Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Giữa bối cảnh leo thang căng thẳng với Triều Tiên, Seoul đang dần tìm được chỗ đứng để giải quyết tình trạng thiếu vũ khí toàn cầu.

hanquoc1

Việc Nga xâm lược Ukraine đã gây ra tình trạng thiếu vũ khí trong các lực lượng quân đội Ukraine mà các nhà thầu Hàn Quốc ngày càng được kêu gọi bổ sung, làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt ở một quốc gia đã "chịu ảnh hưởng của chiến tranh suốt 70 năm nay". (Minh họa bởi Hiroko Oshima)

Sau những bản nhạc K-pop sôi động và những bộ phim K-drama sướt mướt, theo Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, đã đến lúc cần một biệt danh "K-" mới cho một kỷ nguyên mới bi quan hơn, khi đất nước có thương hiệu toàn cầu này thâu tóm thêm một thị trường xuất khẩu béo bở khác : vũ khí.

"Tôi ủng hộ những thách thức táo bạo của K-Defense (Công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc)", Yoon viết vào sổ lưu bút khách tham quan trong chuyến thăm hồi tháng 12 tới văn phòng của Hanwha Aerospace, một trong những công ty nổi bật trong ngành công nghiệp quốc phòng đang phát triển của Hàn Quốc. Tại một khu công nghiệp ở vùng ngoại ô được gọi là Thung lũng Công nghệ Pangyo, cũng là nơi đặt trụ sở của những gã khổng lồ công nghệ Naver và Kakao, người ta đã chụp lại những bức ảnh Yoon trầm tư trong lúc chiêm ngưỡng những động cơ máy bay khổng lồ.

"Một số người xem ngành công nghiệp quốc phòng là ngành công nghiệp chiến tranh và có cái nhìn tiêu cực về nó", Yoon viết trong thông điệp. "Trên thực tế, ngành công nghiệp quốc phòng là một ngành công nghiệp hòa bình, chia sẻ các giá trị của chúng ta trong hệ thống an ninh toàn cầu, đồng thời đảm bảo an toàn cho các đồng minh của chúng ta cũng như những quốc gia tôn trọng trật tự quốc tế".

Xuất khẩu của Hàn Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi chất bán dẫn, xe hơi, và các nhóm nhạc nam. Nhưng trong những năm gần đây, các công ty quốc phòng của nước này, với kỹ năng được mài giũa trong cuộc đối đầu kéo dài 70 năm với Triều Tiên, đã nâng cao vị thế toàn cầu của mình bằng việc ký kết nhiều hợp đồng mang tính bước ngoặt.

hanquoc2

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol để lại lời nhắn trên xe bọc thép do Hanwha Aerospace sản xuất trong chuyến thăm nhà máy vào năm 2022 © Yonhap /EPA/ Jiji

Tại sự kiện Hanwha, Yoon tuyên bố một ngành công nghiệp quốc phòng hùng mạnh có thể đóng góp cho cả an ninh quốc gia và nền kinh tế của Hàn Quốc thông qua tạo việc làm.

Sự hiện diện của tổng thống tại sự kiện này – một phiên họp hoạch định chiến lược xuất khẩu quốc phòng, với sự tham dự của các quan chức chính phủ, quân đội, và khu vực tư nhân – đã chứng tỏ tầm quan trọng ngày càng lớn của ngành này cũng như sự liên kết chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp Hàn Quốc trong việc quảng bá ngành này ra nước ngoài.

hanquoc3

Các nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới (Tỷ trọng xuất khẩu vũ khí toàn cầu giai đoạn 2018-2022, tính bằng phần trăm). Nguồn : Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm.

Vốn là cường quốc về các công nghệ như chip và pin, Hàn Quốc hiện là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 9 thế giới, với khối lượng xuất khẩu tăng 74% trong vòng 5 năm từ 2018 đến 2022. Năm 2022, Yoon tuyên bố mục tiêu vươn lên vị trí thứ 4 thế giới vào năm 2027.

Kẻ thù gần kề

Ở trong nước, ngành công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc bắt nguồn từ nhu cầu phòng vệ trước người láng giềng được trang bị vũ khí hạng nặng là Triều Tiên. Ngoài kho vũ khí hạt nhân, dưới thời lãnh đạo Kim Jong Un, Triều Tiên còn thử nghiệm nhiều loại vũ khí ngày càng mới và tinh vi hơn. Năm ngoái, họ đã đưa vệ tinh trinh sát đầu tiên lên quỹ đạo, và sang tháng 1 năm nay thì tuyên bố phóng thử thành công một tên lửa tầm trung nhiên liệu rắn mới, có đầu đạn siêu thanh, đồng thời thử nghiệm hệ thống thiết bị không người lái dưới nước có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

hanquoc4

Mối đe dọa tên lửa ngày càng tăng từ Triều Tiên (Số vụ thử tên lửa đã được xác nhận). Nguồn : Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Trung tâm Kiểm soát Vũ khí và Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân.

