Macron và Putin nắn gân nhau tại lâu đài Versailles
Về thời sự quốc tế, hội kiến giữa hai nguyên thủ Pháp-Nga tại lâu đài Versailles đầu tuần tiếp tục là tâm điểm thời sự. Trang nhất Le Figaro giới thiệu cuộc phỏng vấn tổng thống Nga Putin, dưới hàng tựa : "Đừng bịa ra những đe dọa tưởng tượng từ Nga !". Nghi án dùng tài sản công không đúng nguyên tắc liên quan đến một bộ trưởng Pháp, lãnh đạo đảng Nước Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống, là chủ đề chính của Le Monde và Libération. Les Echos vui mừng trước xu thế tăng trưởng trở lại của Pháp. La Croix lo ngại về số phận 10.000 người vượt biển vừa được cứu vớt, nhưng không biết sắp tới số phận ra sao. Trước hết, xin giới thiệu xã luận Le Monde về cuộc hội kiến Pháp-Nga : "Macron và Putin nắn gân nhau tại lâu đài Verseilles".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) và tổng thống Nga Vladimir Putin trên đường thăm khu vườn lâu đài Versailles, ngày 29/05/2017. Ảnh : Sputnik/Alexei Nikolsky/Kremlin via REUTERS
Le Monde ghi nhận, quan hệ Pháp - Nga vào lúc nhiệm kỳ của tổng thống Hollande kết thúc đang "đầy rẫy những bất đồng" : từ việc Nga can thiệp vào thời gian tranh cử tổng thống tại Pháp, cho đến hai hồ sơ Syria và Ukraine, hiện đang bế tắc trong bối cảnh Paris và Moskva ngờ vực nhau.
Mục tiêu của tổng thống Pháp là tái khởi động quan hệ song phương với Nga. Dịp khai trương một triển lãm về Pierre Le Grand (Pyotr Đại Đế) tại lâu đài Versailles, để đánh dấu 300 năm quan hệ ngoại giao Pháp-Nga đã được sử dụng với mục tiêu rõ ràng là để "làm đẹp mặt" tổng thống Nga.
Một tiếng đồng hồ thảo luận mặt đối mặt đã cho phép đưa ra một cách nhìn mang tính thực tế hơn về các hồ sơ bất đồng. Tân tổng thống Pháp đã có một cuộc đối thoại "trực diện và thẳng thắn", có nghĩa là thừa nhận các khác biệt trong hàng loạt vấn đề, nhưng đồng thời cũng để ngỏ cánh cửa cho các hợp tác tương lai.
Emmanuel Macron nhấn mạnh : "không có bất cứ một chủ đề căn bản nào trong thế giới hiện nay có thể tìm ra giải pháp mà không có một cuộc đối thoại" sâu sắc với Moskva.
Cụ thể là, tổng thống Pháp thừa nhận rằng "phải bảo tồn Nhà nước Syria", điều đó có nghĩa là "không đặt điều kiện Bachar al-Assad (tổng thống Syria) phải ra đi, thành điều kiện tiên quyết cho các thảo luận về tương lai chính trị của quốc gia bất hạnh này".
Paris cũng khẳng định rằng công thức Normandy, tức cơ chế bốn bên (bao gồm Pháp, Đức, Nga, Ukraine) để giải quyết vấn đề xung đột Ukraine là cơ chế phù hợp, nhưng vấn đề là các bên liên quan trực tiếp, bao gồm Nga và Ukraine, phải có các nỗ lực tối thiểu, điều chưa xảy ra cho đến nay.
Cuộc đối thoại với tổng thống Pháp để ngỏ cánh cửa cho khả năng Nga gia tăng áp lực với đối với chính quyền Syria, trước hết là trong vấn đề vũ khí hóa học. Trong hồ sơ Ukraine, tổng thống Pháp muốn Moskva hiểu rằng chính quyền Kiev có được tính chính đáng là nhờ bầu cử tự do, chứ không phải từ một cuộc đảo chính của "lực lượng thân phát xít", như tuyên truyền tại Nga, đồng thời "lập trường ủng hộ lực lượng cực hữu bài Châu Âu sẽ không có lợi gì cho nước Nga".
Theo Le Monde, trong cuộc thử sức đầu tiên với tổng thống Nga, nguyên thủ trẻ tuổi của Pháp Emmanuel Macron đã thành công ấn định được "phong cách" của mình, sẵn sàng phản bác các vu khống.
