Một trong những vùng mà chúng ta thấy rõ nhất tác động của biến đổi khí hậu chính là băng đảo Groenland. Đảo lớn nhất thế giới này có tổng diện tích khoảng hơn 2 triệu km2, với 57.000 dân. Tuy nằm ở Bắc cực ? Groenland lại là một vùng tự trị thuộc một quốc gia Châu Âu, đó là Vương quốc Đan Mạch.
Đảo Groenland chụp từ trên máy bay ngày 20/05/2021 cho thấy rõ tình trạng băng tan chảy ngày càng nhanh. AP - Saul Loeb
Riêng dải băng Groenland là một dải băng rộng bao gồm 1.710.000 km2, chiếm khoảng 80% bề mặt của đảo Groenland. Đây là khối băng lớn thứ hai trên thế giới, sau dải băng Nam Cực. Nhưng do hiện tượng ấm lên toàn cầu, khối băng của Greenland không ngừng bị tan chảy và tan chảy nhanh hơn dự báo.
Theo một nghiên cứu được công bố ngày 28/10/2021, trong vòng 10 năm qua, lớp băng của vùng Groenland đã tan chảy khoảng 3.500 tỷ tấn, khiến cho mực nước của các đại dương tăng thêm 1 cm và làm gia tăng nguy cơ lũ lụt trên khắp thế giới.
Lớp băng của vùng Groenland đang gây lo ngại ngày càng nhiều cho các nhà khoa học, vào lúc mà tình trạng hâm nóng bầu khí quyển ở vùng Bắc Cực nhanh gấp ba lần những nơi khác trên thế giới.
Nhiều nhóm các nhà khoa học vẫn theo dõi những thay đổi của lớp băng Groenland, nhưng nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Communications ngày 28/10 là nghiên cứu đầu tiên đặc biệt dựa trên các quan sát bằng vệ tinh nhân tạo của Cơ quan Không gian Châu Âu. Nghiên cứu này đã đi đến kết luận rằng khối lượng băng tan đã tăng 21% trong vòng 40 năm.
Tính từ năm 2011, khối lượng băng tan đã lên tới 3.500 tỷ tấn, trong đó hai phần ba là tan chỉ riêng trong hai mùa hè 2012 và 2019, tức là hai mùa hè nóng nhất. Chỉ riêng trong năm 2012, lượng băng tan chảy đã lên tới 527 tỷ tấn. Vào năm 2019, chỉ trong một ngày của tháng 6, đã có 12,5 tỷ tấn băng bị tan chảy. Trung bình lượng băng tan chảy ở Groenland tính từ năm 2011 là 357 tỷ tấn/năm.
Các dữ liệu thu thập được từ quan sát bằng vệ tinh đã cho thấy có những khác biệt quan trọng. Theo nhà nghiên cứu Thomas Slater, thuộc đại học Leeds của Anh, nhịp độ tan chảy nhanh hơn thấy rõ vào những đợt nóng. Như tác giả chính của công trình nghiên cứu đã nhấn mạnh, như những vùng khác trên thế giới, Groenland cũng dễ bị tác động của các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Chính nhờ những quan sát bằng vệ tinh mà các nhà khoa học đã đánh giá một cách nhanh chóng và chính xác khối lượng băng tan chảy trong một năm nhất định, và tính toán được tác động làm mực nước biển dâng cao.
Nói chung, theo các tác giả công trình nghiên cứu, chính nhờ phương pháp này mà họ hiểu rõ hơn các tiến trình phức tạp của sự tan các lớp băng của vùng Groenland. Theo đồng tác giả của nghiên cứu, Amber Leeson, cũng thuộc đại học Leeds, các thẩm định cho thấy là từ đây đến năm 2030, lớp băng của vùng này sẽ góp phần làm mực nước các đại dương tăng thêm từ 3 đến 23 cm. Lớp băng của Groenland nếu tan chảy hoàn toàn sẽ khiến mực nước các đại dương tăng thêm từ 6 đến 7 mét ! Cho dù thế giới có tuân thủ hoàn toàn Hiệp định Paris, mức tăng của nước biển do băng tan chảy ở Groenland sẽ vẫn là hơn 1 mét từ đây đến năm 2300.
Tác động của biến đổi khí hậu còn được thấy rõ vào tháng 8/2021, các điều kiện thời tiết nóng và ẩm một cách bất thường cũng đã xảy ra ở Groenland.
Bình thường, ở nhiệt độ thấp, nước không thể rơi xuống dưới dạng lỏng, tức là không thể có mưa. Trên trạm Summit Station, đỉnh cao nhất của đảo này, ở độ cao 3.216 mét, vào ngày 14/08, nhiệt độ đã vượt lên trên 0°C trong 9 tiếng đồng hồ. Hậu quả là lần đầu tiên đã có mưa trên đỉnh này. Tổng cộng 7 tỷ tấn nước đã rơi xuống đây.
Theo các dữ liệu được thu thập từ năm 1950, đây là lần thứ ba mà trạm Summit Station ghi nhận nhiệt độ trên 0°C, nhưng đến nay, nhiệt độ này chỉ làm tan băng, chứ chưa bao giờ gây ra mưa như vậy. Trong vòng 9 năm gần đây, đỉnh Summit Station cũng đã bị tan chảy băng đến 3 lần, trong khi theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, hiện tượng này chưa từng xảy ra trong thế kỷ 20.