Đứng trước mối đe dọa này, Hàn Quốc đã phát triển một cơ sở hạ tầng sản xuất vũ khí khổng lồ, liên tục tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở nước ngoài và tạo dựng danh tiếng về khả năng nhanh chóng đáp ứng các đơn đặt hàng vào thời điểm xảy ra thiếu hụt ở những nơi khác trên thế giới.

Khi chiến tranh Ukraine tạo ra tình trạng thiếu đạn pháo trên toàn cầu, các công ty Hàn Quốc đã chứng kiến số lượng đơn hàng tăng vọt để thay thế cho kho dự trữ được vận chuyển đến Kyiv. Euan Graham, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, nói với Nikkei Asia : "Các công ty Hàn Quốc đã tạo ra một thị trường ngách, nơi họ cung cấp những vật liệu không nhất thiết phải có công nghệ cao cấp nhất, nhưng lại có mức giá phải chăng nhất".

Graham nói : "Hàn Quốc có cơ sở hạ tầng công nghiệp, nhờ đó có thể nhanh chóng cung cấp vũ khí cho các quốc gia cần chúng, và việc mua vũ khí từ Hàn Quốc là một chính sách tốt xét từ góc độ tiết kiệm chi phí".

Công ty quốc phòng của Tập đoàn Hanwha chuyên sản xuất pháo, xe bọc thép, hệ thống phòng không và đổ bộ. Trong tháng 12, Hanwha Aerospace đã ký một thỏa thuận trị giá hơn 2,6 tỷ USD để cung cấp 152 khẩu pháo tự hành K9 cho Ba Lan trước năm 2027. Khi công bố thỏa thuận đó, chính phủ Ba Lan cho biết hành động gây hấn của Nga ở Ukraine đã thôi thúc họ tăng cường sức mạnh quân sự : "Chỉ có chủ nghĩa anh hùng của một người lính được trang bị vũ khí hiện đại và hiệu quả mới có thể ngăn chặn tham vọng đế quốc của Nga".

hanquoc5

Nhà sản xuất vũ khí lớn nhất Hàn Quốc, Hanwha Aerospace, trưng bày các mô hình xe quân sự tại gian hàng tại Triển lãm Quốc phòng và Hàng không Vũ trụ Quốc tế Seoul 2023 ở Seongnam, Hàn Quốc, vào ngày 16/10/2023. © Reuters

Thỏa thuận này là một phần của thỏa thuận khung được ký vào năm 2022, nhằm cung cấp 672 khẩu pháo K9 và 288 bệ phóng tên lửa đa năng Chunmoo cho Ba Lan. Thỏa thuận trị giá 22 tỷ USD là thỏa thuận lớn nhất từng được ký kết bởi một công ty quốc phòng Hàn Quốc và được coi là bước ngoặt trong sự phát triển của đất nước này thành một thế lực trong thị trường buôn bán vũ khí toàn cầu. Hanwha từ chối yêu cầu bình luận của Nikkei.

Cũng dẫn đầu trong lĩnh vực này là Korea Aerospace Industries, công ty gần đây đã ký một thỏa thuận trị giá hơn 1 tỷ USD để cung cấp trực thăng tấn công cho quân đội Hàn Quốc. Công ty cũng đang nỗ lực bắt đầu sản xuất máy bay chiến đấu KF-21 trong năm nay, như một phần của dự án phát triển kéo dài 10 năm trị giá khoảng 178 triệu USD.

LIG Nex1, một công ty quốc phòng lớn khác, sẽ xuất khẩu tên lửa đất đối không tầm trung (M-SAM II) sang Ả Rập Saudi như một phần của thỏa thuận trị giá 3,2 tỷ USD được công bố hồi đầu tháng này. LIG Nex1 cũng vừa công bố thỏa thuận với Hyundai Rotem, một công ty nội địa khác, để chia sẻ dữ liệu hướng tới mục tiêu giành được nhiều hợp đồng hơn ở Trung Đông.

