Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Chiến tranh Ukraine : Đối lập lo ngại trước lập trường của tổng thống Pháp Macron

Ngày Quốc tế Phụ nữ, lập trường của tổng thống Pháp Macron về chiến tranh Ukraine, khủng hoảng ở Haiti là những chủ đề được các nhật báo Paris quan tâm hôm nay 08/03/2024.

macron1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp báo tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 26/02/2024. Reuters – Gonzalo Fuentes

Về thời sự nước Pháp, trang nhất của tờ Le Figaro cảm thấy lo lắng về lập trường của tổng thống Emmanuel Macron trên hồ sơ Ukraine.

Các lãnh đạo phe đối lập hôm 07/03 đã rời phủ tổng thống trong tâm trạng đầy lo âu, sau cuộc họp do chủ nhân điện Elysée chủ trì để thảo luận về tình hình Ukraine. Sau khi đưa ra tuyên bố gây tranh cãi về khả năng phương Tây điều quân đội đến tiếp viện cho Kiev, Emmanuel Macron đã tiếp lãnh đạo các đảng và vẫn bảo toàn lập trường. Theo cuộc thăm dò mới nhất do Odoxa-Backbone Consulting thực hiện cho nhật báo thiên hữu, 60% những người được hỏi không đồng tình với phát biểu của ông Macron. Mặc dù vậy, tổng thống Pháp khẳng định "không thể đặt ra giới hạn cho bản thân khi kẻ thù không đặt ra giới hạn nào".

"Sự mơ hồ về chiến lược" của Emmanuel Macron nhằm gây áp lực với điện Kremlin là trọng tâm của các cuộc thảo luận hôm qua. Các đồng minh của Macron như lãnh đạo cánh trung François Bayrou (MoDem) hay Edouard Philippe (Horizons) hoàn toàn ủng hộ quan điểm của nguyên thủ quốc gia Pháp. Chủ tịch Thượng Viện Gérard Larcher cũng coi chiến tranh ở Ukraine là một "cuộc chiến sinh tồn". Nhưng lãnh đạo các đảng đối lập một lần nữa đồng loạt chỉ trích tuyên bố của tổng thống.

Eric Ciotti, chủ tịch đảng cánh hữu Những Người Cộng hòa (LR) coi đó là "quan điểm không thích hợp", và cảm thấy "băn khoăn về tính hữu ích của cuộc họp này khi không có biện pháp cụ thể nào được đưa ra". Manuel Bompard, điều phối viên của đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI), tuyên bố : "Tôi đến phủ tổng thống trong tâm trạng lo lắng và lúc rời đi còn lo lắng hơn", trong khi lãnh đạo đảng Cộng sản Fabien Roussel cũng hoảng hốt mô tả Emmanuel Macron "sẵn sàng lao vào một cuộc leo thang quân sự nguy hiểm ngay ngày mai".

Thể thao : Chừng nào phụ nữ mới được "tôn vinh" như các vận động viên nam ?

Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 08/03 và vài tháng trước khi Thế Vận Hội Paris 2024 khai mạc, tờ Libération dành trang nhất và bài xã luận để phân tích về những trở ngại vẫn còn đối với cuộc sống và sự nghiệp của những vận động viên nữ.

Đã có rất nhiều nỗ lực để mang lại cho các vận động viên nữ "tầm ảnh hưởng" rõ rệt hơn và trên hết là các "quyền lợi" giống như các vận động viên nam, nhưng mọi chuyện vẫn chưa hoàn hảo. Vẫn còn nhiều điều phải được thực hiện và Thế Vận Hội Paris, được coi là "Đại hội thể thao bình đẳng đầu tiên trong lịch sử Thế Vận Hội", có lẽ sẽ là cơ hội để các vận động viên nữ "tỏa sáng" hơn trong lĩnh vực này. Một số nhà quan sát nhận định sẽ chứng kiến một bước nhảy vọt khi mà việc phụ nữ huấn luyện các vận động viên nam không còn là một điều xa lạ. Trong thể thao cũng như trong nhiều lĩnh vực khác ngoài xã hội, phụ nữ đều phải đối mặt với những khó khăn như nhau. Bài xã luận đặc biệt chú ý đến những ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt khiến phụ nữ gặp rất nhiều khó khăn trong công việc, trong thăng tiến. Các tuyển thủ quốc gia cũng như tất cả các phụ nữ khác đều bị mất một khoảng thời gian nhất định trong sự nghiệp khi phải vắng mặt vài tháng để nghỉ thai sản.

Nhân ngày 08/03, nhật báo thiên tả đã phỏng vấn hai vận động viên nữ xuất sắc thuộc hai thế hệ khác nhau : Marie-José Pérec, người đã giành ba huy chương vàng môn điền kinh trong hai kỳ Thế Vận Hội (1992, 1996), và Romane Dicko, thần đồng judo. Tờ báo muốn tìm hiểu về chặng đường họ đã đi và những trở ngại mà các vận động viên nữ phải vượt qua.

Sinh ra ở Guadeloupe, Marie-José Pérec tới chính quốc Pháp để sống với người bà, và "muốn trở thành một Mohamed Ali bé nhỏ của bà". Khi trở thành vận động viên điền kinh, cô bị soi xét về ngoại hình, màu da, và không mấy ai để ý đến tài năng của cô. Điều này khiến ngôi sao điền kinh uất hận, song cô vẫn phải kìm nén, thay vì bộc lộ sự tức giận, vào thời điểm mà tiếng nói của phụ nữ hầu như không có trọng lượng.

Ngược lại, thần đồng judo Romane Dicko giờ đây không ngần ngại sử dụng mạng xã hội để "tự quảng cáo". Cô sẵn sàng lao về phía trước, thẳng tiến trên con đường đã chọn và không hề e ngại trước "ánh mắt" của người khác. Hình mẫu của Dicko không phải là Mohamed Ali, mà là ngôi sao quần vợt Serena Williams. Đây có lẽ là điều đã thay đổi nhiều nhất đối với các vận động viên nữ : Họ không còn sợ sự phán xét của người khác, và đó là một bước tiến không hề nhỏ.

Bầu cử 2024 : Biden dùng quyền phá thai làm lá bài chính trị

Nhìn sang Hoa Kỳ, nhật báo Le Monde dành trang nhất về việc quyền phá thai có thể sẽ là lá bài chính trị trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Joe Biden khi đối mặt với Donald Trump.

