Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Iran : Sự hiện diện của quân đội nước ngoài làm vùng Vịnh thêm mất an ninh (RFI, 22/09/2019)

Sau khi Hoa Kỳ quyết định đưa thêm quân đến Saudi Arabia, chính quyền Iran hôm 22/09/2019 cảnh báo sự hiện diện của các thế lực quân sự nước ngoài làm tăng nguy cơ bất ổn về an ninh.

gulf1

Tổng thống Iran Hassan Rohani phát biểu nhân Ngày Quân lực Iran. Ảnh tại Tehran, ngày 22/09/2019. Reuters

Phát biểu tại một cuộc duyệt binh ở Tehran, tổng thống Iran Hassan Rohani khẳng định Vùng Vịnh đang trong "một thời điểm nhạy cảm và có ý nghĩa lịch sử quan trọng". Tổng thống Iran nhấn mạnh : Các lực lượng quân đội và đồng minh càng ở xa khu vực này, thì khu vực sẽ an toàn hơn. Ngày 22/09 là dịp kỉ niệm 39 năm ngày chính quyền Iraq tấn công Iran, mở đầu cho cuộc chiến Iran-Iraq kéo dài 8 năm (1980-1981).

Tổng thống Iran cũng hứa, trong những ngày tới tại Liên Hiệp Quốc, phía Iran sẽ trình bày một kế hoạch hợp tác khu vực, nhằm bảo đảm an toàn Vùng Vịnh, eo biển Hormuz và biển Oman, với "sự hỗ trợ của các quốc gia trong khu vực".

Cho đến nay, Iran phản đối mọi cáo buộc của Washington cho rằng Tehran đứng sau các cuộc không kích ngày 14/09, nhắm vào một số cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia.

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đợt triển khai quân mới tại quốc gia đồng minh Saudi Arabia, chỉ thuần túy mang tính "tự vệ".

Anh : Ít có khả năng quân nổi dậy Houthi tấn công

Theo Reuters, ngoại trưởng Anh Dominic Raab, hôm nay, nhận định : theo các thông tin mà ông có được, rất ít có khả năng các cuộc không kích nhắm vào hai cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia là do quân nổi dậy Houthi thực hiện, cho dù lực lượng này đứng ra nhận trách nhiệm. Trước đó hai hôm, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đưa ra cùng nhận định, ông cho biết nên chờ đợi các kết quả điều tra quốc tế.

CNN dẫn lời ngoại trưởng Saudi Arabia Adel Al Joubeir, tố cáo việc các vũ khí sử dụng để tấn công được sản xuất tại Iran và do Iran cung cấp.

Trọng Thành

***************

Trung Quốc, Nga và Iran lên kế hoạch tập trận hải quân ? (RFI, 22/09/2019)

Một nguồn tin quân sự Iran, ngày 21/09/2019, cho biết Nga, Iran và Trung Quốc đang lập kế hoạch sớm tổ chức tập trận hải quân chung ngoài khơi biển Oman và phía bắc Ấn Độ Dương. Chính quyền Trung Quốc vẫn chưa có bình luận gì về thông tin này.

gulf2

Tàu chiến cao tốc Iran. Reuters

Nhật báo Hồng Kông, South China Morning Post, trích dẫn lời tướng Ghadir Nezami Pour, chuyên trách các hồ sơ quốc tế và đối ngoại quốc phòng của quân đội Iran cho rằng cuộc tập trận rất có thể sẽ diễn ra tại vùng biển quốc tế.

Hoạt động quân sự này có nhiều mục tiêu khác nhau, bao gồm trao đổi kinh nghiệm chiến thuật và quân sự, cũng như là tìm kiếm các mục tiêu chính trị nhằm chứng tỏ một sự đồng thuận giữa các bên tham gia.

Vẫn theo vị tướng này, các quan chức cấp bộ Quốc phòng và các lãnh đạo quân đội sẽ sớm đến Iran và hành động này phản ảnh rõ nền ngoại giao quốc phòng tích cực của nước Cộng Hòa Hồi Giáo.

Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc hoàn toàn im lặng về thông tin này. Theo chuyên gia về hải quân Lý Khiết (Li Jie) : "thời điểm cho cuộc tập trận có lẽ khá nhậy cảm và nhiều nước rất có thể sẽ cho đấy là một sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Iran nếu có xảy ra bất kỳ một cuộc xung đột nào giữa các nước".

Thông báo này được đưa ra vào lúc Washington cáo buộc Tehran đứng sau vụ tấn công cơ sở sản xuất dầu lửa của Saudi Arabia và thông báo sẽ điều thêm quân đến vùng Vịnh theo đề nghị của Riyad. Chính quyền Tehran ngay lập tức cảnh báo mọi hành động quân sự nào từ Washington và Riyad đều có thể dẫn đến một "cuộc chiến toàn diện".

Minh Anh

******************

Tại sao người dân Iran ghét Macron và Putin hơn ai hết ? (RFI, 21/09/2019)

Đây là câu hỏi bà Mahnaz Shirali, chuyên gia về chính trị - xã hội học, giảng viên trường đại học Sciences Po tìm cách giải đáp trên trang Blog của báo mạng HuffingtonPost. Theo bà, việc nguyên thủ Pháp chìa tay với nước Cộng hòa Hồi giáo không phục vụ lợi ích của người dân Iran vì họ vốn dĩ hy vọng là các biện pháp trừng phạt của Donald Trump sẽ bóp nghẹt chế độ của các giáo chủ ayatollah. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.

gulf3

Nguyên thủ Pháp, Emmanuel Macron và đồng nhiệm Nga, Vladimir Putin tại buổi họp báo ở Brégançon, ngày 19/08/2019. Gerard Julien/Pool via Reuters

Vụ tấn công các cơ sở sản xuất dầu hỏa Saudi Arabia một lần nữa đã làm gia tăng căng thẳng giữa Iran và Hoa Kỳ. Sự kiện này tiếp nối các "vụ tấn công bí ẩn" nhắm vào các tầu dầu lớn trong vùng Vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz cách nay vài tháng.

Nước Cộng hòa Hồi giáo phản bác mọi cáo buộc có liên can đến các vụ tấn công này, trong khi đó vào tháng 7/2019, ông Ali Akbar Velayati, cố vấn đặc biệt của Ayatollah Khamenei, đã tuyên bố : "Nếu Iran không thể xuất khẩu được dầu hỏa, thì không một nước nào khác có thể làm được". Các lãnh đạo Iran không có ý định hạ bớt thái độ cứng rắn và tiếp tục duy trì thế đối đầu trong khi không có mấy phương tiện để thực hiện.

Mười lăm tháng sau khi ông Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015 và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt, người dân Iran giờ đang sống một trong những trang đen tối nhất trong lịch sử nước này : Nền kinh tế đất nước – vốn đã kiệt quệ do các trừng phạt – giờ hầu như hụt hơi, đồng nội tệ mất giá đến 75%, nghèo đói tàn phá đất nước, những vị ayatollah bị căm ghét hơn bao giờ hết, và trấn áp chính trị chưa bao giờ dữ dội như lúc này kể từ sau cuộc xâm chiếm của người Mông Cổ thế kỷ XIII. Mới đây, trong tuần vừa qua, vụ một thiếu nữ Iran tự thiêu sau khi bị kết án 6 tháng tù giam vì tội đến sân xem bóng đá đã làm rung chuyển cả nước.

Nếu nước Cộng hòa Hồi giáo có thể tỏ ra không khoan nhượng với Hoa Kỳ, tiếp tục theo đuổi các tham vọng bành trướng và đe dọa các nước láng giềng trong khu vực, đó là vì các nhà lãnh đạo không chú trọng đến những lợi ích quốc gia của người dân Iran. Thay vì phải bình định mối quan hệ của họ với cộng đồng quốc tế, những vị lãnh đạo này lại khép mình trong chính sách bài Mỹ và bài Israel.

Chính sách hiếu chiến này, vốn đã tàn phá đất nước, ngày nay đã mang lại cho Iran một vị thế anh hùng hơn bao giờ hết, không chỉ làm hài lòng một bộ phận công luận thế giới Ả Rập mà cả những người mang tư tưởng chống Mỹ và phe tả Châu Âu.

Các nhà lãnh đạo Iran, ý thức về sự thành công này – nếu không phải là với người dân Iran, thì ít nhất là với người nước ngoài – đang tìm cách kín đáo giải quyết những vấn đề của họ với Mỹ. Bởi vì, khó khăn của các ayatollah bắt đầu từ chỗ, lần đầu tiên từ 40 năm qua, họ phải đối mặt với một vị tổng thống Mỹ chỉ muốn đối thoại trước các ống kính camera.