Các công ty này hợp tác chặt chẽ với chính phủ Hàn Quốc, và Bộ Quốc phòng thường sẽ chịu trách nhiệm công bố chi tiết các thỏa thuận quốc tế.

hanquoc6

Ngân sách quốc phòng của Hàn Quốc lớn thứ 9 thế giới (Ngân sách quân sự năm 2022, tính bằng tỷ USD) Nguồn : Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm

Hiệu ứng Ukraine

Vị thế của ngành công nghiệp vũ khí Hàn Quốc đã dần tăng lên trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine. Nhà phân tích quân sự Kim Dae–young, nhận định rằng : trước chiến tranh, các công ty quốc phòng tập trung vào thị trường nội địa, nơi nhu cầu đang suy yếu. "Nhưng kể từ sau cuộc chiến ở Ukraine, nhận thức của các công ty quốc phòng trong nước đã thay đổi", Kim nói với Nikkei Asia, "và những công ty đó đã được hồi sinh".

Các đồng minh châu Âu của Ukraine đang thiếu nguồn dự trữ và năng lực công nghiệp để nhanh chóng bổ sung đạn pháo. Tình hình đó tạo ra cơ hội cho Hàn Quốc cung cấp đạn dược, mà cuối cùng sẽ đến Ukraine thông qua một thỏa thuận kênh sau với Mỹ.

Cuộc xung đột ở Ukraine đặt ra một trở ngại lớn trong nỗ lực trở thành cường quốc công nghiệp quốc phòng của Hàn Quốc : Đạo luật Ngoại thương của nước này cấm xuất khẩu vũ khí được sử dụng trong các vùng chiến sự. Đạo luật này được thông qua vào năm 1957, khi Hàn Quốc đang hồi phục sau Chiến tranh Triều Tiên (1950 – 1953). Là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu tương đối nhỏ, xuyên suốt lịch sử của mình, Hàn Quốc luôn lo ngại về những phản ứng dữ dội có thể xảy ra khi chọn phe trong một cuộc xung đột.

hanquoc7

Lính Ukraine bắn súng phóng lựu trong cuộc tập trận trong bối cảnh Nga tấn công Ukraine, ở vùng Zhytomyr, ngày 30/1. © Reuters

Chẳng hạn, lập trường thận trọng của Hàn Quốc ở Ukraine đã giúp tránh khiêu khích Nga. Trong năm đầu tiên của chiến tranh Ukraine, Hàn Quốc đã viện trợ trị giá 100 triệu USD cho Ukraine, bao gồm máy phát điện và thiết bị y tế. Nhưng Seoul vẫn từ chối cung cấp các hạng mục quân sự như vũ khí chống tăng và phòng không, bất chấp yêu cầu trực tiếp từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy trong bài phát biểu trước Quốc hội Hàn Quốc.

Đầu tháng 2, trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông địa phương, Đại sứ Nga tại Seoul, Georgy Zinoviev, nói rằng việc Hàn Quốc tiếp tục kiềm chế không cung cấp viện trợ sát thương cho Ukraine là điều kiện quan trọng để quan hệ song phương không "rơi xuống đáy".

"Lập trường này của Hàn Quốc rất quan trọng", Zinoviev nói, "và vì Hàn Quốc luôn giữ vững lập trường này nên chúng ta mới có thể duy trì quan hệ song phương ở cấp độ này".

Nhà phân tích Graham cho biết, thông qua cách tiếp cận này, "Về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc không trang bị vũ khí cho Ukraine, nhưng bằng cách lấp đầy kho dự trữ vũ khí của Mỹ, họ đã cho phép Ukraine tiếp tục chiến đấu". Ông nói thêm : "Hàn Quốc đóng vai trò hữu ích trong chiến tranh Ukraine vì nước này có cơ sở hạ tầng công nghiệp quan trọng để sản xuất đạn dược, khác với nhiều nước NATO đã để cơ sở hạ tầng của họ xuống cấp".

Oskar Pietrewicz, nhà phân tích cao cấp tại Chương trình Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Ba Lan, nhận định vai trò của Seoul trong cuộc chiến Ukraine đã làm nổi bật tiềm năng của nước này như một nhà xuất khẩu vũ khí nhanh chóng và đáng tin cậy. Ông nói với Nikkei : "Hàn Quốc đè bẹp các đối thủ, đặc biệt là các đối thủ Đức, về tốc độ giao hàng. Đối với các quốc gia như Ba Lan – nằm ở sườn phía đông của NATO và hỗ trợ cung cấp vũ khí cho Ukraine – tốc độ giao hàng là rất quan trọng".

hanquoc8

Một kỹ sư đang làm việc trên pháo tự hành K9 tại nhà máy của Hanwha Aerospace ở Changwon, Hàn Quốc, vào tháng 9/2023. Công ty này đang đi đầu trong sứ mệnh của Seoul để trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu quốc phòng. © AFP/ Jiji

"Điều quan trọng không kém là khả năng tương thích của thiết bị Hàn Quốc với các tiêu chuẩn của NATO, vì ngành công nghiệp vũ khí của Hàn Quốc đã hợp tác chặt chẽ với Mỹ suốt nhiều năm".

