Quá dựa vào Telegram, quân đội Nga sợ bị bất lợi sau vụ bắt Durov
Paris khai mạc Thế vận hội người khuyết tật, Nga oanh kích ồ ạt vào các thành phố Ukraine, thủ tướng Anh cảnh báo sẽ phải thắt lưng buộc bụng. Nỗ lực áp đặt người làm thủ tướng thất bại, cánh tả Pháp kêu gọi biểu tình. Đó là là những vấn đề thời sự được chú ý hôm nay, 28/08/2024.
Một bàn phím trước màn hình Telegram, 21/02/2023. Reuters - Dado Ruvic
Ukraine bị Nga oanh kích ác liệt
Le Monde quan tâm đến việc sáng thứ Hai vừa qua Ukraine bị Nga oanh kích dữ dội nhất kể từ đầu cuộc xâm lăng năm 2022, với 127 hỏa tiễn và 109 drone tác chiến, trong khi lực lượng Kiev tiếp tục chiếm thêm đất ở Kursk. Những vụ nổ xảy ra trên khắp cả nước, từ đông sang tây, kể cả những vùng đất lâu nay tương đối yên tĩnh như Lviv, Kiev, Kharkiv...
Cơ sở hạ tầng năng lượng tại 15 vùng bị thiệt hại, nhà máy thủy điện trên sông Dniepr cũng bị tấn công. Tại thủ đô Kiev, những tiếng nổ đầu tiên của đạn pháo phòng không vang lên từ 8 giờ sáng, hàng ngàn cư dân chạy vào các trạm métro trú ẩn, điện bị cúp khẩn cấp và một số khu vực bị cúp nước. Báo động kéo dài 7 giờ 46 phút. Hầu như mỗi lần thất bại trên chiến trường, Moskva đều trút giận vào cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine.
Pháp bắt chủ nhân Telegram, Nga tố "vi phạm tự do ngôn luận"
Về sự kiện Pháp bắt giữ tổng giám đốc Telegram, Libération cho biết "Tại Nga, việc Pavel Durov bị bắt gây lo sợ cho cả Kremlin và những người chống Putin". Ứng dụng này vừa là không gian tự do cuối cùng tại một nước độc tài, lại vừa là một kênh tuyên truyền mạnh mẽ.
Trong lúc tư pháp nước Pháp chậm công bố danh sách 12 tội danh dành cho nghi phạm, phản ứng của người Nga là lập tức và từ cả hai phía. Đối với những ai bị Vladimir Putin bịt miệng - nhà báo độc lập, mẹ tân binh mất tích ở Kursk - Telegram là nơi duy nhất có thể liên lạc an toàn. Tình báo Nga FSB nhiều lần cố bẻ khóa đồng thời đe dọa nhưng vẫn không kiểm soát được.
Hồi năm 2018, khi FSB đòi cung cấp chìa khóa giải mã và dữ liệu cá nhân của người sử dụng, Durov đã gởi đến hai chiếc chìa khóa kim loại cùng một lá thư nói rằng yêu cầu của chính quyền "không thể thực hiện về mặt kỹ thuật" và vi hiến. Telegram bị chặn rất gắt từ tháng 4/2018 đến tháng 7/2020, gây ra những cuộc biểu tình tại nhiều thành phố Nga. Nhờ có VPN, ứng dụng này vẫn hoạt động được, chính quyền đành chịu thua.
Nhưng từ cuối tuần qua, chính những nhà kiểm duyệt lại kêu gào về "nhân quyền", "tự do", tố cáo phương Tây "đạo đức giả". Đó là vì không kiểm soát được, nên Kremlin đã quay sang dùng Telegram làm công cụ tuyên truyền quy mô, bóp méo thông tin, đầu độc không gian mạng.
Blogger quân sự hoảng loạn, quan chức Nga xóa thông tin
Nhà kinh tế Konstantin Sonin, trong một bài xã luận trên Moscow Times, phân tích : "Theo với thời gian, chế độ đã chi ra những số tiền rất lớn để kích hoạt đủ loại kênh tuyên truyền trên Telegram. Chính quyền Putin trả tiền mua "like", người theo dõi, chia sẻ… cho các kênh do Nhà nước nắm". Thế nên những người tuyên truyền mới giận dữ khi Durov bị bắt : họ hết đường làm ăn.
