Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trung Quốc vừa diễu võ giương oai tại eo biển Đài Loan với các cuộc tập trận hải quân bắn đạn thật, và Tập Cận Bình đích thân thị sát. Chủ tịch Trung Quốc ngày càng tỏ ra đe dọa đối với Đài Bắc, cảnh cáo mọi khuynh hướng ly khai. Le Figaro đặt câu hỏi, liệu "Hoàng đế đỏ" có tìm cách chiếm lấy Đài Loan bằng vũ lực ?

dailoan1

Chiến hạm Phụng Dương (Fong Yang, FFG-933) thuộc lớp Nặc Khắc Tư (Chi Yang, hay Knox) của Đài Loan tham gia tập trận tại căn cứ Hải quân Nghi Lan (Yilan), ngày 13/04/2018. Reuters/Tyrone Siu

Bắc Kinh muốn gởi đi thông điệp gì ?

Các cuộc tập trận hải quân hôm 18/04/2018 tại eo biển Đài Loan - có bề rộng khoảng 180 kilomet chia cách Hoa lục với đảo quốc – được tổ chức lần đầu tiên trong khu vực siêu nhạy cảm này từ năm 2016. Tuy Trung Quốc vẫn giữ một khoảng cách so với bờ biển Đài Loan, nhưng thông điệp rất rõ ràng.

Chuyên gia Bonnie Glaser, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) giải thích : "Bắc Kinh muốn cảnh báo Đài Bắc và Washington là không có chuyện vượt qua lằn ranh đỏ do Trung Quốc đã vạch ra, cũng như đặt lại vấn đề về lợi ích cốt lõi".

Hồi tháng Ba, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh là mọi khuynh hướng ly khai sẽ phải chịu đựng "sự trừng phạt của Lịch sử". Người khổng lồ châu Á đã cảnh cáo trong đạo luật năm 2005, rằng Trung Quốc sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực đếu điều cấm kỵ này bị xâm phạm.

Hòn đảo nơi lãnh tụ Quốc Dân Đảng Tưởng Giới Thạch (Tchang Kai Chek) chạy sang khi quân cộng sản chiến thắng ở Hoa lục, có chính thể dân chủ và độc lập trên thực tế. Nhưng Trung Quốc luôn coi Đài Loan là một phần của lãnh thổ mình.

Quan hệ đôi bên đã xấu hẳn đi từ sau cuộc bầu cử gần đây, với việc bà Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen) lên làm tổng thống Đài Loan vào đầu năm 2016. Bà là lãnh đạo đảng Dân Tiến có chủ trương dân chủ, và xúc tiến đặc tính quốc gia dân tộc Đài Loan riêng biệt với Trung Quốc. Bắc Kinh cho không quân và hải quân tăng cường hoạt động gần Đài Loan từ khi bà Thái Anh Văn đắc cử, nghi ngờ bà muốn chính thức tuyên bố độc lập với Trung Quốc.

Vì sao Tập Cận Bình muốn xâm chiếm Đài Loan ?

Dưới mắt Trung Quốc, Đài Loan là ưu tiên số một về mặt chủ quyền lãnh thổ. Tập Cận Bình hồi tháng Ba đã cảnh báo, "lợi ích căn bản" của Trung Quốc là đạt được "thống nhất toàn bộ" đất nước. "Như vậy hoàn toàn logic khi người đứng đầu Trung Quốc tìm cách này hay cách khác chiếm cho được hòn đảo này trong tương lai" - Mathieu Duchâtel, phó giám đốc phụ trách châu Á và Trung Quốc của European Council on Foreign Relations (ECFR) nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia Duchâtel, thêm vào đó, Đài Loan "là biểu tượng cho sự cạnh tranh giữa các chế độ toàn trị và mô hình dân chủ", mà đảo quốc này xứng đáng là một đại diện ở châu Á. Khi đưa ra những tuyên bố cứng rắn, Tập Cận Bình vốn gầy dựng một phần tính chính danh dựa trên chủ nghĩa dân tộc, tìm cách đánh bóng hình ảnh một nhà lãnh đạo quyền uy, được nhân dân tôn sùng.