Để vượt qua hạn chế trong nước đối với xuất khẩu, Hàn Quốc đã ký các thỏa thuận theo đó họ vận chuyển một số lượng lớn pháo 155mm sang Mỹ, cho phép Mỹ bổ sung kho dự trữ của mình và vận chuyển pháo sang Ukraine để sử dụng trong chiến đấu. Seoul vẫn giữ lập trường chỉ cung cấp viện trợ phi sát thương cho Ukraine, một phần là vì cân nhắc đến lợi ích kinh doanh của họ ở Nga, nơi các công ty hàng đầu như Samsung, Hyundai Motor và LG Electronics vẫn đang hoạt động.

Bất chấp lập trường thận trọng của Hàn Quốc đối với Ukraine, căng thẳng giữa Moscow và Seoul đã leo thang trong những tháng gần đây khi Nga và Triều Tiên tăng cường hợp tác quân sự. Nga đã sử dụng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trên chiến trường Ukraine ít nhất là trong hai lần gần đây. Các kho dự trữ quân sự khổng lồ mà cả hai miền nam-bắc Triều Tiên đã xây dựng để đề phòng một cuộc xung đột tiềm ẩn giữa hai bên hiện đang được sử dụng để cung cấp vũ khí cho các phe đối địch trong cuộc chiến Nga-Ukraine.

Vào tháng trước, các nhà ngoại giao hàng đầu của hơn một chục quốc gia, bao gồm Mỹ và Hàn Quốc, đã ra tuyên bố lên án "bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất có thể" việc Nga mua tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và sử dụng những tên lửa đó ở Ukraine. "Việc chuyển giao các vũ khí này càng làm tăng thêm nỗi thống khổ của người dân Ukraine, hỗ trợ cho cuộc chiến xâm lược của Nga, và phá hoại chế độ không phổ biến vũ khí toàn cầu", tuyên bố khẳng định.

hanquoc10

Triều Tiên đã tăng cường phóng thử tên lửa trong những năm gần đây. Trong bức hình này, vào ngày 30/1, người dân ở Seoul đang xem bản tin về vụ Bình Nhưỡng bắn nhiều tên lửa không xác định xuống vùng biển ngoài khơi bờ biển phía tây của bán đảo. © Reuters

"Mỹ và các đồng minh cũng nên lo ngại về buôn bán vũ khí của Triều Tiên", Leif-Eric Easley, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nữ sinh Ewha ở Seoul, nhận xét. "Bình Nhưỡng có thể đang tiếp thị tên lửa của mình nhằm mục đích xuất khẩu, đồng thời điều chỉnh các chương trình nội địa để tận dụng công nghệ nhập khẩu từ Nga".

Quá nhiều, quá sớm ?

Các nhà phê bình trong nước cũng cho rằng lịch sử đau thương của Hàn Quốc khi phải trải qua cuộc nội chiến tàn khốc vào đầu những năm 1950 và thế đối đầu căng thẳng hiện tại với Triều Tiên khiến cho việc nước này tự quảng bá mình là nhà sản xuất vũ khí là không phù hợp.

Kim Han Min-yeong, nhà nghiên cứu tại Peacemomo, một nhóm dân sự, chia sẻ với Nikkei : "Người dân Hàn Quốc đã phải gánh chịu những hậu quả của chiến tranh suốt 70 năm qua, và chúng tôi biết rõ chiến tranh tàn sát và hủy hoại sinh kế của con người đến mức nào. Cần phải ghi nhớ lịch sử này và trách nhiệm của chúng ta là chấm dứt chiến tranh vì chúng ta hiểu nó xấu xa như thế nào".

