Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bắc Kinh có thể đứng cạnh Iran vì dầu mỏ và cả BRI.

Mối quan hệ của Bắc Kinh với Tehran rất quan trọng trong chiến lược năng lượng và địa chính trị.

Sau khi Hoa Kỳ ám sát Tướng Iran Qasem Soleimani hôm thứ Sáu, Spiegel Online của Đức nhận thấy rằng điều này tương tự như tuyên bố chiến tranh với Iran. Giờ đây, Quốc hội Hoa Kỳ đang bận rộn tranh luận về tuyên bố chiến tranh chính thức, mặc dù điều này khó có thể ngănTrump bước vào chiến trường.

chinairan1

Các nhân viên quân sự mang theo quan tài của chỉ huy Iran Qasem Soleimani khi đến sân bay quốc tế Ahvaz ở Tehran vào ngày 5 tháng 1 năm 2020. Ảnh : Hossein Mersadi / fars news / AFP

Tháng 3 năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã xem xét kế hoạch của Lầu Năm Góc để gửi 120.000 quân đội Hoa Kỳ chống lại Iran và hiện tại đã triển khai hơn 3.500 quân đến khu vực này như là một phần của kế hoạch đó. Ngoài ra, vào năm 2017, một nhóm chuyên gia có quan hệ chặt chẽ với Ngoại trưởng Mike Pompey và Trump đã gửi một bản ghi nhớ dài 7 trang về kế hoạch thay đổi chế độ ở Iran.

Câu hỏi tiếp theo là, các cường quốc khu vực sẽ phản ứng như thế nào với cuộc chiến tranh Hoa Kỳ-Iran ?

Trung Quốc và Nga dường như đã trả lời câu hỏi này thông qua cuộc tập trận chung ở Vịnh Ô-man trước đó, tín hiệu cho Hoa Kỳ biết là Iran sẽ không bị cô lập. Trên thực tế, Douglas Macgregor, một đại tá quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu năm ngoái, đã cảnh báo rằng chiến tranh với Iran có thể lôi kéo Trung Quốc và Nga.

Hiện tại, phản ứng của Bắc Kinh là thúc giục Iran và Hoa Kỳ tránh leo thang và bản thân nước này đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Bắc Kinh không muốn chiến tranh và cần sự ổn định ở Trung Đông để thực hiện Sáng kiến "Vành đai và Con đường" Á-Âu (BRI). Đồng thời, Bắc Kinh là nước mua dầu lớn nhất của Iran, và là đối tác thương mại lớn nhất của Iran, ngược lại Iran là một chỉ dấu địa lý quan trọng của BRI.

Cho đến nay, Bắc Kinh đã cố gắng cân bằng quan hệ với Ả Rập Saudi và Iran ở Trung Đông và thiết lập một tường lửa giữa hai nước. Mặc dù Ả Rập Saudi và các quốc gia vùng Vịnh khác vẫn nằm dưới chiếc ô an ninh của Hoa Kỳ. Trung Quốc cũng phản đối việc thay đổi chế độ trong khu vực [theo hướng thân phương Tây] và Iran là một đối tác quan trọng trong việc cân bằng quyền bá chủ của Washington và tiến tới một thế giới đa cực.

Nếu chiến tranh Hoa Kỳ-Iran nổ ra, và chính phủ Iran bị lật đổ, nó sẽ làm suy yếu lợi ích khu vực của Trung Quốc. Robert Kaplan đã mô tả trong bài báo của New York Times có tên "Điều này không liên quan gì đến Iran", và đây là về Trung Quốc.

Yếu tố địa lý có ý nghĩa địa chính trị quan trọng, Vịnh Ô-man không chỉ tách Ô-man ra khỏi Iran, mà còn ra khỏi Pakistan. Trung Quốc đã hoàn thành cảng hiện đại nhất ở Gwadar. Một hợp nhất giữa Trung Đông, tiểu lục địa Nam Á và Đông Á với BRI của Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng là nhà nhập khẩu dầu ròng, với một nửa nguồn cung dầu đến từ Vịnh Ba Tư. Tuy nhiên, Hải quân Hoa Kỳ vẫn duy trì kiểm soát các đường dây liên lạc hàng hải này. Do đó, Trung Quốc lo ngại rằng, Hoa Kỳ sẽ hạn chế nhập khẩu dầu của Trung Quốc do xung đột ở eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông, thứ hai, các sự cố ở nước ngoài có thể gây ra biến động giá cả, và gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc. Quan trọng nhất, Trung Quốc cần Iran ở cánh đông Vịnh Ba Tư để ngăn chặn sự phong tỏa hoàn toàn của Hải quân Hoa Kỳ.

