Sau Ukraine đến Israel, Mỹ tiếp tục công khai tin tình báo để răn đe
Dù Israel bị tấn công chưa từng thấy, cộng đồng quốc tế vẫn yêu cầu không trả đũa Iran. Đó là chủ đề được các báo Pháp cùng đề cập hôm nay 16/04/2024, như tít chính của Le Monde : "Israel-Iran : Cuộc vận động để tránh xung đột bùng nổ". Le Figaro giải thích "Tình báo Mỹ đã lại trở thành trung tâm của cuộc chơi như thế nào".
Đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc Gilad Erdan giơ lên cho các thành viên Hội đồng Bảo an tại New York xem một video về cuộc tấn công hỏa tiễn của Iran, ngày 14/04/2024. Reuters - Eduardo Munoz
Sáu mươi tấn thuốc nổ trên bầu trời Israel
Les Echos ghi nhận sự bàng hoàng của quốc tế : Xưa nay chưa bao giờ Iran tấn công trực tiếp vào Nhà nước Do Thái. Tất cả các nước dù là đồng minh của Israel hay không đều kêu gọi xuống thang. Hoa Kỳ nói rằng không muốn một cuộc chiến tranh mở rộng với Iran, tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi tránh xung đột lan ra khu vực.
Berlin, Paris và Luân Đôn đều đưa ra cùng một lý do : Israel đã chiến thắng, và không nên làm ảnh hưởng đến thành công này. Ngoại trưởng Anh David Cameron nói rằng Iran phải chịu đựng hai thất bại cùng lúc : hầu như tất cả 350 drone và hỏa tiễn đều bị bắn hạ, mà vị trí của Tehran trong khu vực còn bị lung lay. Giới quân sự nhấn mạnh đây là một hành động chiến tranh chứ không phải đơn thuần là trả đũa vụ Israel oanh kích làm chết bảy sĩ quan cao cấp của Vệ binh Cách mạng, trong đó có hai tướng bị nghi là đã tổ chức vụ thảm sát ở Israel.
Ngay cả trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, chưa bao giờ có sự phối hợp đồng thời như (thế. Theo phát ngôn viên quân đội Israel Daniel Hagari, các drone, hỏa tiễn và rốc-kết bắn sang từ Iran, Yemen và Lebanon đã làm nổ tung 60 tấn thuốc súng trên bầu trời Israel. Tỉ lệ bắn hạ đến 99% là đáng sửng sốt. Có tất cả 170 drone, 120 hỏa tiễn đạn đạo và khoảng 30 hỏa tiễn hành trình, chưa kể khoảng 100 quả rốc-kết của Hezbollah.
Bắn hạ 99% : Thành tích chưa từng thấy
Cuộc tấn công chưa từng thấy được đáp trả một cách chưa từng thấy. Hải quân Mỹ tiêu diệt các hỏa tiễn hành trình trước khi chúng đến được Israel. Các drone do những phi cơ tiêm kích phương Tây bắn hạ, trong đó có quân đội Pháp vốn có một căn cứ ở Jordan.Về phía Israel chặn được 110 hỏa tiễn đạn đạo bằng các hệ thống lá chắn Vòm Sắt, Mặt trận David và Arrow 3. Thành công này là tin tức tuyệt vời cho kỹ nghệ vũ khí Israel và phương Tây. Một sĩ quan cao cấp cho biết : "Chúng ta vẫn có ưu thế rõ rệt về năng lực tình báo và bắn chặn, vì các hỏa tiễn của Tehran chưa thật tinh vi, còn các drone thì bay thẳng và kêu rất to nên dễ dàng phát hiện".
