Bất chấp Trung Quốc, Mỹ tiếp tục tuần tra Biển Đông (VOA, 19/02/2018)
Các lực lượng Hoa Kỳ không nao núng trước hành động quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông, và sẽ tiếp tục tuần tra ở bất kỳ nơi nào "luật pháp quốc tế cho phép" trên vùng biển chiến lược này, một sĩ quan hải quân Mỹ tuyên bố.
Các ngư dân trên một chiếc thuyền gần hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson khi nó thả neo ở Vịnh Manila, Philippines, hôm 17/2.
Luật pháp quốc tế cho phép chúng tôi hoạt động ở đây, cho phép chúng tôi bay ở đây, cho phép chúng tôi huấn luyện ở đây, cho phép chúng tôi ra khơi ở đây, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó.
Sĩ quan hải quân tàu USS Carl Vinson nói.
AP dẫn lời Thiếu tá Tim Hawkins nói như vậy trên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson, vốn thường tham gia tuần tra trên không và trên biển trong khu vực suốt 70 năm qua nhằm củng cố an ninh và đảm bảo rằng dòng chảy thương mại giữa các nền kinh tế Châu Á và Mỹ không bị cản trở.
"Luật pháp quốc tế cho phép chúng tôi hoạt động ở đây, cho phép chúng tôi bay ở đây, cho phép chúng tôi huấn luyện ở đây, cho phép chúng tôi ra khơi ở đây, và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó", ông Hawkins nói hôm 17/2, trong khi chiến hạm Mỹ thả neo ở Vịnh Manila khi tới thăm Philippines.
"Chúng tôi cam kết. Chúng tôi hiện diện ở đây".
Chính quyền của Trump đã vạch ra một chiến lược an ninh mới, trong đó nhấn mạnh tới việc ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc và củng cố sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, nơi Bắc Kinh và Mỹ thường chỉ trích nhau gây ra cuộc chạy đua vũ trang và tìm cách gây ảnh hưởng rộng lớn, theo AP.
Theo ông Hawkins, hàng không mẫu hạm Carl Vinson chạy bằng năng lượng hạt nhân tuần tra trên Biển Đông trước chuyến thăm Manila, nhưng không tiến hành hoạt động thực thi quyền tự do hàng hải.
Tin tức cho biết rằng Carl Vinson dự kiến sẽ cập cảng ở Đà Nẵng, nhưng ông Hawkins không cho biết các thông tin chi tiết về các chuyến đi trong tương lai, theo AP.
*********************
Mỹ tiếp tục tuần tra Biển Đông bất chấp Trung Quốc (RFI, 18/02/2018)
Cảng Manila là chuyến ghé cảng hữu nghị đầu tiên trong hành trình tại Biển Đông của tầu sân bay USS Carl Vinson. Ngày 17/02/2018, một sĩ quan chỉ huy của tầu khẳng định quân đội Mỹ không "buông tay" trước đà phát triển quân sự của Trung Quốc trên nhiều thực thể bị nước này chiếm đóng ở Biển Đông và sẽ tiếp tục tuần tra ở những nơi được "luật pháp quốc tế cho phép"trong vùng biển chiến lược đang có tranh chấp này.
Chiến đấu cơ F-18 hạ cánh xuống tàu sân bay USS Carl Vinson trong chuyến tuần tra Biển Đông và ghé thăm cảng Philippines ngày 14/02/2018. AYEE MACARAIG / AFP
Trước báo giới được mời tham quan USS Carl Vinson, chỉ huy phó tàu sân bay Tim Hawkins khẳng định : "Luật pháp quốc tế cho phép chúng tôi hoạt động ở đây, bay ở đây, diễn tập ở đây, đi lại qua đây, và đó là những gì chúng tôi đang làm và sẽ tiếp tục làm".
Ông nhấn mạnh : "Chúng tôi đã cam kết. Chúng tôi có mặt ở đây" vì từ 70 năm qua, Hải Quân Hoa Kỳ vẫn tuần tra trên không và trên biển trong khu vực này để đảm bảo an ninh và giao thương hàng hải mang tính chiến lược cho cả nền kinh tế Châu Á và Hoa Kỳ.
Theo kế hoạch, sau chuyến ghé cảng hữu nghị tại Manila, tầu sân bay USS Carl Vinson sẽ không tiến hành tuần tra bảo vệ tự do hàng hải. Trả lời câu hỏi của AP về chuyến ghé cảng hữu nghị tại cảng Đà Nẵng sau đó, ông Hawkins từ chối tiết lộ thông tin về hải trình sắp tới.
Tầu sân bay USS Carl Vinson nặng 95.000 tấn, được đưa vào hoạt động từ cách đây 35 năm, chở 72 phi cơ, trong đó có chiến đấu cơ F-18 Hornet, máy bay trực thăng và máy bay tuần tra. Nếu đến Đà Nẵng vào tháng 03/2018, đây sẽ là chiến hạm đầu tiên của Mỹ cập cảng Việt Nam kể từ năm 1975.
Washington không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào về tranh chấp của các bên liên quan ở Biển Đông. Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ cho biết các chiến hạm Mỹ tiếp tục hoạt động gần các thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông mà không cần thông báo trước.
