Để giành được những đồng đôla phát triển đất nước, Rodrigo Duterte đã gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Philippines. Quyết định chính sách đối ngoại lớn đầu tiên của Duterte là bác bỏ chiến thắng mang tính lịch sử của Philippines trước Trung Quốc trong vụ kiện liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên biển.
Cách Duterte biến Philippines thành quân cờ của Trung Quốc - Ảnh minh họa
Tháng 2/2020, trên thực tế, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chấm dứt liên minh tồn tại cả thế kỷ của nước này với Mỹ. Bằng việc đơn phương bãi bỏ Thỏa thuận về các lực lượng Thăm viếng (VFA) năm 1999, cung cấp khuôn khổ hợp pháp cho phép binh lính Mỹ đóng quân và luân chuyển trên lãnh thổ Philippines, nhà lãnh đạo Philippines đã khiến hợp tác an ninh song phương mạnh mẽ gần như trở thành điều bất khả thi. Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) Mỹ-Philippines, được tạo dựng trên đống đổ nát của Chiến tranh thế giới thứ hai, giống như một cái vỏ rỗng, một bộ xử lý CPU không có hệ thống vận hành. VFA chính là phần mềm vận hành MDT.
Trên giấy tờ, liên minh này vẫn tồn tại, nhưng theo lời một quan chức cấp cao của Philippines, giờ đây trên thực tế nó vô dụng. Hành động bãi bỏ VFA mang tính hình thức và rất gây chú ý này là một động thái đậm chất cá nhân, bị chính trị hóa một cách trơ trẽn và nói thẳng ra là một quyết định hấp tấp, mà sẽ khiến Philippines dễ bị tác động trước một loạt thách thức an ninh, trong đó có mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia và các điều kiện thời tiết cực đoan đã tàn phá đất nước này trong những năm gần đây. Và không nước nào khác ngoài Trung Quốc, được dự đoán là kẻ thắng lợi lớn nhất trong nước cờ thí tốt gần đây của Duterte.
Trao đổi với Trung Quốc
Dù quyết định gần đây của Duterte dường như gây sốc, nhưng nó hoàn toàn không bất ngờ. Tác giả nhớ lại thời gian căng thẳng cuối cùng trong các cuộc bầu cử tổng thống ở Philippines năm 2016, khi cựu Thị trưởng Davao từ một ứng cử viên ít tiếng tăm biến thành người có triển vọng thành công không thể tranh cãi. Đột nhiên, các bài phát biểu của ông, vốn thường pha trộn những tính từ đầy màu sắc và lời lẽ táo bạo, đã trở nên quan trọng chưa từng thấy, và giờ đây đáng được phân tích kỹ lưỡng và tỉ mỉ.
Về chính sách đối ngoại, 2 bài phát biểu công khai của Duterte đã khiến tác giả chú ý. Bài phát biểu thứ nhất là ở Palawan, hòn đảo cực Tây của Philippines, nằm trong vùng biển tranh chấp trên Biển Đông và quần đảo Trường Sa có giá trị. Bài phát biểu này đặc biệt có liên quan, vì gần như cả thế giới chú trọng đến phần ít quan trọng nhất, đặc biệt là khi Duterte nói châm biếm về việc đi mô-tô nước và sẵn sàng mang theo cờ tổ quốc đến quần đảo Trường Sa để dụ Trung Quốc đến và chiến đấu bằng vũ lực hoặc súng ống nếu cần thiết để bảo vệ các tuyên bố chủ quyền của Philippines ở khu vực này.
Tuy nhiên, khi xem xét cẩn thận toàn bộ bài phát biểu này, nó cho thấy một xu hướng đáng lo ngại, đó là thái độ tôn trọng không thể lý giải nổi, nếu không muốn nói là sự phục tùng rõ ràng của Duterte đối với Trung Quốc trước tâm điểm chú ý của toàn bộ công chúng. Khi nói chuyện với Trung Quốc, cựu thị trưởng Davao không hề dùng giọng điệu mỉa mai hay có bất kỳ nỗ lực nào nhằm tiết chế tuyên bố của mình, ông nêu rõ : "Nếu các ông xây dựng cho tôi một tuyến đường sắt bao quanh Mindanao, hãy xây dựng một tuyến đường sắt từ Manila đến Bicol … một tuyến đến Batangas, thì trong 6 năm làm tổng thống, tôi sẽ giữ im lặng về các tranh chấp trên Biển Đông".
Bài phát biểu thứ hai thậm chí còn thú vị hơn. Trong đó, kênh truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV-9 (sau đó được đổi tên thành CGTN – mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc) đã phỏng vấn hai ứng cử viên tổng thống dẫn đầu khi đó là Thượng nghị sĩ Grace Poe-Llamanzares và Duterte. Tại đây chúng ta có thể thấy một Duterte hoàn toàn khác : Ông là một nhà chính trị tài ba không thể nhận ra, nhất quán đầy ấn tượng và rất tôn trọng Trung Quốc (khi nắm quyền, nhìn chung ông hành động theo lối tương tự trong nhiều chuyến thăm đến Trung Quốc). Người sẽ sớm trở thành tổng thống đã trơ trẽn nhắc lại yêu cầu của mình : "Điều tôi cần từ Trung Quốc là giúp phát triển đất nước". Đổi lại, ông sẽ giảm bớt hợp tác an ninh với Mỹ, và điều quan trọng là xem thường phán quyết mang tính bước ngoặt chống lại tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Người dẫn chương trình này là người Trung Quốc, tự tin nói : "Duterte nói ông sẽ không trông cậy vào việc người Mỹ đến giúp đỡ Philippines và thậm chí sẽ xem xét bác bỏ vụ kiện Trung Quốc của Chính quyền Aquino". Công bằng mà nói, nhìn chung Duterte minh bạch về tầm nhìn địa chính trị của mình, dù hầu như không ai ở trong nước coi trọng hay hiểu lời ông nói theo nghĩa đen. Ông đã giành chiến thắng một cách ngoạn mục, dễ dàng đánh bại 2 đối thủ hàng đầu từng đi du học ở Mỹ là Bộ trưởng Nội vụ Manuel Roxas II (học trường Đại học Wharton) và Thượng nghị sĩ Grace Poe (học trường Đại học Boston). Hai người này đều ủng hộ mối quan hệ khăng khít với Mỹ để kiềm chế chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc.
Theo chân nhà lãnh đạo
Khi cầm quyền, Duterte đã làm chính xác những gì ông hứa hẹn trên chương trình truyền hình Trung Quốc. Quyết định chính sách đối ngoại lớn đầu tiên của ông khi chỉ vừa nhậm chức được 1 tháng là bác bỏ chiến thắng lịch sử của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc. Tổng thống Philippines lạnh lùng tuyên bố rằng ông sẽ gạt phán quyết của Tòa trọng tài tại La Hay, bác bỏ đa số tuyên bố chủ quyền bành trướng của Bắc Kinh ở các vùng biển lân cận sang một bên vì lợi ích phát triển mối quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc.
Đồng thời, trong các chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của mình, bắt đầu với Trung Quốc, Duterte thậm chí còn thẳng thừng hơn về việc ông lợi dụng liên minh Mỹ-Philippines : "Tôi muốn, có thể trong 2 năm tới, đất nước của tôi sẽ không còn có sự hiện diện của binh lính nước ngoài. Tôi muốn người Mỹ biến mất khỏi đây". Một nửa chặng đường trong nhiệm kỳ 6 năm cầm quyền đã trôi qua, trên thực tế, Duterte đã thực hiện được lời đe dọa trước đây của mình. Ban đầu, tin tức về việc bãi bỏ VFA vấp phải sự hoài nghi, nhiều người tự hỏi rằng liệu Tổng thống có sẵn lòng liều lĩnh đẩy giới chức quốc phòng và nói rộng hơn là người dân Philippines, vốn coi trọng liên minh đã tồn tại cả thế kỷ của nước này với Mỹ, ra xa hay không.
Xét cho cùng, nhiều quan chức hàng đầu của Philippines, cũng như một vài tổng thống, đã được đào tạo ở Mỹ trong suốt hàng thập kỷ hợp tác quốc phòng giữa hai bên. Trong Chiến tranh Lạnh, Philippines là nơi có các căn cứ nước ngoài lớn nhất của Mỹ ở Subic và Clark. Chỉ một vài năm trước, người dân Philippines còn yêu thích nước Mỹ hơn chính người Mỹ. Hiện nay, Mỹ vẫn là đối tác nước ngoài được yêu thích nhất của Philippines. Trái lại, tỷ lệ ủng hộ Trung Quốc luôn ở mức âm, đạt mức thấp mới (-33%) vào năm 2019 trong bối cảnh diễn ra những tranh chấp âm ỉ ở Biển Đông và dòng chảy đầu tư bất hợp pháp của Trung Quốc vào Philippines.
Dù liên minh Mỹ-Philippines không hề hoàn hảo, nhưng Lầu Năm Góc là nguồn hỗ trợ then chốt cho quốc gia Đông Nam Á này trong suốt giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh. VFA đã tạo điều kiện cho gần 2 tỷ USD tiền viện trợ cho Philippines. Con số này không nhiều khi so với những gì các nước không phải đồng minh của Mỹ như Pakistan và Ai Cập nhận được trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên, chất lượng viện trợ của Mỹ mang tính quyết định, đặc biệt là trong lĩnh vực hợp tác an ninh phi truyền thống.
Đáng chú ý nhất là Mỹ vô cùng hữu ích trong hoạt động hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai, trong đó có việc triển khai 1 tàu sân bay, 66 máy bay và 13.400 binh lính đến Philippines khi siêu bão Hải Yến đổ bộ và tàn phá phần lớn khu vực trung tâm nước này vào năm 2013. Và gần đây hơn, Mỹ đã giúp huấn luyện Lực lượng đặc nhiệm, cung cấp vũ khí tiên tiến, hoạt động tình báo và giám sát trong thời gian thực vô cùng cần thiết trong vụ các tay súng Hồi giáo bao vây Marawi trong nhiều tháng.
Hơn nữa, Chính quyền Trump cũng tăng cường hỗ trợ an ninh trên biển cho Philippines, bao gồm thông qua hỗ trợ phòng thủ ngày càng tăng, những sự đảm bảo hỗ trợ rõ ràng hơn ở Biển Đông, và cải thiện một cách thích hợp các khả năng của Lực lượng bảo vệ bờ biển và khả năng giám sát của Philippines. Chắc chắn, vẫn còn có cơ hội lớn để cải thiện quan hệ. Tuy nhiên, quan hệ song phương đã sụp đổ sau lời đe dọa của Tổng thống Philippines về việc cắt đứt quan hệ an ninh nhằm phản ứng trước tin Mỹ cấm cửa các quan chức Philippines vì những quan ngại về nhân quyền, đặc biệt là đối với cựu cảnh sát trưởng, đồng minh lâu năm của Duterte, Ronald dela Rosa.
Có khả năng Duterte hy vọng sẽ phỉnh phờ Mỹ rút lại các biện pháp trừng phạt đã và sắp được ban hành đối với giới thân cận của ông bằng cách thúc đẩy VFA. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump nói rõ rằng ông đồng ý chấm dứt thỏa thuận nếu việc làm đó tiết kiệm nhiều tiền bạc cho Mỹ. Đây là một sự đảo ngược ấn tượng đối với hai đồng minh, từng tiến hành gần 300 hoạt động quân sự chung trong năm 2019, nhiều nhất trong số các đối tác của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Giờ đây, mọi thứ đều diễn ra đột ngột, ít nhất một nửa trong số 318 hoạt động quân sự chung theo kế hoạch trong năm 2020 đang có nguy cơ bị hủy bỏ. Các cuộc tập trận song phương có thể trở thành con số 0 trong những năm cuối cùng Duterte cầm quyền. Giờ đây, thậm chí còn có các cuộc thảo luận về khả năng có một VFA giữa Philippines với Nga và Trung Quốc, các đối thủ chính của Mỹ. Chúng ta cũng không thể loại bỏ khả năng về một sự thay đổi triệt để vào phút chót, khi các quan chức của cả hai chính quyền liều lĩnh tìm cách cứu vãn liên minh đã tồn tại cả thế kỷ này. Còn có một lý do khác để nghi ngờ bài luận "Sự cáo chung của lịch sử" trong một thế kỷ với sự bối rối về chính trị, sự pha tạp về hệ tư tưởng và tính khó lường trước đầy nguy hiểm.