Bên cạnh đó, quân đội Nga cũng dùng Telegram làm kênh hầu như duy nhất để tiến hành cuộc xâm lăng Ukraine, từ trao đổi thông tin ngoài mặt trận cho đến hướng dẫn đường bay hỏa tiễn. Nếu Telegram ngưng hoạt động hay rơi vào tay địch, toàn bộ "chiến dịch quân sự đặc biệt" coi như tiêu tùng. Ông Sonin nói : "Chính quyền Nga không tạo nổi phương tiện hiệu quả khác cho liên lạc của quân đội. Durov bị Pháp bắt, các blogger quân sự hoảng loạn vì không biết bí mật nào sẽ bị tiết lộ cho tình báo Pháp".
Trong những giờ sau khi Durov bị câu lưu, theo kênh Baza thân Kremlin, một số nhân viên an ninh và viên chức Phủ tổng thống Nga được lệnh xóa những liên lạc chính thức của họ trên Telegram ; ngoài ra còn có cả các quan chức quốc phòng cao cấp và doanh nhân tầm cỡ. Dư luận viên tung ra hàng loạt bài viết công kích phương Tây. Được biết một ngày trước khi sang Pháp, Pavel Durov có mặt ở Baku, Azerbaijan. Theo những thông tin chưa được kiểm chứng của Novaïa Gazeta Europe được Libération đưa lại, nhà tỉ phú muốn thương lượng với Vladimir Putin. Phía Kremlin khẳng định không có cuộc gặp này.
Nếu chìa khóa Telegram được giao nộp, quân đội Nga sẽ lâm nguy
Le Monde nói thêm "Tại Nga, các kênh Telegram ủng hộ chiến tranh sôi sục". Từ khi Pavel Durov bị bắt, các blogger quân sự lo sợ bị mất kênh liên lạc duy nhất ở tiền tuyến. Lần lượt các kênh Telegram đều kêu gọi trả tự do cho Pavel Durov, quảng bá cho các trang web bán áo thun mang dòng chữ "#freedurov", đăng hình một quả đạn pháo mang tên ông ta hướng về kẻ thù phương Tây… Đành rằng các kênh "Z" - chữ cái biểu tượng cho "chiến dịch quân sự đặc biệt" - phải đưa tin về thời sự trong ngày là cuộc oanh kích ồ ạt của Nga vào Ukraine, nhưng tuyên bố của công tố viên Pháp Laure Beccuau khiến các kênh này tập trung nhấn mạnh đến việc "Durov bị cáo buộc 12 tội danh".
Họ phát tán đủ loại tin đồn, nào là Pháp hành động theo lệnh của Washington để chuẩn bị cho bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11, nào là Paris trả thù cá nhân Durov… Kết luận chung của các kênh này là "Tự do ngôn luận ở Châu Âu bị hủy diệt". Vladimir Putin không có lời bình luận nào, nhưng như một sự tình cờ, tư pháp Nga loan báo sắp đưa công dân Pháp Laurent Vinatier, cộng sự của một tổ chức phi chính phủ Thụy Sĩ, ra xét xử.
Từ hai năm rưỡi qua, Telegram đã trở thành kênh quan trọng cho mạng lưới quân sự Nga cả ngoài mặt trận lẫn hậu cứ. Các kênh thân Nga là nguồn bổ sung thiết yếu cho các nguồn chính thức, kể cả với lính Nga. Cố lãnh đạo Wagner Yevgeny Prigozhin chủ yếu sử dụng Telegram để chỉ trích ban tham mưu và kêu gọi sự ủng hộ của công chúng, trước khi tử nạn một cách bí ẩn hồi năm 2023. Nếu Telegram bị cấm thì làm thế nào ? Nhiều blogger kêu gọi lập ứng dụng riêng của Nga, đồng thời chỉ trích "nước đến chân mới nhảy". Số khác lo sợ một khi Pavel Durov giao nộp chìa khóa Telegram, quân đội Nga sẽ gặp nguy hiểm. Tất cả đều theo dõi sát sao những diễn tiến ở Paris.
