Nước Pháp tổ chức Quốc Khánh trong bầu không khí ảm đạm
Ngày Quốc Khánh và các hoạt động đi kèm là chủ đề được các tờ báo Pháp quan tâm nhất hôm nay 14/07/2023.
Biểu diễn máy bay trong lễ diễu binh mừng Quốc khánh Pháp 14/07/2023, tại Paris, Pháp. Reuters – Gonzalo Fuentes
Tờ Le Figaro dành bài xã luận nói về việc Pháp tổ chức Quốc Khánh năm nay trong bầu không khí hết sức ảm đạm. Đèn lồng không được thắp sáng, vì đây sẽ là ngày hội trong tình trạng giới nghiêm. Ở nhiều thành phố của Pháp, trẻ em sẽ không lóa mắt bởi ánh đèn đêm, các lễ hội sẽ không được tổ chức trên những quảng trường. Xe buýt không chạy và người dân đóng cửa ngồi trong nhà. Dường như đây là không khí của ngày Quốc Khánh Pháp năm nay. Giờ đây, cảnh sát đi tuần trên toàn quốc, lính cứu hỏa trong tình trạng báo động, còn các thị trưởng thì cảm thấy bất an. Đó có thể là do bối cảnh nhạy cảm hiện tại sau những vụ bạo loạn vừa qua và bởi thận trọng là mẹ đẻ của an toàn.
Nhật báo thiên hữu đồng tình với những biện pháp được áp dụng để tránh xảy ra các vụ đụng độ mới, nhưng đặt câu hỏi về thời đại con người đang sống. Khi Hoa Kỳ dựng hàng loạt rào chắn vào ngày 04/07, hay đường phố ở Tây Ban Nha vắng tanh vào ngày 12/10, thì dường như đây là dấu hiệu đáng lo ngại của những quốc gia không thể tổ chức ngày hội của mình một cách an toàn, những quốc gia buộc phải "nhắm mắt" với lịch sử của chính mình.
Người dân sẽ phải tự an ủi với việc xem quân đội diễu binh, hay bày tỏ lòng biết ơn đối với những người lính Pháp sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đất nước.
Việc tổng thống Macron không phát biểu không phải là điều đáng chú ý, bởi tổng thống Pháp không có nghĩa vụ phải trả lời báo giới vào hôm nay. Tuy nhiên, Le Figaro tỏ ra ngạc nhiên trước sự im lặng của chủ nhân điện Elysée trong bối cảnh hiện nay. Dường như Emmanuel Macron vẫn không muốn đề cập đến số liệu thống kê về các cuộc bạo loạn vừa qua. Ông Macron dường như không lường trước được điều mà rất nhiều người như các chuyên gia hay các nhà phân tích, từ 20 năm qua đã dự báo trước những thảm họa này. Chính phủ vẫn khăng khăng nói rằng những vụ nói trên không dính líu gì đến vấn đề nhập cư. Le Figaro nhận định rằng chính việc từ chối nhìn vào sự thật mới là điều không thể lường trước.
Nhà văn Milan Kundera từng viết "con người là kẻ đi trong sương mù" và Emmanuel Macron thì vẫn không muốn nhìn vào sự thật.
Vai trò của "chính trị" trong các cuộc bạo loạn
Trang nhất và bài xã luận của tờ Libération quan tâm đến việc "đẩy nhanh tái thiết" sau các cuộc bạo loạn vừa qua. Hơn 750 tòa nhà công sở đã bị tấn công, phá hủy hoặc đốt cháy trong các sự kiện diễn ra từ ngày 27/06 đến ngày 05/07 sau cái chết của thiếu niên Nahel. Hai tuần sau, các thư viện, trường học hay thậm chí các trung tâm xã hội đã trở nên vô cùng thiếu thốn đối với những đối tượng thường rất cần chúng ở những khu vực đang gặp nhiều khó khăn. Bây giờ mọi người phải "tùy cơ ứng biến" để duy trì những cơ sở giảng dạy, làm việc hay đơn giản là những cơ sở thiết yếu phục vụ cuộc sống. Ngoài ra, một dự luật "liên quan đến việc đẩy nhanh tái thiết" đã được chính phủ thảo luận vào hôm qua. Văn bản sẽ được đệ trình lên Thượng Viện, sau đó là Hạ Viện vào tuần tới.
