Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/01/2020

Vụ Soleimani : các thế lực trong vùng điều chỉnh lại lực lượng

Tổng hợp

Lưỡi liềm Shia sứt mẻ vì Soleimani chết khiến Putin phải sang (BBC, 08/01/2020)

Ngay sau khi tướng Iran Qasem Soleimani bị Hoa Kỳ bắn chết ở Iraq (03/01/2020), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bận rộn ngay với nhiều hoạt động.

shia1

Bé gái Lebanon mặc đồ đen, phía sau là hình cố Giáo chủ đạo Hồi phái Shia của Iran trong một cuộc tuần hành ủng hộ lực lượng vũ trang Hezbollah. Tehran bị cho là có tham vọng lập Vành đai hình trăng lưỡi liềm Shia cắt ngang Trung Đông

Hôm 07/01, ông Putin có chuyến thăm hiếm có và ngắn ngủi đến Damascus để hội đàm với tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Sang ngày 8/01, Kremlin tuyên bố ông Putin sẽ đón Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Moscow để bàn về Trung Đông ngay tuần sau.

Cũng trong tháng này, ông Putin dự kiến gặp mặt lãnh đạo Israel, Benjamin Netanyahu.

Trong ngày 08/01, khi chưa về Nga, ông Putin có lịch họp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở Istanbul.

Chính thức mà nói, hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dự lễ khai trương đường ống khí đốt xuyên Hắc Hải, TurkStream.

Nhưng hai bên còn bàn về căng thẳng ở Libya, nơi lính đánh thuê người Nga đang giúp phe chống lại phái Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ.

Tuy thế, vấn đề chính và cấp bách nhất của Nga mà ông Putin phải giải quyết là hậu quả địa chính trị của vụ Mỹ giết tướng Soleimani.

shia2

Cuộc gặp Assad - Putin có nội dung quân sự với sự tham gia của tướng lĩnh hai bên

shia3

Tổng thống Putin có chuyến thăm hiếm có tới đến Damascus để ủng hộ đồng minh Syria, ông Bashar al-Assad

David Lesch được trích lời trên trang Moscow Times ở Nga, giải thích về chuyến đi của ông Putin :

"Putin phải sang để củng cố vị thế của Nga ở Syria và vị thế của chính ông Bashar al-Assad, nhất là vì vai trò của Iran bị yếu đi đáng kể, vì Soleimani chính là hiện thân của Iran ở Syria".

Cơ hội của Iran bị Hoa Kỳ tước đi ?

Cho đến gần đây, nhờ thắng lợi của một tập hợp các lực lượng đồng sàng dị mộng như Nga, Hoa Kỳ, Iran và quân đội chính phủ Iraq và Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và cả dân quân Kurd, tổ chức tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) bị đánh bại, mất lãnh thổ.

Đây là cơ hội 'ngàn năm một thuở' cho Iran thực hiện tham vọng lập ra tuyến an ninh Shia Crescent tức Vầng trăng lưỡi liềm Shia.

Nếu thành công, đây sẽ là vùng ảnh hưởng trải từ Ấn Độ Dương sang tận bờ Địa Trung Hải, gồm Iran, miền Nam Iraq, Syria, Yemen và một phần Lebanon, cắt ngang vùng của các nước và cộng đồng Hồi giáo phái Sunni vốn hiềm khích lâu đời với Shia.

Soleimani là nhân vật kiến tạo ra các chiến dịch giúp Giáo chủ Ali Khamenei thực hiện mục tiêu 'đế quốc' này của Iran.

Ông Soleimani cũng là người điều khiển các lực lượng chống IS tại Syria, phối hợp nhịp nhàng với quân Nga vốn tập trung vào không quân mà tránh giao tranh trên bộ.

Mất Soleimani, Iran có thể mất ảnh hưởng ở các quốc gia láng giềng kia và điều này làm thế đứng của Nga trong vùng bị yếu đi.

