Thảm họa khí hậu ''nhãn tiền'' : Nỗ lực quốc tế vừa chệch hướng, vừa quá ít
Thất nghiệp tại Pháp giảm mạnh. Khủng hoảng giá năng lượng khiến Châu Âu chia rẽ. Liên Hiệp Quốc báo động nguy cơ nhân loại tiến sát thảm họa khí hậu, nếu không kịp cắt giảm mạnh khí thải gây hiệu ứng nhà kính trước 2030. Trên đây là các chủ đề lớn của báo chí Pháp hôm nay.
1111111111111111111
Trang nhất báo Libération ngày 28/10/2/2021 : Ba ngày trước khai mạc thượng đỉnh Khí hậu COP26 tại Glasgow, Anh quốc. © Copy d'écran
Ba ngày nữa là khai mạc thượng đỉnh Khí hậu COP26 tại Anh quốc. Le Monde chạy tựa trang nhất lời cảnh báo : "Khí hậu : "thảm họa khí hậu" nhãn tiền, theo Liên Hiệp Quốc". Bài "Khí hậu : những cam kết không đủ" của Le Monde nhấn mạnh là "trong lúc các tai họa về khí hậu dồn dập xảy ra tại khắp các khu vực trên Trái đất, các quốc gia bắt buộc phải siết chặt hàng ngũ trong cuộc chiến chống lại "mối đe dọa sinh tồn", theo diễn đạt của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres".
Le Monde cho biết các cam kết cắt giảm khí thải hiện có xa mới đủ. Các mục tiêu "trung hòa về khí thải" vào giữa thế kỷ, mà nhiều nước đang hướng đến mang lại "hy vọng", nhưng trong hiện tại các mục tiêu này vẫn chỉ "mơ hồ, thường không đầy đủ, và không ăn khớp với phần lớn các kế hoạch ngắn hạn", theo cảnh báo của Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP / PNUE), trong báo cáo Emissions Gap Report, công bố hôm 26/10.
Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, lượng khí CO2 tập trung trong bầu khí quyển hiện tại đã "ở mức chưa từng có từ ít nhất 2 triệu năm nay". Đây chính là nguyên nhân khiến Trái đất đang nóng lên nhanh chóng. Báo cáo Production Gap Report (công bố hôm 20/10) của UNDP dự báo lượng khí thải do các năng lượng hóa thạch toàn cầu vào năm 2030 cao hơn gấp hơn hai lần so với mức khí thải cho phép giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5°C, và cao gấp 45% so với mục tiêu 2°C (nhiệt độ tăng không quá từ 1,5 đến 2°C là mục tiêu của Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015). Năm 2020, do đại dịch, kinh tế toàn cầu đình đốn, lượng khí thải sụt giảm -5,4%, nhưng năm nay khí thải lại gia tăng, cùng với đà phục hồi kinh tế.
Cần hành động khẩn cấp và mạnh mẽ hơn gấp bội
Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (báo cáo Emissions Gap Report) ghi nhận nhiều quốc gia đã nỗ lực, nhưng tổng số các cam kết mới sẽ chỉ cho phép giảm được 7,5% lượng khí thải vào năm 2030 so với tổng cam kết trước đó, và như vậy cần phải nỗ lực gấp 7 lần để có thể giữ được mức tăng nhiệt độ không quá 1,5°C.
Tình hình là hết sức đáng lo ngại khi nhìn vào nhóm G20, tức 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm đến 80% lượng khí thải toàn cầu, mới chỉ có 10 thành viên là gia tăng nỗ lực cắt giảm khí thải. Cụ thể là Nam Phi, Achentina, Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên Hiệp Châu Âu (bao gồm Pháp, Đức và Ý) và Anh. Trong lúc Trung Quốc (quốc gia phát thải số một, chiếm một phần tư khí thải toàn cầu), Ấn Độ (quốc gia phát thải thứ ba), Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ chưa đưa ra các cam kết mới. Một số nền kinh tế lớn như Úc, Indonesia, Brazil và Mexico lại thụt lùi trong các cam kết cắt giảm.