Trước đó, vào cuối tháng 7, một đợt nóng đã xảy ra ở vùng Groenland, với nhiệt độ trung bình hơn 10 độ so với nhiệt độ bình thường theo mùa, và hiện tượng này đã khiến băng tan chảy ồ ạt ở vùng này, theo báo động của các nhà băng hà học.
Trong những ngày trước đó, các nhiệt độ bất thường trên 20°C, với những mức cao kỷ lục ở một số địa phương, đã được ghi nhận ở miền bắc Groenland, theo Viện Khí tượng Đan Mạch DMI.
Tại sân bay nhỏ Nerlerit Inaat, ở miền đông bắc Groenland, nhiệt độ đã lên tới 23,4°C vào ngày 29/07, cao nhất kể từ khi trạm khí tượng ghi nhận các nhiệt độ, và nóng hơn cả nhiệt độ tối đa được ghi nhận tại Đan Mạch hôm đó !
Một hậu quả khác của tình trạng nhiệt độ tăng cao ở vùng Groenland, khiến tuyết rơi chậm hơn và băng tan chảy ngày càng nhiều, đó là số chó kéo xe, chủ yếu được cư dân đảo này dùng để đi săn bắt thú hoặc đánh bắt cá, ngày càng ít đi.
Theo một phóng sự của đài truyền hình M6 kết hợp với đài RTL của Pháp, được phát ngày 02/11, từ 30.000 con cách đây 10 năm, số chó kéo xe ở Groenland nay chỉ còn 12.000. Ấy là chưa kể các loài chó này quen sống ở vùng giá lạnh không chịu đựng được nhiệt độ quá cao, nên khi trời nóng thì không thể cho chúng ra ngoài. Nói chung là mùa săn bắt thú rừng và đánh bắt cá sử dụng chó kéo xe ngày càng ngắn và có nguy cơ là truyền thống này của người dân Groenland sẽ ngày càng mai một.
Tuy tác động của biến đổi khí hậu được nhìn thấy rõ như vậy, nhưng theo hãng tin Reuters, chính quyền của vùng tự trị Groenland mãi hôm qua mới thông báo sẽ gia nhập Hiệp định Paris về khí hậu, nhưng lại chưa cam kết mục tiêu cụ thể nào về cắt giảm lượng khí phát thải.
Thanh Phương
Than đá, dầu mỏ, khí đốt... : Những năng lượng hóa thạch, thủ phạm làm hâm nóng Trái đất. Ảnh minh họa Hector Retamal AFP/File
Tuần san Pháp Courrier Internantional dành số đặc biệt cho chủ đề khí hậu, với quan điểm : Hãy nhìn thẳng sự thật nhưng đừng đánh mất hy vọng. Trang bìa Courrier International đăng hình ảnh gấu Trắng Bắc Cực đầu gần ngập trong nước, chỉ hở hai đôi mắt, bốn bề là những núi băng sẵn sàng sụp đổ.Tuy nhiên, nổi bật trên nền hình ảnh biểu tượng cho một Trái đất nóng lên rõ ràng, nóng lên nhanh chóng, tai họa đã nhãn tiền và gần như không thể cứu vãn được này, là hàng tựa đầy lạc quan : "Khí hậu. Tương lai thuộc về chúng ta".
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Khí hậu COP26 ở Glasgow, tuần san Courrier International muốn chuyển đến độc giả "những lý do để giữ vững niềm hy vọng", với việc giới thiệu nhiều trích đoạn từ các báo nước ngoài có uy tín. Điều quan trọng là giữ vững niềm tin để có thể hành động, để tìm ra các phương cách "chống hỗn loạn khí hậu với các nỗ lực cá nhân và tập thể". Trên trang bìa Courrier, gấu Trắng Bắc Cực tuy gần chìm nghỉm trong nước, nhưng cặp mắt vẫn bình tĩnh hướng về phía trước.
Courrier International, ngay trong câu đầu tiên của bài giải thích về ý nghĩa của số báo đặc biệt này, chất vấn : Liệu có đúng là thượng đỉnh Khí hậu tại Anh khai mạc ngày mai sẽ là "cơ hội cuối cùng" hay không ? Là một "bước ngoặt của nhân loại" như thủ tướng Anh, quốc gia chủ nhà COP26, khẳng định ? Có rất nhiều lý do để xác nhận điều này.
Hồi tuần trước các cơ quan tình báo Mỹ ra báo cáo bày tỏ lo ngại về hỗn loạn khí hậu đe dọa "an ninh toàn cầu". Courrier International nhấn mạnh rằng : cuộc chiến khí hậu dường đã ngã ngũ, thất bại dường như "đã được báo trước", bởi các thách thức cần hoá giải của cuộc chiến khí hậu có vẻ như là những điều "quá xa lạ với những mối quan tâm hàng ngày" của đông đảo người dân.
Theo tuần san Pháp, tâm thế bi quan, lo sợ phổ biến trong xã hội trước viễn cảnh thảm họa khí hậu. Chính vì vậy, Courrier International tự đặt cho mình nhiệm vụ chuyển đến công chúng thông điệp : Đừng bi quan !
Số báo đặc biệt của Courrier International nhan đề "Khí hậu. Tương lai thuộc về chúng ta" giới thiệu hàng loạt các hoạt động ở khắp nơi trên thế giới, thường là ở quy mô địa phương, hướng đến việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, hay thích ứng với sự biến đổi khí hậu, do Trái đất bị hâm nóng.