Một năm trước, khi tình hình Syria chuyển biến theo hướng Nga mong muốn, Dmitriy Frolovskiy viết trên trang Foreign Policy rằng ông Putin coi quyết định của ông Trump rút quân khỏi Syria là "thắng lợi lớn cho Nga".

Nhưng nay mọi việc đột nhiên thay đổi.

Soleimani bị Hoa Kỳ quyết định giết để ngăn chặn vùng ảnh hưởng của Iran lan ra trong vùng, lấp chỗ trống IS để lại, theo một số đánh giá từ Hoa Kỳ.

Vì không kiểm soát trực tiếp các nhóm dân quân trong vùng, Moscow cần giúp Iran làm việc đó.

Thế nhưng Moscow chỉ muốn Tehran tiếp tục duy trì quyền lực trong vùng tới mức không để Iran xung đột lớn với Hoa Kỳ, hoặc tệ hơn là xung đột với Israel.

Leonid Bershidsky viết trên trang Bloomberg 'Putin Now Needs a Plan B on Iran' (Putin cần kế hoạch hai cho Iran), và lập luận rằng :

"Căng thẳng leo thang giữa Iran và Hoa Kỳ có thể xoay chuyển cán cân địa chính trị mà Nga đầu tư vào Syria để duy trì, và đó là điều ông Putin muốn can thiệp để giữ".

shia4

Ảnh chụp cảnh một quân nhân Nga về nhà sau chiến dịch Syria hồi 2018

Nguy hiểm hơn cho Nga là khả năng Iran đi quá đà và tấn công Israel, gây ra cuộc chiến trả đũa, ít ra là nhắm vào các lực lượng thân Iran tại Syria.

Nếu điều đó xảy ra, quân Nga đóng tại Syria có thể trở thành mục tiêu.

Các tay súng 'tư nhân' người Nga ở Libya

Người Nga cũng đã có mặt ở Libya, quốc gia hiện trên thực tế có hai chính quyền kình chống nhau.

Lính 'tư nhân' Nga đang ủng hộ cho 'chính quyền' của Nguyên soái Khalifa Haftar (Libyan National Army - LNA), ở miền Đông Libya.

Mới đầu tháng 12 năm ngoái, chính quyền GNA ở Tripoli tố cáo họ có bằng chứng ít nhất 800 quân nói tiếng Nga hỗ trợ quân đội của ông Haftar tiến chiếm thủ đô.

Lực lượng của Haftar - còn gọi là chính quyền Benghazi - được Ai Cập, Nga và cả Pháp ủng hộ, còn GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar hỗ trợ.

Gần đây nhất, Ankara quyết định điều quân chính quy sang Libya sau khi tố cáo Moscow can thiệp vào Libya.

Theo New York Times (12/2019), Nga đã gửi cả phi cơ, hỏa tiễn, lính bắn tỉa sang Libya.

Chính thức mà nói, quân nói tiếng Nga ở Libya là do Wagner Group, một công ty tư nhân tuyển mộ.

Công ty này đã từng gửi lính đánh thuê sang cả Syria và miền Đông Ukraine.

shia5

Đây là lực lượng LNA của nguyên soái Haftar ở Libya được Nga ủng hộ

Theo trang Al Jazeera, Wagner Group là của Yevgeny Prigozhin "doanh nhân có quan hệ thân cận với quan chức Điện Kremlin".

Hiện chưa rõ hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giải quyết nguy cơ người nước họ xung đột tại Libya ra sao.

Các báo Nga tin rằng cuối cùng thì hai bên sẽ đạt một thỏa thuận chia vùng ảnh hưởng ở quốc gia Bắc Phi bị rơi vào hỗn loạn sau khi ông Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011.

Nhìn lâu dài thì mục tiêu chính của Putin ở Trung Đông là thông qua các hoạt động khu vực để nâng cao vị thế toàn cầu của Nga.

Trước mắt, kế hoạch này bị đứt một mắt xích quan trọng vì hỏa tiễn Mỹ.

