Các nhà lãnh đạo của bảy nền dân chủ hùng mạnh nhất thế giới sẽ tập trung vào cuối tuần này để tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bảy nước G7 ở Hiroshima, địa điểm xảy ra vụ tấn công nguyên tử đầu tiên trên thế giới vào cuối Thế chiến Thứ hai.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida họp song phương trước Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Hiroshima (ảnh chụp ngày 18/5/2023)
Thượng đỉnh G7 là gì ?
Nhóm Bảy nước là một nhóm không chính thức gồm các quốc gia công nghiệp hóa hàng đầu. Nhóm bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.
Năm nay đến lượt Nhật Bản tổ chức, nhưng chức chủ tịch hội nghị thượng đỉnh G7 luân phiên giữa bảy thành viên. Hai đại diện của Liên hiệp Châu Âu cũng tham gia.
Theo thông lệ trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo của một số quốc gia không thuộc G7 và các tổ chức quốc tế cũng sẽ tham gia một số phiên họp.
Các nhà lãnh đạo thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm chính sách kinh tế, an ninh, biến đổi khí hậu, năng lượng và giới tính.
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên diễn ra vào năm 1975, khi Pháp tổ chức cuộc họp Nhóm Sáu nước để thảo luận về việc giải quyết suy thoái kinh tế sau lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập. Canada trở thành thành viên thứ bảy một năm sau đó. Nga tham gia để thành lập G8 vào năm 1998 nhưng đã bị trục xuất sau khi Moscow sáp nhập Crimea năm 2014.
Các ‘khách mời’
Năm nay, các nhà lãnh đạo của Úc, Brazil, Comoros, Quần đảo Cook, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Việt Nam được mời, khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận các nước đang phát triển ở cái gọi là Nam bán cầu và các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.
Lời mời tới các nhà lãnh đạo bên ngoài G7 nhằm mở rộng hợp tác tới nhiều quốc gia hơn.
Thị phần của các nước G7 trong hoạt động kinh tế toàn cầu đã giảm xuống còn khoảng 30% so với khoảng 50% vào bốn thập niên trước. Các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đã đạt được những thành tựu to lớn, làm dấy lên câu hỏi về tầm quan trọng của G7 và vai trò của nó trong việc dẫn dắt nền kinh tế thế giới ngày càng phụ thuộc vào tăng trưởng ở các quốc gia kém giàu có hơn.
Các nhà lãnh đạo của Liên hiệp quốc, Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới cũng được mời.
Tại sao tổ chức ở Hiroshima ?
Hiroshima là quê hương của ông Kishida. Sự lựa chọn địa điểm của ông nhấn mạnh quyết tâm đặt giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh năm nay.
Con đường giải trừ hạt nhân dường như khó khăn hơn với các mối đe dọa vũ khí hạt nhân gần đây của Nga ở Ukraine, cũng như sự phát triển hạt nhân và phi đạn của Trung Quốc và Triều Tiên.
Nhật Bản, được bảo vệ bởi chiếc ô hạt nhân của Hoa Kỳ, cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích rằng cam kết giải trừ hạt nhân của họ là một lời hứa suông. Ông Kishida đang cố gắng tạo ra một lộ trình thực tế giữa thực tế khắc nghiệt hiện tại và lý tưởng về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Ông Kishida ngày 19/6 sẽ chào đón các nhà lãnh đạo đến Công viên Hòa bình Hiroshima. Ông cũng có kế hoạch hộ tống các nhà lãnh đạo tới bảo tàng bom nguyên tử và có thể sẽ có một cuộc gặp gỡ với những người sống sót sau bom nguyên tử.
"Tôi tin rằng bước đầu tiên hướng tới bất kỳ nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân nào là cung cấp trải nghiệm trực tiếp về hậu quả của vụ đánh bom nguyên tử và truyền đạt thực tế một cách hùng hồn", ông Kishida nói ngày 13/5 trong chuyến thăm tới Hiroshima để quan sát công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh.
Vấn đề hàng đầu là gì ?
Các nhà lãnh đạo G7 dự kiến sẽ lên án mạnh mẽ cuộc chiến của Nga với Ukraine trong khi cam kết tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sẽ tham gia phiên họp qua internet.
Ngoài ra, họ cũng sẽ tập trung vào các mối đe dọa leo thang của Bắc Kinh đối với Đài Loan, hòn đảo dân chủ tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là của mình, và các cách để giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và kinh tế của các nền dân chủ phương Tây vào Trung Quốc.
