Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

18/02/2018

Biểu tượng hệ phái Phật giáo Mật tông ở Tây Tạng bị thiêu rụi

Tổng hợp

Chùa Đại Chiêu, biểu tượng Phật giáo Tây Tạng bị hỏa hoạn (RFI, 18/02/2018)

Ngày 17/02/2018, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại chùa Đại Chiêu (Jokhang), một trong những ngôi chùa theo hệ phái Phật giáo Mật Tông linh thiêng nhất của thủ phủ Lhassa, Tây Tạng. Nguyên nhân vụ hỏa hoạn và thiệt hại ra sao cho quần thể được xếp hạng Di sản Văn hóa Thế Giới hiện chưa được biết rõ.

mattong1

Một góc khu chùa Đại Chiêu (Jokhang) của người Tây Tạng. Ảnh chụp ngày 10/09/2016. JOHANNES EISELE / AFP

Theo tường thuật của AFP, có rất ít thông tin về vụ hỏa hoạn tại chùa Đại Chiêu trên truyền thông Trung Quốc. Các hình ảnh video trên mạng xã hội đã bị kiểm duyệt. Duy trên Twitter, người ta có thể thấy những cột lửa khổng lồ.

Chính quyền Tây Tạng chỉ thông báo ngắn gọn là lửa đã được dập tắt, và không có nạn nhân nào. Người ta không biết là vụ hỏa hoạn này là do cố tình hay vô ý xảy ra. Theo những người Tây Tạng ở nước ngoài, chính phủ Trung Quốc đang tìm cách giảm thiểu tầm mức thiệt hại để không gây ra xáo trộn.

Giới nghiên cứu cho rằng bất kể hệ quả ra sao, vụ hỏa hoạn này gây nhiều sự chú ý do vị thế quan trọng của chùa Đại Chiêu đối với người dân Tây Tạng.

Trả lời câu hỏi của đài RFI, nhà dân tộc học và chuyên gia về Tây Tạng, bà Katia Buffetrille giải thích :

"Đây là một trong những ngôi chùa đầu tiên do vua Tây Tạng, Tùng Tán Cán Bố, người đã có công thống nhất Tây Tạng, cho xây dựng vào thế kỷ thứ VII.

Bên trong chùa là nơi ngự tọa một bức tượng Phật linh thiêng nhất Tây Tạng, bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni lúc 12 tuổi. Và dường như theo truyền thuyết, bức tượng này do chính Ngài thánh hóa. Người dân Tây Tạng ai cũng mong muốn có ngày được thấy và rạp mình trước bức tượng này.

Theo dòng thời gian, chùa Đại Chiêu được mở rộng dần, và là nơi mang tính biểu tượng tôn giáo và chính trị quan trọng của Tây Tạng. Chùa Đại Chiêu trở thành một địa điểm ở đó người dân Tây Tạng đến bày tỏ thái độ phản đối với các luật lệ của Trung Quốc.

Mọi cuộc biểu tình của các nhà sư, luôn luôn ôn hòa, bắt đầu từ những năm 1980-1990, thậm chí vào năm 2008, đều hướng về chùa Đại Chiêu và tuần hành vòng quanh ngôi chùa này. Vụ hai nhà sư trẻ Tây Tạng tự thiêu năm 2012 cũng đã diễn ra trước chùa Đại Chiêu".

Minh Anh

*******************

Chùa thiêng Tây Tạng chìm trong lửa (BBC, 18/02/2018)

Lửa bùng lên dữ dội tại một trong những đền thờ quan trọng nhất của Phật giáo Tây Tạng - Chùa Đại Chiêu (Jokhang) ở Lhasa.

mattong2

Lửa bùng lên dữ dội tại Chùa Đại Chiêu (Jokhang) ở Lhasa, Tây Tạng

Đoạn phim được đăng trên mạng xã hội cho thấy ngọn lửa bốc ra từ mái nhà và có vẻ như ít nhất một ngôi chùa chìm trong lửa.

Truyền thông Trung Quốc nói vụ hỏa hoạn bắt đầu vào cuối ngày thứ Bảy 17/2 và đã được dập tắt.

Không có báo cáo về thương vong.

Hiện chưa rõ mức độ thiệt hại đối với quần thể tu viện này. Truyền thông Trung Quốc cho biết không có thiệt hại nào đối với các di tích văn hoá.

Tây Tạng, vùng đất Phật giáo hẻo lánh được gọi là "mái nhà của thế giới", vận hành như một khu tự trị của Trung Quốc.

Chùa Đại Tiêu hơn 1.000 năm tuổi và được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Các báo cáo cho hay giới chức Trung Quốc đã nhanh chóng chặn các hình ảnh và video vụ hỏa hoạn trên mạng xã hội.

Bắc Kinh duy trì kiểm soát chặt chẽ việc đưa tin về Tây Tạng, vùng đất Phật giáo nơi từng là điểm nóng về tình trạng bất ổn của người ly khai.

Hỏa hoạn xảy ra khi người Tây Tạng tổ chức Losar, năm mới truyền thống của họ, bắt đầu vào thứ Sáu 16/2.

Tây Tạng có một lịch sử hỗn loạn. Có những giai đoạn Tây Tạng vận hành như một vùng đất tự trị. Một số giai đoạn khác Tây Tạng được cai trị bởi các triều đại Trung Hoa và Mông Cổ.

Trung Quốc từng gửi hàng ngàn binh lính tới Tây Tạng để thực thi tuyên bố lãnh thổ đối với vùng đất này vào năm 1950. Một số khu vực trở thành Khu tự trị Tây Tạng, một số khu khác được sát nhập vào các tỉnh lân cận của Trung Quốc.

Trung Quốc nói rằng Tây Tạng phát triển đáng kể dưới sự quản lý của chính quyền Bắc Kinh.

Nhưng các nhóm nhân quyền nói rằng Trung Quốc tiếp tục vi phạm nhân quyền, buộc tội nước này đàn áp chính trị và tôn giáo - điều mà Bắc Kinh phủ nhận.

Quay lại trang chủ
Read 778 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)