Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

22/09/2019

Vùng Vịnh : nguy cơ chiến tranh ngày càng hiện thực

RFI tiếng Việt

Iran : Sự hiện diện của quân đội nước ngoài làm vùng Vịnh thêm mất an ninh (RFI, 22/09/2019)

Sau khi Hoa Kỳ quyết định đưa thêm quân đến Saudi Arabia, chính quyền Iran hôm 22/09/2019 cảnh báo sự hiện diện của các thế lực quân sự nước ngoài làm tăng nguy cơ bất ổn về an ninh.

gulf1

Tổng thống Iran Hassan Rohani phát biểu nhân Ngày Quân lực Iran. Ảnh tại Tehran, ngày 22/09/2019. Reuters

Phát biểu tại một cuộc duyệt binh ở Tehran, tổng thống Iran Hassan Rohani khẳng định Vùng Vịnh đang trong "một thời điểm nhạy cảm và có ý nghĩa lịch sử quan trọng". Tổng thống Iran nhấn mạnh : Các lực lượng quân đội và đồng minh càng ở xa khu vực này, thì khu vực sẽ an toàn hơn. Ngày 22/09 là dịp kỉ niệm 39 năm ngày chính quyền Iraq tấn công Iran, mở đầu cho cuộc chiến Iran-Iraq kéo dài 8 năm (1980-1981).

Tổng thống Iran cũng hứa, trong những ngày tới tại Liên Hiệp Quốc, phía Iran sẽ trình bày một kế hoạch hợp tác khu vực, nhằm bảo đảm an toàn Vùng Vịnh, eo biển Hormuz và biển Oman, với "sự hỗ trợ của các quốc gia trong khu vực".

Cho đến nay, Iran phản đối mọi cáo buộc của Washington cho rằng Tehran đứng sau các cuộc không kích ngày 14/09, nhắm vào một số cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia.

Về phần mình, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đợt triển khai quân mới tại quốc gia đồng minh Saudi Arabia, chỉ thuần túy mang tính "tự vệ".

Anh : Ít có khả năng quân nổi dậy Houthi tấn công

Theo Reuters, ngoại trưởng Anh Dominic Raab, hôm nay, nhận định : theo các thông tin mà ông có được, rất ít có khả năng các cuộc không kích nhắm vào hai cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia là do quân nổi dậy Houthi thực hiện, cho dù lực lượng này đứng ra nhận trách nhiệm. Trước đó hai hôm, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đưa ra cùng nhận định, ông cho biết nên chờ đợi các kết quả điều tra quốc tế.

CNN dẫn lời ngoại trưởng Saudi Arabia Adel Al Joubeir, tố cáo việc các vũ khí sử dụng để tấn công được sản xuất tại Iran và do Iran cung cấp.

Trọng Thành

***************

Trung Quốc, Nga và Iran lên kế hoạch tập trận hải quân ? (RFI, 22/09/2019)

Một nguồn tin quân sự Iran, ngày 21/09/2019, cho biết Nga, Iran và Trung Quốc đang lập kế hoạch sớm tổ chức tập trận hải quân chung ngoài khơi biển Oman và phía bắc Ấn Độ Dương. Chính quyền Trung Quốc vẫn chưa có bình luận gì về thông tin này.

gulf2

Tàu chiến cao tốc Iran. Reuters

Nhật báo Hồng Kông, South China Morning Post, trích dẫn lời tướng Ghadir Nezami Pour, chuyên trách các hồ sơ quốc tế và đối ngoại quốc phòng của quân đội Iran cho rằng cuộc tập trận rất có thể sẽ diễn ra tại vùng biển quốc tế.

Hoạt động quân sự này có nhiều mục tiêu khác nhau, bao gồm trao đổi kinh nghiệm chiến thuật và quân sự, cũng như là tìm kiếm các mục tiêu chính trị nhằm chứng tỏ một sự đồng thuận giữa các bên tham gia.

Vẫn theo vị tướng này, các quan chức cấp bộ Quốc phòng và các lãnh đạo quân đội sẽ sớm đến Iran và hành động này phản ảnh rõ nền ngoại giao quốc phòng tích cực của nước Cộng Hòa Hồi Giáo.

Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc hoàn toàn im lặng về thông tin này. Theo chuyên gia về hải quân Lý Khiết (Li Jie) : "thời điểm cho cuộc tập trận có lẽ khá nhậy cảm và nhiều nước rất có thể sẽ cho đấy là một sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Iran nếu có xảy ra bất kỳ một cuộc xung đột nào giữa các nước".