Vì không thể phản bội lập trường bài Mỹ và không thể từ bỏ chính sách hiếu chiến, các ayatollah tìm cách lẩn tránh các lệnh trừng phạt, bằng cách vừa gây áp lực với Châu Âu, vừa trông cậy vào sự ủng hộ của người láng giềng nguy hiểm, ông Vladimir Putin. Nguyên thủ Nga đã thành công trong việc giành được các quyền kiểm soát vùng biển Caspi để đổi lấy sự ủng hộ của ông đối với chế độ ở Tehran. Sự ủng hộ này nhanh chóng tỏ ra là huyễn hoặc vì một năm sau, vào tháng 5/2019, Putin tuyên bố : "Nước Nga không phải là một đội cứu hỏa, chúng tôi không thể cứu hết tất cả mọi người".

Các ayatollah, hiện đang tìm cách kháng cự cho đến cuối nhiệm kỳ của ông Donald Trump, lại "tiền hậu bất nhất". Hôm nay, họ khẳng định sẵn sàng đàm phán với "bất kỳ ai". Ngày mai, họ lại áp đặt điều kiện tiên quyết để thương thuyết với Trump. Trong khi chờ đợi, các vị giáo chủ liên tiếp đàm phán với các nhà lãnh đạo Châu Âu, đứng đầu là nguyên thủ Pháp, Emmanuel Macron.

Tổng thống Pháp, đang tìm cách bảo vệ bằng mọi giá cái thỏa thuận hạt nhân 2015 "chết yểu", cố gắng tự đặt mình vào vai trò trung gian hòa giải giữa Mỹ với Iran, khi đề nghị một khoản vay 15 tỷ đô la cho nước Cộng hòa Hồi giáo. Khoản vay này có thể cứu rỗi các vị ayatollah bằng cách cho phép họ luồn lách các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, đề nghị này của ông Macron đã bị Ngân hàng Pháp từ chối, vì e sợ bị Mỹ trừng phạt, yêu cầu phải hỏi ý ông Donald Trump. Nguyên thủ Mỹ, trung thành với chính sách "áp lực tối đa" từ chối bất kỳ sự xin phép nào và đặt dấu chấm hết cho vai trò trung gian của Pháp.

Sự việc đã cho thấy rõ, không giống như đồng nhiệm Mỹ, tổng thống Pháp không có phương tiện để thực hiện các tham vọng của mình. Bí ẩn bao trùm lên các động cơ của ông đến giúp đỡ nước Cộng hòa Hồi giáo, một chế độ bị người dân phỉ báng. Có lẽ cũng nên nhắc lại rằng hiện tại không phải ông Donald Trump, tác giả của các lệnh trừng phạt nhắm vào các vị giáo chủ ayatollah, mà chính là Vladimir Putin và Emmanuel Macron, là những nhân vật người dân Iran căm ghét.

Trên các con phố tại Tehran, cũng như tại nhiều thành phố khác, các khẩu hiệu chống Nga và chống Pháp được dán khắp các bức tường và ảnh biếm họa Emmanuel Macron, đầu quấn khăn Ả Rập và mặc bộ áo của Yasser Arafat (người ủng hộ nhà nước Cộng hòa Hồi giáo nhiều nhất), được truyền tải trên các mạng xã hội.

Mệt mỏi vì 40 năm bất ổn, khủng hoảng và hỗn loạn, người dân Iran nhìn thấy lệnh trừng phạt của Mỹ như là một khả năng bóp nghẹt chế độ của các giáo sĩ ayatollah. Cho dù những lệnh trừng phạt này làm cho cuộc sống của họ thêm phần khó khăn, người dân Iran tự nhủ sẵn sàng chịu đựng để có thể nhanh chóng chấm dứt chế độc độc tài đen tối của ayatollah ; một chế độ độc tài chỉ mang đến cho họ chiến tranh và đói nghèo. Do vậy, mọi sự ủng hộ đối với các ayatollah chỉ làm kéo dài thêm nỗi thống khổ của một xã hội không còn muốn các nhà lãnh đạo của mình nữa.

Nhìn vào những sự kiện trong những ngày qua, việc đến giúp đỡ Cộng hòa Hồi giáo có lẽ sẽ trở nên khó hơn. Câu hỏi đặt ra : Các lợi ích tài chính của chế độ lãnh đạo tham nhũng tại Iran đối với nước Pháp lớn đến mức nào để mà ông Macron phải ủng hộ những nhà lãnh đạo nằm trong số những người bị ghét nhất trên thế giới ?

Tác giả kết luận : Hy vọng rằng trò chơi này "đáng đồng tiền bát gạo" và tổng thống Macron sẽ không làm lu mờ hình ảnh của nước Pháp trong con mắt người dân Iran chỉ vì những điều vô ích.

RFI tiếng Việt

*********************

Mỹ đưa thêm quân đến Vùng Vịnh theo đề nghị của Saudi Arabia (RFI, 21/09/2019)

Hôm 20/09/2019, Bộ quốc phòng Mỹ thông báo triển khai thêm lực lượng tại Vùng Vịnh, sau các vụ tấn công của nhắm vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia. Trong khi đó, tổng thống Mỹ đe dọa sẽ có các trừng phạt "chưa từng thấy" nhắm vào Iran, quốc gia bị Washington cáo buộc đứng sau các vụ tấn công.

gulf4

Ảnh minh họa : Cơ sở dầu hỏa của công ty Aramco ở Saudi Arabia bùng cháy sau khi bị drone tấn công. Ảnh 14/09/2019. Reuters

Theo AFP, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper thông báo với giới truyền thông : "Theo yêu cầu của Saudi Arabia và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, tổng thống đã phê chuẩn việc triển khai quân, về nguyên tắc đây các lực lượng có nhiệm vụ phòng ngự là chính. Lực lượng tăng viện chủ yếu là không quân và phòng không chống hỏa tiễn". Bộ trưởng quốc phòng Mỹ nhấn mạnh đây là "biện pháp đầu tiên" để đáp lại loạt tấn công ngày 14/09 của máy bay không người lái, và không loại trừ sẽ có thêm các đợt gửi quân mới trong tương lai. Về quy mô của đợt điều động này, tổng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, tướng Joseph Dunford, cho biết số lượng binh sĩ không lên đến con số hàng nghìn người.

Cho đến nay, tổng thống Mỹ ngày càng ít thiên về giải pháp can thiệp quân sự chống Iran, bất chấp tình hình căng thẳng tại Vùng Vịnh và áp lực từ "các thế lực diều hâu" trong nội bộ. Washington tiếp tục coi trừng phạt kinh tế là biện pháp chủ yếu để buộc Tehran thay đổi thái độ. Về các trừng phạt kinh tế nhắm vào Iran, theo bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin, hai đích ngắm chính là Ngân Hàng trung ương Iran và Quỹ Phát Triển Quốc Gia của Iran. Ông Mnuchin nhấn mạnh là các kênh chuyển tiền cho "Vệ binh cách mạng" - lực lượng tinh nhuệ của chính quyền Iran, bị Hoa Kỳ xếp vào danh sách tổ chức khủng bố - sẽ hoàn toàn bị cắt đứt.

Quân Houthi bất ngờ tuyên bố ngừng tấn công Saudi Arabia

Theo AFP, vào lúc áp lực dâng cao nhắm vào Iran, bị coi là chủ mưu của các vụ tấn công, lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen thông báo sẵn sàng ngưng tấn công Saudi Arabia. Tối hôm qua, nhân dịp kỉ niệm 5 năm ngày quân nổi dậy chiếm thủ đô Sanaa, thủ lĩnh của lực lượng nổi dậy - ông Mehdi Machat, chủ tịch Hội đồng chính trị của người Houthi - tuyên bố sẵn sàng ngừng "mọi cuộc tấn công" nhắm vào Saudi Arabia, với hy vọng là chính quyền Ryadh sẽ đáp trả tích cực trước cử chỉ thiện chí này, tiến hành "đàm phán nghiêm túc" để vãn hồi hòa bình.

Tuyên bố của lãnh đạo quân nổi dậy gây bất ngờ, vì chủ trương này hoàn toàn ngược lại với lập trường vốn có của lực lượng này. Cách đây ít ngày, quân Houthi còn đe dọa sẽ tiếp tục tấn công Saudi Arabia và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Lực lượng Houthi công khai nhận trách nhiệm đã tổ chức các cuộc tấn công ngày 14/09, nhắm vào các cơ sở dầu mỏ Saudi Arabia, khiến sản lượng dầu của nhà xuất khẩu dầu mỏ số một thế giới sụt giảm 50%.