Báo Die Zeit giới thiệu nỗ lực của các nông dân Đức thay đổi thành phần thực phẩm cho bò (với tảo đỏ, hay một số loài cỏ truyền thống ở địa phương) để giảm bớt lượng khí mêtan (CH4), loại khí thải khiến Trái đất bị hâm nóng nhanh chóng, mạnh gấp đến 30 lần so với khí CO2.
Báo Diyi Caijing Ribao giới thiệu thử nghiệm chống ngập lụt bên trong hàng chục thành phố ven sông Trung Quốc, từ điều chỉnh quy hoạch đô thị đến các phản ứng khẩn cấp hiệu quả hơn…. Báo Ojo Publico ở Peru thì mô tả nỗ lực của người dân địa phương tìm về với các phương thức bảo tồn thực phẩm của nền văn minh Inca cổ xưa, tỏ rõ hiệu quả trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Tờ Kompas ở Indonesia giới thiệu một phần mềm dự báo khí tượng, chính xác đến từng làng, theo thời gian thực, để giúp nông dân địa phương điều chỉnh phương thức canh tác kịp thời. Tờ El Pais (Tây Ban Nha) đưa độc giả đến với trường học đầu tiên hoàn toàn tự chủ được về điện và năng lượng, năng lượng làm ấm về mùa đông và làm mát vào mùa hè.
Không phải tất cả đều thành công. Rất nhiều thử nghiệm đang trong giai đoạn mầy mò. Thành phố Trịnh Châu Trung Quốc dù đã chuẩn bị đối phó với mưa lớn, nhưng thất thủ với đợt mưa nghìn năm có một. Tờ báo Đông Nam Á Southeast Asia Globe, giới thiệu nỗ lực phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Tỉnh Gia Lai, miền trung Việt Nam, với khoảng 2.000 giờ nắng một năm được coi là nơi lý tưởng cho loại năng lượng tái tạo này. Việt Nam đứng thứ tư thế giới về điện mặt trời lắp mới trong năm 2020. Tuy nhiên, vấn đề với Việt Nam cũng như toàn cầu nói chung là lượng pin mặt trời, với rất nhiều chất độc (như chì, cadmium) sau khi hết hạn sử dụng sẽ được xử lý ra sao là câu hỏi để ngỏ. Ước tính mỗi năm, thế giới tạo ra khoảng 6 triệu tấn rác pin mặt trời.
Hút CO2 từ không khí, cất giữ trong lòng đất là một thử nghiệm đáng chú ý khác tại Island (Băng đảo), được báo Đức Die Zeit giới thiệu. Người phụ trách nghiên cứu của start-up Carbfix, chuyên về hút CO2 ở Island cho biết Island có tham vọng trở thành trung tâm cất giữ CO2 toàn cầu, bởi riêng đảo này đủ chỗ chứa gấp 100 lần lượng khí thải CO2 hàng năm của toàn hành tinh. Carbfix cho biết đang tìm kiếm công nghệ biến CO2 thành vật liệu rắn như đá.
Tuy nhiên, hoạt động hút và làm nóng không khí để tách CO2 đòi hỏi rất nhiều năng lượng, chỉ phù hợp với những nơi nào có các nguồn điện tái tạo dồi dào. Giá thành hiện nay vẫn còn hết sức đắt đỏ : 1.000 đô la/tấn CO2. Mục tiêu của Climaworks là hút được 1 triệu tấn CO2/năm vào năm 2030, và 1 tỉ tấn vào năm 2050 (lượng khí thải năm 2019 toàn cầu là hơn 40 tỉ tấn. Có nghĩa là để hút hết lượng khí thải năm 2019, hơn 40.000 tỉ đô la). Nhiều chuyên gia hy vọng giá thành hút khí CO2 sẽ giảm mạnh.
Tuy nhiên, trong hiện tại, theo báo Die Zeit, tất cả các nhân chứng mà nhóm phóng viên tiếp xúc trong khi thực hiện phóng sự, đều hiểu rằng hút khí CO2 (dù có rẻ đi cũng) chỉ là một biện pháp nhỏ trong tổng thể các biện pháp rất đa dạng, và không thể thay thế cho nỗ lực cắt giảm khí thải.
Đa số người dân tại nhiều khu vực trên hành tinh chấp nhận thay đổi lối sống để góp phần cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính là kết quả khảo sát của một trung tâm nghiên cứu Mỹ (Pew Research Center), được NBC News giới thiệu. 80% trong số khoảng 18.000 người được phỏng vấn tại 17 quốc gia phát triển ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á – Thái Bình Dương. Tình hình khác biệt tùy theo từng nước. Tại Đức, Anh, Úc hay Hàn Quốc, nhiều người lo ngại hơn về biến đổi khí hậu. Tại Mỹ, tỉ lệ không thay đổi. Người dân Nhật dường như thờ ơ hơn với chuyện khí hậu, theo cuộc thăm dò này.
Trong lúc đa số giới trẻ lo ngại về khí hậu, người già lại thờ ơ nhiều hơn. Một nhân chứng trên The Conversation nhấn mạnh đến đóng góp rất quan trọng của người trên 50 tuổi, chiếm đến 47% sức mua tại Anh. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu chỉ có thể thành công nếu có sự trợ lực của lớp người cao tuổi.
