Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong một báo cáo được công bố gần đây, tổ chức Human Rights Watch (HRW) cho biết "quan chức Trung Quốc xem các tu sĩ Tây Tạng như là những nhà ly khai tiềm tàng". Tổ chức phi chính phủ tố cáo Bắc Kinh tuyên những án tù nặng nhắm vào bốn tu sĩ và có những chính sách trấn áp mỗi lúc nặng nề tại Tây Tạng.

tibet1

Các nhà sư Tây Tạng tại Lhassa ngày 15/10/2020. Reuters – Thomas Peter

Trả lời phỏng vấn ban tiếng Pháp, nhà dân tộc học Katia Buffetrille, chuyên nghiên cứu về Tây Tạng thuộc Viện Nghiên cứu Ứng dụng Cấp cao (EPHE) nhận định rằng "ở Tây Tạng, ngày càng có nhiều hạn chế và trên mọi lĩnh vực". RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.

**********

RFI : Trong bản báo cáo, Human Rights Watch tố cáo những án tù nhắm vào bốn tu sĩ của tu viện Tengdro, chỉ vì một lỗi duy nhất là đã gởi tin nhắn hay gởi quà tặng ra nước ngoài. Bà nghĩ rằng đây là những bản án ngoại lệ và chưa từng thấy ?

Katia Buffetrille : Tu viện Tengdro nằm ở vùng tự trị Tây Tạng, không xa mấy với biên giới Nepal. Một tu sĩ của tu viện này đã bỏ quên chiếc điện thoại tại một nhà hàng ở Lhassa trong một chuyến đi đến đấy, cảnh sát đã kiểm tra nội dung sau khi chủ nhà hàng giao nộp lại chiếc điện thoại này.

Khi biết vị tu sĩ đó đã gởi tiền sang Nepal nhằm giúp đỡ các đồng hương tị nạn sau trận động đất năm 2015, cảnh sát vùng Lhassa đã tiến hành khám xét tu viện và tất cả các ngôi nhà trong làng mà một thành viên của làng này từng ở trong tu viện. Nhiều tu sĩ đã bị bắt và một người trong số họ đã tự tử. Bốn tu sĩ lần lượt lãnh các án 20, 19, 17 và 5 năm tù vì đã trao đổi thư nhắn với người Tây Tạng tị nạn, hay gởi tiền để hỗ trợ xây chùa, hoặc để có được bài viết về đức Đạt Lai Lạt Ma.

Những bản án này cực kỳ nghiêm khắc, nhưng rủi thay trước đây cũng đã có vài chuyện như vậy. Vào năm 2008, Wangdu, một thanh niên Tây Tạng từng làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, đã bị kết án tù chung thân vì đã gởi ra nước ngoài những thông tin về tình hình Tây Tạng. Trong một vụ việc khác, Dorje Tashi, một doanh nhân giầu có ở Lhassa, cũng lãnh một đòn trừng phạt tương tự năm 2010 vì đã gởi tiền cho đức Đạt Lai Lạt Ma.

Theo một tờ báo Tây Tạng tị nạn, chính quyền địa phương cấm cư dân ở Lhassa liên lạc với người thân của họ sống ở nước ngoài. Những biện pháp hạn chế này ngày càng nhiều và trong mọi lĩnh vực. Giới chức địa phương lo sợ bị quy tội là không "giữ gìn sự ổn định" đến mức họ ban hành nhiều luật lệ mới ngày càng trấn áp.

RFI : Phải chăng chính phủ Trung Quốc mặc nhiên xem những người tu hành Tây Tạng như là những phần tử âm mưu lật đổ tiềm tàng ?

Katia Buffetrille : Quả thật là như vậy. Nên nhớ rằng đến tận năm 2008, năm mà cả cao nguyên Tây Tạng sôi sục trong một cuộc nổi dậy, tất cả các cuộc biểu tình chống kẻ chiếm đóng Trung Quốc đều do các tu sĩ dẫn đầu. Chính các nam và nữ tu sĩ phóng hỏa tự thiêu đầu tiên. Lý do của hành động đó là vì những người tu hành không có gia đình để lo và nếu như họ có bị chết, họ cũng không để ai lại một mình.

Các tu viện thực sự đã bị chính quyền Trung Quốc xem như là những tụ điểm lật đổ. Vai trò trường học mà những tu viện này đảm trách từ lâu nay đã bị hủy. Từ năm 2018, những người tu hành được đào tạo ở Ấn Độ và đã trở về Tây Tạng không còn quyền được giảng dậy, và từ năm 2019, tiếng Tây Tạng cũng không còn được phép giảng dậy vào lúc mà chương trình giảng dậy này dần dần bị cấm trên toàn vùng Tây Tạng (Vùng tự trị Tây Tạng, cũng như là Kham và Amdo, thuộc những vùng Tứ Xuyên, Vân Nam, Cam Túc và Thanh Hải).

