Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

19/08/2019

Pháp và sự tái hội nhập Nga vào cộng đồng thế giới

RFI tiếng Việt

Đối thoại Pháp-Nga : Macron đặt Putin vào thế mạnh ? (RFI, 19/08/2019)

Một tuần trước khi diễn ra thượng đỉnh G7 tại Biarritz mà Nga không được mời, Emmanuel Macron tiếp đồng nhiệm Vladimir Putin tại biệt thự mùa hè của tổng thống Pháp ở Bormes-les-Mimosa để duyệt qua các hồ sơ quốc tế.

nga1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế ở Saint Petersburg, Nga ngày 25/05/2018.Photo : Dmitry Lovetsky/Pool/AFP

Từ sau vụ sáp nhập Crimea, chính sách của Paris đối với Moskva đặt trên nguyên tắc "đối thoại và cứng rắn". Trong bối cảnh uy tín suy yếu tại nước Nga, chủ nhân điện Kremlin một lần nữa được Pháp tạo cơ hội để khẳng định trên trường quốc tế.

Nhìn từ Moskva, thông tín viên Jean-Didier Revoin phân tích :

"Sau Versailles năm 2017 và Saint Petersbourg năm 2018, đây là lần thứ ba lãnh đạo Nga và Pháp gặp nhau. Cả hai đều nhấn mạnh đến tinh thần nói thẳng nói thật trong các cuộc trao đổi cho phép đề cập đến mọi vấn đề và ấn định những lằn ranh đỏ mà cả Vladimir Putin và Emmanuel Macron đều không muốn phiêu lưu vượt qua.

Được mời sang Pháp trước hội nghị G7, tổng thống Nga có cơ hội bảo vệ quan điểm của Moskva trên các vấn đề lớn sẽ được thảo luận vào cuối tuần nhân thượng đỉnh 7 cường quốc kinh tế thế giới mà Nga không được tham gia từ khi chiếm Crimea năm 2014.

Tuy sẽ không có những kết quả đột phá nhưng ít ra trong cuộc hội kiến tại Bormes-les-Mimosa, các ý kiến tương đồng giữa Paris và Moskva sẽ được hai bên thảo luận thêm : từ tình hình Ukraine với tân tổng thống Volodymyr Zelensky có thể mở ra những viễn cảnh mới, hay là hồ sơ Syria mà Nga và Pháp cùng cho là cần phải thúc đẩy giải pháp chính trị đang bị sa lầy từ nhiều tháng nay cũng như về hiệp định hạt nhân Iran. Trong hồ sơ thứ ba này, Paris và Moskva cùng lập trường kêu gọi Teheran có bổn phận tuân thủ thỏa thuận với quốc tế cho dù Hoa Kỳ rút lui.

Đối với Nga, đây là cơ hội thật tốt để bảo vệ quyền lợi quốc gia bên ngoài Câu lạc bộ G7 và với tư cách là một đối tác không thể thiếu để giải quyết các cuộc khủng hoảng trên thế giới".

Còn nhìn từ Paris, theo chuyên gia Tatiana Kastouéva-Jean, giám đốc Trung tâm Nga-NEI thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế IFRI, tổng thống Macron có dấu hiệu thiên về đối thoại hơn là cứng rắn.

Trình tự thời gian cũng bất lợi cho người muốn đối thoại. Cụ thể, năm 2018, khi xảy ra vụ mưu sát cha con cựu trung tá Skrypal ở Anh Quốc, tổng thống Pháp tẩy chay gian hàng Nga tại Hội chợ sách Paris nhưng không hủy chương trình thăm Saint Petersbourg. Cũng chính tổng thống Pháp vận động cho Nga trở lại Hội Đồng Nghị viện Châu Âu và tiếp tổng thống Putin một tuần trước thượng đỉnh G7 trong khi chờ đợi hội nghị ngoại giao-quốc phòng theo công thức 2+2 dự trù tái lập vào tháng 9.

