NATO chuẩn bị kế hoạch phòng thủ lớn đầu tiên sau nhiều chục năm
Reuters, VOA, 19/05/2023
NATO sẽ ‘trở lại tương lai’ tại hội nghị thượng đỉnh Vilnius vào tháng 7. Các nhà lãnh đạo chuẩn bị phê duyệt hàng ngàn trang kế hoạch quân sự bí mật vạch ra chi tiết lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh cách mà NATO sẽ phản ứng trước một cuộc tấn công của Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Động thái này biểu thị một sự thay đổi cơ bản vì trong nhiều chục năm qua NATO cảm thấy không cần phải vạch ra các kế hoạch phòng thủ quy mô lớn khi chiến đấu trong các cuộc chiến nhỏ hơn ở Afghanistan và Iraq và cảm thấy nước Nga thời hậu Xô Viết không còn là mối đe dọa hiện hữu.
Nhưng với cuộc chiến đẫm máu nhất của Châu Âu kể từ năm 1945 đang hoành hành ngay bên ngoài biên giới của họ ở Ukraine, liên minh NATO hiện đang cảnh báo rằng họ phải chuẩn bị sẵn mọi kế hoạch trước khi một cuộc xung đột với một đối thủ ngang hàng như Moscow có thể nổ ra.
Đô đốc Rob Bauer, một trong những quan chức quân sự hàng đầu của NATO, nói : "Sự khác biệt cơ bản giữa quản lý khủng hoảng và phòng thủ tập thể là : Không phải chúng ta mà chính kẻ thù của chúng ta quyết định thời gian biểu". "Chúng ta phải chuẩn bị cho thực tế là xung đột có thể xuất hiện bất cứ lúc nào".
Bằng cách vạch ra cái gọi là kế hoạch khu vực, NATO cũng sẽ hướng dẫn các quốc gia về cách nâng cấp lực lượng và hậu cần của họ.
"Các đồng minh sẽ biết chính xác những lực lượng và khả năng nào là cần thiết, bao gồm cả việc triển khai ở đâu, những gì và như thế nào", người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg nói về các tài liệu tuyệt mật mà qua đó, giống như thời Chiến tranh Lạnh, sẽ chỉ định một số quân đội nhất định bảo vệ một số khu vực nhất định.
Điều này chính thức hóa một quá trình được kích hoạt bởi việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, khiến các đồng minh phương Tây lần đầu tiên triển khai quân chiến đấu ở phía đông, với Anh, Canada và Đức, mỗi nước dẫn đầu ở một trong các quốc gia vùng Baltic.
Không phải tiến hành lại Chiến tranh lạnh
Dù nhiều đặc điểm giống với đội hình quân sự của NATO trước năm 1990, nhưng một số yếu tố quan trọng đã thay đổi đối với một liên minh mà kể từ đó đã mở rộng khoảng 1.000 km về phía đông và tăng từ khoảng một chục thành viên lên 31 thành viên.
Chỉ riêng việc Phần Lan gia nhập vào tháng trước đã tăng gấp đôi biên giới của NATO với Nga lên khoảng 2.500 km, buộc phải có cách tiếp cận triển khai linh hoạt hơn so với trước đây, khi mà Đức được coi là chiến trường chính.
Ngoài ra, liên minh NATO không còn chuẩn bị chiến đấu trong một cuộc chiến tranh hạt nhân quy mô lớn chống lại Moscow và các đồng minh của Nga, vốn hầu hết đã là thành viên NATO, theo ông Ian Hope, nhà sử học tại Trụ sổ tối cao của liên minh các cường quốc Châu Âu (SHAPE), cho biết.
Đồng thời, internet, máy bay không người lái, vũ khí siêu thanh và luồng thông tin nhanh chóng đặt ra những thách thức mới.
"Điều tốt là chúng ta có tính minh bạch của chiến trường. Với tất cả các vệ tinh, với tất cả thông tin tình báo, chúng ta có thể thấy một cuộc khủng hoảng đang diễn ra", Trung tướng Hubert Cottereau, Phó Tham mưu trưởng của SHAPE, cho biết. "Đối với Ukraine, chúng ta đã có tất cả các chỉ số khá sớm".
Sự minh bạch này là một trong những lý do giải thích tại sao NATO, trái ngược với yêu cầu của các quốc gia vùng Baltic, không nhận thấy bất kỳ nhu cầu cấp thiết nào về việc tăng cường quân số ở phía đông.
Tướng Cottereau cảnh báo : "Càng tập trung nhiều quân ở biên giới thì giống như cầm búa. Đến một lúc nào đó, bạn muốn tìm một cái đinh". "Nếu người Nga tập trung quân ở biên giới sẽ khiến chúng ta lo lắng, nếu chúng ta tập trung quân ở biên giới sẽ khiến họ lo lắng".
Thách thức
Tuy nhiên, sẽ là một nhiệm vụ to lớn để cải thiện tính sẵn sàng. NATO đã đồng ý vào năm 2022 sẽ đặt 300.000 quân trong tình trạng báo động cao, tăng từ 40.000 trong quá khứ.
Những thiếu sót trong khả năng sản xuất đủ vũ khí và đạn dược của liên minh đã được làm nổi bật bởi cuộc đấu tranh để đáp ứng nhu cầu của Ukraine, và NATO cũng phải nâng cấp hậu cần cần thiết đã bị lãng quên từ lâu để nhanh chóng triển khai quân đội qua đường sắt hoặc đường bộ.