Minh Anh giới thiệu
Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 10/03/2020
Richard Javad Heydarian là Phó Giáo sư về các vấn đề quốc tế, khoa học chính trị tại Đại học De La Salle, từng là cố vấn chính sách tại Hạ viện Philippines. Bài viết được đăng trên The National Interest.
Hồ sơ người Duy Ngô Nhĩ : 28 cơ quan, tổ chức Trung Quốc bị Mỹ xếp vào danh sách đen (RFI, 08/10/2019)
Hoa Kỳ xếp 28 cơ quan chính phủ và tổ chức kinh tế của Trung Quốc vào danh sách đen. Hôm qua 07/10/2019, trong một thông cáo, bộ Thương mại Mỹ khẳng định 28 cơ quan, tổ chức nói trên có liên quan đến chiến dịch trấn áp nhắm chủ yếu vào tộc người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi.
Ảnh minh họa : Một trại gọi là cải huấn ở Đạt Phản Thành (Dabancheng) Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh 4/09/2018. Reuters/Thomas Peter/File Photo
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nhấn mạnh : "Chính phủ Hoa Kỳ và bộ Thương mại không thể và sẽ không dung thứ cho hành động đàn áp thô bạo các tộc người thiểu số khắp nơi tại Trung Quốc". 28 cơ quan, tổ chức của Trung Quốc sẽ không được phép nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ. Ngoài ra, biện pháp trừng phạt của Washington cũng khiến Trung Quốc không thể dùng các công nghệ của Mỹ để đàn áp các tộc người thiểu số vốn không có khả năng tự vệ.
Theo AFP, chính phủ Mỹ cho biết trong số các cơ quan, tổ chức bị Washington xếp vào danh sách đen, có 8 đơn vị kinh tế, còn lại là các cơ quan chính phủ Trung Quốc, trong đó có Văn phòng Công An tỉnh Tân Cương. Trong số các doanh nghiệp bị Mỹ nhắm tới, có công ty Hikvision chuyên về caméra giám sát, các doanh nghiệp Megvii Technology và Sense Time trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo …
Thông cáo của bộ Thương mại Mỹ nói rõ là các cơ quan tổ chức nói trên đã tham gia vào việc triển khai chiến dịch đàn áp của chính quyền Trung Quốc, bắt giữ người một cách ồ ạt và vô cớ, dùng công nghệ cao để theo dõi, giám sát người dân. Theo nhiều chuyên gia và tổ chức bảo vệ nhân quyền, tỉnh Tân Cương là nơi có các trại tập trung giam giữ hàng triệu người Hồi giáo, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ.
Thông cáo của bộ Thương mại Mỹ được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày thứ Năm 10/10/2019, theo dự kiến Washington và Bắc Kinh sẽ nối lại đàm phán, nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại toàn phần để chấm dứt cuộc chiến thuế quan kéo dài hơn một năm giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.
Thùy Dương
*******************
Thái Lan : Quân đội tố cáo đối lập là "phản loạn" (RFI, 06/10/2019)
Nhiều lãnh đạo đối lập và giảng viên đại học phải đối mặt với những cáo buộc phản loạn từ quân đội. Nguyên nhân là vì những người này dám nhắc đến khả năng phân thêm quyền cho vùng phía nam luôn trong tình trạng xung đột.
Ông Thanathorn Juangroongruangkit, lãnh đạo đảng Future Forward Party, Bangkok, Thái Lan, ngày 06/04/2019.© Reuters/Athit Perawon
Miền nam Thái Lan là nơi diễn ra một cuộc xung đột ít ai biết đến giữa cộng đồng người Hồi giáo chiếm đa số và chính quyền theo Phật giáo. Từ khoảng 15 năm qua, cuộc xung đột này đã làm cho gần 7.000 người thiệt mạng.
Nhiều nhân vật đối lập, trong đó có ông Thanathorn Juangroongruangkit, hay được truyền thông chú ý, lãnh đạo giới trẻ Thái Lan, đã có một cuộc tranh luận công khai. Tại những buổi thảo luận này, họ kêu gọi hiệu chỉnh Hiến Pháp hiện nay cho phép vùng này nhiều quyền tự trị hơn.
Thanathorn không có mối liên hệ đặc biệt nào với vùng phía nam rối loạn, nhưng ông dùng chủ đề sửa đổi Hiến Pháp như một vũ khí đấu tranh nhằm làm giảm bớt quyền lực trao cho quân đội.
Với thắng lợi của những cựu quân nhân trong kỳ bầu cử cách đây vài tháng, gọng kềm dường như ngày càng siết chặt đối với phe ly khai theo đạo Hồi. Hôm thứ Sáu, 04/10/2019, một thẩm phán đã tìm cách tự sát trong phòng xét xử sau khi bị gây áp lực, theo như ông nói, buộc ông kết án những thanh niên nổi dậy.
RFI tiếng Việt
***************
Thủ tướng Campuchia dọa triển khai quân nếu thủ lĩnh phe đối lập về nước (VOA, 07/10/2019)
Hôm 07/10, Thủ tướng Campuchia dọa sẽ triển khai quân đội nếu các nhà lãnh đạo và những người ủng hộ đảng đối lập chính trở lại vào tháng tới trong một diễn biến mà ông coi là một âm mưa đảo chính, theo Reuters.
Thủ tướng Campuchia Hen Sen thăm Việt Nam ngày 04/10/2019.
Trước đó, ông Sam Rainsy, người sáng lập Đảng Cứu nguy Quốc gia Campuchia (CNRP) bị giải thể, hiện sống lưu vong ở nước ngoài, tuyên bố sẽ trở về vào ngày 9/11, trong khi ít nhất 30 nhà hoạt động thuộc đảng từng do ông lãnh đạo đã bị bắt giữ trong năm nay và bị chính quyền Hun Sen buộc tội có âm mưu lật đổ chính quyền.
Trong một buổi lễ tại thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen nói rằng sự trở lại của ông Rainsy, sẽ là một "sự xâm phạm bởi các lực lượng tìm cách lật đổ chính phủ" của ông.
Ông Rainsy từng kêu gọi một cuộc nổi dậy chống lại ông Hun Sen, một nhà lãnh đạo lâu năm của Campuchia.
Ông Hun Sen nói rằng nếu các nhà lãnh đạo phe đối lập và những người ủng hộ trở lại, những tuyên bố như vậy có nghĩa là quân đội phải bắt đầu triển khai và sử dụng các loại vũ khí.
"Tấn công bất cứ nơi nào họ bị phát hiện, không cần phải chờ lệnh bắt giữ hay không", ông nói. "Những người ủng hộ cũng sẽ bị bắt bất cứ khi nào họ bị phát hiện".
Hôm 07/10, ông Rainsy cho Reuters biết rằng việc tìm cách lật đổ ông Hun Sen là hợp pháp vì đảng CNRP đã bị giải thể và ông Hun Sen không sẵn sàng tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng trong tương lai.
"Nổi dậy là lựa chọn duy nhất còn lại cho các nhà dân chủ Campuchia để mang lại một sự thay đổi dân chủ", ông Rainsy nói với Reuters qua email.
Ông Rainsy cho biết, ông sẽ trở lại Campuchia vào ngày 9/11, sau 4 năm sống lưu vong ở Pháp sau khi bị kết án hình sự vì tội phỉ báng với án phạt 1 triệu đôla. Ông cũng phải đối mặt với án tù 5 năm trong một vụ án khác.
*******************
Tổng thống Philippines thú nhận mắc bệnh "mắt to mắt nhỏ" (RFI, 07/10/2019)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tiết lộ ông mắc chứng nhược cơ (myasthénia) tự miễn dịch, một chứng bệnh liên quan đến thần kinh, có thể biến chứng nghiêm trọng. Theo phủ tổng thống Philippines, ông Duterte còn cho biết là bệnh này - gọi nôm na là bệnh "mắt to mắt nhỏ" - đã tác động lên mắt của ông.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) viếng mộ liệt sĩ vô danh, Moskva, 4/10/2019.Yuri Kadobnov/Pool via Reuters
Trong cuộc gặp gỡ cộng đồng người Philippines hôm 05/10/2019, nhân chuyến thăm Nga, ông Duterte xác nhận ông bị bệnh nhược cơ, và cho biết thêm : "Một mắt của tôi nhỏ hơn mắt còn lại, và nó tự xoay tròng… Đó là bệnh nhược cơ, một loại rối loạn (chức năng) thần kinh. Tôi bị di truyền từ ông nội tôi".
Theo Viện Y Tế Quốc Gia Mỹ (NIH), bệnh nhược cơ gây nên tình trạng yếu cơ và có thể làm sụp mi mắt, giảm thị lực cũng như yếu cơ bắp, mỏi ngón tay. Có đến 20% người mắc bệnh này bị "lên cơn" khiến họ phải dùng máy trợ thở.
Ông Duterte không cho biết chi tiết về khả năng ông bị nặng nhẹ ra sao, trong lúc chính quyền thông tin rất ít về sức khỏe của tổng thống và thường xuyên khẳng định tình trạng của ông vẫn tốt.
Từ ngày lên làm tổng thống vào năm 2016, vấn đề sức khỏe của lãnh đạo Philippines đã 74 tuổi này luôn luôn được đặt ra. Việc ông đôi khi bỏ họp, cũng như thường hay nói về tình trạng mệt mỏi của bản thân lại càng làm dấy lên những tin đồn.
Trọng Nghĩa
Tân Hoa Xã loan tin chính quyền cộng sản Trung Quốc đang gửi một giàn khoan dầu khổng lồ, diện tích bằng một sân banh tới Vịnh Bắc Việt. Giàn khoan "Đông Phong" Dongfang 13-2 CEPB nối gót giàn khoan Hải Dương 891 năm 2014 xâm nhập lãnh hải Việt Nam khiến phong trào chống Trung Quốc bùng nổ khắp nước.
Hàng ngàn người dân Philippines, từ người già đến thanh niên, ai cũng đổ ra đường tuần hành hôm Thứ Ba, 9 tháng Tư, 2019, trước lãnh sự quán Trung Quốc ở thành phố Makati. Họ phản đối Trung Quốc đưa tàu tới bao vây đảo Thị Tứ trong quần đảo Trường Sa mà Philippines tuyên bố có chủ quyền. (Hình : Ted Aljibe/AFP/Getty Images)
Năm 2014, Giàn khoan Hải Dương 891 đã tới vùng phía Nam đảo Hải Nam nhưng nằm trong hải phận kinh tế của nước ta. Mấy tháng sau thì họ phải rút đi. Lần này "Đông Phong" được điều tới Bồn Trũng Sông Hồng (Bắc Kinh gọi là Oanh Ca Hải), đối diện với đảo Cồn Cỏ, nằm giữa vịnh Bắc Việt và đảo Hải Nam.
Chưa biết lần này ông Nguyễn Phú Trọng có phản ứng gì không. Nhưng ông Trọng có thể nhìn sang nước Philippines coi ông Tổng thống Rodrigo Duterte đang làm gì.
Ông Rodrigo Duterte cũng nhiều lúc rất thân thiện với Trung Quốc, vừa để dụ Bắc Kinh bỏ tiền vào giúp làm con đường xe lửa ở vùng quê hương ông ; cũng vừa để chọc tức Mỹ ; vì người Mỹ vẫn không ngớt chỉ trích ông cho phép cảnh sát giết những người tình nghi buôn ma túy mà không cần xét xử.
Nhưng ông Duterte vừa cho thấy khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền vùng biển của Philippines thì người làm tổng thống nước này dám lên tiếng phản đối.
Thứ Sáu tuần trước, ông Duterte tố cáo Trung Quốc đang cho cả đoàn thuyền đánh cá tới vùng đảo Pag-Asa, một hòn đảo lớn phía Đông quần đảo Trường Sa mà Philippines đã chiếm giữ từ lâu.
Ông Duterte nói rất mạnh cho Tập Cận Bình nghe : "Hai nước chúng ta là bạn. Nhưng đừng có đụng tới đảo Pag-asa ! Nếu các ông động đậy, sẽ có chuyện ngay ! Tôi sẽ ra lệnh cho binh sĩ của tôi : ‘Chuẩn bị đội quyết tử !’".
Prepare for suicide mission ! Giống như đội Thần Phong Quyết Tử của Nhật Bản vào cuối Đại Chiến Thứ Hai. Nghĩa là biết rằng mình sẽ chết, nhưng chết vinh quang khi bảo vệ tổ quốc.