Tính đến ngày 13/09, đã có 49 quốc gia và Liên Hiệp Châu Âu (chiếm hơn một nửa lượng khí thải và GDP toàn cầu) cam kết trung hòa về khí thải vào giữa thế kỷ. Và từ ngày 13/09 đến nay, có thêm Úc, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra cam kết này. Đây là điều có phần mang lại hy vọng. Trên thực tế, nhiều quốc gia đang mưu toan đẩy lùi nỗ lực cắt giảm khí thải sau cái mốc 2030. Le Monde cũng cảnh báo đừng đồng nhất mục tiêu trung hạn (giữa thế kỷ) và mục tiêu ngắn hạn (2030). Nhật báo Pháp dẫn lời giám đốc điều hành UNDP Inger Andersen, kêu gọi các nước cần chuyển ngay mục tiêu trung hòa khí thải "vào lộ trình hành động quốc gia 2030 và bắt đầu thực hiện ngay lập tức".
Bản báo cáo của UNDP cũng chỉ ra là đa số các nước hiện nay đã bỏ lỡ một cơ hội quan trọng, khi chỉ một phần nhỏ số tiền trong các kế hoạch chấn hưng kinh tế hậu Covid, được sử dụng cho việc chuyển sang kinh tế xanh (chỉ có từ 17% đến 19% trong tổng số 2.250 tỉ đô la được dùng để cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính).
Bên cạnh việc thúc đẩy các nước đưa ra các cam kết cắt giảm mạnh lượng khí thải, về các biện pháp cụ thể, Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh đến hai hướng hành động căn bản. Thứ nhất là tập trung cắt giảm khí mêtan (CH4), một loại khí thải "gây hiệu ứng nhà kính rất mạnh, nhưng tồn tại ít lâu hơn trong bầu khí quyển so với CO2 (với hàng loạt biện pháp như hạn chế khí rò rỉ, quản lý tốt hơn rác thải, thay đổi nguồn thực phẩm cho gia súc, gia cầm…)". Hướng hành động thứ hai là cải thiện mạnh thị trường mua bán quota phát thải. Nhìn chung, theo tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, "đã đến lúc chấm dứt giai đoạn của các biện pháp nửa vời và những lời hứa rỗng tuếch".
Thượng đỉnh Khí hậu mất hướng : Thế giới "chạy giật lùi đến đích"
Thượng đỉnh Khí hậu tại Glasgow cũng là chủ đề chính của Libération. Nhật báo thiên tả Pháp nhìn nhận vấn đề trước hết với vẻ châm biếm.
Trang nhất Libération chạy tựa "COP26 mất phương hướng ?" trên nền hình ảnh hành tinh đáng thương của chúng ta, bám xung quanh là lãnh đạo các cường quốc thế giới. Trên cao là thủ tướng Anh mếu máo giương cao chiếc nhiệt kế đang bốc lửa (báo hiệu nhiệt độ Trái đất tăng vọt), bên cạnh là chủ tịch Trung Quốc dùng búa đóng đinh đâm thủng Trái đất, thủ tướng Ấn Độ với nhà máy nhiệt điện bốc khói nghi ngút, tổng thống Nga với các đường ống… Trên trời cao là một lãnh đạo cưỡi phi cơ xả khói, đang thả xuống Trái đất những tờ giấy mầu xanh. Rất khó không nghĩ rằng đây chính là đại diện của siêu cường Hoa Kỳ với đồng đô la hùng mạnh. Ngồi bệt trên mặt đất, cười rất tươi, có lẽ không ai khác hơn là lãnh đạo Châu Âu : một phụ nữ tóc vàng, với dòng chữ "Green Deal" (tức kế hoạch chuyển sang nền kinh tế xanh của Liên Âu). Ôm lấy Trái đất là một phụ nữ tóc bím, mà nhiều người đoán rằng đây chính là thiếu nữ Thụy Điển Greta Thunberg, biểu tượng của cuộc phản kháng của giới trẻ vì khí hậu.