Để giải quyết sự trỗi dậy của các quốc gia Nam bán cầu, bao gồm nhiều thuộc địa cũ của các cường quốc phương Tây có quan điểm khác nhau và mối quan hệ khác nhau với Nga và Trung Quốc, G7 sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho các quốc gia này về y tế, an ninh lương thực và cơ sở hạ tầng để phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn.
Còn gì khác nữa ?
Trong một sự kiện được theo dõi chặt chẽ bên lề hội nghị thượng đỉnh, ông Kishida sẽ cùng gặp với Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol để thảo luận về hợp tác an ninh chặt chẽ hơn, có thể bao gồm cả khả năng răn đe hạt nhân mạnh mẽ hơn.
Ông Kishida và ông Yoon sẽ cùng nhau bày tỏ lòng tôn kính tại đài tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử Hàn Quốc ở Hiroshima trong một cử chỉ xây dựng lòng tin khi hai nước hàn gắn mối quan hệ căng thẳng do tranh chấp bắt nguồn từ chế độ cai trị thuộc địa của Nhật Bản trên Bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910-1945.
Nguồn : VOA, 19/05/2023
Không có gì đáng ngạc nhiên : Các nhật báo Pháp ra hôm nay, 27/08/2019, đều nêu bật trên trang nhất kết quả thượng đỉnh G7 tại Biarritz vừa kết thúc hôm qua.
Hai tổng thống Trump và Macron tại cuộc họp báo chung kết thúc thượng đỉnh G7 ngày 26/08/2019. Reuters
Tờ Le Monde đặc biệt nhấn mạnh cái mà tờ báo này gọi là "chủ nghĩa duy ý chí ngoại giao" của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, với nhận định : "Được chủ trì với sự táo bạo và chủ nghĩa duy ý chí, cuộc họp thượng đỉnh nhóm G7 trên nguyên tắc sẽ giúp tổng thống Macron củng cố vị thế của ông trong nước".
Trên bức hình hai tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt tay nhau, Le Figaro đưa hàng tựa "Macron tấn công tại G7, Trump có lập trường bớt cứng rắn hơn". Theo tờ báo này, những sáng kiến và chủ nghĩa duy ý chí của nguyên thủ quốc gia Pháp đã giúp đạt được những bước tiến trong nhiều hồ sơ nhạy cảm tại thượng đỉnh Biarritz.
Trung thành với truyền thống chơi chữ, tờ Libération ghi đậm tựa "Thành công của G2", trên bức hình hai tổng thống Pháp và Mỹ đang ôm nhau thắm thiết. Đối với Libération, cặp bài trùng Trump-Macron đã làm mờ nhạt các tham dự viên khác của thượng đỉnh Biarritz, một cuộc họp đã đạt được một vài bước tiến nhỏ, nhất là về Iran, và thương mại, và đã tránh tình trạng có người bỏ ngang cuộc họp.
Về phần nhật báo kinh tế Les Echos thì ghi nhận "Macron –Trump : Sự hòa dịu thân thiện", nêu bật ba điểm đáng chú ý của thượng đỉnh Biarritz : Tổng thống Pháp thành công trong đòn ngoại giao về Iran ; Trump vẫn cứng rắn với Trung Quốc, nhưng không có ý định leo thang, Paris và Washington đạt thỏa hiệp về thuế GAFA đánh vào các đại tập đoàn công nghệ số.
"G7, tấm gương phản chiếu một thế giới mới", đó là tựa của tờ nhật báo công giáo La Croix, kèm theo là bức hình chụp tổng thống Trump đang chăm chú lắng nghe tổng thống Macron thì thầm vào tai. Đối với tờ La Croix, tại thượng đỉnh Biarritz, mọi thông lệ ngoại giao cũ kỹ đã bị xáo trộn bởi việc tìm kiếm những tác động của sự bất ngờ.
"Macron-show"
Trong bài xã luận với hàng tựa : "Những nỗ lực", Libération nhìn nhận thành công của cái mà tờ báo này gọi là "Macron-show". Sự năng động của Emmanuel Macron, sự hiện diện bao trùm của ông, cũng như kỹ năng tạo kịch tính và tài hùng biện vô cùng tận của ông đã làm thay đổi tình hình.
Theo quan sát của Libération, tại Biarritz, "tổng thống Mỹ bổng trở thành chú cừu non với bờm sư tử, ban phép lành cho những nỗ lực ráo riết của chủ nhà. Nhờ vậy mà bốn hồ sơ đã đạt tiến bộ : khủng hoảng Iran, rừng Amazon, thuế khóa quốc tế và đàm phán thương mại. Tất cả những điều đó hãy còn mỏng manh, vô định, mọi sự bốc đồng của người này hay người kia đều có thể làm sụp đổ tan tành. Nhưng trên trường quốc tế, nước Pháp vừa ghi được một điểm. Thế thì càng tốt".
