Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Macron và Putin nắn gân nhau tại lâu đài Versailles

Về thời sự quốc tế, hội kiến giữa hai nguyên thủ Pháp-Nga tại lâu đài Versailles đầu tuần tiếp tục là tâm điểm thời sự. Trang nhất Le Figaro giới thiệu cuộc phỏng vấn tổng thống Nga Putin, dưới hàng tựa : "Đừng bịa ra những đe dọa tưởng tượng từ Nga !". Nghi án dùng tài sản công không đúng nguyên tắc liên quan đến một bộ trưởng Pháp, lãnh đạo đảng Nước Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống, là chủ đề chính của Le MondeLibération. Les Echos vui mừng trước xu thế tăng trưởng trở lại của Pháp. La Croix lo ngại về số phận 10.000 người vượt biển vừa được cứu vớt, nhưng không biết sắp tới số phận ra sao. Trước hết, xin giới thiệu xã luận Le Monde về cuộc hội kiến Pháp-Nga : "Macron và Putin nắn gân nhau tại lâu đài Verseilles".

macron1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) và tổng thống Nga Vladimir Putin trên đường thăm khu vườn lâu đài Versailles, ngày 29/05/2017. Ảnh : Sputnik/Alexei Nikolsky/Kremlin via REUTERS

Le Monde ghi nhận, quan hệ Pháp - Nga vào lúc nhiệm kỳ của tổng thống Hollande kết thúc đang "đầy rẫy những bất đồng" : từ việc Nga can thiệp vào thời gian tranh cử tổng thống tại Pháp, cho đến hai hồ sơ Syria và Ukraine, hiện đang bế tắc trong bối cảnh Paris và Moskva ngờ vực nhau.

Mục tiêu của tổng thống Pháp là tái khởi động quan hệ song phương với Nga. Dịp khai trương một triển lãm về Pierre Le Grand (Pyotr Đại Đế) tại lâu đài Versailles, để đánh dấu 300 năm quan hệ ngoại giao Pháp-Nga đã được sử dụng với mục tiêu rõ ràng là để "làm đẹp mặt" tổng thống Nga.

Một tiếng đồng hồ thảo luận mặt đối mặt đã cho phép đưa ra một cách nhìn mang tính thực tế hơn về các hồ sơ bất đồng. Tân tổng thống Pháp đã có một cuộc đối thoại "trực diện và thẳng thắn", có nghĩa là thừa nhận các khác biệt trong hàng loạt vấn đề, nhưng đồng thời cũng để ngỏ cánh cửa cho các hợp tác tương lai.

Emmanuel Macron nhấn mạnh : "không có bất cứ một chủ đề căn bản nào trong thế giới hiện nay có thể tìm ra giải pháp mà không có một cuộc đối thoại" sâu sắc với Moskva.

Cụ thể là, tổng thống Pháp thừa nhận rằng "phải bảo tồn Nhà nước Syria", điều đó có nghĩa là "không đặt điều kiện Bachar al-Assad (tổng thống Syria) phải ra đi, thành điều kiện tiên quyết cho các thảo luận về tương lai chính trị của quốc gia bất hạnh này".

Paris cũng khẳng định rằng công thức Normandy, tức cơ chế bốn bên (bao gồm Pháp, Đức, Nga, Ukraine) để giải quyết vấn đề xung đột Ukraine là cơ chế phù hợp, nhưng vấn đề là các bên liên quan trực tiếp, bao gồm Nga và Ukraine, phải có các nỗ lực tối thiểu, điều chưa xảy ra cho đến nay.

Cuộc đối thoại với tổng thống Pháp để ngỏ cánh cửa cho khả năng Nga gia tăng áp lực với đối với chính quyền Syria, trước hết là trong vấn đề vũ khí hóa học. Trong hồ sơ Ukraine, tổng thống Pháp muốn Moskva hiểu rằng chính quyền Kiev có được tính chính đáng là nhờ bầu cử tự do, chứ không phải từ một cuộc đảo chính của "lực lượng thân phát xít", như tuyên truyền tại Nga, đồng thời "lập trường ủng hộ lực lượng cực hữu bài Châu Âu sẽ không có lợi gì cho nước Nga".

Theo Le Monde, trong cuộc thử sức đầu tiên với tổng thống Nga, nguyên thủ trẻ tuổi của Pháp Emmanuel Macron đã thành công ấn định được "phong cách" của mình, sẵn sàng phản bác các vu khống.