Điều quan trọng hơn là ông đã nỗ lực nắm lấy "cái thời điểm của Châu Âu", đúng vào lúc nước Anh quyết định rời khỏi Liên Hiệp, tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương co cụm và Liên Hiệp Châu Âu đang đứng trước mục tiêu chung phải siết chặt hàng ngũ, thể hiện tiếng nói thống nhất trong các vấn đề lớn như Ukraine, Syria, biến đổi khí hậu.
Pháp và Nga : "Không thể ly dị, nhưng không chắc đồng thuận"
Tiếp tục bình luận về cuộc gặp giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nguyên thủ Nga Vladimir Putin tại cung điện Versailles, hôm thứ Hai, 29/05/2017, báo Le Figaro có bài phân tích "Pháp và Nga : Không thể ly dị nhưng không chắc đồng thuận" của nhà báo Laure Mandeville.
Sau khi nhắc lại chuyến công du nước Pháp của Pierre Le Grand cách nay 300 năm, tác giả cho rằng, Pháp và Nga có mối tình sử lâu đời, với những ảnh hưởng lẫn nhau về mặt trí thức. Paris "xuất khẩu" sang Moskva những tư tưởng của Cách mạng tư sản dân quyền Pháp, để rồi sau đó, cuộc Cách mạng Tháng Mười đã nuôi dưỡng niềm say mê mù quáng của tầng lớp trí thức Pháp đối với chủ nghĩa cộng sản Xô Viết. Các nhà văn Nga yêu thích tiếng Pháp, còn các triết gia Pháp thì say mê tư tưởng chuyên chế "không phải lúc nào cũng sáng suốt" của các Nga hoàng. Các mô hình chính trị - như vai trò của Nhà nước, chính sách tập quyền, vấn đề đế chế - cũng có những nét tương đồng.
Theo Le Figaro, chiều sâu lịch sử của mối liên hệ văn hóa và chính trị hiển nhiên là hậu cảnh cho chính sách ngoại giao của Pháp đối với Nga. Có thể nói, đó là những yếu tố khiến cho Nga và Pháp không thể "ly dị". Câu hỏi được đặt ra là qua việc tiếp Vladimir Putin ở Versailles, thái độ trọng thị của Emmanuel Macron đối với nước Nga có hiệu quả gì hay không ?
Tổng thống Pháp phải đối phó với Nga ngay trong nước
Những người tiền nhiệm của Macron, kể cả de Gaulle, nhân danh chính sách ngoại giao thực tiễn (realpolitik), đều phải chững lại trước "hố sâu ngăn cách về giá trị", không tạo ra được chiều sâu chiến lược trong quan hệ với nước Nga.
Giờ đây, trước một đất nước chỉ biết sử dụng ngôn ngữ sức mạnh, dọa nạt các láng giềng, không ngần ngại nhấn mạnh tư tưởng dân tộc chủ nghĩa bài tây phương, thái độ cần phải có của nước Pháp quả là khó, làm dấy lên nhiều tranh luận và chia rẽ nước Pháp. Emmanuel Macron hiểu được điều này và dường như muốn thúc đẩy Vladimir Putin nên có thái độ thực tế.
Le Figaro cho rằng tổng thống Pháp có lý, nhưng lưu ý : Tổng thống Macron không nên quên rằng, Pierre Le Grand muốn "Âu hóa nước Nga", trong lúc Putin lại có tham vọng "Nga hóa Châu Âu" và muốn đóng vai trò là biểu tượng cho một hướng đi khác, một "lối thoát" trước các nền dân chủ phương Tây bị ông tố cáo là "bất lực và suy đồi". Đương nhiên, luận điệu này nhằm che dấu những yếu kém hiển nhiên của "mô hình Nga" đang bị tàn phá bởi tình trạng không có tự do, nạn tham nhũng và giới tinh hoa thì bỏ tổ quốc ra đi.
Thế nhưng, trong một nước Pháp e ngại vì bất lực, Putin tìm được những người ủng hộ mình. Do vậy, Le Figaro cho rằng, đối với Macron, quan hệ với Nga cũng sẽ trở thành "một vấn đề chính trị nội bộ".