Tân chính phủ Pháp : Vẫn bế tắc
Về chính trường Pháp, La Croix nhận xét "Việc tìm kiếm một chính phủ vẫn trong ngõ cụt". Hôm qua tổng thống Pháp bác việc bổ nhiệm một thủ tướng từ Mặt trận Bình dân Mới, mở ra vòng tham vấn thứ hai. Vì sao không thể bổ nhiệm bà Lucie Castets dù cánh tả ra sức làm áp lực ? Theo thông cáo của Phủ tổng thống, "một chính phủ dựa trên một chương trình duy nhất (...) của Mặt trận Bình dân Mới sẽ lập tức bị toàn bộ các nhóm khác ở Quốc hội trừng phạt". Nói cách khác, chính phủ do bà này đứng đầu sẽ lập tức bị lật đổ. Trong khi chờ đợi, chính phủ từ nhiệm vẫn phụ trách những vấn đề cần thiết như ngân sách, tựu trường... Liên minh cánh tả tố cáo một sự "chối từ" dân chủ.
Mathieu Carpentier, giáo sư về công pháp của đại học Toulouse-Capitole, nhận xét, về mặt Hiến pháp, không có gì bắt buộc ông Emmanuel Macron. Điều 8 quy định tổng thống tùy ý bổ nhiệm thủ tướng, và Mặt trận Bình dân Mới không có đa số tuyệt đối ở Quốc hội để đòi lãnh đạo chính phủ. Macron tiếp tục tham khảo các dân biểu nhóm Liot (độc lập, hải ngoại) và các lãnh đạo đảng cánh hữu LR, nhưng loại trừ đảng cực hữu RN và cực tả LFI. Thủ lãnh cực tả Jean-Luc Mélenchon đe dọa đưa kiến nghị bất tín nhiệm tổng thống, mà trên thực tế rất ít cơ hội thực hiện. Khó thể hình thành một chính phủ đa số : cực hữu bị cô lập, cánh hữu quá yếu, chỉ còn cánh trung và cánh tả. Cánh trung hy vọng vào sự hợp tác của LR và đảng xã hội PS, từ đó mới có ý định đề nghị một thủ tướng cánh tả ôn hòa.
Nhật báo kinh tế Les Echos thì thở phào nhẹ nhõm : Điều tệ hại nhất đã tránh được ! Đó là suy nghĩ của giới kinh doanh sau quyết định của tổng thống Emmanuel Macron từ chối một chính phủ Mặt trận Bình dân Mới. Lucie Castets bị loại, nhưng nhất là một chương trình làm toát mồ hôi lạnh cho các doanh nghiệp cũng như những người có kiến thức về kinh tế. Ông Macron đã hành động đúng, tránh được khả năng cải cách hưu bổng bị hủy bỏ hay tăng lương tối thiểu – những sắc lệnh một khi đã ban hành không thể thay đổi được. Cánh tả do LFI cầm đầu cho rằng dự án do 193 dân biểu của mình ủng hộ (trên 577) mới là chính danh, không cần thỏa hiệp với các lực lượng khác. Có một điều chắc chắn là chính sách kinh tế từ nay sẽ ít tạo điều kiện cho doanh nghiệp so với bảy năm vừa qua.
Thế vận hội người khuyết tật : Không khí lễ hội quay lại Paris
Trên lãnh vực thể thao, La Croix chạy tít trang nhất "Thế vận hội người khuyết tật : Quay lại với lễ hội". Les Echos nói về "Paris trước thử thách phải thành công trong Olympic người khuyết tật". Sau mười lăm ngày thế vận thắng lợi rực rỡ, Pháp đối mặt với thách thức về mặt tổ chức và sự hào hứng của công chúng, trong bối cảnh chính trường căng thẳng.
Cũng như Thế vận hội vừa qua, lễ khai mạc được tổ chức ngoài trời, ở quảng trường Concorde hoành tráng. Đuốc thế vận được 1.200 người thay phiên đưa về, chạy qua 50 thành phố Pháp. Số vận động viên 4.400 người từ 168 quốc gia (ở Luân Đôn là 162, Tokyo 164) đã lần lượt đến làng thế vận được xây dựng theo tiêu chuẩn cho người khuyết tật. Họ sẽ tham gia 549 cuộc tranh tài cho 22 môn. Nhiều địa điểm lịch sử ở trung tâm Paris như Grand Palais, tháp Eiffel, hay cung điện Versailles sẽ là nơi thi đấu, vạc lửa đã quá nổi tiếng sẽ lại bay lên hàng đêm tại vườn Tuileries. Các kênh truyền hình công dành đến 300 giờ để đưa tin trực tiếp, gấp ba so với Tokyo.