Liệu Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan ?

Chuyên gia Bonnie Glaser nhấn mạnh : "Nguy cơ Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan là có thật. Nhưng Đài Bắc rất thận trọng, ít khi tạo cớ cho Bắc Kinh có thể gây sự, nên hiện nay khả năng này ở mức thấp". Còn theo một số nhà nghiên cứu khác, một cuộc tấn công của Trung Quốc, rất có thể sẽ dẫn đến việc Washington can thiệp quân sự, trong thời điểm hiện nay sẽ mang lại nhiều rủi ro cho Bắc Kinh.

"Hoa Kỳ đã cam kết bằng luật pháp phải bảo vệ nền dân chủ Đài Loan, và Giải phóng quân Trung Quốc không sẵn sàng đối đầu với Hải quân Mỹ" - chuyên gia Juliette Genevaz của IRSERM nhận định. Tuy vậy, nữ tổng thống Thái Anh Văn hôm 13/4 đã đích thân thị sát các cuộc tập trận hải quân đầu tiên, là dấu hiệu cho thấy Đài Bắc vẫn coi Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng.

Nhà Trung Quốc học Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Báp-tít Hồng Kông phân tích, các hành động giương oai diễu võ của Trung Quốc chủ yếu "nằm trong chiến lược chiến tranh cân não, nhằm uy hiếp tinh thần người dân Đài Loan, buộc họ phải nghĩ đến một dạng thống nhất giữa hai bờ eo biển". Antoine Bondaz, chuyên gia của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược cũng nhận định : "Mục tiêu của Bắc Kinh là làm thay đổi hiện trạng trong lúc Đài Bắc, ngược lại, muốn duy trì".

Không chỉ hù dọa bằng quân sự để đánh đòn cân não, Bắc Kinh còn ra sức cô lập Đài Loan tại các tổ chức quốc tế, giảm dần số đồng minh của Đài Bắc. Mới đây Cộng hòa Dominicana sau 77 năm nhận viện trợ của Đài Loan, đã mờ mắt trước số tiền đầu tư khổng lồ của Bắc Kinh, đã bỏ rơi Đài Bắc, khiến số quốc gia có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan chỉ còn 19 nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn ra sức dụ dỗ giới trí thức và tinh hoa của Đài Loan trong kinh tế sang định cư tại Hoa lục, với rất nhiều ưu đãi.

Tuy vậy chế độ toàn trị Trung Quốc khó thu hút được người dân Đài Loan. Chuyên gia Jean-Pierre Cabestan dự báo : "Lực lượng chủ trương thống nhất với Trung Quốc có rất ít cơ hội được bầu lên tại Đài Loan. Một khi Hoa Kỳ vẫn còn ủng hộ Đài Bắc, thì khó có hy vọng người dân Đài Loan chịu khuất phục".

Ngõ cụt này khiến một ngày nào đó, Trung Quốc sẽ sử dụng đến vũ lực.

Căng thẳng Mỹ-Trung sẽ tăng lên trong hố sơ Đài Loan ?

Trung Quốc vốn lên án tất cả những hoạt động tiếp xúc giữa Đài Bắc và các nước khác, rất tức tối trước hàng loạt sáng kiến thân thiện với Đài Loan của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump trong những tháng gần đây. Một đạo luật mới khuyến khích các chuyến viếng thăm lẫn nhau giữa các viên chức Mỹ và Đài Loan. Tuy Washington không có quan hệ ngoại giao với Đài Bắc, nhưng lại duy trì các quan hệ không chính thức, đặc biệt là bán vũ khí cho Đài Loan. Nhà Trắng cũng vừa cho phép bán các công nghệ mới, giúp Đài Loan có thể tự chế tạo các tàu ngầm.

