Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

09/01/2020

Điểm báo Pháp - Trung Đông : Bắc Kinh sợ vạ lây

RFI tiếng Việt

Căng thẳng Mỹ-Iran tại Trung Đông : Bắc Kinh sợ vạ lây

Tình hình căng thẳng Mỹ-Iran vẫn là đề tài thời sự được các báo Pháp ra ngày hôm nay 09/01/2020 tiếp tục chú ý, với tựa đầu và hồ sơ đặc biệt trên Le Monde và La Croix, và nhiều bình luận, phân tích trên các báo còn lại. Độc đáo nhất trong các bài là nhận định của Le Figaro, theo đó "Bắc Kinh đang bị trì kéo giữa liên minh với Iran và nỗi lo căng thẳng leo thang".

trungdong1

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp đồng nhiệm Iran Mohammad Javad Zarif tại Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh hôm 31/12/2019 Noel Celis via Reuters

Đối với Sébastien Falletti, thông tín viên Le Figaro tại Trung Quốc, một lần nữa, Donald Trump lại làm cho Bắc Kinh sững sờ. Khi bật đèn xanh cho chiến dịch tiêu diệt tướng Iran Soleimani, tổng thống Mỹ đã phá rối tính toán của các chiến lược gia tại Trung Quốc, nước nguyên là đồng minh của Iran và đang lao vào một cuộc đọ sức chiến lược dài hơi với Hoa Kỳ, nhưng từ nhiều tháng qua, đang phải dày công tìm kiếm một cuộc hưu chiến thương mại với Mỹ.

Trung Quốc bị buộc phải đi dây

Theo Le Figaro, bóng ma của một vùng Trung Đông bốc cháy đang ám ảnh cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới, mà hơn một phần ba nguồn cung ứng dầu hỏa đến từ khu vực. Trung Quốc như đang phải đi dây giữa một bên là liên minh với Iran và Nga, và bên kia là quyết tâm ngăn chặn một sự leo thang nguy hiểm.

Đối với Iran, quốc gia đã bán cho Trung Quốc 15 tỷ đô la dầu hỏa vào năm 2018, Bắc Kinh đã lên tiếng bày tỏ tình đoàn kết và tố cáo các "hành động quân sự nguy hiểm của Mỹ". Trên mạng internet Trung Quốc, các thành phần dân tộc chủ nghĩa nhất đã rầm rộ lên án "phát xít Mỹ" và ca ngợi Iran.

Tuy nhiên, trung thành với truyền thống của mình, ngành ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi kiềm chế và tránh đả kích Hoa Kỳ một cách quá nặng nề. Lý do là dẫu sao, việc đúc kết một thỏa thuận thương mại bán phần với Washington là một ưu tiên chiến lược của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Một giáo sư tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh ghi nhận : "Trung Quốc đang phải đối mặt với một vấn đề nan giải : Xung đột nổ ra ở Trung Đông sẽ tác hại mạnh đến các lợi ích năng lượng và ngoại giao của Bắc Kinh. Trung Quốc không muốn khiêu khích chính quyền Trump vì việc ký kết thỏa thuận thương mại vẫn là ưu tiên chiến lược của Bắc Kinh vào lúc này".

Trump đã trấn an nhưng Trung Quốc vẫn sợ thay đổi giờ chót

Đối với Trung Quốc, chiến tranh nổ to ở Trung Đông có nguy cơ làm chao đảo kinh tế thế giới vào lúc kinh tế Trung Quốc đang khựng lại.

Theo Le Figaro, ông chủ Nhà Trắng đã trấn an một phần các chiến lược gia Trung Quốc khi tuyên bố hôm 31/12/2019 rằng ông sẽ ký văn kiện về "Giai đoạn 1" của một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vào "ngày 15 tháng Giêng" tới đây. Thế nhưng Bắc Kinh vẫn cảnh giác vì đã quen với những thay đổi giờ chót của ông Trump.

Trước mắt là như vậy, nhưng theo Le Figaro, một số chuyên gia cho rằng trong trung hạn, khả năng xung đột Mỹ-Iran kéo dài cũng có thể có lợi cho Trung Quốc, bằng cách chuyển sự chú ý của Washington ra khỏi vùng Châu Á. Ví dụ rõ nét là vụ tấn công khủng bố 11/09/2001 đã thu hút sự chú ý của Mỹ vào mặt trận Iraq và Afghanistan và lơ là khu vực Châu Á, để yên cho Trung Quốc hành động trong cả chục năm.

Trong khi chờ đợi thì với hồ sơ Iran, rõ ràng là Trung Quốc không còn nằm trong tầm nhắm trước mắt của ông Trump.

