Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/01/2018

Điểm báo Pháp - "Chiến tranh tâm lý" của Bắc Kinh

RFI tiếng Việt

"Chiến tranh tâm lý" của Bắc Kinh chống Đài Loan

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân thế giới gia tăng, Tunisia kỷ niệm 7 năm cách mạng Hoa Nhài, trong không khí xã hội căng thẳng, là một số chủ đề thời sự quốc tế lớn của báo chí Pháp hôm nay. Trước hết xin giới thiệu bài "Bắc Kinh siết chặt gọng kìm xung quanh Đài Loan". Phân tích của Le Figaro cho thấy áp lực của Trung Quốc lên hòn đảo - đang có xu hướng đòi độc lập - đã gia tăng gấp bội trong năm qua, viễn cảnh chiến tranh lơ lửng.

backinh1

Trung Quốc và Đài Loan - Ảnh : Wikipedia

Đe dọa mới nhất của Trung Quốc nhắm vào Đài Bắc là việc ngày 04/01/2018, Bắc Kinh đơn phương cho mở bốn hành lang bay, trong đó có tuyến bay M503, nằm sát vùng "Thông báo bay" (FIR - Flight information region) của hòn đảo. Tổng thống Đài Loan lên án "thái độ vô trách nhiệm", "không chỉ đe dọa an toàn hàng không, mà còn gây tổn hại cho tình thế nguyên trạng trong khu vực".

Đài Bắc nhìn nhận hành động này của Trung Quốc như một nỗ lực "gây áp lực chính trị", chiến đấu cơ của Trung Quốc có thể sử dụng các hành lang này, để xâm nhập vào không phận Đài Loan. Cho đến nay, kêu gọi Cơ Quan Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế (ICAO) can thiệp từ phía Đài Bắc không có kết quả, bởi đứng đầu cơ quan quốc tế nói trên là một công dân Trung Quốc.

Le Figaro dẫn lại báo chí Đài Loan, tổng kết trong năm vừa qua, Trung Quốc đã gia tăng các cuộc tập trận không quân gần các khu vực chiến lược, sát với Đài Loan, gấp đôi so với năm 2015. Người phát ngôn Quân Đội Trung Quốc gọi các hoạt động này là nhằm "bao vây hòn đảo".

Căng thẳng giữa hai eo biển Đài Loan tăng thêm một nấc với việc, đầu tháng 12/2017, tổng thống Mỹ thông qua ngân sách quốc phòng, dự kiến tái lập các chuyến viếng thăm hải quân giữa Hoa Kỳ và Đài Loan. Bắc Kinh bắn tiếng sẽ tấn công Đài Loan, ngày nào mà chiến hạm Mỹ cập cảng Cao Hùng (Kaohsiung), một cảng lớn phía nam hòn đảo.

Khát vọng độc lập với Trung Quốc ở Đài Loan đang gia tăng. Theo một thăm dò dư luận hồi cuối năm ngoái, chỉ có 14% dân Đài Loan còn nghĩ Đài Loan cùng với Hoa Lục là một quốc gia. Cách đây 20 năm, tỉ lệ này là 50%.

"Không chinh phục được trái tim người dân Đài Loan, Bắc Kinh gia tăng gấp bội các nỗ lực quân sự". Theo các thông tin nội bộ của Quân Đội Trung Quốc mới rò rỉ gần đây, được nhà nghiên cứu Ian Easton, chuyên gia think-tank Project 2049 dẫn lại, các đầu tư quân sự của Trung Quốc - kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền – chủ yếu nhắm vào cuộc chiến tương lai xâm lược Đài Loan. Trung Quốc có thể dành tới một phần ba ngân sách quân sự cho mục tiêu này. Một số tài liệu nêu ra thời điểm 2020. Tuy nhiên, một số chuyên gia lại nghi ngờ tính xác thực của thời hạn này.