Xung đột tại Yemen kéo dài từ năm 2015 đến nay, khiến hàng chục nghìn người chết, đa số là thường dân, đưa quốc gia nghèo nhất trên bán đảo Ả Rập vào "tình trạng thảm họa nhân đạo", theo Liên Hiệp Quốc. Liên quân do Saudi Arabia đứng đầu can thiệp can thiệp vào Yemen, sau khi quân nổi dậy tấn công chính quyền của tổng thống Abedrabbo Mansour Hadi, buộc tổng thống Yemen phải chạy sang Saudi Arabia tị nạn. Iran là đồng minh của quân nổi dậy Houthi.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Saudi Arabia bị đánh trúng tim, vùng Vịnh ngồi trên thùng thuốc nổ

Ai tấn công vào hai trung tâm lọc dầu chiến lược của Saudi Arabia ? Gây thêm căng thẳng Mỹ- Iran để làm gì và hậu quả ra sao cho khu vực và kinh tế thế giới ? Tất cả báo Pháp đều bi quan, lo ngại viễn cảnh bốc lửa khắp Trung Đông.

gulf1

Nhà máy lọc dầu Aramco của Saudi Arabia bị bốc cháy đêm 14/9/2019 sau vụ tấn công bất ngờ. Reuters

"Saudi Arabia bị đánh trúng tim", "Mỹ-Iran ngồi trên thùng thuốc nổ", "Iran khiêu khích làm căng thẳng leo thang", "Viễn cảnh khủng hoảng dầu hỏa" : đó là những tựa lớn của Le Monde, Libération, Le FigaroLes Echos phản ảnh mức độ bất trắc của tình hình khu vực.

Ai đánh Saudi Arabia ?

Trong lúc nhật báo công giáo La Croix kêu gọi thận trọng không nên vội vã quy kết cho Iran thì Libération trong bài "Tiểu Trân Châu Cảng" thu thập một số chi tiết về vũ khí sử dụng : Bị mất mặt vì vụ tấn công này, Riyadh nghi ngờ phe Houthi nổi dậy ở Yemen sử dụng cả tên lửa hành trình do Iran cung cấp.

Theo Liên Hiệp Quốc, Houthi có cả máy bay tự hành ném bom có thể mang 20 kg chất bổ, bay xa 1000 km, có tên lửa "Al Qods" các loại vũ khí do Trung Quốc bán cho Iran và Iran cung cấp cho đồng minh theo hệ phái Shia tại Yemen. Trái lại, nhật báo Le Monde cho biết có nhiều thông tin "phù hợp" xác định thủ phạm là các dân quân võ trang Shia thân Iran ở Iraq.

Theo các nguồn tin này, Hoa Kỳ đã biết dân quân Iraq thân Iran là thủ phạm vụ oanh tạc bằng "drone" vào một mỏ dầu Saudi Arabia hồi tháng 5. Đến cuối tháng 7, lần đầu tiên không quân Israel bay sang Iraq oanh kích một kho vũ khí, đạn dược của một liên minh Shia kẻ thù của Israel.

Phải chăng vì thế mà tập đoàn dầu hỏa Aramco, con gà đẻ trứng vàng của vương triều Riyadh đồng minh của Mỹ, bị chọn làm mục tiêu trả đũa ? Đó là câu hỏi được đặt ra ở Trung Đông. Nhiều nhân chứng tại Kuwait cũng nói là thấy nhiều "drone" bay ngang lãnh thổ.

Hoa Kỳ sẽ phản ứng như thế nào ?

Theo Le Monde, mọi dấu hiệu đều nghiêng về khả năng xung đột võ trang. Ngày Chủ nhật, Nhà Trắng vẫn để ngõ "đối thoại", thế nhưng, chính quyền Iran, qua phát ngôn viên bộ ngoại giao, dứt khoát bác bỏ khả năng tổng thống Mỹ và Iran gặp nhau bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Song song với lời từ chối này này, tư lệnh không quân Iran Amirali Hajizedeh tuyên bố tất cả các căn cứ quân sự Mỹ và hàng không mẫu hạm trong đường kính 2000 cây số "nằm trong tầm hỏa lực" của Iran và quân đội Iran đã "sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh toàn diện".

Trong phần xã luận, Le Monde cho rằng "kẻ thù của Saudi Arabia và của đồng minh Hoa Kỳ đã tìm thấy điểm yếu trong bức tường thép phòng thủ".

Trái lại, Le Figaro, cảnh báo Iran coi chừng "tính lầm" :

Theo thẩm định của bài xã luận "Nguy hiểm mới tại vùng Vịnh", tác giả kế hoạch tấn công vào trung tâm đầu não của công nghiệp dầu hỏa Saudi Arabia là một kẻ mưu thâm kế độc. Saddam Hussein và Bin Laden không thể sánh bằng. Từ nhiều năm nay, Saudi Arabia đã trang bị đủ loại vũ khí chống khủng bố bằng xe bọc thép gài chất nổ, bố trí những dàn tên lửa phòng không tối tân Patriot. Tất cả các loại vũ khí này hoàn toàn vô hiệu trước loại máy bay tự hành giá rẻ. Kẻ thù của Riyadh và Washington dường như đã khám phá nhược điểm của đối phương. Nếu giá dầu trên thị trường tăng vọt trong những tuần lễ tới thì xem như họ thắng lớn : căng thẳng tại Trung Đông sẽ tác động đến túi tiền của hàng trăm triệu người có xe hơi trên khắp địa cầu.

Le Monde có một chút hy vọng : Thay vì cường điệu lời qua tiếng lại với nguy cơ xung đột trực diện, vụ tấn công hôm 14 tháng 9 tuy làm cho khủng hoảng nghiêm trọng bất ngờ, sẽ phải kích động đôi bên mở ra đối thoại. Bởi vì, nếu cứ tiếp tục đùa với lửa, cả khu vực Trung Đông sẽ bị hỏa thiêu.

Cũng cùng phân tích này, Le Figaro lưu ý, theo hình ảnh vệ tinh do Mỹ công bố, đợt tấn công đánh trúng 19 điểm ở hai mục tiêu, chỉ có thể xuất phát từ Iran hay Iraq. Vùng lãnh thổ do phe Houthi kiểm soát ở Yemen nằm rất xa ở tận bán đảo Ả rập. Trong bài "Tính lầm", nhật báo thiên hữu khuyến cáo : Iran đã tiến thêm một bước trong chiến lược trả thù phá vòng vây cấm vận. Từ thế đứng sau lưng phe Houthi và dân quân Iraq, lực lượng vệ binh cách mạng Iran tấn công vào hạ tầng cơ sở dầu hỏa của Saudi Arabia. Hôm nay sử dụng máy bay tự hành còn ném đá dấu tay được, ngày mai bấm nút tên lửa hành trình thì làm sao chối cãi ?

Cánh tay vũ trang của chế độ giáo quyền dường như đã tính rằng tổng thống thứ 45 của Mỹ là phiên bản âm của cố tổng thống Theodore Roosevelt, tức là "nói to mà dùng gậy nhỏ". Do vậy, Iran liên tục khiêu khích tổng thống Donald Trump mà họ chế nhạo là "to mồm nhưng cầm gậy nhỏ".

Donald Trump đã tính lầm khi xé hiệp định 2015. Nhưng nếu Iran cũng suy đóan lầm về đối thủ thì cái giá phải trả sẽ rất đắt. Đúng là chủ nhân Nhà Trắng không có nhiều giải pháp nên ông mới đồng ý đề nghị của tổng thống Pháp đối thoại với Iran. Cố vấn an ninh John Bolton mất chức càng tạo điều kiện thuận lợi để trao đổi. Thế mà Tehran đã đóng lại cánh cửa đàm phán. Đừng quên là Donald Trump đang mùa tranh cử. Làm ông ấy mất mặt là có chuyện lớn.

Trong khi đó, trong một bài phỏng vấn dành cho nhật báo thiên tả Libération, chuyên gia Vincent Eiffling giải thích thái độ khiêu khích của Iran như sau : Tehran đánh cược Donald Trump sẽ thất cử nên chạy đua với thời gian, ghi bàn thắng trên thực địa trước khi Nhà Trắng có chủ nhân mới.