Iran báo thù nhưng "chừng mực"

Như nói ở trên, tít lớn của hai tờ Le Monde La Croix được dành cho cuộc đọ sức Mỹ-Iran, tập trung phân tích sự kiện Iran pháo kích vào hai căn cứ Mỹ ở Iraq để "báo thù" vụ tướng Iran Soleimani bị thiệt mạng trong một trận không kích của Mỹ gần Bagdad.

Trong lúc La Croix tỏ vẻ hết sức lo ngại, nhìn thấy khu vực Trung Đông lâm vào "hiểm cảnh" do căng thẳng giữa Mỹ và Iran, thì Le Monde bình tĩnh hơn, thấy rằng hành động "báo thù" của Iran thực ra vẫn tương đối chừng mực để khỏi làm cho tình hình xấu đi thêm.

Đối với Le Monde, lời hứa trả thù mà giới lãnh đạo Iran từng đe dọa là sẽ rất dữ dội rốt cuộc đã chỉ gây nên những tổn thất hạn chế, không gây nên tử vong nơi lính Mỹ, và cũng không kéo theo một sự leo thang quân sự trên quy mô lớn có nguy cơ đẩy khu vực vào vòng xoáy hủy diệt với những hậu quả khôn lường.

Lần đầu tiên lực lượng Iran công nhận tấn công vào Mỹ

Tuy nhiên, theo Le Monde, cho dù không có nhiều ảnh hưởng về mặt quân sự, chiến dịch trả đũa do lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran tiến hành mang một ý nghĩa biểu tượng quan trọng : Đây là lần đầu tiên mà Cộng Hòa Hồi Giáo Iran tấn công trực tiếp vào các cơ sở quân sự của Mỹ bằng các phương tiện vũ khí quy ước và dưới danh nghĩa của chính mình.

Đây là một điểm khác cơ bản so với trước đây khi Tehran không bao giờ công khai ra mặt trong những vụ tấn công vào các đối thủ, dù đó là Mỹ, Israel hay các các quốc gia vùng Vịnh đối lập với Iran, mà luôn luôn để cho các nhóm dân quân đồng minh với Iran nhận trách nhiệm về các hành động gây hấn.

Ví dụ rõ nhất về truyền thống ném đá giấu tay này là cuộc tấn công tinh vi, phối hợp máy bay tự hành và tên lửa ngày 14/09/2019, đánh vào các cơ sở dầu hỏa của Saudi Arabia. Trong vụ này, phiến quân Houthi ở Yemen, được Iran hỗ trợ, đã nhanh chóng nhận mình là tác giả, trong khi cuộc tấn công được cho là đã được thực hiện từ lãnh thổ Iraq hoặc Iran.

Chủ quyền Iraq bị cả Iran lẫn Mỹ xem thường

Xung đột giữa Mỹ và Iran hiện nay, dù mang tính chất giới hạn, nhưng cũng đã khiến nhật báo La Croix lo ngại do tính thật bất ngờ, không tuân thủ các nguyên tắc "thông thường" của một cuộc chiến.

Trong bài xã luận mang tựa đề "Những mảnh chiến tranh", tờ báo Pháp đã ghi nhận rằng cuộc xung đột "nóng" hiện nay giữa Mỹ và Iran đã khác hẳn với những cuộc chiến truyền thống trước đây, không hề có tuyên chiến rõ ràng, đồng thời các cuộc đụng độ có thể nổ ra bất cứ lúc nào, với rất ít thông báo hoặc cảnh báo trước.

Điểm khác biệt nghiêm trọng, theo La Croix, là các cuộc chiến ngày nay thường không diễn ra trên lãnh thổ của nhau như trước đây, mà lại nổ ra trên lãnh thổ của những nước khác.

Cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ với Iran lúc này đang xẩy ra trên lãnh thổ Iraq. Washington đã phát động một cuộc tấn công bằng drone và hạ sát tướng Iran Soleimani gần Baghdad. Và cũng trên lãnh thổ Iraq mà Tehran đã trả đũa bằng cách đánh vào các căn cứ của lính Mỹ.

Cả Mỹ lẫn Iran đều gần như là đã khoe rằng họ khéo quản lý các cuộc tấn công và trả đũa. Thế nhưng không bên nào nói đến việc các hành động của họ lại được tiến hành trên một nước thứ ba.

Carlos Ghosn và lời biện hộ của con hổ bị thương

Cũng trên báo Pháp, nội dung cuộc họp báo đầu tiên của cựu tổng giám đốc tập đoàn xe hơi Renault-Nissan Carlos Ghosn từ ngày ông trốn khỏi Nhật Bản về Liban đã được các báo bình luận rộng rãi, nhất là hai tờ Le Figaro và Les Echos đã dành tít lớn trang nhất cho sự kiện.