Điều quan trọng hơn là ông đã nỗ lực nắm lấy "cái thời điểm của Châu Âu", đúng vào lúc nước Anh quyết định rời khỏi Liên Hiệp, tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương co cụm và Liên Hiệp Châu Âu đang đứng trước mục tiêu chung phải siết chặt hàng ngũ, thể hiện tiếng nói thống nhất trong các vấn đề lớn như Ukraine, Syria, biến đổi khí hậu.

Pháp và Nga : "Không thể ly dị, nhưng không chắc đồng thuận"

Tiếp tục bình luận về cuộc gặp giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nguyên thủ Nga Vladimir Putin tại cung điện Versailles, hôm thứ Hai, 29/05/2017, báo Le Figaro có bài phân tích "Pháp và Nga : Không thể ly dị nhưng không chắc đồng thuận" của nhà báo Laure Mandeville.

Sau khi nhắc lại chuyến công du nước Pháp của Pierre Le Grand cách nay 300 năm, tác giả cho rằng, Pháp và Nga có mối tình sử lâu đời, với những ảnh hưởng lẫn nhau về mặt trí thức. Paris "xuất khẩu" sang Moskva những tư tưởng của Cách mạng tư sản dân quyền Pháp, để rồi sau đó, cuộc Cách mạng Tháng Mười đã nuôi dưỡng niềm say mê mù quáng của tầng lớp trí thức Pháp đối với chủ nghĩa cộng sản Xô Viết. Các nhà văn Nga yêu thích tiếng Pháp, còn các triết gia Pháp thì say mê tư tưởng chuyên chế "không phải lúc nào cũng sáng suốt" của các Nga hoàng. Các mô hình chính trị - như vai trò của Nhà nước, chính sách tập quyền, vấn đề đế chế - cũng có những nét tương đồng.

Theo Le Figaro, chiều sâu lịch sử của mối liên hệ văn hóa và chính trị hiển nhiên là hậu cảnh cho chính sách ngoại giao của Pháp đối với Nga. Có thể nói, đó là những yếu tố khiến cho Nga và Pháp không thể "ly dị". Câu hỏi được đặt ra là qua việc tiếp Vladimir Putin ở Versailles, thái độ trọng thị của Emmanuel Macron đối với nước Nga có hiệu quả gì hay không ?

Tổng thống Pháp phải đối phó với Nga ngay trong nước

Những người tiền nhiệm của Macron, kể cả de Gaulle, nhân danh chính sách ngoại giao thực tiễn (realpolitik), đều phải chững lại trước "hố sâu ngăn cách về giá trị", không tạo ra được chiều sâu chiến lược trong quan hệ với nước Nga.

Giờ đây, trước một đất nước chỉ biết sử dụng ngôn ngữ sức mạnh, dọa nạt các láng giềng, không ngần ngại nhấn mạnh tư tưởng dân tộc chủ nghĩa bài tây phương, thái độ cần phải có của nước Pháp quả là khó, làm dấy lên nhiều tranh luận và chia rẽ nước Pháp. Emmanuel Macron hiểu được điều này và dường như muốn thúc đẩy Vladimir Putin nên có thái độ thực tế.

Le Figaro cho rằng tổng thống Pháp có lý, nhưng lưu ý : Tổng thống Macron không nên quên rằng, Pierre Le Grand muốn "Âu hóa nước Nga", trong lúc Putin lại có tham vọng "Nga hóa Châu Âu" và muốn đóng vai trò là biểu tượng cho một hướng đi khác, một "lối thoát" trước các nền dân chủ phương Tây bị ông tố cáo là "bất lực và suy đồi". Đương nhiên, luận điệu này nhằm che dấu những yếu kém hiển nhiên của "mô hình Nga" đang bị tàn phá bởi tình trạng không có tự do, nạn tham nhũng và giới tinh hoa thì bỏ tổ quốc ra đi.

Thế nhưng, trong một nước Pháp e ngại vì bất lực, Putin tìm được những người ủng hộ mình. Do vậy, Le Figaro cho rằng, đối với Macron, quan hệ với Nga cũng sẽ trở thành "một vấn đề chính trị nội bộ".

Bắc Kinh bắt Lý Minh Triết để răn đe giới hoạt động Đài Loan

Về thời sự Châu Á, trong quan hệ Bắc Kinh – Đài Bắc, Le Figaro chú ý đến vụ một nhà hoạt động Đài Loan bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ, với cáo buộc "lật đổ Nhà nước". Theo tờ báo, đây là lần đầu tiên một cáo buộc nặng nề như vậy nhằm vào một kiều dân của đảo quốc.