RFI : Cách thức giám sát các mạng xã hội và cấm đoán liên lạc với nước ngoài gợi nhắc những gì thấy được ở Tân Cương. Cuộc sống thường nhật của người Tây Tạng hiện nay có giống với cuộc sống của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương ?

Katia Buffetrille : Tình hình ở Tây Tạng rất đáng lo ngại, nhưng vẫn chưa đến mức bị trấn áp tột độ như người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương phải trải qua. Chúng tôi chưa thấy có ví dụ nào về những trại giam cầm như tại Tân Cương, cũng không có bằng chứng cụ thể về lao động cưỡng bức. Nhưng người ta biết là có tồn tại những trung tâm đào tạo kiểu nhà binh dành cho dân du mục và dân làng Tây Tạng để "giáo huấn" họ nhằm giúp họ thực hiện những công việc đòi hỏi kỹ năng thấp trong lĩnh vực sản xuất hay dịch vụ và buộc họ gia nhập vào nền kinh tế thế giới của những người lao động nhà xưởng. Tất nhiên, chỉ có tiếng Quan Thoại mới được phép sử dụng tại những trung tâm này.

Một khi đã được "giáo huấn", những người Tây Tạng đó được "khuyến khích" tìm kiếm việc làm ngoài vùng tự trị Tây Tạng. Khi rời bỏ đất đai, đồng cỏ của mình, những người Tây Tạng này từ bỏ cả những nơi khắc sâu ghi dấu lối sống và tín ngưỡng truyền thống của họ.

RFI : Những biện pháp giám sát nào được áp đặt cho người Tây Tạng ?

Katia Buffetrille : Một hệ thống giám sát rất tinh vi đã được ông Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) – bí thư đảng ủy vùng tự trị Tây Tạng – thiết lập kể từ năm 2011 cho đến tận năm 2016, năm ông ấy được bổ nhiệm về Tân Cương. Ngoài ra, mọi sự biểu lộ quan tâm đến văn hóa, tôn giáo và tiếng Tây Tạng hay như đức Đạt Lai Lạt Ma đều bị hình sự hóa và bị cáo buộc có "tư tưởng ly khai".

Lịch sử về mối quan hệ giữa Trung Quốc và Tây Tạng cũng đã bị Đảng cộng sản Trung Quốc viết lại nhằm hợp pháp hóa việc sáp nhập Tây Tạng vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, và bất kỳ ai tỏ một thái độ nghi ngờ nào về phiên bản lịch sử này đều bị cáo buộc có "tư tưởng hư vô lịch sử", một lỗi rất nghiêm trọng.

Ngoài ra, người Tây Tạng coi cảnh quan là nơi sinh sống của các vị thần và giờ đang nhìn thấy môi trường của họ bị tàn phá do hoạt động khai thác quặng mỏ, xây đập, đường xá và nhiều công trình hạ tầng khác. Bị buộc phải rời bỏ đất đai, những bãi chăn thả, họ tiếp tục đấu tranh, để rồi phải rơi vào cảnh tù ngục.

Nhưng có nhiều người trẻ tuổi chuyển sang tập trung nghiên cứu về sinh thái học nhằm sử dụng kiến thức có được trong nỗ lực cứu vãn những gì có thể. Còn các nhà trí thức, giới nghệ sĩ thường bày tỏ nỗi buồn của họ trước các hành động tấn công nhắm vào văn hóa và môi trường qua những tác phẩm, bài hát, tranh vẽ hay phim ảnh.

tibet2

AFP chú thích : Đồng cỏ Đương Hùng, cách thủ phủ Lhassa 180km, vùng tự trị Tây Tạng được chụp trong một chuyến tham quan truyền thông do chính phủ Trung Quốc tổ chức ngày 02/06/2021. AFP - HECTOR RETAMAL

RFI : Phải chăng người Tây Tạng ngày nay sinh sống tại mảnh đất của mình như là trong một nhà tù "lộ thiên" và trong nỗi sợ là nền văn hóa của họ sẽ bị biến mất ?

Katia Buffetrille : Đúng vậy. Từ năm 2014, một chính sách đồng hóa đã được đưa ra và thậm chí còn được lý thuyết hóa bởi ba nhà nghiên cứu là Mã Dung (Ma Rong), Hồ An Cường (Hu Angang) và Hồ Liên Hòa (Hu Lianhe). Cả ba người này cùng quan niệm rằng tương lai của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào việc hiện thực hóa, làm trên thực tế chứ không phải chỉ tuyên bố, hùng biện, ý tưởng một "dân tộc Trung Hoa", nghĩa là một quốc gia Trung Hoa mà ở đó các bản sắc sắc tộc sẽ bị loại bỏ.