Bên cạnh xung đột thương mại, căng thẳng có thể tăng thêm một bậc mới trong hồ sơ Đài Loan, với việc "diều hâu" John Bolton, một nhân vật thân thiết với Đài Bắc, vừa được tổng thống Donald Trump bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia. Hồi năm 2017, ông Bolton đã đòi hỏi phải siết chặt quan hệ quân sự giữa Washington và Đài Bắc, nhằm chống lại Bắc Kinh. tháng Ba năm nay, Hoàng Chi Hãn (Alex Wong), trợ lý thứ trưởng bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong chuyến viếng thăm Đài Bắc đã tuyên bố Hoa Kỳ muốn "tăng cường quan hệ với nhân dân Đài Loan".

Vấn đề còn lại là Washington sẽ đi xa đến mức nào, trong việc thách thức Trung Quốc. Việc các chiến hạm Mỹ thăm Đài Loan, mà tổng thống Donald Trump đã ký kết trong một văn bản năm ngoái, vốn là đường ranh đỏ đối với Bắc Kinh. Khủng hoảng đã từng xảy ra vào cuối năm 2016, khi ông Donald Trump vừa đắc cử, đã chấp nhận cuộc gọi của tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, đi ngược lại chủ trương của ngành ngoại giao Mỹ từ nhiều thập niên qua.

Liệu sẽ xảy ra một cuộc xung đột giữa Bắc Kinh và Washington trên Biển Đông ?

Hôm 12/4, Tập Cận Bình đã thị sát cuộc tập trận hải quân đại quy mô trên Biển Đông, được cho là hùng hậu chưa từng có trong lịch sử. Ông ta tuyên bố : "Nhu cầu xây dựng lực lượng hải quân mạnh chưa bao giờ cấp bách như hiện nay". Sự hiện diện của nhân vật số một Trung Quốc, trong bộ quân phục và chiếc nón kết rằn ri, tại vùng biển tranh chấp này, tất nhiên là có ý nghĩa.

Trung Quốc yêu sách chủ quyền tại hầu hết các đảo và rạn san hô trên Biển Đông, bất chấp nhiều nước láng giềng như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei. Bắc Kinh còn chuyển đổi các đảo đang kiểm soát thành các căn cứ quân sự, để áp đặt yêu sách.

Sự đối địch Mỹ-Trung ngày càng cao tại Biển Đông, nơi khoảng cách về sức mạnh giữa hai đại cường đang rút ngắn dần. Nhưng Hoa Kỳ cũng tìm cách chứng tỏ uy lực tại vùng biển này, nơi đang có sự hiện diện của một hàng không mẫu hạm Mỹ. Washington thường xuyên gởi các chiến hạm đến Biển Đông tuần tra để khẳng định quyền tự do hàng hải, gần các đảo bị Trung Quốc chiếm đóng, khiến Bắc Kinh kêu gào là "bị khiêu khích". Có thể xảy ra những sự cố, nhưng trước mắt khó thể có xung đột.

Chuyên gia Antoine Bondaz nhận xét : "Bắc Kinh chuyên áp dụng chính sách chuyện đã rồi, tìm cách dần dà thay đổi hiện trạng một cách có lợi cho mình, mà không bị cộng đồng quốc tế đáp trả mạnh mẽ". Nếu Trung Quốc dường như đã đạt được mục tiêu xâm chiếm Biển Đông, thì Hoa Kỳ có thể sẽ cứng rắn hơn trong vấn đề Đài Loan.

Thụy My

Published in Châu Á

"Chiến tranh tâm lý" của Bắc Kinh chống Đài Loan

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân thế giới gia tăng, Tunisia kỷ niệm 7 năm cách mạng Hoa Nhài, trong không khí xã hội căng thẳng, là một số chủ đề thời sự quốc tế lớn của báo chí Pháp hôm nay. Trước hết xin giới thiệu bài "Bắc Kinh siết chặt gọng kìm xung quanh Đài Loan". Phân tích của Le Figaro cho thấy áp lực của Trung Quốc lên hòn đảo - đang có xu hướng đòi độc lập - đã gia tăng gấp bội trong năm qua, viễn cảnh chiến tranh lơ lửng.