Bài xã luận của nhật báo thiên tả, tỏ ra hết sức thất vọng về các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, tiếp tục cùng giọng điệu châm biếm. Libération ví các nỗ lực cắt giảm khí thải hiện nay của thế giới như "môn thể thao chạy giật lùi, với chân trong bị bao tải". Tình hình rất khẩn cấp như cứu hỏa theo lời của tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nhưng hành động của tất cả đang đều hết sức chậm trễ. Các đại cường trên thế giới đều có vẻ đang nhìn sang hướng khác. Không kể tổng thống Nga, chủ tịch Trung Quốc không đến dự hội nghị, trong khi Bắc Kinh và Moskva khẳng định chống biến đổi khí hậu là ưu tiên, ngay cả nước chủ nhà Anh quốc cũng không đưa ra được đóng góp quan trọng đáng kể nào. Nhìn chung, theo Libération, khả năng thượng đỉnh Khí hậu tại Anh đạt được kết quả thực sự là "rất thấp". Theo Libération, cộng đồng quốc tế đi hết từ COP này đến COP kia mà không tìm được đường ra, như vậy cũng có nghĩa là "đã đến lúc phải thay đổi lộ trình".
"Bắt mạch COP26"
Libération châm biếm, nhưng chủ yếu cũng là để nhấn mạnh với độc giả về nhiều điều nghiêm túc trong câu chuyện khí hậu. Ngoài bài xã luận, nhật báo thiên tả dành đến ba bài viết trong số hôm nay cho chủ đề này. Bài thứ nhất mang tựa đề "Bắt mạch COP26" điểm ra ba vấn đề căn bản của dịp thượng đỉnh quan trọng này. Thứ nhất, đây là cơ hội để cộng đồng quốc tế hướng được đến mục tiêu không để nhiệt độ tăng quá 1,5°C. Thứ hai là bảo đảm được "sự đoàn kết Bắc – Nam", tức giữa khối các nước phát triển với các nước đang phát triển, hay kém phát triển. Và thứ ba là hoàn tất các quy tắc hay luật chơi của Thỏa thuận Khí hậu Paris 2015, "để bảo đảm việc Thỏa thuận Khí hậu được thực thi một cách nghiêm túc, công bằng và chắc chắn". Libération dành một bài khác để đối chiếu các nỗ lực của Pháp và Anh trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Libération cũng dành một bài điểm lại 10 gương mặt được coi như đứng ở vị trí dẫn dắt trong cuộc chiến khí hậu. Ngoài lãnh đạo các đại cường, các chính trị gia hàng đầu thế giới, Libération chọn một biểu tượng của cuộc chiến vì khí hậu của giới trẻ : thiếu nữ Greta Thunberg. Cô gái Thụy Điển 18 tuổi sẽ có mặt tại Glasgow trong dịp này.
Pháp : Thất nghiệp giảm mạnh, nhưng "hãy khiêm tốn !"
Tình trạng thất nghiệp sụt giảm mạnh tại Pháp là chủ đề chính của Le Figaro và Les Echos. Le Figaro báo tin vui về tình trạng người tìm việc làm giảm hơn 200 nghìn trong ba tháng quý ba so với cùng kỳ năm ngoái, và giảm gần 1 triệu người trong vòng một năm, từ kể từ tháng 5/2020. Hiện tại ở Pháp có tổng cộng 3,5 triệu người thất nghiệp. Trong lúc số người thất nghiệp giảm mạnh, trong nhiều lĩnh vực, doanh nghiệp lại khó tuyển mộ nhân viên. Lần đầu tiên kể từ khủng hoảng y tế, số lượng chỗ làm cần tuyển mộ vượt quá số chỗ cần tuyển năm 2019. 78% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân viên.
Tổng thống Macron đã thực hiện được cam kết tranh cử là đưa được tỉ lệ thất nghiệp xuống 7%. Điều này cho phép ông ra tái tranh cử với nhiều lợi thế. Tình hình có vẻ khả quan với kinh tế Pháp, nhưng Le Figaro cũng lưu ý "Hãy khiêm tốn !". Bài xã luận của nhật báo thiên hữu với tựa đề "Hãy khiêm tốn !" nhấn mạnh là : khó khăn vẫn ở trước mặt, bởi nhiều lý do. Tỉ lệ thất nghiệp tại Pháp trên thực tế vẫn còn rất cao so với các nền kinh tế Châu Âu khác. Và một phần quan trọng việc làm tạo mới là do hàng chục tỉ euro ngân sách công được đầu tư từ hai năm nay cho các kế hoạch chấn hưng. Như vậy sớm hay muộn nước Pháp cũng sẽ phải trả nợ.