Minh Anh

Nguồn : RFI, 16/07/2021

Published in Diễn đàn

Mỹ đã thông qua một Đạo luật nhằm từ chối thị thực cho các quan chức Trung Quốc.

Theo hãng tin FT, Đạo luật hạn chế du lịch tới Mỹ đối với các quan chức Trung Quốc được coi là có liên quan trong việc ngăn cản hoặc hạn chế những cá nhân hoặc phái đoàn nước ngoài đến Tây Tạng. Đây là bước đầu tiên nhắm vào giới tinh hoa Trung Quốc, liên quan đến chính sách nhân quyền.

taytang1

Các tu sĩ Phật giáo Tây Tạng bị đàn áp. Ảnh : Reuters.

Đạo luật này được đưa ra trong bối cảnh Quốc hội Mỹ thúc đẩy các biện pháp trừng phạt trực tiếp đối với các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm về các trại cải huấn ở vùng biên giới Tân Cương, nơi có khoảng 1 triệu người Hồi giáo Trung Quốc thuộc dân tộc Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ. Sự thúc đẩy này đã làm dấy lên lo ngại trong giới tinh hoa Trung Quốc rằng họ là mục tiêu tương tự như mục tiêu trong Đạo luật Magnitsky.

Khu tự trị Tây Tạng hiện là khu vực duy nhất ở Trung Quốc yêu cầu thị thực riêng cho du khách nước ngoài, cư dân nước ngoài, các nhà báo hoặc nhà ngoại giao. Những thị thực như vậy thường xuyên bị từ chối, bao gồm cả việc thăm viếng thủ đô Lhasa của Tây Tạng, trong nhiều tháng trong năm - tương ứng với những ngày kỷ niệm các cuộc biểu tình của Tây Tạng chống lại sự cai trị của Trung Quốc.

Giống như Trung Quốc, nhân quyền Việt Nam cũng được "quy hoạch" theo xu hướng : ký kết các điều ước quốc tế về nhân quyền nhưng không thực hiện ; tiến hành truy tố và tống giam những người thực hiện hành vi nhân quyền ; và ngăn trở những nhà quan sát nhân quyền quốc tế, những người giám sát độc lập.

Đạo luật Nhân quyền Magnitsky - một di sản của cựu Tổng thống Obama hiện vẫn đang được xem là nguồn chế tài duy nhất nhằm cải thiện nhân quyền Việt Nam, vì nó đánh trực tiếp vào quyền lợi của giới tinh hoa Việt Nam. Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều về phạm vi và mức độ áp dụng, cũng như sự "ấm lên của quan hệ Việt – Mỹ", tuy nhiên, nhiều người trông đợi rằng, sau Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, Đạo luật Magnitsky sẽ sớm áp dụng cho Việt Nam. Điều này càng trở thành một nhu cầu bức thiết trong bối cảnh, Hà Nội gia tăng việc bắt bớ liên quan đến thực hành nhân quyền trong thời gian gần đây, mà mới nhất là lệnh truy nã dành cho 02 người với tội danh "lật đổ chính quyền nhân dân".

Tuy nhiên để áp dụng được Luật Magnitsky vào Việt Nam, cần phải có một tác động đủ lớn đối với chính quyền Mỹ. Sở dĩ Tây Tạng nằm trong danh sách vì tồn tại các trại cải huấn đối với người Duy Ngô Nhĩ với số lượng lên đến 1 triệu người ; có báo cáo liên tục và sự vận động liên tục của chính phủ lưu vong Tây Tạng ở Mỹ kết hợp với 21 nhóm nhân quyền Tây Tạng, trong đó có cả Mạng lưới Tây Tạng Quốc tế, và tất nhiên là người đỡ đầu tinh thần Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trong khi tại Việt Nam, con số này chỉ ở mức 0,1%, và sự vận động cho dự luật này chỉ mới được tổ chức BPSOS tiến hành là chính ; các yếu tố về tổ chức lẫn người đỡ đầu tinh thân như Tây Tạng đều không có, nghĩa là nó chưa thành một sự quy mô ngay trong nội tại cộng đồng người Việt ở Mỹ hay nhóm nghị viên bảo trợ nhân quyền Việt Nam ở các nước. Bản thân nhóm đấu tranh nhân quyền Việt Nam ở hải ngoại cũng chưa tin tưởng hoặc hiểu hết về tính chế tài của Magnitsky nên thiếu một sự quan tâm đúng mức đến nó, một trong số đó có thể kể đến nhà báo Mặc Lâm (RFA), người cho rằng, đạo luật này không tác động lớn.

