Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

16/05/2023

Điểm báo Pháp - Zelensky thăm 4 nước G7

RFI tiếng Việt

Zelensky thăm 4 nước G7 : Thêm vũ khí để tiết kiệm xương máu cho Ukraine

Các báo Pháp hôm 16/05/2023, chú ý tới chuyến đi của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới 4 nước Châu Âu thuộc G7. Nhóm này sắp họp tại Nhật Bản với chủ đề ưu tiên là phối hợp viện trợ cho Ukraine. Ông nhận được cam kết cung cấp nhiều vũ khí, trong đó có Storm Shadow, hỏa tiễn tầm xa có thể thay đổi bộ mặt chiến trường. Kiev chưa chính thức tổng phản công vì cần nắm chắc ưu thế. Trong khi đó thủ lãnh Wagner gặp vận đen, có thể bị nghi ngờ phản bội Kremlin.

g71

Một chiến sĩ thuộc một đơn vị phòng không Ukraine đóng gần Kiev, ngày 08/05/2023. AP - Andrew Kravchenko

Storm Shadow : Niềm hy vọng mới của Ukraine trên chiến trường

Le Monde nói về việc "Zelensky công du Châu Âu trước cuộc phản công". La Croix nhận thấy "Volodymyr Zelensky nhận được rất nhiều vũ khí" qua chuyến đi : thiết giáp, xe tăng, hỏa tiễn… Trong số đó, Le Figaro cho rằng "Nhờ Storm Shadow, Ukraine hy vọng thắng được cuộc chiến tầm xa". Với tầm bắn 250 kilomet thậm chí 500 kilomet, loại hỏa tiễn này mang lại khả năng thay đổi chiều hướng cuộc chiến. Quân đội Ukraine có thể đánh vào những điểm trọng yếu ở hậu phương quân Nga để làm rối loạn ở tiền tuyến, đồng thời đe dọa cả lãnh thổ Nga.

Trong số các khía cạnh của cuộc chiến tranh Ukraine, "đánh sâu" mang tính quyết định vì khắc phục được sự kém sức về quân số. Élysée nhận thấy quân Nga đã "cho các sở chỉ huy và hậu cần lùi xa hơn". Kiev cũng đã có rốc-kết GLSDB của Mỹ tầm bắn 150 kilomet, bộ dẫn đường JDAM giúp biến bom thành hỏa tiễn với tầm xa 70 kilomet. Hôm qua thủ tướng Anh Rishi Sunak hứa giúp các drone tấn công tầm 200 kilomet. Vào thời điểm quan trọng này, phương Tây cố tìm cách ủng hộ Ukraine, nhưng đạn tầm xa chỉ có số lượng hạn chế. Loại vũ khí này cũng rất đắt tiền : trên 800.000 euro một quả Storm Shadow !

Như vậy không thể kéo dài nỗ lực, có điều trong cuộc chiến hỏa tiễn, Moskva cũng đang gặp khó khăn. Nga tận dụng kho vũ khí còn lại, cho hỏa tiễn bay ở nhiều độ cao khác nhau để khó chặn, cho oanh tạc bằng drone để làm phòng không Ukraine kiệt lực. Cả hai bên đang chạy đua với thời gian. Cùng với cuộc chiến trên thực địa, còn có việc phô trương sức mạnh công nghệ và cuộc chiến truyền thông. Kiev tuần trước khẳng định đã chận được một hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal - lâu nay được Putin tuyên truyền là bất khả chiến bại - bằng hệ thống Patriot của Mỹ.

Zelensky, tài năng truyền thông và sự khôn khéo của nhà lãnh đạo

Le Figaro bình luận về "Hai chiến lược của tổng thống Ukraine". Ý, Đức, Pháp, Anh : từ ngày 13 đến 15/05, Volodymyr Zelensky đi một vòng bốn cường quốc kinh tế của Châu Âu có kỹ nghệ vũ khí hùng mạnh. Vẫn trong bộ trang phục màu kaki, ông được tiếp đón một cách trọng thị tại bốn quốc gia này. Cả bốn nước đều là thành viên của G7, nhóm cường quốc sẽ họp tại Hiroshima, Nhật Bản từ 19 đến 21/05.

