Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

18/05/2023

Điểm báo Pháp - Bóng ma Bucharest và NATO

Thụy My

Bóng ma Bucharest lượn lờ trên thượng đỉnh NATO ở Vilnius

Trong bài "Bóng ma Bucharest bay lượn trên Vilnius", Le Monde nhận định, trong lịch sử quan hệ đầy trắc trở giữa Vladimir Putin và Liên minh Bắc Đại Tây Dương, có một thời điểm bản lề là cuộc họp thượng đỉnh NATO ở Bucharest ngày 02/04/2008. Điểm nhấn tập trung mọi nỗ lực của các nhà lãnh đạo họp tại thủ đô Romania thời đó là vấn đề kết nạp Ukraine và Georgia.

bucarest1

Đoàn xe tăng Nga tiến về Nam Ossetia của Georgia ngày 09/08/2008, chỉ bốn tháng sau khi hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest quyết định chưa kết nạp hai nước Ukraine và Georgia. AP - Musa Sadulayev

Chần chừ không kết nạp Ukraine, sai lầm lịch sử của Bucharest 2008

Tổng thống Mỹ George W. Bush ủng hộ, thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy chống lại việc hai nước này gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Sau trận chiến đầy kịch tính, một thỏa thuận khập khiễng được tìm ra : Ukraine và Georgia có thể trở thành thành viên NATO vào... một ngày nào đó, không được xác định.

Mười lăm năm sau, chủ đề này trở lại với thượng đỉnh Vilnius (Litva) từ 11 đến 12/07, trong bối cảnh bi kịch hơn. Không chỉ Ukraine và Georgia vẫn chưa thể gia nhập NATO, mà cả hai đều bị Nga xâm lăng, cuộc chiến đang ác liệt ở Ukraine. Những khuôn mặt liên quan đã thay đổi, trừ Vladimir Putin vẫn còn đó.

Bóng ma Bucharest lảng vảng phía trên Vilnius. Câu hỏi luôn ám ảnh : liệu tổng thống Nga có dám đưa quân xâm lược nếu Ukraine đã là thành viên NATO ? Thủ tướng Estonia, Kaja Kallas không ngần ngại một giây nào : "Chiếm Estonia dễ hơn rất nhiều so với tấn công Ukraine. Nếu Nga không tiến đánh, đó là vì chúng tôi đã ở trong NATO. Việc kết nạp Ukraine là lối thoát duy nhất". Với cùng câu hỏi này, đồng nhiệm Litva của bà là Ingrida Simonyte cũng không chút nghi ngờ : "Bucharest là một trong những sai lầm lịch sử lớn nhất thế kỷ này". Không có chuyện "lặp lại Bucharest" ở Vilnius.

Đức, Pháp không muốn "tặng quà" cho tổng thống Bush

Hồi năm 2008, ông George W. Bush sắp hết nhiệm kỳ thứ hai ở Nhà Trắng. Trong nhiệm kỳ đầu, NATO đã kết nạp thành công ba nước Baltic năm 2004, các quốc gia thuộc Hiệp ước Warszawa đã quá cố cũng tham gia Liên minh. Đối với ông Bush, việc hội nhập vào NATO Ukraine và Georgia, hai nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ với khát vọng dân chủ của người dân, là một cách hoàn tất đẹp đẽ "Freedom agenda" của ông. Như vậy thượng đỉnh Bucharest cần phải thông qua tư cách Membership Action Plan (MAP) để mở ra tiến trình gia nhập, nhưng quyết định này phải được toàn thể thành viên nhất trí.

Đức và Pháp lại có cách nhìn khác. Hai nước này sợ rằng làm như vậy sẽ khiêu khích Putin, và không muốn "tặng quà" cho ông Bush sau vụ đưa quân sang Iraq. Bà Merkel và ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier phản đối kịch liệt, kéo theo tổng thống Pháp Sarkozy. Nhiều nhân chứng cho biết "cuộc chiến" hôm 03/04/2008 vô cùng gay gắt. Các nhà ngoại giao chạy rối rít đủ mọi hướng, văn bản cầm tay với những đề nghị mới cho bản tuyên bố phải thương lượng lại. Thỏa thuận cuối cùng tái khẳng định chính sách "cửa mở" - "Hôm nay chúng tôi quyết định hai nước này sẽ trở nên thành viên NATO" - nhưng không hề định ra lịch trình. Ở Kiev người ta mỉa mai : "Cửa đã mở, nhưng bạn không được mời vào".

