Tên lửa Iran bắn về phía căn cứ Mỹ ở Iraq có quả không nổ (BBC, 08/01/2020)
Tổng thống Donald Trump phát biểu sáng 08/01 giờ Washington D.C. rằng tên lửa Iran "không làm người Mỹ và Iraq nào bị thương".
Tổng thống Trump nói "tên lửa Iran không làm người Mỹ nào bị thương"
Ông nói tại cuộc họp báo rằng "chừng nào tôi còn làm tổng thống thì Iran sẽ không bao có vũ khí nguyên tử".
Tin giờ trước :
Ít nhất hai căn cứ không quân của quân đội Mỹ ở Iraq đã bị tấn công bởi hàng loạt tên lửa đạn đạo, theo Bộ Quốc phòng Mỹ.
Giá dầu tăng ngay trên thị trường thế giới hôm thứ Tư.
Truyền hình nhà nước Iran nói vụ tấn công này là đòn trả thù sau khi vị tướng hàng đầu của nước này, Qasem Soleimani bị giết trong một vụ không kích ở Baghdad, theo lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Có hai trái hỏa tiễn của Iran bắn trúng vào làng Sidan, tỉnh Irbil, một trái bắn trúng khu dân cư Bardah Rashsh, tỉnh Dohuk, theo truyền hình Iraq.
Người dân Iraq ngoại ô Dohuk ra xem hố do hỏa tiễn Iran nổ, ở địa điểm cách căn cứ Mỹ mà Iran nhắm tới 112 km.
Cả thẩy 22 quả tên lửa được Iran bắn sang Iraq.
Trong số này, 17 trái bắn về phía căn cứ Al Asad. Hai quả rơi xuống phía tây thị trấn Hit và không nổ.
Truyền thông Iraq trong ngày thứ Tư đăng ảnh người dân ở ngoại ô Dohuk ra xem bom mà họ tin rằng do hỏa tiễn từ Iran bắn sang tạo ra.
Địa điểm này cách căn cứ thứ nhì của Mỹ tại tỉnh Irbil, mục tiêu của hỏa tiễn Iran, tới 112 km.
Lầu Năm Góc nói ít nhất hai căn cứ đã bị tấn công, ở Irbil và Al-Asad.
Hiện chưa rõ có thương vong hay không.
"Chúng tôi đã nắm được thông tin về các vụ tấn công vào các căn cứ của Mỹ ở Iraq. Tổng thống đã được thông tin và đang giám sát chặt chẽ tình hình và tham khảo ý kiến đội an ninh quốc gia của ông", người phát ngôn Nhà Trắng Stephanie Grisham nói trong một thông cáo.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran nói vụ tấn công là để trả thù cái chết của ông Soleimani vào thứ Sáu.
"Chúng tôi cảnh báo toàn bộ đồng minh của Mỹ, những nước trao căn cứ của mình cho quân đội khủng bố, rằng bất cứ lãnh thổ nào là điểm khởi đầu của hành động gây hấn chống lại Iran sẽ bị nhắm mục tiêu", lực lượng này cho hay trong một thông cáo được Thông tấn xã IRNA của IRAN phát đi.
Vụ tấn công xảy ra vài giờ sau đám tang của Soleimani. Vụ tấn công thứ hai diễn ra ở Irbil không lâu sau khi các tên lửa đầu tiên phóng vào Al-Asad, kênh truyền hình Al Mayadeen đưa tin.
Vào đầu giờ sáng 8/1, Tổng thống Trump nói rút quân của Mỹ khỏi Iraq sẽ là điều tồi tệ nhất đối với đất nước.
Ông Trump đưa ra bình luận này sau bức thư, mà quân đội Mỹ nói bị gửi nhầm, cho Thủ tướng Iraq, có vẻ đồng ý với đề nghị của các nghị sỹ Iraq về việc rút quân.
Mỹ hiện có khoảng 5.000 binh lính ở Iraq.
Văn phòng nước ngoài của Anh Quốc nói với BBC: "Chúng tôi khẩn trương thu thập thông tin ở hiện trường. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là sự an toàn của công dân Anh".
Hải quân Hoàng gia và máy bay quân đội của Anh đã được đặt ở vị trí sẵn sàng giữa căng thẳng gia tăng ở Trung Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho hay.
Vì sao có vụ tấn công này?
Vụ ám sát Tướng Soleimani của Iran xảy ra vào ngày 3/1 là sự leo thang xung đột mấu chốt trong mối quan hệ đã ngày càng tồi tệ giữa Iran và Mỹ.
