tay Nga thăm dò phản ứng của phương Tây
Một trong những câu hỏi được đặt ra là Trung Quốc có lợi gì khi "về hùa" với Nga trong cuộc đọ sức trên hồ sơ Ukraine. Theo chuyên gia Marc Julienne, ý đồ của Bắc Kinh là mượn tay Moskva thăm dò phản ứng của phương Tây, để rồi sau đó áp dụng đối với các láng giềng của mình.
Marc Julienne : Xung đột Ukraine là một cuộc xung đột hoàn toàn của Nga, không có sự liên kết nào giữa Moskva và Bắc Kinh hay hợp tác nào trên những gì Putin có thể làm ở Ukraine. Nga chỉ cần đến hậu thuẫn chính trị từ Trung Quốc. Mặt khác, Bắc Kinh và Moskva rất quan tâm đến việc xem Hoa Kỳ và Châu Âu phản ứng như thế nào.
Theo tôi, cả Vladimir Putin lẫn Tập Cận Bình đều cho rằng phương Tây đang suy tàn và không còn đủ sức mạnh hay ý chí lao vào các xung đột có cường độ cao. Ukraine là một thử nghiệm trên thực địa nhằm xác nhận giả thuyết đó.
Trung Quốc quan tâm trực tiếp đến cuộc khủng hoảng Ukraine vì nước này có các dự án chống lại Đài Loan. Bắc Kinh luôn tuyên bố rằng một ngày nào đó sẽ lấy lại hòn đảo, kể cả bằng vũ lực. Nếu Mỹ và Châu Âu không có phản ứng gì với Ukraine, điều đó sẽ củng cố niềm tin của Bắc Kinh vào các kế hoạch bành trướng của họ ở khu vực Đông Á.
Trung Quốc chống NATO vì bắt đầu xem Bắc Kinh là đối tượng
Việc chống lại Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO là một điểm hội tụ khác giữa Nga và Trung Quốc. Nga phải đối đầu trực tiếp với NATO ở sườn phía tây của mình và vẫn chống lại mong muốn mở rộng của khối này. Về phần mình, Trung Quốc đang biến thành đối tượng ngày càng bị NATO nhòm ngó.
Vào tháng 6 năm 2022, một hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ mở ra, và một khái niệm chiến lược mới của NATO sẽ được thông qua, xác định các mục tiêu và tham vọng của tổ chức trong mười năm tới.
Dù không bị nêu tên trong chiến lược NATO cho đến nay, nhưng hầu như chắc chắn là lần này, Trung Quốc sẽ giữ một vị trí không thể bỏ qua trong tài liệu mới, và đó không phải là một tin tốt lành cho Bắc Kinh.
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 07/02/2022
Covid-19 tăng tốc lây lan, hệ thống y tế Nga trước nguy cơ vỡ trận (RFI, 16/04/2020)
Vào hôm 15/04/2020, Nga đã ghi nhận con số kỷ lục là thêm 3.388 ca nhiễm virus corona, nâng tổng số người bị Covid-19 lên thành gần 25.000 người, tăng gần gấp đôi trong không đầy một tuần. Số tử vong ghi nhận chính thức là 198 người. Moskva, thủ đô Nga, lãnh phần lớn gánh nặng của dịch bệnh – gần 15.000 trường hợp - trong lúc virus corona đã lan rộng ra toàn bộ các vùng, ngoại trừ vùng Altai ở Siberia, một nơi thưa dân nhất nước.
Tình hình đáng lo ngại đến mức mà tổng thống Nga Vladimir Putin đã mất hẳn vẻ cao ngạo như từng thấy chỉ mới đây thôi, khi ông còn khẳng định dịch bệnh ở trong tầm kiểm soát, và Nga còn gởi các đơn vi quân y qua Ý phụ chống dịch, hay gởi vật tư y tế qua giúp Mỹ.
Số liệu chính thức về dịch bệnh thấp hơn nhiều so với thực tế
Hôm thứ Hai, 13/04, tổng thống Putin đã phải công khai thừa nhận trên truyền hình Nga : "Tình hình mỗi ngày mỗi thay đổi, và không theo chiều hướng tốt". Ông đồng thời cảnh báo là dịch bệnh chưa đạt đến đỉnh và đã ra lệnh cho phần lớn doanh nghiệp ngưng hoạt động cho đến cuối tháng Tư.
So với các nước như Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Đức hay Pháp, con số 25.000 ca nhiễm và gần 200 người chết còn tương đối khiêm tốn, nhưng bản thân chính quyền Nga cũng công nhận rằng thống kê kể trên có thể không đúng thực tế và quá thấp.