backinh1

Trung Quốc và Đài Loan - Ảnh : Wikipedia

Đe dọa mới nhất của Trung Quốc nhắm vào Đài Bắc là việc ngày 04/01/2018, Bắc Kinh đơn phương cho mở bốn hành lang bay, trong đó có tuyến bay M503, nằm sát vùng "Thông báo bay" (FIR - Flight information region) của hòn đảo. Tổng thống Đài Loan lên án "thái độ vô trách nhiệm", "không chỉ đe dọa an toàn hàng không, mà còn gây tổn hại cho tình thế nguyên trạng trong khu vực".

Đài Bắc nhìn nhận hành động này của Trung Quốc như một nỗ lực "gây áp lực chính trị", chiến đấu cơ của Trung Quốc có thể sử dụng các hành lang này, để xâm nhập vào không phận Đài Loan. Cho đến nay, kêu gọi Cơ Quan Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế (ICAO) can thiệp từ phía Đài Bắc không có kết quả, bởi đứng đầu cơ quan quốc tế nói trên là một công dân Trung Quốc.

Le Figaro dẫn lại báo chí Đài Loan, tổng kết trong năm vừa qua, Trung Quốc đã gia tăng các cuộc tập trận không quân gần các khu vực chiến lược, sát với Đài Loan, gấp đôi so với năm 2015. Người phát ngôn Quân Đội Trung Quốc gọi các hoạt động này là nhằm "bao vây hòn đảo".

Căng thẳng giữa hai eo biển Đài Loan tăng thêm một nấc với việc, đầu tháng 12/2017, tổng thống Mỹ thông qua ngân sách quốc phòng, dự kiến tái lập các chuyến viếng thăm hải quân giữa Hoa Kỳ và Đài Loan. Bắc Kinh bắn tiếng sẽ tấn công Đài Loan, ngày nào mà chiến hạm Mỹ cập cảng Cao Hùng (Kaohsiung), một cảng lớn phía nam hòn đảo.

Khát vọng độc lập với Trung Quốc ở Đài Loan đang gia tăng. Theo một thăm dò dư luận hồi cuối năm ngoái, chỉ có 14% dân Đài Loan còn nghĩ Đài Loan cùng với Hoa Lục là một quốc gia. Cách đây 20 năm, tỉ lệ này là 50%.

"Không chinh phục được trái tim người dân Đài Loan, Bắc Kinh gia tăng gấp bội các nỗ lực quân sự". Theo các thông tin nội bộ của Quân Đội Trung Quốc mới rò rỉ gần đây, được nhà nghiên cứu Ian Easton, chuyên gia think-tank Project 2049 dẫn lại, các đầu tư quân sự của Trung Quốc - kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền – chủ yếu nhắm vào cuộc chiến tương lai xâm lược Đài Loan. Trung Quốc có thể dành tới một phần ba ngân sách quân sự cho mục tiêu này. Một số tài liệu nêu ra thời điểm 2020. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại nghi ngờ tính xác thực của thời hạn này.

Chuyên gia Pháp : Nguy cơ chiến tranh hạt nhân gia tăng

Cuối tuần trước, tổng thống Mỹ ra "tối hậu thư" đe dọa đơn phương phá bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, Washington đồng thời dự kiến tháng Hai tới công bố các điều chỉnh theo hướng mở rộng khả năng sử dụng vũ khí vốn được coi là "răn đe chiến lược" này. Le Monde có bài tổng hợp : "Vũ khí hạt nhân : Paris lo ngại nguy cơ gia tăng". Tổng giám đốc quan hệ quốc tế và chiến lược của bộ Quân Lực Pháp, ông Philippe Errea – người mà theo Le Monde đôi khi được xếp vào nhóm "diều hâu" - có bài phát biểu trước Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), hôm 09/01.