Các tính toán của ông Putin tuy thế, còn tùy thuộc vào các động thái rất bất chợt của một tổng thống khác là Donald Trump.

*********************

Vụ Soleimani : Mỹ phủ nhận rút quân khỏi Iraq sau lá thư 'gửi nhầm' (BBC, 07/01/2020)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper phủ nhận quân đội Mỹ đang rút khỏi Iraq, sau một lá thư từ một tướng Mỹ đề cập việc rút quân.

solei6

Mỹ có khoảng 5000 binh lính ở Iraq

Bức thư nói Mỹ sẽ "tái định vị lực lượng trong những ngày tới và tuần tới" sau khi Thủ tướng Iraq kêu họi họ rời khỏi nước này.

Ông Esper nói "không có quyết định nào về việc rút quân".

Sự nhầm lẫn này xảy ra trong bối cảnh có các đe dọa nhắm vào quân đội Mỹ sau khi Mỹ giết tướng Iran Qasem Soleimani.

Ông này chết trong một cuộc không kích của Mỹ ở Baghdad hôm thứ Sáu, theo lệnh của ông Trump.

Vụ việc này làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Iran đã đe dọa sẽ "trả thù".

Bức thư nói gì ?

Bức thư dường như được tướng William H Seely, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm của quân đội Hoa Kỳ tại Iraq, gửi tới các quan chức ở Baghdad.

Bức bắt đầu như sau : "Thưa ông, tôn trọng việc bảo vệ chủ quyền của Cộng hòa Iraq, và theo yêu cầu của Quốc hội Iraq, và Thủ tướng, CJTF-OIR (Lực lượng đặc nhiệm chung kết hợp - Hoạt động kế thừa giải quyết) sẽ tái định vị lực lượng trong những ngày tới và các tuần tới để chuẩn bị cho việc lui quân".

Bức thư nói rằng một số biện pháp nhất định, bao gồm tăng lưu lượng hàng không, sẽ được tiến hành để "đảm bảo việc rời quân được tiến hành một cách an toàn và hiệu quả".

Việc này cũng "làm giảm bất kỳ định kiến nào về việc chúng tôi có thể đưa thêm Lực lượng Liên minh vào IZ (Vùng Xanh ở Baghdad)".

solei7

Bức thư dường như được tướng William H Seely, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm của quân đội Hoa Kỳ tại Iraq, gửi tới các quan chức ở Baghdad. Ảnh : @bealejonathan@BEALEJONATHAN

Bức thư được lý giải thế nào ?

Ông Esper nói với các phóng viên ở Washington : "Không có quyết định nào về việc rút quân khỏi Iraq. Tôi không biết bức thư nào thế cả... Chúng tôi đang cố gắng để tìm hiểu việc này bắt nguồn từ đâu, về cái gì.

"Nhưng không có quyết định nào về việc rút quân khỏi Iraq. Chấm hết".

Sau đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley, xuất hiện trong một cuộc họp báo, nói rằng bức thư là "một nhầm lẫn".

Ông nói rằng đó là một bản nháp viết ẩu, chưa được ký và không nên được gửi đi. Nó đã được gửi đi để các bên xem xét bổ sung, bao gồm phía Iraq.

"[Bức thư] được gửi tới một số tướng quân đội chủ chốt của Iraq để có các hợp tác về không lưu, v.v... Rồi nó từ tay những người này sang tay những người khác và nó tới tay quý vị".

Tướng Milley nhắc lại rằng quân đội Mỹ sẽ không rút.

Vậy điều gì đang xảy ra ?

Tướng Milley nói vấn đề đã được làm sáng tỏ với phía Iraq, nhưng không đưa thêm chi tiết.

Phóng viên quốc phòng của BBC, Jonathan Beale, nói một nguồn tin từ liên minh nói với ông rằng bức thư là để cho Iraq biết Mỹ đang rút quân khỏi Vùng Xanh để làm nhiệm vụ bảo vệ ở một nơi khác, và không có nghĩa đó là một cuộc rút quân.