Trong số các khách mời của đệ nhất phu nhân Jill Biden nhân ngày tổng thống Biden đọc thông điệp liên bang tại Quốc hội, có một phụ nữ trẻ đã để lại dấu ấn trong dư luận. Mang thai 20 tuần, mang trong mình một em bé mắc hội chứng Down, Kate Cox từng xuất hiện trên màn ảnh vào giữa tháng 12/2023, nói trong nước mắt là không thể hiểu tại sao các thẩm phán bang Texas lại ngăn cản cô phá thai.

Ở một bang như Texas, nơi chủ nghĩa cá nhân quan trọng như tôn giáo, Kate, 31 tuổi, mẹ của hai đứa con, cho biết phải chờ ý kiến của chính quyền địa phương để biết đứa bé trong bụng của cô sẽ được "giải quyết" như thế nào. Lúc đầu, một thẩm phán đã ra phán quyết cho phép Kate phá thai, nhưng ngay sau đó, chưởng lý bang Texas đe dọa sẽ kiện những bệnh viện nào dám giúp cô phá thai. Cuối cùng, Tòa án Tối cao Texas đã ra phán quyết không cho cô phá thai, cho rằng tình trạng của cô không đáng lo ngại, mặc dù Kate đã phải đi cấp cứu nhiều lần. Thất vọng vì bị bang nơi cô sinh ra "tra tấn tinh thần", Kate Cox quyết định rời Dallas để phá thai ở một nơi xa Texas.

Giống như Kate Cox hay Amanda Zurawski, người phụ nữ đầu tiên đệ đơn kiện Texas, sau khi suýt chết vào tháng 08/2022, những nạn nhân của luật chống phá thai không còn sợ xuất hiện trước công chúng để chia sẻ trải nghiệm của họ. Lời kể của họ được chính quyền Biden khai thác triệt để.

Từ Texas đến Idaho, dư luận giờ đây dường như ngả theo nỗi đau của phụ nữ mang thai, nạn nhân của những triệu chứng như có thai ngoài tử cung, hoặc các biến chứng khác, nhưng vẫn phải nghe theo phán quyết của tòa án, thay vì được làm theo lời khuyên của bác sĩ.

Ngay cả ở các bang thân đảng Cộng hòa cũng đang ngả theo chiều hướng này. Ở Arkansas, những người ủng hộ tu chính án cho phép phá thai khi thai kỳ lên tới 20 tuần có đến ngày 05/07 để thu thập 91.000 chữ ký. Ở Missouri, phe ủng hộ việc phá thai đã đưa ra một văn bản bảo đảm tính hợp pháp của việc phá thai cho đến khi xác định thai nhi có thể phát triển bình thường. Đây là một dấu hiệu cho thấy phe bảo thủ của Donald Trump cũng hết sức khó xử khi vướng vào hồ sơ này. Tại Missouri, một nhóm đảng viên Cộng hòa ôn hòa đã đề xuất một thỏa thuận cho phép phá thai đến 12 tuần thai kỳ, và được thực hiện trong những trường hợp ngoại lệ. Hiện nay, hoạt động này bị cấm trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ. Tương tự ở Nebraska và Nam Dakota, nơi một số đảng viên Cộng hòa cũng hoan nghênh việc đảo ngược lệnh cấm phá thai được Tòa án Tối cao thông qua.

Haiti sẽ đi về đâu ?

Nhìn xuống Trung Mỹ, bài xã luận của tờ La Croix chú ý đến tình hình đáng báo động tại Haiti. Không có gì tệ hại hơn là làm ngơ trước những gì đất nước này đang trải qua, có thể rơi vào nội chiến kéo dài, và cũng rất dễ bị tổn thương về mặt khí hậu. Tình hình đang rất bi đát, với những vụ thảm sát do các băng nhóm vũ trang gây ra, giới chính trị gần như không tồn tại, thủ tướng thậm chí không thể trở về quê hương, sau khi các băng nhóm kiểm soát các nhà tù và bao vây sân bay. Haiti đang ngụp lặn trong đau khổ, cụ thể là làn sóng đói khát và chết chóc. Năm 2023, đã có đến gần 5.000 nạn nhân bị các băng đảng thanh toán. Nạn cưỡng hiếp phụ nữ cũng trở nên phổ biến. Nền giáo dục hỗn loạn, nền kinh tế suy thoái và hệ thống y tế tồi tệ.

Cộng đồng quốc tế không thể thờ ơ trước những biến cố này. Nhưng họ có thể làm gì ? Thỏa thuận Montana được ký kết vào tháng 08/2021 đã từng cố gắng tập hợp các giáo hội, đoàn thể, phong trào phụ nữ và các tổ chức phi chính phủ để đất nước thoát khỏi khủng hoảng. Nhật báo công giáo kết luận rằng trước tiên phải tái thiết các định chế trong nước, khôi phục các dịch vụ công và ngành tư pháp. Nếu không, sẽ lại chỉ có một chính phủ bù nhìn được dựng lên, đi kèm với bạo lực hoành hành, trong một vòng luẩn quẩn cần phải bị phá vỡ.

Nạn đói hoành hành ở Gaza

Nhìn sang Trung Đông, nhật báo kinh tế Les Echos có bài về việc nhiều cơ quan của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ báo động là 2,3 triệu cư dân ở dải Gaza đang đối mặt với nạn đói diện rộng, nếu viện trợ nhân đạo khẩn cấp không sớm được chuyển đến dải đất bị tàn phá bởi chiến tranh giữa Israel và Hamas.

Matthew Hollingworth, đặc trách Palestine của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, cho biết : "Không có nơi nào trên thế giới giống như dải Gaza, nơi toàn bộ dân số bị đe dọa bởi nạn đói do con người gây ra." Bất chấp những lời kêu gọi từ nhiều phía, viện trợ nhân đạo vẫn chưa đến, đặc biệt là ở miền bắc dải Gaza, khu vực bị tàn phá nặng nề nhất bởi các vụ oanh kích của Hamas hôm 07/10/2023. Một người dân ở Gaza cho biết ông cùng với ba người con phải ăn lá cây, ăn thức ăn dành cho súc vật. Một sinh viên cho biết mọi người phải dùng củi để nấu nướng, và rất nhiều cây cối cũng như cột điện bị chặt hạ để tạo lửa.