Nhưng điều khiến nhật báo thiên tả băn khoăn là tại sao các tòa nhà công sở lại hay bị tấn công đến vậy ? Tại sao giới trẻ lại tấn công những gì được tạo ra để phục vụ cho họ ? Ở những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chính quyền địa phương đang tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thảm kịch này. Libération cho rằng cần phải loại bỏ ý nghĩ rằng những kẻ bạo loạn không hiểu và chỉ lo bảo vệ lợi ích của chính họ, rằng hành động của họ là "mù quáng", là "man rợ" trong giai đoạn "phi văn minh hóa". Nhật báo thiên tả nhận định rằng "chính trị" đứng đằng sau tất cả những sự cố này. Khi nghiệp đoàn nông nghiệp FNSEA phóng hỏa một sở thuế, mục đích của họ là nhắm tới Nhà nước. Khi những người theo phong trào "Áo Vàng" đốt cháy trụ sở của chủ tịch tỉnh, thì đó cũng nhằm mục đích chính trị. Vậy khi giới trẻ phá hủy những gì thuộc về họ thì cần phải hiểu rằng họ bị bế tắc trong cuộc sống. Và mọi người phải nhận thấy rằng chỉ có những biện pháp chính trị mới có thể cải thiện tình trạng bất ổn này.
Vai trò của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
Nhật báo Le Monde dành trang nhất về vai trò của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi khi ông được tổng thống Macron mời đến dự lễ duyệt binh nhân ngày Quốc Khánh Pháp. Từng bị ghẻ lạnh và gạt ra bên lề, giờ đây, thủ tướng Modi được tôn vinh ở Washington, được tán dương ở Paris. Ngoài vai trò là đối tác thiết yếu của các lãnh đạo phương Tây và các nước Nam bán cầu, ông còn có khả năng đối thoại với Nga cũng như với Nhật Bản hoặc Saudi Arabia. Là khách mời danh dự trong buổi lễ ngày 14/07, trong đó 250 binh sĩ Ấn Độ tham gia diễu binh trên đại lộ Champs-Elysées, ông Narendra Modi đã đi một chặng đường dài. Trước đây bị tố cáo đồng lõa trong các cuộc tàn sát người Hồi giáo tại bang Gujarat vào năm 2002 khiến hơn một nghìn người chết, ông từng bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ trong vòng 10 năm.
Ấn Độ, trong một thời gian dài là quốc gia đi đầu trong phong trào không liên kết, đã phát triển dưới sự lãnh đạo của ông Modi một khái niệm độc đáo về ngoại giao "đa liên kết", cho phép nước này tái khẳng định sự độc lập chiến lược và mở rộng phạm vi ảnh hưởng. New Delhi vẫn là một đối tác quan trọng của Nga - nước mà họ vẫn phụ thuộc 50% công nghệ quốc phòng, đồng thời mua dầu thô và khí đốt với giá rất rẻ kể từ khi Nga tiến hành chiến tranh ở Ukraine. Mặc dù vậy, Ấn Độ ngày càng xích lại gần Hoa Kỳ, do Washington coi New Delhi là đối trọng lý tưởng đối với sự trỗi dậy của chế độ Bắc Kinh.
Ấn Độ cũng có thể tự hào về những kết quả kinh tế cho phép nước này ngày càng có ảnh hưởng trên trường quốc tế với triển vọng tăng trưởng 5,9% vào năm 2023, một trong những mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Ấn Độ giờ đây là nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới sau khi tận dụng cơ hội các nhà đầu tư nước ngoài quay lưng lại với Trung Quốc và đa dạng hóa chuỗi sản xuất của mình. Dự kiến, nền kinh tế của Ấn Độ sẽ vượt qua Nhật Bản và Đức từ nay đến năm 2028, nhưng nước này vẫn là nơi mà 229 triệu người sống dưới mức nghèo khổ, theo Liên Hiệp Quốc.
Mới bị cách chức, tướng Ivan Popov là ai ?