Nhờ thành công của Thế vận hội Paris 2024, Paralympic đã bán được 2 triệu vé (trong số 2,5 triệu), 90% do người Pháp mua. Số còn lại được cho là sẽ dần lấp đầy khán đài nhờ người đi nghỉ hè về. Khác với Thế vận hội mà chi phí 100% được tư nhân gánh (bán vé, nhà tài trợ, Ủy ban Thế vận Quốc tế), Thế vận hội người khuyết tật một phần do ngân sách chi trả. Vấn đề khác là an ninh : dù chỉ có 4 triệu khán giả so với 10 triệu của Thế vận hội vừa qua, nhà chức trách vẫn huy động 25.000 cảnh sát, hiến binh và 10.000 nhân viên an ninh tư. Sự kiện lần này diễn ra cùng lúc với mùa tựu trường nên việc đi lại khó khăn hơn. Đoàn vận động viên Pháp 237 người hy vọng giành được 20 huy chương vàng để nằm trong Top 8.
Thụy My
Vụ bắt chủ nhân mạng Telegram vừa khiến Kremlin rúng động, vừa gây lo ngại cho người chống Putin
Trọng Thành, RFI, 27/08/2024
Ngày 24/08/2024, ông chủ mạng Telegram, với gần một tỉ người sử dụng, bị cảnh sát Pháp bắt giữ tại một sân bay gần Paris trong khuôn khổ một cuộc điều tra về "dung túng tội phạm" trên mạng. Vụ tỉ phú người Nga Pavel Durov, mang nhiều quốc tịch, trong đó có quốc tịch Pháp, bị bắt không chỉ liên quan đến các hành động bị cáo buộc là phạm pháp tại Pháp, mà đặc biệt liên quan đến nước Nga. Cả điện Kremlin và những người chống Putin đều lo ngại về vụ bắt giữ này.
Một chuyên gia an ninh mạng Ukraine cho xem một ví dụ về tin giả đăng trên Telegram, trước khi Nga tấn công vùng Kharkiv, Ukraine, ngày 22/05/2024. Reuters - Valentyn Ogirenko
Hôm 27/08/2024, điện Kremlin chính thức lên tiếng. Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitri Peskov, cảnh báo mọi ý đồ "hù dọa" của Pháp đối với ông chủ Telegram, một chủ doanh nghiệp lớn. Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, nhân vụ việc này, để một lần nữa lên án "các nền dân chủ tự do" phương Tây chống tự do ngôn luận. Trên thực tế, Telegram không phải là một doanh nghiệp lớn bình thường. Mạng xã hội đặc biệt với tin nhắn được bảo mật này được 69% người Nga coi là một nguồn thông tin chính, theo một thăm dò mới đây. Telegram được cả giới thân cận với điện Kremlin, ủng hộ cuộc xâm lăng Ukraine cũng như giới tranh đấu đòi dân chủ cho nước Nga sử dụng.
Điện Kremlin từng nỗ lực buộc Pavel Durov trao quyền kiểm soát Telegram hồi năm 2018, nhưng bất thành. Ông chủ Telegram từ chối đòi hỏi của Cơ quan An ninh Nga FSB, nhân danh bảo vệ quyền bí mật thông tin của người sử dụng, được ghi trong Hiến pháp Nga. Việc nhà cầm quyền Nga giới hạn truy cập vào Telegram từ tháng 4/2018 đến tháng 7/2020, đã làm bùng lên biểu tình tại nhiều thành phố Nga. Telegram đã vượt hàng rào kiểm duyệt Nga nhờ các phần mềm vượt tường lửa. Điện Kremlin buộc phải chấp nhận thực tế này.