Tuy nhiên, đạo luật lớn hay không là do cách mà người Việt vận động. Bởi nhân quyền Việt Nam chỉ sáng hơn khi mà hình thành sự tương tác giữa vi phạm trong nước với sự vận động nhân quyền dựa trên báo cáo ở bên ngoài một cách liên tục và có hệ thống. Do đó, dồn nội lực hỗ trợ BPSOS, hỗ trợ báo cáo xoay quanh BPSOS là phương cách không tồi lắm nhằm hiện thực hóa Magnitsky tại Việt Nam

Ngoài ra, một dự luật tương tự Magnitsky sẽ được cộng đồng EU biên soạn, mà bản thân người đứng đầu BPSOS – Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho rằng, nó sẽ tạo ra một tác động không nhỏ. Tất nhiên, để đảm bảo một đạo luật mang tính "trừng phạt hơn", thì vẫn cần một sự vận động liên tục và tích cực như đã nêu ở trên. Cụ thể hơn nữa là bản thân các hội đoàn dân sự độc lập trong nước và cộng đồng nhân quyền hải ngoại phải thống nhất về chương trình hành động chung, ít nhất là đảm bảo về một chương trình, để tránh hiện trạng mạnh ai nấy làm. Nhân quyền suy cho cùng là sự áp dụng mang tính ràng buộc trên sự thống nhất, còn đa dạng nhân quyền chỉ áp dụng tại một quốc gia dân chủ hơn là độc tài. 

Khó có thể nói trước điều gì cho nhân quyền Việt Nam sắp đến sẽ chuyển biến như thế nào, nhưng những gì đã và đang diễn ra với Trung Quốc nói chung và cộng đồng Tây Tạng nói riêng là cơ sở để tin rằng, nếu thực sự vận động theo đúng hướng chế tài, thì khả năng kiềm chế lạm dụng nhân quyền, gỡ bỏ "nhân quyền hình thức", hay đàn áp nhân quyền sẽ phần nào được giảm thiểu. 

Hoa Nghi

Nguồn : VNTB, 14/12/2018

Published in Diễn đàn

Tây Tạng dưới gót giày Đại Hán

Le Figarohôm nay 13/07/2018cho biết "Bắc Kinh tăng cường đô hộ Tây Tạng", mà điển hình là việc cưỡng chế giải tỏa tu viện Phật giáo Lạc Nhược Hương (Larung Gar). Hàng ngàn tăng ni đã bị trục xuất khỏi quần thể tu viện bị giám sát nghiêm ngặt.

Résultat de recherche d'images pour "Tây Tạng dưới gót giày Đại Hán"

Toàn cảnh quần thể tu viện Tây Tạng Lạc Nhược Hương (Larung Gar) trước đây, nay đang bị cưỡng chế giải tỏa. Wikimedia

Lạc Nhược Hương là một trong những thiền viện Phật giáo Tây Tạng lớn nhất thế giới, với tu viện trung tâm bao quanh là vô số những ngôi nhà gỗ nhỏ sơn đỏ, cất chi chít quanh sườn đồi ở độ cao 4.000 mét thuộc huyện Sắc Đạt (Sertar), Châu tự trị Tạng Cam Tư tỉnh Tứ Xuyên.

Chính quyền Trung Quốc từ mùa hè 2016 đã tung ra chiến dịch san ủi nhà cửa, cưỡng chế tăng ni đi nơi khác. Tuy nhiên khó thể biết cụ thể những gì đang diễn ra tại đây, vì muốn vào Lạc Nhược Hương phải đi qua một trạm kiếm soát của công an để kiểm tra danh tính, còn người ngoại quốc thì bị cấm cửa.

Đặc phái viên Le Figaro đã tìm gặp Phuntsok, một nhà sư ở Lạc Nhược Hương đi thăm người thân bị bệnh tại một thành phố gần đó. Nhà sư tuổi đôi mươi kể lại, chỉ muốn khóc mỗi lần nhớ đến sự xuất hiện của những cỗ xe ủi, và các tăng ni bị lùa lên hàng loạt xe buýt trong khi cư dân chỉ biết đẫm lệ nhìn theo. Năm 2016, chỉ trong vài tháng có đến 30-40% người đang tu tập bị đuổi đi, trong số 20.000 nhà sư và ni cô ở Lạc Nhược Hương. Human Rights Watch ước tính khoảng 5.000 tăng ni bị cưỡng chế, và mục tiêu của nhà cầm quyền Bắc Kinh là giảm số cư dân xuống còn 5.000 người.

Các tăng ni bị cưỡng chế về quê phải viết giấy nói mình "tự nguyện" ra đi, hứa sẽ không quay lại Lạc Nhược Hương. Họ còn phải cam kết "ủng hộ chính sách của chính phủ", không có bất cứ hành động chống đối nào. Một số còn bị buộc phải tham gia những khóa "cải tạo ái quốc". Một video của tổ chức phi chính phủ Free Tibet cho thấy các ni cô mặc quân phục, bị bắt buộc hát những bài khẳng định Trung Quốc và Tây Tạng là "những người con của cùng một Mẹ Tổ quốc".