Nhu cầu tài trợ cho việc thực hiện các kế hoạch khu vực là một trong những lý do khiến ông Stoltenberg kêu gọi các nhà lãnh đạo nâng cao mục tiêu chi tiêu quân sự của liên minh, một chủ đề khác sẽ được thảo luận tại Vilnius.
Các quan chức NATO ước tính sẽ mất vài năm để các kế hoạch được thực hiện đầy đủ, mặc dù họ nhấn mạnh rằng liên minh có thể lao vào cuộc chiến ngay lập tức nếu cần.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 19/05/2023
*******************************
Các đồng minh Mỹ tìm cách đối phó một Trung Quốc đang lên và một nước Nga khó lường
Reuters, VOA, 18/05/2023
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vừa họp với nhau tại thành phố mang tính biểu tượng sâu sắc, Hiroshima, hôm thứ Năm (18/5), nhằm mục đích hợp tác chặt chẽ hơn khi đối mặt với một Trung Quốc đang lên và một nước Nga khó lường mà họ xem là mối đe dọa trật tự hậu chiến.
Tổng thống Joe Biden (giữa) cùng với Ngoại trưởng Antony Blinken (thứ 2, bên trái) trong cuộc gặp song phương với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (ngồi đối diện) tại Hiroshima, Nhật Bản, vào ngày 18/5/2023, trước khi bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh G7.
Hai bên đã gặp nhau trước hội nghị thượng đỉnh Nhóm Bảy quốc gia (G7) kéo dài ba ngày bắt đầu vào thứ Sáu tại Hiroshima, thành phố đầu tiên bị bom nguyên tử san bằng.
Các thành viên của G7, bao gồm Đức, Vương quốc Anh, Pháp, Ý và Canada, ngày càng lo ngại về điều mà họ coi là chính sách cưỡng chế kinh tế của Trung Quốc và sự tích lũy nhanh chóng những công nghệ nhạy cảm của nước này, cũng như các mối đe dọa lặp đi lặp lại của Nga về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Nhưng chuyện giải quyết trực tiếp những vấn đề trên không hề dễ dàng. Các quan chức từ các nước thành viên G7 từng nói riêng với nhau, đặc biệt là do sự phụ thuộc quá lớn của phương Tây vào Trung Quốc, rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vừa là đối tác thương mại vừa là cơ sở sản xuất trong một số trường hợp.
"Cộng đồng quốc tế đang đứng trước một ngã ba đường trong lịch sử", Thủ tướng Kishida nói trong một cuộc họp báo sau cuộc gặp kéo dài hơn một giờ với ông Biden.
Ông Kishida cho rằng hội nghị thượng đỉnh sẽ là cơ hội để các thành viên G7 cho thế giới thấy cam kết của họ đối với "một trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên luật pháp".
Nhật Bản, mặc dù là khách hàng mua dầu lâu năm của Nga, đã có động thái song song với các biện pháp trừng phạt của G7 đối với Moscow sau cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022 của Nga. Hành động quân sự của Nga cũng khiến người Nhật lo ngại rằng Trung Quốc có thể được khuyến khích hành động chống lại láng giềng Đài Loan tự trị, trừ khi Nga bị ngăn chặn.
Siết chặt trừng phạt
Nhà lãnh đạo Đức, Olaf Scholz, hôm thứ Năm nói rằng G7 sẽ nhắm đến thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga để ngăn nước này lách các biện pháp đã được áp dụng.
Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan nói với các phóng viên trên máy bay Air Force One rằng Hoa Kỳ sẽ có một gói các biện pháp trừng phạt liên quan đến tuyên bố của G7, vốn sẽ tập trung vào vấn đề thực thi các biện pháp trừng phạt Nga.
Ông Kishida sau đó cho biết ông và ông Biden đã đồng ý tiếp tục "các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt đối với Nga cũng như hỗ trợ mạnh mẽ cho Ukraine".
Người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản cho biết ông Kishida và ông Biden cũng chia sẻ hiểu biết về tầm quan trọng của việc bảo vệ các công nghệ chiến lược.
Trước đó trong ngày thứ Năm, ông Kishida đã gặp gỡ những người đứng đầu của một số công ty chip hàng đầu thế giới, yêu cầu họ đầu tư nhiều hơn vào Nhật Bản và đưa ra một dấu hiệu rõ ràng về tầm quan trọng an ninh sâu sắc của công nghệ tiên tiến và chuỗi cung ứng tại G7.
Ông Kishida nói với các giám đốc điều hành, bao gồm cả những người của Micron Technology, tập đoàn Intel và Taiwan Semiconductor Manufacturing (Công ty sản xuất Bán dẫn Đài Loan), rằng việc ổn định chuỗi cung ứng sẽ là một chủ đề thảo luận.
Một quan chức của bộ công nghiệp sau đó cho biết ông Kishida muốn thúc đẩy hợp tác để tăng cường chuỗi cung ứng bán dẫn, trong khi Bộ trưởng Công nghiệp Yasutoshi Nishimura cho biết Nhật Bản sẽ sử dụng 1,3 nghìn tỷ yên (9,63 tỷ USD) ngân sách bổ sung từ năm tài chính vừa qua để hỗ trợ hoạt động kinh doanh chip của mình.
(Reuters)
Nguồn : VOA, 18/05/2023