Hiệp hội Quản lý và Chiến lược Trung Quốc (CSSM) trong một bài viết đăng tải trên Tạp chí Chiến lược và Quản lý vào năm 2000 mô tả các kế hoạch bảo hiểm cho các rủi ro từ xa. Theo tác giả Tang Shiping, Hoa Kỳ đã kiểm soát Bờ Tây giàu dầu lửa của Vịnh Ba Tư thông qua các nhóm quốc gia thân với Nhà Trắng (Ả Rập Saudi và các quốc gia vùng Vịnh nhỏ hơn). Hình thành một khu vực nội địa trên biển của Hoa Kỳ và các thách thức đối với vị trí đó có thể sẽ thất bại.

Tuy nhiên, nếu Trung Quốc và Nga mở rộng quan hệ với Iran, họ có thể duy trì "cân bằng tối thiểu" để ngăn chặn hành động của Hoa Kỳ. Vì nhập khẩu dầu từ vùng Vịnh đòi hỏi cả Bờ Tây do Hoa Kỳ kiểm soát và bờ biển phía đông Iran được Trung Quốc và Nga hỗ trợ, trục này sẽ ngăn Hoa Kỳ áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ đối với các quốc gia khác và Washington sẽ không đóng cửa dầu vùng Vịnh của Trung Quốc.

Xung đột quyền lực lớn ?

Trong quá khứ, Trung Quốc vừa tìm cách gắn kết với Iran trong khi không khiến Hoa Kỳ xa lánh. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi cùng với sự xuống cấp mối quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc trong năm qua. Dưới "áp lực tối đa" của Hoa Kỳ dành cho Bắc Kinh, Moscow và Tehran (tất cả đều bị Washington trừng phạt), Washington đang thúc đẩy việc "liên minh ba nước", bằng chứng là các cuộc tập trận quân sự gần đây ở Vịnh Ô-man và Ấn Độ Dương.

IRAN-RUSSIA-CHINA-DEFENCE-DIPLOMACY

Một tàu khu trục của Hải quân PLA, tàu khu trục của Hải quân Iran và tàu khu trục Nga trong các cuộc tập trận hải quân chung ở Ấn Độ Dương và Vịnh Ô-man. Ảnh do văn phòng Quân đội Iran cung cấp vào ngày 28 tháng 12 năm 2019. Ảnh : AFP / Văn phòng Quân đội Iran

Đại tá Douglas McGregor của Đại học Oxford và Tiến sĩ Lydia Wilson cảnh báo, nếu Hoa Kỳ tấn công Iran bằng cuộc chiến tổng lực, và có thể dẫn đến sự xâm nhập của hai cường quốc hạt nhân vào khu vực. Chiến tranh song phương sẽ trở thành một trong những cuộc chiến, xung đột quyền lực lớn nhất.

Christina Lin

Nguyên tác : China might take Iran’s side in a war with US, AsiaTimes, 05/01/2020

Diễm My dịch

Nguồn : VNTB, 08/01/2020

Published in Diễn đàn

Căng thẳng Mỹ-Iran tại Trung Đông : Bắc Kinh sợ vạ lây

Tình hình căng thẳng Mỹ-Iran vẫn là đề tài thời sự được các báo Pháp ra ngày hôm nay 09/01/2020 tiếp tục chú ý, với tựa đầu và hồ sơ đặc biệt trên Le Monde và La Croix, và nhiều bình luận, phân tích trên các báo còn lại. Độc đáo nhất trong các bài là nhận định của Le Figaro, theo đó "Bắc Kinh đang bị trì kéo giữa liên minh với Iran và nỗi lo căng thẳng leo thang".

trungdong1

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp đồng nhiệm Iran Mohammad Javad Zarif tại Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh hôm 31/12/2019 Noel Celis via Reuters

Đối với Sébastien Falletti, thông tín viên Le Figaro tại Trung Quốc, một lần nữa, Donald Trump lại làm cho Bắc Kinh sững sờ. Khi bật đèn xanh cho chiến dịch tiêu diệt tướng Iran Soleimani, tổng thống Mỹ đã phá rối tính toán của các chiến lược gia tại Trung Quốc, nước nguyên là đồng minh của Iran và đang lao vào một cuộc đọ sức chiến lược dài hơi với Hoa Kỳ, nhưng từ nhiều tháng qua, đang phải dày công tìm kiếm một cuộc hưu chiến thương mại với Mỹ.