Sau khi giải tỏa, chính quyền cho xây lên những tòa nhà hiện đại, đưa khoảng 100 cán bộ đảng cộng sản về làm nòng cốt tại Lạc Nhược Hương, sáu quan chức đảng đã được cử làm lãnh đạo tu viện. Bắc Kinh không quên các cuộc biểu tình của tu sĩ Phật giáo tại Lhassa hồi tháng 3/2008, sau đó mở rộng trên toàn cao nguyên Tây Tạng. Người biểu tình đòi hỏi phải cho Đạt Lai Lạt Ma quay về, tố cáo bị chèn ép về kinh tế, văn hóa, tín ngưỡng. Phong trào đã bị đàn áp thẳng tay, nhưng một dạng phản kháng khác nổi lên : trên 150 người Tây Tạng đã tự thiêu phản đối Trung Quốc kể từ năm 2009.

Le Monde còn nêu ra trường hợp Tashi Wangchuk, một thanh niên 30 tuổi bị kết án 5 năm tù hồi tháng Năm vì "xúi giục ly khai". Tội của anh là đã công khai xuất hiện trong một video dài 9 phút của New York Times hồi cuối năm 2015, đòi hỏi trẻ em Tây Tạng phải được học tiếng mẹ đẻ trong trường học. Anh tố cáo : "Trên toàn vùng Tây Tạng, từ tiểu học cho đến trung học, không còn có một chương trình nào được giảng dạy bằng ngôn ngữ của chúng tôi".

Theo Wangchuk, đây là "sự thảm sát có hệ thống nền văn hóa Tây Tạng". "Về chính trị, khi một quốc gia muốn diệt trừ một quốc gia khác, thì trước hết phải tiêu diệt ngôn ngữ và chữ viết của quốc gia đó".

Trung Quốc cao giọng khoe bảo vệ các sắc tộc thiểu số, nhưng theo nhà nghiên cứu Maya Wang của Human Rights Watch, việc kết án Tashi Wangchuk nằm trong quy trình "đồng hóa nền văn hóa Tây Tạng".

"Chim thần" Hainan Airlines bơ vơ

Cũng liên quan Trung Quốc nhưng về kinh tế tư doanh, Le Monde mô tả những chiếc phi cơ A330 mới tinh đậu trên phi trường Toulouse, như những đứa trẻ bị bỏ rơi. Một con chim thần xòe đôi cánh vàng với chiếc đuôi màu đỏ : đó là biểu tượng của Hainan Airlines, công ty hàng không có trụ sở ở đảo Hải Nam Trung Quốc.

Tập đoàn Airbus không giao máy bay vì chưa được công ty mẹ của Hainan Airlines là HNA thanh toán. Tập đoàn tư nhân Trung Quốc đang gặp khó khăn lớn về tài chính. Những chiếc phi cơ trên và cả HNA đang "mồ côi" : ông Vương Kiện (Wang Jian) đồng chủ tịch tập đoàn đã tử nạn sau khi rơi từ độ cao 15 mét hôm 4/7 tại Bonnieux, vùng núi Luberon của Pháp. Để chụp hình với hậu cảnh đồng quê nước Pháp xinh đẹp, ông Vương Kiện đã leo lên một bức tường nhỏ bên vách đá, và bị mất thăng bằng. Cuộc điều tra xác nhận đây là một tai nạn.

Tin xấu này đến vào lúc HNA đang cố xoay sở để giảm số nợ 90 tỉ đô la. Từ ba năm qua, HNA lao vào chiến dịch mua các công ty tên tuổi nước ngoài ; đổ ra gần 40 tỉ đô la để mua cổ phiếu Hilton, các cao ốc văn phòng Mỹ, những chuỗi cửa hàng phân phối. Nhưng đó là trước khi Bắc Kinh siết lại chính sách đầu tư, và Donald Trump khởi động chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Nay HNA phải vội vàng bán đi gần 14 tỉ đô la cổ phiếu trong sáu tháng gần đây. Le Monde kết luận, kinh nghiệm xương máu này là bài học cho "chủ nghĩa tư bản theo kiểu Trung Hoa".

Những ngôi làng Miến Điện cấm cửa người Hồi giáo

Cũng về Châu Á, đặc phái viên Libération tìm đến "Những ngôi làng Miến Điện cấm cửa người Hồi giáo". Đó là West Phar Gyi và Sin Ma Kaw ở miền tây nam, hai trong số 20 làng Phật giáo trên cả nước đã tuyên bố "vùng cấm đối với đạo Hồi".

Ở lối vào West Phar Gyi, là một loạt những tấm bảng kỳ lạ, cảnh báo : "Quý vị bước vào một ngôi làng hòa bình, chỉ có người đạo Phật cư ngụ". Bên bờ sông là một tấm bảng rõ ràng hơn : "Vùng cấm Hồi giáo".