Vilnius 2023, một thượng đỉnh NATO đảo ngược 15 năm sau

Ông Dan Fried, người từng tham dự với tư cách trợ lý của bà Condoleezza Rice, giờ đây nhìn nhận hội nghị Bucharest vô cùng "náo loạn". Đối với các viên chức Mỹ và các nước Châu Âu hậu cộng sản, thỏa thuận nhằm cứu vãn vẻ ngoài đoàn kết của Liên minh, nhưng hậu quả hết sức thảm hại, làm cho Putin nghĩ rằng phương Tây không có can đảm cứu giúp hai nước trên. Các nước Baltic khẳng định : "Khi duy trì vùng xám này, chúng ta đã bật đèn xanh cho Putin". Chỉ bốn tháng sau, tháng 8/2008, đoàn xe tăng Nga tiến vào Georgia và đến nay Moskva vẫn kiểm soát 20% lãnh thổ của quốc gia này. Nhưng Paris và Berlin vẫn cho rằng nếu nhượng bộ ông Bush là sai lầm.

Các nhà ngoại giao và lãnh đạo của 31 quốc gia thành viên NATO hiện đang thảo luận căng thẳng trước thượng đỉnh Vilnius cũng là để tránh một Bucharest thứ hai. Nhưng làm cách nào ? Không ai đòi hỏi kết nạp lập tức Ukraine, đất nước đang có chiến tranh, vì sẽ tự động khiến NATO phải tham chiến để bảo vệ đồng minh bị tấn công. Cần phải tìm ra một công thức khác, một lộ trình, một MAP khác, tóm lại là những cam kết cụ thể giúp Ukraine được bảo vệ và bám rễ vào Liên minh mà không mở rộng chiến tranh.

Điều nghịch lý là ngày nay tình hình lại đảo ngược. Năm 2023, hơn ai hết chính là Châu Âu thúc đẩy, còn người Mỹ ngần ngại. Washington thận trọng muốn NATO đứng ngoài cuộc chiến ở Ukraine, còn Liên Hiệp Châu Âu đứng ra vũ trang cho Kiev, chứ không phải với tư cách nước thành viên NATO. Mục tiêu chính của Hoa Kỳ luôn là Trung Quốc, ông Joe Biden không muốn bị vướng vào một cuộc chiến tranh với Nga ở Châu Âu. Berlin và Paris có thể nương vào sự do dự của đồng minh Mỹ hùng mạnh. Chính là các nước Baltic, Bắc Âu và Trung Âu mới hăng hái nhất. Khác với hồi 2008, là năm 2023, tiếng nói của những nước này có trọng lượng hơn. Thế giới đã đổi khác.

G7 cân nhắc quan hệ với Trung Quốc

Theo Le Monde, trước khi diễn ra thượng đỉnh NATO, một thượng đỉnh khác là hội nghị G7 ở Hiroshima (Nhật Bản) được tập trung vào quan hệ với Trung Quốc. Siết chặt hàng ngũ ủng hộ Ukraine đối phó với Nga, các nhà lãnh đạo bảy cường quốc kinh tế từ 19 đến 21/05 còn tìm cách làm rõ luật chơi với Bắc Kinh.

Tại thành phố từng hứng chịu quả bom nguyên tử năm 1945, thủ tướng Fumio Kashida phải lo dung hòa quan điểm của các khách mời, trong đó có tổng thống Joe Biden và Emmanuel Macron. Vấn đề Trung Quốc càng nhạy cảm vì Tập Cận Bình đứng về phía Vladimir Putin, không lên án cuộc xâm lăng Ukraine, cũng không trừng phạt. Việc Trung Quốc làm "trung gian hòa giải" gây ngờ vực. Élysée mong muốn Bắc Kinh nói rõ là Nga phải rút khỏi lãnh thổ Ukraine. Đòi hỏi ngưng bắn không đủ, vì ở đây là kẻ xâm lăng và bên bị xâm lăng.