Thông tin này cũng được đưa ra bởi một số nguồn tin liên minh khác. Họ nói với các phóng viên khác rằng việc rời quân là nhằm để giảm lực lượng ở Baghdad.

Mỹ và các lực lượng quân độ khác đang làm gì ở Iraq ?

Chỉ có hơn 5.000 quân Mỹ ở Iraq, là một phần của CJTF-OIR (Lực lượng đặc nhiệm chung kết hợp - Hoạt động kế thừa giải quyết), được thành lập vào năm 2014 để đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) sau khi nhóm này chiếm một vùng rộng lớn Syria và Iraq.

Có khoảng một chục quốc gia thành viên chính, và một số cung cấp các hỗ trợ khác ngoài chiến đấu.

Nhiệm vụ chính của lực lượng đặc nhiệm là đào tạo và trang bị cho quân đội Iraq.

Hôm Chủ Nhật, Thủ tướng Iraq đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc kêu gọi các lực lượng nước ngoài rời khỏi nước này sau vụ giết tướng Soleimani của Iran.

Tổng thống Trump sau đó đã đe dọa sẽ trừng phạt Iraq nếu quân đội Mỹ rút đi.

*********************

Reaper MQ-9 là drone đã bắn chết tướng Soleimani ? (BBC, 06/01/2020)

Các báo Mỹ và Anh đều tin rằng một chiếc drone Reaper MQ-9 đã bắn tan xe chở tướng Iran Qasem Soleimani ở Baghdad hôm 03/01/2020, đẩy cuộc chiến ở Trung Đông lên tầm cao mới.

solei8

Reaper MQ-9 có tầm bay gần 2000 km

Chiến tranh drone nay cho phép Không lực Hoa Kỳ tấn công "chính xác" vào các mục tiêu có chọn lọc, gần như mọi nơi, mọi lúc, kể cả vào ban đêm.

Có thể nói, bên cạnh chiến đấu cơ F16, phi cơ tiếp liệu trên không KC-135 ('stratotanker' - tàu chở dầu trên thượng tầng khí quyển), thì drone Reaper giúp Hoa Kỳ gần như hoàn toàn kiểm soát bầu trời.

Các nước như Anh, Pháp cũng đều đã dùng loại drone này, mua từ một công ty Hoa Kỳ.

Reaper MQ-9 là loại drone gì ?

Reaper, theo trang web U.S. Air Force, là loại thiết bị bay không người lái, "có vũ trang, đa tính năng, bay ở độ cao trung bình, giờ bay dài, tầm bay rộng, tới 1850km".

Trên thực tế, đây là một phi cơ nhỏ, có sải cánh 20m, không có phi công và buồng lái mà do người điều khiển từ xa, hệt như việc "lái máy bay" trong trò chơi video.

Được đưa vào cuộc chiến Afghanistan từ 2007, Reaper MQ-9 hiện đại hơn drone thế hệ trước, Predator MQ-1, không chỉ về khả năng chụp không ảnh và trinh sát, mà còn có thể bắn hạ mục tiêu từ xa.

Hồi tháng 3/2018, phóng viên BBC Justin Rowblat đã đến thăm một phi đội drone của quân đội Mỹ ở sân bay Kandahar, Afghanistan.

Ông mô tả :

Chiếc drone "Reaper" trông khá mỏng manh, nhưng có hình dạng đặc biệt, đầu tròn, cánh đuôi nghiêng, và phần cánh quạt lại nằm trên thân phía sau và đây là loại phi cơ gây tai tiếng nhất trong toàn bộ phi đoàn của Hoa Kỳ.

Chiếc MQ-9 này là hiện thân của cuộc chiến bất cân xứng của Hoa Kỳ. Những người chỉ trích nói dạng "thiết bị bay không người lái" này, như cách gọi của Không lực Mỹ, làm thay đổi cán cân cuộc chiến, vì để phi công điều khiển từ xa, và biến cuộc xung đột chết người thành trò chơi video.