Soleimani - người lãnh đạo các lực lượng của Iran ở Trung Đông - bị chính phủ Mỹ xem là khủng bố, nói rằng ông ta phải chịu trách nhiệm cho cái chết của hàng trăm lính Mỹ và rằng ông ta đã âm mưu một cuộc tấn công "khẩn cấp".
Iran đã thề "trả thù" cho cái chết của ông Soleimani.
Ông Trump, trong khi đó, cảnh báo Mỹ sẽ trả đũa nếu bị tấn công.
Hàng triệu người Iran đã xuống đường dự đám tang của Tướng Soleimani, hô vang khẩu hiệu "cái chết cho nước Mỹ" và "cái chết cho Trump".
Một vụ dẫm đạp tại đám tang của Soleimani ở quê hương của ông này Kerman đã khiến 50 người thiệt mạng và 200 người bị thương hôm thứ Ba.
Sau đám tang, các quan chức hàng đầu Iran nhắc lại đe đọa trả thù.
Vì sao Iraq liên quan tới việc này ?
Iran hỗ trợ nhiều nhóm bán quân sự Shia tại nước láng giềng Iraq. Vào thứ Sáu, Soleimani vừa xuống sân bay Baghdad và đang ngồi trong xe hơi với các đồng sự từ các nhóm này thì xe của họ trúng tên lửa của Mỹ.
Iraq hiện thấy mình đang ở trong một vị thế khó khăn khi là đồng minh của cả Mỹ và Iran. Hàng ngàn lính Mỹ vẫn còn ở Iraq để hỗ trợ cuộc đấu tranh chống lại nhóm Nhà nước hồi giáo Sunni (IS) nhưng chính phủ Iraq cho rằng Mỹ đã hành động vượt quá khuôn khổ của thỏa thuận chung.
Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi đã gọi vụ tấn công bằng tên lửa giết chết Tướng Soleimani là một "sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Iraq và vụ tấn công tồi tệ vào phẩm giá quốc gia".
********************
Trung Đông trù liệu đòn trả đũa của Iran (VOA, 07/01/2020)
Không ai biết Iran có thể tấn công nơi nào để trả đũa vụ Mỹ hạ sát một tướng lãnh cao cấp của Iran hôm 3/1 trong cuộc oanh kích bằng máy bay không người lái. Ít người cho rằng Tehran sẽ không trả đũa, và có nhiều mục tiêu mà các tổ chức được Iran ủng hộ tại Iraq, Syria, Libăng và Yemen có thể nhắm vào, các nhà phân tích cảnh báo.
Không ảnh đám tang tại Tehran củaTướng Qasem Soleimani và đồng đội bị giết tại Iraq trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái Mỹ vào ngày 3/1/2020.
Các đồng minh của Mỹ, một số than phiền là không được báo trước về kế hoạch tiêu diệt tướng Qasem Soleimani, đang soạn thảo kế hoạch dự phòng để đối phó với tình hình. Tổng thống Donald Trump cảnh báo Hoa Kỳ sẽ tấn công Iran "rất nhanh và rất mạnh" nếu nước này có những hành động trả đũa. Ông Trump cho hay Ngũ Giác Đài đã xác định 52 mục tiêu tại Iran trong đó một số địa điểm văn hóa "cấp cao".
Các chỉ huy quân sự Anh đang cố vấn cho phủ Thủ tướng cứu xét việc điều động thêm binh sĩ để tăng cường an ninh cho 400 binh sĩ đã có mặt tại Iraq, và hơn 1.000 binh sĩ trú đóng tại vùng Vịnh.
Cho đến nay lời cố vấn này đã bị Thủ tướng Boris Johnson bác bỏ, thay vào đó, ông ra lệnh cung cấp vũ khí nặng cho binh sĩ Anh tại Iran và chuyển nhiệm vụ của họ từ huấn luyện lực lượng địa phương sang bảo vệ các nhà ngoại giao Anh trước những cuộc tấn công trả thù của Iran sau vụ hạ sát tướng Soleimani là người bị Washington và London xem như là chỉ huy khủng bố.
London lo ngại là những lực lượng thân Iran có thể tấn công tòa đại sứ Anh tại Baghdad để giết hay bắt cóc công dân Anh.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace, ngày 5/1 ra lệnh cho hai chiến hạm Hải quân Hoàng Gia tại vùng Vịnh bắt đầu " hộ tống chặt chẽ" các tàu dầu giữa những lo ngại là Iran có thể chặn bắt hay đánh đắm tàu của phương Tây. "Chúng ta có kế hoạch A và kế hoạch B và một ‘kế hoạch đột phá", nếu những việc này xảy ra. Các lực lượng của chúng ta trong vùng được lệnh trở nên những lực lượng bảo vệ", một giới chức cao cấp Anh nói.