Paris có lý do của Paris. Trong bối cảnh nước Anh vì Brexit, nước Đức vì Angela Merkel chuẩn bị về hưu chính trị, chỉ còn nước Pháp phải lên tuyến đầu vì quyền lợi Châu Âu. Với tư cách là chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Châu Âu và G7, tổng thống Macron xem như là lãnh đạo thế giới Tây phương, và như chính ông tuyên bố, có lý do chính đáng tìm "một xung lực mới để tái lập đối thoại chiến lược với Moskva".

Theo chuyên gia Tatiana Kastouéva-Jean, Pháp không ngây thơ, nhưng đặt nhiều hy vọng trong cuộc đối thoại với Nga. Tổng thống Putin cũng sẽ rất cảm kích cử chỉ của Pháp. Tuy nhiên, chủ nhân điện Kremlin xem cử chỉ hòa dịu này là thành quả của thái độ … cứng rắn của Nga. Không bao giờ Moskva trả lại Crimea. Thủy thủ Ukraine bị bắt hồi tháng 11/2018 tại eo biển Kertch tiếp tục ngồi tù, hộ chiếu Nga đã cấp cho dân Donbass. Trong nước, đối lập Nga tiếp tục bị khống chế và đàn áp để bảo vệ cho đảng Nước Nga Thống Nhất đang mất hết uy tín không bị thất bại nặng nề, nhất là tại Moskva trong cuộc bầu cử tháng 9.

Một lần nữa, thiện chí của nước Pháp bị lịch thời gian phản bội. Tổng thống Macron trải thảm đỏ đón Vladimir Putin trong lúc chủ nhân điện Kremlin xuống điểm, dân chúng than vãn bất bình chính sách kinh tế xã hội, theo bình luận của chuyên gia Tatiana Kastouéva-Jean, trên Le Monde đúng vào ngày tổng thống Nga đến Pháp.

Tú Anh

****************

Nga-Pháp : Macron tiếp Putin trước G7 (RFI, 19/08/2019)

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7, chiều 19/08/2019, tại khu nghỉ dưỡng Brégançon, Pháp, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Mục đích chính cuộc gặp là nhằm làm rõ những vấn đề quốc tế lớn cũng như quan hệ ngoại giao hai nước.

nga2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron họp báo với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, tại Saint-Pétersbourg, Nga, ngày 24/05/2018. © Reuters/Grigory Dukor

Hai nhà lãnh đạo trao đổi về các cuộc khủng hoảng lớn trên thế giới hiện nay. Đây là cơ hội để Nga có thể bày tỏ quan điểm về các vấn đề sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh G7. Nga đã bị gạt ra khỏi G7 từ sau cuộc khủng hoảng Crimea năm 2014.

Với chính phủ Pháp, cuộc đối thoại với người hàng xóm lớn này là điều cần thiết trong nhiều hồ sơ nóng của thế giới. Nga là một tác nhân quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế dù Moskva đang gặp nhiều rắc rối trong quan hệ với các nước phương Tây.

Dự kiến, các vấn đề về Iran, Syria, Ukraine sẽ được đưa lên bàn thảo luận. Sự kiện Ukraine vừa có tân tổng thống Volodymyr Zelensky được Pháp đánh giá là mở ra nhiều triển vọng thúc đẩy giải quyết cuộc xung đột ở vùng miền đông Ukraine ly khai được Nga ủng hộ.

Theo nhận định của chuyên gia Alexandre Baunov, thuộc Trung tâm Carnegie, vấn đề chính là khởi động lại thỏa thuận Minsk để mang lại hòa bình trong vùng miền đông Ukraine,

Cuộc gặp có thể sẽ là cơ hội tốt giúp Pháp nói riêng và Châu Âu nói chung thoát ra khỏi thế bế tắc trong quan hệ với Nga, như nhận định của cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine trên báo Le Figaro hôm 17/08/2019.

RFI tiếng Việt

Quay lại trang chủ
Read 563 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)