Thượng đỉnh lần này có mời chủ tịch Hội Đồng Châu Âu và Ủy Ban Châu Âu tham dự, và cuộc chiến tranh ở Ukraine là chủ đề được phương Tây quan tâm hàng đầu. Trong hội nghị, G7 sẽ phối hợp các nguồn viện trợ (cả ngân sách, nhân đạo lẫn quân sự) cho Kiev. Từ đầu cuộc xâm lăng, Hoa Kỳ đã trợ giúp đến 72 tỉ euro cho Ukraine, còn Liên Hiệp Châu Âu (EU) khoảng 50 tỉ euro. Trong lịch sử đương đại, những khoản viện trợ tài chánh và quân sự khổng lồ như vậy cho một nước đang tham chiến, có thể so sánh với viện trợ Mỹ cho Anh quốc từ năm 1941, và cho Liên Xô từ 1942.

Tầm quan trọng của hội nghị G7 sắp tới là động cơ cho chuyến công du Châu Âu của Volodymyr Zelensky, sau chuyến thăm Hoa Kỳ hết sức thành công vào tháng 12/2022. Tờ báo nhắc lại, khi quân Nga chuẩn bị tiến vào lãnh thổ Ukraine ngày 24/02/2022, Washington đề nghị sang Mỹ tị nạn, tổng thống Zelensky đã từ chối. Sau khi quân đội của ông đứng vững trước quân xâm lược, cứu được thủ đô, Volodymyr Zelensky với tài năng làm truyền thông, vừa cổ vũ được tinh thần dân tộc vừa thuyết phục được phương Tây viện trợ vũ khí. Và sau hai chiến thắng vang dội ở Izyum và Kherson, tái chiếm được 1/4 lãnh thổ, uy tín của ông càng tăng.

Người Nga củng cố 1.400 kilomet giới tuyến : họ đã hiểu không thể thắng được cuộc chiến tranh quy ước bằng quân sự nên tìm cách giữ lại những vùng đất đã chiếm được. Trước tình thế này, tổng thống Ukraine sử dụng song song chiến lược quân sự và ngoại giao. Ông tuyên bố có thể tung ra cuộc tổng phản công nhưng còn trì hoãn vì cái giá quá đắt về sinh mạng. Đồng thời thúc đẩy sự ủng hộ lâu dài từ phương Tây, tạo cơ hội cho hòa giải : ông nói chuyện một tiếng đồng hồ qua điện thoại với chủ tịch Trung Quốc khi đến Roma gặp Đức giáo hoàng.

Volodymyr Zelensky từ bỏ chiến dịch quân sự chăng ? Không, nhưng ông muốn chắc thắng, với các sư đoàn được huấn luyện kỹ, sử dụng thành thạo vũ khí phương Tây. Zelensky hiểu rằng đến một lúc nào đó sẽ phải đàm phán, trực tiếp hoặc gián tiếp, và ông muốn ở thế thượng phong để đạt được tối đa những nhượng bộ từ phía đối thủ.

Bị nghi "bán đứng" quân Nga, thủ lãnh Wagner có thể gặp khó

Cũng liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraine, Le Figaro lưu ý đến việc thủ lãnh Wagner "Prigozhin bị nghi ngờ phản bội Kremlin". Thông tin được Washington Post tiết lộ sáng hôm qua và nhanh chóng được truyền thông toàn thế giới đăng lại, có tác động như một quả bom, khiến các nhà quan sát Nga phải ớn lạnh. Bởi vì cáo buộc này hết sức nặng nề : Yevgeny Prigozhin bị nghi là phản quốc. Theo tài liệu mật của Lầu Năm Góc bị rò rỉ trên mạng Discord (được gọi là "Discord Leaks), ông chủ công ty lính đánh thuê duy trì mối liên lạc chặt chẽ với tình báo Ukraine (HUR), ngay từ đầu cuộc xâm lăng.

Đến tháng Giêng, khi những trận đánh ác liệt tiếp diễn tại Bakhmut làm lính Wagner chết như rạ, Prigozhin đề nghị với Kyrylo Budanov, giám đốc tình báo Ukraine là sẽ cho biết các vị trí của quân chính quy Nga, đổi lấy việc Kiev cho rút quân khỏi Bakhmut. Ông ta còn cổ vũ Ukraine "đánh mạnh hơn" vào quân Nga, tấn công luôn Crimea, nêu ra những điểm yếu của Nga ở bán đảo này và tinh thần binh lính xuống thấp. Cũng theo tài liệu, Yevgeny Prigozhin đã nhiều lần gặp các sĩ quan HUR ở một nước Châu Phi. Các thông tin của Washington Post được hai nguồn tin quân sự Ukraine công nhận. Phía Kiev chừng như cho rằng Kremlin biết về việc này và nghi ngờ đây là một cái bẫy nên từ chối.