Pháp và Hà Lan đã theo gương Hoa Kỳ và ra lệnh cho công dân rời khỏi Iraq, nơi một rocket rơi xuống gần tòa đại sứ Mỹ tại Baghdad hôm 4/1. Ở những cấp độ khác nhau, các đồng minh Châu Âu của Washington bày tỏ bất bình đối với cuộc tấn công giết chết Soleimani trong khi công nhận ông này trực tiếp liên hệ với những hoạt động khủng bố. Ngoại trưởng Mỹ Pompeo ngày 4/1 nói Anh và các đồng minh "không giúp được nhiều như tôi mong muốn". Ông nói thêm "Người Anh, người Pháp, người Đức tất cả cần phải hiểu là chúng tôi cũng cứu được nhiều sinh mạng tại Châu Âu".
Các cấp chỉ huy Israel đang thắt chặt việc phòng thủ và chuẩn bị cho việc Hezbollah trả đũa vụ sát hại Soleimani, người chỉ huy của Iran trong vùng và là người đứng đầu lực lượng Quds tinh nhuệ của Iran.
Những mối đe dọa từ Hezbollah
Một giới chức Hezbollah người Libăng ngày 4/1 nói đáp trả của "trục kháng chiến"được Iran hỗ trợ sẽ mạnh mẽ. Đe dọa của ông phản ánh lời lẽ của lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei là Tehran sẽ phản ứng bằng "sự trả thù tàn khốc" về việc ông Soleimani bị hạ sát.
Hầu hết các nhà phân tích nghi ngờ việc Iran sẽ sử dụng ý kiến của Soleimani và nhắm vào các mục tiêu của Hoa Kỳ tại Trung Đông và Afghanistan, nơi Iran đang tôn trọng sự hợp tác cơ hội với Taliban. Soleimani là người chuyên tận dụng các lực lượng được Iran hậu thuẫn trong vùng và muốn tăng số thương vong của binh sĩ Mỹ tại Trung Đông nhằm làm cạn kiệt quyết tâm chiến đấu của Hoa Kỳ.
Tướng Gholamali Abuhamzeh, chỉ huy Vệ binh Cách mạng Iran tại tỉnh Kerman, miền nam Iran, quê nhà của Soleimani, nêu lên khả năng tái tục cuộc cuộc tấn công vào các tàu dầu tại Eo biển Hormuz.
Tuy nhiên, như những lực lượng bán quân sự trong vùng sẵn sàng trả thù, ông vẽ ra một bức tranh ảm đạm về những cuộc trả đũa trong khu vực. Ông nói "những mục tiêu sanh tử của Hoa Kỳ trong vùng đã được Iran nhận diện từ lâu… khoảng 35 mục tiêu của Mỹ trong vùng cũng như của Tel Aviv đang trong tầm tay của chúng tôi".
Trả đũa tức thì
Tuy nhiên đấu trường ngay trước mắt có phần chắc sẽ là tại Iraq, nơi Tehran và lực lượng Shia của Iraq đã nói rõ là họ muốn binh sĩ Mỹ rời khỏi nước này.
Nỗ lực ấy đã được thi hành trước vụ ám sát Soleimani bằng việc các lực lượng Shia mở hàng chục cuộc tấn công vào binh sĩ Mỹ kể từ tháng 10 năm ngoái. Những cuộc tấn công này—kể cả tấn công vào tòa đại sứ Mỹ ở Baghdad - khiến xảy ra vụ hạ sát Soleimani ngày 3/1, theo các giới chức Mỹ. Qais al-Khazali, một lãnh tụ dân quân thân Iran đầy quyền lực tại Iraq đã ra lệnh cho các chiến binh báo động cao độ, nói trên truyền hình Iran rằng cái giá phải trả của vụ tấn công bằng máy bay không người lái phải là "chấm dứt sự hiện diện của Mỹ tại Iraq".
Các giới chức Hoa Kỳ ẩn danh nói với CNN hôm 4/1 là họ đang thấy những chỉ dấu về việc Iran tăng cường chuẩn bị để phóng các phi đạn đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.
Các nhà phân tích khác dự báo Iran sẽ muốn tấn công vào các đồng minh của Hoa Kỳ trong vùng, để làm việc ủng hộ Hoa Kỳ phải trả giá đắt và tổn hại.
