Sau khi Tổng thống Mỹ và Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam điện đàm hôm 29/3, bàn về tăng cường và mở rộng quan hệ song phương, bên cạnh những dự báo về khi nào hai nước có thể nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược, cũng xuất hiện nhận định về phản ứng khả dĩ của Trung Quốc về vấn đề này.
Quốc kỳ của Việt Nam và Mỹ tung bay cạnh nhau tại Phủ Chủ tịch nước Việt Nam ở Hà Nội, 17/11/2006.
Bình luận về khả năng Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ trong năm nay, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, thuộc viện nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak của Singapore, nói với VOA từ Việt Nam rằng "có thể không chắc chắn nhưng khả năng là không thấp, bởi vì người ta [hai nước] đang cố đi đến đấy".
Trong khi đó, nhà bình luận Bùi Thanh Hiếu nói với VOA từ Đức rằng quan hệ Mỹ-Việt "còn xa mới đến tầm đối tác chiến lược" và lưu thêm ý rằng "do Việt Nam chịu ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga nên không thể nâng tầm thành quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ trong thời gian 3-5 năm tới đây".
Trung Quốc và Nga đang trở nên thân thiết với nhau hơn và cả hai cùng bày tỏ muốn đối kháng với Mỹ trên mọi lĩnh vực trong thời gian tới, ông Hiếu nói. Ông được biết tiếng rộng rãi vì thường sớm tung ra các thông tin có độ chính xác cao về nội tình chính trị Việt Nam và trước đây đã đăng nhiều bài bình luận, phân tích với bút danh Người Buôn Gió.
Bất luận khi nào Mỹ và Việt Nam chính thức tiến đến quan hệ đối tác chiến lược, Trung Quốc sẽ có phản ứng, nhưng theo hướng nào còn tùy vào nhiều yếu tố, nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp nói với VOA hôm 31/3.
"Trung Quốc có thể sẽ xem quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Hoa Kỳ như một thách thức đối với ảnh hưởng của chính họ trong khu vực. Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện kinh tế, ngoại giao và quân sự ở Đông Nam Á, và mối quan hệ ngày càng tăng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có thể được coi là một trở ngại cho tham vọng của Trung Quốc trong khu vực", tiến sĩ Hợp đưa ra ý kiến.
Khi Mỹ và Việt Nam trở nên khăng khít hơn một cách chính thức, một khả năng phản ứng của Trung Quốc là họ "có thể tìm cách tăng cường can dự với Việt Nam để đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ. Điều này có thể liên quan đến việc cung cấp các ưu đãi kinh tế, tăng cường hợp tác quân sự hoặc tăng cường quan hệ ngoại giao với Việt Nam", ông Hợp dự báo.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cho rằng cũng có khả năng không hề thấp là Trung Quốc có thể coi quan hệ đối tác Việt-Mỹ là "một mối đe dọa" và đáp trả bằng các hành động hung hăng hơn, "chẳng hạn như tăng cường sự hiện diện quân sự trong các vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông hoặc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Việt Nam".
Xét đến quan hệ Việt-Trung có lịch sử phức tạp, bao gồm xung đột trong quá khứ và sự khác biệt về ý thức hệ, dù hai nước đã nỗ lực cải thiện quan hệ trong những năm gần đây song vẫn còn ngờ vực nhau ở mức độ nhất định, tiến sĩ Hợp nhận định rằng "Trung Quốc có thể xem quan hệ đối tác Việt-Mỹ là một động thái của Việt Nam để phòng ngừa ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc và củng cố vị thế của mình trong khu vực".
Ông nói thêm : "Trung Quốc cũng có thể xem quan hệ đối tác Việt-Mỹ là một phần của mô hình nỗ lực rộng lớn hơn của Mỹ nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc toàn cầu. Trung Quốc thường xuyên cáo buộc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ và cố gắng làm suy yếu sự phát triển của nước này. Mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có thể được coi là một phần của chiến lược lớn hơn này của Hoa Kỳ".
Quan hệ thắt chặt thêm giữa Việt Nam và Mỹ cũng sẽ có tác động đến tranh chấp trên Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố họ có chủ quyền gần như toàn bộ, trong khi Việt Nam và một số nước Đông Nam Á khác cũng có các tuyên bố chủ quyền, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp tiên liệu.