Chuyên gia Pháp : Nguy cơ chiến tranh hạt nhân gia tăng

Cuối tuần trước, tổng thống Mỹ ra "tối hậu thư" đe dọa đơn phương phá bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, Washington đồng thời dự kiến tháng Hai tới công bố các điều chỉnh theo hướng mở rộng khả năng sử dụng vũ khí vốn được coi là "răn đe chiến lược" này. Le Monde có bài tổng hợp : "Vũ khí hạt nhân : Paris lo ngại nguy cơ gia tăng". Tổng giám đốc quan hệ quốc tế và chiến lược của bộ Quân Lực Pháp, ông Philippe Errea – người mà theo Le Monde đôi khi được xếp vào nhóm "diều hâu" - có bài phát biểu trước Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI), hôm 09/01.

Nhà ngoại giao Pháp đặc biệt nhấn mạnh đến nguy cơ căng thẳng leo thang vượt khỏi vòng kiểm soát, có thể dẫn một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân tìm cách tấn công phủ đầu (thay vì chỉ để tự vệ theo thuyết "răn đe hạt nhân"), hoặc một vụ tên lửa hạt nhân rời khỏi bệ phóng do bất cẩn, sẽ châm ngòi nổ chiến tranh.

Theo chuyên gia Pháp, đe dọa chiến tranh hạt nhân có thể đến từ 5 quốc gia : Iran, Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc. Đối với Paris, cũng như các nước châu Âu, Iran không vi phạm thỏa thuận hạt nhân nói riêng, nhưng chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran có thể là một nguy cơ về trung hạn. Thỏa thuận hạt nhân Iran, cho dù không bị chính quyền Trump phá bỏ, chỉ có tuổi đời 10 năm.

Về phần Bắc Triều Tiên, nhà ngoại giao Pháp nhấn mạnh là : "Sẽ là sai lầm khi cho rằng, đối với Bình Nhưỡng, vũ khí hạt nhân mà nước này đang hoàn thiện, chỉ mang tính răn đe, để chống lại các đe dọa từ bên ngoài". Theo ông Philippe Errea, đã có những dấu hiệu cho thấy chính quyền Bắc Triều Tiên đang bắt đầu gắn liền chương trình "tên lửa đạn đạo" với mục tiêu thống nhất bán đảo Triều Tiên bằng vũ lực.

Bên cạnh nước Nga, với chương trình vũ khí hạt nhân chiến thuật bị đánh giá là "mờ ám", Trung Quốc bị điểm mặt là "quốc gia duy nhất" trong số 5 thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, đang gia tăng số lượng dự trữ nhiên liệu phóng xạ.

Thế Vận Triều Tiên : "Ngoại giao thể thao" khó giúp ngăn ngừa xung đột

Về căng thẳng trên báo đảo Triều Tiên tạm lắng dịu trước thềm Thế Vận Hội mùa đông tại Hàn Quốc, với việc Bắc Triều Tiên quyết định cử đoàn tham gia, tờ Libération đặt câu hỏi với nhà sử học về thể thao và chính trị Patrick Clastres, giáo sư đại học Lausanne (Thụy Sĩ). Bài viết mang tựa đề "Thế Vận Triều Tiên : Chính trị thực dụng có trọng lượng hơn chính sách ngoại giao của Ủy Ban Thế Vận (CIO)".

Nhà nghiên cứu hết sức hoài nghi về viễn cảnh quan hệ liên Triều trong thời gian tới sẽ được cải thiện, sau các cử chỉ hòa dịu của Bình Nhưỡng và Seoul. Phân tích các quan hệ phức tạp giữa các nỗ lực của giới thể thao Olympic từ một thế kỷ qua với lĩnh vực chính trị quốc tế, chuyên gia Thụy Sĩ rút ra nhận xét : cho dù có một số ví dụ tích cực trong chuyện này, như việc giúp Tây Đức và Đông Đức xích lại gần nhau trong những năm 1950-1960, tác động ngoại giao của thể thao rất hạn chế. Khẩu hiệu "đình chiến" trong thời gian Olympic vẫn chỉ là một giấc mơ của nhân loại. Đóng vai trò quyết định trong chuyện này vẫn là các quốc gia.

Chuyên gia về lịch sử thể thao và chính trị này cũng lưu ý công chúng cần thận trọng trước việc thể thao vốn có thể được sử dụng cho "các mục tiêu cao quý", cũng như cho "các chế độ xấu xa nhất". Khác với rất nhiều cuộc tranh tài về điện ảnh, hay văn học, nơi các nghệ sĩ hay tác giả không tham dự với lá quốc kỳ trong tay, giới thể thao hiện chưa làm được điều này.