Bắc Kinh bắt Lý Minh Triết để răn đe giới hoạt động Đài Loan
Về thời sự Châu Á, trong quan hệ Bắc Kinh – Đài Bắc, Le Figaro chú ý đến vụ một nhà hoạt động Đài Loan bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ, với cáo buộc "lật đổ Nhà nước". Theo tờ báo, đây là lần đầu tiên một cáo buộc nặng nề như vậy nhằm vào một kiều dân của đảo quốc.
Ngày 19/05, ông Lý Minh Triết (Lee Ming Che), một nhà hoạt động nhân quyền, 42 tuổi bị bắt. Le Figaro dự đoán vụ bắt giữ xảy ra đúng vào lúc quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc rất căng thẳng, và vụ này rất có thể chỉ là điểm khởi đầu.
Theo những người quen biết, nhà hoạt động Lý Minh Triết, là tình nguyện viên của một hiệp hội bảo vệ nhân quyền, đã sử dụng các mạng xã hội để chia sẻ với người dân Trung Quốc các quan điểm của ông về tiến trình chuyển tiếp sang dân chủ tại Đài Loan, tặng sách và tiền bạc cho gia đình các luật sư nhân quyền Hoa Lục, cũng bị kết án bị tội "lật đổ" trước ông. Ông Lý Minh Triết đến Trung Quốc nhiều lần kể từ năm 2012.
Theo nhà hán học Jean-Pierre Cabestan, đại học Báp-tít Hồng Kông, "mọi sáng kiến từ bên ngoài, nhằm làm đổi hướng hệ thống chính trị hiện hành tại Trung Quốc là điều cấm kỵ". Chính quyền Trung Quốc rất có thể dùng trường hợp của ông Lý Minh Triết để răn đe các nhà hoạt động Đài Loan.
Quốc Hội Pháp : Đảng của tổng thống có thể có đa số tuyệt đối
Về triển vọng bầu cử Quốc Hội Pháp, trong bối cảnh hai bộ trưởng của tân chính phủ đang vướng vào một số nghi án lạm dụng tài sản công, một thăm dò dư luận hôm nay, được công bố trên Le Figaro cho thấy, đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống có khả năng sẽ giành được từ 320 đến 350 ghế, tức đa số tuyệt đối. 31% cử tri có ý định bầu cho đảng của tổng thống, vượt 7 điểm so với cuộc điều tra trước.
Ngược lại, có 42% người được hỏi cho biết muốn đối lập dành đa số, để buộc tổng thống phải "chung sống", hay nói cách khác chia sẻ quyền lực. Tuy nhiên, cũng trong cuộc thăm dò nói trên, đảng đối lập Những Người Cộng Hòa dự kiến sẽ chỉ dành được từ 140 đến 145 ghế, tức nhóm nghị sĩ lớn thứ hai trong Quốc Hội. Đảng Mặt Trận Quốc Gia cực hữu, dù được 17% người có ý định bầu, nhưng cũng chỉ đủ để có được từ 10 đến 15 ghế dân biểu. Đảng Xã Hội, cầm quyền nhiệm kỳ trước, lần này có thể chỉ còn được từ 40 đến 50 ghế.
Phải đánh thuế các-bon mới có tiền cho kinh tế xanh
Trong lĩnh vực môi trường, Le Monde giới thiệu bản báo cáo đáng chú ý về "thuế các-bon", một công cụ chủ yếu cho phép tạo nguồn tài chính cho cuộc chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh. Báo cáo do giải Nobel kinh tế Joseph Stiglitz và chuyên gia về kinh tế - khí hậu Nicholas Stern đồng chủ trì, theo sáng kiến của Ngân Hàng Thế Giới và bộ Môi Trường Pháp, được công bố hôm 29/05 (xem báo cáo "Report of the high-level commission on carbon prices").