Theo thông tín viên báo Le Monde tại Nga, nhiều chuyên gia đã tỏ ý nghi ngờ những xét nghiệm không đáng tin cậy được thực hiện ở Nga, mà một chuyên gia của bộ Y tế thừa nhận là có thể sai đến 30%.
Bệnh viện Moskva có nguy cơ bị bão hòa
Thủ đô Moskva là nơi gánh chịu phần lớn nỗ lực chống dịch, tập trung khoảng 2/3 ca nhiễm Covid-19. Hôm thứ Sáu, 10/04, phó đô trưởng Anastasia Rakova đã báo động : "Các bệnh viện và lực lượng cứu thương đã hoạt động đến mức tối đa rồi".
Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov cũng đánh giá: "Tình hình ở Moskva và Saint-Petersburg, nhưng nhất là ở thủ đô, khá căng thẳng do số người bệnh rất đông và tăng nhanh".
Những phát biểu trên được minh chứng bằng hình ảnh xe cứu thương nối đuôi nhau trên hàng chục mét trước các bệnh viện ở Moskva. Hình ảnh hay video trên các mạng xã hội trong những ngày cuối tuần qua cho thấy bệnh viện ở Moskva bị tràn ngập và quá tải.
Trả lời hãng tin Anh Reuters, một tài xế xe cứu thương cho biết là anh có khi phải đợi đến 15 tiếng đồng hồ mới trao được một bệnh nhân Covid-19 cho bộ phận cấp cứu.
Tuy nhiên, Andreï M, một bác sĩ bệnh viện Moskva, sau đó đã nhiễm bệnh, đã tương đối hóa tình hình, cho rằng : "Có những bệnh viện chưa được huy động cho nên vẫn còn chỗ dự phòng. Có điều là tại những nơi đã được huy động thì tình hình rất căng thẳng. Như tại bệnh viện của tôi, hàng chục nhân viên y tế đã từ chức vào đầu nạn dịch vì không có trang bị bảo hộ, lương lại rất thấp, trong lúc tình hình rất nguy hiểm".
Hôm thứ Tư, 08/04, bên cạnh những biện pháp hỗ trợ kinh tế, tổng thống Nga còn thông báo những khoản tiền thưởng quan trọng cho bác sĩ và nhân viên y tế tham gia chống dịch.
Hạ tầng cơ sở y tế cũ kỹ tại các địa phương
Một trong những hậu quả của tình hình dịch bệnh nghiêm trọng thêm ở thủ đô Nga với hơn 12 triệu dân cư, là các biện pháp phong tỏa đã được tăng cường, với chế độ giấy thông hành điện tử áp dụng cho những trường hợp phải ra khỏi nơi cư trú.
Tại các tỉnh thì biện pháp phong tỏa ít nhiều nghiêm ngặt tùy theo địa phương, cho dù phần lớn đều theo gương Moskva. Tình hình những nơi này được theo dõi kỹ vì chất lượng bệnh viện rất đáng lo ngại : không những hạ tầng cũ kỹ, mà còn thua xa thủ đô về số lượng bác sĩ và phương tiên chữa trị như máy trợ hô hấp chẳng hạn.
Nhiều tin không lành đã đến dồn dập từ khu vực Saint-Pétersbourg, Nijni-Novgorod, Crimea… Tại nhiều vùng, chính bệnh viện lại là tâm dịch, như ở Cộng hòa Komis tại miền bắc nghèo khó, chính quyền đã phải cách ly 6 bệnh viện cho dù đó không phải là nơi được huy động vào việc chống Covid-19.
Căng thẳng xã hội bùng lên theo đà dịch bệnh
Virus corona lây lan cũng đã gây ra tình hình căng thẳng trong quan hệ xã hội, được thấy rõ trên các mạng xã hội : Tại nhiều vùng những người mang virus đến đã vạch mặt chỉ tên và bị kỳ thị. Những thành phần "giàu có", tức có khả năng để đi Moskva hay ra nước ngoài, cũng bị chỉ trích, nhất là khi giới này không tôn trọng các biện pháp cách ly đưa ra từ đầu dịch nhắm vào những người từ nước ngoài trở về.
Tại Tchetchenia, một cuộc điều tra do báo Novaïa Gazeta công bố hôm thứ ba, 14/04, hàm ý cho rằng số 64 trường hợp được ghi nhận chính thức (do những người hành hương ở Mecca mang về) thấp hơn nhiều so với thực tế.
Trên vấn đề này, các tuyên bố của tổng thống Tchetchenia Ramzan Kadyrov, đồng hóa những người nhiễm virus với quân "khủng bố" đã gây lo sợ và khiến cho nhiều bệnh nhân không dám khai báo với cơ quan y tế. Cho dù vậy, nhiều bệnh viện ở Cộng hòa này đã bị cách ly.