Kinh tế Trung Quốc và Nhật Bản

Số liệu thống kê của Bắc Kinh cho thấy kinh tế Trung Quốc hụt hơi trong suốt mùa hè. Sản xuất công nghiệp tăng nhưng ở mức thấp nhất từ 17 năm nay. Tiêu dùng nội địa không đủ sức thay thế cỗ máy xuất khẩu giảm tốc lực. Các biện pháp vực dậy kinh tế không mang lại kết quả. Tin xấu thứ hai là hàng bán lẻ, chỉ số tình trạng tiêu dùng của các hộ gia đình không tăng đều như mong muốn.

Theo các chuyên gia tại Hoa lục, khó khăn thứ nhất của Trung Quốc là hệ quả của chiến tranh thương mại. Nhưng cùng lúc, dân chúng và giới doanh nghiệp cũng mất niềm tin : "thị trường nội địa lẽ ra phải là rường cột chống lại chiến tranh thương mại nhưng chưa đủ sức trở thành động cơ số một vực dậy nền kinh tế".

Tình hình xấu trong tháng 8, tiếp theo tháng 7 èo uột, càng làm giới phân tích thất vọng. Tuy cố gắng trấn an nhưng thủ tướng Lý Khắc Cường phải nhìn nhận "không thể duy trì tỷ số tăng trưởng 6%". Để yểm trợ sinh hoạt kinh tế, Ngân hàng trung ương Trung Quốc, ngày 16/09/2019 bơm thêm và thị trường 800 tỷ yuan (110 tỷ đôla) tiền mặt. Về phần doanh nhân, lần đầu tiên các xí nghiệp Hoa lục bán ra khoản 40 tỷ đôla cổ phần ở nước ngoài trong khi mua lại 35 tỷ. Xu hướng này hoàn toàn đảo ngược so với ba năm trước : bán 15 tỷ, mua vào 200 tỷ.

Xu hướng đảo ngược này là do tình hình suy sụp của doanh nghiệp. Tăng trưởng xuống thấp nhất từ 30 năm nay khiến xí nghiệp Trung Quốc không chịu đựng nổi gánh nặng tài chính và nợ nần.

Les Echos cũng dành một bài phân tích dài nói về ưu khuyết điểm của nước Nhật : nhiều thành tựu về kinh tế, xã hội, ngoại giao nhưng vị thủ tướng có "tuổi thọ chính trị" lâu dài nhất vẫn chưa thực hiện được các dự án cải cách cấu trúc kinh tế để cường quốc thứ ba thế giới duy trì thế mạnh trong thế kỷ 21. Les Echos hy vọng trong hai năm tới đây ông Abe sẽ thực hiện được mục tiêu này. Hiện giờ, thủ tướng Shinzo Abe tập trung tu chính hiến pháp để Nhật Bản chính thức thành lập quân đội đúng nghĩa đối đầu với Trung Quốc.

Trang Châu Á của La Croix ưu tư về số phận dân Bắc Triều Tiên chạy sang Trung Quốc tị nạn. Chính sách nhận diện kiểm soát dân chúng của Bắc Kinh khiến người Bắc Triều Tiên không thể tránh được cảnh sát Hoa lục. Các tổ chức thiện nguyện than phiền bị Trung Quốc đàn áp. Hệ quả là nhiều người Bắc Triều Tiên rơi vào hoàn cảnh khốn cùng biến thành mồi ngon cho các đường dây mãi dâm.

Pháp có nên cho cựu điệp viên Mỹ Edward Snowden tị nạn ?

La Croix nhắc lại quy định Công ước tị nạn Liên Hiệp Quốc 1951 thì Edward Snowden không nằm trong diện này : ông không bị kỳ thị chủng tộc, kỳ thị tôn giáo hay bị đàn áp vì chính kiến. Ông cũng không phải là nạn nhân của tình trạng chiến tranh hay bị đối xử một cách phi nhân, cũng không bị đe dọa bởi một bản án tử hình. Đáp lại nguyện vọng của đương sự muốn xin tị nạn tại Pháp, tổng thống Emmanuel Macron khuyên nên xin thẳng cơ quan lo về tị nạn Ofpra. Nhưng muốn được Ofpra nhận đơn thì phải qua Pháp.

Khả năng duy nhất là tổng thống Pháp cấp cho ông giấy cư trú như tổng thống François Mitterrand trước đây cho phép một thành viên tổ chức khủng bố Lữ đoàn Đỏ hết đất dung thân, cư trú. Nhưng liệu Paris có chịu nổi cơn thịnh nộ của Washington ?

Le Figaro nhắc lại cuộc khủng hoảng ngoại giao 2013. Hoa Kỳ căm giận nhân viên tình báo cũ đến mức chỉ có Nga, Trung Quốc hay những quốc gia công khai chống Mỹ như Venezuela hay Bolivia dám hứa tiếp Edward Snowden. Tháng 9/2013, một tin đồn Edward Snowden có mặt trên một chuyến bay mà đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao. Nghi ngờ tổng thống Evo Morales cho Edward Snowden quá giang máy bay từ Moskva về La Paz, bốn nước Châu Âu Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đóng cửa không phận. Chuyên cơ của tổng thống Bolivia bị chận ở Vienna 15 tiếng đồng hồ để cảnh sát lục soát. Tổng thống Evo Morales đưa vụ này ra Liên Hiệp Quốc. Tại La Paz, cờ Pháp bị đốt. Nhưng quan hệ Mỹ-Pháp được bảo toàn.

Nhật báo thiên hữu kết luận : cho dù bộ trưởng tư pháp Nicole Belloubet có thể tuyên bố "thuận" cho Edward Snowden "tị nạn", dù một dân biểu tầm cỡ của đảng cầm quyền khen ngợi "người hùng phục vụ lợi ích nhân loại", nhưng tổng thống Emmanuel Macron đã quyết : cựu nhân viên tình báo Mỹ đào thoát phải tôn trọng thủ tục xin tị nạn như mọi người khác và phải qua cơ quan Ofpra, ở ngoại ô Paris.

Tú Anh

Published in Quốc tế

Mỹ, Iran cận kề chiến tranh

Khi nào vùng Vịnh bốc cháy ? Vào lúc nhật báo Mỹ New York Times đưa tin tổng thống Trump suýt "bật đèn xanh" cho chiến dịch quân sự nhắm vào cơ sở quân sự của Iran, nhưng đã dừng lại vào phút chót, tất cả các tờ báo Paris đồng loạt chạy tựa : "Căng thẳng Tehran – Washington tăng thêm một nấc".

myiran1

Những mãnh của chiếc drone Mỹ bị tên lửa Iran bắn rơi được trưng bày tại Tehran ngày 21/06/2019. Tasnim News Agency/Handout via Reuters

Sau khi drone của Mỹ bị Iran bắn hạ, Le Figaro ghi nhận "Nguy cơ xung đột ngày càng lớn". Tình hình "xấu thêm" khiến báo kinh tế Les Echos lo ngại giá dầu hỏa sẽ "bốc cháy". Nhưng theo tờ báo này, Iran không phải là yếu tố quyết định đối với giá xăng dầu trên thế giới, mà điều quan trọng nhất là mức tiêu thụ của nhân loại.

Trong cuộc đọ sức giữa một bên là nhà tỷ phú New York Donald Trump luôn khoe khoang tài đàm phán xuất chúng của mình và bên kia là giáo chủ Khamenei ở xứ nổi tiếng với khu chợ Bazar, cây bút uy tín của Le Monde, Alain Frachon, tóm tắt tình hình : đôi bên cùng tuyên bố không muốn chiến tranh, nhưng lại cùng "phô trương cơ bắp", cùng chơi đòn "gây áp lực tối đa" với đối phương. Làm thế nào để tránh lún sâu vào vòng xoáy chiến tranh ?

Dưới hàng tựa "Tehran và Washington trong bầu không khí chiến tranh", Libération đặt câu hỏi : cứ bảo rằng căng thẳng đang leo thang, vậy cầu thang dẫn tới chiến tranh vùng Vịnh có bao nhiêu bậc ? Tờ báo thiên tả này quy trách nhiệm cho tổng thống Hoa Kỳ "đổ dầu vào lửa" trong vùng Vịnh và cho rằng rồi đây ông Donald Trump sẽ phải "xử lý" chiến thuật "gây áp lực tối đa" của mình. Đúng là các đòn trừng phạt của Mỹ đẩy kinh tế Iran đến sát bờ vực thẳm, nhưng từ một năm qua Tehran vẫn không có nhu cầu đối thoại với Hoa Kỳ. Đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran mà Washington mong muốn không hề có một chút tiến triển.

Những động thái gần đây nhất của Iran là dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo ở Tehran đang rơi vào cảnh "tuyệt vọng", như phân tích của một chuyên gia thuộc viện nghiên cứu Brookings Institution được Libération trích dẫn. Điều ngạc nhiên duy nhất theo chuyên gia này là Tehran đã "kiên nhẫn đợi chờ một thời gian dài trước khi có phản ứng mạnh mẽ".