Tại "ngôi làng hòa bình" này, những tín đồ đạo Hồi bị cấm mua nhà đất, cấm cả việc buôn bán với dân làng. Đây là niềm hãnh diện của nhà sư đứng đầu ngôi làng, liên kết với phong trào 969 chủ trương dân tộc chủ nghĩa và bài Hồi giáo. Cách đó gần 200 km, làng Sin Ma Kaw cũng dựng những tấm pa-nô phân biệt chủng tộc : "Chúng tôi lương thiện và thuộc một chủng tộc thượng đẳng. Sin Ma Kaw phải luôn là một làng thuần Phật giáo".

Trong khi đó đền thờ Hồi giáo gần West Phar Gyi bị hư hại nặng nề do trận bão Nargis năm 2008, mười năm qua vẫn chưa xin được giấy phép tu sửa. Những bức tường nứt rạn, chuẩn bị đổ sụp xuống nền nhà chi chít những khe rãnh như một tấm gương vỡ.

Thái Lan : Bí mật cuộc giải cứu đội bóng Heo Rừng

Tại Thái Lan, Le Figaro tiết lộ những bí mật trong cuộc giải cứu các trẻ em bị kẹt trong hang động Tham Luang. Cả 13 cầu thủ nhỏ tuổi cùng với huấn luyện viên của đội bóng Heo Rừng đã được đưa lên mặt đất an toàn, và sẽ coi trận chung kết Cúp bóng đá thế giới từ giường bệnh.

Tại trung tâm chỉ huy ở tỉnh Chieng Rai, nơi 1.000 viên chức được huy động, nhà chức trách đã làm mọi cách, chuẩn bị chiến dịch giải cứu chưa từng thấy. Lực lượng hải quân Navy Seal đặt các bình oxy cứ mỗi 25 mét trong hang, tổng cộng 700 bình, trong lúc các máy bơm nước hoạt động hết công suất, tháo đi một lượng nước tương đương 400 hồ bơi Olympic, theo tính toán của Wall Street Journal.

Và Chủ nhật tuần rồi, các thợ lặn đã vào hang tối kèm từng em một, vượt qua dòng nước bùn trong năm tiếng đồng hồ. Sức nước mạnh đến nỗi có khi mặt nạ dưỡng khí bị tuột khỏi người cứu hộ. Mỗi em được một thợ lặn nắm chặt tay hướng dẫn, và một thợ lặn khác mang giúp bình oxy, ngoài bình dưỡng khí của bản thân mình, mỗi một bước hụt đều rất nguy hiểm.

Mối lo chính là tinh thần, nếu hoảng sợ có nguy cơ chết chìm. Do đó các trẻ em được cho uống thuốc an thần, tất cả đều trong tình trạng nửa mê nửa tỉnh trong suốt cuộc hành trình. Chiến lược này được tướng Prayut Chan-O-Cha mập mờ tiết lộ, vì tất cả đều phải được giữ bí mật cho đến phút chót.

Donald Trump "đại náo" NATO

Về thời sự quốc tế, chủ đề được tất cả các báo đề cập đến là Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh NATO tại Bruxelles, được báo chí Pháp mô tả là diễn ra trong một không khí nặng nề.

Le Monde cho biết, khi chuyên cơ chở ông Trump hạ cánh xuống thủ đô Bỉ vào lúc 21 giờ thứ Ba 10/7, ra đón tổng thống Mỹ chỉ là người phụ trách nghi thức của Bộ Ngoại giao Bỉ. Không phải là thủ tướng, cũng không có bộ trưởng nào hiện diện, thành viên hoàng gia lại càng không.

Loạt đại bác đầu tiên của Donald Trump : "Nhiều nước không chịu trả tiền, và nói thẳng là nợ chúng tôi khá lớn từ nhiều năm qua". Loạt thứ hai : "Chúng tôi bảo vệ Đức, Pháp… và nói chung là tất cả". Viên đạn thứ ba dành cho bà Angela Merkel : "Đức hoàn toàn bị Nga kiểm soát vì dùng đến 60-70% năng lượng từ Nga". Tuy nhiên thủ tướng Đức vẫn trấn tĩnh, vì trong thâm tâm bà rất tin tưởng vào NATO.

Cũng theo Le Monde, trước khi ông Trump đến, chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đã yêu cầu tổng thống Mỹ "tôn trọng các đồng minh hơn". Ông Tusk nhắc nhở, sau khi nước Mỹ bị khủng bố ngày 11/09/2001, lần đầu tiên kể từ năm 1949 NATO đã kích hoạt Điều 5 trong hiệp ước : trong trường hợp một đồng minh bị tấn công, thì tất cả các quốc gia thành viên đều liên quan.