Ban đầu, Không lực Mỹ nói drone chỉ dùng để do thám, trinh sát, hỗ trợ cấp cứu".

Nhưng kể từ khi Reaper xuất hiện từ 2007 thì Hoa Kỳ có thể dùng nó để "thực hiện các phi vụ tác chiến bất quy ước" (irregular warfare).

Theo các trang về quốc phòng ở Hoa Kỳ và Anh, thì bắn hỏa tiễn và ném bom nhỏ cũng đã là chức năng của drone thế hệ trước.

Nhiều Predator bay trên bầu trời Afghanistan đã oanh kích lực lượng Al Qaeda.

So với Predator, drone Reaper mang được nhiều hơn hỏa tiễn điều khiển bằng laser (AGM-114 Hellfire missiles).

Nhờ vậy, loại drone này ngày càng được dùng nhiều vào các phi vụ oanh kích nhiều hơn Predator vốn thường chụp không ảnh.

Drone đắt giá và hiện đại

Một phi đội Reaper của Hoa Kỳ thường gồm bốn chiếc, do hai người điều khiển : một "phi công" ngồi tại căn cứ và một người phụ trách sensor.

Chi phí cho một phi đội 4 chiếc là 64,2 triệu USD.

solei9

Reaper drone có thể mang theo hỏa tiễn laser Hellfire hoặc bom nặng 500 cân Anh

solei10

Một phi đội drone của Hoa Kỳ tại Afghnistan

Tính đến tháng 9/2015, Không lực Mỹ có 93 chiếc Reaper MQ-9 nhưng tới nay có thể nhiều hơn.

Hoạt động của các đội điều khiển drone là bí mật nhưng hồi tháng 12/2019, Reaper MQ-9 lần đầu được đem ra trình diễn trước công chúng tại căn cứ Nellis, Nevada, theo trang The Aviationist.

Tại Anh thì bức màn bí mật về chiến tranh drone đã được mở ra và công chúng biết rằng có một đội phi công điều khiển drone ở căn cứ RAF Waddington, gần Lincoln.

Tháng 10/2019, đơn vị này được chính phủ Anh đề nghị lên Quốc hội để tặng huân chương cho thành tính chống tổ chức mang tên Nhà nước Hồi giáo.

Lần đầu tiên, các quân nhân Anh không cần trực tiếp ra trận vẫn nhận được huân chương.

Dù một đài truyền hình Iran cho rằng tên lửa từ trực thăng Mỹ ở Iraq bắn vào xe chở tướng Soleimani, các báo Mỹ và Anh tin rằng ông ta bị giết bởi tên lửa từ Reaper MQ-9.

Cả CIA và Bộ Quốc phòng Mỹ không xác nhận, cũng không phủ nhận tin này.

Tuy thế, một số báo Mỹ cho rằng vụ giết ông Soleimani khiến dư luận chú ý đến hơn đến chiến tranh drone.

Trung tâm Center for a New American Security cho rằng chiến tranh drone thực ra đã diễn ra, và 90 quốc gia, gồm cả Trung Quốc, Iran đều đã dùng drone vào mục tiêu quân sự.

Thậm chí Hezbollah, tổ chức Hồi giáo vũ trang thân Iran ở Lebanon cũng có drone riêng để chống lại Israel.

Tuy thế, vấn đề là nước nào hoặc tổ chức nào có phi đoàn drone hùng mạnh hơn với các tính năng cao cấp hơn.

Giá trị của cổ phiếu các công ty làm drone chiến tranh thời gian tới sẽ chỉ có tăng lên.

Thế nhưng, được biết cho đến nay, General Atomics, công ty sản xuất Reaper cho Mỹ, vẫn không niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Dù vậy, họ vẫn có thu nhập rất cao từ việc chế tạo và xuất khẩu drone cao cấp.

Một số báo Châu Âu cho hay công ty tư nhân này cần được chính phủ Mỹ chuẩn thuận để bán drone cho Hà Lan và Pháp.