Trung Quốc bị buộc phải đi dây

Theo Le Figaro, bóng ma của một vùng Trung Đông bốc cháy đang ám ảnh cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới, mà hơn một phần ba nguồn cung ứng dầu hỏa đến từ khu vực. Trung Quốc như đang phải đi dây giữa một bên là liên minh với Iran và Nga, và bên kia là quyết tâm ngăn chặn một sự leo thang nguy hiểm.

Đối với Iran, quốc gia đã bán cho Trung Quốc 15 tỷ đô la dầu hỏa vào năm 2018, Bắc Kinh đã lên tiếng bày tỏ tình đoàn kết và tố cáo các "hành động quân sự nguy hiểm của Mỹ". Trên mạng internet Trung Quốc, các thành phần dân tộc chủ nghĩa nhất đã rầm rộ lên án "phát xít Mỹ" và ca ngợi Iran.

Tuy nhiên, trung thành với truyền thống của mình, ngành ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi kiềm chế và tránh đả kích Hoa Kỳ một cách quá nặng nề. Lý do là dẫu sao, việc đúc kết một thỏa thuận thương mại bán phần với Washington là một ưu tiên chiến lược của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Một giáo sư tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh ghi nhận : "Trung Quốc đang phải đối mặt với một vấn đề nan giải : Xung đột nổ ra ở Trung Đông sẽ tác hại mạnh đến các lợi ích năng lượng và ngoại giao của Bắc Kinh. Trung Quốc không muốn khiêu khích chính quyền Trump vì việc ký kết thỏa thuận thương mại vẫn là ưu tiên chiến lược của Bắc Kinh vào lúc này".

Trump đã trấn an nhưng Trung Quốc vẫn sợ thay đổi giờ chót

Đối với Trung Quốc, chiến tranh nổ to ở Trung Đông có nguy cơ làm chao đảo kinh tế thế giới vào lúc kinh tế Trung Quốc đang khựng lại.

Theo Le Figaro, ông chủ Nhà Trắng đã trấn an một phần các chiến lược gia Trung Quốc khi tuyên bố hôm 31/12/2019 rằng ông sẽ ký văn kiện về "Giai đoạn 1" của một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vào "ngày 15 tháng Giêng" tới đây. Thế nhưng Bắc Kinh vẫn cảnh giác vì đã quen với những thay đổi giờ chót của ông Trump.

Trước mắt là như vậy, nhưng theo Le Figaro, một số chuyên gia cho rằng trong trung hạn, khả năng xung đột Mỹ-Iran kéo dài cũng có thể có lợi cho Trung Quốc, bằng cách chuyển sự chú ý của Washington ra khỏi vùng Châu Á. Ví dụ rõ nét là vụ tấn công khủng bố 11/09/2001 đã thu hút sự chú ý của Mỹ vào mặt trận Iraq và Afghanistan và lơ là khu vực Châu Á, để yên cho Trung Quốc hành động trong cả chục năm.

Trong khi chờ đợi thì với hồ sơ Iran, rõ ràng là Trung Quốc không còn nằm trong tầm nhắm trước mắt của ông Trump.

Iran báo thù nhưng "chừng mực"

Như nói ở trên, tít lớn của hai tờ Le Monde La Croix được dành cho cuộc đọ sức Mỹ-Iran, tập trung phân tích sự kiện Iran pháo kích vào hai căn cứ Mỹ ở Iraq để "báo thù" vụ tướng Iran Soleimani bị thiệt mạng trong một trận không kích của Mỹ gần Bagdad.

Trong lúc La Croix tỏ vẻ hết sức lo ngại, nhìn thấy khu vực Trung Đông lâm vào "hiểm cảnh" do căng thẳng giữa Mỹ và Iran, thì Le Monde bình tĩnh hơn, thấy rằng hành động "báo thù" của Iran thực ra vẫn tương đối chừng mực để khỏi làm cho tình hình xấu đi thêm.