Ông Duterte không thể nào không nổi giận. Cuối tháng Ba, mười mấy chiếc thuyền của Trung Quốc đã ngang nhiên đến chung quanh đảo Kota mà Philippines coi là của mình, ông Duterte chưa nói gì hết. Nhưng bây giờ, quân đội Phi đang sửa chữa một phi đạo trên đảo Pag-asa, thì họ phát hiện khoảng 200 thuyền đánh cá Trung Hoa, chắc chắn có vũ trang, tới chung quanh ! Chính phủ Phi cho con số 275 chiếc thuyền kể cả những thuyền hải giám của lực lượng tuần duyên Trung Quốc. Chính sách của Trung Quốc lâu nay là "chiếm biển" bằng thuyền đánh cá hoặc giàn khoan dầu ! Họ cứ cho người Trung Hoa tới khai thác vùng biển trong Đường Lưỡi Bò, nước nào coi hòn đảo là của mình cũng mặc kệ.
Đảo Pag-asa, tiếng Tagalog nghĩa là Hy Vọng ; người Việt gọi là đảo Thị Tứ, là hòn đảo lớn nhất do Philippines chiếm đóng, rộng hơn 37 mẫu Tây (ha). Việt Nam vẫn coi Thị Tứ thuộc nước mình. Từ năm 1933 chính quyền Pháp đã nhập đảo này vào tỉnh Bà Rịa.
Năm 1956, một luật sư người Phi chiếm lấy hòn đảo không người ở, và năm 1978 chính phủ Phi đưa hòn đảo vào thị xã Kalayaan ở Palawan, nằm trong vùng Biển Tây của họ, nơi người Việt mình vẫn gọi là Biển Đông.
Ngày thứ Ba, 9 tháng Tư, ông Duterte nhân lễ "Ngày Dũng Cảm" (Araw ng Kagitingan) đã lên tiếng kêu gọi tình yêu nước và ca ngợi quân đội Phi. Ngày đó là kỷ niệm trận đánh Bataan, nơi quân đội Philippines và Mỹ đã tử thủ ba tháng trời trước sức tấn công vũ bão của quân Nhật đang tới chiếm Philippines. Sau cùng họ hết đạn phải đầu hàng, và bị quân Nhật dẫn đi trên con đường sau đặt tên là Con Đường Chết Pataan. Nhưng nhờ đức dũng cảm kiên trì của họ mà quân Mỹ có đủ thời giờ di tản, rời bỏ Philippines, chờ ngày trở về phục hận.
Trong buổi lễ, ông Duterte nói, "…tôi hy vọng tất cả chúng ta được tấm gương này phấn khích để giữ đức kiên cường, giống như tổ tiên ta cùng các đồng minh đời trước ; để bảo vệ chủ quyền, bảo vệ nền tự do mà nhân dân ta được hưởng ngày hôm nay".
Nhân dịp này, ông Duterte cũng nói ông "thực tình yêu quân đội (Talagang mahal ko kayo) vì trong hai năm cầm quyền việc gì ông giao cho, họ cũng hoàn tất. Ông nêu trường hợp đã nhờ các tướng lãnh đánh tham nhũng tại Cục Hải quan và thành công !
Ông Duterte báo trước sẽ bổ nhiệm thêm quân nhân khi đuổi bớt các quan chức tham nhũng ! Hiện nay trong chính phủ của ông các tướng lãnh đang cầm đầu các Bộ Nội vụ, Bộ Xã hội, Bộ Môi trường, Bộ Quốc phòng, và Hải quan !
Ông Duterte đã lớn tiếng cảnh cáo Trung Quốc. Không biết ông sẽ làm gì tiếp nhưng riêng ý kiến lập "đội quyết tử" của ông đã khích động dân và quân đội Phi. Người làm tổng thống một nước tự do dân chủ không có thể nói bừa bãi, vì người dân có quyền lên tiếng nói. Một giáo sư đại học, ông Segundo Eclar Romero, cũng là nhà bình luận đã viết một bài khuyên ông Duterte nên làm gì.
Ông Segundo Eclar Romero viết rằng Tổng thống Duterte nợ nhân dân sau khi hứa lập một đội quyết tử để bảo vệ tổ quốc. Ông đề nghị ngài tổng thống trả món nợ đó, hãy đích thân đến thăm đảo Pag-Asa ! Hãy cắm một quốc kỳ Philippines trên hòn đảo này và tiến sang đảo Subi Reef, cách Pag-Asa 26 cây số. Ông Romero hãy ngủ lại một đêm trên hòn đảo này, và chính nhà báo Romero tình nguyện tháp tùng ông tổng thống, nếu ông dám đi, để cùng những người lính đồn trú trên đó uống rượu bia và giao đấu với nhau ; cho họ được giải trí sau những ngày dài "trấn thủ lưu đồn !"
Đề nghị thứ hai của ông Romero là xin Tổng thống Duterte lập tức cho phép các quân nhân xung phong tình nguyện vào "Đội Quyết Tử !" Phải huấn luyện họ kỹ, cũng như Nhật đã huấn luyện các phi công Kamikaze ngày xưa.
Nhưng ông Romero hoài nghi, không tin ông Duterte dám chấp nhận lời thách đấu của mình ! Ông nghi ngờ rằng thái độ cứng rắn của Duterte chỉ là biểu diễn, để giúp các ứng cử viên của đảng ông thêm phiếu trong cuộc bầu cử tháng Năm sắp tới !
Ông Duterte đã báo trước sẽ chỉ làm tổng thống một nhiệm kỳ ; mà vì lý do sức khỏe ông có thể sẽ rút lui trước khi mãn nhiệm. Ông cũng từng nói thẳng đã chán làm tổng thống rồi, vì nhiều chương trình của ông không được guồng máy nhà nước thực hiện, nguyên nhân cũng bởi đám quan chức tham nhũng !
Nhưng người dân Philippines vẫn có dịp hào hứng khi thấy ông tổng thống của họ tỏ ra không hèn nhát, khiếp nhược ! Ông dám nói những lời mà người dân nào cũng muốn nói thẳng vào mặt quân xâm lược. Họ càng hào hứng khi có những nhà trí thức dám lên tiếng thách thức ông tổng thống – mà không lo bị tù vì "âm mưu lật đổ chính quyền !" Tự do dân chủ thật cho con người được sống thật với tấm lòng của mình !
Liệu ông Nguyễn Phú Trọng có dám nói thẳng vào mặt Trung Quốc như ông Duterte mới nói hay không ? cộng sản Việt Nam có bao giờ dám cho người dân được tự do lên tiếng như chính quyền Philippines hay không ?
Ai cũng có thể đoán trước, cả hai câu trả lời đều là "không !"
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 09/04/2019
Ngày 20/2 vừa qua, trong một bài phát biểu của mình, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã cảnh báo rằng cuộc chiến chống ma túy của ông sẽ còn khắc nghiệt hơn trong tương lai. Ông nói rằng đây là vấn đề an ninh quốc gia, và khi được hỏi liệu cuộc chiến có đẫm máu hơn không, ông đã trả lời thản nhiên rằng "Tôi nghĩ vậy" [1].
Tổng thống Rodrigo Duterte cảnh báo rằng cuộc chiến chống ma túy của ông sẽ còn khắc nghiệt hơn trong tương lai.
Câu trả lời dường như cho thấy quyết tâm dấn sâu hơn nữa của Duterte vào cuộc chiến mà ông khơi mào cách đây gần ba năm. Điều này nhất quán với cách ông trả thù Maria Ressa, giám đốc điều hành của Rappler – một trong các trang tin hàng đầu của Philippines – qua vụ bắt giữ bà trước đó một tuần vì cáo buộc về tội phỉ báng trên mạng, nhưng thực chất vì Rappler đã đăng nhiều bài viết chỉ trích nhiều chính sách của ông, trong đó có chính sách chống ma túy. Điều này cũng nhất quán với việc ông vẫn đang thúc đẩy hạ tuổi tối thiểu chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm ma túy từ 15 tuổi xuống 9 tuổi [2].
Vấn nạn ma túy từ lâu đã trở nên nghiêm trọng, gây nhức nhối và khó giải quyết tại Philippines. Theo một khảo sát của Dangerous Drugs Board, một cơ quan chính phủ, vào năm 2015, khoảng 1,8 triệu người trong độ tuổi 10-69 tương ứng với khoảng 1,8% dân số đang dùng ma túy, và khoảng 4,8 triệu người trong độ tuổi đó từng dùng ma túy ít nhất một lần trong đời [3].
Khi tranh cử tổng thống vào năm 2016, Duterte đã hứa hẹn tiêu diệt hàng vạn tội phạm ma túy và kêu gọi mọi người tham gia chiến dịch cùng ông. Hứa hẹn của người từng là thị trưởng của thành phố Davao trong hơn 20 năm với các chính sách cứng rắn, quyết liệt là một trong các lý do mà dân chúng Philippines bỏ phiếu cho ứng viên này.
Quả thực, khi thắng cử, trên cương vị tổng thống, Duterte đã thực hiện lời hứa đó. Tuy nhiên, cách ông làm đã thách thức các nguyên tắc của pháp luật. Tòa án và các thủ tục tố tụng luật định được xếp sang một bên. Ông đã cho phép cảnh sát quyền bắn chết những người phạm tội, thậm chí, các nghi phạm ma túy, mà không cần điều tra và xét xử.
Không chỉ có thế, người dân cũng được trao cho "thẩm quyền" xử lý những người phạm tội và các nghi phạm, đúng như Duterte khuyến khích, rằng "Hãy tự mình làm điều đó nếu bạn có súng, tôi ủng hộ" [4]. Với mỗi trường hợp người phạm tội bị bắn chết, người hành quyết sẽ nhận được tiền công. "Phần thưởng" này đã kích thích người dân lao vào cuộc chiến chống ma túy cùng tổng thống của họ.
Chiến dịch đã có kết quả. Trong 24 ngày đầu tiên kể từ khi tổng thống tuyên chiến với ma túy, gần 300 nghi phạm bị giết, hơn 3.700 nghi phạm khác bị bắt giữ, và ấn tượng nhất là gần 130.000 người đã tự thú vì sợ bị giết [5]. Chưa hết. "Gõ cửa tận nơi" là một phần của chiến dịch. Theo đó, cảnh sát được quyền khám nơi ở của các nghi phạm mà không cần lệnh khám. Với quyền hành này, cảnh sát đã khám xét hơn 68.000 ngôi nhà trong khoảng thời gian trên [6].
Kể từ khi chiến dịch bắt đầu, những hình ảnh xác người nằm trên hè phố đã không còn lạ lẫm. Nhiều gia đình đã mất người thân, nhiều người vợ đã mất chồng, nhiều đứa trẻ đã mất cha. Nhiều người bị giết được cho là vô tội. Bi kịch hơn, trong số những người thiệt mạng có cả trẻ em [7].
Cho đến nay, số người thiệt mạng là không rõ ràng. Con số chính thức được thừa nhận là khoảng 5.000 [8], trong khi một số tổ chức nhân quyền cho rằng con số lên tới 12.000 [9], còn các chính trị gia đối lập cho rằng con số là hơn 20.000 [10]. Số người bị bắt giữ cũng lên tới hàng vạn và số người tự thú, chỉ trong 6 tháng đầu tiên, lên tới hơn 1 triệu [11]. Riêng về số người thiệt mạng, những người chỉ trích cho rằng hầu hết là những con nghiện và những người buôn bán mà túy nhỏ lẻ, trong khi những kẻ cầm các đầu đường dây ma túy vẫn chưa bị phát hiện.
Chính sách chống ma túy của Duterte gây ra nhiều tranh cãi, với cả sự ủng hộ lẫn phản đối từ người dân. Chính sách còn vấp phải sự phản đối của các cá nhân, tổ chức tôn giáo và nhân quyền trong và ngoài nước, trong đó có Giáo hội Công giáo Philippines. Những người ủng hộ nhắm vào kết quả mà họ xem là thắng lợi của chính sách, và cho rằng nếu chính sách không như vậy thì tình hình an ninh trật tự còn tồi tệ hơn. Trong khi đó, những người phản đối nhìn thấy sự suy yếu của nhân quyền, sự xói mòn của tư pháp, sự vô dụng của lập pháp, và sự lạm quyền của hành pháp.
Hẳn nhiên, những chỉ trích không là vấn đề đối với Duterte. Với ông, quyền lực của tư pháp và lập pháp, cũng như nhân quyền, không thể là lực cản để ông làm cho Philippines trở nên an toàn hơn theo cách ông nghĩ. Duterte từng nói ông không quan tâm đến nhân quyền hay các thủ tục pháp lý [12]. Và sau cảnh báo vào ngày 20/2 kể trên, ông sẽ càng không quan tâm.
