Pháp vẫn cần đến năng lượng hạt nhân
Đảo chính quân sự ở Sudan, nước Pháp trước sự lựa chọn chiến lược năng lượng, chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Pháp tiếp diễn... là những chủ đề chính của các báo Pháp ngày 26/10/2021.
Một nhà máy điện hạt nhân của Pháp. Reuters – Benoit Tessier
Hầu hết các báo đều đưa lên trang nhất cuộc đảo chính quân sự nổ ra ngày 25/10 tại Sudan, quốc gia Châu Phi đã từng ghi nhận liên tục các cuộc đảo chính quân sự từ hàng thập kỷ qua. Le Figaro chạy tựa "Biểu tình ở Sudan sau đảo chính quân sự". Libération dành toàn bộ trang bìa cho sự kiện với hàng tựa lớn : "Sudan : nhân dân đối mặt với quân đội của mình". Các báo cho biết, sau khi phe quân sự cướp chính quyền, bắt giữ chính phủ dân sự ngày hôm qua, người dân Sudan đã đổ ra đường đòi duy trì tiến trình chuyển tiếp dân chủ. Quân đội đã nổ súng vào người biểu tình làm nhiều người thương vong. Cuộc đảo chính quân sự ngay lập tức đã bị cộng đồng quốc tế lên án và đe dọa sẽ có những biện pháp trừng phạt giới tướng lĩnh. Việc Sudan một lần nữa trở lại với chế độ độc tài quân sự khiến dư luận quốc tế không khỏi lo lắng.
Pháp : Năng lượng hạt nhân, sự lựa chọn chiến lược
Pháp đang đứng trước sự lựa chọn chiến lược về năng lượng. Đây là hồ sơ chính của nhật báo Le Monde. Trong bối cảnh giá năng lượng ở Pháp, điện, khí đốt, xăng dầu gần đây đang tăng liên tục, hôm 25/10, cơ quan quản lý lưới điện quốc gia Pháp (RTE) công bố một báo cáo sâu rộng nhằm xác định tương lai cho hệ thống điện của Pháp. Báo cáo đưa ra những kịch bản phát triển năng lượng của Pháp đến năm 2050, trong đó tập trung vào năng lượng tái tạo và không thể bỏ qua được năng lượng hạt nhân.
Mục đích của báo cáo là giúp các nhà hoạch định chính sách xây dựng một chiến lược phát triển năng lượng điện, vừa bảo đảm an ninh năng lượng cho nước Pháp, mà không bỏ qua cam kết cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trong mối quan tâm bảo vệ bầu khí hậu chung. Theo báo cáo, hiện 63% năng lượng tiêu thụ ở Pháp bắt nguồn từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch, điều này có nghĩa là lượng phát thải khí CO2 sẽ còn cao.
Với mục tiêu đến năm 2050 trung hòa về khí thải cacbon, báo cáo khẳng định, Pháp cần phải đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, kết hợp với năng lượng nguyên tử. Trong khi đó, báo cáo cũng cho biết đến năm 2050, nhu cầu điện của Pháp sẽ tăng thêm 35%. Các báo Pháp khi đề cập đến báo cáo trên đều có chung một nhận định là, Pháp sẽ không thể từ bỏ năng lượng hạt nhân mà còn phải khởi động phát triển trở lại.
Bản báo cáo trên sẽ là chủ đề bàn luận lớn ở nước Pháp, đặc biệt vào giữa chiến dịch tranh cử tổng thống hiện nay.