Thông báo này được đưa ra vào lúc Washington cáo buộc Tehran đứng sau vụ tấn công cơ sở sản xuất dầu lửa của Saudi Arabia và thông báo sẽ điều thêm quân đến vùng Vịnh theo đề nghị của Riyad. Chính quyền Tehran ngay lập tức cảnh báo mọi hành động quân sự nào từ Washington và Riyad đều có thể dẫn đến một "cuộc chiến toàn diện".

Minh Anh

******************

Tại sao người dân Iran ghét Macron và Putin hơn ai hết ? (RFI, 21/09/2019)

Đây là câu hỏi bà Mahnaz Shirali, chuyên gia về chính trị - xã hội học, giảng viên trường đại học Sciences Po tìm cách giải đáp trên trang Blog của báo mạng HuffingtonPost. Theo bà, việc nguyên thủ Pháp chìa tay với nước Cộng hòa Hồi giáo không phục vụ lợi ích của người dân Iran vì họ vốn dĩ hy vọng là các biện pháp trừng phạt của Donald Trump sẽ bóp nghẹt chế độ của các giáo chủ ayatollah. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.

gulf3

Nguyên thủ Pháp, Emmanuel Macron và đồng nhiệm Nga, Vladimir Putin tại buổi họp báo ở Brégançon, ngày 19/08/2019. Gerard Julien/Pool via Reuters

Vụ tấn công các cơ sở sản xuất dầu hỏa Saudi Arabia một lần nữa đã làm gia tăng căng thẳng giữa Iran và Hoa Kỳ. Sự kiện này tiếp nối các "vụ tấn công bí ẩn" nhắm vào các tầu dầu lớn trong vùng Vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz cách nay vài tháng.

Nước Cộng hòa Hồi giáo phản bác mọi cáo buộc có liên can đến các vụ tấn công này, trong khi đó vào tháng 7/2019, ông Ali Akbar Velayati, cố vấn đặc biệt của Ayatollah Khamenei, đã tuyên bố : "Nếu Iran không thể xuất khẩu được dầu hỏa, thì không một nước nào khác có thể làm được". Các lãnh đạo Iran không có ý định hạ bớt thái độ cứng rắn và tiếp tục duy trì thế đối đầu trong khi không có mấy phương tiện để thực hiện.

Mười lăm tháng sau khi ông Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015 và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt, người dân Iran giờ đang sống một trong những trang đen tối nhất trong lịch sử nước này : Nền kinh tế đất nước – vốn đã kiệt quệ do các trừng phạt – giờ hầu như hụt hơi, đồng nội tệ mất giá đến 75%, nghèo đói tàn phá đất nước, những vị ayatollah bị căm ghét hơn bao giờ hết, và trấn áp chính trị chưa bao giờ dữ dội như lúc này kể từ sau cuộc xâm chiếm của người Mông Cổ thế kỷ XIII. Mới đây, trong tuần vừa qua, vụ một thiếu nữ Iran tự thiêu sau khi bị kết án 6 tháng tù giam vì tội đến sân xem bóng đá đã làm rung chuyển cả nước.

Nếu nước Cộng hòa Hồi giáo có thể tỏ ra không khoan nhượng với Hoa Kỳ, tiếp tục theo đuổi các tham vọng bành trướng và đe dọa các nước láng giềng trong khu vực, đó là vì các nhà lãnh đạo không chú trọng đến những lợi ích quốc gia của người dân Iran. Thay vì phải bình định mối quan hệ của họ với cộng đồng quốc tế, những vị lãnh đạo này lại khép mình trong chính sách bài Mỹ và bài Israel.

Chính sách hiếu chiến này, vốn đã tàn phá đất nước, ngày nay đã mang lại cho Iran một vị thế anh hùng hơn bao giờ hết, không chỉ làm hài lòng một bộ phận công luận thế giới Ả Rập mà cả những người mang tư tưởng chống Mỹ và phe tả Châu Âu.

Các nhà lãnh đạo Iran, ý thức về sự thành công này – nếu không phải là với người dân Iran, thì ít nhất là với người nước ngoài – đang tìm cách kín đáo giải quyết những vấn đề của họ với Mỹ. Bởi vì, khó khăn của các ayatollah bắt đầu từ chỗ, lần đầu tiên từ 40 năm qua, họ phải đối mặt với một vị tổng thống Mỹ chỉ muốn đối thoại trước các ống kính camera.