Tờ Libération quan tâm đến Ivan Popov, viên tướng Nga mới bị cách chức do chỉ trích cấp trên. Vào thời điểm quân đội Ukraine đang phản công một cách chật vật, từng bước đẩy lùi quân chiếm đóng, quân đội Nga cũng đang hứng chịu tổn thất nặng nề ở trên bộ, và tiếp tục lục đục nội bộ. Vào tối 12/07, thiếu tướng Ivan Popov, tư lệnh tập đoàn quân 58, một trong những đơn vị quan trọng nhất của quân đội Nga, đã công khai chỉ trích cấp trên của mình.
Trong một tin nhắn âm thanh dài bốn phút, người đàn ông 48 tuổi với biệt danh "Spartak" nói với cấp dưới của mình như sau : "Tôi phải im lặng hoặc trở thành một kẻ hèn nhát và nói những gì họ muốn nghe. Tôi không thể nói dối nhân danh mọi người, những người đã hy sinh trên chiến trường".
Ông Popov nói rằng đã yêu cầu cấp trên của mình luân chuyển các đơn vị tiền tuyến, những đơn vị đang chịu thương vong nặng nề do thiếu hệ thống trinh sát và pháo phản công. "Các nhà lãnh đạo cấp cao hẳn đã coi tôi là một mối nguy hiểm nhất định, và chỉ trong vòng một ngày, đã soạn ra lệnh từ bộ trưởng Quốc Phòng và cách chức tôi".
Từ hôm 11/07, một kênh Telegram liên kết với nhóm Wagner có tên là "Grey Zone", đã đưa tin về cuộc tranh cãi một ngày trước đó giữa tổng tham mưu trưởng quân đội Valery Gerasimov và thiếu tướng Ivan Popov. Ông Popov khăng khăng đòi luân chuyển các đơn vị bị thương vong nặng nề sau khi có mặt trên chiến tuyến quá lâu và đe dọa sẽ báo cáo trực tiếp với tổng thống Vladimir Putin, dường như không biết gì về tình hình thảm khốc trên thực địa.
Gerasimov được cho là đã cáo buộc ông Popov làm trầm trọng hóa vấn đề. Sau đó, vẫn hôm 11/07, một tên lửa Storm Shadow đã rơi xuống khách sạn Diuna ở Berdiansk, nơi có sở chỉ huy của tập đoàn quân 58, giết chết tướng Oleg Tsokov. Nhưng ông Tsokov dường như tình cờ có mặt trong khách sạn vào thời điểm đó. Các blog quân sự Nga cho biết rằng mục tiêu thực sự là tướng Popov và đây là cách bộ chỉ huy cấp cao loại bỏ những "kẻ dư thừa" bằng cách cung cấp tọa độ của sở chỉ huy cho quân đội Ukraine.
Nạn đói trên thế giới vẫn hoành hành
Trang nhất của Le Monde đề cập đến nạn đói trên thế giới chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Bức tranh về nạn đói trên thế giới có nhiều màu sắc khác nhau. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc về an ninh lương thực thế giới, được công bố hôm 12/07, sau 6 năm liên tục gia tăng, nạn đói và tỷ lệ mất an ninh lương thực không tăng trên toàn cầu vào năm 2022, nhưng vẫn ở mức rất cao, cao hơn nhiều so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19. Vào năm 2022, 9,2% dân số thế giới (735 triệu người) bị đói triền miên, tức là không được tiếp cận đủ lương thực để có một cuộc sống bình thường (so với 7,9% vào năm 2019). Ngoài ra, có đến 2,4 tỷ người, tương đương 29,6% dân số thế giới, không được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.