Đồng điệu với Libération, trong bài xã luận với tựa đề "Thắng cược", tờ Le Figaro ghi nhận nguyên thủ quốc gia Pháp đã biết vận động khéo léo để bàn cá cược đầy rũi ro của ông về hồ sơ Iran trở thành bàn thắng. Cho dù kết quả đàm phán giữa Tehran với Washington như thế nào thì Macron đã đạt được mục tiêu trở thành tác nhân chính của Châu Âu trên trường quốc tế.
Le Figaro nhắc lại, sau nhiều tuần lễ chuẩn bị cho vai trò trung gian về Iran, nhằm làm giảm áp lực ở Trung Đông, tổng thống Pháp đã tiến một bước quyết định hôm thứ bảy tuần trước, với việc mời tổng thống gặp riêng trong một bữa ăn trưa không dự kiến trước. Macron đã trình bày cho Trump chiến lược của ông để ngăn cản chế độ Hồi giáo Iran sở hữu vũ khí nguyên tử và biện minh cho thuế GAFA. Đây là hai hồ sơ rất "nóng" đối với tổng thống Mỹ. Ông Macron đã biết dùng những lời lẽ khéo léo để thuyết phục ông Trump chấp nhận tham gia cuộc chơi.
Với sự đồng tình của Trump, tổng thống Pháp đã đánh một nước cờ lớn : mời ngoại trưởng Iran đến Biarritz, và như vậy có thể tự hào là đã tạo điều kiện cho một cuộc gặp gỡ giữa hai tổng thống Mỹ và Iran và cho một thỏa thuận mới.
Về phần Le Monde, trong bài xã luận, tờ báo nhận định : "Do nước Pháp năm nay giữ chức chủ tịch luân phiên của nhóm G7, tổng thống Macron có toàn quyền quyết định về lịch trình của thượng đỉnh và ông đã gặp thuận lợi nhờ thời sự quốc tế. Ngay từ thứ năm tuần trước, tổng thống Pháp đã gióng tiếng chuông báo động về thảm kịch cháy rừng Amazon, cho nên đã dễ dàng áp đặt vấn đề khí hậu thành một trong những hồ sơ ưu tiên của thượng đỉnh G7".
Theo Le Monde, tại Biarritz, tổng thống Macron đã bước lên tuyến đầu trong ba vấn đề đặc biệt quan trọng đối với công luận Pháp : môi trường, thương mại tự do và bất bình đẳng. Ông Macron đã thể hiện như là lãnh đạo của một cường quốc trung bình muốn đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế nhân danh Châu Âu.
Tại Brégançon, ngày 19/08, ông đã đón tiếp tổng thống Vladimir Putin để đặt vấn đề về vị trí của nước Nga trước khi khai mạc thượng đỉnh G7. Tại Biarritz, tổng thống Pháp đã "quản lý" Donald Trump giỏi đến mức từ khi đặt chân đến đây tổng thống Mỹ không ngừng bày tỏ sự hài lòng của ông trên mạng Twitter. Và khi ông Macron mời được ngoại trưởng Iran đến Biarritz, trước sự ngạc nhiên của mọi người, để thảo luận với các nước Châu Âu, phái đoàn Mỹ đã không dám phản đối.
Cũng theo Le Monde, thượng đỉnh G7, mà nhiều người xem là vô dụng, nếu không muốn nói là tệ hại, đã trở thành một cuộc họp mà trong đó các lãnh đạo đã có thể đối thoại với nhau một cách êm thắm, kể cả về những bất đồng. Lãnh đạo các quốc gia đang trỗi dậy đã được mời đến dự thính câu lạc bộ các nước giàu nhất thế giới. Nhất là tổng thống Donald Trump đã buộc phải chấp nhận một chương trình nghị sự do Châu Âu áp đặt, với ba hồ sơ nổi cộm : khí hậu, hạt nhân Iran và thuế khóa quốc tế.
Thuế GAFA : Chỉ là bước đầu
Xã luận của Les Echos thì quan tâm đến kết quả thượng đỉnh Biarritz về thuế GAFA. Theo tờ báo này, thỏa hiệp đạt được giữa Paris và Washington về việc đánh thuế các đại tập đoàn kỹ thuật số là một bước tiến thật sự, có thể thúc đẩy việc đạt được một thỏa thuận ở cấp độ thế giới về hồ sơ cực kỳ nhạy cảm này.