Khi xem xét chính sách chống ma túy của Duterte, người ta có thể đặt ra một số câu hỏi. Chẳng hạn : Chính sách liệu có đúng không khi nhắm tới mục tiêu an toàn (giảm thiểu vấn nạn ma túy) nhưng lờ đi mục tiêu công bằng (bỏ qua tòa án và các thủ tục tố tụng) ? Chính sách có thực sự cải thiện tính an toàn khi người dân sống trong sợ hãi với nỗi lo bị giết, kể cả giết nhầm ? Sự ủng hộ của phần lớn người dân đối với chính sách nói riêng và đối với Duterte nói chung liệu có cho thấy họ là những người chủ sáng suốt của Philippines – nền dân chủ một thời đã được kỳ vọng làm mẫu hình cho Châu Á ?
Nguyễn Trang Nhung
Nguồn : RFA, 28/02/2019 (NguyenTrangNhung's blog)
Chú thích :
[1] Philippines' Duterte warns of harsher drugs war ahead
https://www.euronews.com/2019/02/20/philippines-duterte-warns-of-harsher...
[2] In Philippines, Duterte’s drug war finds a new target : 9-year-olds
https://www.scmp.com/news/asia/southeast-asia/article/2183272/philippine...
[3] DDB : Philippines has 1.8 million current drug users
https://www.rappler.com/nation/146654-drug-use-survey-results-dangerous-...
[4] Góc tối trong chiến dịch truy quét ma túy ở Philippines
https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/tu-lieu/goc-toi-trong-chien-dich-...
[5][6] Philippines tiêu diệt gần 300 nghi phạm ma túy trong 3 tuần
https://news.zing.vn/philippines-tieu-diet-gan-300-nghi-pham-ma-tuy-tron...
[7] Diệt ma túy ở Philippines : Sốc với số trẻ em thiệt mạng
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/diet-ma-tuy-o-philippines-soc-voi...
[8] Duterte's war on drugs to become 'killing field' if goes on : CHR
https://www.aljazeera.com/news/2018/12/duterte-war-drugs-killing-field-c...
[9] CHR : Death toll in drug war higher than what gov't suggests
https://www.rappler.com/nation/179222-chr-number-drug-war-victims
[10] Như [8]
[11] More than 1 million drug addicts surrender to gov't
https://www.rappler.com/nation/157082-one-million-drug-addicts-surrender
[12] Như [4]
Tổng thống Philippines Duterte - nhà dân túy điển hình ở Châu Á (RFI, 28/12/2018)
Với "cuộc chiến chống ma túy" khiến 12.000 người chết, những phát biểu dung tục, bài phụ nữ…, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là một trong những nhà dân túy điển hình ở Châu Á, cùng với Thaksin Shinawatra của Thái Lan, Imran Khan ở Pakistan hay Mahinda Rajapaksa của Sri Lanka …
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nổi tiếng với chiến dịch bài trừ ma túy khiến 12.000 người bị giết chết. Reuters/Erik De Castro
Trên trang Châu Á The Asialyst ngày 21/12/2018, tiến sĩ lịch sử chính trị David Camroux, nhà nghiên cứu hợp tác với Trung tâm nghiên cứu quốc tế CERI thuộc viện nghiên cứu chính trị Sciences Po Paris phân tích về hiện tượng Duterte và chủ nghĩa dân túy ở Philippines.
The Asialyst : Làm thế nào mà Philippines, nền dân chủđầu tiên ở Châu Á, lại có nhà lãnh đạo dân túy như Duterte ?
David Camroux : Duterte là một hệ quả. Chúng ta nên lần ngược lại thời thuộc địa. Trái ngược với Indonesia và Việt Nam, Philippines không có giai đoạn bản lề là cuộc chiến đòi độc lập. Trong giai đoạn giải phóng khỏi ách thực dân, thường có sự chia rẽ về sắc tộc, giai tầng … Nhưng Philippines không bị như vậy. Đây là một đất nước được ban cho nền độc lập. Giới tinh hoa không thay đổi từ gần như suốt cả thế kỷ qua, ngoại trừ một số nhân vật trong giới thể thao và điện ảnh mới nổi lên từ vài năm nay. 80% thành viên Quốc Hội Philippines xuất thân từ các gia tộc làm chính trị.
The Asialyst : Tại sao một người như Duterte lại xuất hiện trong bối cảnh chính trị này ?
David Camroux : Duterte không phải là trường hợp đầu tiên. Philippines đã từng có nhiều nhà độc tài, người cuối cùng là Ferdinand Marcos, nhà độc tài trong giai đoạn 1972-1986. Không nên quên là Marcos là do dân bầu : ông ấy đã đắc cử tổng thống. Ở Philippines, cũng như tại Indonesia, luôn có những người tiếc nuối các nhà độc tài. Đó là một phản xạ của con người : sàng lọc các kỷ niệm trong quá khứ và chỉ lưu giữ lại điều tốt đẹp nhất. Hiện giờ vẫn còn có những người dân nói : "Marcos không tôn trọng nhân quyền, đúng là vậy, nhưng ít nhất thời đó vẫn còn có trật tự".
The Asialyst : Duterte tận dụng điều đó thế nào vào các phát biểu chính trị của ông ?
David Camroux : Duterte nói với dân chúng : "Quý vịđã bị lừa gạt vào những năm 1986, 1992, do phong trào Quyền lực nhân dân", ý nói tới các đợt biểu tình rồi các kỳ bỏ phiếu chấm dứt chế độc độc tài Marcos. Duterte giải thích là một vị lãnh đạo bị thay thế bằng một vị lãnh đạo khác, dù chuyển đổi thế nào thì dân chúng cũng chẳng được lợi gì. Điều thú vị về phong trào Quyền lực nhân dân đầu tiên là đó không phải "Quyền lực của dân" mà là "Quyền lực do dân".Nhân dân chỉ được coi là một phương tiện hoặc công cụ. Như vậy là đã có xu hướng dân túy.
The Asialyst : Nhưng Duterte cũng xuất thân từ một gia tộc chính trị…
David Camroux : Đúng là như vậy, cái giỏi của ông ấy là đã làm mọi người quên đi điều đó. Cha ông ấy từng là thị trưởng thành phố Davao, và con gái Rodrigo Duterte cũng kế nhiệm chức vụ này. Đây cũng là kiểu gia tộc chính trị cha truyền con nối. Nhưng Duterte nói thứ ngôn ngữ dân dã, và cũng chẳng ngần ngại thể hiện tính dung tục nhiều khi khiến người khác choáng váng và nhớ mãi. Cũng tương tự như trường hợp của Donald Trump. Họ đã vượt lằn ranh đỏ trong khi nói chuyện chính trị nhiều tới mức khiến các cuộc tranh luận đôi khi là không thể thực hiện được. Nhưng cũng giống như Trump, đằng sau sự thô thiển, Duterte là một nhà chính trị với một năng khiếu thực thụ.
The Asialyst : Duterte đã tận dụng lợi thế đó như thế nào để được coi là người của nhân dân ?
David Camroux : Khi còn nhỏ, Duterte từng là một học trò lười biếng, bị đuổi khỏi nhiều trường học, chưa bao giờ học hành thực sự … Trái lại, Duterte trải qua nhiều thời gian bên các vệ sĩ của mình và các vệ sĩ của người cha. Có thể nói, ông ấy đã thực sự trải qua thời thơ ấu với nhân dân. Và ông ấy bày tỏ ý kiến nhân danh nhân dân : nhân dân có đạo đức, có công lao, trái ngược với giới tinh hoa tham nhũng ở Manilla. Duterte nói : "Tôi biết điều dân nghĩ, chỉ có tôi mới có thểnói vì lợi ích của dân". Dân túy đích thực là như thế !
Những người ủng hộ Duterte là những người cảm thấy bị lãng quên, bị đẩy ra bên lề cộng đồng. Nếu họ ở Paris, trên đại lộ Champs-Elysées hồi đầu tháng 12, có lẽ họ đã khoác lên người chiếc áo vàng. Duterte cũng được các tầng lớp bình dân ủng hộ. Chúng ta không nên quên là Philippines là nước bất bình đẳng nghiêm trọng nhất ở Đông Nam Á.
The Asialyst : Duterte làm cách nào để dung hòa được các sự ủng hộ khác nhau ?
David Camroux : Duterte cũng gần giống như cảnh sát trưởng và hiệp sĩ rừng xanh. Ông ký các thỏa thuận với cả phe Hồi Giáo và Cộng Sản, có các phát biểu bài Mỹ nhưng lại chỉ huy quân đội thân Mỹ. Duterte có các phát biểu theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng lại có chính sách kinh tế tự do. Có một chi tiết thú vị : ông ấy không bao giờ nói "Tôi là tổng thống" mà chỉ nói "Tôi là thị trưởng", điều đó cho thấy ông ấy gắn bó với thành phố Davao. Đó là một chiến lược : thị trưởng thường là nhân vật duy nhất trong giới chính trị được tôn trọng, bởi vì khi thị trưởng thông qua một cải cách, người ta sẽ thấy ngay lập tức hành động của thị trưởng có hệ quả trực tiếp như thế nào.
The Asialyst : Chủ nghĩa dân túy ở Philippines giống với chủ nghĩa dân túy ở Châu Âu hay Châu Mỹ La tinh hơn ?
David Camroux : Nếu chủ nghĩa dân túy thể hiện qua các phát biểu thù hằn nhắm vào một nhóm sắc tộc hay một bộ phận trong xã hội, thì Duterte lại thường chỉ trích một "giới tinh hoa" bằng cách phóng đại sự bất bình đẳng giữa các vùng miền, khoảng cách biệt giữa thủ đô Manilla và phần lãnh thổ còn lại của Philippines.
Một kẻ thù khác của Duterte đương nhiên là ma túy. Ma túy ảnh hưởng đến tất cả mọi người ở Philippines, nhất là các gia đình nghèo khó. Lái xe taxi thường dùng ma túy để có thể làm việc 18-20 giờ/ngày. Người ta thấy "cuộc chiến chống ma túy" mà Duterte phát động có những tác hại khủng khiếp thế nào : cảnh sát thành lập các biệt đội tử thần để tiêu diệt những người nghiện hút ma túy trong các khu phố nghèo.
Người ta thống kê có khoảng 12.000 người bị giết hại phi pháp. Duterte thì công khai thừa nhận và tự đề cao là đã tiêu diệt được 100 người. Ông ấy thích vũ khí. Chính Duterte đã thành lập các biệt đội tử thần ở Davao. Và cuộc chiến chống ma túy này lại được lòng nhiều người. Nhà làm phim Brillante Mendoza, vốn ủng hộ Duterte, thậm chí đã sản xuất một seri phim cho Netflix về cuộc chiến chống ma túy của Duterte.
The Asialyst : Thật là khó tránh liên tưởng tới việc Trump ca tụng súng ống và kêu gọi bạo lực…
David Camroux : Người ta có thể coi Duterte là một "Trump thu nhỏ", nhưng làm như thế có nghĩa là nhìn nhận không đúng về Philippines. Ở Mỹ, các định chế có khả năng phản bác Trump. Nhưng quyền lực đối trọng này không tồn tại ở Philippines. Nhà nước yếu kém. Chỉ có 15% PIB là dành cho các hoạt động của Nhà nước. Người dân không được tiếp cận với các dịch vụ công cơ bản như y tế, giáo dục, tư pháp. Philippines thiếu khoảng 50.000 thẩm phán, nhà tù thì quá tải, các công trình xây dựng cấp quốc gia bị bỏ dở giữa chừng, các công trình nhà nước cũng vậy. Tất cả những điều này tạo cho chủ nghĩa dân túy nhiều cơ hội phát triển.
The Asialyst : Như vậy là không có ai đểđối chọi lại với Duterte ?
David Camroux : Vào năm 1986, một liên minh giữa Giáo Hội Công Giáo, quân đội và các tầng lớp trung lưu được hình thành để lật đổ nhà độc tài Marcos. Philippines hiện giờ không có một liên minh như vậy để chống Duterte. Giáo Hội Công Giáo suy yếu. Tổng thống Duterte cũng chú ý thắt chặt quan hệ với quân đội. Mặc dù ông ấy cũng không phải là có quyền năng tối thượng, nhưng ba chính trị gia đối lập chính của ông đều đang bị tù giam hoặc đã bị cách chức. Hiện giờ chỉ còn phó tổng thống Leni Robredo là còn công khai chỉ trích Duterte. Bà ấy đang tiến hành chiến dịch vận động tranh cử giữa nhiệm kỳ 05/2019. Đây sẽ là kỳ bầu cử có vai trò quyết định.