Việc huy động vốn "nhàn rỗi" và chuyển luồng vốn đầu tư từ các năng lượng hóa thạch... là điều mang tính quyết định, để có tiền cho năng lượng tái tạo và các hoạt động hướng tới một xã hội tiết kiệm năng lượng, sử dụng "ít các-bon" (như xây nhà cách nhiệt, phương tiện giao thông xanh, các ngành công nghiệp và nông nghiệp tiêu thụ ít các-bon). Báo cáo Stern-Stiglitz khuyến cáo là một sắc thuế đối với khí thải gây hiệu ứng nhà kính, được xây dựng một cách hợp lý, sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Theo báo cáo Stern-Stiglitz, để đạt được mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C và cố gắng giữ ở mức 1,5°C, theo Thỏa thuận Khí hậu Paris, thì nhìn chung cần phải đánh thuế từ 40 đến 80 đô la/ tấn các-bon vào năm 2020, từ 50 đến 100 đô la/tấn vào năm 2030. Tuy nhiên, mức thuế sẽ được điều chỉnh theo điều kiện của từng nước. [Hiện tại, 87% khí thải trên thế giới không chịu thuế, và ba phần tư lượng khí chịu thuế chỉ ở mức dưới 10 đô la/tấn]
Riêng tại Pháp, chỉ cần một mức thuế 20 euro/tấn khí thải là đã đủ để khiến ngành điện lực thoái vốn khỏi các năng lượng hóa thạch. Nhiều quỹ đầu tư như các công ty bảo hiểm, quỹ tiết kiệm... rất cần đến "những tín hiệu" rõ ràng như vậy để an tâm rót vốn vào các dự án kinh tế xanh mang tính dài hạn (xem thêm : Kinh tế Xanh : Giới đầu tư gây áp lực với G20).
Khuyến cáo đánh thuế khí thải, tùy theo điều kiện mỗi nước, cũng có nghĩa là từ bỏ chủ trương xây dựng một "giá khí thải" duy nhất toàn cầu, điều ngày càng bị cho là ảo tưởng.
Bên cạnh vấn đề đánh thuế khí thải, báo cáo Stern-Stiglitz cũng đề nghị giới kinh tế học xây dựng lại các mô hình đang thịnh hành hiện nay, "rõ ràng là không cho phép hiểu đúng được các thách thức về sinh thái". Cụ thể là những mô hình như của đại học Yale, dự báo kinh tế toàn cầu thiệt hại 10% GDP, nếu nhiệt độ Trái đất tăng lên 6°C vào cuối thế kỷ. Dự báo như vậy chắc chắn rất xa sự thật.
Báo cáo Stern-Stiglitz là một tiếng kêu báo động khẩn thiết mới, trong bối cảnh một năm rưỡi sau Thượng đỉnh Paris, tại nhiều nơi trên thế giới, như ở Đông Nam Á hay Nam Phi, việc dùng than - một năng lượng hết sức ô nhiễm - để sản xuất điện vẫn được khuyến khích…
Hàng trăm triệu smartphone bỏ không : Trách nhiệm của nhà sản xuất ?
Báo Libération hôm nay, nhân "Tuần lễ phát triển bền vững" đang diễn ra tại Châu Âu, có bài giới thiệu về tình trạng tại Pháp, có cả 100 triệu điện thoại di động, không còn được sử dụng nữa, nhưng vẫn bị "bỏ trong ngăn kéo", cho dù có đến khoảng 70% người được phỏng vấn hiểu rằng điện thoại di động sử dụng rất nhiều nguyên liệu quí hiếm trong tự nhiên.
Cho đến nay, trong số khoảng 22 -23 triệu chiếc mua hàng năm tại Pháp, chỉ có khoảng 1 triệu, tương đương 5% là được tái chế.
Theo Libération, chịu trách nhiệm trước tiên và chủ yếu về tình trạng lãng phí này không phải là khách hàng, mà là các tập đoàn sản xuất như Apple, Samsung hay Hoa Vi (Hua- Wei).
Các tập đoàn này đầu tư chủ yếu cho việc cải tiến công nghệ, nhằm kích thích người tiêu thụ vứt bỏ máy đang dùng, để chuyển sang mua máy đời mới nhất, thay vì tìm cách tái sử dụng các linh kiện, hay tái chế máy cũ. Theo nhà báo Mỹ Jason Koebler, tập đoàn Apple đã "ngăn chặn mọi sáng kiến nhằm kéo dài tuổi thọ của các sản phẩm".
Ngược lại với hành xử bất chấp hậu quả sinh thái của các tập đoàn lớn, một số sáng kiến xuất hiện. Công ty Hà Lan Fairphone sắp đưa ra thị trường loại điện thoại di động tôn trọng sinh thái, và chú ý đến điều kiện làm việc của công nhân (appareil équitable). Điện thoại Fairphone dễ dàng sửa chữa, nhờ vậy "tuổi thọ" của máy có thể tăng gấp đôi.
Trọng Thành