"Hoa Kỳ đã có lập trường mạnh mẽ chống lại các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và đã tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trong khu vực để thách thức các yêu sách của Trung Quốc. Mối quan hệ ngày càng tăng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có thể khuyến khích Việt Nam có lập trường quyết đoán hơn trong các tranh chấp Biển Đông, có khả năng làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến sự cạnh tranh gia tăng và thậm chí có khả năng xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam", ông Hợp cảnh báo.
Song tình hình không nhất thiết phải đi theo hướng xấu như vậy, vẫn nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp dự báo. Ông cho rằng cũng có xác suất là quan hệ đối tác Việt-Mỹ có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các nỗ lực ngoại giao để giải quyết tranh chấp Biển Đông.
"Hoa Kỳ đã khuyến khích tất cả các bên theo đuổi giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực, và mối quan hệ ngày càng tăng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ có thể cung cấp một nền tảng cho đối thoại và hợp tác mang tính xây dựng", ông Hợp nói.
Ở một khía cạnh khác, quan hệ đối tác chiến lược Việt-Mỹ cũng có thể có tác động đến lợi ích kinh tế của Trung Quốc. "Quan hệ đối tác Việt-Mỹ có thể dẫn đến sự cạnh tranh kinh tế gia tăng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại Việt Nam, có khả năng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận của Trung Quốc vào thị trường và chuỗi cung ứng của Việt Nam. Điều này có thể có ý nghĩa đối với chiến lược kinh tế rộng lớn hơn của Trung Quốc, đặc biệt là khi nước này tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và các thị trường phương Tây khác", tiến sĩ Hợp phân tích.
Cạnh tranh Mỹ-Trung về kinh tế ở Việt Nam được ông Hợp dự báo sẽ tăng trong bối cảnh Việt Nam trở thành đối tác thương mại ngày càng quan trọng đối với Trung Quốc trong những năm gần đây, với thương mại song phương đạt hơn 175 tỷ đô la vào năm 2022, còn Mỹ cũng đang tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế với Việt Nam, đặc biệt là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn để đối trọng với ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc trong khu vực.
Nhìn chung, quan hệ đối tác chiến lược Việt-Mỹ có thể sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với lợi ích và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực, đồng thời, quỹ đạo tương lai của mối quan hệ Việt Nam-Mỹ-Trung sẽ phụ thuộc vào một loạt các yếu tố chính trị, kinh tế và an ninh phức tạp, và sẽ đòi hỏi đối thoại và hợp tác liên tục giữa tất cả các bên liên quan, nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp đánh giá.
Ông nói thêm : "Mặc dù có thể có những thách thức và các lĩnh vực căng thẳng, nhưng cũng có tiềm năng hợp tác và tham gia mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan".
Riêng về ảnh hưởng đến Việt Nam, tiến sĩ Hợp đúc kết rằng "quan hệ đối tác chiến lược với Hoa Kỳ có thể giúp củng cố sự tự tin của Việt Nam trong việc thực hiện chính sách đối ngoại và chiến lược an ninh của mình, vì nó cung cấp cho Việt Nam một đồng minh mạnh mẽ có thể cung cấp hỗ trợ trong một loạt các lĩnh vực".
Nguồn : VOA, 31/03/2023
Thanh trừng chống tham nhũng : Ban lãnh đạo Việt Nam sẽ nghiêng về Trung Quốc nhiều hơn ?
Vào tháng trước, chỉ vài ngày trước Tết Nguyên Đán, 17/01/2023, một sự kiện chưa từng có ở Việt Nam đã thu hút sự chú ý của báo chí quốc tế : Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã buộc phải từ chức trong khuôn khổ chiến dịch chống tham nhũng do tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát động. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, một chủ tịch nước phải "xin thôi" giữ chức lúc đương nhiệm.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong cuộc gặp tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 11/09/2021. AP - Le Tri Dung
Về mặt chính thức, ông Nguyễn Xuân Phúc buộc phải từ chức như vậy là vì ông phải "chịu trách nhiệm chính trị", do trong thời gian làm thủ tướng từ năm 2016 đến năm 2021, ông đã "để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng". Trước ông Nguyễn Xuân Phúc, hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam cũng đã buộc phải "xin thôi" giữ chức vào cuối tháng 12 năm ngoái do bị dính líu đến các vụ tham nhũng.