The Asialyst : Chủ nghĩa dân túy sẽ còn kéo dài bao lâu nữa ở Philippines ?
David Camroux : Sức khỏe của Duterte không tốt lắm. Có nhiều tin đồn thổi đáng lo ngại về tình trạng sức khỏe của tổng thống Philippines. Người ta cũng biết rằng ông ấy có vấn đề thực sự với chất gây nghiện. Dường như ông ấy phụ thuộc vào fetanyl, một chất gây nghiện rất mạnh được kê cho ông để giảm đau sau khi Duterte bị một tai nạn moto khi còn trẻ. Người ta đôi khi tự hỏi liệu Duterte có thay đổi hệ thống để tiếp tục làm tổng thống hay không. Tôi thì không nghĩ thế. Nhưng có một khả năng khác còn đáng lo ngại hơn. Rất có thể Duterte đang chuẩn bị mở đường để con trai nhà độc tài Marcos có thể thay Duterte lãnh đạo nếu ông qua đời hoặc từ chức.
Thùy Dương
********************
Gallup : Tổng thống Trump là người đàn ông được ngưỡng mộ thứ nhì ở Mỹ (VOA, 28/12/2018)
Dù ông Donald Trump là tổng thống đương nhiệm, nhưng về mặt ai là người được nhân dân Mỹ ngưỡng mộ nhất năm 2018, thì lại là người tiền nhiệm, ông Barack Obama.
Tổng thống Trump tại Tòa Bạch Ốc hôm 25/12/2018
Đây là lần thứ 11 liên tiếp, cựu nguyên thủ Mỹ đứng đầu danh sách thăm dò thường niên của công ty tư vấn Gallup của Hoa Kỳ, trong đó có một năm trên cương vị tổng thống đắc cử, tám năm khi làm tổng thống và hai năm với vai trò cựu tổng thống.
Còn đối với Tổng thống Trump, đây là lần thứ tư liên tiếp ông về nhì.
Theo Gallup, đây là lần thứ 13 trong 72 cuộc thăm dò thường niên từ năm 1946 mà tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ không đứng đầu danh sách, và thường là do tỷ lệ tín nhiệm ở mức dưới trung bình, như trường hợp của ông Trump.
Các nhân vật còn lại trong top 10 còn có cựu Tổng thống George W. Bush, Giáo hoàng Francis, người sáng lập Microsoft Bill Gates, Thượng nghị sĩ tiểu bang Vermont Bernie Sanders, cựu Tổng thống Bill Clinton, Đức Đại Lai Lạt Ma, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, CEO của Tesla Elon Musk và Phó Tổng thống Mike Pence.
Trong cuộc thăm dò từ ngày 3 tới 12/12 năm nay, công ty chuyên thăm dò ý kiến của công chúng đã hỏi người dân Mỹ về người đàn ông và phụ nữ họ ngưỡng mộ nhất ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Về bảng xếp hạng nữ giới, theo Gallup, đứng đầu là cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama. Đây lần đầu tiên trong vòng 17 năm, một người phụ nữ không phải là bà Hillary Clinton đã vươn lên ở vị trí số một.
Đứng sau bà Obama là nữ tỷ phú truyền thông Oprah Winfrey rồi sau đó là bà Clinton và đương kim Đệ nhất phu nhân Melania Trump.
Trong danh sách top 10 phụ nữ được yêu thích nhất ở Mỹ năm 2018 còn có Nữ hoàng Elizabeth, vốn có mặt trong danh sách năm thứ 50, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Nữ thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Ruth Bader Ginsburg, người dẫn chương trình Ellen DeGeneres, cựu nữ Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Heley, nhà hoạt động nhân quyền trẻ tuổi Malala Yousafzai và lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện, bà Nancy Pelosi.
(TIME, Bloomberg)
Năm 2016 tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bắt đầu sưởi ấm quan hệ với Trung Quốc để có được đầu tư, Bắc Kinh từng hứa cung cấp 24 tỷ đô la tín dụng để Manila nâng cấp hạ tầng cơ sở.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (P) trong buổi tiệc tối ở dinh tổng thống Malacanang, Manila, 20/11/2018. Mark Cristino
Thế nhưng theo các chuyên gia chỉ có một số rất ít được thực sự chi ra. Chuyến công du Philippines đầu tiên của một chủ tịch Trung Quốc từ hơn một thập niên, hai hôm 20 và 21/11/2018 vừa qua cũng không làm thay đổi toàn cảnh đó, trong lúc ông Duterte bị cáo buộc là đã bị lừa khi đã dâng trước chủ quyền Biển Đông của Philippines cho Trung Quốc.
Trong bài phân tích ngày 23/11 mang tựa đề "Quyết định của Philippines xoay trục qua Trung Quốc vẫn chưa mang lại lợi quả, và Manila vẫn ngóng trông các khoản tiền cam kết" (The Philippines' pivot toward China has yet to pay off, as Manila awaits promised funds), kênh truyền thông Mỹ CNBC đã nêu bật phản ứng của công luận Philippines, đang phê phán chính quyền Duterte là đã vội vã nhượng bộ Trung Quốc về địa chính trị ở Biển Đông để đánh đổi lấy hư không.
Đổi phán quyết Biển Đông để lấy 24 tỷ đô la cam kết đầu tư, nhưng chưa thấy gì
Theo nhà báo Nyskha Chandran của CNBC, sau khi tuyên bố "bỏ Mỹ, theo Tàu" và năm 2016, ông Duterte đã được chính quyền Tập Cận Bình cam kết 24 tỷ đô la đầu tư và tín dụng để năng cấp hạ tầng cơ sơ tại Philippines, nhưng cho đến nay, hầu như Manila vẫn chưa thấy tăm hơi những khoản cam kết đó.
Bắc Kinh đã hứa với Manila đến10 dự án hạ tầng cơ sở to lớn, nhưng theo nhà chính trị học Richard Heydarian, thuộc Đại học La Salle ở Philippines, chỉ mới có một dự án là đã đi vào thực hiện. Trong lúc đó thì ông Duterte đã "giảm nhẹ hẳn việc tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc, và đi theo đường lối của Bắc Kinh".
Cựu tổng thống Philippines Benigno Aquino đã đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ Trung Quốc - Philippines ở Biển Đông ra trước Tòa Trọng Tài La Haye, và năm 2016, Tòa án đã ra phán quyết thuận lợi cho Manila, vô hiệu hóa yêu sách của Bắc Kinh. Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết đó. Nhiều người đã chỉ trích ông Duterte là đã không làm gì để đòi hỏi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết.
Chẳng những thế, chỉ vài tháng sau phán quyết nói trên thì ông Duterte lại thay đổi chính sách đối ngoại, tuyên bố chia tay với đồng minh Hoa Kỳ để quay sang đồng hành với Bắc Kinh.
Quyết định trên đã khiến nhiều người Philippines giận dữ. Họ cho rằng tổng thống của họ đã nhượng bộ ở Biển Đông để có được tiền từ Trung Quốc nhưng lại chẳng thấy gì.
Gần một nửa trong số 75 dự án hạ tầng cơ sở của ông Duterte - trụ cột của chiến lược kinh tế "Xây Dựng, Xây Dựng và Xây Dựng", trị giá 180 tỷ đô la, dự trù dùng tiền của Trung Quốc, nhưng đến nay, theo hãng tin Anh Reuters chỉ mới có ba đề án là nhận được tài trợ.
Bộ trưởng tài chính Philippines Benjamin Diokno, hôm thứ Hai tuần trước (19/11), đã thừa nhận rằng đầu tư Trung Quốc đến rất chậm.
Hiện nay tổng thống Duterte vẫn còn được hậu thuẫn rộng rãi của dân chúng, nhưng các cuộc thăm dò cho thấy người Philippines rất dè dặt về chính sách của ông đối với Trung Quốc. Theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do viện Social Weather Station công bố hôm 19/11, hơn 80% người được hỏi cho rằng Philippines nên chống lại việc Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo đã bồi đắp ở Biển Đông.
29 thỏa thuận ký kết, nhưng chỉ là thứ yếu
Trong bối cảnh những cam kết tài trợ của Trung Quốc cho ông Duterte rõ ràng là chưa thành hiện thực, đồng thời chính sách thân Bắc Kinh của tổng thống Philippines bị chỉ trích là không mang lại lợi ích mong muốn, nhiều nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh sẽ phải cố buông ra một cái gì nhân chuyến công du Philippines của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Quả thực là nhân chuyến thăm Philippines của ông Tập Cận Bình, Manila và Bắc Kinh đã ký đến 29 thỏa thuận trên nhiều lãnh vực, từ hợp tác giáo dục cho đến xây dựng khu công nghiệp. Tuy nhiên, theo chuyên gia Heydarian, khi xem xét kỹ, thì giá trị các văn kiện đó chẳng là bao.
Đại đa số các văn bản được ký kết chỉ là những biên bản ghi nhớ và những khuôn khổ hợp tác mơ hồ, hầu như có rất ít thỏa thuận có liên quan đến việc thực hiện các dự án hạ tầng cơ sở quan trọng.
Trong một bản thông cáo công bố hôm thứ Tư 21/11 vừa qua, phó tổng thống Philippines bà Leni Robredo, một trong những chính khách đối lập với tổng thống Duterte, đã lên tiếng lưu ý rằng "tình hữu nghị song phương không được quyền ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia và dân tộc". Đối với phó tổng thống Robredo : "Chủ quyền của Philippines không thể bị tác động bởi bất kỳ thỏa thuận nào với bất kỳ quốc gia nào".
Trung Quốc đã được Duterte nhượng bộ về Biển Đông nên không cần giữ lời hứa
Khái niệm chủ quyền được bà Robredo nhắc đến được cho là liên quan đến Biển Đông. Trong chuyến thăm Philippines của ông Tập Cận Bình, hai bên đã cam kết quản lý đúng đắn các bất đồng ở Biển Đông.
Điều làm giới quan sát thắc mắc là không rõ là tổng thống Duterte có đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye năm 2016 hay không. Thế nhưng hai bên đã ký một thỏa thuận cùng khai thác dầu khí ở vùng biển tranh chấp, cho dù theo phán quyết nói trên thì Trung Quốc không có quyền hạn gì ở vùng này.
Theo chuyên gia Malcolm Cook, thuộc viện nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak tại Singapore, thì "tổng thống Duterte đang ở trong thế yếu trước Trung Quốc và chính ông đã tự đặt mình trong thế đó".
Chuyên gia này giải thích : "Ông Duterte đã xích lại gần Trung Quốc quá nhanh, quá toàn diện ngay sau khi lên cầm quyền, và đã cho Trung Quốc tất cả những gì họ muốn trước khi Bắc Kinh đền đáp lại. Cho nên không mấy ngạc nhiên khi thấy những lợi lộc kinh tế mà Trung Quốc hứa cho Philippines lại đến ít và chậm hơn là cam kết".
Theo giới quan sát, có nhiều lý do khiến Trung Quốc tài trợ chậm trễ cho các đề án hạ tầng cơ sở của Philippines.
Các đề án như tuyến đường xe lửa Mindanao Railway chẳng hạn, một phần của Con Đường Tơ Lụa Mới, mang tính chất chính trị nhiều hơn là thương mại, do đó các ngân hàng Trung Quốc do dự trong việc chi tiền. Theo chuyên gia Cook, "Sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường đã bắt nhiều ngân hàng phải gồng gánh những khoản cho vay về hạ tầng cơ sở mà hiệu quả rất đáng ngờ".
Ông Heydarian thì nhìn thấy một khía cạnh khác : "Bắc Kinh không cảm thấy cần phải gấp rút đầu tư vì họ đã đạt được những nhượng bộ mà họ muốn từ Manila".
Mai Vân
Nguồn : RFI, 26/11/2018
Philippines đặt giới hạn mới trong hợp tác trên biển với Trung Quốc (VOA, 22/02/2018)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đặt ra một ranh giới trong quan hệ hữu nghị đang phát triển nhanh chóng với Trung Quốc bằng việc yêu cầu Trung Quốc không có thêm các hoạt động tại bãi đá ngầm ngoài khơi Thái Bình Dương và nhấn mạnh rằng Bắc Kinh không nên có thêm các công trình xây dựng trong vùng biển tranh chấp.
Người Philippines tuần hành trước Lãnh sứ quán Trung Quốc ở Makati, Metro Manila, ngày 10/2/2018.