Tin tức trên đây được tiết lộ vào lúc chỗ đứng của Prigozhin đang mong manh. Những lời đả kích bộ trưởng quốc phòng và tổng tham mưu trưởng quân đội Nga gây bực tức trong giới chóp bu, nhất là hôm ông ta quay video đứng bên cạnh những xác lính vừa tử trận được xếp hàng dài. Yevgeny Prigozhin bác bỏ, nói rằng đó là chuyện "buồn cười" do các nhà báo đói tin chế ra, hay từ các thế lực thù địch với Nga. Các chuyên gia về Nga tỏ ra nghi ngại trước tin này.

Nhà chính trị học Tatiana Stanovaya cho rằng dù nguồn tin xuất phát từ đâu, "cũng đều có lợi cho những kẻ thù của Prigozhin, cả bên trong lẫn bên ngoài". Theo một nguồn thạo tin của cả hai quân đội và tình báo Nga, vụ này nằm trong ý đồ của Kiev nhằm làm bất tín nhiệm Prigozhin. Abbas Galliamov, người từng viết diễn văn cho Vladimir Putin nhận xét : "Câu chuyện này có thể làm quân Nga xuống tinh thần, và về chính trị, đừng quên rằng Putin hiện nay hoang tưởng hơn bao giờ hết. Dù sao đi nữa, Prigozhin cũng thiệt thòi".

Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ chịu thêm 5 năm độc tài

Nhìn sang Thổ Nhĩ Kỳ, trong bài xã luận La Croix nhận định trừ phi có bất ngờ, vị "quốc vương Hồi giáo" đầy uy quyền chưa thể mất ngôi, ứng cử viên đối lập khó thể chiến thắng trong vòng hai. Thổ Nhĩ Kỳ lại tiếp tục con đường Hồi giáo bảo thủ thêm 5 năm nữa. Kết quả này một lần nữa cho thấy sự thống trị của Erdogan. Việc xử lý tệ hại sau trận động đất làm hơn 50.000 người chết, bất lực trong việc kềm chế lạm phát, khát vọng thay đổi của giới trẻ vẫn chưa đủ trọng lượng ; trước những tuyên bố dân tộc chủ nghĩa hùng hồn của một nhà lãnh đạo độc tài. Truyền thông đều do những người thân cận của Erdogan nắm giữ, những tiếng nói đối lập uy tín từ lâu đã phải ngồi tù hoặc lưu vong. Những rạn nứt lâu nay càng thêm sâu sắc : các đô thị lớn và người Kurdistan đa số bầu cho đối lập, vùng nông thông ủng hộ Recep Tayyip Erdogan - nhân vật đang có ưu thế để tiếp tục đứng đầu một đất nước vừa chia rẽ vừa bị bịt miệng.

Le Monde nhận thấy "Nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ đang lung lay". Khoảng cách sát nút giữa hai ứng cử viên và tình hình tài chánh đất nước vô cùng ảm đạm mở ra một thời kỳ bất định và căng thẳng. Thời gian hai tuần lễ trước khi diễn ra vòng hai ẩn chứa đầy nguy hiểm. Trước hết về tài chánh, vì chính sách giảm lãi suất của Erdogan làm cho đồng lira liên tục bị mất giá. Kế đến là mối nguy dân tộc chủ nghĩa cực đoan và bạo lực tại một đất nước bị cắt làm đôi.

Theo Le Figaro, phe dân chủ chỉ còn có thể trông cậy vào 5% phiếu của ứng cử viên về thứ ba Sinan Ogan, nhưng ông này muốn trả bằng cái giá bỏ rơi người Kurdistan và trục xuất người tị nạn Syria. Như vậy khó thể ngăn trở vị "sultan" bắt đầu một thập niên thứ ba. Recep Tayyip Erdogan bị tố cáo phá hoại những căn bản của nền dân chủ thế tục, khống chế các định chế, duy trì ưu đãi cho phe cánh từ báo chí cho đến tư pháp, quân đội, doanh nghiệp. Có đến 90% kênh truyền hình chỉ đưa lại những thông điệp của Erdogan, và dành cho ông thời gian phát biểu nhiều gấp 100 lần ứng cử viên đối lập ! Người Thổ Nhĩ Kỳ đã chọn lựa sự ổn định, một lần nữa bỏ qua cho những quá khích và sai lầm của Erdogan, nhưng cho đến bao giờ ?