Những đảo lộn trong thành phần lãnh đạo tối cao của Việt Nam hiện vẫn là đề tài bàn luận của báo chí quốc tế, đặc biệt họ quan tâm đến tác động đối với đường lối ngoại giao của Việt Nam.
Việt Nam theo gương Trung Quốc
Trang Asia Times ngày 02/02/2023 có đăng một bài phân tích của ông M.K. Bhadrakumar, nguyên là một nhà ngoại giao Ấn Độ, với tựa đề " Việt Nam thấy một tương lai chung với Trung Quốc hơn là với Hoa Kỳ" (Vietnam sees a shared future more with China than US).
Theo nhận định chung của ông M.K. Bhadrakumar, cuộc thanh trừng chống tham nhũng của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy Việt Nam đang đi theo hướng nặng về ý thức hệ hơn và bớt thân phương Tây hơn.
Tác giả bài viết ghi nhận : "Nỗ lực chống tham nhũng kéo dài hàng thập kỷ do tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát động đã tăng tốc trong những năm gần đây và dường như được thúc đẩy bởi những mối quan tâm rất giống với những mối quan tâm của Đảng cộng sản Trung Quốc và chủ tịch Tập Cận Bình. Về cơ bản, động lực của chiến dịch này là tính chính đáng của Đảng cộng sản Việt Nam với tư cách là đảng cầm quyền".
Theo ông, Đảng cộng sản Việt Nam đang nhìn sang phía "đàn anh" Đảng cộng sản Trung Quốc vốn đã định hướng cho giai đoạn phát triển kinh tế kế tiếp với mục tiêu trở thành "một cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại" (mục tiêu được đề ra tại Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc năm 2021).
Ông M.K. Bhadrakumar khẳng định : "Không hề là ngẫu nhiên khi các lãnh đạo đảng bị cách chức chủ yếu là thuộc phe "thân phương Tây" hoặc là những thành phần kỹ trị, và điều này có thể cho thấy là ông Nguyễn Phú Trọng quan tâm đến sự toàn vẹn về tư tưởng và cũng như về đạo đức của đảng".
Còn ông Nguyễn Xuân Phúc trong thời gian làm thủ tướng (2016-2021) được nhiều người xem là đã thúc đẩy các cải tổ tạo thuận lợi cho giới doanh nghiệp. Tác giả bài viết trích một bình luận trên trang web của đài phát thanh Deutsche Welle vào tháng trước, mô tả ông Phúc là một "lãnh đạo nghiêng về phương Tây" :
"Quan hệ về mặt doanh nghiệp và chính trị giữa Việt Nam với các nước phương Tây đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Nhưng ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam vẫn hoài nghi về ý định của phương Tây. Nhiều người trong số họ lo sợ rằng các nền dân chủ phương Tây đang nhắm đến việc thay đổi chế độ ở quốc gia độc đảng này và họ lên án các tổ chức nước ngoài vẫn rao giảng cho chính phủ về nhân quyền. Bộ máy công an, mà thế lực đang lên, được cho là cảnh giác nhất với các nền dân chủ phương Tây".
Theo ghi nhận của ông M.K. Bhadrakumar, một số nhà phân tích phương Tây so sánh sự khẳng định quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng với việc củng cố quyền lực ở Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình. Tác giả bài viết trích dẫn ông Bill Hayton, một nhà quan sát và tác giả nổi tiếng về Việt Nam (Vietnam : The Rising Dragon) tại Chatham House (Viện nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh) ở Luân Đôn, đã lưu ý một cách mỉa mai rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam coi Đảng cộng sản Trung Quốc "như một người bạn trong cuộc đấu tranh của họ để duy trì quyền kiểm soát Việt Nam". Hayton nhấn mạnh : "Tôi nghĩ đó là một lời cảnh báo rằng những người này thực sự không vội vã coi Hoa Kỳ là đồng minh hay bất cứ điều gì tương tự, họ coi Trung Quốc là một đối tác ý thức hệ hơn là Mỹ".