Tổng thống Philippines hôm 6/2 nói ông sẽ không để cho các tàu nước ngoài vào thăm dò bãi đá ngầm Philippine Rise, một khu vực ngoài khơi đảo Luzon phía đông thủ đô Manila. Trước đó, hồi tháng 1 và một lần vào cuối năm 2016, ông đã để cho Trung Quốc khám phá khu vực này. Năm 2016, Tổng thống Duterte đã thay đổi chính sách đối ngoại của Philippines bằng cách theo đuổi mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc-để đổi lấy các khoản vay, trợ cấp và đầu tư của Bắc Kinh.
Một tuần sau, phát ngôn viên của ông Duterte cho biết trên trang mạng của tổng thống rằng các viên chức chính phủ "phản đối và không công nhận các tên Trung Quốc" đặt cho 5 bãi đá ngầm trong khu vực này.
Hôm thứ Sáu 16/2, Ngoại trưởng Philippines nói rằng hai bên đang thảo luận về việc thăm dò chung ở các phần của Biển Đông mà cả hai bên đều có tuyên bố chủ quyền. Bộ Ngoại giao Philippines hôm 14/2 cho hay trong cuộc thảo luận này, Trung Quốc đã cam kết không "xây dựng trên các bãi đá không có người ở" như đã được ghi nhận trong một thỏa thuận đa quốc gia vào năm 2002.
Theo nhà khoa học chính trị Antonio Contreras, thuộc Đại học De La Salle, Philippines, những động thái này đánh dấu sự đảo ngược với sự đồng thuận trước đây của ông Duterte trước việc Trung Quốc sử dụng các vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines.
Một số học giả cho biết Philippines có thể đang phản kháng Trung Quốc để bảo vệ quyền lợi từ bãi đá ngầm này, vốn được cho là giàu trữ lượng khí đốt.
Bãi đá ngầm rộng 13 triệu héc-ta, còn được gọi là Benham Rise, nằm ở độ sâu 35 mét dưới mặt biển tại thềm lục địa bên ngoài khu vực Biển Đông. Vào năm 2012, Ủy ban LHQ về Giới hạn của Thềm lục địa đã chấp thuận tuyên bố chủ quyền của Philippines đối với bãi đá ngầm này.
*******************
Trung Quốc dùng chính sách "ngoại giao chủ nợ" để tăng cường sức mạnh trên biển (RFI, 20/02/2018)
Hãng tin Reuters ngày 20/02/2018 dẫn nguồn tin từ báo chí Hoa lục cho biết chỉ riêng trong tháng này, đã có đến 11 chiến hạm Trung Quốc đi vào Ấn Độ Dương, vào lúc cuộc khủng hoảng ở quần đảo Maldives đang gay gắt.
Một góc cảng Hambantota, Sri Lanka. ©LAKRUWAN WANNIARACHCHI / AFP
Theo trang web sina.com.cn, một đội khu trục hạm, một tàu đổ bộ 30.000 tấn và ba tàu dầu đã đi xuyên qua Ấn Độ Dương. Trang tin này khoe khoang : "Nếu nhìn vào các chiến hạm và những trang thiết bị khác, khoảng cách giữa hải quân Ấn Độ và Trung Quốc chẳng là bao".
Trang Nikkei ngày 20/02 cho biết thêm, tại Maldives, Bắc Kinh đã biến một đảo hoang thành căn cứ hải quân, bằng cách cắt ngang các rạn san hô xung quanh, tạo thành đường cho các tàu chiến đi qua. Trung Quốc cũng có thể xây các đảo nhân tạo tại đây và quân sự hóa, như đã làm tại Biển Đông.
Cũng nằm trong tính toán chiến lược của Bắc Kinh, ba tàu chiến Trung Quốc đã thăm Maldives cách đây sáu tháng, đậu ở cảng Male, Girifushi và huấn luyện cho quân đội nước này. Việc tăng cường sự hiện diện của hải quân tại Ấn Độ Dương có thể là một thông điệp cho New Delhi, nhằm ngăn chận một sự can thiệp quân sự vào Maldives.
Về kinh tế, sự tranh giành ảnh hưởng tại Maldives giữa Ấn Độ và Trung Quốc càng thêm đậm nét, sau khi tổng thống Abdulla Yameen ký kết tham gia dự án "Một vành đai, một con đường" của Bắc Kinh.
Tổng thống đương nhiệm Yameen đã tạo điều kiện cho Trung Quốc mua lại các hòn đảo của nước mình qua việc sửa đổi Hiến Pháp năm 2015, nhằm hợp pháp hóa việc nước ngoài sở hữu đất đai tại Maldives. Hiến Pháp tu chính dường như chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc : các dự án xây dựng phải có giá trị tối thiểu 1 tỉ đô la. Khi trao cho Bắc Kinh các hợp đồng tài trợ cơ sở hạ tầng, ông Yameen đã buộc đất nước phải gánh thêm một núi nợ nần.
Trong khi đó ông Mohamed Nasheed, tổng thống đầu tiên và duy nhất được bầu lên một cách dân chủ, khẳng định Maldives không thể hoàn trả nổi số nợ 1,5 đến 2 tỉ đô la cho Trung Quốc, tương đương 80% tổng nợ quốc gia. Ông than thở : "Trung Quốc không cần bắn một phát súng nào mà vẫn chiếm được nhiều đất đai tại Maldives hơn người Anh trong thế kỷ 19".
Trong số những hòn đảo không người ở mà Trung Quốc thuê lâu dài tại Maldives có Feydhoo Finolhu, nằm gần thủ đô Male, trước đây dùng làm nơi huấn luyện lực lượng cảnh sát ; đảo Kalhufahalufushi có chiều dài 7 km có nhiều rạn san hô tuyệt đẹp. Trung Quốc chỉ phải trả 4 triệu đô la cho đảo Feydhoo Finolhu, bằng cái giá một căn hộ sang trọng ở Hồng Kông, đảo Kalhufahalufushi thậm chí còn rẻ hơn.
Trung Quốc, nước duy nhất ủng hộ tổng thống độc tài Yameen của Maldives từ khi ông này lên nắm quyền năm 2013, khẳng định việc thuê mua dài hạn các hòn đảo của nước này chỉ nhằm mục đích thuần túy thương mại. Tuy nhiên các dự án cảng khác của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương, được cho là đơn thuần kinh tế, nay đã mang tầm vóc quân sự.
Chẳng hạn sau khi cho Djibouti vay nhiều tỉ đô la, năm 2017 Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài, tại quốc gia nhỏ bé nhưng có vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương. Tại Pakistan, Bắc Kinh huy động tàu chiến để bảo vệ cảng Gwadar do Trung Quốc xây dựng, và chuẩn bị lập một căn cứ quân sự gần đó.
Nikkei nhận định, mỗi món vay đều nhằm gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh, mà tờ báo gọi là "ngoại giao chủ nợ". Chính sách ngoại giao này đã gặt hái được thành công lớn vào tháng 12/2017, khi Sri Lanka cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Hambantota trong 99 năm với giá 1,12 tỉ đô la. Trước đó, sau khi mua lại phần lớn cảng container Colombo, các tàu ngầm Trung Quốc đã lặng lẽ vào trú đóng tại đây. Ở Miến Điện, cảng nước sâu Kyauk Pyu do Bắc Kinh tài trợ, cũng có thể được dùng vào mục đích quân sự.
Nhìn chung, không chỉ có Maldives, mà nhiều nước láng giềng của Ấn Độ và Trung Quốc như Bangladesh, Miến Điện, Nepal, Pakistan, Sri Lanka đều lọt bẫy nợ của Trung Quốc, giúp Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương.
Ông John Adams (1797-1801), vị tổng thống thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ từng nói : "Có hai cách để chinh phục và nô dịch một đất nước. Cách thứ nhất là bằng thanh gươm, và cách thứ nhì là nợ nần". Theo Nikkei, Trung Quốc đã chọn phương cách thứ hai. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có lần gọi Trung Quốc là "đế quốc mới", sử dụng các chính sách giống như thời kỳ Châu Âu đi chiếm thuộc địa.
Mao Trạch Đông từng khẳng định "chính quyền trên đầu nòng súng". Nhưng cũng theo Nikkei, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, cường quốc đầu tiên trong lịch sử đương đại không hề có đồng minh thực sự, có thể thêm vào đó một nguyên tắc khác : mua tình hữu nghị bằng cách mở rộng hầu bao. Trung Quốc đang lôi kéo nhiều quốc gia vào vòng ảnh hưởng của mình, bằng cách nhấn chìm họ trong nợ nần.
Thụy My
*********************
Philippines lo ngại xung đột Mỹ - Trung ở Biển Đông (VOA, 20/02/2018)
Nguy cơ từ "các tính toán sai lầm" và xung đột đã gia tăng ở Biển Đông vì Trung Quốc nay mạnh hơn về quân sự có thể thách thức Hoa Kỳ, vốn từng thống trị ở vùng biển chiến lược này, theo nhà ngoại giao hàng đầu của Philippines ở Bắc Kinh hôm 19/2.
Máy bay Mỹ bay trên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson ở Thái Bình Dương hôm 20/1.
AP dẫn lời Đại sứ Chito Sta. Romana nói rằng cán cân quyền lực đang dịch chuyển khi hai cường quốc tìm cách kiểm soát vùng lãnh hải, đồng thời nói thêm rằng Philippines không nên bị vướng vào cuộc cạnh tranh lãnh hải căng thẳng này.
Hoa Kỳ thời gian qua đã đưa tàu chiến tới gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông để thực thi "quyền tự do hàng hải" và vấp phải phản đối của Trung Quốc.
"Trước đây, Hạm đội 7 của Mỹ thống trị Biển Đông, giờ thì hải quân Trung Quốc đã bắt đầu thách thức sự thống trị đó", Sto. Romana nói tại một diễn đàn ở Manila. "Tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến một sự dịch chuyển cán cân quyền lực".
Tuy nhiên, nhà ngoại giao này nói thêm, đề cập tới hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson mới tuần tra Biển Đông và hiện thăm Philippines : "Hoàn toàn không phải là Biển Đông giờ đã là ao hồ của Trung Quốc. Hãy nhìn hàng không mẫu hạm của Mỹ vẫn băng qua Biển Đông".
Ông Sto. Romana so sánh cuộc đối đầu của hai cường quốc như là hai con voi đánh nhau và dẫm đạp nát cỏ. "Điều chúng ta không muốn là làm cỏ", ông nói.
Đại sứ của Philippines nói rằng chính sách làm bạn với Trung Quốc của Tổng thống Rodrigo Duterte đã có kết quả, với việc Bắc Kinh quyết định gỡ bỏ việc phong tỏa bãi Second Thomas Shoal mà Việt Nam gọi là Bãi Cỏ mây.
Chính quyền của Trump đã vạch ra một chiến lược an ninh mới, trong đó nhấn mạnh tới việc ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc và củng cố sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nơi Bắc Kinh và Mỹ thường chỉ trích nhau gây ra cuộc chạy đua vũ trang và tìm cách gây ảnh hưởng rộng lớn, theo AP.
Các lực lượng Hoa Kỳ không nao núng trước hành động quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông, và sẽ tiếp tục tuần tra ở bất kỳ nơi nào "luật pháp quốc tế cho phép" trên vùng biển chiến lược này, Thiếu tá Tim Hawkins, sĩ quan hải quân Mỹ, tuyên bố.
**********************
Trước các thông tin dồn dập về việc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa Biển Đông, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không ngần ngại khẳng định rằng các tiền đồn mà Bắc Kinh đang rốt ráo xây dựng ở Trường Sa chỉ nhằm chống Mỹ mà thôi.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đón tiếp thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại phủ tổng thống ở Manila, ngày 15/11/2017. Reuters/Romeo Ranoco
Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu tại một diễn đàn doanh nghiệp Philippines-Trung Quốc tổ chức ở Manila, ngày 19/02/2018, với sự tham dự của ông Triệu Giám Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Philippines, tổng thống Duterte đã giảm nhẹ hẳn mức độ nghiêm trọng của các hoạt động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông.
Thậm chí, ông còn cho rằng các căn cứ quân sự mà Bắc Kinh xây dựng trên các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp ở Biển Đông chỉ có mục tiêu phòng thủ trước nước Mỹ, chứ không phải nhằm đối phó với Philippines và các láng giềng Đông Nam Á.
Ông Duterte đồng thời phản bác những lời chỉ trích ông là "hèn nhát" trước Trung Quốc khi cho rằng ông sẽ không hy sinh mạng sống của người Philippines một cách vô ích, và "sẽ không bao giờ tham gia vào một cuộc chiến mà Philippines không thể thắng".