Tuy nhiên, theo Les Echos, hồ sơ này rất phức tạp và không chỉ liên quan đến các đại tập đoàn kỹ thuật số. Thuế GAFA theo kiểu Pháp, như thú nhận của chính tổng thống Macron, chưa hoàn hảo và như vậy đã chỉ đóng vai trò kích thích. Những giải pháp đang được thảo luận trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế sẽ cho phép các nước có thể đánh thuế các công ty cho dù các công ty này không hề có cơ sở trên lãnh thổ của họ. Các công ty trong mọi lãnh vực phải bị đánh thuế nhiều hơn tại những nơi mà hàng hóa của họ được tiêu thụ. Đó là một yêu sách lâu đời của các nước đang trỗi dậy.
Phải lắng nghe những người chống G7
Xã luận của tờ La Croix thì ghi nhận : "Có một khía cạnh của thượng đỉnh Biarritz có thể không ai để ý, nhưng không nên bị xem thường, đó là tính chất hòa bình của các cuộc biểu tình chung quanh cuộc họp này. Nước Pháp trong những tháng gần đây dường như đã quen với những cuộc tuần hành kết thúc trong bạo động, vừa do những người biểu tình chỉ muốn đụng độ, vừa do những sai lầm của cảnh sát trong việc giữ gìn trật tự."
Theo La Croix, có hai yếu tố giải thích điều đó. Một mặt, nhà chức trách đã triển khai một lực lượng an ninh đặc biệt hùng hậu, nên đã có tác dụng răn đe. Tuy vậy, những người đặc trách giữ gìn trật tự đã tỏ ra thực dụng, khi để cho những người chống G7 tập hợp tại những nơi theo lẽ bị cấm. Mặt khác, những người tổ chức các cuộc biểu tình chống G7 đã dứt khoát không muốn có bạo động, nên đã từ bỏ một số hành động, hơn là đi đến xung đột với cảnh sát.
Tuy nhiên, theo tờ nhật báo công giáo, không phải vì những người biểu tình từ chối bạo lực mà chúng ta không màng đến những lý do khiến họ chống G7. La Croix viết : "Nhóm nhỏ các nhà lãnh đạo được bảo vệ trong vùng đỏ phải lắng nghe và tiếp thu sự dấn thân của họ vì khí hậu, thái độ của họ bác bỏ những bất bình đẳng trên thế giới, cũng như khát vọng của họ về một nền dân chủ thực chất hơn".
Ý: Salvini lạm dụng các biểu tượng Công giáo
Về thời sự Châu Âu, Le Monde đề cập đến tình hình chính trị nước Ý với việc Giáo hội nước này rất bực tức khi thấy lãnh đạo đảng cực hữu Liên đoàn Matteo Salvini lạm dụng các biểu tượng của Công Giáo để vận động tranh cử.
Theo Le Monde, trong cuộc chạy đua liên tục nhằm mở rộng ảnh hưởng chính trị, cựu phó thủ tướng Ý, "một năm đi lễ có 3 lần", theo chính lời thú nhận của ông, đã liên tục dùng các biểu tượng của Công giáo, như xâu chuỗi, để lôi kéo cử tri. Đất nước càng lâm vào khủng hoảng chính trị thì ông Salvini lại càng sử dụng nhiều các biểu tượng tôn giáo đó.
Hành động này khiến Giáo hội Ý và Tòa Thánh Vatican rất bực bội. Ngay chính đức giáo hoàng đã buộc phải lên tiếng, tuy là một cách gián tiếp. Trả lời tờ nhật báo La Stampa ngày 19/08, giáo hoàng Francis không nêu lên vấn đề dùng các biểu tượng tôn giáo vào mục đích tranh cử, nhưng ngài bày tỏ quan ngại về sự trỗi dậy mạnh mẽ của xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan và dân túy, thậm chí còn so sánh nước Ý hiện nay với thời kỳ Hitler năm 1934.
Tờ Le Monde nhân dịp này nhắc lại rằng trong những tuần qua, các giám mục Ý đã phát biểu với tư cách cá nhân để lên án chính sách về an ninh của Matteo Salvini, đóng cửa, không tiếp nhận thuyền nhân vượt biển Địa Trung Hải.
Indonesia dời đô: Nguy cơ đối với đa dạng sinh thái
Chuyển sang khu vực Châu Á, tờ Libération quan tâm đến dự án của chính phủ Indonesia quyết định dời thủ đô từ Jakarta đến đảo Borneo, trong bài báo với hàng tựa "Dời đô : Indonesia đùa với lửa".