Courrier International không quên nhóm 1% giầu nhất thế giới, chịu trách nhiệm đến lượng khí thải gấp đôi số 50% dân cư nghèo trên Trái đất. Trang mạng độc lập về các giải pháp khí hậu Grist, dẫn một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, theo đó nhóm 1% giầu nhất phải giảm ít 30 lần lượng khí thải hiện nay của nhóm vào năm 2030. Grist nhấn mạnh là cho dù nhiều ông chủ lớn, như Jeff Bezos, cam kết chi 10 tỉ đô la cho những người bảo vệ khí hậu, thì điều đó hoàn toàn không đủ để bù lại các hậu quả "khủng khiếp" do các hoạt động gây phát thải của họ.
Theo Grist, một trong những điều mà giới thượng đẳng (mà nhiều người gọi là "giới tinh hoa CO2") cần làm là, không chỉ là giảm bớt các thói quen tiêu thụ sang trọng tạo nhiều khí thải mang tính cá nhân, mà chủ yếu là tấn công vào tận gốc rễ của vấn đề : dùng ảnh hưởng rất lớn của họ để khuyến khích các công ty, các chính trị gia chuyển sang nền kinh tế xanh.
Tăng trưởng "Xanh" có thể là một món "mồi nhử" làm chệch hướng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là thông điệp của nhà báo George Monbiot, trên The Guardian. Nhà báo môi trường nổi tiếng của The Guardian nhấn mạnh đến việc một xã hội lấy tiêu thụ ngày mai nhiều hơn hôm nay không thể bảo vệ được môi trường sống. "Tăng trưởng Xanh" là ảo ảnh, "Tăng trưởng" là hủy diệt không thể đi liền với "Xanh". "Giảm tăng trưởng", giảm mạnh tăng trưởng là lối thoát cho hành tinh.
Cũng Courrier International giới thiệu bài phỏng vấn (của The Guardian) nhà khí hậu học kỳ cựu Michael E. Mann, người tranh đấu bền bỉ chống lại việc hâm nóng khí hậu từ hơn 20 năm nay. Trái ngược với không khí lo lắng bi quan bao trùm hiện nay, người được coi là "một trong những nhà khí hậu học có ảnh hưởng nhất thế giới" và đối thủ đáng gờm của các thế lực phủ nhận hiện thực biến đổi khí hậu, đã nhấn mạnh đến bối cảnh hết sức thuận lợi hiện nay của cuộc chiến khí hậu, trong tác phẩm mới ấn hành (The New Climate War).
Theo ông, giờ đây phe không thừa nhận biến đổi khí hậu "không còn phủ nhận được" thực tế nhãn tiền này. Điều mà Michael E. Mann kêu gọi cảnh giác : phe chủ trương "không hành động" (Les inactivistes) cho dù thất bại, nhưng "không đầu hàng". Họ chỉ từ bỏ thái độ phủ nhận "thuần túy và thô bạo", nhưng thay vào đó là "một hệ thống chiến thuật mới", được tác giả mô tả rõ trong tác phẩm mới ra mắt về "Cuộc chiến tranh khí hậu mới" (The New Climate War). Michael E. Mann đặc biệt chủ ý đến thủ đoạn gây hoảng hốt, với việc reo rắc quan điểm về "thảm họa không tránh khỏi". Bởi khi người ta cho rằng không có gì còn có thể, chắc chắn là họ sẽ buông tay, và các thế lực vận động cho năng lượng hóa thạch chỉ mong chờ có vậy.
Michael E. Mann lạc quan khẳng định : dù tình hình hiện nay đầy bất lợi, đặc biệt với đại dịch Covid, nhưng tiếng nói của các nhà khoa học thực sự (về y tế, về khí hậu) đã được đông đảo người dân lắng nghe (để tránh lây nhiễm, giảm khí thải…). Rất nhiều yếu tố cho thấy, khắp nơi con người đang đoàn kết lại với nhau hơn trong cuộc chiến vì khí hậu.
Chủ đề chính của L’Obs tuần này cũng là khí hậu. Trang bìa của tuần báo thiên tả chạy tựa "Khí hậu : Sự nóng lên đã thay đổi nước Pháp như thế nào". Trước khi đưa độc giả đến với những thay đổi trông thấy tại Pháp do biến đổi khí hậu, bài xã luận của L’Obs "Gần chúng ta rồi" dẫn lại lời báo động khẩn thiết cách nay gần 30 năm về các hậu quả của biến đổi khí hậu của một công dân Canada, ông Severn Cullis-Suzuki, tại Thượng đỉnh Trái đất ở Rio. Từ đó đến nay, đến hẹn lại lên, hết hội nghị về khí hậu này đến khí hậu khác, nhưng nhân loại dường như vẫn hành động theo quán tính.
Câu hỏi sát sườn với lợi ích của nhiều người mà L’Obs đặt ra là : nỗ lực làm gì khi Trung Quốc tiếp tục duy trì mức 28% lượng khí thải toàn cầu, khí thải Ấn Độ ngày một tăng vọt… nơi điện chủ yếu là do than đá. L’Obs trả lời : không có cách nào khác là người Pháp cần hành động, bởi để cắt giảm khí thải, bởi các nước phát triển đã chịu trách nhiệm chính về khí thải trong một thời gian dài, các nước đang phát triển giờ đây chỉ đang chạy đua để bắt kịp sự chậm trễ. Không có cách nào khác là phải hành động, như cảnh báo của công dân Canada cách nay gần 30 năm, "mọi thứ đang diễn ra trước mắt chúng ta".
Và dường như để thuyết phục những ai còn chưa tin, L’Obs khép lại bài xã luận với nhận xét : "Tại Pháp, một phần tư dân cư sống tại một khu vực có thể bị ngập lụt", do biến đổi khí hậu.