Phát thải khí ô nhiễm tăng kỷ lục trong năm đại dịch
Nhân sự kiện hội nghị khí hậu toàn cầu COP 26 sắp diễn ra tháng 11 tới tại Anh, chủ đề môi trường khí hậu được nhiều báo quan tâm. Báo kinh tế Les Echos có bài : Khí gây hiệu ứng nhà kính : Liên Hiệp Quốc gióng chuông báo động. Theo các chuyên gia của Tổ Chức Thời tiết Thế giới, mức độ tập trung các loại khí gây hiệu ứng nhà kính trong bầu khí quyển đã đạt mức kỷ lục trong năm 2020 và tiếp tục có xu hướng tăng trong năm nay, mặc dù trong hai năm qua thế giới phải trải qua trận đại dịch lớn, các hoạt động của con người bị giảm đi rõ rệt.
Năm 2020, lượng khí gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển cao hơn 140% so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học cảnh báo với nhịp độ tăng như hiện nay, mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu đến cuối thế kỷ sẽ vượt xa mục tiêu mà Thỏa thuận Paris đã ấn định, tức là duy trì mức tăng từ 1,5°C đến 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Trung Quốc chờ thời cơ để thôn tính Đài Loan
Liên quan đến Châu Á, trang mục dư luận của nhật báo Le Figaro có bài viết đáng chú ý "Đài Loan : Bóp nghẹt từ từ kiểu Trung Quốc". Hòn đảo gần đây đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận quốc tế vì đang trở thành trung tâm của những căng thẳng giữa Trung Quốc - Đài Loan - Mỹ.
Tác giả bài viết nhắc lại một sự việc : Hôm 21/10/2021, khi được hỏi trước công chúng về vấn đề Đài Loan, tổng thống Mỹ đã không còn mập mờ như những người tiền nhiệm của ông, tất cả họ đều đã chính thức công nhận Trung Quốc và nguyên tắc một nước Trung Hoa duy nhất từ năm 1979. Ông Joe Biden khẳng định, nếu quân đội Trung Quốc tấn công Đài Loan, nước Mỹ sẽ đến cứu hòn đảo dân chủ nhỏ bé này.
Tác giả bài viết nhấn mạnh : Không một quốc gia phương Tây hay Châu Á nào chấp nhận việc Trung Quốc chiếm đoạt vùng eo biển Đài Loan, như đang có mưu đồ bành trướng khắp vùng Biển Đông. Dưới thời Tập Cận Bình, Trung Quốc thay đổi chiến lược, hung hăng hơn, phát triển mạnh vũ khí, quân đội hiện đại để có khả năng răn đe cả các cường quốc khác. Mới đây họ cho thử cả vũ khí siêu thanh trên quỹ đạo...
Tác giả đặt câu hỏi : Liệu trong thập niên này chúng ta sẽ được chứng kiến một cuộc hải chiến giữa Trung Quốc và Mỹ ? Rất có thể với Tập Cận Bình, một người có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và quyết tâm đưa đảo Đài Loan về với Hoa lục. Tuy nhiên, tác giả không tin Trung Quốc sẽ đổ quân ồ ạt vào chiếm đảo. "Chiến lược của Trung Quốc là hăm dọa để buộc đối phương khuất phục. Tức là chiến lược bóp nghẹt từ từ. Trung Quốc sẽ dần dần phong tỏa hòn đảo bằng hải quân, không quân, tận dụng mọi thời điểm chiến lược vắng mặt nước Mỹ, như vì khủng hoảng ở nơi khác, bầu cử quá căng thẳng, hay xảy ra các bê bối như kiểu vụ Watergate". Chính nhờ vụ bê bối này mà năm 1974, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa quân vào chiếm bắc đảo Cyprus. Nước Mỹ khi đó qua bận bịu với công việc nội bộ nên đã không phản ứng gì, tác giả bài viết nhắc lại.