Hôm qua, tổng thống Indonesia vừa chính thức thông báo địa điểm mới sẽ thay thế trung tâm hành chính hiện nay, hiện có hơn 10 triệu dân trong nội đô và tính luôn các vùng phụ cận là 30 triệu dân. Thủ đô mới sẽ nằm trên đảo Borneo, trong tỉnh Kalimantan, giữa một khu rừng nhiệt đới. Địa điểm này được chọn làm thủ đô chính là vì theo chính phủ Indonesia, đây là nơi có rất ít nguy cơ gặp thiên tai, khác với Jakarta, thường xuyên bị mưa lũ, động đất, sóng thần, núi lửa.
Với đà nước biển dâng cao và đà sụt lún của thành phố, một số chuyên gia dự báo là đến năm 2050, một phần ba thủ đô Jakarta sẽ biến mất. Bên cạnh đó, sự đô thị hóa quá mức và dân số quá đông đã gây tình trạng ô nhiễm và kẹt xe không thể chịu đựng nỗi.
Đối với tổng thống Joko Widodo, việc dời đô sang đảo Borneo có thể giúp cân đối lại sự phát triển của Indonesia. Trên đảo Java, mà Jakarta nằm trên đó, có đến 140 triệu người sinh sống, tức là hơn phân nữa tổng dân số 260 triệu người của quốc gia đông dân hàng thứ tư thế giới.
Nhưng theo Libération, việc dời trung tâm chính trị đến Borneo để giải tỏa áp lực lên Jakarta chứa đựng nhiều nguy cơ đối với tính đa dạng sinh thái của một đảo có hệ động thực vật rất phong phú. Xây thủ đô mới có nghĩa là phải xây một sân bay và nhiều tuyến đường giao thông, tức là phải phá rừng, trong khi Indonesia đã là một trong những quốc gia phá rừng nhiều nhất thế giới.
Chống buôn bán động vật hoang dã
Hội nghị lần thứ tám của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng tại Genève sẽ bế mạc ngày mai. Sự kiện này đặc biệt thu hút sự chú ý của nhật báo La Croix.
Theo tờ báo này, việc chống buôn bán trái phép các loài bị đe dọa bắt đầu từ những khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh thái rất cao. Tại Châu Phi, voi, tê giác và tê tê là mục tiêu của những tay săn bắn ở địa phương và quốc tế để đáp ứng nhu cầu thế giới ngày càng tăng. Đối với La Croix, hợp tác quốc tế chính là trọng tâm của công cuộc chống các mạng lưới này. Những mặt hàng đó được chuyển đi khắp nơi trên thế giới, khi thì bằng máy bay, nếu đó là vật còn sống, khi thì bằng tàu, nếu đó là ngà voi, sừng tê giác, vẫy tê tê…
Trái phiếu để cứu tê giác
Riêng về tê giác, theo một số chuyên gia, loài này có thể biến mất từ đây đến 10 năm nữa, đặc biệt loài tê giác đen đang sắp đến ngưỡng tuyệt chủng hoàn toàn. Theo tờ Le Monde, để đảo ngược xu thế này, Conservation Capital, một công ty ở Luân Đôn, dự tính vào năm tới sẽ phát hành một trái phiếu. Nhà đầu tư vào trái phiếu này sẽ được chia lợi tức nếu số tê giác gia tăng theo một chỉ tiêu cụ thể. Nhưng nhà đầu tư phải chấp nhận mất trắng, nếu số tê giác không tăng thêm hoặc giảm đi.
Rừng ở Bắc cực cũng đang cháy
Không chỉ có Amazon, mà rừng ở Bắc cực cũng đang cháy trong mùa hè này, theo tờ Le Figaro. Cơ quan giám sát môi trường Copernicus của Châu Âu từ tháng 6 đã quan sát hàng trăm vụ cháy rừng day dẳng đã thiêu rụi hàng triệu hectare rừng ở Siberia, Alaska, và Canada. Đây là mùa cháy rừng kéo dài nhất và dữ dội nhất được ghi nhận từ trước đến nay tại vùng này. Le Figaro trích lời một chuyên gia tính toán rằng, tính đến hôm nay, các vụ cháy rừng đó đã thải ra bầu khí quyển hơn 150 triệu tấn khí CO2, một kỷ lục có thể khiến biến đối khí hậu thêm trầm trọng trong những thập niên tới.
Thanh Phương