Giờ đây đôi bên cùng khoanh tay đợi xem cuộc đọ sức Mỹ - Iran có bước sang một khúc quanh mới sau vụ Tehran bắn hạ drone của Hải Quân Hoa Kỳ hay không.

Con tàu điên trong Nhà Trắng

Thêm một cuốn sách về Donald Trump. Một năm rưỡi trước đây, nhà văn kiêm nhà báo người Mỹ, Michael Wolff đã cho ra mắt công chúng cuốn "Fire and Fury –Lửa và cuồng nộ bên trong Nhà Trắng", tác giả nay lại thu hút bạn đọc với "Siege : Trump Under Fire – tạm dịch là Thế vây hãm, đạn chĩa vào Trump".

Báo Les Echos giới thiệu qua về cuốn sách mới mà trong đó Wolff tiết lộ, hơn hai năm Donald Trump ở Nhà Trắng, những cộng sự viên còn trụ lại bên ông, hay những người mới được tuyển vào đều ý thức được một điều : họ phục vụ Donald Trump, chứ không phải là làm việc cho tổng thống Hoa Kỳ vì quyền lợi của nước Mỹ.

Bên trong phủ tổng thống lúc nào cũng nặng trĩu bầu không khí của những phe phái, của những cãi vã liên hồi. Ngay cả chàng rể cưng của ông là Jared Kushner cũng đã trả giá cho bài học đó. Michael Wolff kết luận : ông "thường xuyên nhận thấy rằng những cộng sự viên càng gần gũi với Donald Trump càng tỏ ra nghi ngờ về sự tỉnh táo của nguyên thủ quốc gia Mỹ".

Cuộc chạy đua vào phủ thủ tướng Anh

Ngoài Iran và lò lửa ở vùng Vịnh, đề tài thu hút báo chí Pháp hôm nay là cuộc chạy đua vào số 10 Downing Street, căn hộ dành cho thủ tướng Anh. Tranh chiếc ghế thủ tướng của Theresa May giờ đây còn lại hai đối thủ đối thủ là Boris Johnson và Jeremy Hunt. Les Echos đánh giá "Bàn thắng đang nghiêng về ông Johnson".

Le Figaro cho biết, bà May giữ bí mật tuyệt đối khi được hỏi sẽ bỏ phiếu cho ai trong số hai nhân vật này. Bí mật ấy bà giữ rất kín, kể cả với người bạn đời. Nhưng có ít khả năng bà tặng lá phiếu của mình cho Boris Johnson, người không ngừng "ném đá" vào kế hoạch Brexit của bà. Tương tự như báo Les Echos, Le Figaro cũng cho rằng, Boris Johnson đang chiếm thế thượng phong. Nhưng tờ báo này không loại trừ khả năng "ngựa về ngược", nhất là với Boris Johnson, rủi ro về những sai lầm chiến lược hay những phát biểu vụng về của ông ta là "rất lớn".

Libération công bằng hơn Le FigaroLes Echos khi phác họa chân dung của hai ứng viên thủ tướng Anh. Boris Johnson được tờ báo đặt cho cái tên là "kẻ nói láo" và bài viết trên Libération đưa ra ngay một thí dụ cụ thể : hôm 03/05/2019, Johnson viết tin nhắn trên Twitter "vừa hoàn thành nhiệm vụ công dân, đi bầu tại Luân Đôn".

Rủi thay, đúng ngày hôm đó không có cuộc bầu cử nào tại khu vực Luân Đôn, mà chỉ có những cuộc bầu cử địa phương tại một vài tỉnh thành ở Vương Quốc Anh. Đáng nói hơn nữa, theo nhật báo Libération, đây chỉ là một viên sỏi mới trong khu vườn đã đầy dẫy những "dối trá" khác của Boris Johnson.

Ở bên kia góc đài, đối thủ của Johnson là đương kim ngoại trưởng Jeremy Hunt. Tờ báo mô tả ông này là một người "nho nhã", không bao giờ lớn tiếng với ai hay biến mình thành trò cười cho thiên hạ. Có điều, so với một Boris Johnson quá sôi động thì ông Hunt có vẻ "mờ nhạt".

Đồng tiền libra của Facebook : phúc hay họa ?

Les Echos trở lại với đồng tiền ảo libra của Facebook với câu hỏi : "Có nên sợ đồng tiền của Facebook" ?

Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Pascal de Lima được tờ báo trích dẫn, lo ngại này là chính đáng, bởi một khi libra đã là một ngoại tệ, được hơn hai tỷ người trên hành tinh sử dụng (70 % sống tại Châu Á) thì Facebook mặc nhiên đóng vai trò của một ngân hàng, có nghĩa sẽ phải điều chỉnh chính sách tiền tệ chống lạm phát hoặc để kích thích đầu tư và tiêu thụ. Ngân hàng đó cũng sẽ phải mở hay khóa van tín dụng tùy vào hoàn cảnh, tùy vào chính sách và mục tiêu kinh tế. Nhưng "ngân hàng" Facebook và đồng tiền libra phục vụ "chính sách và mục tiêu kinh tế của quốc gia nào ?" Đó là chưa kể, tới nay, Facebook có nhiều sơ sót trong việc bảo mật các dữ liệu cá nhân cho người sử dụng, thử hỏi, làm sao chúng ta dám tin cậy mạng xã hội này để ủy thác tiền bạc, dùng đồng tiền đó để mua bán ?

Xã luận của Le Monde khắt khe hơn với mạng xã hội do Zuckerbeg lập ra, qua nhận định : "Đã qua rồi cái thời mà Facebook bảo gì người sử dụng cũng răm rắp tin theo". Facebook đã moi đủ loại thông tin : chúng ta ăn gì, mua gì, đi chơi đâu, đi nghỉ mát ở đâu và cả khuynh hướng chính trị của chúng nữa.

Bây giờ Facebook muốn "quản lý luôn cả túi tiền" của chúng ta với đồng libra. Đừng quên rằng, 98% thu nhập của Facebook có được là nhờ tiền quảng cáo. Le Monde hoài nghi : "Có gì bảo đảm rằng, sau đồng libra, trong tương lai, Mark Zuckerberg sẽ không sáng chế ra thêm những sản phẩm tài chính khác" ? Mỗi lần Facebook bị bắt quả tang vi phạm những sai lầm nghiêm trọng, Zuckerberg chỉ biết xin lỗi suông. Đã đến lúc nên "ngừng tin vào những lời nói suông đó".

Quảng trường Concorde-Paris và Thế Vận Hội Olympic 2019

Năm năm trước Thế Vận Hội 2024, Le Figaro lưu ý độc giả trong hai ngày cuối tuần này, quảng trường Concorde - Paris khoác lên mình màu cờ Olympic.

Để thu hút chú ý của công chúng, Ủy ban Tổ chức Thế Vận Hội Paris Cojo cùng với bộ Thể Thao Pháp và Ủy ban Olympic Quốc gia dự trù hơn 700 sinh hoạt trên toàn quốc trong hai ngày 22 và 23/06/2019. Riêng tại Paris, năm nay quảng trường Concorde là điểm hẹn của giới yêu thể thao. Đây là nơi để giới thiệu với công chúng hơn 30 bộ môn được thi đấu tại Olympic và cuộc tranh tài Paralympic, 150 vận động viên nổi tiếng của Pháp sẽ về đây, cùng thi đấu và chung vui với khán giả đúng theo tinh thần lễ hội thể thao. Tờ báo kết luận : Quảng trường Concorde sẽ là "tủ kính đẹp nhất của Thế Vận Hội Olympic".

Thanh Hà

Published in Quốc tế

Chiến tranh sẽ xảy ra trên Biển Đông hay Vùng Vịnh ?

Tác giả Dominique Moïsi trên Les Echos phân tích về "Hai cuộc chiến tranh lạnh của nước Mỹ", đặt câu hỏi liệu Mỹ có khả năng tiến hành hai cuộc chiến cùng một lúc : một với Trung Quốc ở Châu Á, và một với Iran ở Trung Đông hay không ?

chientranh1

Khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS Preble (DDG 88) của Mỹ đi qua Ấn Độ Dương ngày 29/03/2018.Morgan K. Nall/U.S. Navy/Handout via REUTERS

Vào thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây, các chiến lược gia đều nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ là đại cường duy nhất trên thế giới có thể lao vào hai cuộc xung đột cùng một lúc. Và đó là xung đột quân sự. Còn ngày nay, khi chiến tranh kinh tế đang trở thành một hình thái thay thế cho chiến tranh trên chiến trường, thì như thế nào ? Liệu có thể định nghĩa việc trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt đối với Iran là một dạng chiến tranh chọn lựa, còn trừng phạt Hoa Vi (Huawei) là một cuộc chiến cần thiết ?