Nhà ngoại giao Pháp đặc biệt nhấn mạnh đến nguy cơ căng thẳng leo thang vượt khỏi vòng kiểm soát, có thể dẫn một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân tìm cách tấn công phủ đầu (thay vì chỉ để tự vệ theo thuyết "răn đe hạt nhân"), hoặc một vụ tên lửa hạt nhân rời khỏi bệ phóng do bất cẩn, sẽ châm ngòi nổ chiến tranh.

Theo chuyên gia Pháp, đe dọa chiến tranh hạt nhân có thể đến từ 5 quốc gia : Iran, Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc. Đối với Paris, cũng như các nước châu Âu, Iran không vi phạm thỏa thuận hạt nhân nói riêng, nhưng chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran có thể là một nguy cơ về trung hạn. Thỏa thuận hạt nhân Iran, cho dù không bị chính quyền Trump phá bỏ, chỉ có tuổi đời 10 năm.

Về phần Bắc Triều Tiên, nhà ngoại giao Pháp nhấn mạnh là : "Sẽ là sai lầm khi cho rằng, đối với Bình Nhưỡng, vũ khí hạt nhân mà nước này đang hoàn thiện, chỉ mang tính răn đe, để chống lại các đe dọa từ bên ngoài". Theo ông Philippe Errea, đã có những dấu hiệu cho thấy chính quyền Bắc Triều Tiên đang bắt đầu gắn liền chương trình "tên lửa đạn đạo" với mục tiêu thống nhất bán đảo Triều Tiên bằng vũ lực.

Bên cạnh nước Nga, với chương trình vũ khí hạt nhân chiến thuật bị đánh giá là "mờ ám", Trung Quốc bị điểm mặt là "quốc gia duy nhất" trong số 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, đang gia tăng số lượng dự trữ nhiên liệu phóng xạ.

Thế Vận Triều Tiên : "Ngoại giao thể thao" khó giúp ngăn ngừa xung đột

Về căng thẳng trên báo đảo Triều Tiên tạm lắng dịu trước thềm Thế Vận Hội mùa đông tại Hàn Quốc, với việc Bắc Triều Tiên quyết định cử đoàn tham gia, tờ Libération đặt câu hỏi với nhà sử học về thể thao và chính trị Patrick Clastres, giáo sư đại học Lausanne (Thụy Sĩ). Bài viết mang tựa đề "Thế Vận Triều Tiên : Chính trị thực dụng có trọng lượng hơn chính sách ngoại giao của Ủy Ban Thế Vận (CIO)".

Nhà nghiên cứu hết sức hoài nghi về viễn cảnh quan hệ liên Triều trong thời gian tới sẽ được cải thiện, sau các cử chỉ hòa dịu của Bình Nhưỡng và Seoul. Phân tích các quan hệ phức tạp giữa các nỗ lực của giới thể thao Olympic từ một thế kỷ qua với lĩnh vực chính trị quốc tế, chuyên gia Thụy Sĩ rút ra nhận xét : cho dù có một số ví dụ tích cực trong chuyện này, như việc giúp Tây Đức và Đông Đức xích lại gần nhau trong những năm 1950-1960, tác động ngoại giao của thể thao rất hạn chế. Khẩu hiệu "đình chiến" trong thời gian Olympic vẫn chỉ là một giấc mơ của nhân loại. Đóng vai trò quyết định trong chuyện này vẫn là các quốc gia.

Chuyên gia về lịch sử thể thao và chính trị này cũng lưu ý công chúng cần thận trọng trước việc thể thao vốn có thể được sử dụng cho "các mục tiêu cao quý", cũng như cho "các chế độ xấu xa nhất". Khác với rất nhiều cuộc tranh tài về điện ảnh, hay văn học, nơi các nghệ sĩ hay tác giả không tham dự với lá quốc kỳ trong tay, giới thể thao hiện chưa làm được điều này.