Qatar ngày 4/1 đã phái Bộ trưởng ngoại giao Mohammed bin Abdulrahman Al Thani đến Tehran dường như để xoa dịu Iran. Máy bay không người lái Reaper bắn phi đạn Hellfire giết chết Soleimani xuất phát từ căn cứ của quân đội Mỹ tại Qatar.
Trong một tuyên bố sau khi gặp ông Al Thani, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói Tehran hy vọng các nước láng giềng vùng Vịnh công khai lên án vụ ám sát này.
Các đồng minh vùng Vịnh của Mỹ nhất là Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất hoan nghênh vụ ám sát Soleimani, các nhà ngoại giao phương Tây nói. Các nước này từ lâu lên án vai trò của ông này trong vùng và xem việc giết ông là một cú giáng vào Iran.
Các mục tiêu của Iran
Tuy nhiên Qatar không phải là mục tiêu của Iran vì Doha đã ủng hộ nhiều sáng kiến ngoại giao khác nhau của Iran trong vùng, các giới chức và các nhà phân tích phương Tây nói. Tuy nhiên cả hai nước Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đang chuẩn bị đối phó với những cuộc tấn công.
Ông Charles Lister, một nhà phân tích thuộc Viện Trung Đông, một cơ quan nghiên cứu có trụ sở tại Washington nói "Ngoài môi trường trực tiếp (Iraq), Israel có thể gánh chịu sự trả đũa khốc liệt nhất và các đồng minh của Mỹ tại vùng Vịnh, đặc biệt là Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Xê-út, có thể là nạn nhân của những biện pháp trả đũa của Iran.
Bất cứ sự trả đũa nào nhằm vào Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất có phần chắc sẽ do phiến quân Houthi thân Iran tại Yemen thực hiện, là nơi mà Iran và Ả Rập Xê-út lâm vào một cuộc chiến ủy nhiệm lâu dài. Vào giai đoạn này đồng minh Châu Âu như Anh sẽ được miễn trừ, một giới chức tình báo Anh nói với Đài VOA "Tôi không nghĩ Tehran mốn tấn công các nước Châu Âu khác—Iran quan tâm nhiều hơn đến việc mở rộng sự chia rẻ xuyên Đại Tây Dương giữa Washington và Châu Âu", ông nói.
Một câu hỏi các nhà ngoại giao và giới chức tình báo phương Tây đang tìm cách trả lời là Iran sẽ trả thù về cái chết của ông Soleimani tới đâu. Iran và Mỹ không tương xứng và Washington được sự ủng hộ của những cường quốc trong vùng là Ả Rập Xê-út và Israel. Và Iran không được gì trong cuộc chiến toàn diện với cường quốc vượt trội Hoa Kỳ. Một số chuyên gia phương Tây nói phương trình quyền lực này có thể hạn chế đáng kể việc Iran chuẩn bị thách thức Hoa Kỳ.
Jamie Dettmer
****************
Khủng hoảng Mỹ-Iran : Rối loạn thông tin tại Washington (RFI, 07/01/2020)
Trong vòng một ngày, Bộ Quốc Phòng Mỹ phải hai lần trấn an công luận trong và ngoài nước. Thứ nhất là phủ nhận lời đe dọa tấn công vào Iran của tổng thống Donald Trump, và sau đó cải chính thông tin Mỹ quyết định rút khỏi Iraq.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại Florida ngày 29/12/2019 về vụ không kích ở Iraq và Syria, bên cạnh ông là tướng Mark Milley và bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper. Reuters/Tom Brenner/File Photo
Trong bối cảnh tình hình nóng bỏng tại Trung Đông với nguy cơ nổ ra chiến tranh sau vụ Hoa Kỳ oanh kích giết tướng Iran, thượng tầng lãnh đạo nước Mỹ có dấu hiệu tiền hậu bất nhất.
Đầu tiên là chủ nhân Nhà Trắng. Trước những lời thề trả thù của Tehran, đẩy nước Mỹ vào "những ngày đen tối", tổng thống Donald Trump đe dọa tấn công vào "52 mục tiêu" tại Iran kể cả những di sản văn hóa. Tuyên bố này gây bất bình trong công luận trong và ngoài nước cũng như bất lợi cho hình ảnh nước Mỹ. Phe Dân Chủ và Unesco khuyến cáo tổng thống Mỹ coi chừng phạm tội ác chiến tranh.
Liền sau đó, lần lượt bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper và ngoại trưởng Mike Pompeo lên tiếng phủ nhận tuyên bố của tổng thống Donald Trump. Chủ nhân Lầu Năm Góc khẳng định với báo chí là "Hoa Kỳ luôn tôn trọng công ước quốc tế trong chiến tranh".