Để tránh thảm họa lan rộng, Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy Ban châu Âu, hôm nay tới cảng Larnaka ở đảo Síp, nằm cách Gaza 370 km, để tiến hành đưa thực phẩm viện trợ tới dải đất này bằng đường biển. Tổng thống Joe Biden cũng đã ra lệnh cho quân đội Mỹ xây dựng một cảng tạm thời ở Gaza để vận chuyển thêm viện trợ nhân đạo bằng đường biển.

Phan Minh

Published in Quốc tế

Đối thoại Pháp-Nga : Macron đặt Putin vào thế mạnh ? (RFI, 19/08/2019)

Một tuần trước khi diễn ra thượng đỉnh G7 tại Biarritz mà Nga không được mời, Emmanuel Macron tiếp đồng nhiệm Vladimir Putin tại biệt thự mùa hè của tổng thống Pháp ở Bormes-les-Mimosa để duyệt qua các hồ sơ quốc tế.

nga1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế ở Saint Petersburg, Nga ngày 25/05/2018.Photo : Dmitry Lovetsky/Pool/AFP

Từ sau vụ sáp nhập Crimea, chính sách của Paris đối với Moskva đặt trên nguyên tắc "đối thoại và cứng rắn". Trong bối cảnh uy tín suy yếu tại nước Nga, chủ nhân điện Kremlin một lần nữa được Pháp tạo cơ hội để khẳng định trên trường quốc tế.

Nhìn từ Moskva, thông tín viên Jean-Didier Revoin phân tích :

"Sau Versailles năm 2017 và Saint Petersbourg năm 2018, đây là lần thứ ba lãnh đạo Nga và Pháp gặp nhau. Cả hai đều nhấn mạnh đến tinh thần nói thẳng nói thật trong các cuộc trao đổi cho phép đề cập đến mọi vấn đề và ấn định những lằn ranh đỏ mà cả Vladimir Putin và Emmanuel Macron đều không muốn phiêu lưu vượt qua.

Được mời sang Pháp trước hội nghị G7, tổng thống Nga có cơ hội bảo vệ quan điểm của Moskva trên các vấn đề lớn sẽ được thảo luận vào cuối tuần nhân thượng đỉnh 7 cường quốc kinh tế thế giới mà Nga không được tham gia từ khi chiếm Crimea năm 2014.

Tuy sẽ không có những kết quả đột phá nhưng ít ra trong cuộc hội kiến tại Bormes-les-Mimosa, các ý kiến tương đồng giữa Paris và Moskva sẽ được hai bên thảo luận thêm : từ tình hình Ukraine với tân tổng thống Volodymyr Zelensky có thể mở ra những viễn cảnh mới, hay là hồ sơ Syria mà Nga và Pháp cùng cho là cần phải thúc đẩy giải pháp chính trị đang bị sa lầy từ nhiều tháng nay cũng như về hiệp định hạt nhân Iran. Trong hồ sơ thứ ba này, Paris và Moskva cùng lập trường kêu gọi Teheran có bổn phận tuân thủ thỏa thuận với quốc tế cho dù Hoa Kỳ rút lui.

Đối với Nga, đây là cơ hội thật tốt để bảo vệ quyền lợi quốc gia bên ngoài Câu lạc bộ G7 và với tư cách là một đối tác không thể thiếu để giải quyết các cuộc khủng hoảng trên thế giới".

Còn nhìn từ Paris, theo chuyên gia Tatiana Kastouéva-Jean, giám đốc Trung tâm Nga-NEI thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế IFRI, tổng thống Macron có dấu hiệu thiên về đối thoại hơn là cứng rắn.

Trình tự thời gian cũng bất lợi cho người muốn đối thoại. Cụ thể, năm 2018, khi xảy ra vụ mưu sát cha con cựu trung tá Skrypal ở Anh Quốc, tổng thống Pháp tẩy chay gian hàng Nga tại Hội chợ sách Paris nhưng không hủy chương trình thăm Saint Petersbourg. Cũng chính tổng thống Pháp vận động cho Nga trở lại Hội Đồng Nghị viện Châu Âu và tiếp tổng thống Putin một tuần trước thượng đỉnh G7 trong khi chờ đợi hội nghị ngoại giao-quốc phòng theo công thức 2+2 dự trù tái lập vào tháng 9.

Paris có lý do của Paris. Trong bối cảnh nước Anh vì Brexit, nước Đức vì Angela Merkel chuẩn bị về hưu chính trị, chỉ còn nước Pháp phải lên tuyến đầu vì quyền lợi Châu Âu. Với tư cách là chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Châu Âu và G7, tổng thống Macron xem như là lãnh đạo thế giới Tây phương, và như chính ông tuyên bố, có lý do chính đáng tìm "một xung lực mới để tái lập đối thoại chiến lược với Moskva".

Theo chuyên gia Tatiana Kastouéva-Jean, Pháp không ngây thơ, nhưng đặt nhiều hy vọng trong cuộc đối thoại với Nga. Tổng thống Putin cũng sẽ rất cảm kích cử chỉ của Pháp. Tuy nhiên, chủ nhân điện Kremlin xem cử chỉ hòa dịu này là thành quả của thái độ … cứng rắn của Nga. Không bao giờ Moskva trả lại Crimea. Thủy thủ Ukraine bị bắt hồi tháng 11/2018 tại eo biển Kertch tiếp tục ngồi tù, hộ chiếu Nga đã cấp cho dân Donbass. Trong nước, đối lập Nga tiếp tục bị khống chế và đàn áp để bảo vệ cho đảng Nước Nga Thống Nhất đang mất hết uy tín không bị thất bại nặng nề, nhất là tại Moskva trong cuộc bầu cử tháng 9.

Một lần nữa, thiện chí của nước Pháp bị lịch thời gian phản bội. Tổng thống Macron trải thảm đỏ đón Vladimir Putin trong lúc chủ nhân điện Kremlin xuống điểm, dân chúng than vãn bất bình chính sách kinh tế xã hội, theo bình luận của chuyên gia Tatiana Kastouéva-Jean, trên Le Monde đúng vào ngày tổng thống Nga đến Pháp.

