Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

04/10/2018

Điểm báo Pháp - Tổng thống Macron chao đảo

RFI tiếng Việt

Pháp : Bộ trưởng nội vụ từ chức, tổng thống Macron chao đảo

Việc bộ trưởng nội vụ Gérard Collomb dứt áo ra đi, bất chấp lời kêu gọi ở lại của tổng thống Emmanuel Macron, gây chấn động chính trường Pháp. Le Monde chạy tựa lớn "Collomb kiên quyết ra đi, Macron chao đảo", trang nhất Libération : "Collomb từ nhiệm : Về địa phương hơn ở trung ương". Le Figaro nhận xét : tại Pháp "Kỷ niệm dịp 60 năm thành lập Đệ Ngũ Cộng Hòa trong không khí hoài nghi".

macron1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và lão tướng Gérard Collomb (phải), tại Paris, ngày 20/06/2017. Benjamin CREMEL / AFP

Xã luận Le Monde, với hàng tựa "Một sự sỉ nhục, một thách đố nan giải", nhận xét, với hành động từ chức của lãnh đạo bộ nội vụ, nhân vật được coi là trợ thủ hàng đầu của tổng thống Macron, chính phủ Pháp đang tiếp tục lún sâu hơn vào cuộc khủng hoảng, kéo dài từ hơn hai tháng nay, kể từ sau vụ một người phụ trách an ninh của tổng thống bị cáo buộc lạm quyền, hành hung người biểu tình.

Bộ trưởng Collomb đã chọn cách từ chức không theo lệ thường, gây choáng váng cho cả tổng thống, lẫn thủ tướng. Đó là đưa ra tuyên bố tái khẳng định việc từ chức ngay tức khắc, trước báo giới, không cần bàn trước với tổng thống. Lời tuyên bố được đưa ra đúng vào lúc thủ tướng đang có buổi giải trình trước Quốc Hội.

Đây là lần thứ ba liên tiếp, tổng thống Pháp đã hoàn toàn tỏ ra bị động, kể từ đầu mùa hè này. Lần thứ nhất là vụ viên cận vệ tin cẩn Benalla bị tố giác, mà tổng thống Macron đã không có cách giải quyết dứt khoát ngay từ đầu. Lần thứ hai là vụ bộ trưởng sinh thái Nicolas Hulot, nhân vật số ba trong chính phủ, bất ngờ từ chức hồi cuối tháng 8, cũng không báo trước với tổng thống.

Khác với bộ trưởng sinh thái, bộ trưởng nội vụ Collomb, nhà chính trị lão luyện 71 tuổi, được coi là người gắn bó với sự nghiệp chính trị của tổng thống Pháp, ngay từ khi chính trị gia trẻ Macron mới chính thức ra ứng cử tổng thống. Cựu thị trưởng Lyon chính là người đã giúp cho Emmanuel Macron rất nhiều về kinh nghiệm, chỗ dựa cũng như mạng lưới cộng sự.

Theo Le Monde, sự ra đi của Gérard Collomb phơi bày một trong những điểm yếu lớn của nguyên thủ Pháp : thiếu những cộng sự nặng ký cho các vị trí chủ chốt của Nhà nước.

Nhật báo phổ thông Le Parisien nói đến "Thời kỳ cô đơn" của tổng thống Pháp. Tờ báo dẫn lời một thành viên chính phủ, theo đó tổng thống Macron đã hoàn toàn bị động trước sự ra đi của hai cây đại thụ trong chính phủ.

Chỉ là "những khó khăn lớn đầu tiên"

Trả lời Les Echos, nhà nghiên cứu Bruno Cautrès, Viện nghiên cứu chính trị Cevipof, Học viện Siences Po, lưu ý sự bị động của tổng thống Macron trước các biến cố liên tiếp vừa qua cho thấy đây chỉ là "những khó khăn lớn đầu tiên". Tổng thống Macron chắc chắn sẽ phải có những thay đổi về "phong cách và phương pháp", nếu không muốn xảy ra những điều tồi tệ hơn. Người dân Pháp hiện tại đặt rất nhiều hy vọng vào tổng thống, sẽ có những thay đổi lớn, kiểu như "tuần nghỉ phép thứ năm", được cố tổng thống Mitterrand lập ra trước đây. Vấn đề là tình hình kinh tế và các áp lực Châu Âu hiện nay khó cho phép Emmanuel Macron có được đủ phương tiện.

Bài xã luận của Le Figaro, mang tựa đề "Hoài nghi", còn nhấn mạnh hơn đến các hậu quả mà vụ từ chức này gây ra. Le Figaro so sánh chính phủ Pháp hiện nay với các chính phủ của nền Cộng Hòa Đệ Tứ (sau Thế chiến Hai đến 1958), liên tục rơi vào tình trạng bất ổn. Tuy nhiên, so sánh như vậy cũng là để Le Figaro khẳng định rằng chính các định chế của nền Cộng Hòa Đệ Ngũ, do tướng de Gaulle sáng lập, đã giúp cho nền chính trị Pháp hiện nay duy trì được sự ổn định.