Mỹ : Vụ án gián điệp kỳ lạ
Trở lại với nhật báo Le Monde. Tờ báo đề cập đến vụ án một cặp vợ chồng người Mỹ làm gián điệp, bán tài liệu bí mật quân sự của tàu ngầm hạt nhân mà mới đây Mỹ thỏa thuận trang bị cho Úc. Bài báo có tiêu đề : "Vụ việc kỳ lạ của một cặp vợ chồng gián điệp Mỹ". Cặp vợ chồng bình thường sống trong một ngôi nhà ở ngoại ô Annapolis, bang Maryland, Hoa Kỳ cùng với 2 con nhỏ 11 và 15 tuổi. Cặp vợ chồng Jonathan và Diana Toebbe bị cáo buộc đã bán cho một cường quốc nước ngoài các bí mật quân sự về động cơ hạt nhân của loại tàu ngầm sắp tới được trang bị cho Úc. Hai nghi can vụ án bị bắt ngày 9/10 và đã bị tòa án buộc tội gián điệp hôm 19/10.
Vụ án với nhiều tình tiết lạ, khó hiểu, được Le Monde thuật lại. Vụ việc bắt đầu từ tháng 12 năm 2020, một cường quốc nước ngoài (nước bạn của Mỹ) đã báo cho FBI về việc có người muốn bán các bí mật hải quân của Mỹ. Số tiền là hơn chục nghìn đô la. Động cơ làm gián điệp của vợ chồng này cũng khó hiểu. Người chồng Jonathan Toebbe là kỹ sư hạt nhân, làm việc cho bộ Quốc Phòng Mỹ, có lương cao. Vợ ông là một giáo viên. Kinh tế gia đình không gặp khó khăn gì. Ngoài ra danh tính quốc gia nước ngoài liên quan cũng là một bí mật. Không phải là nước nói tiếng Anh. Người ta khó tưởng tượng được đó là Trung Quốc hay Nga lại có thể hợp tác với FBI. Nhiều tờ báo ở Mỹ đoán đó là Pháp. Nhưng ngay lập tức phát ngôn viên sứ quán Pháp tại Washington đã lên tiếng phủ nhận không phải nước Pháp.
Một tuần đầy rủi ro của Facebook
Tuần này mở ra cho tập đoàn cung cấp dịch vụ mạng xã hội hàng đầu thế giới Facebook với đầy những rủi ro và khó khăn, nhật báo Le Figaro ghi nhận. Facebook đang bị một loạt các điều tra báo chí quốc tế soi mói và có thể sẽ lại bị đưa lên trang nhất thời sự của các báo bất cứ lúc nào. Trong khi đó tối qua, tập đoàn của Mark Zuckerberg đã công bố kết quả tài chính trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 vừa qua : Thâm hụt 9 tỷ đô la tiền lãi, trên doanh thu 29 tỷ đô la. Từ sau vụ cựu nhân viên Frances Haugen rời khỏi Facebook cùng những tài liệu nội bộ và lên tiếng tố cáo cung cách làm ăn và quản lý điều hành mạng xã hội này, uy tín của Facebook đã giảm đi rõ rệt, qua việc cổ phiếu của tập đoàn đã mất đi 15% giá trị.
Đại địch đẩy hơn 200 nghìn trẻ em Mexico vào cảnh mồ côi
Le Figaro cho biết, hồi tháng 7 vừa qua, một nghiên cứu thông kê của tạp chí y khoa của Anh The Lancet đã đưa ra tính toán đất nước Bắc Mỹ này có thể giữ kỷ lục về trẻ mồ côi vì đại dịch Covid 19, vượt trên cả những nước đông dân và bị dịch nặng nề khác như Ấn Độ hay Brazil. Theo Viện nghiên cứu Belisario Dominguez, một cơ quan điều tra thuộc Thượng Viện Mexico, có khoảng 250 nghìn trẻ em nước này đã mất cha hoặc mẹ, hay ông bà, tức là ít nhất một người sống cùng dưới một mái nhà. Bài báo cho biết, Mexico vốn đã bị tác động lớn của khủng hoảng dịch, hệ thống an sinh, trợ giúp cho trẻ em giờ cũng gặp nhiều khó khăn để có thể đón tiếp và nuôi dưỡng trẻ mồ côi.
Anh Vũ