Tú Anh

****************

Nga-Pháp : Macron tiếp Putin trước G7 (RFI, 19/08/2019)

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7, chiều 19/08/2019, tại khu nghỉ dưỡng Brégançon, Pháp, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Mục đích chính cuộc gặp là nhằm làm rõ những vấn đề quốc tế lớn cũng như quan hệ ngoại giao hai nước.

nga2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp báo với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, tại Saint-Pétersbourg, Nga, ngày 24/05/2018. © Reuters/Grigory Dukor

Hai nhà lãnh đạo trao đổi về các cuộc khủng hoảng lớn trên thế giới hiện nay. Đây là cơ hội để Nga có thể bày tỏ quan điểm về các vấn đề sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh G7. Nga đã bị gạt ra khỏi G7 từ sau cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014.

Với chính phủ Pháp, cuộc đối thoại với người hàng xóm lớn này là điều cần thiết trong nhiều hồ sơ nóng của thế giới. Nga là một tác nhân quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế dù Moskva đang gặp nhiều rắc rối trong quan hệ với các nước phương Tây.

Dự kiến, các vấn đề về Iran, Syria, Ukraine sẽ được đưa lên bàn thảo luận. Sự kiện Ukraine vừa có tân tổng thống Volodymyr Zelensky được Pháp đánh giá là mở ra nhiều triển vọng thúc đẩy giải quyết cuộc xung đột ở vùng miền đông Ukraine ly khai được Nga ủng hộ.

Theo nhận định của chuyên gia Alexandre Baunov, thuộc Trung tâm Carnegie, vấn đề chính là khởi động lại thỏa thuận Minsk để mang lại hòa bình trong vùng miền đông Ukraine,

Cuộc gặp có thể sẽ là cơ hội tốt giúp Pháp nói riêng và Châu Âu nói chung thoát ra khỏi thế bế tắc trong quan hệ với Nga, như nhận định của cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine trên báo Le Figaro hôm 17/08/2019.

RFI tiếng Việt

Published in Quốc tế

Macron và Putin nắn gân nhau tại lâu đài Versailles

Về thời sự quốc tế, hội kiến giữa hai nguyên thủ Pháp-Nga tại lâu đài Versailles đầu tuần tiếp tục là tâm điểm thời sự. Trang nhất Le Figaro giới thiệu cuộc phỏng vấn tổng thống Nga Putin, dưới hàng tựa : "Đừng bịa ra những đe dọa tưởng tượng từ Nga !". Nghi án dùng tài sản công không đúng nguyên tắc liên quan đến một bộ trưởng Pháp, lãnh đạo đảng Nước Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống, là chủ đề chính của Le MondeLibération. Les Echos vui mừng trước xu thế tăng trưởng trở lại của Pháp. La Croix lo ngại về số phận 10.000 người vượt biển vừa được cứu vớt, nhưng không biết sắp tới số phận ra sao. Trước hết, xin giới thiệu xã luận Le Monde về cuộc hội kiến Pháp-Nga : "Macron và Putin nắn gân nhau tại lâu đài Verseilles".

macron1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) và tổng thống Nga Vladimir Putin trên đường thăm khu vườn lâu đài Versailles, ngày 29/05/2017. Ảnh : Sputnik/Alexei Nikolsky/Kremlin via REUTERS

Le Monde ghi nhận, quan hệ Pháp - Nga vào lúc nhiệm kỳ của tổng thống Hollande kết thúc đang "đầy rẫy những bất đồng" : từ việc Nga can thiệp vào thời gian tranh cử tổng thống tại Pháp, cho đến hai hồ sơ Syria và Ukraine, hiện đang bế tắc trong bối cảnh Paris và Moskva ngờ vực nhau.

Mục tiêu của tổng thống Pháp là tái khởi động quan hệ song phương với Nga. Dịp khai trương một triển lãm về Pierre Le Grand (Pyotr Đại Đế) tại lâu đài Versailles, để đánh dấu 300 năm quan hệ ngoại giao Pháp-Nga đã được sử dụng với mục tiêu rõ ràng là để "làm đẹp mặt" tổng thống Nga.

Một tiếng đồng hồ thảo luận mặt đối mặt đã cho phép đưa ra một cách nhìn mang tính thực tế hơn về các hồ sơ bất đồng. Tân tổng thống Pháp đã có một cuộc đối thoại "trực diện và thẳng thắn", có nghĩa là thừa nhận các khác biệt trong hàng loạt vấn đề, nhưng đồng thời cũng để ngỏ cánh cửa cho các hợp tác tương lai.

Emmanuel Macron nhấn mạnh : "không có bất cứ một chủ đề căn bản nào trong thế giới hiện nay có thể tìm ra giải pháp mà không có một cuộc đối thoại" sâu sắc với Moskva.

Cụ thể là, tổng thống Pháp thừa nhận rằng "phải bảo tồn Nhà nước Syria", điều đó có nghĩa là "không đặt điều kiện Bachar al-Assad (tổng thống Syria) phải ra đi, thành điều kiện tiên quyết cho các thảo luận về tương lai chính trị của quốc gia bất hạnh này".

Paris cũng khẳng định rằng công thức Normandy, tức cơ chế bốn bên (bao gồm Pháp, Đức, Nga, Ukraine) để giải quyết vấn đề xung đột Ukraine là cơ chế phù hợp, nhưng vấn đề là các bên liên quan trực tiếp, bao gồm Nga và Ukraine, phải có các nỗ lực tối thiểu, điều chưa xảy ra cho đến nay.

Cuộc đối thoại với tổng thống Pháp để ngỏ cánh cửa cho khả năng Nga gia tăng áp lực với đối với chính quyền Syria, trước hết là trong vấn đề vũ khí hóa học. Trong hồ sơ Ukraine, tổng thống Pháp muốn Moskva hiểu rằng chính quyền Kiev có được tính chính đáng là nhờ bầu cử tự do, chứ không phải từ một cuộc đảo chính của "lực lượng thân phát xít", như tuyên truyền tại Nga, đồng thời "lập trường ủng hộ lực lượng cực hữu bài Châu Âu sẽ không có lợi gì cho nước Nga".

Theo Le Monde, trong cuộc thử sức đầu tiên với tổng thống Nga, nguyên thủ trẻ tuổi của Pháp Emmanuel Macron đã thành công ấn định được "phong cách" của mình, sẵn sàng phản bác các vu khống.

Điều quan trọng hơn là ông đã nỗ lực nắm lấy "cái thời điểm của Châu Âu", đúng vào lúc nước Anh quyết định rời khỏi Liên Hiệp, tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trương co cụm và Liên Hiệp Châu Âu đang đứng trước mục tiêu chung phải siết chặt hàng ngũ, thể hiện tiếng nói thống nhất trong các vấn đề lớn như Ukraine, Syria, biến đổi khí hậu.