Đối với Le Monde, lời hứa trả thù mà giới lãnh đạo Iran từng đe dọa là sẽ rất dữ dội rốt cuộc đã chỉ gây nên những tổn thất hạn chế, không gây nên tử vong nơi lính Mỹ, và cũng không kéo theo một sự leo thang quân sự trên quy mô lớn có nguy cơ đẩy khu vực vào vòng xoáy hủy diệt với những hậu quả khôn lường.

Lần đầu tiên lực lượng Iran công nhận tấn công vào Mỹ

Tuy nhiên, theo Le Monde, cho dù không có nhiều ảnh hưởng về mặt quân sự, chiến dịch trả đũa do lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran tiến hành mang một ý nghĩa biểu tượng quan trọng : Đây là lần đầu tiên mà Cộng Hòa Hồi Giáo Iran tấn công trực tiếp vào các cơ sở quân sự của Mỹ bằng các phương tiện vũ khí quy ước và dưới danh nghĩa của chính mình.

Đây là một điểm khác cơ bản so với trước đây khi Tehran không bao giờ công khai ra mặt trong những vụ tấn công vào các đối thủ, dù đó là Mỹ, Israel hay các các quốc gia vùng Vịnh đối lập với Iran, mà luôn luôn để cho các nhóm dân quân đồng minh với Iran nhận trách nhiệm về các hành động gây hấn.

Ví dụ rõ nhất về truyền thống ném đá giấu tay này là cuộc tấn công tinh vi, phối hợp máy bay tự hành và tên lửa ngày 14/09/2019, đánh vào các cơ sở dầu hỏa của Saudi Arabia. Trong vụ này, phiến quân Houthi ở Yemen, được Iran hỗ trợ, đã nhanh chóng nhận mình là tác giả, trong khi cuộc tấn công được cho là đã được thực hiện từ lãnh thổ Iraq hoặc Iran.

Chủ quyền Iraq bị cả Iran lẫn Mỹ xem thường

Xung đột giữa Mỹ và Iran hiện nay, dù mang tính chất giới hạn, nhưng cũng đã khiến nhật báo La Croix lo ngại do tính thật bất ngờ, không tuân thủ các nguyên tắc "thông thường" của một cuộc chiến.

Trong bài xã luận mang tựa đề "Những mảnh chiến tranh", tờ báo Pháp đã ghi nhận rằng cuộc xung đột "nóng" hiện nay giữa Mỹ và Iran đã khác hẳn với những cuộc chiến truyền thống trước đây, không hề có tuyên chiến rõ ràng, đồng thời các cuộc đụng độ có thể nổ ra bất cứ lúc nào, với rất ít thông báo hoặc cảnh báo trước.

Điểm khác biệt nghiêm trọng, theo La Croix, là các cuộc chiến ngày nay thường không diễn ra trên lãnh thổ của nhau như trước đây, mà lại nổ ra trên lãnh thổ của những nước khác.

Cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ với Iran lúc này đang xẩy ra trên lãnh thổ Iraq. Washington đã phát động một cuộc tấn công bằng drone và hạ sát tướng Iran Soleimani gần Baghdad. Và cũng trên lãnh thổ Iraq mà Tehran đã trả đũa bằng cách đánh vào các căn cứ của lính Mỹ.

Cả Mỹ lẫn Iran đều gần như là đã khoe rằng họ khéo quản lý các cuộc tấn công và trả đũa. Thế nhưng không bên nào nói đến việc các hành động của họ lại được tiến hành trên một nước thứ ba.

Carlos Ghosn và lời biện hộ của con hổ bị thương

Cũng trên báo Pháp, nội dung cuộc họp báo đầu tiên của cựu tổng giám đốc tập đoàn xe hơi Renault-Nissan Carlos Ghosn từ ngày ông trốn khỏi Nhật Bản về Liban đã được các báo bình luận rộng rãi, nhất là hai tờ Le Figaro và Les Echos đã dành tít lớn trang nhất cho sự kiện.