Ngày 19/05, ông Lý Minh Triết (Lee Ming Che), một nhà hoạt động nhân quyền, 42 tuổi bị bắt. Le Figaro dự đoán vụ bắt giữ xảy ra đúng vào lúc quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc rất căng thẳng, và vụ này rất có thể chỉ là điểm khởi đầu.

Theo những người quen biết, nhà hoạt động Lý Minh Triết, là tình nguyện viên của một hiệp hội bảo vệ nhân quyền, đã sử dụng các mạng xã hội để chia sẻ với người dân Trung Quốc các quan điểm của ông về tiến trình chuyển tiếp sang dân chủ tại Đài Loan, tặng sách và tiền bạc cho gia đình các luật sư nhân quyền Hoa Lục, cũng bị kết án bị tội "lật đổ" trước ông. Ông Lý Minh Triết đến Trung Quốc nhiều lần kể từ năm 2012.

Theo nhà hán học Jean-Pierre Cabestan, đại học Báp-tít Hồng Kông, "mọi sáng kiến từ bên ngoài, nhằm làm đổi hướng hệ thống chính trị hiện hành tại Trung Quốc là điều cấm kỵ". Chính quyền Trung Quốc rất có thể dùng trường hợp của ông Lý Minh Triết để răn đe các nhà hoạt động Đài Loan.

Quốc Hội Pháp : Đảng của tổng thống có thể có đa số tuyệt đối

Về triển vọng bầu cử Quốc Hội Pháp, trong bối cảnh hai bộ trưởng của tân chính phủ đang vướng vào một số nghi án lạm dụng tài sản công, một thăm dò dư luận hôm nay, được công bố trên Le Figaro cho thấy, đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống có khả năng sẽ giành được từ 320 đến 350 ghế, tức đa số tuyệt đối. 31% cử tri có ý định bầu cho đảng của tổng thống, vượt 7 điểm so với cuộc điều tra trước.

Ngược lại, có 42% người được hỏi cho biết muốn đối lập dành đa số, để buộc tổng thống phải "chung sống", hay nói cách khác chia sẻ quyền lực. Tuy nhiên, cũng trong cuộc thăm dò nói trên, đảng đối lập Những Người Cộng Hòa dự kiến sẽ chỉ dành được từ 140 đến 145 ghế, tức nhóm nghị sĩ lớn thứ hai trong Quốc Hội. Đảng Mặt Trận Quốc Gia cực hữu, dù được 17% người có ý định bầu, nhưng cũng chỉ đủ để có được từ 10 đến 15 ghế dân biểu. Đảng Xã Hội, cầm quyền nhiệm kỳ trước, lần này có thể chỉ còn được từ 40 đến 50 ghế.

Phải đánh thuế các-bon mới có tiền cho kinh tế xanh

Trong lĩnh vực môi trường, Le Monde giới thiệu bản báo cáo đáng chú ý về "thuế các-bon", một công cụ chủ yếu cho phép tạo nguồn tài chính cho cuộc chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh. Báo cáo do giải Nobel kinh tế Joseph Stiglitz và chuyên gia về kinh tế - khí hậu Nicholas Stern đồng chủ trì, theo sáng kiến của Ngân Hàng Thế Giới và bộ Môi Trường Pháp, được công bố hôm 29/05 (xem báo cáo "Report of the high-level commission on carbon prices").

Việc huy động vốn "nhàn rỗi" và chuyển luồng vốn đầu tư từ các năng lượng hóa thạch... là điều mang tính quyết định, để có tiền cho năng lượng tái tạo và các hoạt động hướng tới một xã hội tiết kiệm năng lượng, sử dụng "ít các-bon" (như xây nhà cách nhiệt, phương tiện giao thông xanh, các ngành công nghiệp và nông nghiệp tiêu thụ ít các-bon). Báo cáo Stern-Stiglitz khuyến cáo là một sắc thuế đối với khí thải gây hiệu ứng nhà kính, được xây dựng một cách hợp lý, sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. 

Theo báo cáo Stern-Stiglitz, để đạt được mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C và cố gắng giữ ở mức 1,5°C, theo Thỏa thuận Khí hậu Paris, thì nhìn chung cần phải đánh thuế từ 40 đến 80 đô la/ tấn các-bon vào năm 2020, từ 50 đến 100 đô la/tấn vào năm 2030. Tuy nhiên, mức thuế sẽ được điều chỉnh theo điều kiện của từng nước. [Hiện tại, 87% khí thải trên thế giới không chịu thuế, và ba phần tư lượng khí chịu thuế chỉ ở mức dưới 10 đô la/tấn]

Riêng tại Pháp, chỉ cần một mức thuế 20 euro/tấn khí thải là đã đủ để khiến ngành điện lực thoái vốn khỏi các năng lượng hóa thạch. Nhiều quỹ đầu tư như các công ty bảo hiểm, quỹ tiết kiệm... rất cần đến "những tín hiệu" rõ ràng như vậy để an tâm rót vốn vào các dự án kinh tế xanh mang tính dài hạn (xem thêm : Kinh tế Xanh : Giới đầu tư gây áp lực với G20).

Khuyến cáo đánh thuế khí thải, tùy theo điều kiện mỗi nước, cũng có nghĩa là từ bỏ chủ trương xây dựng một "giá khí thải" duy nhất toàn cầu, điều ngày càng bị cho là ảo tưởng.

Bên cạnh vấn đề đánh thuế khí thải, báo cáo Stern-Stiglitz cũng đề nghị giới kinh tế học xây dựng lại các mô hình đang thịnh hành hiện nay, "rõ ràng là không cho phép hiểu đúng được các thách thức về sinh thái". Cụ thể là những mô hình như của đại học Yale, dự báo kinh tế toàn cầu thiệt hại 10% GDP, nếu nhiệt độ Trái đất tăng lên 6°C vào cuối thế kỷ. Dự báo như vậy chắc chắn rất xa sự thật.

Báo cáo Stern-Stiglitz là một tiếng kêu báo động khẩn thiết mới, trong bối cảnh một năm rưỡi sau Thượng đỉnh Paris, tại nhiều nơi trên thế giới, như ở Đông Nam Á hay Nam Phi, việc dùng than - một năng lượng hết sức ô nhiễm - để sản xuất điện vẫn được khuyến khích…

Hàng trăm triệu smartphone bỏ không : Trách nhiệm của nhà sản xuất ?

Báo Libération hôm nay, nhân "Tuần lễ phát triển bền vững" đang diễn ra tại Châu Âu, có bài giới thiệu về tình trạng tại Pháp, có cả 100 triệu điện thoại di động, không còn được sử dụng nữa, nhưng vẫn bị "bỏ trong ngăn kéo", cho dù có đến khoảng 70% người được phỏng vấn hiểu rằng điện thoại di động sử dụng rất nhiều nguyên liệu quí hiếm trong tự nhiên.

Cho đến nay, trong số khoảng 22 -23 triệu chiếc mua hàng năm tại Pháp, chỉ có khoảng 1 triệu, tương đương 5% là được tái chế.

Theo Libération, chịu trách nhiệm trước tiên và chủ yếu về tình trạng lãng phí này không phải là khách hàng, mà là các tập đoàn sản xuất như Apple, Samsung hay Hoa Vi (Hua- Wei).

Các tập đoàn này đầu tư chủ yếu cho việc cải tiến công nghệ, nhằm kích thích người tiêu thụ vứt bỏ máy đang dùng, để chuyển sang mua máy đời mới nhất, thay vì tìm cách tái sử dụng các linh kiện, hay tái chế máy cũ. Theo nhà báo Mỹ Jason Koebler, tập đoàn Apple đã "ngăn chặn mọi sáng kiến nhằm kéo dài tuổi thọ của các sản phẩm".

Ngược lại với hành xử bất chấp hậu quả sinh thái của các tập đoàn lớn, một số sáng kiến xuất hiện. Công ty Hà Lan Fairphone sắp đưa ra thị trường loại điện thoại di động tôn trọng sinh thái, và chú ý đến điều kiện làm việc của công nhân (appareil équitable). Điện thoại Fairphone dễ dàng sửa chữa, nhờ vậy "tuổi thọ" của máy có thể tăng gấp đôi.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Nguyên thủ Pháp - Nga đối thoại thẳng thắn về các chủ đề nhạy cảm (RFI, 30/05/2017)

Họp báo chiều ngày 29/05/2017 tại điện Versailles, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết đã có cuộc đối thoại "thẳng thẳn" và "trực diện" với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai lãnh đạo, kể từ khi ông Macron nhậm chức. Trong cuộc đối thoại căng thẳng này, mọi vấn đề được coi là nhạy cảm đã được tổng thống Pháp đề cập đến, như vấn đề xung đột Syria, khủng hoảng Ukraine.

phap1

Vladimir Putin (T) và Emmanuel Macron họp báo tại cung điện Versailles, Pháp, ngày 29/05/2017. REUTERS/Philippe Wojazer

Căng thẳng dâng cao khi tổng thống Pháp chỉ trích một số phương tiện truyền thông Nga, như Sputnik và Russia Today, đưa tin "bịa đặt", tìm cách gây ảnh hưởng. Ông Macron cũng đặc biệt lưu ý đồng nhiệm Nga về tình trạng quyền của người đồng tính, chuyển giới tại Tchetchenia bị xâm phạm nghiêm trọng. Báo chí Pháp ca ngợi "thái độ cứng rắn" và khả năng "làm chủ tình thế" của Emmanuel Macron. Về phía Nga, báo chí nước này nhấn mạnh đến một cuộc gặp kém nồng hậu và thiếu kết quả cụ thể.

Thông tín viên Muriel Pomponne trường trình từ Moskva :

"Báo Kommerçant nhấn mạnh là cuộc hội kiến nói trên thiếu nồng hậu, hai nguyên thủ dùng ngôi thứ ba để nói với nhau. Moskovskij Komsomolets thì khẳng định hai bên đã không được ý hợp tâm đầu, tuy nhiên tờ báo phổ thông này cũng cho rằng "cậu bé đáng sợ" Macron đã có thể tiến hành một cuộc đối thoại không khoan nhượng với "cây đại thụ" Putin. 

Trong cuộc họp báo, tổng thống Nga bất ngờ trước thái độ táo bạo của Macron, đã không tìm được lời nào để đáp lại, khi tổng thống Pháp gọi một số báo Nga là phương tiện "gây ảnh hưởng". Emmanuel Macron đã nhuần nhuyễn nguyên tắc của các chàng ngự lâm : tấn công là cách phòng thủ tốt nhất. 

Tuy nhiên, về phía thái độ của tổng thống Pháp, cũng có điều khá tức cười là khi ông Macron nói về Syria, cứ như thể ông ấy là "cây vĩ cầm chính" trong dàn nhạc. Ở đoạn này, tổng thống Nga đã phản pháo khi nhấn mạnh là ông không thấy mức độ độc lập của Pháp trong hồ sơ này. Nhìn chung, báo chí Nga ghi nhận là cuộc hội kiến đã không dẫn đến một kết quả quan trọng cụ thể nào. Tuy nhiên, đã có một nỗ lực tìm kiếm đồng thuận từ cả hai phía.

Cuối cùng báo chí Nga cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc gặp lịch sử này, về hoàng đế Nga Pierre đệ nhất, nữ hoàng Anna Kiev, lâu đài Versailles, gian các trận đánh lớn… Tuy nhiên, người Nga không hiểu được vì sao Emmanuel Macron lại đến Versailles bằng xe hơi hiệu Renault, họ thấy xe này không sang trọng lắm đối với một vị tổng thống".

John McCain : Putin nguy hiểm hơn tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo

Đang tham quan Úc, thượng nghị sĩ Mỹ John McCain thuộc phe Cộng Hòa ngày 29/05/2017 đánh giá tổng thống Nga Vladimir Putin là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh thế giới, đối với các nền dân chủ và thậm chí nguy hiểm hơn cả tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech).

Phát biểu với đài ABC, ông John McCain cho rằng, mặc dù chưa thành công, nhưng chắc chắn Nga "đã và sẽ tiếp tục tìm cách can thiệp vào bầu cử của các nước". Chính vì thế, tổng thống Nga Vladimir Putin là thách thức lớn nhất mà thế giới phải đối đầu. 

Trọng Thành

****************

Mỹ : Ba "bảo mẫu" của Donald Trump (RFI, 30/05/2017)

Ngày 27/05/2017, sau khi dự thượng đỉnh G7 tại Taormina, Ý, tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên đường về nước, kết thúc chuyến công du 8 ngày, ở Trung Đông rồi Châu Âu. Trên báo Le Figaro (30/05/2017), nhà báo Renaud Girard "tổng kết" : "Những bài học rút ra từ chuyến công du của Trump".

phap2

Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) và thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại thượng đỉnh G7, tổ chức ở Taormina, Sicily, Ý, ngày 26/05/2017. REUTERS/Jonathan Ernst

Để hiểu rõ được sự vận hành của tân chính quyền Mỹ cũng như nắm bắt được những đường hướng chính trong chính sách đối ngoại của vị tổng thống "không giống ai" này, tác giả tiến hành phân tích riêng rẽ hình thức và nội dung.