Le Point thiên hữu dành hồ sơ chính của tuần báo để giới thiệu trích đoạn cuốn sách mới về cố lãnh đạo Pháp, tướng de Gaule, với nhan đề "Sursaut" (tạm dịch "Giật mình thức tỉnh") của nhà báo Franz-Olivier Giesbert, cây bút xã luận của Le Point. Tựa đề trang bìa của Le Point : "De Gaulle – người mà tất cả đều viện đến – ông thực sự là ai ?". Sursaut là tập đầu trong bộ sách nhiều tập của nhà báo Le Point "Histoire intime de la Ve République" nhà xuất bảnGallimard.
Cũng Le Point trong số báo này có chùm ba bài báo được gộp trong một hồ sơ chung có nhan đề "Vị tổng thống mà chúng ta chưa bao giờ có". Bài viết (mang tiêu đề "Tập hợp phẩm chất không thể có được…) của nữ phóng viên nổi tiếng Michèle Cotta, đồng tác giả cuốn "Le Brun et le Rouge", nhấn mạnh đến phẩm chất và tầm cỡ của cố lãnh đạo nước Pháp. Nhưng nhắc lại không phải để hoài niệm về quá khứ, mà để hướng về tương lai, đến niềm hy vọng của người dân hy vọng cho nước Pháp có được một lãnh tụ có đầy đủ các phẩm chất, đặc biệt là đức tính công bằng, để có thể xoá đi được mọi chia rẽ, đối kháng, giữa các thành phố và các vùng khác, giữa già và trẻ, giữa người cải cách và người bảo thủ ôn hòa. Một tổng thống vừa coi trọng "các tổ chức trung gian" (các nghiệp đoàn), nhưng cũng vừa không ủng hộ lập trường ích kỷ của các nghiệp đoàn….
Tuy nhiên, nhà báo Michèle Cotta chất vấn : Liệu các nghiệp đoàn, các đảng phái, phong trào Áo Vàng… những kẻ lợi dụng, những kẻ cổ vũ cho thuyết âm mưu, những tập đoàn lợi ích, có phải là những kẻ đầu tiên phải chịu trách nhiệm về sự vắng mặt của một vị tổng thống lý tưởng như vậy ? Người Pháp phải tự thay đổi chính mình là khuyến nghị của tác giả. Nhà báo Michèle Cota, sinh năm 1938, từng hai lần điều hành cuộc tranh luận vòng hai giữa các ứng cử viên tổng thống Pháp, năm 1981 và 1987.
Chính trị nước Pháp cũng là chủ đề chính của L’Express. Tuần báo cũng lấy một cuốn sách mới làm hồ sơ chính. Cuốn "Le Radicalisé" (tạm dịch là "Người cực đoan hóa") nói về nhân vật chính trị cực hữu đang nổi lên như cồn : Eric Zemmour, người có khả năng ra ứng cử tổng thống Pháp. "Cuộc điều tra chưa từng có" về Eric Zemmour - như tựa trang bìa của L’Express – đưa độc giả đến với các mạng lưới bí mật, các phức cảm, quan hệ cộng sinh với cô Sarah Knafo, thẩm phán Tòa kiểm toán Pháp, cố vấn chính trị của Eric Zemmour… Tác phẩm "Kẻ bị cực đoan hóa. Điều tra về Eric Zemmour" do nhà xuất bản Seuil ấn hành.
Bài "Tập hợp mọi nỗi hận thù" của L’Express nhấn mạnh một hiện thực là "cựu bình luận viên của đài CNews và Le Figaro đã trở thành một thứ độc dược đối với nền Cộng Hòa Pháp". Theo L’Express, hãy cảnh giác với chính trị gia mới nổi lên này, cho dù hiện có đến 70% người Pháp cho rằng Eric Zemmour không có khả năng để lãnh đạo nước Pháp. L’Express nhắc lại việc đã có đến việc đông đảo người Mỹ từng không coi Donald Trump là một thách thức thực sự, khi ông ta bắt đầu cuộc đua vào Nhà Trắng.
Eric Zemmour chắc chắn đã "rút ra được nhiều bài học từ bầu cử Mỹ". Giống như Trump, ông ta tự xây dựng hình ảnh của một người chống giới tinh hoa, có điều là khác với Trump, Eric Zemmour làm chủ nhiều hiểu biết tri thức hơn hẳn chính trị gia Mỹ. Nhưng cũng giống như Trump, Eric Zemmour biết cách dùng nhiều thủ đoạn tuyên truyền, tận dụng hàng loạt khủng hoảng bản sắc trong xã hội Pháp để thu hút sự ủng hộ của đủ loại cử tri, từ những người hoài niệm về quá khứ, đến những người bị loại trừ khỏi toàn cầu hoá, hay những người đang hy vọng đi theo một lý tưởng về một nước Pháp vĩ đại…
Bóc trần các ảo tưởng và những tình cảm hận thù trong tư tưởng của Eric Zemmour là điều cần làm khẩn cấp, để "ngăn chặn ông ta", là nhận định của nhà chính trị học Pháp Hakim El Karoui, được L’Express dẫn lời. Để không phải nuối tiếc sau đó với tự nhủ : Ta đã không nhận ra, khi điều đó xảy ra".