Chấm dứt nhiều hoạt động tuyên truyền quy mô lớn của Nga
Kể từ đó, nhà cầm quyền Nga tương kế tựu kế đã sử dụng mạng này để làm một kênh tuyên truyền chủ yếu. Trong một nhận định trên báo Moscow Times, nhà quan sát Konstantin Sonin cho biết Moskva đã "chi ra những khoản tiền khổng lồ" để tạo ra một loạt kênh trên mạng này, nhằm tung ra các tin tức bóp méo, bịa đặt và thúc đẩy truyền bá các thông tin này với các dịch vụ mua "like", mua người ủng hộ… Việc Pavel Durov bị tạm giữ có thể chấm dứt các hoạt động tuyên truyền quy mô lớn này. Đây là điều khiến đông đảo dân Ukraine vui mừng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của nhiều báo Pháp, như Libération, điều nghiêm trọng hơn đối với điện Kremlin là một số lượng lớn thông tin trong nội bộ Nga về cuộc chiến xâm lăng Ukraine, mà Moskva gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt", đã được truyền đi trên mạng tin nhắn mã hóa này. Theo nhà quan sát Konstantin Sonin, nếu Telegram ngừng hoạt động, hoặc rơi vào tay kẻ thù, thì "toàn bộ chiến dịch đặc biệt" sẽ bị "lâm nguy".
"Chiến dịch đặc biệt" của Nga chống Ukraine "lâm nguy"
Vài giờ sau khi Durov bị câu lưu, theo Baza - một kênh thân cận với điện Kremlin, nhiều giới chức Nga đã nhận được lệnh xóa bỏ các địa chỉ chính thức trên mạng này. Mệnh lệnh đã được chuyển đến một số giới chức cao cấp của Bộ Quốc phòng Nga, cũng như một số doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn. Nhà tuyên truyền của điện Kemlin Margarita Simonyan, tổng biên tập kênh truyền thông nhà nước Nga RT (Russia Today) kêu gọi người sử dụng Telegram "xóa bỏ mọi thông tin nhạy cảm".
Không chỉ được dùng trong nội bộ giới chức cấp cao trong chính quyền Nga, Telegram cũng được sử dụng phổ biến trong trao đổi về các hoạt động tác chiến tại Ukraine, cũng nhưng trong giới blogger quân sự ủng hộ cuộc xâm lăng. Rybar, một trang mạng thân cận với Bộ Quốc phòng Nga, báo động "cảnh sát Pháp đã bắt giữ nhà lãnh đạo của phương tiện trao đổi chính trong quân đội Nga. Họ đã tước đi của chúng ta phương tiện thông tin duy nhất được coi là hoạt động bình thường !". 24 giờ sau khi Durov bị bắt, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga ban hành lệnh ngừng sử dụng Telegram trong nội bộ.
Kênh trao đổi thông tin "cuối cùng" từ bên ngoài với dân Nga
Vụ bắt giữ làm rúng động điện Kremlin nhưng cũng gây lo ngại cho đông đảo giới chống Putin tại Nga và tại Ukraine. Mạng thông tin này được coi là một trong những kênh thông tin cuối cùng mà báo chí độc lập có thể dùng để trao đổi với độc giả tại Nga và Belarus. Cựu trợ lý truyền thông của tổng thống Ukraine, bà Iuliia Mendel, thừa nhận : "đây là một nguồn tin thông tin chủ yếu với Ukraine". Theo Libération, Telegram có ý nghĩa quan trọng với những các nhà báo độc lập Nga cũng như thân nhân của các thanh niên Nga đang tham chiến tại Ukraine, một mạng xã hội an toàn duy nhất còn thoát khỏi cặp mắt cú vọ của mật vụ Nga.
Vụ tạm giữ ông chủ Telegram gây chấn động không chỉ vì lần đầu tiên lãnh đạo một mạng truyền thông tầm cỡ như Telegram bị bắt tại Châu Âu. Vụ việc này không chỉ liên quan đến các mâu thuẫn không dễ giải quyết giữa quyền tự do ngôn luận và đòi hỏi tuân thủ các quy định phòng chống các hoạt động phạm pháp trên các mạng xã hội.
Telegram và nền dân chủ : Thách đố không dễ có lời giải
Telegram của Pavel Durov được giới quan sát ghi nhận là một mạng truyền thông được ví như "con dao Thụy Sĩ" độc nhất vô nhị, do tính đa chức năng của mạng này, vừa là mạng tin nhắn, vừa là mạng thảo luận có thể cho phép đến 200.000 người tham gia… Về nguyên tắc, Telegram hạn chế tối đa các hợp tác với cả chính quyền các nước dân chủ cũng như các chế độ toàn trị, nhân danh bảo vệ tuyệt đối quyền tự do ngôn luận. Người chống độc tài sử dụng Telegram, chế độ toàn trị cũng tương kế tựu kế.