Đại diện ngoại giao Châu Âu Josep Borrell cảnh báo : không thể có quan hệ bình thường với Trung Quốc nếu Bắc Kinh không dùng ảnh hưởng để chấm dứt chiến tranh. Liên Hiệp Châu Âu (EU) cũng muốn hạn chế thương mại với 8 công ty Trung Quốc đã tái xuất sang Nga chất bán dẫn, vi mạch. Đối với Nhật Bản, thành viên Châu Á duy nhất của G7, hội nghị lại càng quan trọng vì việc Nga xâm lược Ukraine giúp ý thức rằng vùng Viễn Đông cũng gánh chịu hậu quả chiến tranh từ Châu Âu. Thủ tướng Nhật nhắc nhở : "Ukraine hôm nay có thể là Đông Á ngày mai".

Tuy không nêu tên Trung Quốc, nhưng rõ ràng Tập Cận Bình có thể tái diễn hành động của Vladimir Putin, dùng vũ lực chiếm Đài Loan. Élysée cho rằng "đây sẽ là một G7 địa chính trị" trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung, nhưng không phải "chống Trung Quốc". Thay vì tách biệt, nên giảm thiểu rủi ro và sự lệ thuộc vào Bắc Kinh. Chuyên gia Yoichi Funabashi nhận xét Tokyo muốn các đồng minh coi an ninh Châu Á cũng là của Châu Âu, chứ không chỉ là việc của Hoa Kỳ.

Hỏa tiễn siêu thanh Kinzhal của Nga có thực sự bất khả chiến bại ?

Trên chiến trường Ukraine, Le Figaro đặt câu hỏi "Kinzhal, hỏa tiễn siêu thanh của Nga có thực sự bất khả chiến bại ?". Kiev khẳng định đã chặn được 6 hỏa tiễn, loại mà Moskva hồi năm 2018 đã ồn ào giới thiệu, khoe rằng Kinzhal không thể nào bị bắn hạ. Vladimir Putin đã dành những từ ngữ khoa trương cực độ cho hỏa tiễn có tốc độ nhanh hơn Mach 5, từng được dùng để tấn công Ukraine ngay từ tháng 3/2022 - một mối đe dọa nghiêm trọng.

Nhưng một năm sau, vào đầu tháng 5, Kiev loan báo đã bắn hạ được một hỏa tiễn Kinzhal bằng hệ thống Patriot của Mỹ, và đến sáng 16/05 phá hủy thêm 6 chiếc nữa cũng với Patriot. Bộ trưởng quốc phòng Nga chỉ đơn giản nói rằng "chưa bao giờ phóng đi nhiều Kinzhal như thế". Các nhà quan sát bắt đầu nghi ngờ, phải chăng loại vũ khí này không "thần sầu quỷ khốc" như Putin ca ngợi ?

Cụ thể, Kinzhal là hỏa tiễn được phóng xuống từ trên không (thường là MiG-31K), có thể đạt vận tốc siêu thanh (3 km/giây), tự động tránh né được phòng không. Tuy nhiên theo chuyên gia Benjamin Gravisse, trong giai đoạn cuối tác động khí động học làm bay chậm lại, khiến hỏa tiễn có thể hiện diện lâu hơn trong vùng phát hiện của hệ thống Patriot. Hơn nữa, sai số của Kinzhal được cho là từ 5 đến 10 mét, nhưng thực tế có thể kém chính xác hơn, do đó hỏa tiễn phải bay chậm lại cho chắc, và như vậy dễ bị bắn chặn.