Vài giờ sau, trên đài truyền hình ABC và CNN, ngoại trưởng Mỹ cũng xác định Hoa Kỳ "tuân thủ và hành động trong khuôn khổ luật pháp quốc tế". Mike Pompeo cam kết với công dân Mỹ là những địa điểm chọn lựa để phản công sẽ là những "mục tiêu hợp pháp" với mục đích duy nhất là "bảo vệ nước Mỹ và người Mỹ".
Vụ thứ hai, diễn ra ngay tại Iraq. Một ngày sau khi Quốc hội Iraq yêu cầu chính phủ "trục xuất" các đơn vị nước ngoài, quân đội Mỹ thông báo với chính quyền Baghdad quyết định "tái phối trí" để rút đi. Bức thư có dấu ấn ký của tướng William H. Seely, tư lệnh hành quân tại Iraq. Một lần nữa, bộ Quốc Phòng phải đính chính.
Hư thực như thế nào ?
Thông tín viên Eric de Salve tại Mỹ tường thuật :
"Vụ trống đánh xuôi kèn thổi ngược gây kinh ngạc, xuất phát từ một bức thư được lan truyền trên mạng xã hội hôm thứ Hai. Một văn kiện có đóng dấu của Lầu Năm Góc thông báo với Baghdad là lực lượng Mỹ đóng tại Iraq chuẩn bị tái phối trí để rút quân.
Cuộc triệt thoái sẽ được tiến hành trong đêm và bằng trực thăng. Tư lệnh lực lượng Mỹ tại Iraq còn ghi thêm một câu : Chúng tôi tôn trọng quyết định tối cao của quý vị ra lệnh cho chúng tôi ra đi.
Một ngày trước, Nghị viện Iraq yêu cầu tất cả mọi lực lượng ngoại nhập phải rút khỏi Iraq. Cho dù hình thức thông báo này không hoàn toàn theo đúng nghi thức ngoại giao, bức thư được Bộ tham mưu quân đội Mỹ xác nhận là thật… nhưng chỉ mới ở dạng dự thảo lẽ ra không được gửi đi như thế. Gửi đi là một sai lầm.
Vài giờ sau đến lượt bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper lên tiếng cải chính bổ sung : Không có quyết định triệt thoái khỏi Iraq… bức thư đó không phản ảnh đúng tinh thần (chiến lược) hiện nay… là tái phối trí lực lượng chứ không rút đi.
Quân số Mỹ đóng tại Iraq hiện nay là 5.200 người.
Sự kiện dự án bị thông báo lầm chứng tỏ Washington, tối thiểu, là đang điều nghiên một phương án triệt thoái, nhưng trong sự hỗn độn".
Tú Anh
*******************
Đe dọa trừng phạt của Trump làm dấy lên bóng ma cấm vận Iraq (RFI, 07/01/2020)
Ngay sau khi tổng thống Mỹ đe dọa Iraq "trừng phạt chưa từng thấy", cấm vận quốc tế áp đặt lên nước này trong thời Saddam Hussein lại ám ảnh người dân Iraq, với các kỷ niệm đau thương khốn khó.
Ảnh minh họa : Một quán cà phê ở Baghdad, ngày 11/05/2018. Reuters/Abdullah Dhiaa al-Deen
"Nếu Hoa Kỳ trừng phạt Iraq, đồng dinar sẽ mất giá và chúng tôi sẽ quay lại với quá khứ, thời kỳ bị cấm vận". Hicham Abbas, một người dân trên một con đường buôn bán tấp nập ở trung tâm Baghdad lo lắng nói với AFP.
Hôm Chủ nhật 5/1, Quốc hội Iraq đòi trục xuất càng sớm càng tốt lực lượng Mỹ trú đóng, để trả đũa vụ ám sát trên lãnh thổ nước mình tướng Iran Qasem Soleimani, và Abou Mehdi Al Mouhandis - người phụ trách tất cả các mạng lưới chính của Iran tại Iraq.
Quân đội Mỹ trong một lá thư cho biết "Chúng tôi tôn trọng quyết định của quý vị", loan báo việc "tái phối trí" lực lượng liên minh chống thánh chiến với mục tiêu "triệt thoái khỏi Iraq một cách an toàn và hiệu quả". Tuy nhiên sau đó bộ trưởng Quốc Phòng Mark Esper đã đính chính là không có việc quân Mỹ rút đi.
Tổng thống Donald Trump đã đe dọa Baghdad : sự trả đũa của Washington "sẽ khiến cho các trừng phạt hiện nay đối với Iran có vẻ nhẹ nhàng".