Hãng tin Anh nhận định : Philippines và Trung Quốc từng căng thẳng với nhau trong nhiều năm trời vì các tranh chấp trên Biển Đông. Tuy nhiên, dưới thời ông Duterte, quan hệ hai bên đã cải thiện hẳn lên, với việc lãnh đạo Philippines ra sức chiêu dụ Bắc Kinh để tranh thủ các lợi ích thương mại và kinh tế.
Lập luận cho rằng Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông chỉ để chống Mỹ cũng được đại sứ Philippines tại Trung Quốc Chito Sta. Romana, khai triển thêm cũng tại diễn đàn ở Manila, với nhận định cho rằng tương quan lực lượng Mỹ-Trung tại Châu Á đang dịch chuyển, và cụ thể là ở Biển Đông : "Hải quân Trung Quốc đã bắt đầu chống lại thế thống trị của hạm đội 7 Hoa Kỳ".
Đại sứ Philippines tại Trung Quốc cho rằng "Biển Đông chưa phải là ao nhà của Trung Quốc" vì tàu sân bay Mỹ chẳng hạn vẫn đi ngang qua đó, ý muốn nói đến chiếc USS Carl Vinson vừa ghé cảng Manila. Thế nhưng theo ông, rủi ro xẩy ra xung đột võ trang trong vùng đang gia tăng do thế đối đầu Mỹ-Trung hiện nay.
Ông đã dùng đến hình tượng hai con voi đấu nhau làm cỏ dưới đất bị đạp nát để cho rằng "Có ai muốn làm bãi cỏ đâu".
Theo hãng tin Mỹ AP, đại sứ Romana đã ca ngợi lợi ích của chính sách xích lại gần Bắc Kinh của Manila, nêu lên ví dụ về việc Trung Quốc đã không còn phong tỏa bãi Cỏ Mây (Second Thoomas Shoal) ở Trường Sa, bên trên có một đơn vị thủy quân lục chiến Philippines thường trú, hay đã cho phép ngư dân Philippines đến đánh bắt tại bãi Scarborough Shoal mà Trung Quốc đã lấn chiếm vào năm 2012 sau khi xua đuổi tàu thuyền của Philippines.
Trọng Nghĩa
******************
Ông Duterte muốn Philippines thành tỉnh của Trung Quốc ? (VOA, 19/02/2018)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 19/2 tìm cách giảm bớt sự lo ngại về việc Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự trên các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, đồng thời bông đùa muốn trao Philippines cho Bắc Kinh.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Phát biểu trước các doanh nhân Trung Quốc và Philippines, theo Reuters, ông Duterte cho rằng Bắc Kinh làm vậy để chống Mỹ thay vì đương đầu với các quốc gia láng giềng.
Nhà lãnh đạo được coi là trực ngôn này cũng đổ lỗi cho các chính phủ tiền nhiệm đã không xây dựng tuyến phòng thủ của Philippines ở quần đảo Trường Sa lúc Bắc Kinh mới bắt đầu xây các đảo nhân tạo và biến chúng thành các căn cứ quân sự.
Trung Quốc và Philippines từng có thời đối đầu nhau về Biển Đông, nhưng quan hệ song phương cải thiện đáng kể dưới thời kỳ nắm quyền của Tổng thống Duterte.
Về những lời chỉ trích về việc không hành động đủ mạnh trước Trung Quốc ở Biển Đông, nhà lãnh đạo này từng nói rằng ông "sẽ không để người Philippines chết một cách không cần thiết".
"Tôi sẽ không tham gia cuộc chiến mà mình sẽ không bao giờ chiến thắng", ông Duterte nói.
Theo Reuters, trước khi kết thúc bài phát biểu hôm 19/2, ông Duterte bông đùa, đề nghị trao và biến Philippines thành một tỉnh của Trung Quốc.
"Nếu quý vị muốn, quý vị có thể biến chúng tôi trở thành một tỉnh như Phúc Kiến. Tỉnh Philippines, nước Cộng hòa Trung Hoa", ông Duterte đùa.
**********************
Philippines và Trung Quốc thảo luận về thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông (RFI, 19/02/2018)
Vào tuần trước, Philippines và Trung Quốc đã họp tại Manila để thảo luận về khả năng thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông. Đó là thông báo của ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano với các phóng viên vào ngày 16/02/2018 và được hãng tin Bloomberg loan tải hôm qua.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) tiếp đồng nhiệm Philippines Rodrigo Duterte nhân diễn đàn "Một vành đai, một con đường", Bắc Kinh ngày 15/05/2017. Reuters/Etienne Oliveau
Theo lời ngoại trưởng Philippines, trong vòng ba tháng tới, Manila sẽ cùng với Bắc Kinh đúc kết một hiệp định khung để hai nước có thể tiến hành thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông, tại các khu vực mà Philippines và Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền. Ông Cayetano cho rằng dự án này là rất quan trọng đối với Philippines, vì mỏ khí Malampaya theo dự báo sẽ cạn kiệt vào năm 2024. Đây vẫn là nguồn cung cấp khí cho nhiều nhà máy điện của Philippines.
Theo ông Cayetano, các quan chức bộ Quốc Phòng, Năng Lượng và Ngoại Giao đang soạn thảo hiệp định khung cho phía Philippines, nhưng ông khẳng định ngay là văn bản này sẽ theo đúng tinh thần của Hiến Pháp Philippines và sẽ được Tòa Án Tối Cao xem xét kỹ lưỡng.
Ngoại trưởng Philippines nhắc lại là đã có tiền lệ về thăm dò dầu khí chung ở Biển Đông, chẳng hạn như vào năm 2004, ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Philippines đã tiến hành khảo sát địa chấn chung ở vùng biển này. Tuy nhiên, theo hãng tin Bloomberg, cho tới nay, Tòa Án Tối Cao Philippines vẫn còn đặt vấn đề về tính hợp pháp của dự án đó.
Ngày 15/02 vừa qua, đại sứ Philippines ở Bắc Kinh, Chito Sta. Romana cho biết, nhóm nghiên cứu về khả năng thăm dò dầu khí chung giữa Trung Quốc với Philippines sẽ công bố kết quả nghiên cứu trong năm nay.
Thanh Phương
****************
Các chiến binh ISIS xâm nhập Philippines (RFA, 20/02/2018)
Các chiến binh khủng bố ISIS ở Trung Đông đang xâm nhập Philippines.
Ông Ebrahim Murad, Chủ tịch Mặt trận Hồi giáo giải phóng Moro, nói chuyện tại một diễn đàn tại Manila ngày 20/2/2018. AFP
Ông Ebrahim Murad, thủ lĩnh nhóm Hồi giáo ly khai Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro tại miền Nam Philippines nói như thế với các phóng viên vào ngày thứ ba 20/2/2018.
Trước đó, Mặt trận giai phóng Hồi giáo Moro đã ký thỏa thuận hòa bình với chính phủ để đổi lấy quyền tự trị lớn hơn cho cộng đồng Hồi giáo tại miền Nam Philippines.
Ông Ebrahimm Murad còn nói là nhóm ISIS này đã lên kế hoạch tấn công hai thành phố nhỏ trên đảo Mindanao miền Nam Philippines là Iligan và Cotabato, nhưng kế hoạch này đã không thực hiện được.
Dựa trên những thông tin tình báo do nhóm ly khai Mặt trận Moro thu thập được, thì những phần tử Hồi giáo cực đoan tại Mindanao đang tuyển mộ tàn quân ISIS từ Trung Đông, tích cực tuyên truyền quan điểm cực đoan dưới vỏ bọc kinh thánh Koran tại các vùng làng mạc hẻo lánh.
Những thông tin được ông Ebrahim Murad đưa ra về mối đe dọa của các cuộc tấn công khủng bố được đưa ra chỉ vài tháng sau khi quân đội Phi dẹp tan được cuộc tấn công của các lực lượng khủng bố có quan hệ với ISIS vào thành phố Marawi miền Nam nước này vào năm ngoái.
Trận đáng ở đây kéo dài đến 5 tháng với khoảng 1100 người thiệt mạng.
Đứng trước mối đe dọa hiện nay ông Ebrahim Murad nói rằng Quốc hội Phi cần sớm thông qua dự luật cho phép miền Nam có nhiều quyền tự trị hơn của cộng đồng Hồi giáo chiếm đa số tại đây.
Bản thân Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro, sau thời gian nổi dậy đòi ly khai với chính phủ trung ương tại Manila cũng đã ngồi vào bàn đàm phán, nhưng ông thận trọng nói rằng không thể chiến thắng được chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo nếu không kiến tạo được hòa bình ngay trong Quốc hội.
Duterte sẵn sàng tự tay bắn hạ người phạm tội (RFI, 22/10/2017)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, hôm thứ Sáu 20/10/2017, tuyên bố sẵn sàng "bấm cò súng" để bắn hạ những người phạm tội, và trấn an công chúng là có thể giao lại cho cảnh sát nhiệm vụ trên tuyến đầu, trong cuộc chiến đẫm máu chống buôn lậu ma túy.
Chính sách trấn áp ma túy đẫm máu của ông Duterte bị phản đối mạnh. Người biểu tình đốt hình nộm tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, Manille, 21/09/2017 - Reuters
AFP cho biết, phát biểu trước giới truyền thông ở nam Philippines, tổng thống Duterte nói : "Nếu quý vị không muốn cảnh sát, thì đã có tôi ở đây. Tối sẽ bắn chết hết những kẻ khốn kiếp cưỡng hiếp trẻ em, phụ nữ. Nếu không ai dám, tôi sẽ bấm cò súng".
Hôm 11/10, ông Duterte tuyên bố sẽ rút toàn bộ lực lượng 165.000 cảnh sát ra khỏi cuộc chiến chống ma túy và thành lập cơ quan đặc trách chống ma túy gồm 2.000 nhân viên để thay thế cảnh sát, bị cáo buộc tham nhũng, lạm quyền. Tuy nhiên, hôm 20/10, tổng thống Duterte lại tỏ ý nghi ngờ khả năng hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan trên. Ông cho biết nếu mọi chuyện lại xấu đi, ông sẽ ra lệnh cho cảnh sát quay lại chiến dịch chống ma túy.
Trước các cáo buộc cảnh sát vòi tiền những người bị nghi ngờ là dính líu tới ma túy, tổng thống Duterte khẳng định ông chưa bao giờ ra lệnh hay gợi ý cho cảnh sát làm việc đó, bởi vì ông rất sung sướng nếu những kẻ buôn bán hay sử dụng ma túy bị tiêu diệt.
Thùy Dương
********************
Tổng thống Philippines nói sẵn sàng tự tiêu diệt tội phạm (Thời Báo, 22/10/2017)
Tổng thống Rodrigo Duterte nói ông sẵn sàng tự bắn tội phạm trong cuộc chiến ma túy mà ông phát động. Đồng thời, ông cũng cảnh báo rằng có thể tái đưa cảnh sát Philippines trở lại chiến dịch này.
Theo Fox news, ông Duterte đưa ra phát biểu trên sau khi tuyên bố rút lực lượng cảnh sát khỏi chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy hôm 11/10. Cảnh sát Philippines bị cáo buộc lạm quyền khi thẳng tay giết chết hàng nghìn người trong cuộc chiến đẫm máu do vị tổng thống phát động mà không làm rõ nguyên nhân.
AFP dẫn lời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nói cuối ngày 20/10 (giờ địa phương) : "Với những kẻ cưỡng hiếp trẻ em, phụ nữ, những tên tội phạm…, nếu bạn không muốn gọi cảnh sát, đã có tôi, tôi sẽ bắn chúng. Đó là sự thật! Nếu không ai dám, tôi sẽ là người bóp cò súng".
Đồng thời, nhà lãnh đạo Philippines cho biết ông đang xem xét việc đưa cảnh sát tham gia lại chiến dịch chống ma túy một lần nữa để chống lại các loại tội phạm.
Tổng thống Philippines đã tuyên bố rút lực lượng cảnh sát ra khỏi chiến dịch chống ma túy hôm 11/10. (Ảnh minh họa : Getty)
Ông Rodrigo Duterte đã thay thế cảnh sát bằng Cơ quan chống tham nhũng Philippines (PDEA) với khoảng 2.000 sĩ quan, trong khi đó, lực lượng cảnh sát có 165.000 người.
Tổng thống tuyên bố : "Nếu 6 tháng nữa kể từ lúc này, mọi thứ tồi tệ trở lại, tôi sẽ đưa họ (cảnh sát) quay lại làm việc để giải quyết những vấn đề của chúng ta".