Chỉ một hợp đồng bán 15 chiếc drone cho Không quân Pháp cách đây vài năm đã đem về cho General Atomics 1,5 tỷ USD.

************************

Tướng Soleimani 'thoát hiểm nhiều' để rồi trúng hỏa tiễn Mỹ (BBC, 03/01/2020)

Tướng hai sao của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, ông Qasem Soleimani từng vài lần thoát chết trong 20 năm qua để rồi bị trúng hỏa tiễn do Tổng thống Donald Trump ra lệnh bắn hôm 03/01/2020 ở Iraq.

solei11

Ông Soleimani (không quấn khăn, thứ nhì từ bìa phải) trong lễ Ashura hồi năm 2019 do Giáo chủ Ali Khamenei (bên trái, đeo kính) chủ trì

Sinh năm 1957 trong gia đình nghèo khó ở tỉnh Kerman, miền Nam Iran, ông từng thích tập tạ và nghe giảng kinh sách đạo Hồi.

Vào quân đội năm 1979, chỉ sau sáu tuần huấn luyện Qasem Soleimani đã bị đưa ra trận.

Cuộc chiến đẫm máu Iran - Iraq, với Hoa Kỳ hậu thuẫn cho Iraq, là thời gian Soleimani được thử lửa.

Thành tích hoạt động ngoại tuyến (ngoài biên giới) đã khiến ông được phong anh hùng.

Từ 1998, ông làm tư lệnh Lực lượng đặc nhiệm Quds, xây dựng các cơ sở thân Iran tại Lebanon (nhóm vũ trang Hezbollah), Syria và dân quân đồng đạo Shia với Iran ở nước láng giềng Iraq.

Hoạt động tại Iraq và Syria

Nhưng vai trò của Soleimani chỉ thực sự nổi bật từ 2005.

Sau khi chính phủ Iraq được thành lập trở lại, các phe phái của cựu thủ tướng Ihrahim al-Jaafari và Nouri al-Maliki ngày càng trở nên có uy thế.

Họ đưa tổ chức Hồi giáo Shia Badr, thân Iran, trở thành lực lượng chính trị bán vũ trang lớn, kiểm soát cả bộ nội vụ và giao thông Iraq.

Soleimani đóng vai trò hỗ trợ tổ chức Badr huấn luyện nhân sự.

Năm 2011, ông ra lệnh cho các nhóm này sang Syria để hỗ trợ tổng thống Bashar al-Assad trong nội chiến.

Được mệnh danh là 'kiến trúc sư' của chiến lược giúp ông Assad, Soleimani đã trực tiếp chỉ huy nhiều cuộc hành quân.

Trong cuộc chiến chống nhóm xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS), một số đơn vị của Mặt trận Hashd al-Shaabi chống IS là do ông Soleimani chỉ huy.

Nhưng ông Soleimani có vẻ đã đi xa hơn nhiều công việc của một chỉ huy tình báo, quân sự bình thường.

Ông Jack Straw, bộ trưởng ngoại giao Anh 2001 - 2006, người đã thăm Iran nhiều lần, tin rằng Soleimani "trên thực tế đã điều khiển một chính sách ngoại giao khu vực" cho Iran, thông qua các tổ chức ngoại vi và các nhóm mà Tehran điều khiển.

Cũng có ý kiến nói ông Soleimani còn nắm trong tay cả một mạng lưới kinh doanh và tài chính khổng lồ, trải rộng khắp Trung Đông.

Một số tài liệu Phương Tây tin rằng Iran bị cấm vận thì cơ hội cho các nhóm bí mật mà Soleimani phụ trách càng tăng trong công tác buôn lậu, bán dầu ra nước ngoài, thu về nhiều tỷ USD.

solei12

Soleimani (trái) với Tổng thống Syria Bashar al-Assad (giữa) và Tổng thống Iran Hassan Rouhani ở Tehran

Nhưng các hoạt động chống lại quyền lợi của nhiều phe phái gồm cả Hoa Kỳ, Israel cùng các nước Ả Rập thù địch với Iran khiến Soleimani trở thành mục tiêu.