Le Figaro khuyến nghị, để chuẩn bị cho tương lai, cần phải có các nỗ lực căn bản, cụ thể là phải đẩy mạnh việc đào tạo nghề, để tìm ra được những người có tay nghề cao đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Và trên hết, cần phải tạo mọi điều kiện cho các hoạt động kinh tế, cho sự thịnh vượng của các doanh nghiệp. Đây mới chính là cơ sở tạo việc làm bền vững. Nhật báo thiên hữu Le Figaro lên án các chủ thuyết tuyên truyền cho việc chống lại tăng trưởng, hay những ai cổ vũ cho việc tuần làm việc 32 giờ, cũng như đủ loại trợ cấp, khiến thâm hụt ngân sách gia tăng, buộc phải tăng thuế để lấp đầy trong tương lai.
Đài Loan : Mỹ - Trung đối đầu
Về thời sự quốc tế, căng thẳng Mỹ - Trung xung quanh điểm nóng Đài Loan là chủ đề được nhiều báo hôm nay đề cập. Le Figaro có bài "Đài Loan : Washington khiêu khích Bắc Kinh tại Liên Hiệp Quốc", khi đề nghị để Đài Bắc tham gia vào "các cuộc họp mang tính kỹ thuật của Liên Hiệp Quốc". Việc Hoa Kỳ lên tiếng cũng buộc Trung Quốc đáp trả mạnh.
Về quan hệ Mỹ - Trung, Le Monde có bài phân tích sâu của Piotr Smolar mang tựa "Bảo vệ Đài Loan : Hoa Kỳ trong trạng thái tiến thoái lưỡng nan", nhận định : thế đối đầu với Bắc Kinh buộc nước Mỹ phải gia tăng ủng hộ Đài Loan, nhưng không thể vượt qua được tính chất "mập mờ về chiến lược" lâu nay trong chính sách đối với hòn đảo, được xác lập từ năm 1979. Hoa Kỳ cam kết hậu thuẫn Đài Loan tự vệ, nhưng không cam kết rõ sẽ bảo vệ Đài Loan trước mọi cuộc tấn công của Trung Quốc. Tuy nhiên, tại Washington, ngày càng có có nhiều áp lực buộc chính quyền Biden gia tăng sức mạnh quân sự để duy trì ưu thế so với Trung Quốc, đang đầu tư ngày càng nhiều cho vũ trang. Chạy đua vũ trang với Bắc Kinh dường như là điều khó tránh khỏi.
Le Monde chú ý đến phát biểu của nghị sĩ Dân chủ Elaine Luria, kêu gọi Quốc hội Mỹ "cởi trói" cho tổng thống. Vị dân biểu này chỉ ra sự thiếu vắng cơ sở luật pháp cho phép tổng thống có thể chủ động đáp trả nhanh chóng, chống lại một cuộc xâm lăng hòn đảo, mà không cần được Quốc hội cho phép.
Biden : Nỗ lực lấy lại lòng tin đầy khó khăn
Cũng Le Monde có bài phân tích của nhà báo Gilles Paris về thế khó của tổng thống Mỹ Joe Biden, sau khi có một loạt hành động đơn phương, có nguy cơ gây đổ vỡ quan hệ với nhiều đồng minh Châu Âu, trước hết là Pháp. Bài viết mang tựa đề "Lớp học đuổi của ông Biden" tập trung nói về các thách thức đối với tổng thống Biden trong chuyến công du Châu Âu lần thứ hai, nơi ông Biden sẽ tham dự thượng đỉnh G20 tại Ý vào ngày mai 29/10, cũng như có mặt tại thượng đỉnh Khí hậu Glasgow, khai mạc 31/10.
Tổng thống Biden đã không ngừng khẳng định quan hệ tin cậy với các đồng minh là "lá chủ bài" của sức mạnh Mỹ (ngược hẳn với người tiền nhiệm Donald Trump), tuy nhiên, trên thực tế ông đã liên tục làm ngược lại, mà vụ rút quân hỗn loại khỏi Afghanistan, không phối hợp với đồng minh, hay vụ đơn phương thành lập liên minh AUKUS, khiến nước Úc đột ngột hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm với Pháp, là hai ví dụ tiêu biểu. Nhà báo Le Monde dự báo rằng dịp thượng đỉnh của các quốc gia dân chủ tổ chức tháng 12 tới, theo sáng kiến của Washington, để khẳng định vai trò lãnh đạo của nước Mỹ rất khó thay đổi thực sự cục diện hiện nay.
Trọng Thành