Phan Minh
Một người Mỹ tại Paris
Donald Trump sẽ đến Paris vào ngày 14/07/2017 theo lời mời của Emmanuel Macron nhân Quốc Khánh Pháp. Nhiều đơn vị Mỹ sẽ diễn hành cùng với quân nhân Pháp trên đại lộ Champs Elysées ghi dấu 100 năm ngày Hoa Kỳ tham dự Thế Chiến Thứ Nhất. Tổng thống Pháp tính toán gì khi mời chủ nhân Nhà Trắng,người không được cảm tình của công luận Châu Âu. Đề tài tốn nhiều giấy mực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay Leonardo da Vinci-Fiumicino, Roma, Ý, 23/05/2017. REUTERS/Remo Casilli/File Photo
Libération đưa độc giả tới Mosul trong hoang tàn đổ nát do Daesh để lại trong khi Le Figaro khẳng định hoàng hôn phủ bóng tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Mosul. Nhật báo kinh tế Les Echos đưa hai tin báo động : thâm thủng trong ngân sách quốc gia do chính phủ trước để lại 8 tỷ đôla. Và cơn gió lạnh thổi qua thị trường chứng khoán Châu Âu mà bất trắc đang chờ trong sáu tháng cuối năm 2017.
Nhật báo công giáo La Croix đưa lên trang nhất thông tin gây chấn động tòa thánh Vatican : hồng y người Úc George Pell, bộ trưởng tài chính của Vatican bị tư pháp Úc truy tố về tội lạm dụng tình dục trẻ em trong thập niên 1970.
Trong số các chủ đề đa dạng của các nhật báo ghi ngày thứ Sáu 30/06/2017, Le Monde dành bài xã luận với tựa đề : Một Người Mỹ tại Paris, mượn tựa của một tác phẩm nổi tiếng của Ernest Hemingway.
Le Monde mô tả "người Mỹ Donald Trump" phải từ chối lời mời của nữ hoàng Anh và thủ tướng Theresa May vì thần dân Anh và đô trưởng Luân Đôn chống đối. Tại Đức, chính quyền chuẩn bị đối phó với những cuộc biểu tình lớn chống chủ nhân Nhà Trắng sang dự Thượng đỉnh G20 vào ngày 7 và 8/07/2017 ở Hambourg.
Một kết quả thăm dò ý kiến của Pew Research Center tuần qua cho thấy uy tín của tổng thống Donald Trump tuột dốc thê thảm trong công luận Châu Âu, kể cả ngưòi Pháp. Tổng thống Barack Obama được hâm mộ bao nhiêu thì tổng thống Donald Trump bị ghét bấy nhiêu. Chỉ có Ba Lan là mong chờ đón tổng thống Trump vào ngày 06/07.
Macron thực tiễn
Thế nhưng, tổng thống Pháp Emmanuel Macron không phải là người dễ bị thuyết phục. Chủ nhân điện Elysée đã từng chứng minh ông không ngại tiếp xúc với những lãnh đạo bị ghét bỏ. Đòn ngoại giao ngoạn mục là mời tổng thống Nga Vladimir Putin sang điện Versailles, chứng tỏ thái độ thực tiễn trên hồ sơ Bachar al-Assad, không buộc nhà độc tài phải ra đi làm điều kiện tiên quyết để giải quyết cuộc chiến.
Với Donald Trump, một người xem thường Liên Hiệp Châu Âu, rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định khí hậu Paris COP21, Emmanuel Macron, áp dụng bí kíp của Machiavelli (quân sư của nhiều lãnh chúa ở nước Ý thời Phục Hưng thế kỷ 14 - 15) đã đoạt ngôi vô địch "tâm cơ khó lường"của lãnh đạo siêu cường số một.
Nếu chủ nhân điện Kremlin được khoản đãi trong cung son điện ngọc thì chủ nhân Nhà Trắng sẽ được chào đón với lễ nghi quân cách trên đại lộ Champs-Elysées. Cũng như khi dùng xe quân sự mui trần cho ngày nhậm chức, Emmanuel Macron muốn nói là ông gắn bó với những hình ảnh biểu trưng sức mạnh của nước Pháp và nước Pháp là cường quốc hạt nhân, là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An, ngang hàng với Hoa Kỳ. Donald Trump muốn phục hồi "uy thế vĩ đại cho nước Mỹ " thì Emmanuel Macron muốn "trả lại uy thế vĩ đại cho địa cầu".