Pháp và Nga : "Không thể ly dị, nhưng không chắc đồng thuận"

Tiếp tục bình luận về cuộc gặp giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nguyên thủ Nga Vladimir Putin tại cung điện Versailles, hôm thứ Hai, 29/05/2017, báo Le Figaro có bài phân tích "Pháp và Nga : Không thể ly dị nhưng không chắc đồng thuận" của nhà báo Laure Mandeville.

Sau khi nhắc lại chuyến công du nước Pháp của Pierre Le Grand cách nay 300 năm, tác giả cho rằng, Pháp và Nga có mối tình sử lâu đời, với những ảnh hưởng lẫn nhau về mặt trí thức. Paris "xuất khẩu" sang Moskva những tư tưởng của Cách mạng tư sản dân quyền Pháp, để rồi sau đó, cuộc Cách mạng Tháng Mười đã nuôi dưỡng niềm say mê mù quáng của tầng lớp trí thức Pháp đối với chủ nghĩa cộng sản Xô Viết. Các nhà văn Nga yêu thích tiếng Pháp, còn các triết gia Pháp thì say mê tư tưởng chuyên chế "không phải lúc nào cũng sáng suốt" của các Nga hoàng. Các mô hình chính trị - như vai trò của Nhà nước, chính sách tập quyền, vấn đề đế chế - cũng có những nét tương đồng.

Theo Le Figaro, chiều sâu lịch sử của mối liên hệ văn hóa và chính trị hiển nhiên là hậu cảnh cho chính sách ngoại giao của Pháp đối với Nga. Có thể nói, đó là những yếu tố khiến cho Nga và Pháp không thể "ly dị". Câu hỏi được đặt ra là qua việc tiếp Vladimir Putin ở Versailles, thái độ trọng thị của Emmanuel Macron đối với nước Nga có hiệu quả gì hay không ?

Tổng thống Pháp phải đối phó với Nga ngay trong nước

Những người tiền nhiệm của Macron, kể cả de Gaulle, nhân danh chính sách ngoại giao thực tiễn (realpolitik), đều phải chững lại trước "hố sâu ngăn cách về giá trị", không tạo ra được chiều sâu chiến lược trong quan hệ với nước Nga.

Giờ đây, trước một đất nước chỉ biết sử dụng ngôn ngữ sức mạnh, dọa nạt các láng giềng, không ngần ngại nhấn mạnh tư tưởng dân tộc chủ nghĩa bài tây phương, thái độ cần phải có của nước Pháp quả là khó, làm dấy lên nhiều tranh luận và chia rẽ nước Pháp. Emmanuel Macron hiểu được điều này và dường như muốn thúc đẩy Vladimir Putin nên có thái độ thực tế.

Le Figaro cho rằng tổng thống Pháp có lý, nhưng lưu ý : Tổng thống Macron không nên quên rằng, Pierre Le Grand muốn "Âu hóa nước Nga", trong lúc Putin lại có tham vọng "Nga hóa Châu Âu" và muốn đóng vai trò là biểu tượng cho một hướng đi khác, một "lối thoát" trước các nền dân chủ phương Tây bị ông tố cáo là "bất lực và suy đồi". Đương nhiên, luận điệu này nhằm che dấu những yếu kém hiển nhiên của "mô hình Nga" đang bị tàn phá bởi tình trạng không có tự do, nạn tham nhũng và giới tinh hoa thì bỏ tổ quốc ra đi.

Thế nhưng, trong một nước Pháp e ngại vì bất lực, Putin tìm được những người ủng hộ mình. Do vậy, Le Figaro cho rằng, đối với Macron, quan hệ với Nga cũng sẽ trở thành "một vấn đề chính trị nội bộ".

Bắc Kinh bắt Lý Minh Triết để răn đe giới hoạt động Đài Loan

Về thời sự Châu Á, trong quan hệ Bắc Kinh – Đài Bắc, Le Figaro chú ý đến vụ một nhà hoạt động Đài Loan bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ, với cáo buộc "lật đổ Nhà nước". Theo tờ báo, đây là lần đầu tiên một cáo buộc nặng nề như vậy nhằm vào một kiều dân của đảo quốc.

Ngày 19/05, ông Lý Minh Triết (Lee Ming Che), một nhà hoạt động nhân quyền, 42 tuổi bị bắt. Le Figaro dự đoán vụ bắt giữ xảy ra đúng vào lúc quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc rất căng thẳng, và vụ này rất có thể chỉ là điểm khởi đầu.

Theo những người quen biết, nhà hoạt động Lý Minh Triết, là tình nguyện viên của một hiệp hội bảo vệ nhân quyền, đã sử dụng các mạng xã hội để chia sẻ với người dân Trung Quốc các quan điểm của ông về tiến trình chuyển tiếp sang dân chủ tại Đài Loan, tặng sách và tiền bạc cho gia đình các luật sư nhân quyền Hoa Lục, cũng bị kết án bị tội "lật đổ" trước ông. Ông Lý Minh Triết đến Trung Quốc nhiều lần kể từ năm 2012.

Theo nhà hán học Jean-Pierre Cabestan, đại học Báp-tít Hồng Kông, "mọi sáng kiến từ bên ngoài, nhằm làm đổi hướng hệ thống chính trị hiện hành tại Trung Quốc là điều cấm kỵ". Chính quyền Trung Quốc rất có thể dùng trường hợp của ông Lý Minh Triết để răn đe các nhà hoạt động Đài Loan.

Quốc Hội Pháp : Đảng của tổng thống có thể có đa số tuyệt đối

Về triển vọng bầu cử Quốc Hội Pháp, trong bối cảnh hai bộ trưởng của tân chính phủ đang vướng vào một số nghi án lạm dụng tài sản công, một thăm dò dư luận hôm nay, được công bố trên Le Figaro cho thấy, đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống có khả năng sẽ giành được từ 320 đến 350 ghế, tức đa số tuyệt đối. 31% cử tri có ý định bầu cho đảng của tổng thống, vượt 7 điểm so với cuộc điều tra trước.