Theo ông M.K. Bhadrakumar, mối lo ngại thực sự của phương Tây là sự cân bằng quyền lực trong Đảng cộng sản Việt Nam và trong chính phủ hiện nay có thể có lợi cho Trung Quốc và Nga hơn.
Tác giả bài viết trên Asia Times ghi nhận là cuộc thanh trừng trong ban lãnh đạo Việt Nam đã diễn ra khi ông Nguyễn Phú Trọng vừa trở về sau chuyến thăm "thành công" ở Trung Quốc cuối tháng 10 đầu tháng 11 năm ngoái.
Ban lãnh đạo mới thiếu kinh nghiệm ngoại giao
Tờ nhật báo Hồng Kông South China Morning Post cũng quan ngại về tác động của cuộc thanh trừng chống tham nhũng ở Việt Nam đến chính sách ngoại giao của Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung.
Trong một bài đăng mạng ngày 24/01/2023, tờ báo viết : "Khi Việt Nam thanh lọc hàng ngũ lãnh đạo sau chiến dịch trấn áp tham nhũng, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về sự thiếu kinh nghiệm của ban lãnh đạo mới về chính sách đối ngoại và điều đó có thể ảnh hưởng như thế nào đến khả năng của Việt Nam đối phó với các thách thức ngoại giao trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung"
South China Morning Post trích dẫn ông Hà Hoàng Hợp, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, ghi nhận : "Dưới sự lãnh đạo về đối ngoại của thủ tướng Phạm Minh Chính, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và chính sách theo hướng phòng ngừa rủi ro của Việt Nam đối với Trung Quốc sẽ không thay đổi".
Bảo tồn các mối quan hệ hiện tại là một bài toán nan giải đối với Việt Nam, vốn đang xem xét khả năng chuyển từ quan hệ đối tác toàn diện sang quan hệ đối tác "chiến lược" với Hoa Kỳ, nhưng vẫn duy trì quan hệ thân hữu với Trung Quốc, quốc gia láng giềng của Việt Nam và cũng là đối tác thương mại lớn nhất.
Tờ nhật báo Hồng Kông trích dẫn ông Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam, cho rằng năng lực của tân chủ tịch nước sẽ không có tác động đáng kể đến định hướng chính sách đối ngoại của Việt Nam, vì chức vụ này "phần lớn mang tính hình thức". Ông Giang nhắc lại chính sách đối ngoại của Việt Nam được quyết định tập thể và đã được Đại hội Đảng năm 2021 đề ra và khó có thể đổi hướng. Tuy nhiên, sự ra đi của hai ông Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh, cả hai đều đóng "vai trò quan trọng về thành công ngoại giao của Hà Nội trong những năm gần đây", có thể làm giảm khả năng của Việt Nam giữ thế cân bằng trước cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc, cũng như giải quyết các tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Mô tả sự thiếu kinh nghiệm về chính sách đối ngoại của Trần Lưu Quang (được bổ nhiệm thay thế ông Phạm Bình Minh làm phó thủ tướng) là điều "đáng lo ngại", Zachary Abuza, giáo sư về an ninh chiến lược tại Đại học Chiến tranh Quốc gia ở Washington, dự báo bộ trưởng ngoại giao Bùi Thanh Sơn có thể là "người ra đi tiếp theo", do vai trò của ông với tư cách bộ trưởng trong vụ tai tiếng "chuyến bay giải cứu". Cũng theo giáo sư Abuza, nếu bộ trưởng công an Tô Lâm trở thành chủ tịch nước, sẽ có "sự thiếu hụt thực sự kinh nghiệm về chính sách đối ngoại trong giới lãnh đạo cấp cao".
Ảnh hưởng ngày càng mạnh của phe thân Bắc Kinh
Tờ nhật báo Le Monde của Pháp ngày 19/01/2023, cũng đã có bài viết tựa đề "Ở Việt Nam, vụ cách chức chủ tịch nước cho thấy ảnh hưởng ngày càng mạnh của các lãnh đạo thân Bắc Kinh".