Vì không thể phản bội lập trường bài Mỹ và không thể từ bỏ chính sách hiếu chiến, các ayatollah tìm cách lẩn tránh các lệnh trừng phạt, bằng cách vừa gây áp lực với Châu Âu, vừa trông cậy vào sự ủng hộ của người láng giềng nguy hiểm, ông Vladimir Putin. Nguyên thủ Nga đã thành công trong việc giành được các quyền kiểm soát vùng biển Caspi để đổi lấy sự ủng hộ của ông đối với chế độ ở Tehran. Sự ủng hộ này nhanh chóng tỏ ra là huyễn hoặc vì một năm sau, vào tháng 5/2019, Putin tuyên bố : "Nước Nga không phải là một đội cứu hỏa, chúng tôi không thể cứu hết tất cả mọi người".

Các ayatollah, hiện đang tìm cách kháng cự cho đến cuối nhiệm kỳ của ông Donald Trump, lại "tiền hậu bất nhất". Hôm nay, họ khẳng định sẵn sàng đàm phán với "bất kỳ ai". Ngày mai, họ lại áp đặt điều kiện tiên quyết để thương thuyết với Trump. Trong khi chờ đợi, các vị giáo chủ liên tiếp đàm phán với các nhà lãnh đạo Châu Âu, đứng đầu là nguyên thủ Pháp, Emmanuel Macron.

Tổng thống Pháp, đang tìm cách bảo vệ bằng mọi giá cái thỏa thuận hạt nhân 2015 "chết yểu", cố gắng tự đặt mình vào vai trò trung gian hòa giải giữa Mỹ với Iran, khi đề nghị một khoản vay 15 tỷ đô la cho nước Cộng hòa Hồi giáo. Khoản vay này có thể cứu rỗi các vị ayatollah bằng cách cho phép họ luồn lách các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Tuy nhiên, đề nghị này của ông Macron đã bị Ngân hàng Pháp từ chối, vì e sợ bị Mỹ trừng phạt, yêu cầu phải hỏi ý ông Donald Trump. Nguyên thủ Mỹ, trung thành với chính sách "áp lực tối đa" từ chối bất kỳ sự xin phép nào và đặt dấu chấm hết cho vai trò trung gian của Pháp.

Sự việc đã cho thấy rõ, không giống như đồng nhiệm Mỹ, tổng thống Pháp không có phương tiện để thực hiện các tham vọng của mình. Bí ẩn bao trùm lên các động cơ của ông đến giúp đỡ nước Cộng hòa Hồi giáo, một chế độ bị người dân phỉ báng. Có lẽ cũng nên nhắc lại rằng hiện tại không phải ông Donald Trump, tác giả của các lệnh trừng phạt nhắm vào các vị giáo chủ ayatollah, mà chính là Vladimir Putin và Emmanuel Macron, là những nhân vật người dân Iran căm ghét.

Trên các con phố tại Tehran, cũng như tại nhiều thành phố khác, các khẩu hiệu chống Nga và chống Pháp được dán khắp các bức tường và ảnh biếm họa Emmanuel Macron, đầu quấn khăn Ả Rập và mặc bộ áo của Yasser Arafat (người ủng hộ nhà nước Cộng hòa Hồi giáo nhiều nhất), được truyền tải trên các mạng xã hội.

Mệt mỏi vì 40 năm bất ổn, khủng hoảng và hỗn loạn, người dân Iran nhìn thấy lệnh trừng phạt của Mỹ như là một khả năng bóp nghẹt chế độ của các giáo sĩ ayatollah. Cho dù những lệnh trừng phạt này làm cho cuộc sống của họ thêm phần khó khăn, người dân Iran tự nhủ sẵn sàng chịu đựng để có thể nhanh chóng chấm dứt chế độc độc tài đen tối của ayatollah ; một chế độ độc tài chỉ mang đến cho họ chiến tranh và đói nghèo. Do vậy, mọi sự ủng hộ đối với các ayatollah chỉ làm kéo dài thêm nỗi thống khổ của một xã hội không còn muốn các nhà lãnh đạo của mình nữa.

Nhìn vào những sự kiện trong những ngày qua, việc đến giúp đỡ Cộng hòa Hồi giáo có lẽ sẽ trở nên khó hơn. Câu hỏi đặt ra : Các lợi ích tài chính của chế độ lãnh đạo tham nhũng tại Iran đối với nước Pháp lớn đến mức nào để mà ông Macron phải ủng hộ những nhà lãnh đạo nằm trong số những người bị ghét nhất trên thế giới ?

Tác giả kết luận : Hy vọng rằng trò chơi này "đáng đồng tiền bát gạo" và tổng thống Macron sẽ không làm lu mờ hình ảnh của nước Pháp trong con mắt người dân Iran chỉ vì những điều vô ích.