Theo dự báo của tác giả Frédéric Encel, Israel sẽ đáp trả nhưng không phải ngay lập tức, sự trả đũa sẽ đến từ từ và dần tăng mạnh với Hezbollah. Trung Quốc và Châu Âu không muốn một cuộc chiến cường độ cao dẫn đến đóng cửa eo biển Ormuz, ảnh hưởng đến thương mại thế giới. Không ai muốn giá một thùng dầu lên đến 150 đô la. Ngược lại, với sự nhất trí lên án của G7, nhiều nhà quan sát cho rằng Israel sẽ tăng cường răn đe. Sự tham gia bảo vệ Israel của Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Jordan cho thấy Nhà nước Do Thái không còn bị cô lập, và có thể là khởi đầu của một liên minh.
Chuyên gia Michel Duclos của Viện Montaigne nhận xét : "Các chính phủ Ả rập đứng về phía Israel đã chịu rủi ro đáng kể với dư luận trong nước cũng như với Iran". Một bước ngoặt trong khi chính quyền Netanyahou đang bị chỉ trích vì từ chối ngưng bắn ở Gaza. Israel sẽ làm gì đây ? Nội các chiến tranh lại họp, và hiện nay ưu tiên vẫn là đưa được các con tin ở Gaza trở về.
Tấn công Iran hay không ?
Le Monde phân tích "Trả đũa hay hòa dịu : Thế lưỡng nan của Israel", Les Echos giải thích "Tại sao Israel chần chừ tung ra cuộc đáp trả Iran". Các thành viên nội các chiến tranh Israel tỏ ra chia rẽ, khó thể dung hòa giữa những con diều hâu và những người thực dụng. Chỉ có một điều chắc chắn là thủ tướng Benjamin Netanyahou bị áp lực của Joe Biden, đã đề nghị ông suy nghĩ hai lần trước khi tung ra cuộc tấn công quy mô vào Iran, có thể gây ra một cuộc chiến tranh khu vực.
Theo đài phát thanh quân đội, thủ tướng cần phải chọn lựa giữa trừng phạt nặng nề Tehran về quân sự, hay củng cố liên minh quốc tế nhằm gia tăng cấm vận chương trình nguyên tử Iran, được coi là mối đe dọa trực tiếp cho sự tồn vong của Nhà nước Do Thái. Trong khi chờ đợi, thành công ngoạn mục của hệ thống phòng vệ Israel khiến các nhà sản xuất vũ khí được chắp cánh. Họ nhấn mạnh chưa có quân đội nào kể cả trong chiến tranh Ukraine phải đối đầu đồng thời với số lượng lớn hỏa tiễn và drone đủ loại như vậy.
"Vòm Sắt" hoạt động ra sao ?
Le Figaro giải thích về cách hoạt động của Vòm Sắt. Theo nhà sản xuất, hệ thống này có thể bắn hạ những vật thể ở cách 70 kilomet, bất kể ngày hay đêm và điều kiện thời tiết như thế nào - mưa, sương mù... Lá chắn chống tên lửa được triển khai cách đây khoảng mười mấy năm đã chặn được hàng ngàn quả rốc-kết của Palestine bắn sang từ Gaza. Hệ thống đầu tiên được lắp đặt năm 2011 tại Beersheva trong sa mạc Negev, số khác sau đó đặt tại Ashkelon và ở biên giới Lebanon, Syria. Mỗi "lá chắn" gồm một radar, phần mềm kiểm soát và ba giàn phóng, mỗi giàn trang bị 20 hỏa tiễn bắn chặn. Mỗi lần bắn tốn khoảng 40.000 euro. Mục đích không nhằm tiêu diệt tất cả hỏa tiễn, nhưng chỉ những chiếc nào có đường bay nhắm vào khu dân cư.
Khi có cảnh báo, radar định vị mối đe dọa, có thể phát hiện được vật thể bắn đi ở cách 100 kilomet, theo dõi 200 mục tiêu một phút. Nhận được dữ liệu từ radar, máy tính sẽ xác định điểm bị tác động. Nếu nằm trong khu đông dân, hệ thống phóng sẽ được kích hoạt, hỏa tiễn bắn chặn Tamir trang bị các cảm biến điện quang được phóng đi. Năm 2016, phiên bản hải quân được trắc nghiệm và đến tháng 3 vừa qua, bản cải tiến có thể bắn chặn đồng thời các rốc-kết, hỏa tiễn và drone. Ngoài Vòm Sắt, Israel còn có hệ thống Arrow chặn được hỏa tiễn đạn đạo, và David's Sling dành cho hỏa tiễn tầm trung. Tháng 3/2021, Israel giới thiệu "Iron sting", loại moọc-chê có laser dẫn đường, có thể đánh chính xác vào các mục tiêu ở khu đô thị.
Ukraine và Israel : Tình báo Mỹ báo trước cả hai cuộc chiến
Le Figaro cho biết "Tình báo Mỹ đã trở thành trung tâm của cuộc chơi như thế nào". Thông qua "những nguồn ẩn danh", chính quyền Mỹ đã báo cho truyền thông trước nhiều ngày về việc Iran sắp tấn công Israel, tước mất của Tehran yếu tố bất ngờ. Đồng thời gởi đi thông điệp cho các đồng minh cũng như địch thủ.
Sau đó chính tổng thống Mỹ cảnh báo Iran về "cam kết không gì lay chuyển của Mỹ" và "sẽ làm tất cả để bảo vệ an ninh Israel". Cùng lúc đó tướng Mỹ Michael Kurilla đích thân đến Israel để "phối hợp phòng vệ". Các cơ quan tình báo Mỹ cũng dự đoán được cả số lượng "khoảng 100" drone và hỏa tiễn, xuất phát từ "các đồng minh của Iran trong khu vực". Bên cạnh đó, quan sát việc dịch chuyển các thiết bị quân sự trên lãnh thổ Iran, nhất là drone và hỏa tiễn hành trình, Mỹ nhận định Tehran lần đầu tiên có thể tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Israel sau thời gian dài chống phá ngấm ngầm.
Các mục tiêu nhìn chung cũng được đoán trước. Đến thứ Sáu, Biden lặp lại cảnh báo, kêu gọi Iran "Đừng làm như vậy". Chiều thứ Bảy, đang nghỉ cuối tuần ở Delaware, tổng thống Mỹ quay lại Nhà Trắng vài giờ trước cuộc tấn công. Hội đồng an ninh nhanh chóng họp toàn thể trong Phòng Tình thế, bức ảnh được phổ biến ngay cho báo chí.
Công khai thông tin để răn đe, mất đi yếu tố bất ngờ
Hai năm sau khi Nga xâm lăng Ukraine, được Hoa Kỳ thông báo trước, phương thức tiết lộ tin tình báo với mục đích chiến lược đã trở thành quen thuộc đối với chính quyền Mỹ. Tuy những tiết lộ này không phải lúc nào cũng răn đe được, nhưng ít nhất làm cuộc tấn công không còn gây bất ngờ. Giám đốc tình báo Avril Haines và giám đốc CIA William Burns còn lý thuyết hóa dưới cái tên "giải mã chiến lược", nhằm cảnh cáo địch thủ, tập hợp các đồng minh và đấu tranh chống bóp méo thông tin nơi công chúng.
Khi công bố những thông tin tương tự, Hoa Kỳ hy vọng làm giảm áp lực của Trung Quốc lên Đài Loan, răn đe Serbia không chiếm đóng Kosovo và buộc Iran phải giảm bớt sự hỗ trợ phe Houthi trên Hồng Hải. Việc cố tình "rò rỉ" thông tin còn nhằm gởi thông điệp cho các địch thủ như Iran mà Mỹ không có quan hệ ngoại giao. Những kênh gián tiếp cũng được kích hoạt, thông qua Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ. Để chứng tỏ Mỹ không muốn leo thang trong khu vực, nội dung cuộc đối thoại giữa Joe Biden và Benjamin Netanyahou được tiết lộ một phần, theo đó Biden yêu cầu trả đũa chừng mực. Cách thức này bị phe Cộng hòa chỉ trích.
Sự quay lại của đế quốc tôn giáo "ưu việt"
Trên trang Ý kiến của Le Figaro, nhà thần học Jean-François Colosimo nhận xét, vụ tấn công của nước Cộng hòa Hồi giáo Iran vào Nhà nước Do Thái cho thấy sự quay lại của các đế quốc tôn giáo vốn tự coi mình là đứng trên tất cả. Hồi năm 614, người Ba Tư chiếm thành Jerusalem, cướp Thập tự giá làm chiến lợi phẩm. Thánh chiến đã được tuyên ! Thành phố Jerusalem vừa là biểu tượng vừa mang tính chiến lược, giờ đây lại bị đe dọa bởi những hỏa tiễn từ trên trời rơi xuống. Như vậy sau Crimea và Karabakh, trong khi chờ đợi Kashmir, thời điểm xoay chuyển địa chính trị trước hết được bộc lộ ở những nơi hội tụ các tôn giáo.
Ngay từ khi mới thành hình năm 1979, nước Cộng hòa Hồi giáo Iran đã lập ra chương trình hủy diệt Nhà nước Do Thái. Do không thể đương cự với Hoa Kỳ, các giáo sĩ tập trung đánh phá "Tiểu Satan" thay vì "Đại Satan". Thủ đoạn của họ rất khôn khéo. Làm thế nào nắm quyền khi là thiếu số người Ba Tư thuộc hệ phái Shia trong số đông đảo người Ả rập Sunni ? Bằng toàn trị xô-viết, bằng cách kích động hận thù, cáo buộc người Do Thái là đế quốc thực dân còn người Palestine là nạn nhân.
Để toàn cầu hóa Hồi giáo, Khomeini tìm được con dê tế thần. Ngay từ năm 1985, chế độ Tehran đã bắt đầu chiến tranh ủy nhiệm thông qua việc lập ra lực lượng Hezbollah ở Lebanon và Hamas ở Palestine. Tại Afghanistan, Iran thu dụng dân quân Fatemiyun, ở Iraq là Hachd Al Chaabi, tại Syria là Assadiste, ở Yemen phe Houthi và ở Gaza là Thánh chiến Hồi giáo. Sự "kềm chế" trong vụ tấn công ngày 13/04 không phải vì thận trọng mà mang tính chiến thuật. Iran không muốn một Đệ tam Thế chiến, nhưng là một cuộc chiến tranh toàn cầu miên viễn.
Thụy My
Trump : tình báo Mỹ 'ngây thơ' và nên 'đi học lại' (BBC, 31/01/2019)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã gọi các cơ quan tình báo Mỹ là "ngây thơ" đối với Iran và ông cũng bác bỏ đánh giá của họ về mối đe dọa do Bắc Hàn đặt ra.
Tổng thống Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Iran vào tháng Năm năm 2018
"Hãy cẩn thận với Iran. Có lẽ tình báo nên quay lại trường học !", ông Trump viết trên Twitter.
Phản ứng này được đưa ra sau khi một báo cáo tình báo Mỹ cho rằng Iran đang không chế tạo vũ khí hạt nhân.
Nó cũng nói rằng Bắc Hàn vẫn "không có vẻ từ bỏ" kho vũ khí và khả năng sản xuất của mình.
Giám đốc tình báo quốc gia Dan Coats và các giám đốc tình báo khác đã trình bày báo cáo Đánh giá Đe dọa Toàn cầu cho Thượng viện hôm thứ Ba, 29/01/2019.
Năm ngoái, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận năm 2015 về hạt nhân Iran, động thái đã làm nảy sinh chỉ trích rộng rãi từ các đồng minh của Washington.
'Thụ động, ngây thơ'
Ông Trump cũng đưa ra một nỗ lực ngoại giao để cải thiện quan hệ với Bắc Hàn, gặp gỡ nhà lãnh đạo nước này, ông Kim Jong-un, tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái để thảo luận về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Vào thời điểm đó, ông Trump cho biết cuộc gặp này đã chấm dứt mối đe dọa hạt nhân của Bắc Hàn- một tuyên bố bị một số chính trị gia và chuyên gia Mỹ nghi ngờ.
Báo cáo của tình báo Mỹ cũng cảnh báo rằng các mối đe dọa mạng từ Trung Quốc và Nga là mối lo ngại ngày càng tăng và cả hai nước có thể đang tìm cách gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Trong một loạt các thông điệp trên Twitter, ông Trump cho hay giới chức tình báo Mỹ "dường như cực kỳ thụ động và ngây thơ khi nói về sự nguy hiểm của Iran. Họ đã sai !"
Iran, ông tiếp tục cho biết, đã "gây rắc rối trên khắp Trung Đông, và nhiều hơn thế nữa" vào năm 2016, nhưng đã "khác biệt nhiều" kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà ông Trump gọi là "khủng khiếp".
Tuy nhiên, ông Trump cảnh báo rằng Tehran vẫn là "nguồn nguy hiểm và xung đột tiềm tàng", khi ông đề cập các vụ thử hỏa tiễn gần đây của Iran.
Về Bắc Hàn, Tổng thống Trump viết rằng "thời gian sẽ cho biết điều gì sẽ xảy ra với Bắc Hàn, nhưng vào thời điểm cuối của chính quyền trước đó, mối quan hệ là khủng khiếp và những điều rất tồi tệ đã sắp xảy ra.
"Nay là một câu chuyện hoàn toàn khác. Tôi mong được gặp Kim Jong-un trong thời gian ngắn. Tiến trình đang được thực hiện - một sự khác biệt lớn !"
Không phải lần đầu
Đây không phải là lần đầu tiên Trump va chạm với giới lãnh đạo tình báo Mỹ ?
Một dẫn chứng là năm ngoái, ông Trump đã phải đối mặt với một loạt các chỉ trích từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa sau khi ông bảo vệ Nga về những tuyên bố rằng nước này đã can thiệp trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã kết luận vào năm 2016 rằng Nga đứng sau một nỗ lực tác động vào bầu cử Mỹ chống lại ứng cử viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ, với một chiến dịch được nhà nước ủy quyền để tấn công mạng và tung tin tức giả mạo lên mạng xã hội.
Nhưng sau cuộc đối thoại trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Helsinki vào tháng 7/ 2018, ông Trump nói rằng không có lý do gì để nước Nga can thiệp.
Cố vấn đặc biệt của Hoa Kỳ Robert Mueller đang tiếp tục điều tra về các cáo buộc thông đồng với Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 tại Hoa Kỳ.
Tổng thống Trump đã nhiều lần mô tả cuộc điều tra này là một "cuộc săn phù thủy" hay cố "bới lông tìm vết".
*******************
Viện ISEAS : Trung Quốc trỗi dậy khi Mỹ lơ là Đông Nam Á (RFA, 31/01/2019)
Một cuộc khảo sát được công bố trong tháng này của Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) tại Singapore chỉ ra rằng, Trung Quốc đang tăng cường mở rộng ảnh hưởng cả về kinh tế và chính trị, đồng thời hoài nghi về cam kết của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á. Nói cách khác là Trung Quốc đang lấp dần những khoảng trống mà Hoa Kỳ bỏ ngỏ.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 9/11/2017. AFP
Cuộc khảo sát có sự tham gia của hơn 1.000 học giả từ 10 nước trong Hiệp hội Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Họ là những giới chức chính phủ, doanh nhân, giới hoạt động xã hội dân sự và truyền thông. Họ được hỏi về các vấn đề địa chính trị, kinh tế và an ninh ảnh hưởng đến khu vực. Khảo sát được thực hiện trực tuyến từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 12 năm 2018.
Trong bản báo cáo kết quả khảo sát dài 38 trang, một trong 32 câu hỏi được trả lời cho thấy 74,1% nhận định Trung Quốc - chứ không phải Liên minh Châu Âu (EU), Ấn Độ, Nhật Bản hoặc Nga - sẽ tranh giành quyền lãnh đạo chính trị để đáp lại sự lơ là ngày càng tăng của Hoa Kỳ đối với Đông Nam Á và ASEAN.
Kết quả khảo sát cho thấy hơn 70% học giả nói rằng, chính phủ nước họ nên thận trọng trong việc đàm phán các dự án trong phạm vi Sáng kiến Vành đai và Con đường để tránh rơi vào bẫy nợ của Bắc Kinh. Học giả ở Malaysia, Philippines và Thái Lan là những người lên tiếng mạnh mẽ nhất về việc này. Ngoài ra, một số ý kiến khác cũng cho rằng các dự án này thiếu các tiêu chuẩn về môi trường, khó thực hiện, thiếu khả năng thương mại và nghi ngờ về vấn đề xung đột lợi ích.
Hình minh họa. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (giữa) chụp hình cùng đại diện nước ngoài tại lễ khai mạc Diễn đàn Vành đai Con Đường ở Bắc Kinh hôm 2/7/2018AFP
Hơn 45% cho rằng Trung Quốc sẽ trở thành một "cường quốc xét lại với ý đồ biến Đông Nam Á thành khu vực ảnh hưởng của mình". Trong khi đó chưa đến 9% xem Trung Quốc là một "cường quốc hiền lành và rộng lượng".
Khảo sát cho rằng "Kết quả này là tiếng chuông thức tỉnh cho Trung Quốc để nước này cải thiện hình ảnh tiêu cực của mình tại Đông Nam Á, dù Bắc Kinh liên tục cam đoan về sự trỗi dậy hiền lành và hòa bình".
Ngoài ra, hơn một phần tư số người được hỏi bày tỏ sự mất niềm tin vào Hoa Kỳ với vai trò đối tác chiến lược và hỗ trợ an ninh quốc phòng trong khu vực.
Khảo sát nhấn mạnh Trung Quốc không giấu giếm tham vọng trong các vấn đề quốc tế và Đông Nam Á sẽ là nơi cho Bắc Kinh thử nghiệm. Đa số những người được hỏi lo ngại khu vực Đông Nam Á sẽ trở thành nơi cạnh tranh giữa các cường quốc, từ đó dẫn tới phân cực chính trị khu vực sâu sắc hơn nữa. Do đó các nước thành viên ASEAN cần đoàn kết để tránh trở thành con tốt trong trò chơi quyền lực của Trung Quốc hay Mỹ.
Liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường (OBOR) của Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á lo ngại dựa trên kinh nghiệm của Sri Lanka và Malaysia với các dự án cảng chiến lược Hambantota và East Coast Rail Link do Trung Quốc hậu thuẫn.
Sri Lanka đang nợ Trung Quốc nhiều tỷ đô la do hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm cảng chiến lược Hambantota, và buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng này trong thời gian 99 năm.
Một lưu ý được đưa ra là cuộc khảo sát chỉ dựa trên ý kiến phản hồi của 1.000 học giả ở Đông Nam Á, nên kết quả của cuộc khảo sát này không có nghĩa là đại diện, mà chỉ nhằm mục đích trình bày một quan điểm chung của những người có sự ảnh hưởng đến các chính sách chính trị, kinh tế và xã hội của những nước trong khu vực.
Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore là một tổ chức nghiên cứu công lập được thành lập bởi Quốc hội vào năm 1968 và được đổi tên thành Viện ISEAS - Yusof Ishak vào năm 2015.
Diễm Thi