Chính quyền các nước dân chủ đối xử ra sao với Telegram, phương tiện truyền thông có tầm ảnh hưởng "địa - chính trị" đặc biệt này ? Tương lai của mạng Telegram sẽ ra sao với vụ tạm giữ Pavel Durov, được triển hạn đến ngày mai 29/08/2024, là câu hỏi còn để ngỏ.
Trọng Thành
***************************
Ông chủ Telegram tiếp tục bị Pháp giam giữ trong khi Nga cáo buộc Mỹ can thiệp
Reuters, VOA, 27/08/2024
Ông chủ của Telegram Pavel Durov có thể bị cảnh sát giam giữ cho đến ngày 28/8 sau khi các công tố viên Pháp cho biết họ đã cho gia hạn thêm thời gian để thẩm vấn, trong khi một đồng minh cấp cao của Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Washington đứng sau vụ bắt giữ ông.
Ông chủ của Telegram Pavel Durov.
Ông Durov, tỷ phú Nga có cả quốc tịch Pháp, đã bị bắt tại Pháp vào cuối tuần qua trong khuôn khổ cuộc điều tra các tội liên quan đến hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em, buôn bán ma túy và giao dịch lừa đảo trên nền tảng này, các công tố viên Pháp cho biết hôm 26/8.
Hôm 27/8, một người phát ngôn của công tố viên cho biết rằng việc giam giữ ông Durov đã được kéo dài tới 48 giờ vào cuối ngày 26/8.
Nền tảng nhắn tin, được các nhà phân tích mô tả là một chiến trường ảo, đã được cả hai bên trong cuộc chiến ở Ukraine cũng như các kênh tuyên truyền và tin tức liên quan đến chiến tranh trên toàn cầu tích cực sử dụng.
Dù không cung cấp bằng chứng, ông Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia Nga – tức Hạ viện Nga – nói rằng Hoa Kỳ, thông qua Pháp, đang cố gắng giành quyền kiểm soát Telegram.
"Telegram là một trong số ít và đồng thời là nền tảng Internet lớn nhất mà Hoa Kỳ không có ảnh hưởng gì", ông Volodin nói trong một đăng tải.
"Trước cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, điều quan trọng là (Tổng thống Joe) Biden phải kiểm soát Telegram".
Nhà Trắng chưa bình luận ngay về vụ bắt giữ ông Durov.
Với gần 1 tỷ người dùng, Telegram, vốn tự quảng bá là thiên đường cho những người bất đồng chính kiến và tự do ngôn luận, đặc biệt nổi bật ở Nga, Ukraine và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Trong khi hàng triệu người dùng bình thường thích ứng dụng này vì tính dễ sử dụng và nhiều chức năng, nó cũng được sử dụng rộng rãi bởi các phong trào cực hữu, chống vắc-xin và có thuyết âm mưu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người được biết đến là một người tích cực sử dụng ứng dụng này, đã nói rằng vụ bắt giữ "không phải là một quyết định chính trị".
Sau khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraine vào năm 2022, Telegram đã trở thành nguồn cung cấp nội dung chính gốc – và đôi khi mang tính phản cảm và gây hiểu lầm – từ cả hai phía về cuộc chiến và chính trị liên quan tới cuộc xung đột này.
Vụ bắt giữ ông Durov đã đẩy quan hệ Moscow-Paris xuống mức thấp nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết hôm 27/8, sau khi quan hệ giữa hai quốc gia xấu đi nhiều trong những tháng qua.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên trong một cuộc họp qua điện thoại hôm 27/8 rằng Nga sẵn sàng cung cấp cho ông Durov mọi hỗ trợ cần thiết vì ông có quốc tịch Nga, nhưng việc tỷ phú này có cả quốc tịch Pháp đã làm phức tạp thêm tình hình. Ông Durov cũng có hộ chiếu của Các tiểu vương Quốc Ả-rập.
Nguồn : VOA, 27/08/2024