Theo Le Monde, "thông qua cựu thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và hai phó thủ tướng của ông, chế độ cũng trừng phạt ba nhân vật nổi tiếng là thực dụng, và là những người tham gia nhiều nhất vào việc quản lý đất nước kể từ năm 2016". Trong giai đoạn này, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng mạnh mẽ (8% vào năm 2022), trong bối cảnh mở cửa ngày càng nhiều đối với đầu tư nước ngoài và mở cửa với phương Tây, đầu tiên là với Hoa Kỳ, quốc gia mà kể từ thời tổng thống Obama và nhất là kể từ thời chính quyền Biden đã vận động để củng cố quan hệ với Việt Nam.
Le Monde nhắc lại : Phó thủ tướng bị cách chức Phạm Bình Minh từng là bộ trưởng ngoại giao từ 2011 đến 2021. Cũng là ủy viên Bộ Chính trị, ông là một trong số ít lãnh đạo từng du học tại Hoa Kỳ. Tờ báo trích lời Benoît de Tréglodé, chuyên gia về Việt Nam và giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự (Irsem), giải thích : "Ta chỉ cần nhìn xem những lãnh đạo bị cách chức đã được thay thế bởi ai. Trong số các phó thủ tướng mới có một "nhà tư tưởng kiên định". Trong khi đó, thủ tướng đương nhiệm Phạm Minh Chính, người thay thế Nguyễn Xuân Phúc khi ông trở thành chủ tịch nước vào năm 2021, đã dành toàn bộ sự nghiệp của mình cho bộ máy tình báo và công an, tức là bộ đặc trách duy trì trật tự và đàn áp chính trị".
Chuyên gia Benoît de Tréglodé giải thích : "Trong vài năm nay, chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng thực sự về sức mạnh của bộ máy công an. Theo ông, hiện tượng này phản ánh cả một cuộc đấu đá để giành quyền kế nhiệm tổng bí thư, chức vụ mà đương kim bộ trưởng công an Tô Lâm rất muốn nắm. Từ đây đến đó, ông được cho là sẽ được giao chức chủ tịch nước. Đấu đá nội bộ cũng phản ánh một mối căng thẳng về định vị chiến lược của Việt Nam".
Theo cái nhìn của ông Benoît de Tréglodé, theo truyền thống, công an là "ngành có nhiều hợp tác với Trung Quốc nhất, là ngành mà hai đảng cộng sản Trung Quốc và Việt Nam dễ nhất trí với nhau nhất về cách tốt nhất để giữ quyền lực". Vị chuyên gia Pháp cho rằng những cuộc thanh trừng ở cấp cao nhất này nhắm vào một tầng lớp lãnh đạo được coi là thực dụng và cởi mở với phương Tây, do đó có thể được coi là một "cử chỉ thiện chí về chính trị của Việt Nam đối với Bắc Kinh, rằng Việt Nam không dễ bị Mỹ lôi cuốn".
Ổn định chính trị của Việt Nam là cần thiết
Tờ Jakarta Post của Indonesia ngày 30/01/2023 cũng bày tỏ quan ngại về tác động của thanh trừng chống tham nhũng đối với ASEAN
Tờ báo cho rằng : "Với tư cách là chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2023, Indonesia sẽ cần quan tâm nhiều hơn đến những diễn biến chính trị ở Việt Nam. Cho đến nay, ít nhất là đối với những người bên ngoài, không có dấu hiệu đáng lo ngại nào từ Hà Nội trong cuộc tranh giành quyền lực trong giới lãnh đạo chính trị. ASEAN đã rất ngạc nhiên trước việc chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đột ngột từ chức hồi đầu tháng 1 trong bối cảnh nước này đang tăng cường trấn áp tham nhũng".
Jakarta Post nhắc lại, chỉ một tháng trước khi từ chức, ông Phúc đã đến Indonesia để hội đàm với tổng thống Joko Widodo để ký kết thỏa thuận lịch sử về Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) vùng biển Natuna giữa hai nước, một thỏa thuận mang tính lịch sử, đạt được sau 12 năm đàm phán.
Tờ báo nhấn mạnh "một nước Việt Nam ổn định về chính trị là một yếu tố cần thiết để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Chúng ta đều mong rằng giới lãnh đạo của đảng cộng sản ở Việt Nam sẽ tìm ra giải pháp đôi bên cùng có lợi vì lợi ích của người dân Việt Nam, của ASEAN và của thế giới".
Thanh Phương