Kỉ niệm 7 năm Cách mạng Tunisia : Căng thẳng tạm lắng

Hồ sơ Tunisia, nhân dịp đúng 7 năm ngày Cách mạng Hoa Nhài (Chủ nhật 14/01), mở đầu phong trào phản kháng vì dân chủ, thường được gọi là "Mùa xuân Ả Rập" được nhiều báo Pháp chú ý. Dịp kỷ niệm diễn ra trong "không khí căng thẳng" là nhận định của Les Echos. Ít ngày trước dịp kỉ niệm năm nay, nhiều cuộc biểu tình dữ dội phản đối chính quyền bùng phát.

Tình hình tạm lắng lại hôm Chủ nhật vừa qua, tối hôm trước, tổng thống Essebsi đã thông báo một loạt các biện pháp hỗ trợ 120.000 gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn, với tổng số tiền 23,5 triệu euro, và các hứa hẹn giúp đỡ nơi ở cho những người nghèo khó nhất. Nước Tunisia hậu cách mạng vẫn đang phải đối mặt với cùng các thách thức như thời điểm chế độc độc tài Ben Ali sụp đổ. Cụ thể là nạn nghèo đói, thất nghiệp và tham nhũng, cho dù các quyền tự do đã được cải thiện.

Cải cách hành chính và kinh tế : Điều Cách mạng Tunisia chưa làm được

Libération cũng theo sát hồ sơ Tunisia, với phóng sự "Tunisia : Biểu tình phản kháng mất đà, nhưng "nỗi phẫn nộ" vẫn còn nguyên". Libération phỏng vấn chuyên gia về thế giới Ả Rập, ông Gilbert Achcar, khẳng định các phong trào phản kháng tại Tunisia hiện nay theo cùng một lô-gic với phong trào Cách mạng lật đổ chế độ Ben Ali trước đây. Đó là khát vọng đòi dân chủ và tình cảm phẫn nộ xã hội trước thực trạng đời sống bị bần cùng hóa.

Chuyên gia Achcar cho rằng cuộc Cách mạng 2011 chỉ mới loại trừ "phần nổi của tảng băng chìm", đó là chế độ gia đình trị Ben Ali. Chính quyền hiện nay, với một tổng thống 91 tuổi, xuất thân từ chế độ cũ, đang áp dụng cùng một phương pháp điều hành như chế độ cũ. Theo ông, cuộc cách mạng mùa xuân Ả Rập không phải là một sự kiện thoáng qua, mà "là một quá trình dài, với các cao trào và thoái trào…". Tunisia cũng như khu vực này không thể nào có được ổn định, chừng nào các "chính sách kinh tế - xã hội" vĩ mô không được sửa đổi. Chuyên gia Pháp cũng liên hệ tình hình tại Tunisia với phong trào biểu tình chống chính quyền vừa bùng lên tại Iran.

Le Monde có bài phân tích "Tunisia, khủng hoảng kinh tế và xã hội kéo dài", nhận định là một trong các cản trở lớn với kinh tế quốc gia Bắc Phi này là "gánh nặng hành chính". Việc cải cách hệ thống hành chính là một điều nan giải bởi chính quyền Tunisia do liên minh hai đảng vốn có lập trường đối lập nhau điều hành. Liên minh giữa đảng Nidaa Tounes – gọi là phe cải cách, với đảng Ennahda – phe Hồi giáo, đã cho phép đất nước "tiến lên trong quá trình dân chủ hóa", nhưng ngược lại, các cải cách về định chế kinh tế là rất khó khăn, do quan điểm của hai đảng quá xa cách.

Tunisia : Trường hợp "bất thường" của thế giới Ả Rập

Le Monde có cuộc phỏng vấn ông Safwan Marsi, chuyên gia về tiến trình chuyển đổi dân chủ Tunisia, thuộc đại học Columbia (Hoa Kỳ), một người có quan điểm lạc quan về các thay đổi hiện nay tại Tunisia hậu cách mạng. Tác giả cuốn "Tunisia, một trường hợp bất thường trong thế giới Ả Rập" đưa ra các phân tích trái ngược với nhận định của chuyên gia trên Libération. Theo ông, một thành quả không thể phủ nhận được của Cách mạng, là quyền tự do ngôn luận, một trong các quyền tự do cơ bản nhất, đã được cải thiện rõ rệt.