Mỹ cấm vận và tấm gương tày liếp của Iran
Theo các số liệu chính thức, sau bốn thập niên bị cấm vận, phân nửa dân số Iran sống dưới ngưỡng nghèo khó, và mỗi năm sức mua của họ giảm đi 32%. Năm 2017, khi các giáo sĩ Hồi giáo nhận được 120 tỉ đô la nhờ vào hiệp ước nguyên tử năm 2015, vẫn còn 16 triệu dân Iran nghèo khổ (20% dân số).
Nhưng chính quyền Hồi giáo vẫn đổ tiền vào các cuộc xung đột ở nước ngoài, bất chấp đồng tiền quốc gia suy sụp, tệ nạn ma túy, mại dâm, nạn tự tử…, chỉ có đạo Hồi là quan trọng. Giáo chủ Khomeini tuyên bố : "Toàn thế giới phải quy phục trước Hồi giáo".
Khi chính quyền Trump tái lập cấm vận năm 2018, những ai đến Iran du lịch có thể thấy ngay tác động nơi hệ thống ngân hàng nước này. Không có thẻ tín dụng nào hoạt động được, nên phải mang theo tất cả tiền mặt bên mình để chi trả. Người dân Iran khi ra nước ngoài cũng vậy. Đó là đối với cá nhân, còn đối với doanh nghiệp lại càng khốn khổ hơn : không thể chuyển và nhận tiền từ các nước, hoạt động của họ bị thu hẹp hẳn.
Tháng 2/2019, lễ kỷ niệm 40 năm cách mạng Hồi giáo diễn ra trong bối cảnh u ám. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2019 Iran bị suy thoái nặng nề nhất kể từ 2012, lạm phát có thể lên đến 37%, trong khi tổng thống Rohani trước đó hứa hẹn sẽ vực dậy nền kinh tế.
Hồi mà Saddam Hussein gởi quân sang xâm lăng nước Koweit láng giềng vào mùa hè năm 1990, sự đáp trả của Mỹ đã rất dữ dội. Sau khi đuổi quân Hussein khỏi Koweit, Hoa Kỳ và các đồng minh liền áp đặt cấm vận ngặt nghèo đối với Iraq.
Dưới cấm vận, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Iraq lao dốc chỉ còn một nửa, khoảng mấy chục nhà máy quan trọng phải đóng cửa. Ngày nay trong một đất nước bị tham nhũng hoành hành, các cơ sở hạ tầng rệu rã do không được bảo trì vì liên tục xảy ra xung đột, những cơ sở kỹ nghệ này vẫn chưa mở cửa lại.
Iraq hiện nay có 40 triệu dân, số lượng xe hơi tăng gấp mười, nhà nào cũng có điện thoại di động và máy tính, tiêu thụ bùng nổ. Theo các nhà quan sát, nếu giờ đây lại bị cấm vận, hậu quả sẽ nặng nề hơn trước rất nhiều.
Thả "bom H"
Cách đây vài tháng, một nhà ngoại giao Mỹ ở Baghdad khẳng định với AFP là Washington cân nhắc việc đánh vào túi tiền của Iraq. "Có thể sẽ trừng phạt, và hạn chế lượng tiền mặt đi vào Iraq. Nhưng đó cũng giống như là thả xuống một quả bom H !". Giờ đây khả năng này đang được đặt ra, và tổng thống Mỹ chừng như không lùi bước trước bất cứ điều gì, khi ông đã đe dọa không kích các địa điểm văn hóa của nước Iran láng giềng.
Nếu "quả bom H" của Mỹ được thả, "sẽ giống như thời Saddam Hussein và chắc chắn còn tệ hơn nữa" - Samer, một thanh niên Iraq lo sợ. Anh nói với AFP : "Như vậy cả nước sẽ không còn tiền mặt".
Trong thời kỳ bị cấm vận từ năm 1990 đến 2003, trị giá đồng dinar chỉ còn có 1/10.000. Trong khi đó đồng đô la là sống còn đối với Iraq, nước sản xuất dầu lửa thứ nhì của khối OPEP, vì ngân sách quốc gia có đến 90% là từ vàng đen, được trả bằng đô la. Với những đồng tiền này nhà nước có thể trả lương và trợ cấp cho hàng triệu người Iraq.