Để đạt được mục tiêu này, theo tổng thống Pháp, cần phải vượt lên trên tâm lý tranh hơn tranh thua của trẻ con như cú bắt tay thử nội lực (tại Thựơng đỉnh G7) mà phải hợp tác chống khủng bố, giải quyết khủng hoảng Syria và chống biến đổi khí hậu. Làm những chuyện lớn này không thể thiếu nước Mỹ.
Bên cạnh đó, tổng thống Pháp còn muốn đặt mình trong vai trò lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu trên chính trường quốc tế. Liệu nhà lãnh đạo 39 tuổi này có thể làm được không. Kết luận, và cũng là câu trả lời của Le Monde : Được, nhưng phải đi tới chứ không chỉ dừng lại ở hình ảnh và biểu tượng.
Sự kiện tổng thống Pháp Emmanuel Macron mời tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây ngạc nhiên mà tổng thống Mỹ nhận lời lại càng bất ngờ hơn. Đây là một thành công mới của Emmanuel Macron, theo nhận định của một nhà ngoại giao. Trong bài "cử chỉ tính toán của Macron" thông tín viên Stéphane Le Bars từ Washington, cho biết lãnh đạo Mỹ-Pháp sẽ "tăng cường mối hợp tác đã chặt chẽ" từ chống khủng bố cho đến kinh tế.
Trong bối cảnh hai nước đã đe dọa trả đũa Damascus nếu một lần nữa, vũ khí hóa học được sử dụng tại chiến trường Syria, hồ sơ này sẽ được thảo luận trong dạ tiệc chiều 13/07. Theo Le Monde, sự kiện vị tổng thống Mỹ từng đưa những thông điệp thiếu lịch sự với Pháp như là "Paris không còn là Paris, thành phố ánh sáng" nay sắp đến Paris đã gây ngạc nhiên tại nước Mỹ nhưng ít được bình luận.
Tại Pháp, nhật báo công giáo La Croix đặt câu hỏi có nên mời Donald Trump dự lễ diễn binh 14/07 hay không ? Phe ủng hộ cho rằng đây là biểu tượng của hai nước đồng minh lâu dài, nếu chỉ mời quân đội Mỹ mà không mời tổng tư lệnh tối cao thì chỉ gây bất đồng vô ích. Còn theo phe chống, đa số là cánh tả, thì tổng thống Pháp phải nhân cơ hội này để thảo luận sâu xa về thế cờ chiến lược chung và đặt thẳng vấn đề với Donald Trump về mối quan hệ với tổng thống Nga Putin.
Một người Trung Quốc tại Hồng Kông
Hồng Kông là chủ đề được quan tâm đặc biệt : 20 năm sau ngày Luân Đôn trao trả nhượng địa Hồng Kông cho Bắc Kinh (01/07/1997), vì sao chỉ có 20% người dân bán đảo mang tên Hương Cảng xem mình là người Trung Quốc ?
Bên cạnh bản tin "Nước Pháp kêu gọi Trung Quốc trả tự do cho Lưu Hiểu Ba" là phóng sự của Le Figaro "Tập Cận Bình triệt hạ Hồng Kông". Theo tường thuật của đặc phái viên Sébastien Falletti thì Hồng Kông đã biến thành một đồn lũy đón tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân 20 năm Bắc Kinh lấy lại chủ quyền.
Các biện pháp an ninh đặc biệt, với 11.000 cảnh sát chìm nổi, được bố trí chặt chẽ đề phòng biểu tình và bảo vệ "tư lệnh khủng bố" như lời ta thán của một người đàn ông trung niên thuộc thế hệ thứ ba gốc Quảng Đông : 20 năm qua là 20 năm xấu. Người Hoa lục tràn sang xâm lấn làm vật giá leo thang. Chính nỗi bất bình này đã làm cho xu hướng đòi độc lập lên cao lấn át phong trào đấu tranh dân chủ, theo nhận định của nhật báo cánh hữu.
Nhật báo kinh tế Les Echos điểm qua những khó khăn của "Hồng Kông đang bị Trung Quốc nuốt chửng. Người nghèo khó ngày càng đông và càng nghèo hơn, phải lên nóc cao ốc mà ở. Tuổi trẻ không bao giờ bỏ cuộc".