Về hình thức, dường như hoạt động của tân chính quyền Mỹ dựa trên ba nguyên tắc lớn. Thứ nhất, có ba "bảo mẫu" đi theo "chăm sóc" "cậu bé" Donald Trump : đó là ngoại trưởng Tillerson, bộ trưởng Quốc Phòng Mattis và cố vấn an ninh quốc gia, tướng McMaster.

Ví dụ, tại thượng đỉnh NATO ở Bruxelles, tổng thống Mỹ đành chấp nhận nêu lên "mối đe dọa Nga" cho dù trong theo bản năng, ông chỉ coi Nhà Nước Hồi Giáo là kẻ thù thực sự của Hoa Kỳ. Thế nhưng, cần phải nói đến "mối đe dọa Nga" để tránh bị coi là "đồng chí" của Moskva trong lúc Quốc Hội Hoa Kỳ đang điều tra về nghi án quan hệ giữa các cộng sự của ông Trump với Nga.

Nguyên tắc thứ hai, Donald Trump không "quản lý vi mô". Cụ thể là ông không cần biết chi tiết các kế hoạch, và ủy quyền cho bộ trưởng Quốc Phòng tướng Mattis tự do đưa ra các sáng kiến được cho là cần thiết để bảo đảm an ninh cho Hoa Kỳ.

Nguyên tắc thứ ba : tân tổng thống Mỹ có cách tiếp cận rất thương mại trong các hoạt động ngoại giao, theo kiểu "ông thò chân giò, bà thò nậm rượu", tức là có đi có lại. Các đồng minh Châu Âu của tân tổng thống Mỹ hiểu rõ điều này : Châu Âu phải tăng ngân sách quốc phòng trước đã, rồi sau đó và chỉ sau đó, Hoa Kỳ mới nói đến điều 5 trong Hiến chương NATO, liên quan đến nghĩa vụ phòng thủ chung, bảo vệ lẫn nhau.

Về nội dung, theo báo Le Figaro, Hoa Kỳ đã từ bỏ học thuyết tân bảo thủ mà cựu tổng thống George W. Bush chủ trương, theo đó, để bảo vệ hòa bình thế giới, Hoa Kỳ phải "xuất khẩu" dân chủ, và nếu cần thì không ngần ngại sử dụng bạo lực. Trong chuyến công du Saudi Arabia, Donald Trump đã tái khởi động thỏa thuận Mỹ bảo đảm an ninh cho nước này, được ký kết từ năm 1945. Đổi lại, Ryiad ký hàng loạt hợp đồng trị giá hơn 300 tỷ đô la.

Với thái độ thực dụng, khi tới Israel, Donald Trump đã yêu cầu Tel Aviv không tiếp tục mở rộng thêm các khu định cư Do Thái, không bàn đến chuyện chuyển sứ quán Mỹ về Jerusalem. Bởi vì, tân tổng thống Mỹ nghĩ rằng ông có thể thúc đẩy tái lập hòa bình ở Palestine, trên cơ sở có hai Nhà nước (Do Thái và Hồi giáo), đồng thời ông cũng muốn làm vừa lòng hai đồng minh lớn khác trong khu vực là Saudi Arabia và Ai Cập.

Tại thượng đỉnh G7, tổng thống Mỹ đưa ra hai thông điệp cụ thể : Về thương mại, Donald Trump không nói đến chính sách bảo hộ mậu dịch và chỉ chủ trương "trao đổi thương mại công bằng" thay cho "tự do trao đổi mậu dịch". Ông cũng lên án những tập quán, biện pháp xấu trong trao đổi thương mại, một uyển ngữ lên án Trung Quốc thực hiện chính sách phá giá dumping.

Còn về hồ sơ nhập cư, Trump đã nói thẳng với Châu Âu : Đó là chuyện của các vị, hãy tự giải quyết. Trong vấn đề này, Mỹ chỉ giúp Châu Âu tại Libya vì đây là cơ hội tiêu diệt tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Vậy nước Pháp có nên phàn nàn về khía cạnh hơi thô bạo này trong chính sách đối ngoại của Mỹ hay không ? Le Figaro nhấn mạnh là không. Đây chính là cơ hội để ngoại giao Pháp tỏa sáng như xưa.

RFI tiếng Việt 

Published in Quốc tế