Đối với Les Echos, rõ ràng là các phát biểu của ông Ghosn là "Lời biện hộ của một mãnh hổ bị thương". Bị ức chế sau 13 tháng im lặng, ông Carlos Ghosn xuất hiện lần đầu tiên ở nơi công cộng như một con hổ bị thương vừa sút khỏi chuồng. Trong 2 giờ 30 phút, một người thường khi rất khuôn phép, lạnh lùng và điềm đạm, đã trút ra cơn thịnh nộ mà ông tích tụ trong người kể từ khi bị bắt giữ vào tối ngày 19 tháng 11 năm 2018.

Phát biểu trước khoảng 130 nhà báo mà ông đã chọn lọc kỹ lưỡng để tránh những người bị ông coi là quá khe khắt đối với ông, Carlos Ghosn khẳng định "Tôi như đã chết, bị đánh thuốc mê từ ngày hôm đó cho đến ngày 30 tháng 12 năm 2019, khi tôi có thể gặp lại vợ mình. Hôm nay, tôi cảm thấy như mình đã sống lại".

Sau đó, bằng bốn thứ tiếng, Pháp, Anh, Ả Rập và cả tiếng Bồ Đào Nha, là một loạt những lời tố cáo đôi khi rất lộn xộn nhắm vào rất nhiều người và tổ chức ở một loạt quốc gia, cáo buộc họ là đã kết tội ông một cách bất công và sau đó đã bỏ rơi ông, để ông bị "truy bức" và phải trải qua một con đường "khổ ải" trong một guồng máy tư pháp Nhật Bản bị ông mô tả là "lỗi thời" và "tàn bạo".

Carlos Ghosn "tính sổ" với các đối thủ

Le Figaro thì nhìn thấy trong tựa lớn trang nhất là ông "Carlos Ghosn tính sổ" với những người đã hạ bệ ông. Theo tờ báo Pháp, "trong một bản cáo trạng dài gởi đi từ Beirut, ông chủ bị hạ bệ đã tố cáo các phương pháp phải nói là thô bạo của nền công lý Nhật Bản, khiến ông bị đối xử một cách đặc biệt hà khắc". Với rất nhiều chi tiết, Carlos Ghosn đã cố chứng minh sự tồn tại của một âm mưu dính líu đến chính phủ Nhật Bản, chánh công tố Tokyo và tập đoàn Nissan, mà ông là nạn nhân chính.

Le Figaro trích lời ông Ghosn : "Tôi ước mong là sự thật có thể được phơi bày" để cho rằng rốt cuộc ông Ghosn đã có thể đưa ra sự thật của ông, điều mà cho đến nay người ta đã từ chối không chịu nghe. Tuy nhiện, đối với với tờ báo Pháp, để khôi phục hoàn toàn danh dự, ông Ghosn cần đến một phiên tòa đúng nghĩa.

Bạo lực không chính đáng của cảnh sát

Riêng Libération thì quan tâm đến thời sự nóng bỏng tại Pháp, dành trang nhất cho một vụ cảnh sát câu lưu người quá mạnh tay gây tử vong. Đối với tờ báo Pháp, việc kiểm tra giấy tờ làm chết người là hành vi "Bạo lực không chính đáng" của cảnh sát.

Trong bài xã luận, Libération cho rằng "Cái chết của Cédric Chouviat, người giao hàng bị cảnh sát câu lưu tại Quai Branly, ở Paris đã ‘đặt ra những câu hỏi chính đáng" theo lời của chính bộ trưởng nội vụ Christophe Castaner… Cảnh sát và hệ thống tư pháp phải có câu trả lời một cách rõ ràng và nhanh chóng… Số phận của người đàn ông rất ôn hòa đó đã đặc biệt làm dư luận chấn động, vì anh ta chết đi không phải là trong một cuộc biểu tình hay nhân một cuộc đối đầu nào đó giữa người biểu tình và nhân viên công lực, mà trong một cuộc kiểm tra giao thông bình thường, như thường xẩy ra hàng chục ngàn lần mỗi năm. Do đó, nỗi lo là bất cứ ai mất bình tĩnh trong một sự cố với cảnh sát đều có thể tự nhủ rằng mình cũng có khả năng là nạn nhân…".

Đối với Libération, tai tiếng này xẩy ra không đúng lúc chút nào trong bối cảnh năm 2019 vừa kết thúc đã bị đánh dấu bằng nhiều vụ cảnh sát bị cáo buộc là đã có những hành vi thô bạo quá đáng.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFI tiếng Việt
Read 549 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)