Ngược lại, có 42% người được hỏi cho biết muốn đối lập dành đa số, để buộc tổng thống phải "chung sống", hay nói cách khác chia sẻ quyền lực. Tuy nhiên, cũng trong cuộc thăm dò nói trên, đảng đối lập Những Người Cộng Hòa dự kiến sẽ chỉ dành được từ 140 đến 145 ghế, tức nhóm nghị sĩ lớn thứ hai trong Quốc Hội. Đảng Mặt Trận Quốc Gia cực hữu, dù được 17% người có ý định bầu, nhưng cũng chỉ đủ để có được từ 10 đến 15 ghế dân biểu. Đảng Xã Hội, cầm quyền nhiệm kỳ trước, lần này có thể chỉ còn được từ 40 đến 50 ghế.

Phải đánh thuế các-bon mới có tiền cho kinh tế xanh

Trong lĩnh vực môi trường, Le Monde giới thiệu bản báo cáo đáng chú ý về "thuế các-bon", một công cụ chủ yếu cho phép tạo nguồn tài chính cho cuộc chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh. Báo cáo do giải Nobel kinh tế Joseph Stiglitz và chuyên gia về kinh tế - khí hậu Nicholas Stern đồng chủ trì, theo sáng kiến của Ngân Hàng Thế Giới và bộ Môi Trường Pháp, được công bố hôm 29/05 (xem báo cáo "Report of the high-level commission on carbon prices").

Việc huy động vốn "nhàn rỗi" và chuyển luồng vốn đầu tư từ các năng lượng hóa thạch... là điều mang tính quyết định, để có tiền cho năng lượng tái tạo và các hoạt động hướng tới một xã hội tiết kiệm năng lượng, sử dụng "ít các-bon" (như xây nhà cách nhiệt, phương tiện giao thông xanh, các ngành công nghiệp và nông nghiệp tiêu thụ ít các-bon). Báo cáo Stern-Stiglitz khuyến cáo là một sắc thuế đối với khí thải gây hiệu ứng nhà kính, được xây dựng một cách hợp lý, sẽ tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. 

Theo báo cáo Stern-Stiglitz, để đạt được mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C và cố gắng giữ ở mức 1,5°C, theo Thỏa thuận Khí hậu Paris, thì nhìn chung cần phải đánh thuế từ 40 đến 80 đô la/ tấn các-bon vào năm 2020, từ 50 đến 100 đô la/tấn vào năm 2030. Tuy nhiên, mức thuế sẽ được điều chỉnh theo điều kiện của từng nước. [Hiện tại, 87% khí thải trên thế giới không chịu thuế, và ba phần tư lượng khí chịu thuế chỉ ở mức dưới 10 đô la/tấn]

Riêng tại Pháp, chỉ cần một mức thuế 20 euro/tấn khí thải là đã đủ để khiến ngành điện lực thoái vốn khỏi các năng lượng hóa thạch. Nhiều quỹ đầu tư như các công ty bảo hiểm, quỹ tiết kiệm... rất cần đến "những tín hiệu" rõ ràng như vậy để an tâm rót vốn vào các dự án kinh tế xanh mang tính dài hạn (xem thêm : Kinh tế Xanh : Giới đầu tư gây áp lực với G20).

Khuyến cáo đánh thuế khí thải, tùy theo điều kiện mỗi nước, cũng có nghĩa là từ bỏ chủ trương xây dựng một "giá khí thải" duy nhất toàn cầu, điều ngày càng bị cho là ảo tưởng.

Bên cạnh vấn đề đánh thuế khí thải, báo cáo Stern-Stiglitz cũng đề nghị giới kinh tế học xây dựng lại các mô hình đang thịnh hành hiện nay, "rõ ràng là không cho phép hiểu đúng được các thách thức về sinh thái". Cụ thể là những mô hình như của đại học Yale, dự báo kinh tế toàn cầu thiệt hại 10% GDP, nếu nhiệt độ Trái đất tăng lên 6°C vào cuối thế kỷ. Dự báo như vậy chắc chắn rất xa sự thật.

Báo cáo Stern-Stiglitz là một tiếng kêu báo động khẩn thiết mới, trong bối cảnh một năm rưỡi sau Thượng đỉnh Paris, tại nhiều nơi trên thế giới, như ở Đông Nam Á hay Nam Phi, việc dùng than - một năng lượng hết sức ô nhiễm - để sản xuất điện vẫn được khuyến khích…

Hàng trăm triệu smartphone bỏ không : Trách nhiệm của nhà sản xuất ?

Báo Libération hôm nay, nhân "Tuần lễ phát triển bền vững" đang diễn ra tại Châu Âu, có bài giới thiệu về tình trạng tại Pháp, có cả 100 triệu điện thoại di động, không còn được sử dụng nữa, nhưng vẫn bị "bỏ trong ngăn kéo", cho dù có đến khoảng 70% người được phỏng vấn hiểu rằng điện thoại di động sử dụng rất nhiều nguyên liệu quí hiếm trong tự nhiên.

Cho đến nay, trong số khoảng 22 -23 triệu chiếc mua hàng năm tại Pháp, chỉ có khoảng 1 triệu, tương đương 5% là được tái chế.

Theo Libération, chịu trách nhiệm trước tiên và chủ yếu về tình trạng lãng phí này không phải là khách hàng, mà là các tập đoàn sản xuất như Apple, Samsung hay Hoa Vi (Hua- Wei).

Các tập đoàn này đầu tư chủ yếu cho việc cải tiến công nghệ, nhằm kích thích người tiêu thụ vứt bỏ máy đang dùng, để chuyển sang mua máy đời mới nhất, thay vì tìm cách tái sử dụng các linh kiện, hay tái chế máy cũ. Theo nhà báo Mỹ Jason Koebler, tập đoàn Apple đã "ngăn chặn mọi sáng kiến nhằm kéo dài tuổi thọ của các sản phẩm".