RFI tiếng Việt

*********************

Mỹ đưa thêm quân đến Vùng Vịnh theo đề nghị của Saudi Arabia (RFI, 21/09/2019)

Hôm 20/09/2019, Bộ quốc phòng Mỹ thông báo triển khai thêm lực lượng tại Vùng Vịnh, sau các vụ tấn công của nhắm vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia. Trong khi đó, tổng thống Mỹ đe dọa sẽ có các trừng phạt "chưa từng thấy" nhắm vào Iran, quốc gia bị Washington cáo buộc đứng sau các vụ tấn công.

gulf4

Ảnh minh họa : Cơ sở dầu hỏa của công ty Aramco ở Saudi Arabia bùng cháy sau khi bị drone tấn công. Ảnh 14/09/2019. Reuters

Theo AFP, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mark Esper thông báo với giới truyền thông : "Theo yêu cầu của Saudi Arabia và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, tổng thống đã phê chuẩn việc triển khai quân, về nguyên tắc đây các lực lượng có nhiệm vụ phòng ngự là chính. Lực lượng tăng viện chủ yếu là không quân và phòng không chống hỏa tiễn". Bộ trưởng quốc phòng Mỹ nhấn mạnh đây là "biện pháp đầu tiên" để đáp lại loạt tấn công ngày 14/09 của máy bay không người lái, và không loại trừ sẽ có thêm các đợt gửi quân mới trong tương lai. Về quy mô của đợt điều động này, tổng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, tướng Joseph Dunford, cho biết số lượng binh sĩ không lên đến con số hàng nghìn người.

Cho đến nay, tổng thống Mỹ ngày càng ít thiên về giải pháp can thiệp quân sự chống Iran, bất chấp tình hình căng thẳng tại Vùng Vịnh và áp lực từ "các thế lực diều hâu" trong nội bộ. Washington tiếp tục coi trừng phạt kinh tế là biện pháp chủ yếu để buộc Tehran thay đổi thái độ. Về các trừng phạt kinh tế nhắm vào Iran, theo bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin, hai đích ngắm chính là Ngân Hàng trung ương Iran và Quỹ Phát Triển Quốc Gia của Iran. Ông Mnuchin nhấn mạnh là các kênh chuyển tiền cho "Vệ binh cách mạng" - lực lượng tinh nhuệ của chính quyền Iran, bị Hoa Kỳ xếp vào danh sách tổ chức khủng bố - sẽ hoàn toàn bị cắt đứt.

Quân Houthi bất ngờ tuyên bố ngừng tấn công Saudi Arabia

Theo AFP, vào lúc áp lực dâng cao nhắm vào Iran, bị coi là chủ mưu của các vụ tấn công, lực lượng nổi dậy Houthi ở Yemen thông báo sẵn sàng ngưng tấn công Saudi Arabia. Tối hôm qua, nhân dịp kỉ niệm 5 năm ngày quân nổi dậy chiếm thủ đô Sanaa, thủ lĩnh của lực lượng nổi dậy - ông Mehdi Machat, chủ tịch Hội đồng chính trị của người Houthi - tuyên bố sẵn sàng ngừng "mọi cuộc tấn công" nhắm vào Saudi Arabia, với hy vọng là chính quyền Ryadh sẽ đáp trả tích cực trước cử chỉ thiện chí này, tiến hành "đàm phán nghiêm túc" để vãn hồi hòa bình.

Tuyên bố của lãnh đạo quân nổi dậy gây bất ngờ, vì chủ trương này hoàn toàn ngược lại với lập trường vốn có của lực lượng này. Cách đây ít ngày, quân Houthi còn đe dọa sẽ tiếp tục tấn công Saudi Arabia và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Lực lượng Houthi công khai nhận trách nhiệm đã tổ chức các cuộc tấn công ngày 14/09, nhắm vào các cơ sở dầu mỏ Saudi Arabia, khiến sản lượng dầu của nhà xuất khẩu dầu mỏ số một thế giới sụt giảm 50%.

Xung đột tại Yemen kéo dài từ năm 2015 đến nay, khiến hàng chục nghìn người chết, đa số là thường dân, đưa quốc gia nghèo nhất trên bán đảo Ả Rập vào "tình trạng thảm họa nhân đạo", theo Liên Hiệp Quốc. Liên quân do Saudi Arabia đứng đầu can thiệp can thiệp vào Yemen, sau khi quân nổi dậy tấn công chính quyền của tổng thống Abedrabbo Mansour Hadi, buộc tổng thống Yemen phải chạy sang Saudi Arabia tị nạn. Iran là đồng minh của quân nổi dậy Houthi.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 518 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)