Trọng Thành
Thất nghiệp tại Pháp giảm mạnh. Khủng hoảng giá năng lượng khiến Châu Âu chia rẽ. Liên Hiệp Quốc báo động nguy cơ nhân loại tiến sát thảm họa khí hậu, nếu không kịp cắt giảm mạnh khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước 2030. Trên đây là các chủ đề lớn của báo chí Pháp hôm nay.
1111111111111111111
Trang nhất báo Libération ngày 28/10/2/2021 : Ba ngày trước khai mạc thượng đỉnh Khí hậu COP26 tại Glasgow, Anh quốc. © Copy d'écran
Ba ngày nữa là khai mạc thượng đỉnh Khí hậu COP26 tại Anh quốc. Le Monde chạy tựa trang nhất lời cảnh báo : "Khí hậu : "thảm họa khí hậu" nhãn tiền, theo Liên Hiệp Quốc". Bài "Khí hậu : những cam kết không đủ" của Le Monde nhấn mạnh là "trong lúc các tai họa về khí hậu dồn dập xảy ra tại khắp các khu vực trên Trái đất, các quốc gia bắt buộc phải siết chặt hàng ngũ trong cuộc chiến chống lại "mối đe dọa sinh tồn", theo diễn đạt của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres".
Le Monde cho biết các cam kết cắt giảm khí thải hiện có xa mới đủ. Các mục tiêu "trung hòa về khí thải" vào giữa thế kỷ, mà nhiều nước đang hướng đến mang lại "hy vọng", nhưng trong hiện tại các mục tiêu này vẫn chỉ "mơ hồ, thường không đầy đủ, và không ăn khớp với phần lớn các kế hoạch ngắn hạn", theo cảnh báo của Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP / PNUE), trong báo cáo Emissions Gap Report, công bố hôm 26/10.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, lượng khí CO2 tập trung trong bầu khí quyển hiện tại đã "ở mức chưa từng có từ ít nhất 2 triệu năm nay". Đây chính là nguyên nhân khiến Trái đất đang nóng lên nhanh chóng. Báo cáo Production Gap Report (công bố hôm 20/10) của UNDP dự báo lượng khí thải do các năng lượng hóa thạch toàn cầu vào năm 2030 cao hơn gấp hơn hai lần so với mức khí thải cho phép giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C, và cao gấp 45% so với mục tiêu 2°C (nhiệt độ tăng không quá từ 1,5 đến 2°C là mục tiêu của Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015). Năm 2020, do đại dịch, kinh tế toàn cầu đình đốn, lượng khí thải sụt giảm -5,4%, nhưng năm nay khí thải lại gia tăng, cùng với đà phục hồi kinh tế.
Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (báo cáo Emissions Gap Report) ghi nhận nhiều quốc gia đã nỗ lực, nhưng tổng số các cam kết mới sẽ chỉ cho phép giảm được 7,5% lượng khí thải vào năm 2030 so với tổng cam kết trước đó, và như vậy cần phải nỗ lực gấp 7 lần để có thể giữ được mức tăng nhiệt độ không quá 1,5°C.
Tình hình là hết sức đáng lo ngại khi nhìn vào nhóm G20, tức 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm đến 80% lượng khí thải toàn cầu, mới chỉ có 10 thành viên là gia tăng nỗ lực cắt giảm khí thải. Cụ thể là Nam Phi, Achentina, Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên Hiệp Châu Âu (bao gồm Pháp, Đức và Ý) và Anh. Trong lúc Trung Quốc (quốc gia phát thải số một, chiếm một phần tư khí thải toàn cầu), Ấn Độ (quốc gia phát thải thứ ba), Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ chưa đưa ra các cam kết mới. Một số nền kinh tế lớn như Úc, Indonesia, Brazil và Mexico lại thụt lùi trong các cam kết cắt giảm.
Tính đến ngày 13/09, đã có 49 quốc gia và Liên Hiệp Châu Âu (chiếm hơn một nửa lượng khí thải và GDP toàn cầu) cam kết trung hòa về khí thải vào giữa thế kỷ. Và từ ngày 13/09 đến nay, có thêm Úc, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra cam kết này. Đây là điều có phần mang lại hy vọng. Trên thực tế, nhiều quốc gia đang mưu toan đẩy lùi nỗ lực cắt giảm khí thải sau cái mốc 2030. Le Monde cũng cảnh báo đừng đồng nhất mục tiêu trung hạn (giữa thế kỷ) và mục tiêu ngắn hạn (2030). Nhật báo Pháp dẫn lời giám đốc điều hành UNDP Inger Andersen, kêu gọi các nước cần chuyển ngay mục tiêu trung hòa khí thải "vào lộ trình hành động quốc gia 2030 và bắt đầu thực hiện ngay lập tức".
Bản báo cáo của UNDP cũng chỉ ra là đa số các nước hiện nay đã bỏ lỡ một cơ hội quan trọng, khi chỉ một phần nhỏ số tiền trong các kế hoạch chấn hưng kinh tế hậu Covid, được sử dụng cho việc chuyển sang kinh tế xanh (chỉ có từ 17% đến 19% trong tổng số 2.250 tỉ đô la được dùng để cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính).