Ngược lại với hành xử bất chấp hậu quả sinh thái của các tập đoàn lớn, một số sáng kiến xuất hiện. Công ty Hà Lan Fairphone sắp đưa ra thị trường loại điện thoại di động tôn trọng sinh thái, và chú ý đến điều kiện làm việc của công nhân (appareil équitable). Điện thoại Fairphone dễ dàng sửa chữa, nhờ vậy "tuổi thọ" của máy có thể tăng gấp đôi.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Lịch sử và Nghệ thuật giao tiếp : "Vốn ngoại giao" của Emmanuel Macron

Emmanuel Macron đã ghi thêm một điểm trong công luận Pháp khi đón tiếp long trọng đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại cung điện Versailles. Đây là chủ đề được nhiều nhật báo lớn tại Pháp hôm nay 30/05/2017 đề cập đến. Hầu hết, các báo Pháp đều đánh giá cao cuộc trao đổi "cứng rắn và thẳng thắn" giữa hai nguyên thủ Pháp - Nga.

macronputin1

Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron (P) và đồng nhiệm Nga, Vladimir Putin tại phòng trưng bày "Những cuộc chiến" ở cung điện Versailles, Pháp, ngày 29/05/2017. REUTERS/Stephane De Sakutin

"Một làn gió hạ nhiệt giữa Pháp và Nga" là ghi nhận của Libération. Mang tiếng là được mời đến khánh thành một cuộc triển lãm tại Grand Trianon của cung điện Versailles nhưng tổng thống Nga được đồng nhiệm Pháp tiếp đón với đủ mọi nghi lễ long trọng. 

Cuộc gặp đầu tiên được khởi đầu bằng việc khánh thành triển lãm mang chủ đề "Pierre Đại Đế, một Sa hoàng tại Pháp", mô tả lại chuyến viếng thăm của hoàng đế Nga tại cung điện Versailles cách nay đúng 300 năm (1717 – 2017), đánh dấu bước đầu quan hệ ngoại giao giữa hai nước. 

Thế nhưng, theo nhận xét của Libération, cuộc gặp giữa Macron và Putin, cuộc tiếp xúc đầu tiên hôm qua mang tính chất thăm dò tình thế hơn là tái khởi động mạnh mẽ mối quan hệ giữa Pháp và Nga. Buổi nói chuyện giữa hai nguyên thủ kéo dài hơn dự kiến. Tờ báo lấy làm tiếc rằng tuy nhiều chủ đề nhậy cảm đã được đề cập đến nhưng chưa có một giải pháp nào được đề xuất. 

Le Figaro trên trang nhất với tấm ảnh Macron tươi cười đưa tay bắt tổng thống Nga trước cung điện Versailles, chạy hàng tít lớn : "Macron và Putin : Cùng nhau chống khủng bố".

Còn theo nhận định của nhật báo công giáo La Croix, giữa "Macron và Putin : Một cuộc trao đổi rất thẳng thắn và trực tiếp". Trong hồ sơ Syria, cả hai nguyên thủ đồng ý thiết lập một nhóm làm việc chung để tăng cường hợp tác giữa hai nước trong cuộc chiến chống khủng bố. Tổng thống Pháp đặc biệt nhấn mạnh đến việc phải bảo đảm "tiến trình chuyển gia dân chủ nhưng vẫn giữ được Nhà nước Syria".

Trước đồng nhiệm Nga, nguyên thủ Pháp vạch ra "lằn ranh đỏ", cảnh báo Pháp sẵn sàng có những "hành động đáp trả tức thì" nếu Damascus tái sử dụng vũ khí hóa học. Ông Macron kêu gọi Nga và liên quân nên tạo thuận lợi cho việc tiếp tế nhân đạo cho các thường dân.

Về hồ sơ Ukraine, cả hai lãnh đạo Pháp và Nga đều nhất trí sớm tổ chức một cuộc họp bốn bên "khuôn khổ Normandy" (Pháp, Đức, Nga và Ukraine) nhằm tìm giải pháp chấm dứt cuộc xung đột ở đông Ukraine, hiện do phe ly khai thân Nga chiếm giữ. Bên cạnh những hồ sơ quốc tế nóng bỏng, tổng thống Pháp còn đề cập đến một số vấn đề nhân quyền tại Nga và Tchetchenia…

Macron cởi mở đối lập Putin khép kín

Nếu như báo kinh tế Les Echos nhận thấy với "nước Nga, ông Macron đang đánh cược vào sự tin tưởng", nhật báo thiên hữu Le Figaro lạc quan nghĩ là "Macron đang vạch ra một hướng hợp tác với Putin". Tờ báo dành hai trang để nhận định về cuộc tiếp xúc ngày hôm qua. Trái với những lời chỉ trích ứng viên Macron trong suốt chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, lần này Le Figaro hết lời ca ngợi tân tổng thống Pháp.

Tờ báo viết : "Emmanuel Macron tự nhiên, cương quyết, làm chủ hoàn toàn các chủ đề, và nhất là rất tự tin", đối lập với một "Vladimir Putin có vẻ căng thẳng, nét mặt hơi khép kín. Bài diễn văn có vẻ thiếu mạch lạc và không có hồn".

Một "Emmanuel Macron trong thế thượng phong" trước một "Vladimir Putin có điều gì đó cần được tha thứ : Việc tiếp bà Marine Le Pen tại điện Kremlin và các vụ tấn công tin học của Nga nhắm vào phong trào En Marche ! trong suốt chiến dịch vận động tranh cử".

Nhưng ông Macron có được những thế mạnh trên đó là nhờ vào yếu tố thiên thời. Tình hình quốc tế hiện nay đang có lợi cho nước Pháp : Vương Quốc Anh bận rộn với chuyện Brexit ; Hoa Kỳ trở nên khó tiên liệu kể từ Donald Trump vào Nhà Trắng ; và nước Đức đang chuẩn bị cho bầu cử lập pháp. Do đó, khi đối mặt với Putin, tổng thống Pháp đã có đủ tự tin để khẳng định mình.

Tuy nhiên, xã luận của Le Figaro lưu ý là sau những lời lẽ "cứng rắn và thẳng thắn" cũng đừng quên hành động. Bởi vì, từ lâu nay Châu Âu chỉ nói suông trong các hồ sơ quan trọng như Syria và Ukraine và công luận đã cảm thấy chán ngán trước những lời lên án sáo rỗng vô tác dụng.

Lịch sử và nghệ thuật giao tiếp : Công cụ ngoại giao hiệu quả của Macron

Thành công của cuộc gặp Macron – Putin không chỉ nhờ vào thời thế. Theo nhà báo Guillaume Tabard trên Le Figaro, thành công đó có được là nhờ tổng thống Pháp biết sử dụng hai công cụ chính "Hiểu biết Lịch sử và Nghệ thuật giao tiếp".

Không ai có thể phủ nhận được sự khôn khéo của tổng thống Pháp. Lời mời này dành cho Putin là sáng kiến ngoại giao đầu tiên của ông. Bởi vì thượng đỉnh NATO tại Bruxelles và G7 tại Taormina ở Ý đã được ghi trước trong lịch trình quốc tế.