Tổng thống Trump đòi Iraq phải hoàn lại chi phí
Bên cạnh đó còn là vấn đề điện năng, vốn thường xuyên bị thiếu tại Iraq. Cho đến nay, Washington vẫn cho phép Baghdad mua điện của Iran để các nhà máy có thể hoạt động, và bảo đảm được nhiều tiếng đồng hồ có điện cho toàn bộ dân số. Nhưng điều này có thể thay đổi.
Ngay trong lúc Quốc hội Iraq họp lại để đòi hỏi chính phủ phải rút lại lời mời liên minh chống thánh chiến do Hoa Kỳ lãnh đạo, chủ tịch Quốc hội Mohammed Al Halboussi đã cảnh báo các dân biểu. Ông lý giải, để cho đất nước đi đến chỗ bị trừng phạt kinh tế chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề của Iraq, khi mà cứ năm người dân thì có một sống dưới ngưỡng nghèo khổ, và cứ bốn thanh niên thì có một người bị thất nghiệp.
Ngoài nỗi lo về kinh tế trước lời đe dọa của tổng thống Mỹ, dù dài hạn hay ngắn hạn, những thiệt hại về hình ảnh của Hoa Kỳ tại Iraq, nơi mà Iran không ngừng mở rộng ảnh hưởng, cũng đã thấy rõ.
Nhà nghiên cứu Karim Bitar, Viện nghiên cứu Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) khẳng định : "Người Iraq cảm thấy nhục nhã về các tuyên bố mới đây của ông Donald Trump, đòi họ phải hoàn trả lại chi phí".
Đó là vì Iraq, dưới sự chiếm đóng của Mỹ trong suốt tám năm, nay muốn đưa các đội quân ngoại quốc đang trú đóng ra khỏi lãnh thổ, nên tổng thống Mỹ bắt đầu tính toán các con số để đòi bồi thường. Ông Trump tuyên bố : "Chúng tôi có một căn cứ không quân hết sức đắt tiền ở đó, tốn mất nhiều tỉ đô la để xây lên. Chúng tôi không đi đâu cả nếu họ không hoàn tiền lại".
Ông Bitar nói : "Thật khó thể tưởng tượng, điều này nhắc người ta nhớ đến việc ông Donald Trump muốn Mêhicô phải trả chi phí cho việc xây dựng bức tường biên giới".
Thụy My
******************
Các nước Châu Á chuẩn bị di tản công nhân tại Iraq, Iran (VOA, 07/01/2020)
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ra lệnh cho quân đội chuẩn bị điều động các máy bay và tàu chiến "bất cứ lúc nào khi được thông báo" để di tản hàng ngàn công nhân Philippines tại Iran và Iraq nếu bạo động bùng nổ, phản ánh những lo ngại ngày càng tăng của Châu Á về những công dân của họ trong tình trạng ngày càng biến động của Trung Đông.
Tổng thống Rodrigo Duterte nói chuyện với các giới chức an ninh tại Dinh Malacanang ở Manila, ngày 5/1/2020, về việc di tản công nhân Philippines tại Trung Đông.
Các quốc gia Châu Á khác với số lượng công nhân xuất khẩu lao động cao có thể phải đối mặt với quyết định tương tự giữa những căng thẳng leo thang nhanh chóng giữa Hoa Kỳ và Iran tiếp sau vụ không kích của Mỹ tuần trước giết chết tướng Iran Qasem Soleimani tại Baghdad.
Các bộ của chính phủ Hàn Quốc đã thảo luận về việc tăng cường bảo vệ cho gần 1.900 người Hàn Quốc tại Iraq và Iran. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar thì cho biết Ấn Độ chưa có kế hoạch sơ tán công dân tại vùng biến động này.
Iran thề sẽ trả thù sau vụ Mỹ không kích hạ sát tư lệnh lực lượng Quds tinh nhuệ của Iran, Tướng Soleimani, hôm 3/1 và Tổng thống Donald Trump cảnh báo là các lực lượng Mỹ sẽ đánh trả 52 mục tiêu tại Iran nếu người Mỹ bị tấn công. Quốc hội Iraq cũng kêu gọi trục xuất tất cả binh sĩ Mỹ tại Iraq. Việc này có thể làm sống lại Nhà nước Hồi giáo tại Iraq khiến cho Trung Đông trở thành nguy hiểm hơn và bất ổn hơn.
Các nước khác cũng đối mặt với trường hợp tương tự. Châu Á chiếm 40% di dân trên thế giới, và các nước Trung Đông là nơi đến thường xuyên của di dân. Di dân Châu Phi cũng có việc làm tại Trung Đông dù khả năng các nước này di tản công dân của họ không chắc chắn.