Bên cạnh việc thúc đẩy các nước đưa ra các cam kết cắt giảm mạnh lượng khí thải, về các biện pháp cụ thể, Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh đến hai hướng hành động căn bản. Thứ nhất là tập trung cắt giảm khí mêtan (CH4), một loại khí thải "gây hiệu ứng nhà kính rất mạnh, nhưng tồn tại ít lâu hơn trong bầu khí quyển so với CO2 (với hàng loạt biện pháp như hạn chế khí rò rỉ, quản lý tốt hơn rác thải, thay đổi nguồn thực phẩm cho gia súc, gia cầm…)". Hướng hành động thứ hai là cải thiện mạnh thị trường mua bán quota phát thải. Nhìn chung, theo tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, "đã đến lúc chấm dứt giai đoạn của các biện pháp nửa vời và những lời hứa rỗng tuếch".
Thượng đỉnh Khí hậu tại Glasgow cũng là chủ đề chính của Libération. Nhật báo thiên tả Pháp nhìn nhận vấn đề trước hết với vẻ châm biếm.
Trang nhất Libération chạy tựa "COP26 mất phương hướng ?" trên nền hình ảnh hành tinh đáng thương của chúng ta, bám xung quanh là lãnh đạo các cường quốc thế giới. Trên cao là thủ tướng Anh mếu máo giương cao chiếc nhiệt kế đang bốc lửa (báo hiệu nhiệt độ Trái đất tăng vọt), bên cạnh là chủ tịch Trung Quốc dùng búa đóng đinh đâm thủng Trái đất, thủ tướng Ấn Độ với nhà máy nhiệt điện bốc khói nghi ngút, tổng thống Nga với các đường ống… Trên trời cao là một lãnh đạo cưỡi phi cơ xả khói, đang thả xuống Trái đất những tờ giấy mầu xanh. Rất khó không nghĩ rằng đây chính là đại diện của siêu cường Hoa Kỳ với đồng đô la hùng mạnh. Ngồi bệt trên mặt đất, cười rất tươi, có lẽ không ai khác hơn là lãnh đạo Châu Âu : một phụ nữ tóc vàng, với dòng chữ "Green Deal" (tức kế hoạch chuyển sang nền kinh tế xanh của Liên Âu). Ôm lấy Trái đất là một phụ nữ tóc bím, mà nhiều người đoán rằng đây chính là thiếu nữ Thụy Điển Greta Thunberg, biểu tượng của cuộc phản kháng của giới trẻ vì khí hậu.
Bài xã luận của nhật báo thiên tả, tỏ ra hết sức thất vọng về các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, tiếp tục cùng giọng điệu châm biếm. Libération ví các nỗ lực cắt giảm khí thải hiện nay của thế giới như "môn thể thao chạy giật lùi, với chân trong bị bao tải". Tình hình rất khẩn cấp như cứu hỏa theo lời của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nhưng hành động của tất cả đang đều hết sức chậm trễ. Các đại cường trên thế giới đều có vẻ đang nhìn sang hướng khác. Không kể tổng thống Nga, chủ tịch Trung Quốc không đến dự hội nghị, trong khi Bắc Kinh và Moskva khẳng định chống biến đổi khí hậu là ưu tiên, ngay cả nước chủ nhà Anh quốc cũng không đưa ra được đóng góp quan trọng đáng kể nào. Nhìn chung, theo Libération, khả năng thượng đỉnh Khí hậu tại Anh đạt được kết quả thực sự là "rất thấp". Theo Libération, cộng đồng quốc tế đi hết từ COP này đến COP kia mà không tìm được đường ra, như vậy cũng có nghĩa là "đã đến lúc phải thay đổi lộ trình".
Libération châm biếm, nhưng chủ yếu cũng là để nhấn mạnh với độc giả về nhiều điều nghiêm túc trong câu chuyện khí hậu. Ngoài bài xã luận, nhật báo thiên tả dành đến ba bài viết trong số hôm nay cho chủ đề này. Bài thứ nhất mang tựa đề "Bắt mạch COP26" điểm ra ba vấn đề căn bản của dịp thượng đỉnh quan trọng này. Thứ nhất, đây là cơ hội để cộng đồng quốc tế hướng được đến mục tiêu không để nhiệt độ tăng quá 1,5°C. Thứ hai là bảo đảm được "sự đoàn kết Bắc – Nam", tức giữa khối các nước phát triển với các nước đang phát triển, hay kém phát triển. Và thứ ba là hoàn tất các quy tắc hay luật chơi của Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015, "để bảo đảm việc Thỏa thuận Khí hậu được thực thi một cách nghiêm túc, công bằng và chắc chắn". Libération dành một bài khác để đối chiếu các nỗ lực của Pháp và Anh trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Libération cũng dành một bài điểm lại 10 gương mặt được coi như đứng ở vị trí dẫn dắt trong cuộc chiến khí hậu. Ngoài lãnh đạo các đại cường, các chính trị gia hàng đầu thế giới, Libération chọn một biểu tượng của cuộc chiến vì khí hậu của giới trẻ : thiếu nữ Greta Thunberg. Cô gái Thụy Điển 18 tuổi sẽ có mặt tại Glasgow trong dịp này.
Tình trạng thất nghiệp sụt giảm mạnh tại Pháp là chủ đề chính của Le Figaro và Les Echos. Le Figaro báo tin vui về tình trạng người tìm việc làm giảm hơn 200 nghìn trong ba tháng quý ba so với cùng kỳ năm ngoái, và giảm gần 1 triệu người trong vòng một năm, từ kể từ tháng 5/2020. Hiện tại ở Pháp có tổng cộng 3,5 triệu người thất nghiệp. Trong lúc số người thất nghiệp giảm mạnh, trong nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp lại khó tuyển mộ nhân viên. Lần đầu tiên kể từ khủng hoảng y tế, số lượng chỗ làm cần tuyển mộ vượt quá số chỗ cần tuyển năm 2019. 78% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên.