Ông cảnh báo dân chúng Tunisia đôi khi quên rằng "cuộc chuyển đổi dân chủ đòi hỏi phải có thời gian". Điều đặc biệt đáng chú ý là Tunisia đã thành công được, điều mà các quốc gia Ả Rập khác không làm được. Tác giả cuốn "Tunisia, một trường hợp bất thường trong thế giới Ả Rập" nhấn mạnh đến sự chuyển biến của đảng Hồi giáo Ennahda, hiện đã chấp nhận tham gia cuộc chơi dân chủ. Cho dù "khó dự đoán được tương lai", nhưng đây là một tiến bộ rất quan trọng.

Saudi Arabia : Thái tử Salman quyến rũ nữ giới để dọn đường đến ngôi báu

Mỗi quốc gia phải tự tìm ra con đường hiện đại hóa và dân chủ hóa cho mình, và điều này luôn là chuyện không hề đơn giản. Theo dõi các động thái mới đây của chính quyền Saudi Arabia, xã luận Libération nhận xét : Ryad hiện nay có trong tay nhiều thế mạnh để hiện đại hóa, như tài nguyên khoáng sản và dân cư rất trẻ, thế nhưng cuộc cải cách mở cửa của thái tử Salman rất có thể đổ vỡ.

Libération chú ý đến cuộc triển lãm xe hơi đầu tiên tại Saudi Arabia dành cho phụ nữ, mở cửa hôm thứ Năm tuần trước. Hôm tiếp theo, lần đầu tiên phụ nữ Saudi Arabia được phép đi xem đấu bóng đá. Bằng cách ban nhiều quyền tự do hơn cho nữ giới, thái tử Saudi Arabia hy vọng động viên được thế hệ trẻ, vốn bị các phe nhóm Hồi giáo siêu bảo thủ Wahhabit khống chế.

Tuy nhiên, theo Libération, nỗ lực cải cách hiện nay của thái tử được tiến hành dưới sự bảo trợ của vua cha, một khi ông mất đi, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra.

Chống nạn ấu dâm : Nỗ lực lập tổ chức quốc tế nhân chuyến giáo hoàng đi Nam Mỹ

Trong lĩnh vực xã hội, Libération chú ý đến chuyến tông du của giáo hoàng Francis tới Nam Mỹ. Libération cho biết, trước dịp này, khoảng 30 hiệp hội quốc tế tập hợp tại Santiago, thủ đô Chili, để chuẩn bị thành lập một tổ chức phi chính phủ quy mô toàn cầu đầu tiên, chống nạn ấu dâm trong môi trường Công giáo.

Hoạt động này được coi là để gây áp lực với người đứng đầu đạo Công giáo, vốn có thái độ, được đánh giá là "mâu thuẫn" trước tệ nạn lạm dụng tình dục trẻ em dai dẳng trong giới chức Công giáo. Giáo hoàng Francis hứa hẹn sẽ phải đối mặt với nhiều biểu tình tại Chili và Peru.

Mỹ : Người chuyển tài liệu mật cho Wikileaks ra ứng cử thượng nghị sĩ

Cũng Libération cho hay tin mới về cựu quân nhân Mỹ Chelsea Manning, nổi tiếng với vụ án chuyển tài liệu 700.000 tài liệu mật cho Wikileaks, và bị phạt án tù 35 năm hồi 2013. Trước khi rời chức vụ, tổng thống Obama đã ân xá cho quân nhân này. Theo Washington Post cuối tuần trước, cựu quân nhân Chelsea Manning, 30 tuổi, đã chuyển đổi giới tính thành phụ nữ khi ở trong tù, có thể ra ứng cử thượng nghị sĩ, dưới màu cờ đảng Dân Chủ, tại tiểu bang Maryland.

Chelsea Manning được nhiều người bảo vệ nhân quyền coi là "anh hùng", nhưng bị tổng thống Trump cho là kẻ "phản bội".

Trọng Thành

Published in Quốc tế