Nói cách khác, ông Donald Trump có thể không phải là một tổng thống tốt cho nước Mỹ, nhưng chính sách đối với Trung Quốc của ông hàm chứa các yếu tố tích cực. Cần phải có một tiếng nói cất lên để chấm dứt thái độ sai trái, không thể chấp nhận được của Bắc Kinh.

Vấn đề là ở chỗ Mỹ không hành động nhân danh lợi ích chung như trong thời kỳ chiến tranh lạnh với Liên Xô cũ, mà chỉ vì nước Mỹ, không quan tâm đến trật tự đa phương. Về phía Châu Âu, vừa hài lòng vì rốt cuộc có được một nhân tố nặng ký lớn tiếng với Trung Quốc, lại vừa sợ đến lượt mình sẽ là mục tiêu của Washington trong tương lai.

Để làm rõ tình hình địa chính trị hiện nay, cần phải hiểu được mục tiêu của mỗi bên. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Iran muốn gì ?

Đối mặt với Trung Quốc, Hoa Kỳ muốn tái khẳng định vị thế đại cường số một. Tất nhiên thế giới không còn đơn cực như trong suốt một thập niên, từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 cho đến khi tòa tháp đôi ở Manhattan bị tấn công năm 2001. Nhưng nước Mỹ không thể chấp nhận ý tưởng đang được phố biến rộng rãi, rằng thế kỷ 20 là thế kỷ của Mỹ, còn thế kỷ 21 là của Trung Quốc.

Về quân sự, Trung Quốc còn rất lâu mới có thể sánh ngang hàng được với Mỹ. Về kinh tế, tăng trưởng của Mỹ đã bật lên một cách ngoạn mục, trong lúc Trung Quốc sa sút đáng kể. Nhưng về công nghệ, Bắc Kinh đã ngoi lên, thậm chí còn tiến bộ vượt bực trong một số lãnh vực chiến lược. Liệu có thể để cho một cường quốc độc tài tha hồ lợi dụng các thông tin độc quyền sở hữu, hay để loại vũ khí hủy diệt khủng khiếp trong tay một chế độ cực đoan ?

Ý định của Mỹ rất rõ : ngăn trở Trung Quốc tại Châu Á và lật đổ chế độ của các giáo chủ Hồi giáo tại Trung Đông, với nguy cơ Trung Quốc sẽ lo tự cung tự cấp, và tăng sức mạnh cho phe cứng rắn ở Iran.

Ý đồ của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với Hoa Kỳ : khẳng định tính vượt trội, thậm chí bước đầu là khống chế toàn bộ Châu Á, tiếp đến là tiến lên đại cường số một thế giới. Bắc Kinh sẽ áp đặt mô hình toàn trị, tập trung quyền lực vào trung ương ; và xa hơn nữa, là nền văn minh Trung Hoa sẽ phải đứng trên mô hình dân chủ, nền văn minh phương Tây.

Bắc Kinh vừa công lại vừa thủ. Cần phải duy trì một chế độ có cấu trúc đầy nghịch lý : vừa cộng sản vừa tư bản. Như vậy phải kiểm sát chặt chẽ xã hội đồng thời duy trì tăng trưởng, và dân tộc chủ nghĩa cao độ. Còn Teheran mở rộng ảnh hưởng trong khu vực, và chọn lựa cung cách khiêu khích thường xuyên để bảo đảm sự sống còn cho một chế độ rất dễ tổn thương.

Cả Washington lẫn Bắc Kinh, Tehran đều không muốn chiến tranh, nhưng tất cả đều đang đùa với lửa. Từ Biển Đông cho đến vùng Vịnh Ba Tư, nguy cơ bất ngờ xảy ra chiến tranh ngày càng lớn, nếu mỗi bên tự đánh giá quá cao nước cờ của mình và coi thường đối thủ.

Một cách khách quan, các lá bài của Mỹ đều "trên cơ" Trung Quốc, và đối với Iran thì lại càng vượt trội, cả về quân sự lẫn kinh tế. Nhưng khả năng chịu đựng của người dân Trung Quốc thì bền bỉ hơn, cộng với xu hướng dân tộc chủ nghĩa, còn chế độ Iran cũng kích thích dân chúng không để bị "đế quốc Mỹ" sỉ nhục.

Ngược lại, chính quyền Mỹ phải đối mặt với sự chống đối của công dân nếu lao vào các cuộc xung đột. Trong bối cảnh đó, vũ khí kinh tế tỏ ra ít tốn kém mà lại hiệu quả hơn. Tuy nhiên lại bao hàm nguy cơ chiến tranh kinh tế bất chợt biến thành chiến tranh thực sự. Với một câu hỏi nhức nhối : xung đột sẽ xảy ra trên Biển Đông hay tại Vùng Vịnh ?

Chiều chuộng ông Trump : Chiến lược hiệu quả của Nhật

Cũng liên quan đến nước Mỹ, thông tín viên của Les Echos tại Tokyonhận xét "Được chủ nhà Nhật Bản chiều chuộng, Donald Trump không o ép về thương mại". Trong bài trả lời phỏng vấn, giáo sư Stephen R.Nagy khẳng định "Nịnh nọt ông Trump là chiến lược hiệu quả của Tokyo".

Suốt cuối tuần qua, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đều gắng sức làm vui lòng ông Trump, trước khi đôi bên bắt đầu đề cập đến vấn đề tế nhị là thương mại song phương vào hôm nay.

Hai nhà lãnh đạo đi chơi gôn, và ông Trump được phục vụ món ưa thích là cheeseburger với… thịt bò Mỹ, mặt hàng mà tổng thống Hoa Kỳ muốn được tạo điều kiện ở thị trường Nhật. Khi tổng thống và phu nhân dự khán một trận đấu vật sumo, những chiếc ghế bành đã được đặt gần sàn đấu, phá vỡ truyền thống xưa nay là khách phải ngồi trên những chiếc gối ở sàn nhà, kể cả khách VIP. Ông Trump, cũng là thượng khách đầu tiên của tân vương Naruhito, tỏ ra hài lòng vì được biệt đãi.

Theo giáo sư Nagy, chiến lược "tranh thủ" ông Donald Trump là hết sức hiệu quả. Tokyo luôn chứng tỏ rất nỗ lực tham gia "Make America Great Again", qua việc đầu tư vào Hoa Kỳ và liên tục đặt mua thiết bị quân sự của Mỹ. Tuy nhiên Nhật chưa bao giờ tỏ ra như một "chư hầu" : vẫn luôn giao thiệp với Iran, Nga, và đã thành công trong việc thúc đẩy hiệp ước TPP gồm 11 nước trong đó không có Hoa Kỳ.

Kỹ nghệ Châu Âu và nỗi lo cạnh tranh với Mỹ, Trung Quốc

Về kinh tế, trong bài "Liên Hiệp Châu Âu đối mặt với sự cạnh tranh trên thế giới", Le Monde đặt vấn đề, làm thế nào Châu Âu có thể chống chọi được với các tập đoàn đa quốc gia Mỹ và Trung Quốc.

Sau Brexit, Liên Hiệp Châu Âu chỉ có 12 hãng trong số 100 công ty đứng đầu thế giới. Cho dù thành phần của Ủy ban Châu Âu mới là như thế nào đi nữa, chính sách kỹ nghệ Châu Âu luôn là một hồ sơ nóng bỏng.

Việc ủy viên Châu Âu phụ trách cạnh tranh, Margrethe Vestager, từ chối cho sáp nhập Siemens và Alstom trong lãnh vực đường sắt đã gây sốc cho cả Paris và Berlin. Với lý do bảo vệ người tiêu dùng, chống độc quyền, Bruxelles đã ngăn Pháp & Đức hình thành một tập đoàn hàng đầu về hỏa xa, trong khi nhà cạnh tranh chính là CRRC của Trung Quốc có tầm cỡ lớn gấp đôi ! Bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire bực tức : "Sẽ có những đoàn tàu Trung Quốc tại Châu Âu. Người ta đã phá hủy kỹ nghệ pin mặt trời Châu Âu, để mặt hàng - được Bắc Kinh tài trợ ồ ạt - tràn ngập thị trường của chúng ta".