Mai Vân
*******************
Covid-19 : Trung Quốc tăng cường kiểm soát biên giới với Nga (RFI, 14/04/2020)
Trung Quốc đang nỗ lực ngăn chặn làn sóng thứ hai dịch bệnh Covid-19. Thắt chặt kiểm soát biên giới với nước láng giềng Nga để hạn chế các ca lây nhiễm đến từ quốc gia này được coi là một trận tuyến mới trong cuộc chiến chống Covid-19 tại Trung Quốc.
Cảnh sát mặc bảo hộ y tế tại sân bay Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, ngày 11/04/2020 Reuters - HUIZHONG WU
Theo báo Le Figaro, tỉnh Hắc Long Giang ở biên giới Trung-Nga hôm qua 13/04/2020 ghi nhận 79 ca mới nhiễm virus từ nước ngoài. Hôm nay, các cơ quan truyền thông Nhà nước Trung Quốc cho biết tất cả những trường hợp trên đều liên quan đến người Trung Quốc trở về từ Nga. Các ca bệnh nói trên chiếm phần lớn trong tổng số 89 ca mới nhiễm virus được công bố tại Hoa lục.
Cho tới nay, theo số liệu chính thức của bộ Y Tế Trung Quốc, tổng số ca dương tính với virus corona là 82.249 người, số ca tử vong là 3.341. Hôm qua, chính quyền không ghi nhận thêm ca tử vong nào.
Trung Quốc cho phép thử nghiệm lâm sàng vác-xin chống virus corona
Hôm nay, Tân Hoa Xã loan tin Trung Quốc phê chuẩn việc tiến hành những thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên người về hai loại vác-xin mới chống virus corona. Hồi tháng Ba, Bắc Kinh đã bật đèn xanh cho một thử nghiệm lâm sàng đối với một loại vác-xin do Viện Hàn Lâm Quân Y Trung Quốc và công ty công nghệ sinh học HK CanSino Bio phối hợp nghiên cứu.
Thùy Dương
***************
Virus corona tăng tốc lây lan, Moskva dùng thông hành điện tử chống dịch (RFI, 14/04/2020)
Hôm 13/04/2020, thành phố Moskva khởi động một hệ thống giấy thông hành điện tử để gia tăng kiểm soát lệnh phong tỏa trong thủ đô Nga, hiện là tâm chấn của dịch Covid-19 tại nước này, với các dịch vụ y tế đang bị quá tải.
Moskva, thủ đô Nga, đã quyết định áp dụng thông hành điện tử kể từ ngày 13/04/2020 để gia tăng kiểm soát lệnh phong tỏa. Ảnh minh họa. SERGEI GAPON / AFP
Theo hãng tin AFP, giấy thông hành điện tử có thể được tải về từ trang web của tòa đô chính Moskva. Người dân thủ đô Nga phải sử dụng giấy thông hành này khi di chuyển bằng xe hơi hoặc các phương tiện giao thông công cộng, để đi làm, đi khám bác sĩ hoặc đến các nhà nghỉ ở miền quê.
Hiện giờ, dân Moskva vẫn được tự do đi bộ để đi mua hàng ở siêu thị hoặc dắt chó đi dạo, nhưng tòa đô chính báo trước là nếu cần, họ sẽ áp dụng hệ thống thông hành điện tử đối với cả những người đi bộ.
Ngoài biện pháp nói trên, hôm thứ Sáu 10/04 vừa qua, đô trưởng Moskva Sergueï Sobianine còn ra quyết định tạm ngưng hoạt động đối với hầu như toàn bộ các công ty, xí nghiệp không thiết yếu.
Mặc dù chính quyền địa phương đã ban hành các biện pháp phong tỏa, buộc 75% dân số Moskva phải ở trong nhà, theo ông Sobianine, tình hình dịch bệnh ở thủ đô Nga đã trở nên trầm trọng hơn vào tuần trước. Đô trưởng Sobianine dự báo tình hình trong những tuần tới sẽ rất "khó khăn".
Tổng thống Vladimir Putin đã quyết định trên toàn lãnh thổ nước Nga tháng Tư là tháng nghỉ được trả lương đối với những người không thể làm việc do lệnh phong tỏa.
Hôm nay, nhà chức trách Nga thông báo trong vòng 24 tiếng đồng hồ qua, nước này đã có thêm 2.558 người bị lây nhiễm virus corona chủng mới, cho thấy dịch Covid-19 đang lây lan nhanh hơn. Từ đầu mùa dịch cho tới nay, chưa bao giờ số ca mới trong một ngày ở Nga lại cao như thế. Như vậy, cho tới nay, Nga có tổng cộng 18.328 người bị nhiễm Covid-19 và 148 ca tử vong.
Thanh Phương