Thu Hằng
*******************
Biển Đông : CSIS nghi Bắc Kinh xây trung tâm do thám trên bãi Đá Chữ Thập (RFI, 18/02/2018)
South China Morning Post ngày 17/02/2018 trích dẫn báo cáo của Cơ quan Minh Bạch Hàng Hải CSIS của Mỹ nghi ngờ Trung Quốc đang cho xây dựng một trung tâm thu thập thông tin tình báo trên bãi Đá Chữ Thập, nằm trong quần đảo Trường Sa, Biển Đông.
Các công trình xây dựng của Trung Quốc trên Đá Chữ Thập, Trường Sa, Biển Đông (Ảnh vệ tinh do CISIS công bố ngày 29/06/2017) Reuters
Trong một báo cáo được công bố hôm thứ Sáu 16/02 vừa qua, CSIS cho rằng "rất có thể bãi Đá Chữ Thập sẽ được sử dụng như là một trung tâm viễn thông hay theo dõi cho quân đội Trung Quốc trong khu vực".
Mối nghi ngờ này được dựa trên cơ sở phân tích và đối chiếu các hình ảnh do chính vệ tinh của CSIS có được và những hình ảnh tờ Philippine Daily Inquirer đưa ra hồi đầu tháng 2/2018.
Cơ quan Minh Bạch Hàng Hải cho rằng Trung Quốc đã trang bị ở phía đông bắc đảo Đá Chữ Thập một mạng lưới các thiết bị cảm ứng và viễn thông có quy mô lớn hơn so với những đảo đá nhân tạo khác trong quần đảo Trường Sa.
Bãi Đá Chữ Thập là một trong số các đảo đá được cải tạo nhiều nhất, với tổng diện tích được xây dựng trong năm 2017 là khoảng 100 ngàn m².
Sau khi đã hoàn tất việc xây dựng một đường băng dài 3.000m ở phía bắc đảo vào năm 2015, Bắc Kinh lần lượt hoàn thiện việc xây dựng các nhà chứa chiến đấu cơ, xe tăng tiếp nhiên liệu và máy bay vận tải ở phía nam của đường băng này vào năm rồi.
Minh Anh
****************
Tàu sân bay Mỹ Carl Vinson đến Biển Đông ghé cảng Philippines (RFI, 17/02/2018)
Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đã đến Biển Đông và đã cập bến cảng Manila tại Philippines vào ngày 16/02/2018, trong khuôn khổ một chuyến ghé cảng hữu nghị. Tháp tùng theo hàng không mẫu hạm Mỹ là khu trục hạm được trang bị tên lửa dẫn đường USS Michael Murphy. Thủy thủ đoàn Mỹ bao gồm tổng cộng 5.500 người.
Tầu sân bay USS Carl Vinson, trên Thái Bình Dương. Ảnh chụp ngày 31/05/2015. CC/U.S. Navy
Trong một bản thông cáo, ban chỉ huy nhóm tác chiến của tàu Carl Vinson xác nhận họ đang hoạt động ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương để phối hợp với các đối tác và đồng minh, phát huy quyền tự do trên biển và cải thiện an ninh khu vực.
Hành trình của tàu sân bay Carl Vinson đang rất được chú ý vì lẽ con tàu này đã được Hoa Kỳ chọn để ghé cảng Đà Nẵng của Việt Nam, trong một chuyến thăm lịch sử dự kiến vào tháng 03/2018.
Khả năng hàng không mẫu hạm Mỹ ghé cảng Việt Nam đã khiến Trung Quốc quan ngại, mặc dù trên bình diện chính thức, Bắc Kinh luôn tuyên bố rằng đó là một diễn biến bình thường.
Trung Quốc được cho là đã bật đèn xanh cho Hoàn Cầu Thời Báo bắn đi những thông điệp cảnh báo. Ngay vào lúc chiếc USS Carl Vinson ghé Manila, cái loa của các thành phần diều hâu Trung Quốc đã khẳng định rằng việc cho chiếc tàu này vào biển Đông phản ánh một thái độ "bất an" của Washington trước đà trỗi dậy của Trung Quốc
Hoàn Cầu Thời Báo đã trích dẫn một nhà nghiên cứu Trung Quốc, Lưu Vệ Đông (Liu Weidong), thuộc Viện Nghiên Cứu Mỹ ở Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng : "Chính quyền Donald Trump đang cố gắng gây áp lực trên Trung Quốc bằng cách tạo ra nhiều vấn đề hơn, bao gồm cả vấn đề Biển Đông… bởi vì họ cảm thấy không thoải mái, không hài lòng trước khả năng cạnh tranh đang lên cao của Trung Quốc. Những động thái "khiêu khích" của Mỹ ở Biển Đông có thể sẽ còn xảy ra trong tương lai".
Tờ báo đã lưu ý là tàu sân bay Carl Vinson sẽ thăm Việt Nam trong tháng 03/2018, phản ánh sự hiện diện lớn nhất của lực lượng quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam kể từ 1975.
Trọng Nghĩa