Pháp : Tập đoàn Trung Quốc bị phản đối khi mua lại phi trường Toulouse-Blagnac

Bài điều tra trên Les Echos đưa ra một ví dụ cụ thể về "Thất bại trong việc tư nhân hóa phi trường Toulouse-Blagnac" : từ năm 2015, các tập thể ở địa phương luôn bền bỉ phản đối cổ đông Trung Quốc hiện nắm đa số vốn.

Bốn năm sau khi mua được 49,99% cổ phần và có được lời hứa sẽ được bán thêm 10,01% cổ phần của Nhà nước Pháp, tập đoàn Trung Quốc Casil Europe đành rút lui vì vấp phải sự chống đối dữ dội của dân chúng. Các chuyên gia tình báo kinh tế cũng cảnh báo, Blagnac không giống những sân bay khác. Các phi đạo tại đây đã chứng kiến những chuyến bay thử của tất cả những kiểu máy bay Airbus trong suốt năm thập niên qua.

Sinh viên Trung Quốc tràn ngập các đại học Anh

Trên lãnh vực giáo dục, Le Monde trích dẫn The Guardian cho biết "Sinh viên Trung Quốc tràn ngập các trường đại học Anh". Do thiếu tiền, nhiều trường đã mở rộng cửa cho sinh viên từ Hoa lục vì học phí phải trả cao hơn sinh viên Châu Âu.

Số sinh viên Trung Quốc trên đất Anh đã tăng gấp ba, lên 127.330 người, cao hơn tất cả các nước Châu Âu cộng lại. Riêng trường đại học Manchester đã có 5.000 sinh viên Trung Quốc trên tổng số 40.000 sinh viên của toàn trường, một phần do cái tên Manchester rất nổi tiếng ở Trung Quốc vì… bóng đá. Thậm chí có những cours mà người duy nhất không phải người Hoa chính là giảng viên. Đây cũng là nỗi đau đầu cho trường, vì sinh viên Trung Quốc chỉ tập trung vào một số bộ môn : kế toán, tài chính, kinh tế, thương mại, điện tử.

Bầu cử Châu Âu tái khẳng định diện mạo mới của chính trường Pháp

Kết quả cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu chiếm trang nhất tất cả các báo Pháp ra ngày hôm nay 27/05/2019. Ảnh bìa của Le Figaro là chân dung tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ lãnh đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia (RN), với tựa đề "Macron song đấu với Le Pen". Les Echos nhận xét "Macron suýt nữa là vượt qua được thách thức". La Croix chạy tựa "Đảng RN về đầu và những ngạc nhiên". Libération quan tâm đến thắng lợi của các đảng sinh thái "Bầu cử Châu Âu : Tăng trưởng màu xanh". Riêng Le Monde ra từ ngày hôm trước tỏ ra lo âu về "Bóng ma một Brexit cứng rắn".

Các báo Pháp cho rằng kỳ bỏ phiếu lần này đã khẳng định sự tái cấu trúc chính trường nước Pháp : đảng LREM (Cộng Hòa Tiến Bước) đối đầu với Tập Hợp Quốc Gia (RN) thay vì cánh hữu và cánh tả như truyền thống.

Cực hữu về đầu, đây là ngạc nhiên đầu tiên cho dù sự kiện này đã được cảm nhận trước. Có đến gần 52% cử tri tham gia cuộc bầu cử đầu tiên trong nhiệm kỳ của tổng thống Emmanuel Macron, sau khủng hoảng Áo Vàng và cuộc tranh luận toàn quốc, cao hơn kỳ trước, thậm chí hơn cả cuộc bầu cử Quốc Hội năm 2017. Và suốt cả ngày hôm qua, các đảng phái đều tự hỏi ai sẽ được lợi với sự hưởng ứng đông đảo này.

Đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (LR) thất bại nặng nề, là nạn nhân của những lá phiếu thực dụng, Nước Pháp Bất Khuất (LI) không gượng dậy được sau những bê bối, đảng Xã Hội ngỡ rằng đại bại nhưng rốt cuộc kết quả không đến nỗi nào.

Thua suýt soát đảng RN, ông Macron đã gỡ được danh dự, còn cực hữu tuy phục thù được, nhưng vẫn chưa đạt tỉ lệ cách đây 5 năm – và lúc đó đảng LREM vẫn chưa được khai sinh. Hơn nữa lãnh tụ đảng này, bà Marine Le Pen cho thấy không thay đổi mấy, khi chọn lựa ba ứng cử viên đang bị rắc rối với tư pháp, nhiều ứng viên chưa hề xuất hiện trước công chúng trong thời gian gần đây nhưng là bạn bè. Tổng thống Macron có thể tiếp tục yên tâm cải cách trong hai năm cuối của nhiệm kỳ.

Thụy My

Published in Quốc tế

Qatar : "Vật tế thần" của Saudi Arabia

Saudi Arabia, Các Tiểu Vương Quốc Ả rập và Ai Cập hôm 05/06/2017, thông báo cắt đứt bang giao với Qatar, bị cáo buộc là ủng hộ khủng bố. Tuy nhiên, theo báo chí Pháp ngày 06/06/2017, đàng sau lời cáo buộc là cuộc chiến tranh giành "ảnh hưởng" giữa Saudi Arabia và Qatar.

saudi1

Thủ đô Doha nhìn từ trên cao. REUTERS/Fadi al-Assad

"Khủng hoảng vùng Vịnh : Qatar bị Saudi Arabia cô lập", "Qatar bị các vương quốc vùng Vịnh cô lập", "Qatar trước thách thức bị cô lập tại vùng Vịnh" là các bài viết trên Les Echos, La CroixLe Figaro. Với cáo buộc "Qatar đón nhận nhiều nhóm khủng bố để gây bất ổn khu vực như tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo (Ai Cập), Daesh và al-Qaeda", Saudi Arabia và các đồng minh quyết định đoạn tuyệt bang giao, ra lệnh đóng cửa biên giới, không phận và hải phận. Cấm các công dân nước mình đến Qatar và ngược lại. Chính sách cô lập có hiệu lực ngay tức thì.

Le Figaro lưu ý, thông báo này đưa ra chỉ sau vài ngày xảy ra khủng bố ở Luân Đôn, sau chừng 15 ngày chuyến công du Riyad của tổng thống Mỹ Donald Trump. Chính trong chuyến công du này, tổng thống Mỹ cùng với Saudi Arabia và các đồng minh đúc kết một thỏa ước chống Iran, cáo buộc nước này gây bất ổn Trung Đông.

Quả thật, trong khoảng 20 năm qua, Qatar đã tiếp nhận nhiều lãnh đạo Hồi giáo đối lập đến từ các nước Tunisia, Ai Cập, Syria… mà nhiều người trong số này đã bị các nước đó liệt vào danh sách phần tử khủng bố. Tuy nhiên, cáo buộc Doha ủng hộ khủng bố chỉ là một cái cớ.

Qatar bị cô lập : Hậu quả của trò chơi hai mặt ?

Như phân tích của Libération, trong bài viết có tựa đề : "Cô lập Qatar : Saudi Arabia đang lợi dụng vùng Vịnh", chính "sự ủng hộ của Donald Trump như tiếp thêm sức cho Saudi Arabia để củng cố vai trò lãnh đạo trong khu vực và đường lối cứng rắn với Iran của nước này".

Đàng sau những cáo buộc đó, quyết định đoạn tuyệt bang giao này chủ yếu nhằm làm suy yếu sự năng động của nền ngoại giao Qatar và làm dấy lên những căng thẳng với Iran. Vào lúc Riyad, vốn theo hệ phái Sunni- wahhabit, muốn thiết lập một trục Sunni hùng mạnh để đối phó với nước Cộng hòa Hồi giáo Iran hệ phái Shia, thì Qatar kêu gọi cải thiện quan hệ giữa các nước Ả rập với Tehran.

Theo ông Hasni Abidi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Thế giới Ả rập và Địa Trung Hải tại Genève, Thụy Sĩ, được Libération trích dẫn, thái độ của Qatar với Iran chưa phải là nguyên do chính. Bởi vì, có nhiều thành viên khác trong Hội Đồng Hợp Tác Vùng Vịnh CCG, trong đó có Qatar và Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống Nhất hiện đang duy trì mối quan hệ lân bang đúng mực với Tehran.

Về điểm này báo Le Figaro có giải thích thêm ngoài chính sách ngoại giao dựa trên sự hòa giải, đất nước Qatar nhỏ bé – diện tích chỉ bằng vùng Ile-de-France của Pháp (hơn 12.000 km²), lại chia sẻ cùng với Iran một vùng khai thác khí đốt rộng bao la tại vùng Vịnh. Theo thông tin của Les Echos, "Qatar là quốc gia xuất khẩu khí đốt hóa lỏng hàng đầu, chiếm gần 1/3 thị phần thế giới. Qatar chỉ đứng sau Iran và Nga về nguồn dự trữ thế giới khí đốt".