60 năm sau, Đệ Ngũ Cộng Hòa vẫn là điểm tựa

Báo La Croix chú ý đến việc tổng thống Pháp đến Colombey-les-Deux-Eglises, nơi Charles de Gaulle yên nghỉ, nhân dịp 60 năm ngày ra đời nền Đệ Ngũ Cộng Hòa. La Croix so sánh những tương đồng và khác biệt giữa hai nguyên thủ Pháp. Điểm tương đồng là cả hai đều có khát vọng tiến hành các cải cách lớn. Năm 1958, cũng như thời điểm hiện nay, đời sống chính trị Pháp đều đi vào giai đoạn đảo lộn lớn, với sự ra đời của "một đa số chưa từng có, tập hợp xung quanh một cá nhân, với các lực lượng ủng hộ mới".

Tuy nhiên, khác biệt lớn mà La Croix chỉ ra là tổng thống de Gaulle trước đây chủ trương một nền kinh tế dưới sự chỉ đạo của Nhà nước, trong lúc tổng thống Macron hiện nay đi theo con đường hoàn toàn khác. Về phía Châu Âu, de Gaulle ủng hộ quan hệ mang tính liên chính phủ, trong lúc lập trường của Macron là hướng đến một Liên Hiệp Châu Âu liên bang.

Vẫn về nền Đệ Ngũ Cộng Hòa, một điều tra của Odoxa cho Le Figaro cho thấy, chỉ có 44% người Pháp hiện nay là còn gắn bó với các thể chế của tướng de Gaulle. Và tuy 53% ủng hộ việc bầu cử trực tiếp tổng thống, nhưng 62% cho rằng nền Đệ Ngũ Cộng Hòa mang lại cho cá nhân tổng thống quá nhiều quyền lực, so với các thể chế như Đức, Ý và Tây Ban Nha, nơi Quốc Hội có quyền hạn nhiều hơn. Nhìn chung, theo Le Figaro, một bộ phận lớn người Pháp hoài nghi về tính hiệu quả của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa hiện nay, so với "các nền dân chủ lớn khác của Châu Âu".

Chính phủ giảm nhẹ tầm mức

Les Echos cho biết tổng thống Pháp tìm cách giảm nhẹ tầm mức nghiêm trọng của vụ việc. Chủ tịch quốc hội Richard Ferrand tỏ ra hài hước, với nhận xét : ông Collomb đã chọn "một cách ra đi khác thường". Tổng thống Macron thì nhấn mạnh, điều quan trọng là phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, theo đường lối mà ông đã xác định, còn những chuyện còn lại chỉ là trò diễn.

Vẫn theo Les Echos, trong buổi bàn giao hôm qua, thủ tướng Pháp và bộ trưởng nội vụ từ chức đều thừa nhận một điều là, ngân sách cũng như nhân sự dành cho bộ nội vụ đã được tăng mạnh, so với các bộ khác. Trong lúc, nhiều bộ bị cắt giảm công chức, bộ nội vụ sẽ có thêm 10.000 nhân viên trong 5 năm tới.

Trước khi chia tay bộ, cựu bộ trưởng Collomb cũng thừa nhận rằng bộ này hiện có nhiều nhà lãnh đạo xuất sắc, tuy nhiên ông Collomb cũng cho biết thêm, vấn đề mà ông lo ngại hiện tại là tình trạng an ninh tại nhiều khu dân cư ở mức báo động, với sự hoành hành của nhiều băng nhóm buôn lậu ma túy, hay sự trỗi dậy của các phần tử Hồi giáo cực đoan. Đây có lẽ cũng chính là một lý do khiến ông quyết định trở về tiếp tục sự nghiệp lãnh đạo thành phố Lyon, nơi ông từng là thị trưởng, rồi lãnh đạo vùng Lyon, kể từ gần 20 năm nay.

Paris và "tỉnh lẻ" : Cuộc chia tay được báo trước

Về các lý do ra đi của bộ trưởng nội vụ, Libération dành hồ sơ chính để nhấn mạnh đến những khác biệt, thậm chí quan hệ nhiều khi đối kháng giữa thủ đô Paris với các địa phương, trong suốt chiều dài lịch sử, từ thời La Mã cho đến nay, mà Lyon - nơi ông Collomb là thủ lĩnh - là một vùng đất tiêu biểu, với nhiều truyền thống riêng.

Le Monde cũng tìm cách giải mã sự ra đi của ông Collomb qua bài viết "Sự chia tay từ từ của một cặp đôi chính trị", với rất nhiều chi tiết ít được biết đến, được thuật lại như một câu chuyện tình cảm, cho thấy những gì đã từng gắn bó họ với nhau, những gì dẫn đến hiểu lầm, và cuộc chia tay đầy kịch tính.