Năm 2006, có nguồn tin đồn nói ông bị giết trong vụ tai nạn phi cơ ở Tây Iran, làm chết các sĩ quan nước này.

Năm 2012, có vụ đánh bom ở Damascus giết chết một số cố vấn cao cấp cho Tổng thống Assad, nhưng ông Soleimani không làm sao.

Tháng 11/2015, lại có tin Soleimani "đã chết" hoặc bị thương nặng khi dẫn quân đánh vào Aleppo, Syria.

Tháng 8/2019, Israel công khai nói cần "nhổ rễ" ông Soleimani.

Israel đã xác nhận oanh kích các đơn vị Quds ở Syria vì họ "dùng drone sát nhân".

Mới tháng 10 vừa qua, trong một động thái khác thường, Iran tiết lộ đã "phá được âm mưu" nhằm ám sát tướng Soleimani của "Israel và các cơ quan tình báo Ả Rập".

Cuối cùng thì hỏa tiễn Hoa Kỳ đã giết chết ông Soleimani.

Washington tin rằng Iran và cá nhân ông Soleimani phải chịu trách nhiệm cho các hoạt động chống người Mỹ ở Iraq, gần đây nhất là vụ dùng các nhóm Shia người bản địa bao vây Sứ quán Mỹ.

Vụ giết ông Soleimani ngay lập tức đẩy giá dầu thô đầu năm lên cao, và đặt ra nhiều câu hỏi về căng thẳng trong vùng.

Theo nhà phân tích Jonathan Marcus của BBC News, vụ oanh kích tại sân bay Baghdad, giết chết ông Soleimani và chín người khác, "thể hiện khả năng của tình báo Mỹ".

Nhưng thật khó tin là Iran sẽ không đáp trả mạnh mẽ, cho dù có thể chưa phải là ngay lập tức, ông Marcus viết trên trang BBC News.

Vẫn theo ông Marcus "sẽ không có Thế chiến III nổ ra" nhưng :

"Năm nghìn quân Mỹ ở Iraq là mục tiêu chắc chắn, và ngoài ra là các mục tiêu dân sự khác có thể sẽ bị Iran hoặc các nhóm thân hữu tấn công. Căng thẳng vùng Vịnh sẽ lên cao. Trước mắt là giá dầu bị tăng".

Chuẩn tướng (một sao) Esmail Qaani, 63 tuổi được bổ nhiệm thay vào vị trí của ông Soleimani, người mang hàm thiếu tướng (2 sao).

Trách nhiệm của ông Qaani hẳn sẽ rất nặng nề vì Quds hoạt động nhiều năm qua dưới sự chỉ đạo của ông Soleimani và nay cả lực lượng này bị Hoa Kỳ coi là kẻ thù.

Ông Qaani được biết đến như người công khai coi thường Hoa Kỳ và từng nói năm 2018 rằng chính phủ Mỹ "tạo ra vụ 9/11 để gây ra hỗn loạn ở Trung Đông".

Hiện có câu hỏi là cuộc oanh kích của Hoa Kỳ có "hợp pháp" hay không.

Quan điểm của Mỹ nói Quds là "tổ chức khủng bố" nên trở thành mục tiêu quân sự chính đáng, cần phải loại bỏ.

Tổng thống Trump được gì ?

Trong năm tranh cử ở Hoa Kỳ, căng thẳng gia tăng với Iran là một nhân tố quan trọng.

Vẫn theo ông Marcus, đây là dịp để Tổng thống Trump chứng tỏ cho Iran thấy tình báo Hoa Kỳ có khả năng ra tay chính xác ở tầm xa.

Iran sẽ phải tính đến chuyện ứng phó ra sao mà không thể bỏ qua yếu tố này.

Trong năm tranh cử 2020, quan ngại chính của Tổng thống Trump là làm sao tránh thương vong, tổn thất nhân sự của người Mỹ trong khu vực.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tổng hợp
Read 534 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)