Chính vì điểm này mà Doha luôn có một thái độ chừng mực với Tehran. Chính sách này cũng được Kuwait và vương quốc Oman đồng chia sẻ và không theo chân Saudi Arabia cô lập Qatar. Nhưng điều này Saudi Arabia đã biết từ lâu, như nhận xét của một nhà ngoại giao Ả rập với Le Figaro. Câu hỏi đặt ra : "Vì sao vụ việc lại xảy ra vào lúc này ? Phải chăng do Qatar đã từ chối tham gia vào cuộc chiến chống Iran như ý muốn của Washington và Riyad ?"

Về phần mình, ông Hasni Abidi trên Libération, lưu ý là "sự chia rẽ này ngay trong lòng CCG – vốn dĩ là một tổng thể khu vực gắn kết và thành công, mà Iran luôn xem đấy như là một hiểm họa – chỉ có thể có lợi cho Iran mà thôi".

Vẫn theo ông Hasni Abidi, khi đưa sự đối đầu với Iran lên hàng đầu, "Saudi Arabia còn muốn làm quên đi những thất bại trong các chính sách đối nội và đối ngoại, đặc biệt là trong cuộc chiến tại Yemen". Bị lún sâu trong cuộc xung đột này từ hai năm qua, liên minh quân sự Ả rập dưới sự chỉ huy của Riyad đã tìm thấy cho mình vật tế thần : Đó là Qatar.

Anh Quốc : Chiếc ghế thủ tướng của Theresa May lung lay vì khủng bố

Dư âm vụ khủng bố tại Luân Đôn tiếp tục làm hao tốn giấy mực trên của các tờ báo Pháp. Sau những xúc cảm, đến lúc các chính khách Anh chỉ trích lẫn nhau. Vụ tấn công khủng bố làm 7 người chết và 48 người bị thương, bắt đầu tác động lên cuộc bầu cử Quốc Hội sắp diễn ra trong hai ngày nữa (08/06/2017).

Le Figaro : "Khủng bố Hồi giáo cực đoan tại Luân Đôn : sau xúc cảm là tranh cãi". "Tại Luân Đôn, tang tóc và tranh luận bầu cử về an ninh", tựa của Libération. Vụ tấn công khủng bố mới đây, vụ thứ ba trong vòng có ba tháng đã thổi bùng lên cuộc tranh luận về vấn đề an ninh và mô hình xã hội theo cộng đồng.

Báo Le Figaro trong bài viết đề tựa "Tấn công khủng bố ở Luân Đôn : sau đoàn kết là giận dữ" cho hay phe đối lập Công Đảng đã chỉ trích thủ tướng Theresa May, trong vòng 6 năm làm bộ trưởng Nội Vụ, dưới thời thủ tướng David Cameron, đã cắt giảm mạnh ngân sách cho an ninh.

Cụ thể, theo đô trưởng Luân Đôn, Sadiq Khan, bà May đã giảm đến 22% ngân sách ngành cảnh sát. "Chúng tôi buộc phải đóng cửa nhiều trụ sở cảnh sát, bán nhiều tòa nhà và giảm hàng ngàn nhân viên công lực".

Vụ tấn công này không những đặt "Cuộc bầu cử Anh Quốc dưới áp lực" mà còn khiến cho "Hình ảnh của ‘bà đầm thép mới’ bị lung lay trong một cuộc tranh cử đầy khó khăn", tựa bài giải mã trên báo kinh tế Les Echos. Khó khăn là vì tiếng tăm của bà May chưa bao giờ cao. Trong vòng sáu năm nắm giữ chức bộ trưởng Nội Vụ, "công luận chưa hề biết gì về bà", như nhận xét của nhà phân tích Joe Twyman, thuộc viện thăm dò YouGov.

Bà chỉ dọn đến Downing Street sau khi David Cameron từ chức, sau thất bại cuộc trưng cầu dân ý Brexit, chứ không phải từ một cuộc bầu cử nào. Do đó, vẫn theo nhà phân tích, chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu như điểm tín nhiệm bà bị sụt giảm.

Chính sách cộng đồng đã lỗi thời ?

Tuy nhiên, theo phân tích của nhà báo Adrien Jaulmes, qua hai vụ tấn công gần đây nhất, vụ khủng bố tự sát ở Manchester và vụ tấn công người bằng dao ở Borough Market tại Luân Đôn, "Nước Anh phát hiện những giới hạn của mô hình theo cộng đồng".

Mô hình này xuất phát từ Hoa Kỳ trong thập niên 1980, cho phép các nhóm tôn giáo khác nhau được phát triển gần như là những xã hội song hành trên lãnh thổ Anh quốc. Nhiều tổ chức Hồi giáo tận dụng các quyền tự do dân sự truyền thống và chính sách tị nạn chính trị để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong những cộng đồng người nhập cư xuất thân từ Pakistan hay Trung Đông.

Và thế là lần lượt các hội đoàn tôn giáo, văn hóa hay từ thiện cũng như những tòa án Hồi giáo chuyên trách hướng dẫn người theo đạo Hồi trong các tranh chấp gia đình và hôn nhân lần lượt xuất hiện. Các đền thờ Hồi giáo mọc lên khắp nơi trong các thành phố của Anh và phụ nữ mặc khăn trùm toàn thân gần như nhan nhản tại những khu phố có đông người Hồi giáo. Tất cả những điều đó là biểu tượng cho sự khoan dung của Anh quốc, đối lập với Châu Âu lục địa nơi mà nạn bài Hồi giáo đang dâng cao.

Nhưng giờ đây, với các vụ khủng bố, người Anh phát hiện ra cả những mạng lưới Hồi giáo cực đoan ngay trên chính lãnh thổ mình, mà cú sốc đầu tiên là sau vụ khủng bố 11/9/2001 tại Hoa Kỳ. Nhân vật số 20 của vụ khủng bố từng hoạt động tích cực tại đền thờ "Londonistan", được khánh thành năm 1994 trước sự chứng kiến của thái tử Charles. Vị giáo chủ thì bị bắt vì tội xúi giục bạo lực và bị dẫn độ về Hoa Kỳ năm 2012, để rồi bị kết án tù chung thân vì hoạt động khủng bố.

Mười một năm sau, ngày 7/7/2005, người Anh lãnh tiếp một cú sốc thứ hai. Vụ khủng bố tầu điện ngầm tại Luân Đôn giết chết 52 người và hàng trăm người khác bị thương. Tác giả vụ tấn công này lại là ba thanh niên Hồi giáo, gốc Pakistan, được sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất Anh quốc.

Quả thật trong vòng 10 năm đầu của thế kỷ 21, vào lúc nước Anh tránh được các vụ tấn công khủng bố Hồi giáo cực đoan đang gieo rắc kinh hoàng khắp Châu Âu, ưu điểm của mô hình xã hội Anh quốc này dường như có hiệu quả.

Nhiều nhà bình luận cho rằng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan chỉ là một phản ứng trước sự hụt hẫng của người theo đạo Hồi do bị xã hội ngăn cản họ sống theo đức tin, và rằng nước Pháp có lẽ đang gánh chịu hậu quả của chính sách thế tục mà nước này đang áp đặt. Và có lẽ vì thế mà một bộ phận giới trẻ theo đạo Hồi đã trở nên cực đoan hóa.

Nhưng các vụ tấn công gần đây đang phơi bày một sự thật khác hẳn. Nước Anh của Brexit quá đỗi tự hào về nét đặc trưng xã hội của mình đang khám phá ra là họ cũng đang phải đối mặt ngay trên chính lãnh thổ của mình với một tình trạng khủng bố cũng tương tự như các nước láng giềng Châu Âu khác.

Cả Châu Âu chống khủng bố

Cuộc chiến chống khủng bố giờ không của riêng ai. "Khủng bố, cả Châu Âu phải đối mặt" là tít lớn trên La Croix. Liên Hiệp Châu Âu cũng nhận thấy là đã đến lúc "trách nhiệm về việc củng cố an ninh giờ nằm trong chính tay mình (…) Chúng ta sẽ phải có khả năng tự hành động nếu thấy cần". Theo Le Figaro, ngày mai Liên Hiệp Châu Âu sẽ công bố một kế hoạch an ninh chung cho cả khối với những mục tiêu cho đến tận năm 2025.

Minh Anh

Published in Quốc tế