Nước Pháp tràn trề hy vọng, Les Bleus thận trọng

Cuối cùng là World Cup 2018, đề tài chiếm nhiều trang báo nhất hôm nay, từ "Didier Deschamps, cuộc sống vì một ngôi sao thứ hai" (Le Figaro) cho đến đối thủ "Zatko Dalic, người lính cứu hỏa của Croatia (Libération)… Bài xã luận của La Croix nhắc nhở "Lòng ái quốc phải đặt đúng chỗ", trong khi xã luận Le Figaro ngoặt sang "Một trận bóng khác" - trận đấu giữa Donald Trump và cựu lục địa. Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định "World Cup, sức bật kinh tế cho bóng đá Pháp".

Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF) chưa bao giờ có ngân sách dồi dào như thế, với thu nhập trên 250 triệu euro trong năm nay, hàng loạt nhà tài trợ quay trở lại, còn đội tuyển áo lam được trang Transfermarkt đánh giá có tổng trị giá 1,08 tỉ euro. Chỉ riêng tài năng trẻ Kylian Mbappé đã có thể đạt 400 triệu euro, theo L’Equipe.

Nếu thắng trong trận chung kết Chủ nhật tới, cả 23 cầu thủ đội Pháp sẽ nhận số tiền thưởng rất lớn : từ 350.000 đến 400.000 euro mỗi người, còn nếu thua cũng được 280.000 euro. Tuy nhiên Mbappé đã hứa sẽ tặng lại cho một hiệp hội giúp người khuyết tật, và các đồng đội của anh không ít thì nhiều, cũng sẽ tặng tiền cho các tổ chức từ thiện khác nhau.

Trong bài "Les Bleus đã rút được bài học của Euro 2016", Le Figaro ghi nhận câu nói của trung vệ 25 tuổi Paul Pogba, nhìn nhận hồi đó cả đội đều chủ quan, chắc thắng trước Bồ Đào Nha, nhưng nay sẽ không phạm lại sai lầm cũ là khinh địch.

Tựa chính báo Pháp

La Croixhôm nay đăng ảnh đội tuyển áo lam, chạy tựa "Một sự nhiệt thành đặc Pháp" : bản anh hùng ca đưa Les Bleus đến trận chung kết World Cup Chủ nhật 15/07/2018, đã tạo ra sự năng động trên toàn quốc.

Về giáo dục, Libération phàn nàn "Giáo dục đại học và cao đẳng : Các trường tư trúng số". Học phí đắt đỏ và thường thiếu nghiêm túc, các tư thục có một thị trường đang tăng trưởng với số sinh viên tăng lên.

Trong khi đó Le Figaro báo động "Khí hậu : Nóng gắt trên toàn hành tinh". Từ một tháng qua, các kỷ lục về thời tiết nóng nối tiếp nhau tại Bắc bán cầu. Các nhà khí tượng học dự báo những thời kỳ nóng bức sẽ trở nên thường xuyên hơn, gắt gao hơn và kéo dài hơn.

Le Mondenhìn sang "Thượng đỉnh NATO : Trump ngược đãi các đồng minh". Tổng thống Mỹ cáo buộc các quốc gia NATO không đầu tư đúng mức cho quốc phòng, đòi tăng chi quân sự lên 4% GDP. Donald Trump đả kích Đức lệ thuộc Nga về năng lượng, và cũng không nhẹ lời đối với Anh quốc đang trong vòng xoáy Brexit.

Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định "Chiến tranh thương mại đè nặng lên tăng trưởng" : Ủy ban Châu Âu phải giảm dự báo về mức tăng GDB trong khu vực đồng euro.

Thụy My

Published in Quốc tế

Chùa Đại Chiêu, biểu tượng Phật giáo Tây Tạng bị hỏa hoạn (RFI, 18/02/2018)

Ngày 17/02/2018, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại chùa Đại Chiêu (Jokhang), một trong những ngôi chùa theo hệ phái Phật giáo Mật Tông linh thiêng nhất của thủ phủ Lhassa, Tây Tạng. Nguyên nhân vụ hỏa hoạn và thiệt hại ra sao cho quần thể được xếp hạng Di sản Văn hóa Thế Giới hiện chưa được biết rõ.

mattong1

Một góc khu chùa Đại Chiêu (Jokhang) của người Tây Tạng. Ảnh chụp ngày 10/09/2016. JOHANNES EISELE / AFP

Theo tường thuật của AFP, có rất ít thông tin về vụ hỏa hoạn tại chùa Đại Chiêu trên truyền thông Trung Quốc. Các hình ảnh video trên mạng xã hội đã bị kiểm duyệt. Duy trên Twitter, người ta có thể thấy những cột lửa khổng lồ.