Chọn Versailles mà không chọn Elysée là một sự chọn lựa mang tính chất lịch sử hơn là chính trị. Vừa trang trọng hơn mà ít chính thức hơn. Vừa gây ấn tượng hơn mà ít nghi lễ hơn. Vị tổng thống trẻ tuổi nhất trong nền Đệ Ngũ Cộng Hòa thích được hòa theo dòng lịch sử. Hơn nữa, đâu còn địa điểm nào tốt hơn để thu hút Putin, người không ngừng thêu dệt lại cả dòng lịch sử nước Nga.

Không những nhậy cảm với lịch sử, Macron cũng tinh tế trong giao tiếp. Dưới những ánh vàng của điện Versailles, tân tổng thống Pháp không chỉ chăm chút cho mối quan hệ với đồng nhiệm Nga, mà còn cho cả việc đánh bóng hình ảnh chính mình.

Macron muốn tận dụng vào thời điểm này, thời điểm ông có thể bị soi xét về thái độ và còn chưa bị đánh giá về hành động. Người ta đã thấy rõ điều đó qua thượng đỉnh G7 cũng như cú bắt tay nảy lửa với tổng thống Mỹ Donald Trump.

Khi nhanh chóng mời tổng thống Nga, ông Macron có thể muốn ưu tiên thiện chí khôi phục trục quan hệ Paris – Moskva dựa trên những nền tảng mới. Kết quả ra sao giờ vẫn chưa đánh giá được. Nhưng ông biết rằng ngoại giao hình ảnh cũng phù du như là lộc trời ban lúc đầu nhiệm kỳ.

Minh Anh

Published in Quốc tế

Ukraine : Macron tuyên bố đối thoại ''không khoan nhượng'' với Putin (RFI, 28/05/2017)

Ngày thứ hai 29/05/2017, tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ được Pháp đón tiếp một cách trọng thể tại cung điện Versailles. Trong cuộc họp báo kết thúc thượng đỉnh G7, tổng thống Emmanuelle Macron tuyên bố là sẽ có những "đòi hỏi khắt khe" với chủ nhân điện Kremlin về hồ sơ Ukraine, cũng như đã có những "trao đổi không khoan nhượng" với tổng thống Mỹ về khí hậu. Tân lãnh đạo trẻ tuổi của Pháp, qua cuộc thử lửa ngoại giao đầu tiên, muốn chứng tỏ có khả năng đóng vai trò chủ động trên các hồ sơ quốc tế.

putin1

Nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong Điện Versailles ngày 29/05/2017. Reuters

Từ Taormina, đặc phái viên Valérie Gas phân tích :

"Trong buổi họp báo kết thúc thượng đỉnh G7, Emmanuel Macron đã ca ngợi khả năng biết lắng nghe và tinh thần thực tế của tổng thống Mỹ Donald Trump. Nguyên thủ Pháp còn nói rằng ông tin tưởng là Donald Trump sẽ khẳng định các cam kết của Hoa Kỳ trong Thỏa thuận Khí hậu Paris, nhưng cũng cho biết ông không muốn bình luận về quyết định mà tổng thống Mỹ dự kiến sẽ đưa ra trong những ngày tới. 

Tổng thống Pháp nhấn mạnh đến ý nghĩa tích cực của thượng đỉnh G7, bởi chỉ mới đây thôi Hoa Kỳ đã muốn rời bỏ Thỏa thuận về khí hậu. 

Emmanuel Macron nhấn mạnh đến cơ chế của thượng đỉnh giữa bảy quốc gia phát triển là thuận lợi và hiệu quả, cho phép các nhà lãnh đạo thảo luận trực tiếp. Rõ ràng nguyên thủ Pháp muốn ưu tiên đối thoại và trao đổi hơn là đối đầu. Đây là phương pháp mà ông sẽ triển khai trong cuộc gặp với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin vào ngày mai tại Paris. 

Tổng thống Emmanuel Macron cho biết là ông sẽ có một cuộc ‘‘đối thoại khắt khe’’ với tổng thống Nga, bởi nhiều vấn đề quốc tế, đặc biệt là hồ sơ Syria, sẽ không thể được giải quyết, nếu không có một cuộc trao đổi không khoan nhượng với Moskva".

Trả lời phỏng vấn tuần báo chủ nhật Journal Du Dimanche, 28/05/2017, khi được hỏi về cú "bắt tay" như đọ sức với Donald Trump, mà báo chí Mỹ bình luận suốt hai ngày qua, tổng thống Emmanuel Macron cho biết ông cố tình làm như thế. Đó là "thời điểm của sự thật", là "tín hiệu" để đối tác biết rằng mình dứt khoát không nhượng bộ cho dù chỉ là "một hình ảnh tượng trưng".

Tổng thống Macron xác định nghệ thuật của ngoại giao là đối thoại chứ không phải là dùng lời lẽ thô lỗ để áp đảo. Những người như "Donald Trump, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan hay tổng thống Nga Vladimir Putin suy nghĩ theo "logic" tương quan lực lượng", tuy nhiên, tôi không để cho họ lấn lướt và như thế họ phải tôn trọng mình, tổng thống Pháp kết luận.

Tú Anh

*****************

Đức cân nhắc rút binh sỹ khỏi căn cứ quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ (Vietnam+, 28/05/2017)

Reuters đưa tin, một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Đức ngày 28/5 cho biết quốc gia này đang căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ bởi một chuỗi vụ tranh cãi sẽ quyết định liệu có rút các binh sỹ được điều đến căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 2 tuần nữa hay không.

putin2

Căn cứ không quân Incirlik ở thành phố Adana, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh : EPA/TTXViệt Nam)

Nguồn tin trên nêu rõ : "Chúng tôi vẫn đang tổ chức các cuộc hội đàm với phía Thổ Nhĩ Kỳ về Incirlik và chúng tôi sẽ phối hợp để đưa ra một giải pháp cho đến giữa tháng Sáu tới".

Gần 250 binh sỹ Đức đang đóng quân tại căn cứ Incirlik để hỗ trợ cuộc chiến chống lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Tuần trước, Berlin cho biết đang cân nhắc việc điều các binh sỹ từ Incirlik tới Jordan hay một quốc gia khác trong khu vực bởi Ankara đã từ chối cho phép các nghị sỹ Đức tới căn cứ quân sự này với lý do chuyến thăm "không thích hợp tại thời điểm này".

Published in Quốc tế