Kể từ khi ông Duterte nhậm chức vào tháng 6/2016, cảnh sát Philippines được cho là đã bắn chết hơn 3.900 cá nhân có dính líu đến ma túy. Ông cam kết trấn áp mạnh tay đối với tội phạm trong cuộc chiến chống ma túy.
Một khảo sát của hãng thăm dò Pulse Asia thực hiện trong tháng 9 trên 1.200 dân Philippines cho thấy: 90% người dân Philippines ủng hộ chiến dịch chống tội phạm ma túy của Tổng thống Duterte phát động. Họ coi ông là giải pháp đối phó tội phạm và tham nhũng. Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền lại chỉ trích ông vì cho phép bắn chết tội phạm không cần xét xử.
An Yên (Tổng hợp)
Vào ngày này cách nay đúng một năm, ông Rodrigo Duterte chính thức nhập chức tổng thống Philippines. Trong một năm qua, ông đưa người dân Philippines vào hành trình "sóng gió" với các vụ giết người trong cuộc chiến chống ma túy, chống khủng bố và chuyển hướng ngoại giao. Thế nhưng, một năm sau, tuyệt đại đa số người dân Philippines vẫn tin tưởng vào vị tổng thống 72 tuổi này.
Tổng thống Philipppines Rodrigo Duterte phát biểu trước các lãnh đạo Hồi giáo, nhân lễ Eid al-Fitr kết thúc mùa chay. Ảnh tại Manila ngày 27/06/2017. REUTERS/Romeo Ranoco
Trong lễ tuyên thệ nhậm chức cách đây một năm, ông đã cảnh báo : "Hành trình sẽ đầy sóng gió. Nhưng hãy sánh bước cùng tôi !".
Sóng gió bắt đầu với lời tuyên chiến chống tệ nạn buôn bán ma túy. Theo thống kê chính thức, 3.171 tội phạm và người nghiện ma túy đã bị cảnh sát triệt hạ. Ngoài ra, còn có 2.098 người bị sát thủ nặc danh giết hại vì liên quan đến ma túy và khoảng 8.200 người bị giết mà không rõ động cơ. Giới bảo vệ nhân quyền cảnh báo tổng thống Duterte đang phạm phải tội ác chống nhân loại, đồng thời cáo buộc ông xúi giục cảnh sát tham nhũng và các biệt đội tử thần ra tay giết người hàng loạt.
Cho đến nay, cuộc chiến bài trừ ma túy vẫn là ưu tiên hàng đầu của tổng thống Philippines. Thế nhưng, từ cuối tháng Năm vừa qua, ông Duterte phải đối phó với một thách thức khác : Đó là khủng bố, với việc các nhóm Hồi Giáo cực đoan vũ trang tuyên thệ trung thành với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo - Daech, đánh chiếm nhiều khu vực ở thành phố Marawi, phía nam đảo Mindanao.
Với cáo buộc quân thánh chiến muốn lập đế chế Hồi Giáo "califat", tổng thống Duterte ban hành ngay thiết quân luật trên khắp vùng Mindanao, nơi có đến 20 triệu người sinh sống. Dù tăng cường oanh kích với sự hỗ trợ của chiến đấu cơ Mỹ và Úc, quân đội Philippines vẫn chưa diệt trừ tận gốc ổ thánh chiến này, trong khi có đến 400 người thiệt mạng.
Về mặt đối ngoại, chính sách ngoại giao nguyên trạng trong vài thập kỷ qua bị thay đổi hoàn toàn. Ông Duterte không ngại tung những lời thóa mạ nhắm vào đồng minh Hoa Kỳ truyền thống, gọi tổng thống Mỹ Barack Obama là "đồ chó đẻ".
Tạm gác tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông, từng làm quan hệ song phương trở nên căng thẳng trong nhiệm kỳ trước, tổng thống Philippines cố hâm nóng quan hệ với Bắc Kinh. Sau chuyến công du Trung Quốc năm 2016 của ông Duterte, Trung Quốc hứa đầu tư khoảng 24 tỉ đô la Mỹ vào Philippines, trong đó có 15 tỉ đô la dành cho đầu tư và 9 tỉ đô la cho vay với lãi suất ưu ái.
Phe đối lập cảnh báo Manila vẫn chưa nhìn thấy những đồng tiền đó và chưa chắc đã được hưởng trọn vì tình trạng tham nhũng, thiếu minh bạch và các thỏa thuận song phương có nhiều điều khoản bí mật có lợi cho Trung Quốc.
75% dân Philippines hài lòng về tổng thống
Thế nhưng, người dân Philippines vẫn không ngừng ủng hộ tổng thống Duterte. Theo kết quả cuộc thăm dò vào tháng 03/2017, 75% người dân hài lòng về tổng thống, trong khi chỉ có 9% không ủng hộ. Bỏ qua những tuyên bố bốc đồng và cục cằn của ông Duterte, người dân Philippines cho ông là gương mặt phản hệ thống, một người có đầu óc thực tế, đồng cảm và sẵn sàng hành động, với quy mô lớn, để làm thay đổi mọi việc.
Trả lời AFP, giáo sư Ricardo Abad, thuộc đại học Ateneo tại Manila, nhận xét : "Dân chúng yêu mến người đàn ông này". Họ "có thể không đồng tình hoặc có thể vẫn lưỡng lự với chính sách của ông, nhưng vì họ quý trọng ông, nên họ vẫn tin vào tổng thống".
Một lý do khác giải thích sự ủng hộ của người dân là "ông Duterte mở đầu một phong cách quản lý hoàn toàn mới và người dân có thể nghĩ rằng họ cần mô hình này", theo giáo sư khoa học chính trị Edmund Tayao, thuộc đại học Santo Tomas.
Dấu hiệu cuối cùng cho thấy sự nổi tiếng của tổng thống Philippines là ông có đa số gần tuyệt đối ở Hạ Viện với 296 ghế, trong khi phe đối lập chỉ có 7 ghế.
Một trong số lãnh đạo thuộc phe đối lập, Edcel Lagman, cũng phải khen ngợi "tổng thống Duterte duy trì được đoàn kết quốc gia theo cách riêng khó hiểu của ông". Thế nhưng, vẫn theo ông Lagman, những lời hứa "thay đổi" này không được thể hiện qua việc làm. Và nếu còn tiếp tục tình trạng này thì "đa số gần như tuyệt đối" của tổng thống có thể vỡ tan.
Thường thì trong thời gian đầu nhiệm kỳ, đại diện các phe phái chính trị thường tập trung quanh vị tổng thống nổi tiếng. Nhưng khi gió đổi chiều, họ sàng rời thuyền ra đi.
Thu Hằng
Philippines bắt giữ một thượng nghị sĩ đối lập với tổng thống Duterte (RFI, 24/02/2017)
Thượng nghị sĩ Leila de Lima, gương mặt tiêu biểu phản đối quyết liệt chính sách trấn áp đẫm máu của tổng thống Rodrigo Duterte trong cuộc chiến chống ma túy, đã bị bắt ngày 25/02/2017.
Nữ thượng nghị sĩ Philippines Leila De Lima bị cảnh sát bắt ngày 24/02/2017 tại Manila. REUTERS/Erik De Castro
Bà de Lima, 57 tuổi, đã tới trụ sở Thượng Viện ở Manila vào tối hôm trước, để tránh bị cảnh sát bắt giữ. AFP cho biết, trước khi ra trình diện cảnh sát ngày 24/02, bà de Lima tuyên bố tiếp tục cuộc đấu tranh chống lại tổng thống Duterte, người mà bà tố cáo là "kẻ giết người hàng loạt".
Cảnh sát Philippines bắt giữ thượng nghị sĩ de Lima với lý do bà bị cáo buộc đã bao che cho những ông trùm buôn ma túy.
Từ Manila, thông tín viên Marianne Dardard cho biết thêm thông tin :
"Phải chăng bà Leila de Lima đã tiến hành một cuộc thập tự chinh chống lại tổng thống Rodrigo Duterte ? Chính bà là người đã khởi xướng cuộc điều tra của Thượng Viện về các vụ giết người không qua xét xử trong cuộc chiến chống ma túy. Bà đã bị tước quyền chỉ đạo cuộc điều tra sau khi tổng thống Duterte tố cáo bà quan hệ tình dục với người lái xe và người này có liên hệ với các ông trùm buôn ma túy. Những ông trùm này còn tinh chế cả ma túy ngay trong nhà tù lớn nhất Philippines vào thời điểm bà de Lima làm bộ trưởng Tư Pháp. Và đây có thể coi là một vụ bê bối mang tầm cỡ Nhà nước.
Vào năm 2009, cũng chính bà de Lima đã khởi xướng cuộc điều tra về các mối quan hệ giữa các lữ đoàn tử thần ở Davao và ông Duterte, lúc đó là thị trưởng thành phố này. Thậm chí, trong những ngày gần đây, nữ thượng nghị sĩ còn tố cáo tổng thống là một kẻ giết người hàng loạt và bệnh hoạn.
Trước đó, ông Duterte đã dọa nạt bà de Lima và nguyền rủa là bà hãy tự treo cổ đi. Một số chính trị gia thì đe dọa công bố một cuộn băng vidéo quay cảnh được cho là bà de Lima thác loạn tình dục với tài xế riêng.
Trong lúc đó, cuộc điều tra của Thượng Viện về những vụ giết người không qua xét xử trong cuộc chiến chống ma túy bị khép lại. Cuộc điều tra có thể được mở lại sau những tiết lộ của một người được cho là đã từng chỉ huy các lữ đoàn tử thần ở Davao. Trong những ngày qua, người này đã tố cáo là chính cựu thị trưởng Davao đã trả tiền, thuê ông giết người".
**********************
Philippines bắt Thượng nghị sĩ gọi Tổng thống Duterte là 'kẻ giết người hàng loạt' (Một Thế Giới, 24/02/2017)
Bà Leila de Lima
Sáng 24/2 Thượng nghị sĩ Philippines Leila de Lima có lập trường chống lại cuộc chiến ma túy đẫm máu của Tổng thống Rodrigo Duterte đã bị bắt.
Trước khi bị bắt bà de Lima từng kêu gọi nội các ngăn chặn "hành vi giết người hàng loạt" của Tổng thống Duterte khi ông thực hiện chiến dịch chống ma túy.
Bà Lima cũng từng tham gia một vụ điều tra nhắm vào Tổng thống Philippines tại Thượng viện sau khi có cáo buộc rằng ông Duterte đã ra lệnh giết người trái pháp luật ở thành phố Davao. Tổng thống Philippines từ chối cáo buộc này và Thượng viện cũng không tìm ra bằng chứng cho cáo buộc của mình.
"Tôi sẽ không rút lui khỏi cuộc chiến này vì tôi không chiến đấu một mình. Chứng cứ có rất nhiều và họ cần sợ hãi vì điều đó. Tôi kêu gọi tất cả mọi người phải có trách nhiệm ngăn chặn vị tổng thống giết người hàng loạt của đất nước chúng ta", bà de Lima khẳng định hôm 21/2.
Tuy nhiên chưa kịp chiến thắng trước ông Duterte thì Thượng nghị sĩ Leila de Lima đã bị bắt với cáo buộc nhận hối lộ từ các tay buôn ma túy trong nhà tù. Ngày 23/2, Tòa án xét xử khu vực Thành phố Muntinlupa, Manila đã phát lệnh bắt giữ đối với bà Lima.
Sau khi lệnh bắt được ban hành, bà Lima trở về nhà cùng gia đình nhưng sau đó ngay lập tức trở lại văn phòng làm việc ở thượng viện, nơi cảnh sát không thể bắt bà.
Thượng nghị sĩ 57 tuổi giải thích rằng bà cảm thấy không an toàn khi bị bắt vào giữa đêm và tuyên bố sẽ để cảnh sát bắt giữ vào sáng 24/2.
"Tôi không có ý định bỏ trốn. Tôi sẽ đối mặt với mọi cáo buộc", bà Lima nói vào tối 23/2 sau khi một tòa án ở Manila phát hành lệnh bắt giữ. Đến sáng 24/2, cảnh sát đã đến văn phòng của bà áp giải bà lên một chiếc xe cảnh sát chờ sẵn gần đó.
Kể từ khi ông Duterte nhậm chức, cuộc chiến chống ma túy dù nhận được sự ủng hộ rất nhiều từ công chúng Philippines nhưng khiến cho hơn 7.700 người thiệt mạng và bị nhiều nhà hoạt động nhân quyền trong nước cũng như quốc tế lên án.
Thiên Hà (theo Aljazeera)