Đối với Les Echos, rõ ràng là các phát biểu của ông Ghosn là "Lời biện hộ của một mãnh hổ bị thương". Bị ức chế sau 13 tháng im lặng, ông Carlos Ghosn xuất hiện lần đầu tiên ở nơi công cộng như một con hổ bị thương vừa sút khỏi chuồng. Trong 2 giờ 30 phút, một người thường khi rất khuôn phép, lạnh lùng và điềm đạm, đã trút ra cơn thịnh nộ mà ông tích tụ trong người kể từ khi bị bắt giữ vào tối ngày 19 tháng 11 năm 2018.

Phát biểu trước khoảng 130 nhà báo mà ông đã chọn lọc kỹ lưỡng để tránh những người bị ông coi là quá khe khắt đối với ông, Carlos Ghosn khẳng định "Tôi như đã chết, bị đánh thuốc mê từ ngày hôm đó cho đến ngày 30 tháng 12 năm 2019, khi tôi có thể gặp lại vợ mình. Hôm nay, tôi cảm thấy như mình đã sống lại".

Sau đó, bằng bốn thứ tiếng, Pháp, Anh, Ả Rập và cả tiếng Bồ Đào Nha, là một loạt những lời tố cáo đôi khi rất lộn xộn nhắm vào rất nhiều người và tổ chức ở một loạt quốc gia, cáo buộc họ là đã kết tội ông một cách bất công và sau đó đã bỏ rơi ông, để ông bị "truy bức" và phải trải qua một con đường "khổ ải" trong một guồng máy tư pháp Nhật Bản bị ông mô tả là "lỗi thời" và "tàn bạo".

Carlos Ghosn "tính sổ" với các đối thủ

Le Figaro thì nhìn thấy trong tựa lớn trang nhất là ông "Carlos Ghosn tính sổ" với những người đã hạ bệ ông. Theo tờ báo Pháp, "trong một bản cáo trạng dài gởi đi từ Beirut, ông chủ bị hạ bệ đã tố cáo các phương pháp phải nói là thô bạo của nền công lý Nhật Bản, khiến ông bị đối xử một cách đặc biệt hà khắc". Với rất nhiều chi tiết, Carlos Ghosn đã cố chứng minh sự tồn tại của một âm mưu dính líu đến chính phủ Nhật Bản, chánh công tố Tokyo và tập đoàn Nissan, mà ông là nạn nhân chính.

Le Figaro trích lời ông Ghosn : "Tôi ước mong là sự thật có thể được phơi bày" để cho rằng rốt cuộc ông Ghosn đã có thể đưa ra sự thật của ông, điều mà cho đến nay người ta đã từ chối không chịu nghe. Tuy nhiện, đối với với tờ báo Pháp, để khôi phục hoàn toàn danh dự, ông Ghosn cần đến một phiên tòa đúng nghĩa.

Bạo lực không chính đáng của cảnh sát

Riêng Libération thì quan tâm đến thời sự nóng bỏng tại Pháp, dành trang nhất cho một vụ cảnh sát câu lưu người quá mạnh tay gây tử vong. Đối với tờ báo Pháp, việc kiểm tra giấy tờ làm chết người là hành vi "Bạo lực không chính đáng" của cảnh sát.

Trong bài xã luận, Libération cho rằng "Cái chết của Cédric Chouviat, người giao hàng bị cảnh sát câu lưu tại Quai Branly, ở Paris đã ‘đặt ra những câu hỏi chính đáng" theo lời của chính bộ trưởng nội vụ Christophe Castaner… Cảnh sát và hệ thống tư pháp phải có câu trả lời một cách rõ ràng và nhanh chóng… Số phận của người đàn ông rất ôn hòa đó đã đặc biệt làm dư luận chấn động, vì anh ta chết đi không phải là trong một cuộc biểu tình hay nhân một cuộc đối đầu nào đó giữa người biểu tình và nhân viên công lực, mà trong một cuộc kiểm tra giao thông bình thường, như thường xẩy ra hàng chục ngàn lần mỗi năm. Do đó, nỗi lo là bất cứ ai mất bình tĩnh trong một sự cố với cảnh sát đều có thể tự nhủ rằng mình cũng có khả năng là nạn nhân…".

Đối với Libération, tai tiếng này xẩy ra không đúng lúc chút nào trong bối cảnh năm 2019 vừa kết thúc đã bị đánh dấu bằng nhiều vụ cảnh sát bị cáo buộc là đã có những hành vi thô bạo quá đáng.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế