Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Các hồ sơ nóng" với Pháp dịp ra hè 2023 : Tổng thống Macron có còn "sức bật" ?

Thời sự nước Pháp, với phiên họp đầu tiên của chính phủ Pháp sau kỳ nghỉ hè, là chủ đề trang nhất của đa số các báo Pháp hôm 23/08/2023. Le Monde chú ý đến dự kiến tăng thuế của chính phủ "để thực thi mục tiêu chuyển đổi sang nền Kinh tế Xanh, và các cam kết khác". Những thách thức lớn với chính quyền Macron là hồ sơ chính của Le Figaro.

macron1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm trang trại gió ngoài khơi Saint-Nazaire, miền Tây nước Pháp, ngày 22/09/2022. AP - Stephane Mahe

Trang nhất Le Monde chạy tít lớn "Ngân sách 2024 : Chính phủ Pháp xem xét tăng thuế". Nhà nước Pháp kêu gọi mọi người cần có một ngân sách tiết kiệm hơn. Nhiều lý do chính được đưa ra : nợ công tăng vọt, lần đầu tiên vượt ngưỡng 3.000 tỷ euro, lãi suất tăng vọt trong 18 tháng, nhu cầu đầu tư lớn, đặc biệt là các khoản đầu tư cho sinh thái và dịch vụ công như bổ sung các phương tiện cho cảnh sát sau cuộc bạo loạn xảy ra vào tháng 6, đầu tư cho quân đội, cho nghiên cứu...

Nhà nước đang xem xét đánh thuế đối với các công ty đường cao tốc (dự kiến sẽ mang lại từ 500 triệu đến 600 triệu euro), tăng thuế vé máy bay (khoảng 100 triệu), tăng thuế nhà đất, kế hoạch giảm thuế Pinel trong lĩnh vực nhà ở sẽ bị bãi bỏ và các khoản cho vay lãi suất 0% sẽ được thắt chặt hơn. Bộ Tài Chính dự kiến sẽ tiết kiệm 15 tỉ euro nhờ việc cắt giảm chi phí cho các lĩnh vực hỗ trợ việc làm, y tế.

Về các thách thức với chính phủ Pháp, nhật báo kinh tế Les Echos có bài "Nhập cư, giáo dục, y tế : các hồ sơ nóng của dịp ra hè". Nếu như năm đầu tiên của nhiệm kỳ 5 năm của tổng thống Emmanuel Macron "được đánh dấu bởi cuộc cải cách hưu trí gai góc, bạo động gần như khắp nơi tại Pháp sau cái chết của người thanh niên Nahel (bị cảnh sát bắn) và cuộc cải tổ thành phần nội các mức tối thiểu", các hồ sơ lớn đang đón đợi chính phủ là "dự luật nhập cư luôn trong tình trạng bế tắc" (do thiếu đồng thuận của cánh hữu), kế hoạch trả lương cho các thầy cô giáo tình nguyện dạy thêm để bù lấp tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng giáo viên, đang bị "tất cả các nghiệp đoàn phản đối", và các dự án cắt giảm chi phí y tế "khó được lòng dân".

Tìm đủ tiền cho công cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh là một thách thức hàng đầu với chính phủ. Theo Les Echos, hồi tháng 7, tổng thống Macron đã phải hoãn việc công bố "kế hoạch thoát khỏi năng lượng hóa thạch đến 2030" của nước Pháp, do bạo động. Theo một nguồn tin từ điện Elysée, sẽ có nhiều thông báo quan trọng về chủ đề này vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, một số yếu tố trong dự án này đã được công bố hồi tháng 7, đặc biệt liên quan đến "các lĩnh vực giao thông, xây dựng, nông nghiệp, công nghiệp", dựa trên các kết quả làm việc từ một năm nay của cơ quan phụ trách Kế hoạch hóa sinh thái (SGPE).

Xe hơi : Tâm điểm công cuộc chuyển sang Kinh tế xanh

Trang nhất Les Echos có bài "Giao thông đường bộ phải là tâm điểm của công cuộc từ bỏ năng lượng hóa thạch". Vì sao như vậy ? Nhật báo kinh tế cung cấp một số thông tin giải thích. Một nghịch lý là, trong lúc Châu Âu cắt giảm được 24% khí thải gây hiệu ứng nhà kính 24% trong vòng 40 năm (1980 – 2020), thì khí thải do giao thông lại tăng lên, và giao thông đường bộ chiếm đến 94% khí thải của lĩnh vực này.

Nhật báo kinh tế khẳng định là không thể dùng mệnh lệnh để thay đổi tình hình, và chính sách "chống xe hơi" rõ ràng đã chuốc lấy "thất bại thảm hại". Nhu cầu đi lại bằng xe hơi của người Pháp tăng, các phương tiện giao thông công cộng không đáp ứng được. Theo Les Echos, một trong các biện pháp chủ yếu để vừa đáp ứng nhu cầu đi lại gia tăng này, vừa giảm mạnh lượng khí thải là "triển khai rộng khắp các trạm nạp điện xe hơi, ở gia đình, hay nơi làm việc, trên đường, trên xa lộ", nhằm phục vụ cho xe hơi chạy điện, dự kiến chiếm 40% lượng xe cộ từ 2030 đến 2035.

"Sáng kiến chính trị tầm cỡ" được chờ đợi

Nhật báo công giáo La Croix có bài "Emmanuel Macron được trông đợi sẽ đưa ra các sáng kiến ‘tầm cỡ’ ". "Sáng kiến chính trị tầm cỡ" sau kỳ ra hè chính là một hứa hẹn mà tổng thống Macron đã đưa ra hôm 02/08 với Le Figaro, với mục tiêu đoàn kết các lực lượng chính trị của "mặt trận cộng hòa" (arc républicain). Ngày 17/08, nhân kỷ niệm 79 năm ngày Pháp và đồng minh đổ bộ giải phóng Bormes-les Mimosas (trong Chiến tranh thế giới thứ hai), nguyên thủ Pháp cũng gián tiếp cảnh báo giới trẻ về nguy cơ "hỗn loạn" và "mất đoàn kết".

Theo La Croix, trong mùa thu tới "căng thẳng chủ yếu trong các tranh luận sẽ là giữa chính phủ và đảng cánh hữu Những người Cộng Hòa (LR)". Liên đảng cầm quyền của tổng thống Macron không có được đa số (quá 50%) tại Quốc hội. Lãnh đạo đảng LR Eric Ciotti đe dọa đảng này có thể sẽ bỏ phiếu cho một kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ. Hồi tháng 3/2023, kiến nghị bất tín nhiệm do nhóm nghị sĩ độc lập LIOT đề xuất chỉ thiếu 9 phiếu là đủ để lật đổ chính phủ Borne.

Macron : Còn đến 4 năm cầm quyền "trong cô đơn"

Trang nhất nhật báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa "Duy trì đa số, tiến hành các cải cách : Liệu ông Macron còn có thể tìm được đà bật lên hay không ?". Tờ báo nhận định tổng thống và thủ tướng "đang đứng trước thách thức kép : duy trì được đoàn kết trong nội bộ chính phủ và tìm ra được các phương tiện để điều hành đất nước trong bối cảnh không có được đa số".

Cũng như La Croix, bài xã luận Le Figaro "4 năm cô độc" nhắc đến "Sáng kiến chính trị tầm cỡ" mà tổng thống Macron hứa hẹn. Theo Le Figaro, tổng thống Macron không chỉ bị đe dọa bởi các đối thủ bên ngoài, mà ngay chính trong nội bộ. Còn 4 năm nữa mới kết thúc nhiệm kỳ, nhưng cuộc cạnh tranh giữa những người có ý định kế nhiệm tổng thống đã bắt đầu. Bộ trưởng Nội vụ Gérald Darmanin khai mạc "cuộc đua". Nhân kỳ ra hè, ông Darmanin dự kiến tổ chức một cuộc họp cuối tuần này ở Tourcoing (miền Bắc nước Pháp), với khoảng 90 nghị sĩ. 4 năm cầm quyền "trong cô đơn" của ông Macron quả là sẽ "rất dài", Le Figaro kết luận.

Ấn Độ lo ngại Trung Quốc biến BRICS thành khối "chống Mỹ"

Về cuộc họp thượng đỉnh thứ 15 của BRICS tại Johanesburg, Nam Phi, đang diễn ra (từ ngày 22 đến 24/08/2023), báo Le Monde nhận định : "Bắc Kinh coi đây là cơ hội để thúc đẩy mô hình phát triển chống lại phương Tây". Trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, BRICS được miêu tả là một nhóm đối lập với G7 (Đức, Canada, Mỹ, Pháp, Ý, Nhật Bản và Anh). Đối với Trung Quốc, đây là cách thúc đẩy các nền kinh tế mới nổi đi theo "mô hình phát triển" của Bắc Kinh, ưu tiên phát triển kinh tế, coi nhẹ nhân quyền.

Theo ông Harsh Pant, phó chủ tịch trung tâm tư vấn Quỹ Nghiên cứu Quan sát (ở Ấn Độ), mục đích của việc mở rộng này không phải là "làm việc cùng nhau và phối hợp hành động (…) mà là biến BRICS thành một tập hợp chống Mỹ, được nhào nặn theo các mục tiêu của Trung Quốc". Tại New Delhi, nhiều người lo lắng việc Trung Quốc ủng hộ nhiều quốc gia ứng cử vào nhóm BRICS, trong đó có Algeria, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc ả rập thống nhất, Indonesia, Iran, Venezuela, Argentina, Nigeria, khiến "vai trò của Ấn Độ có thể sụt giảm".

Nhật báo Les Echos đề cập đến một quan tâm chung của BRICS là "thiết lập một giải pháp thay thế trật tự tiền tệ thế giới hiện hành". BRICS muốn đi đầu trong việc "phi đô la hóa", tức giảm dần việc sử dụng đồng tiền Mỹ trong bối cảnh "tờ bạc xanh" đang chiếm khoảng 44% giao dịch tiền tệ toàn cầu và thống trị nền tài chính và thương mại thế giới. Trong 13 năm qua, tỷ trọng giao dịch hàng ngày của năm đồng tiền quốc gia của nhóm BRICS trên thị trường ngoại hối đã tăng gấp đôi (từ 2% lên 5,4%), nhưng chủ yếu là với đồng tiền Trung Quốc. Báo Les Echos cũng cho biết Trung Quốc đang thúc đẩy các khoản vay bằng đồng nhân dân tệ. Đối với Trung Quốc, mục tiêu ưu tiên vẫn là quốc tế hóa đồng nhân dân tệ trong dài hạn. Sáng kiến thống nhất một đồng tiền chung của nhóm BRICS đã được khởi xướng trở lại, nhưng không được hưởng ứng nhiều, đặc biệt tại Bắc Kinh.

Đài Loan : Nổi lên đảng lớn thứ ba, có lập trường "đi dây" với Trung Quốc

Ngày 13 tháng Giêng tới, 19 triệu cử tri Đài Loan sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống và Quốc hội mới. Libération có bài "Đài Loan : Một cuộc bỏ phiếu giữa một bên là Bắc Kinh, bên kia là cuộc sống hàng ngày". Bài viết cho thấy sự trỗi dậy của một đảng phái mới, đảng Nhân dân Đài Loan (TPP), thu hút sự ủng hộ của khoảng một phần tư cử tri. Lãnh đạo đảng này được so sánh với tổng thống Pháp Emmanuel Macron bởi lập trường thách thức các đảng phái truyền thống.

Cứng rắn khẳng định tự trị hay hòa hoãn với Trung Quốc, để tránh chiến tranh, là chủ đề trung tâm của cuộc vận động tranh cử. Cả ba đảng lớn của Đài Loan đều chủ trương không tuyên bố độc lập để bảo vệ hòa bình, nhưng không chấp nhận sáp nhập vào Trung Quốc, quan điểm được hơn 90% dân Đài Loan ủng hộ. Tuy nhiên, mỗi đảng có cách tiếp cận riêng. Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP) của cựu đô trưởng Kha Văn Triết (Ko Wen-je) thu hút được một bộ phận giới trẻ do khai thác được tình cảm bất mãn của cử tri trước việc các chính trị gia đảng Dân Tiến cầm quyền nhấn mạnh đến đe dọa Trung Quốc "để yêu cầu sự hậu thuẫn vô điều kiện của người dân".

Tổng thư ký đảng Nhân Dân Đài Loan khẳng định "vấn đề quan hệ với Trung Quốc không phải là ưu tiên số một của người dân Đài Loan". Đảng TPP tập trung chú ý vào các vấn đề cấp thiết trong đời sống hàng ngày. Lãnh đạo đảng Kha Văn Triết có lập trường dao động trong quan hệ với Trung Quốc. Năm 2015, khi còn là đô trưởng Đài Bắc, ông Kha Văn Triết tuyên bố "hai bờ eo biển là cùng một gia đình". Hai năm sau, đô trưởng Đài Bắc tuyên bố Đài Loan đã là một nước độc lập. Trong hiện tại, cựu đô trưởng chủ trương "đối thoại với Trung Quốc" cùng lúc với "tăng cường quốc phòng". Quan điểm "đi dây" của cựu đô trưởng được không ít cử tri trẻ ủng hộ.

Saudi Arabia giết hại di dân vượt biên, phương Tây phản ứng cầm chừng

Các báo Libération, Le Monde, Les Echos, Le Figaro đều đưa tin về những cuộc tàn sát di dân ở biên giới Saudi Arabia. Theo nhật báo Le Figaro, trong báo cáo của tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW hôm thứ Hai 21/08/2023, từ tháng 3/2022 đến tháng 6/2023, hàng trăm di dân, chủ yếu là người Ethiopia, đã bị giết trên đường vượt biên sang Saudi Arabia qua ngả Yemen.

Bài báo mang tựa đề "Nhà cầm quyền Saudi Arabia được bảo vệ khỏi các chỉ trích của phương Tây". Chính quyền Saudi Arabia phản bác các tố cáo, và cho rằng "đây là những tuyên bố không có căn cứ và không dựa trên nguồn tin đáng tin cậy". Từ Washington, nhà phân tích Ali Shihabi ủng hộ quan điểm này, khi cho rằng "biên giới Saudi Arabia - Yemen là vùng chiến sự", "phân biệt giữa quân đội và dân nhập cư có thể là rất khó". Theo Le Figaro, từ nhiều năm nay, các đồng minh của chế độ Riyadh thường giữ im lặng về thảm kịch của dân di cư, vượt biên. Pháp phải đến hơn 24 giờ sau mới lên tiếng kêu gọi Saudi Arabia "điều tra minh bạch", sau báo cáo chấn động của HRW. Mỹ cũng tương tự.

Nước thải phóng xạ Fukushima : "Một cuộc tranh cãi sai lạc" ?

Vẫn về thời sự quốc tế, vấn đề Nhật Bản quyết định thải nước từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima (bị động đất, sóng thần năm 2011) là chủ đề được nhiều báo Pháp nhắc đến. Trang nhất Le Figaro dành cho hồ sơ này chỉ trích "một cuộc tranh cãi sai lạc", bởi theo các chuyên gia "nồng độ phóng xạ nước thải đã qua xử lý nhỏ đến mức mà tác hại đến sức khỏe và môi trường là có thể bỏ qua". Quyết định vốn đã được Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế phê chuẩn hồi đầu hè. Theo Le Figaro, chỉ một phần rất nhỏ của thương mại thế giới bị cản trở bởi quyết định này. Tuy nhiên, sự phản đối của Trung Quốc và đặc khu Hồng Kông khiến uy tín thực phẩm Nhật Bản sụt giảm là điều rõ ràng.

Ngược với Le Figaro, về hồ sơ này La Croix khẳng định : Nước thải có chứa phóng xạ khiến ngư dân Nhật, nhiều tổ chức phi chính phủ và Trung Quốc lo ngại. Bất chấp các bảo đảm của giới khoa học, kế hoạch tiếp tục bị nhiều tổ chức môi trường lên án. Một số chuyên gia về môi trường cho rằng Nhật nên "tiếp tục giữ lại nước thải trong các bể chứa khổng lồ trên cạn trong khoảng mươi năm nữa, để chất trinium biến mất một cách tự nhiên". Tai nạn nhà máy hạt nhân Fukushima là một gánh nặng khổng lồ với Nhật. Việc tháo dỡ nhà máy hạt nhân sẽ kéo dài trong hơn 30 năm nữa, với chi phí hơn 200 tỉ đô la.

"Kinh Coran bị đốt : Thế tiến thoái lưỡng nan của Thụy Điển"

Quốc gia Bắc Âu Thụy Điển không hạ nhiệt với căng thẳng xung quanh việc kinh Coran bị đốt là chủ đề trang nhất La Croix. "Kinh Coran bị đốt : Thế tiến thoái lưỡng nan của Thụy Điển". Nhật báo công giáo thừa nhận tại Thụy Điển, một cuộc thảo luận về quyền tự do bày tỏ quan điểm đang đạt mức căng thẳng "chưa từng có", trong bối cảnh nhiều cuộc tập hợp trong đó kinh Coran bị xé, bị đốt, tiếp tục được cho phép. Tình hình càng trở nên căng thẳng khi hành động này diễn ra sau dịp lễ quan trọng với người Hồi giáo (ngày thứ Sáu 18/08). Cộng đồng người theo đạo Hồi yêu cầu sửa luật về tự do ngôn luận, trong lúc các đảng phái chính trị hết sức thận trọng để tránh đụng đến "quyền tự do mà họ cho là vô điều kiện".

Hàng nghìn người Pháp bị phạt oan do "giấy tờ bị làm giả"

Nhật báo thiên tả Libération dành hồ sơ trang nhất hôm nay để tố cáo một hiện tượng đang ảnh hưởng đến hàng nghìn người Pháp. Theo xã luận của Libération nhan đề "Những chiếc robot", khoảng 2.500 người Pháp là nạn nhân của các biên bản phạt vi cảnh "do bằng lái hay biển số xe hơi bị làm giả". Trong số các nạn nhân có cả phóng viên của "Libé" (Libération). Nữ phóng viên của Libé hiện tại chưa thoát khỏi vòng kiện tụng, để khiếu nại bác bỏ các biên bản sai lạc, sau 6 tháng nỗ lực. Tổng cộng nạn nhân phải chịu 22 khoản nộp phạt, 400 euro tiền trừ vào lương, hàng trăm euro trả cho thư bảo đảm. Libération lên án bộ máy hành chính đang trở nên một cỗ máy mù quáng.

Ấn Độ - quốc gia "số hóa nhất thế giới"

"Số hóa" đang trở thành một thế mạnh của Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới. Đây là chủ đề trang nhất của Les Echos. Trong vòng một thập niên, Ấn Độ đã trở thành quốc gia "số hóa nhất thế giới", theo nhật báo kinh tế Pháp. Cơ sở hạ tầng thanh toán được số hóa của Ấn Độ được khoảng 15 nước quan tâm học hỏi. Les Echos có bài phóng sự tại Calculta, một thủ phủ kinh tế của Ấn Độ, cho biết những người bán hàng rong trên đường phố, thay vì tiền mặt, thanh toán qua mã số QR trên điện thoại di động.

"Ảo ảnh số hóa"

Về chủ đề xu thế số hóa toàn cầu, nhật báo Le Figaro có bài nhận định đáng chú ý của nhà báo Guillaume Pitron, với tựa đề "Chấm dứt biên lai, tiền mặt… một ảo ảnh lớn về phi vật chất hóa". Tại Pháp, kể từ tháng 8 này, biên lai không còn được in trong các cửa hàng, chúng được thay thế bằng e-mail hoặc hóa đơn thông qua mã QR.

Biện pháp này có thực sự có lợi cho sinh thái hay không ? Theo nhà báo Guillaume Pitron, điều này là ảo ảnh xét về mặt khí thải. Nếu so lượng khí thải CO2, một thanh toán bằng con đường kỹ thuật số sẽ phát ra khoảng 5 gam CO2, trong khi bằng biên lai giấy là 2 gam. Guillaume Pitron là tác giả hai cuốn sách được chú ý gần đây là "L’Enfer numérique" (Địa ngục kỹ thuật số) và "La Guerre des métaux rares" (Cuộc chiến tìm các kim loại hiếm). Nền kinh tế số hóa, thay vì sử dụng giấy, dùng rất nhiều kim loại hiếm. Lượng giấy sử dụng cũng không giảm trong kỷ nguyên số hóa "với việc gia tăng sử dụng bao bì carton do thương mại điện tử".

Phim đoạt giải Cành Cọ Vàng ra rạp

Trong lĩnh vực văn hóa, báo chí Pháp đồng loạt nói về bộ phim đoạt giải Cành Cọ Vàng "Anatomie d’une chute" ra rạp hôm nay. Le Figaro có bài phỏng vấn nữ đạo diễn Pháp Justine Triet, với tựa đề : "Từ khi còn nhỏ, tôi đã muốn trở thành luật sư để cổ vũ cho công lý : tâm sự của đạo diễn Justine Triet". Nữ đạo diễn Triet là người phụ nữ thứ ba đoạt giải thưởng Cành Cọ Vàng của liên hoan điện ảnh Cannes.

"Sự sáng suốt" của Ecuador : Chống khai thác dầu để bảo vệ Amazon

Trong lĩnh vực xã hội - môi trường, La Croix với bài xã luận nhan đề "Sáng suốt" đã thể hiện sự ngưỡng mộ trước quyết định của cử tri quốc gia Nam Mỹ Ecuador. Thông qua cuộc trưng cầu dân ý, người Ecuardor đã bác bỏ việc khai thác dầu tại công viên quốc gia Yasuni. Quyết định này có thể nói là rất khó khăn, bởi dầu mỏ là một trong những cột trụ của nền kinh tế Ecuador.

Từ nhiều năm nay, nhiều hiệp hội môi trường đã tranh đấu cho mục tiêu này, tuy nhiên, theo La Croix, "chúng ta hãy vẫn nên tán thưởng trí tuệ tập thể của người dân Ecuador, đã lựa chọn các lợi ích dài hạn, thay vì những sự giàu có hão huyền dựa trên việc khai tài nguyên thiên nhiên". Bảo vệ công viên quốc gia nói trên của cử tri Ecuador chính là để bảo vệ một "khu vực rừng nguyên sinh quan trọng", căn cứ địa của đa dạng sinh học, và đồng thời bảo vệ một vùng đất lâu đời của thổ dân Nam Mỹ. 

Trọng Thành – Thanh Hiếu

Published in Quốc tế

Pháp : Bộ trưởng nội vụ từ chức, tổng thống Macron chao đảo

Việc bộ trưởng nội vụ Gérard Collomb dứt áo ra đi, bất chấp lời kêu gọi ở lại của tổng thống Emmanuel Macron, gây chấn động chính trường Pháp. Le Monde chạy tựa lớn "Collomb kiên quyết ra đi, Macron chao đảo", trang nhất Libération : "Collomb từ nhiệm : Về địa phương hơn ở trung ương". Le Figaro nhận xét : tại Pháp "Kỷ niệm dịp 60 năm thành lập Đệ Ngũ Cộng Hòa trong không khí hoài nghi".

macron1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và lão tướng Gérard Collomb (phải), tại Paris, ngày 20/06/2017. Benjamin CREMEL / AFP

Xã luận Le Monde, với hàng tựa "Một sự sỉ nhục, một thách đố nan giải", nhận xét, với hành động từ chức của lãnh đạo bộ nội vụ, nhân vật được coi là trợ thủ hàng đầu của tổng thống Macron, chính phủ Pháp đang tiếp tục lún sâu hơn vào cuộc khủng hoảng, kéo dài từ hơn hai tháng nay, kể từ sau vụ một người phụ trách an ninh của tổng thống bị cáo buộc lạm quyền, hành hung người biểu tình.

Bộ trưởng Collomb đã chọn cách từ chức không theo lệ thường, gây choáng váng cho cả tổng thống, lẫn thủ tướng. Đó là đưa ra tuyên bố tái khẳng định việc từ chức ngay tức khắc, trước báo giới, không cần bàn trước với tổng thống. Lời tuyên bố được đưa ra đúng vào lúc thủ tướng đang có buổi giải trình trước Quốc Hội.

Đây là lần thứ ba liên tiếp, tổng thống Pháp đã hoàn toàn tỏ ra bị động, kể từ đầu mùa hè này. Lần thứ nhất là vụ viên cận vệ tin cẩn Benalla bị tố giác, mà tổng thống Macron đã không có cách giải quyết dứt khoát ngay từ đầu. Lần thứ hai là vụ bộ trưởng sinh thái Nicolas Hulot, nhân vật số ba trong chính phủ, bất ngờ từ chức hồi cuối tháng 8, cũng không báo trước với tổng thống.

Khác với bộ trưởng sinh thái, bộ trưởng nội vụ Collomb, nhà chính trị lão luyện 71 tuổi, được coi là người gắn bó với sự nghiệp chính trị của tổng thống Pháp, ngay từ khi chính trị gia trẻ Macron mới chính thức ra ứng cử tổng thống. Cựu thị trưởng Lyon chính là người đã giúp cho Emmanuel Macron rất nhiều về kinh nghiệm, chỗ dựa cũng như mạng lưới cộng sự.

Theo Le Monde, sự ra đi của Gérard Collomb phơi bày một trong những điểm yếu lớn của nguyên thủ Pháp : thiếu những cộng sự nặng ký cho các vị trí chủ chốt của Nhà nước.

Nhật báo phổ thông Le Parisien nói đến "Thời kỳ cô đơn" của tổng thống Pháp. Tờ báo dẫn lời một thành viên chính phủ, theo đó tổng thống Macron đã hoàn toàn bị động trước sự ra đi của hai cây đại thụ trong chính phủ.

Chỉ là "những khó khăn lớn đầu tiên"

Trả lời Les Echos, nhà nghiên cứu Bruno Cautrès, Viện nghiên cứu chính trị Cevipof, Học viện Siences Po, lưu ý sự bị động của tổng thống Macron trước các biến cố liên tiếp vừa qua cho thấy đây chỉ là "những khó khăn lớn đầu tiên". Tổng thống Macron chắc chắn sẽ phải có những thay đổi về "phong cách và phương pháp", nếu không muốn xảy ra những điều tồi tệ hơn. Người dân Pháp hiện tại đặt rất nhiều hy vọng vào tổng thống, sẽ có những thay đổi lớn, kiểu như "tuần nghỉ phép thứ năm", được cố tổng thống Mitterrand lập ra trước đây. Vấn đề là tình hình kinh tế và các áp lực Châu Âu hiện nay khó cho phép Emmanuel Macron có được đủ phương tiện.

Bài xã luận của Le Figaro, mang tựa đề "Hoài nghi", còn nhấn mạnh hơn đến các hậu quả mà vụ từ chức này gây ra. Le Figaro so sánh chính phủ Pháp hiện nay với các chính phủ của nền Cộng Hòa Đệ Tứ (sau Thế chiến Hai đến 1958), liên tục rơi vào tình trạng bất ổn. Tuy nhiên, so sánh như vậy cũng là để Le Figaro khẳng định rằng chính các định chế của nền Cộng Hòa Đệ Ngũ, do tướng de Gaulle sáng lập, đã giúp cho nền chính trị Pháp hiện nay duy trì được sự ổn định.

60 năm sau, Đệ Ngũ Cộng Hòa vẫn là điểm tựa

Báo La Croix chú ý đến việc tổng thống Pháp đến Colombey-les-Deux-Eglises, nơi Charles de Gaulle yên nghỉ, nhân dịp 60 năm ngày ra đời nền Đệ Ngũ Cộng Hòa. La Croix so sánh những tương đồng và khác biệt giữa hai nguyên thủ Pháp. Điểm tương đồng là cả hai đều có khát vọng tiến hành các cải cách lớn. Năm 1958, cũng như thời điểm hiện nay, đời sống chính trị Pháp đều đi vào giai đoạn đảo lộn lớn, với sự ra đời của "một đa số chưa từng có, tập hợp xung quanh một cá nhân, với các lực lượng ủng hộ mới".

Tuy nhiên, khác biệt lớn mà La Croix chỉ ra là tổng thống de Gaulle trước đây chủ trương một nền kinh tế dưới sự chỉ đạo của Nhà nước, trong lúc tổng thống Macron hiện nay đi theo con đường hoàn toàn khác. Về phía Châu Âu, de Gaulle ủng hộ quan hệ mang tính liên chính phủ, trong lúc lập trường của Macron là hướng đến một Liên Hiệp Châu Âu liên bang.

Vẫn về nền Đệ Ngũ Cộng Hòa, một điều tra của Odoxa cho Le Figaro cho thấy, chỉ có 44% người Pháp hiện nay là còn gắn bó với các thể chế của tướng de Gaulle. Và tuy 53% ủng hộ việc bầu cử trực tiếp tổng thống, nhưng 62% cho rằng nền Đệ Ngũ Cộng Hòa mang lại cho cá nhân tổng thống quá nhiều quyền lực, so với các thể chế như Đức, Ý và Tây Ban Nha, nơi Quốc Hội có quyền hạn nhiều hơn. Nhìn chung, theo Le Figaro, một bộ phận lớn người Pháp hoài nghi về tính hiệu quả của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa hiện nay, so với "các nền dân chủ lớn khác của Châu Âu".

Chính phủ giảm nhẹ tầm mức

Les Echos cho biết tổng thống Pháp tìm cách giảm nhẹ tầm mức nghiêm trọng của vụ việc. Chủ tịch quốc hội Richard Ferrand tỏ ra hài hước, với nhận xét : ông Collomb đã chọn "một cách ra đi khác thường". Tổng thống Macron thì nhấn mạnh, điều quan trọng là phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, theo đường lối mà ông đã xác định, còn những chuyện còn lại chỉ là trò diễn.

Vẫn theo Les Echos, trong buổi bàn giao hôm qua, thủ tướng Pháp và bộ trưởng nội vụ từ chức đều thừa nhận một điều là, ngân sách cũng như nhân sự dành cho bộ nội vụ đã được tăng mạnh, so với các bộ khác. Trong lúc, nhiều bộ bị cắt giảm công chức, bộ nội vụ sẽ có thêm 10.000 nhân viên trong 5 năm tới.

Trước khi chia tay bộ, cựu bộ trưởng Collomb cũng thừa nhận rằng bộ này hiện có nhiều nhà lãnh đạo xuất sắc, tuy nhiên ông Collomb cũng cho biết thêm, vấn đề mà ông lo ngại hiện tại là tình trạng an ninh tại nhiều khu dân cư ở mức báo động, với sự hoành hành của nhiều băng nhóm buôn lậu ma túy, hay sự trỗi dậy của các phần tử Hồi giáo cực đoan. Đây có lẽ cũng chính là một lý do khiến ông quyết định trở về tiếp tục sự nghiệp lãnh đạo thành phố Lyon, nơi ông từng là thị trưởng, rồi lãnh đạo vùng Lyon, kể từ gần 20 năm nay.

Paris và "tỉnh lẻ" : Cuộc chia tay được báo trước

Về các lý do ra đi của bộ trưởng nội vụ, Libération dành hồ sơ chính để nhấn mạnh đến những khác biệt, thậm chí quan hệ nhiều khi đối kháng giữa thủ đô Paris với các địa phương, trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời La Mã cho đến nay, mà Lyon - nơi ông Collomb là thủ lĩnh - là một vùng đất tiêu biểu, với nhiều truyền thống riêng.

Le Monde cũng tìm cách giải mã sự ra đi của ông Collomb qua bài viết "Sự chia tay từ từ của một cặp đôi chính trị", với rất nhiều chi tiết ít được biết đến, được thuật lại như một câu chuyện tình cảm, cho thấy những gì đã từng gắn bó họ với nhau, những gì dẫn đến hiểu lầm, và cuộc chia tay đầy kịch tính.

Tố cáo Iran âm mưu khủng bố, nhưng Pháp tránh quan hệ đóng băng

Về thời sự quốc tế, báo chí Pháp đặc biệt chú ý đến cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Paris và Tehran, tiếp sau vụ Pháp cáo buộc tình báo Iran tổ chức khủng bố trên đất Pháp. Âm mưu khủng bố nhắm vào phong trào Moudjahidin của Nhân dân, đối thủ của chế độ Hồi giáo Iran, tại một vùng ngoại ô Paris, bị phá vỡ hồi tháng 6.

Về phía Pháp, Paris tìm cách giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vụ việc, và không muốn chuyện này dẫn đến việc quan hệ ngoại giao song phương bị đóng băng. Quan điểm của tổng thống Pháp là cương quyết duy trì đối thoại với Tehran, để Iran tiếp tục ở lại với thỏa thuận hạt nhân, mà tổng thống Mỹ vừa quyết định rút ra. Vấn đề quan trọng, theo nguyên thủ Pháp, là không thể để cho Iran có cơ hội sở hữu vũ khí nguyên tử.

Quan hệ Pháp-Iran trong những tuần gần đây căng thẳng hơn. Theo Reuters, một thông báo nội bộ của bộ ngoại giao Pháp, hồi cuối tháng 8, yêu cầu các nhân viên ngoại giao, công chức Pháp hoãn đi Iran, nếu đã lên kế hoạch.

Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục - khủng hoảng kinh tế cận kề

Trong lĩnh vực kinh tế, báo Les Echos đặc biệt chú ý đến tình trạng chứng khoán Mỹ tăng giá liên tục từ gần 3.500 ngày (114 tháng), tức trong gần 10 năm, với tỉ lệ tăng tổng cộng 333%. Đây là đợt tăng chứng khoán chưa từng có. Lần tăng dài nhất trước đó là từ 1990 - 2000, trong vòng 113 tháng.

Trong khi dòng vốn đầu tư ồ ạt chảy vào Hoa Kỳ, Les Echos có một bài phân tính khác về "Năm yếu tố có thể dẫn đến khủng hoảng vào năm 2020". Nhật báo kinh tế Pháp nhấn mạnh là, khác với cuộc khủng hoảng tài chính 2008, lần này, các quốc gia nợ nần è cổ sẽ không còn đủ phương tiện chính trị để đối mặt. Trong số năm yếu tố nói trên, có các căng thẳng thương mại quốc tế khiến tăng trưởng toàn cầu sụt giảm.

Pháp lo quá tải khách du lịch

Lập kỷ lục về lượng khách du lịch, với 90 triệu du khách, mang lại cho đất nước hơn 150 tỉ đô la hàng năm, nhưng chính quyền Pháp lo ngại viễn cảnh quá tải, và đang tìm biện pháp đối phó. Theo Le Figaro, mục tiêu của chính phủ là tìm cách hướng du khách không tập trung quá mức tại các tụ điểm du lịch vốn rất nổi tiếng, cụ thể như tháp Eiffel hay bảo tàng Louvre.

Xe hơi : "Viên thuốc đắng" môi trường

Trong lĩnh vực môi trường, Les Echos chú ý đến quyết định hôm qua của Nghị Viện Châu Âu, buộc ngành xe hơi giảm lượng khí CO2 là 40%, kể từ 2030, để bảo vệ môi trường không khí tại các thành phố, và theo đúng cam kết Khí hậu Paris 2015. Theo nhật báo kinh tế Pháp, đây là một "viên thuốc đắng" cho ngành sản xuất ô tô Pháp. Nhiều tập đoàn sản xuất xe hơi lên án đây là một quyết định "phi thực tế".

Các nhà sản xuất xe hơi đặc biệt lo ngại về biện pháp buộc các doanh nghiệp phải sản xuất 20% xe không phát thải từ đây đến 2025, và 35% vào 2030. Một nghị sĩ phản đối quyết định nói trên thì tỏ ý tiếc là đa số dân biểu Châu Âu đã quá ưu tiên xe hơi chạy điện, mà không chú ý đúng mức đến các phương án thay thế khác, như xe chạy hydrogene, hay xe hỗn hợp điện xăng.

Trong khi đó, tại Triển lãm xe hơi tại Paris vừa khai mạc, nhiều người lo ngại viễn cảnh đầy bất trắc của ngành công nghiệp ôtô, trong bối cảnh chiến tranh thương mại. Theo một số chuyên gia, dự kiến lượng xe bán ra năm tới sẽ sụt 1,4%, riêng tại Mỹ và Trung Quốc giảm 4%.

Để thích ứng với hoàn cảnh mới, khi cuộc chiến bảo vệ môi trường đang ngày càng được công chúng tham gia nhiều hơn, nhiều sáng kiến mới vẫn tiếp tục được đưa ra. Theo Le Monde, riêng hãng PSA Pháp - Peugeot Citroën trước đây, dự kiến sẽ bố trí khoảng 500 xe hơi chạy điện, sử dụng chung, trên đường phố Paris, để thay thế cho dịch vụ Autolib. PSA cũng là hãng xe Pháp đầu tiên triển khai sáng kiến xe hơi dùng chung tại Mỹ. Lần này là tại thủ đô Washington, với đội xe chạy xăng 600 chiếc.

Trọng Thành

Published in Quốc tế