Kỉ niệm 7 năm Cách mạng Tunisia : Căng thẳng tạm lắng

Hồ sơ Tunisia, nhân dịp đúng 7 năm ngày Cách mạng Hoa Nhài (Chủ nhật 14/01), mở đầu phong trào phản kháng vì dân chủ, thường được gọi là "Mùa xuân Ả Rập" được nhiều báo Pháp chú ý. Dịp kỷ niệm diễn ra trong "không khí căng thẳng" là nhận định của Les Echos. Ít ngày trước dịp kỉ niệm năm nay, nhiều cuộc biểu tình dữ dội phản đối chính quyền bùng phát.

Tình hình tạm lắng lại hôm Chủ nhật vừa qua, tối hôm trước, tổng thống Essebsi đã thông báo một loạt các biện pháp hỗ trợ 120.000 gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn, với tổng số tiền 23,5 triệu euro, và các hứa hẹn giúp đỡ nơi ở cho những người nghèo khó nhất. Nước Tunisia hậu cách mạng vẫn đang phải đối mặt với cùng các thách thức như thời điểm chế độc độc tài Ben Ali sụp đổ. Cụ thể là nạn nghèo đói, thất nghiệp và tham nhũng, cho dù các quyền tự do đã được cải thiện.

Cải cách hành chính và kinh tế : Điều Cách mạng Tunisia chưa làm được

Libération cũng theo sát hồ sơ Tunisia, với phóng sự "Tunisia : Biểu tình phản kháng mất đà, nhưng "nỗi phẫn nộ" vẫn còn nguyên". Libération phỏng vấn chuyên gia về thế giới Ả Rập, ông Gilbert Achcar, khẳng định các phong trào phản kháng tại Tunisia hiện nay theo cùng một lô-gic với phong trào Cách mạng lật đổ chế độ Ben Ali trước đây. Đó là khát vọng đòi dân chủ và tình cảm phẫn nộ xã hội trước thực trạng đời sống bị bần cùng hóa.

Chuyên gia Achcar cho rằng cuộc Cách mạng 2011 chỉ mới loại trừ "phần nổi của tảng băng chìm", đó là chế độ gia đình trị Ben Ali. Chính quyền hiện nay, với một tổng thống 91 tuổi, xuất thân từ chế độ cũ, đang áp dụng cùng một phương pháp điều hành như chế độ cũ. Theo ông, cuộc cách mạng mùa xuân Ả Rập không phải là một sự kiện thoáng qua, mà "là một quá trình dài, với các cao trào và thoái trào…". Tunisia cũng như khu vực này không thể nào có được ổn định, chừng nào các "chính sách kinh tế - xã hội" vĩ mô không được sửa đổi. Chuyên gia Pháp cũng liên hệ tình hình tại Tunisia với phong trào biểu tình chống chính quyền vừa bùng lên tại Iran.

Le Monde có bài phân tích "Tunisia, khủng hoảng kinh tế và xã hội kéo dài", nhận định là một trong các cản trở lớn với kinh tế quốc gia Bắc Phi này là "gánh nặng hành chính". Việc cải cách hệ thống hành chính là một điều nan giải bởi chính quyền Tunisia do liên minh hai đảng vốn có lập trường đối lập nhau điều hành. Liên minh giữa đảng Nidaa Tounes – gọi là phe cải cách, với đảng Ennahda – phe Hồi giáo, đã cho phép đất nước "tiến lên trong quá trình dân chủ hóa", nhưng ngược lại, các cải cách về định chế kinh tế là rất khó khăn, do quan điểm của hai đảng quá xa cách.

Tunisia : Trường hợp "bất thường" của thế giới Ả Rập

Le Monde có cuộc phỏng vấn ông Safwan Marsi, chuyên gia về tiến trình chuyển đổi dân chủ Tunisia, thuộc đại học Columbia (Hoa Kỳ), một người có quan điểm lạc quan về các thay đổi hiện nay tại Tunisia hậu cách mạng. Tác giả cuốn "Tunisia, một trường hợp bất thường trong thế giới Ả Rập" đưa ra các phân tích trái ngược với nhận định của chuyên gia trên Libération. Theo ông, một thành quả không thể phủ nhận được của Cách mạng, là quyền tự do ngôn luận, một trong các quyền tự do cơ bản nhất, đã được cải thiện rõ rệt.