Tố cáo Iran âm mưu khủng bố, nhưng Pháp tránh quan hệ đóng băng

Về thời sự quốc tế, báo chí Pháp đặc biệt chú ý đến cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Paris và Tehran, tiếp sau vụ Pháp cáo buộc tình báo Iran tổ chức khủng bố trên đất Pháp. Âm mưu khủng bố nhắm vào phong trào Moudjahidin của Nhân dân, đối thủ của chế độ Hồi giáo Iran, tại một vùng ngoại ô Paris, bị phá vỡ hồi tháng 6.

Về phía Pháp, Paris tìm cách giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vụ việc, và không muốn chuyện này dẫn đến việc quan hệ ngoại giao song phương bị đóng băng. Quan điểm của tổng thống Pháp là cương quyết duy trì đối thoại với Tehran, để Iran tiếp tục ở lại với thỏa thuận hạt nhân, mà tổng thống Mỹ vừa quyết định rút ra. Vấn đề quan trọng, theo nguyên thủ Pháp, là không thể để cho Iran có cơ hội sở hữu vũ khí nguyên tử.

Quan hệ Pháp-Iran trong những tuần gần đây căng thẳng hơn. Theo Reuters, một thông báo nội bộ của bộ ngoại giao Pháp, hồi cuối tháng 8, yêu cầu các nhân viên ngoại giao, công chức Pháp hoãn đi Iran, nếu đã lên kế hoạch.

Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục - khủng hoảng kinh tế cận kề

Trong lĩnh vực kinh tế, báo Les Echos đặc biệt chú ý đến tình trạng chứng khoán Mỹ tăng giá liên tục từ gần 3.500 ngày (114 tháng), tức trong gần 10 năm, với tỉ lệ tăng tổng cộng 333%. Đây là đợt tăng chứng khoán chưa từng có. Lần tăng dài nhất trước đó là từ 1990 - 2000, trong vòng 113 tháng.

Trong khi dòng vốn đầu tư ồ ạt chảy vào Hoa Kỳ, Les Echos có một bài phân tính khác về "Năm yếu tố có thể dẫn đến khủng hoảng vào năm 2020". Nhật báo kinh tế Pháp nhấn mạnh là, khác với cuộc khủng hoảng tài chính 2008, lần này, các quốc gia nợ nần è cổ sẽ không còn đủ phương tiện chính trị để đối mặt. Trong số năm yếu tố nói trên, có các căng thẳng thương mại quốc tế khiến tăng trưởng toàn cầu sụt giảm.

Pháp lo quá tải khách du lịch

Lập kỷ lục về lượng khách du lịch, với 90 triệu du khách, mang lại cho đất nước hơn 150 tỉ đô la hàng năm, nhưng chính quyền Pháp lo ngại viễn cảnh quá tải, và đang tìm biện pháp đối phó. Theo Le Figaro, mục tiêu của chính phủ là tìm cách hướng du khách không tập trung quá mức tại các tụ điểm du lịch vốn rất nổi tiếng, cụ thể như tháp Eiffel hay bảo tàng Louvre.

Xe hơi : "Viên thuốc đắng" môi trường

Trong lĩnh vực môi trường, Les Echos chú ý đến quyết định hôm qua của Nghị Viện Châu Âu, buộc ngành xe hơi giảm lượng khí CO2 là 40%, kể từ 2030, để bảo vệ môi trường không khí tại các thành phố, và theo đúng cam kết Khí hậu Paris 2015. Theo nhật báo kinh tế Pháp, đây là một "viên thuốc đắng" cho ngành sản xuất ô tô Pháp. Nhiều tập đoàn sản xuất xe hơi lên án đây là một quyết định "phi thực tế".

Các nhà sản xuất xe hơi đặc biệt lo ngại về biện pháp buộc các doanh nghiệp phải sản xuất 20% xe không phát thải từ đây đến 2025, và 35% vào 2030. Một nghị sĩ phản đối quyết định nói trên thì tỏ ý tiếc là đa số dân biểu Châu Âu đã quá ưu tiên xe hơi chạy điện, mà không chú ý đúng mức đến các phương án thay thế khác, như xe chạy hydrogene, hay xe hỗn hợp điện xăng.

Trong khi đó, tại Triển lãm xe hơi tại Paris vừa khai mạc, nhiều người lo ngại viễn cảnh đầy bất trắc của ngành công nghiệp ôtô, trong bối cảnh chiến tranh thương mại. Theo một số chuyên gia, dự kiến lượng xe bán ra năm tới sẽ sụt 1,4%, riêng tại Mỹ và Trung Quốc giảm 4%.

Để thích ứng với hoàn cảnh mới, khi cuộc chiến bảo vệ môi trường đang ngày càng được công chúng tham gia nhiều hơn, nhiều sáng kiến mới vẫn tiếp tục được đưa ra. Theo Le Monde, riêng hãng PSA Pháp - Peugeot Citroën trước đây, dự kiến sẽ bố trí khoảng 500 xe hơi chạy điện, sử dụng chung, trên đường phố Paris, để thay thế cho dịch vụ Autolib. PSA cũng là hãng xe Pháp đầu tiên triển khai sáng kiến xe hơi dùng chung tại Mỹ. Lần này là tại thủ đô Washington, với đội xe chạy xăng 600 chiếc.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 425 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)