Còn hệ thống Patriot thường xuyên được cải tiến với các hỏa tiễn và công nghệ mới. Rõ ràng phần mềm đã được nâng cấp giúp dự đoán được những cách tránh né của Kinzhal. Hơn nữa, Kinzhal chỉ là phiên bản được sửa đổi của hỏa tiễn đạn đạo dùng cho hệ thống Iskander. Do hỏa tiễn này có từ năm 1995, các kỹ sư phương Tây đã tha hồ nghiên cứu để tìm ra các khuyết điểm. Vụ tấn công ồ ạt hôm 16/05 nhắm trực tiếp vào Patriot, khiến bên cạnh việc bảo vệ những nơi khác, hệ thống còn phải tự vệ, và người ta cho rằng cần có các hệ thống radar mới.

Pháp : Ba năm tù cho cựu tổng thống Sarkozy vì "tội có ý định"

Về thời sự nước Pháp, sự kiện cựu tổng thống Nicolas Sarkozy hôm qua 17/05 bị tuyên án ba năm tù được nhật báo thiên tả Libération coi là "khởi đầu cho một con đường thập giá về hình sự", còn nhật báo cánh hữu Le Figaro bình luận là đã tòa án đã "chệch hướng", "mang lại một hình ảnh thảm hại cho nền tư pháp". Bản án của tòa phúc thẩm đặc biệt nặng nề : ba năm tù trong đó một năm tù giam (bằng cách đeo vòng điện tử) và ba năm mất quyền công dân đối với cựu tổng thống – kết quả nghe lén những cuộc nói chuyện điện thoại của ông Sarkozy với luật sư bằng một tên giả.

Xã luận Le Figaro nhắc lại, nội dung chuyện trò không rõ ràng, không dẫn đến hậu quả nào. Nicolas Sarkozy bị cho là định dùng ảnh hưởng của mình để giúp thẩm phán Gilbert Azibert có được một vị trí ở Monaco, để đổi lấy thông tin về một cuộc điều tra liên quan, nhưng thực ra ông không hành động gì. Để tuyên án về "tội có dụng ý", tư pháp đã huy động lực lượng hết sức hùng hậu như thể đi tìm một tội phạm sừng sỏ. Họ vi phạm các nguyên tắc dân chủ khi bí mật nghe lén đối thoại giữa luật sư và thân chủ. Quyền biện hộ còn lại gì ? Có bao nhiêu thời gian đã mất, tiền bạc bị lãng phí, bao nhiêu cảnh sát bị huy động để chẳng đi đến đâu cả ? Tờ báo cho rằng Nicolas Sarkozy - lúc đó là lãnh tụ đối lập - vô tội, chính tư pháp mới mang tội truy bức.

Tư pháp bên trọng bên khinh

Cựu thẩm phán Hervé Lehman so sánh, cựu bộ trưởng tư pháp Jean-Jacques Urvoas thời tổng thống cánh tả François Hollande do chuyển cho người bạn là Thierry Solère hồ sơ hình sự của người này, chứ không phải trò chuyện, chỉ bị một tháng tù treo. Song song đó, Viện Công tố Tài chánh còn bí mật điều tra xem có ai báo cho ông Sarkozy biết đang bị nghe lén hay không, bằng cách kiểm tra bảng kê chi tiết những cuộc gọi của nhiều luật sư khác, trong không khí "đấu tố". Luật sư nhiều tai tiếng Eric Dupont-Moretti kiện cáo việc này, nhưng sau khi được bổ nhiệm làm bộ trưởng tư pháp đã rút đơn.

Ông Nicolas Sarkozy nhiều khả năng bị thua thiệt ở Tòa Phá án, vì tuy luật mới 2021 không cho nghe lén và tra bảng kê điện thoại như trong vụ án của ông, nhưng không có tác dụng hồi tố. Ngược lại, cựu tổng thống có thể kiện lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu (CEDH) sau đó. Sẽ "đẹp mặt" cho Tòa Phá án Pháp nếu bị nhắc nhở nguyên tắc công bằng - dù CEDH hiếm khi nhẹ tay với các chính khách cánh hữu. Về lâu về dài, vụ này làm xấu đi hình ảnh của tư pháp và chính trường, cũng như hình ảnh nước Pháp trên trường quốc tế. Chỉ những kẻ thù dai dẳng của cựu tổng thống Nicolas Sarkozy mới hưởng lợi.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 186 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)