Tổng thống Macron đã thực hiện được cam kết tranh cử là đưa được tỉ lệ thất nghiệp xuống 7%. Điều này cho phép ông ra tái tranh cử với nhiều lợi thế. Tình hình có vẻ khả quan với kinh tế Pháp, nhưng Le Figaro cũng lưu ý "Hãy khiêm tốn !". Bài xã luận của nhật báo thiên hữu với tựa đề "Hãy khiêm tốn !" nhấn mạnh là : khó khăn vẫn ở trước mặt, bởi nhiều lý do. Tỉ lệ thất nghiệp tại Pháp trên thực tế vẫn còn rất cao so với các nền kinh tế Châu Âu khác. Và một phần quan trọng việc làm tạo mới là do hàng chục tỉ euro ngân sách công được đầu tư từ hai năm nay cho các kế hoạch chấn hưng. Như vậy sớm hay muộn nước Pháp cũng sẽ phải trả nợ.
Le Figaro khuyến nghị, để chuẩn bị cho tương lai, cần phải có các nỗ lực căn bản, cụ thể là phải đẩy mạnh việc đào tạo nghề, để tìm ra được những người có tay nghề cao đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Và trên hết, cần phải tạo mọi điều kiện cho các hoạt động kinh tế, cho sự thịnh vượng của các doanh nghiệp. Đây mới chính là cơ sở tạo việc làm bền vững. Nhật báo thiên hữu Le Figaro lên án các chủ thuyết tuyên truyền cho việc chống lại tăng trưởng, hay những ai cổ vũ cho việc tuần làm việc 32 giờ, cũng như đủ loại trợ cấp, khiến thâm hụt ngân sách gia tăng, buộc phải tăng thuế để lấp đầy trong tương lai.
Về thời sự quốc tế, căng thẳng Mỹ - Trung xung quanh điểm nóng Đài Loan là chủ đề được nhiều báo hôm nay đề cập. Le Figaro có bài "Đài Loan : Washington khiêu khích Bắc Kinh tại Liên Hiệp Quốc", khi đề nghị để Đài Bắc tham gia vào "các cuộc họp mang tính kỹ thuật của Liên Hiệp Quốc". Việc Hoa Kỳ lên tiếng cũng buộc Trung Quốc đáp trả mạnh.
Về quan hệ Mỹ - Trung, Le Monde có bài phân tích sâu của Piotr Smolar mang tựa "Bảo vệ Đài Loan : Hoa Kỳ trong trạng thái tiến thoái lưỡng nan", nhận định : thế đối đầu với Bắc Kinh buộc nước Mỹ phải gia tăng ủng hộ Đài Loan, nhưng không thể vượt qua được tính chất "mập mờ về chiến lược" lâu nay trong chính sách đối với hòn đảo, được xác lập từ năm 1979. Hoa Kỳ cam kết hậu thuẫn Đài Loan tự vệ, nhưng không cam kết rõ sẽ bảo vệ Đài Loan trước mọi cuộc tấn công của Trung Quốc. Tuy nhiên, tại Washington, ngày càng có có nhiều áp lực buộc chính quyền Biden gia tăng sức mạnh quân sự để duy trì ưu thế so với Trung Quốc, đang đầu tư ngày càng nhiều cho vũ trang. Chạy đua vũ trang với Bắc Kinh dường như là điều khó tránh khỏi.
Le Monde chú ý đến phát biểu của nghị sĩ Dân chủ Elaine Luria, kêu gọi Quốc hội Mỹ "cởi trói" cho tổng thống. Vị dân biểu này chỉ ra sự thiếu vắng cơ sở luật pháp cho phép tổng thống có thể chủ động đáp trả nhanh chóng, chống lại một cuộc xâm lăng hòn đảo, mà không cần được Quốc hội cho phép.
Cũng Le Monde có bài phân tích của nhà báo Gilles Paris về thế khó của tổng thống Mỹ Joe Biden, sau khi có một loạt hành động đơn phương, có nguy cơ gây đổ vỡ quan hệ với nhiều đồng minh Châu Âu, trước hết là Pháp. Bài viết mang tựa đề "Lớp học đuổi của ông Biden" tập trung nói về các thách thức đối với tổng thống Biden trong chuyến công du Châu Âu lần thứ hai, nơi ông Biden sẽ tham dự thượng đỉnh G20 tại Ý vào ngày mai 29/10, cũng như có mặt tại thượng đỉnh Khí hậu Glasgow, khai mạc 31/10.
Tổng thống Biden đã không ngừng khẳng định quan hệ tin cậy với các đồng minh là "lá chủ bài" của sức mạnh Mỹ (ngược hẳn với người tiền nhiệm Donald Trump), tuy nhiên, trên thực tế ông đã liên tục làm ngược lại, mà vụ rút quân hỗn loại khỏi Afghanistan, không phối hợp với đồng minh, hay vụ đơn phương thành lập liên minh AUKUS, khiến nước Úc đột ngột hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm với Pháp, là hai ví dụ tiêu biểu. Nhà báo Le Monde dự báo rằng dịp thượng đỉnh của các quốc gia dân chủ tổ chức tháng 12 tới, theo sáng kiến của Washington, để khẳng định vai trò lãnh đạo của nước Mỹ rất khó thay đổi thực sự cục diện hiện nay.
Trọng Thành