Chính quyền Tây Tạng chỉ thông báo ngắn gọn là lửa đã được dập tắt, và không có nạn nhân nào. Người ta không biết là vụ hỏa hoạn này là do cố tình hay vô ý xảy ra. Theo những người Tây Tạng ở nước ngoài, chính phủ Trung Quốc đang tìm cách giảm thiểu tầm mức thiệt hại để không gây ra xáo trộn.

Giới nghiên cứu cho rằng bất kể hệ quả ra sao, vụ hỏa hoạn này gây nhiều sự chú ý do vị thế quan trọng của chùa Đại Chiêu đối với người dân Tây Tạng.

Trả lời câu hỏi của đài RFI, nhà dân tộc học và chuyên gia về Tây Tạng, bà Katia Buffetrille giải thích :

"Đây là một trong những ngôi chùa đầu tiên do vua Tây Tạng, Tùng Tán Cán Bố, người đã có công thống nhất Tây Tạng, cho xây dựng vào thế kỷ thứ VII.

Bên trong chùa là nơi ngự tọa một bức tượng Phật linh thiêng nhất Tây Tạng, bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni lúc 12 tuổi. Và dường như theo truyền thuyết, bức tượng này do chính Ngài thánh hóa. Người dân Tây Tạng ai cũng mong muốn có ngày được thấy và rạp mình trước bức tượng này.

Theo dòng thời gian, chùa Đại Chiêu được mở rộng dần, và là nơi mang tính biểu tượng tôn giáo và chính trị quan trọng của Tây Tạng. Chùa Đại Chiêu trở thành một địa điểm ở đó người dân Tây Tạng đến bày tỏ thái độ phản đối với các luật lệ của Trung Quốc.

Mọi cuộc biểu tình của các nhà sư, luôn luôn ôn hòa, bắt đầu từ những năm 1980-1990, thậm chí vào năm 2008, đều hướng về chùa Đại Chiêu và tuần hành vòng quanh ngôi chùa này. Vụ hai nhà sư trẻ Tây Tạng tự thiêu năm 2012 cũng đã diễn ra trước chùa Đại Chiêu".

Minh Anh

*******************

Chùa thiêng Tây Tạng chìm trong lửa (BBC, 18/02/2018)

Lửa bùng lên dữ dội tại một trong những đền thờ quan trọng nhất của Phật giáo Tây Tạng - Chùa Đại Chiêu (Jokhang) ở Lhasa.

mattong2

Lửa bùng lên dữ dội tại Chùa Đại Chiêu (Jokhang) ở Lhasa, Tây Tạng

Đoạn phim được đăng trên mạng xã hội cho thấy ngọn lửa bốc ra từ mái nhà và có vẻ như ít nhất một ngôi chùa chìm trong lửa.

Truyền thông Trung Quốc nói vụ hỏa hoạn bắt đầu vào cuối ngày thứ Bảy 17/2 và đã được dập tắt.

Không có báo cáo về thương vong.

Hiện chưa rõ mức độ thiệt hại đối với quần thể tu viện này. Truyền thông Trung Quốc cho biết không có thiệt hại nào đối với các di tích văn hoá.

Tây Tạng, vùng đất Phật giáo hẻo lánh được gọi là "mái nhà của thế giới", vận hành như một khu tự trị của Trung Quốc.

Chùa Đại Tiêu hơn 1.000 năm tuổi và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Các báo cáo cho hay giới chức Trung Quốc đã nhanh chóng chặn các hình ảnh và video vụ hỏa hoạn trên mạng xã hội.

Bắc Kinh duy trì kiểm soát chặt chẽ việc đưa tin về Tây Tạng, vùng đất Phật giáo nơi từng là điểm nóng về tình trạng bất ổn của người ly khai.

Hỏa hoạn xảy ra khi người Tây Tạng tổ chức Losar, năm mới truyền thống của họ, bắt đầu vào thứ Sáu 16/2.

Tây Tạng có một lịch sử hỗn loạn. Có những giai đoạn Tây Tạng vận hành như một vùng đất tự trị. Một số giai đoạn khác Tây Tạng được cai trị bởi các triều đại Trung Hoa và Mông Cổ.

Trung Quốc từng gửi hàng ngàn binh lính tới Tây Tạng để thực thi tuyên bố lãnh thổ đối với vùng đất này vào năm 1950. Một số khu vực trở thành Khu tự trị Tây Tạng, một số khu khác được sát nhập vào các tỉnh lân cận của Trung Quốc.

Trung Quốc nói rằng Tây Tạng phát triển đáng kể dưới sự quản lý của chính quyền Bắc Kinh.

Nhưng các nhóm nhân quyền nói rằng Trung Quốc tiếp tục vi phạm nhân quyền, buộc tội nước này đàn áp chính trị và tôn giáo - điều mà Bắc Kinh phủ nhận.

Published in Châu Á