Tuổi trẻ không bỏ cuộc là lời xác quyết của Hoàng Chí Phong (Joshua Wong), cậu học sinh trung học trong phong trào Dù Vàng năm 2014, nay là một sinh viên thủ lĩnh đảng dân chủ Demosito, tiếp tục thách thức người khổng lồ Trung Quốc : chúng tôi sẽ chứng minh cho Tập Cận Bình thấy thời điểm này không phải là lúc ăn mừng mà là biểu tình phản kháng.
Một khi Hồng Kông trở về Trung Quốc, Hoàng Chí Phong chỉ ra những mưu toan của Trung Quốc như dùng tư pháp để trói tay các nhà tranh đấu, dùng "tư bản đỏ" để xâm chiếm Hồng Kông, đầu cơ địa ốc hay qua bàn tay tỷ phú Jack Mã Vân, chủ nhân Alibaba, kiểm soát nhật báo có uy tín South China Morning Post.
Gọng kềm
Chiến thuật ba mặt giáp công : kinh tế, chính trị, văn hóa của Trung Quốc được nhật báo công giáo La Croix lược kể nhận xét của một vài thanh niên tuổi 20 trong bài "Định mệnh đắng cay của Hồng Kông".
Phần dẫn nhập nhắc lại khung cảnh trời mưa u ám trong buổi lễ bàn giao ngày 01/07/1997. Hai mươi năm sau, một thanh niên 27 tuổi nhớ lại : ba mẹ tôi không vui nhưng chấp nhận sự kiện một cách bình thường cho dù họ là những người tị nạn chế độ Mao Trạch Đông.
Một giáo viên Anh văn 28 tuổi tuyệt vọng vì giá nhà đất lên cao quá. Một sinh viên tên Anthus Leung than phiền ra đường nghe tiếng quan thoại ngày càng đông. Mỗi năm có 50.000 dân Hoa lục sang Hồng Kông định cư (theo thỏa thuận với Anh Quốc), nhân lên 20 năm, tổng cộng là 1 triệu trên tổng số 7 triệu dân Hồng Kông : một cuộc xâm lăng văn hóa của Bắc Kinh.
Libération cũng dành hai trang để tường thuật "nỗi niềm thất vọng" của dân Hồng Kông với bài cùng tựa. Nhưng trong gọng kềm của Bắc Kinh, tuổi trẻ Hồng Kông vẫn tìm cách kháng cự.
Cũng như mỗi thứ sáu, Trung Quốc mua 8 trang của Le Figaro để tuyên truyền. Trong số này có bài "phóng sự" : Tập Cận Bình tuyên chiến với ba thế lực ma quỉ là khủng bố, ly khai và cực đoan hầu chứng tỏ Trung Quốc là một cường quốc có tinh thần trách nhiệm đối với láng giềng và hòa bình thế giới.
Lập luận của Trung Quốc có đáng tin hay không ? Trên trang kinh tế, Le Figaro đưa tin : Hàng giả vẫn phồn vinh tại Trung Quốc. Báo cáo của hải quan Liên Hiệp Châu Âu, phản ánh thực tế này, làm Bắc Kinh bất bình.
Bạo lực gia đình tại Pháp : ai vô tâm ?
Khác với các đồng nghiệp tập trung vào tình hình chính trị, kinh tế, nhật báo cánh tả độc lập chọn tệ nạn bạo lực trong gia đình làm chủ đề chính : 220 phụ nữ thiệt mạng trong ba năm qua trong sự vô tâm của tình nhân, của chồng hay chồng cũ. Án mạng gần nhất xảy ra hôm 11/06/2017 khi một ông chồng trói vợ trên đường rầy xe lửa cao tốc TGV.
Điều tra "vụ án giết người hàng loạt", Libération xem lại những trang báo cũ ở địa phương để báo động trung bình mỗi ba ngày có một vụ giết vợ. Trong số 220 nạn nhân chỉ có 20 người nước ngoài và chỉ có 15 thủ phạm nghiện rượu. Các biện pháp đề phòng có sẵn nhưng theo Libération, hồ sơ này không phải là mối quan tâm hàng đầu của tân chính phủ Pháp.
Tú Anh