Các nhà lãnh đạo của bảy nền dân chủ hùng mạnh nhất thế giới sẽ tập trung vào cuối tuần này để tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bảy nước G7 ở Hiroshima, địa điểm xảy ra vụ tấn công nguyên tử đầu tiên trên thế giới vào cuối Thế chiến Thứ hai.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Fumio Kishida họp song phương trước Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Hiroshima (ảnh chụp ngày 18/5/2023)
Thượng đỉnh G7 là gì ?
Nhóm Bảy nước là một nhóm không chính thức gồm các quốc gia công nghiệp hóa hàng đầu. Nhóm bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.
Năm nay đến lượt Nhật Bản tổ chức, nhưng chức chủ tịch hội nghị thượng đỉnh G7 luân phiên giữa bảy thành viên. Hai đại diện của Liên hiệp Châu Âu cũng tham gia.
Theo thông lệ trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo của một số quốc gia không thuộc G7 và các tổ chức quốc tế cũng sẽ tham gia một số phiên họp.
Các nhà lãnh đạo thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm chính sách kinh tế, an ninh, biến đổi khí hậu, năng lượng và giới tính.
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên diễn ra vào năm 1975, khi Pháp tổ chức cuộc họp Nhóm Sáu nước để thảo luận về việc giải quyết suy thoái kinh tế sau lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập. Canada trở thành thành viên thứ bảy một năm sau đó. Nga tham gia để thành lập G8 vào năm 1998 nhưng đã bị trục xuất sau khi Moscow sáp nhập Crimea năm 2014.
Các ‘khách mời’
Năm nay, các nhà lãnh đạo của Úc, Brazil, Comoros, Quần đảo Cook, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Việt Nam được mời, khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận các nước đang phát triển ở cái gọi là Nam bán cầu và các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ.
Lời mời tới các nhà lãnh đạo bên ngoài G7 nhằm mở rộng hợp tác tới nhiều quốc gia hơn.
Thị phần của các nước G7 trong hoạt động kinh tế toàn cầu đã giảm xuống còn khoảng 30% so với khoảng 50% vào bốn thập niên trước. Các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đã đạt được những thành tựu to lớn, làm dấy lên câu hỏi về tầm quan trọng của G7 và vai trò của nó trong việc dẫn dắt nền kinh tế thế giới ngày càng phụ thuộc vào tăng trưởng ở các quốc gia kém giàu có hơn.
Các nhà lãnh đạo của Liên hiệp quốc, Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới cũng được mời.
Tại sao tổ chức ở Hiroshima ?
Hiroshima là quê hương của ông Kishida. Sự lựa chọn địa điểm của ông nhấn mạnh quyết tâm đặt giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh năm nay.
Con đường giải trừ hạt nhân dường như khó khăn hơn với các mối đe dọa vũ khí hạt nhân gần đây của Nga ở Ukraine, cũng như sự phát triển hạt nhân và phi đạn của Trung Quốc và Triều Tiên.
Nhật Bản, được bảo vệ bởi chiếc ô hạt nhân của Hoa Kỳ, cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích rằng cam kết giải trừ hạt nhân của họ là một lời hứa suông. Ông Kishida đang cố gắng tạo ra một lộ trình thực tế giữa thực tế khắc nghiệt hiện tại và lý tưởng về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Ông Kishida ngày 19/6 sẽ chào đón các nhà lãnh đạo đến Công viên Hòa bình Hiroshima. Ông cũng có kế hoạch hộ tống các nhà lãnh đạo tới bảo tàng bom nguyên tử và có thể sẽ có một cuộc gặp gỡ với những người sống sót sau bom nguyên tử.
"Tôi tin rằng bước đầu tiên hướng tới bất kỳ nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân nào là cung cấp trải nghiệm trực tiếp về hậu quả của vụ đánh bom nguyên tử và truyền đạt thực tế một cách hùng hồn", ông Kishida nói ngày 13/5 trong chuyến thăm tới Hiroshima để quan sát công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh.
Vấn đề hàng đầu là gì ?
Các nhà lãnh đạo G7 dự kiến sẽ lên án mạnh mẽ cuộc chiến của Nga với Ukraine trong khi cam kết tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy sẽ tham gia phiên họp qua internet.
Ngoài ra, họ cũng sẽ tập trung vào các mối đe dọa leo thang của Bắc Kinh đối với Đài Loan, hòn đảo dân chủ tự trị mà Bắc Kinh tuyên bố là của mình, và các cách để giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và kinh tế của các nền dân chủ phương Tây vào Trung Quốc.
Để giải quyết sự trỗi dậy của các quốc gia Nam bán cầu, bao gồm nhiều thuộc địa cũ của các cường quốc phương Tây có quan điểm khác nhau và mối quan hệ khác nhau với Nga và Trung Quốc, G7 sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho các quốc gia này về y tế, an ninh lương thực và cơ sở hạ tầng để phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn.
Còn gì khác nữa ?
Trong một sự kiện được theo dõi chặt chẽ bên lề hội nghị thượng đỉnh, ông Kishida sẽ cùng gặp với Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol để thảo luận về hợp tác an ninh chặt chẽ hơn, có thể bao gồm cả khả năng răn đe hạt nhân mạnh mẽ hơn.
Ông Kishida và ông Yoon sẽ cùng nhau bày tỏ lòng tôn kính tại đài tưởng niệm nạn nhân bom nguyên tử Hàn Quốc ở Hiroshima trong một cử chỉ xây dựng lòng tin khi hai nước hàn gắn mối quan hệ căng thẳng do tranh chấp bắt nguồn từ chế độ cai trị thuộc địa của Nhật Bản trên Bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910-1945.
Nguồn : VOA, 19/05/2023