Các nước Ả Rập ở vùng Vịnh là nơi làm việc của hơn 7 triệu người Ấn Độ giúp đẩy mạnh nền kinh tế của khu vực và cung cấp dồi dào cho các thành phố ở đây những bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, tài xế, công nhân xây dựng và những người lao động khác.
Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, người Ấn Độ nhiều hơn người dân nước này với tỉ số 3/1.
Trong những vụ việc trước đây, Trung Quốc từng di tản công dân từ các nước có xung đột, căng thẳng chính trị hay thiên tai. Trong năm 2015, hải quân chở gần 500 người Trung Quốc ra khỏi Yemen bị chiến tranh tàn phá. Trung Quốc cũng di tản 3.000 người ra khỏi Việt Nam vào năm 2014 sau khi điều động một giàn khoan đến vùng biển tranh chấp gây ra những vụ biểu tình bạo động chống Trung Quốc.
Theo AP
*******************
Giẫm đạp tại tang lễ tướng Iran Soleimani, 40 người chết (VOA, 07/01/2020)
Dân Iran dự tang lễ Tướng Qasem Suleimani, người lãnh đạo lực lượng tinh nhuệ Quds, bị giết trong một cuộc tấn công ở phi trường Baghdad. Ảnh chụp ngày 7/1/20. Mehdi Bolourian/Fars News Agency/WANA (West Asia News Agency) via Reuters
Hôm thứ Ba 7/1, hàng chục người đã thiệt mạng trong một vụ giẫm đạp hỗn loạn xảy ra khi các đám đông tràn ra các đường phố để dự tang lễ của viên tướng chỉ huy lực lượng Quds của Iran, Qasem Soleimani, vừa bị giết trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái do Mỹ thực hiện ở Iraq hôm thứ Sáu.
Bản tin của Reuters tường thuật rằng hàng chục ngàn người đã tụ tập để tỏ lòng thương tiếc đối với viên tướng vẫn được người Iran coi như một anh hùng dân tộc.
Vụ giẫm đạp đã khiến lễ mai táng phải hoãn lại, truyền thông liên hệ với nhà nước Iran đưa tin. Theo Fars, có 40 người chết và hơn 200 người bị thương trong vụ này.
Quan tài Tướng Soleimani đã được rước qua nhiều thành phố của Iraq và Iran trước khi đưa đến chôn cất ở Kerman, quê nhà của ông. Ở mọi nơi, cả một rừng người tràn ngập khắp các nẻo đường, khóc vì xúc động và hô những khẩu hiệu đả đảo Mỹ.
Lãnh đạo tối cao Iran, Đại Giáo sĩ Ali Khamenei đã rơi lệ khi dẫn đầu lễ cầu nguyện ở Tehran hôm thứ Hai.
Trong một diễn biến khác hôm thứ ba 7/1, một quan chức cấp cao của Iran cho hay Tehran đang xem xét 13 kịch bản để trả thù vụ hạ sát ông Suleimani.
Tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phủ nhận các bản tin cho rằng quân đội Hoa Kỳ đang chuẩn bị rút ra khỏi Iraq, nơi mà chính quyền tại Tehran tranh giành ảnh hưởng với Washington trong gần hai thập kỷ chiến tranh và bất ổn.
Ông Soleimani là người đã xây dựng mạng lưới gồm các lực lượng chiến đấu thay cho Tehran trên khắp Trung Đông, ông là nhân vật chủ chốt điều phối chiến dịch dài ngày của Iran nhằm đẩy bật lực lượng Mỹ ra khỏi nước láng giềng Iraq.
Lời cảnh báo của cả Hoa Kỳ và Iran hăm dọa lẫn nhau là sẽ thực hiện các cuộc tấn công trả đũa, đã gây quan ngại về nguy cơ xung đột lan rộng ở Trung Đông, đồng thời khiến Quốc hội Hoa Kỳ kêu gọi phải có biện pháp để ngăn chặn Tổng thống Trump gây chiến với Iran.
Người chỉ huy đội Vệ binh Cách mạng Iran, Tướng Hossein Salami, thề sẽ trả thù cái chết của ông Suleimani trước đám đông ở Kerman trước khi xảy ra vụ giẫm đạp : "Chúng ta sẽ trả thù, bằng một hành động cứng rắn và dứt khoát".
Chính quyền Tổng thống Trump sẽ mở một cuộc họp vào ngày thứ Tư 8/1 để báo cáo với các thượng nghị sĩ Mỹ về các sự kiện diễn ra ở Iraq sau khi một số nhà lập pháp cáo buộc Toà Bạch Ốc là đã có hành động làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột mà không có sẵn một chiến lược.