Cơn sóng thần dân chủ ở Thái Lan

Tại Châu Á, một cuộc bầu cử khác mang lại chiến thắng cho phe dân chủ. Libération nói về "Bầu cử Quốc hội Thái Lan : Cơn sóng thần từ một đảng cấp tiến". Đảng Move Forward - cho đến nay vẫn được coi là "đảng của giới trẻ" - đã giành được đa số ghế ở Quốc hội và toàn bộ ghế đại biểu thủ đô. Đây là bước ngoặt trong đời sống chính trị nước Thái, sau 9 năm dưới chế độ quân sự cầm quyền.

Thủ lãnh Move Forward là Pita Limjaroenrat, 42 tuổi, cựu lãnh đạo Grab được đào tạo ở Harvard và MIT, sẽ là thách thức lớn cho những khuôn mặt lão làng lâu nay. Các nhà lãnh đạo hầu hết là các cựu sinh viên phản kháng, được sự hỗ trợ của các chuyên gia, đã lập ra một chương trình hành động rất cụ thể, đề nghị cải cách sâu sắc xã hội Thái Lan. Đảng đối lập truyền thống Pheu Thai cũng đạt được số phiếu cao. Hai đảng sẽ phải thỏa thuận phân chia các chức vụ quan trọng, và về số phận của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, cha của nhà sáng lập Pheu Thai, sau 17 năm lưu vong.

Les Echos nhận thấy "Ứng viên dân chủ Pita Limjaroenrat đòi hỏi xóa dần quyền lực quân đội". Để trở thành thủ tướng, "Khun Pita" - như những người ủng hộ ông gọi – phải thuyết phục được 376 dân biểu, và tối thứ Hai lãnh đạo Move Forward cho biết đã tập hợp được ít nhất 309 dân biểu từ 6 đảng. Pita khẳng định sẽ không nhận các quân nhân vào liên minh. Tuy thủ tướng đương nhiệm, tướng Prayut Chan-O-Cha nói ông hy vọng các đồng minh sẽ chấp nhận kết quả bầu cử, nhưng giới chuyên gia và nhà đầu tư không mấy tin tưởng vào một sự chuyển giao ôn hòa : thị trường chứng khoán Bangkok sụt điểm.

Sức mua, thuế, phim tài liệu : Tựa chính báo Pháp

Libération hôm nay nói về hệ thống siêu thị và các cửa hàng giá rẻ. Trong thời buổi lạm phát, chính phủ làm áp lực với lãnh vực thực phẩm để giảm giá, còn người tiêu thụ bỏ rơi các thương hiệu để chọn mua những sản phẩm có giá rẻ hơn. Les Echos chạy tựa "Thuế : Ông Macron chuẩn bị những gì cho giai cấp trung lưu". Tổng thống Pháp hôm qua loan báo giảm 2 tỉ euro tiền thuế cho giới này, có thể thông qua việc giảm nhẹ các khoản đóng góp để tăng thu nhập thực tế. Nhưng như vậy chính phủ không thực hiện được lời hứa giảm thuế thừa kế. Le Figaro cho rằng "Macron chọn chiến lược làm bão hòa truyền thông". Liên tục xuất hiện trên báo chí, nguyên thủ Pháp không còn giữ chủ trương tiết kiệm lời nói như trước, nhằm lật sang trang mới sau khi ban hành chính sách cải cách hưu trí gây nhiều tranh cãi.

La Croix chú ý đến việc "Liên hoan Cannes lại giới thiệu phim tài liệu". Lần đầu tiên kể từ 2004, có hai bộ phim tài liệu vào danh sách tranh giải Cành cọ vàng. Đây là dấu hiệu cho thấy thể loại này lại được ưa chuộng, tuy vẫn khó tìm nguồn tài trợ. Le Monde nhìn sang "Thổ Nhĩ Kỳ : Erdogan dẫn đầu, chuẩn bị diễn ra vòng hai". Tổng thống mãn nhiệm giành phần thắng trong vòng đầu tuy các thăm dò đều dự báo ông bị đánh bại, và đảng của Erdogan cũng chiếm được đa số trong Quốc hội.

Thụy My 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 232 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)