Ông cảnh báo dân chúng Tunisia đôi khi quên rằng "cuộc chuyển đổi dân chủ đòi hỏi phải có thời gian". Điều đặc biệt đáng chú ý là Tunisia đã thành công được, điều mà các quốc gia Ả Rập khác không làm được. Tác giả cuốn "Tunisia, một trường hợp bất thường trong thế giới Ả Rập" nhấn mạnh đến sự chuyển biến của đảng Hồi giáo Ennahda, hiện đã chấp nhận tham gia cuộc chơi dân chủ. Cho dù "khó dự đoán được tương lai", nhưng đây là một tiến bộ rất quan trọng.

Saudi Arabia : Thái tử Salman quyến rũ nữ giới để dọn đường đến ngôi báu

Mỗi quốc gia phải tự tìm ra con đường hiện đại hóa và dân chủ hóa cho mình, và điều này luôn là chuyện không hề đơn giản. Theo dõi các động thái mới đây của chính quyền Saudi Arabia, xã luận Libération nhận xét : Ryad hiện nay có trong tay nhiều thế mạnh để hiện đại hóa, như tài nguyên khoáng sản và dân cư rất trẻ, thế nhưng cuộc cải cách mở cửa của thái tử Salman rất có thể đổ vỡ.

Libération chú ý đến cuộc triển lãm xe hơi đầu tiên tại Saudi Arabia dành cho phụ nữ, mở cửa hôm thứ Năm tuần trước. Hôm tiếp theo, lần đầu tiên phụ nữ Saudi Arabia được phép đi xem đấu bóng đá. Bằng cách ban nhiều quyền tự do hơn cho nữ giới, thái tử Saudi Arabia hy vọng động viên được thế hệ trẻ, vốn bị các phe nhóm Hồi giáo siêu bảo thủ Wahhabit khống chế.

Tuy nhiên, theo Libération, nỗ lực cải cách hiện nay của thái tử được tiến hành dưới sự bảo trợ của vua cha, một khi ông mất đi, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra.

Chống nạn ấu dâm : Nỗ lực lập tổ chức quốc tế nhân chuyến giáo hoàng đi Nam Mỹ

Trong lĩnh vực xã hội, Libération chú ý đến chuyến tông du của giáo hoàng Francis tới Nam Mỹ. Libération cho biết, trước dịp này, khoảng 30 hiệp hội quốc tế tập hợp tại Santiago, thủ đô Chili, để chuẩn bị thành lập một tổ chức phi chính phủ quy mô toàn cầu đầu tiên, chống nạn ấu dâm trong môi trường Công giáo.

Hoạt động này được coi là để gây áp lực với người đứng đầu đạo Công giáo, vốn có thái độ, được đánh giá là "mâu thuẫn" trước tệ nạn lạm dụng tình dục trẻ em dai dẳng trong giới chức Công giáo. Giáo hoàng Francis hứa hẹn sẽ phải đối mặt với nhiều biểu tình tại Chili và Peru.

Mỹ : Người chuyển tài liệu mật cho Wikileaks ra ứng cử thượng nghị sĩ

Cũng Libération cho hay tin mới về cựu quân nhân Mỹ Chelsea Manning, nổi tiếng với vụ án chuyển tài liệu 700.000 tài liệu mật cho Wikileaks, và bị phạt án tù 35 năm hồi 2013. Trước khi rời chức vụ, tổng thống Obama đã ân xá cho quân nhân này. Theo Washington Post cuối tuần trước, cựu quân nhân Chelsea Manning, 30 tuổi, đã chuyển đổi giới tính thành phụ nữ khi ở trong tù, có thể ra ứng cử thượng nghị sĩ, dưới màu cờ đảng Dân Chủ, tại tiểu bang Maryland.

Chelsea Manning được nhiều người bảo vệ nhân quyền coi là "anh hùng", nhưng bị tổng thống Trump cho là kẻ "phản bội".

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 639 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)