Hwang Soo-young, một nhà hoạt động thuộc Tổ chức Đoàn kết Nhân dân vì Dân chủ (PSPD), nói "Chính phủ của chúng tôi đang quảng bá điều này như là K-defense trong khi sử dụng khẩu hiệu "hòa bình thông qua sức mạnh", nhưng kỳ vọng rằng việc các quốc gia trang bị vũ khí hạng nặng sẽ dẫn đến hòa bình là không thực tế. Hòa bình đạt được là nhờ đối thoại và đàm phán".

hanquoc11

Các nhà sản xuất vũ khí của Hàn Quốc hiện vẫn xếp sau các nền kinh tế lớn khác (Xếp hạng toàn cầu về doanh thu buôn bán vũ khí, tính bằng tỷ USD, năm 2022). Nguồn : Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm

Tuy nhiên, có rất ít sự phản kháng đối với sự phát triển của ngành công nghiệp vũ khí. Các nhà phân tích kỳ vọng Hàn Quốc sẽ tiếp tục cung cấp đạn dược cho Ukraine thông qua các thỏa thuận gián tiếp với Mỹ, đồng thời thận trọng để không công khai vi phạm luật pháp trong nước, hoặc gây thù địch với Nga.

"Hàn Quốc có thể sẽ duy trì cách tiếp cận hiện tại là bán đạn dược cho những quốc gia đang cung cấp viện trợ quân sự trực tiếp cho Ukraine, theo đó chỉ gián tiếp cung cấp viện trợ sát thương cho nỗ lực chiến tranh của Ukraine", Terence Roehrig, giáo sư về các vấn đề an ninh quốc gia tại Trường Chiến tranh Hải quân Mỹ, nói với Nikkei. "Việc bán hàng kiểu này sẽ đóng góp cho các nỗ lực quốc phòng của Kyiv, nhưng nếu không có viện trợ quân sự trực tiếp, quy mô lớn từ Mỹ và phương Tây thì sẽ không đủ".

Trả lời câu hỏi của Nikkei, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết : "Hàn Quốc đã cung cấp viện trợ nhân đạo và tài chính cho Ukraine với tư cách là thành viên của cộng đồng quốc tế". Tuy nhiên, vị quan chức từ chối trả lời các câu hỏi về việc liệu Seoul có thể từ bỏ quan điểm không cung cấp viện trợ sát thương cho Ukraine hay không. Chiến tranh Ukraine dường như sẽ kéo dài, và Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế gần đây ước tính rằng "Nga sẽ có thể duy trì cuộc tấn công vào Ukraine với tỷ lệ tiêu hao hiện tại thêm 2-3 năm nữa, và thậm chí lâu hơn".

Trận chiến tiếp theo của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc đang diễn ra tại cơ quan lập pháp nước này. Thỏa thuận trị giá 22 tỷ USD với Ba Lan đã bị trì hoãn do thiếu nguồn tài trợ từ các cơ quan tín dụng xuất khẩu. Vũ khí đã bắt đầu được giao nhưng việc thực hiện một phần thỏa thuận phụ thuộc vào khoản vay cho Ba Lan từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc. Cả hai nước đều cho biết họ cam kết giải quyết vấn đề tài chính và thực hiện thỏa thuận.

hanquoc12

Cờ Ba Lan được gắn trên xe tăng K2 Black Panther của Hàn Quốc khi Ba Lan nhận đợt giao xe tăng K2 và pháo tự hành K9 đầu tiên ở Gydnia vào tháng 12/2022. © Reuters

Pietrewicz từ Viện Quan hệ Quốc tế Ba Lan cho biết hợp tác quốc phòng giữa Ba Lan và Hàn Quốc vẫn "đầy hứa hẹn… Không có lo ngại nào về việc hủy hợp đồng".

Hai đảng chính trị chính của Hàn Quốc hiện đang tranh cãi về các điều khoản chi tiết trong luật, nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người mua vũ khí Hàn Quốc có thể vay tiền và tránh sự chậm trễ. Dự luật được đề xuất sẽ tăng quy mô các khoản vay mà Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc có thể cấp cho một người vay duy nhất, hiện theo quy định nội bộ của ngân hàng, hạn mức này được giới hạn ở mức 40% vốn cổ phần của ngân hàng.

Đảng Sức mạnh Quốc dân cầm quyền cho rằng dự luật phải được thông qua khẩn cấp để bảo vệ một ngành công nghiệp then chốt, trong khi Đảng Dân chủ Đồng hành đối lập – chiếm đa số trong cơ quan lập pháp – cho rằng dự luật có thể dẫn đến việc một lượng lớn tiền của nhà nước bị giam trong lĩnh vực vũ khí.

Hàn Quốc dự kiến tổ chức các cuộc bầu cử lập pháp quan trọng vào tháng 4 này, có nghĩa là dự luật có thể tiếp tục bị trì hoãn do tranh cãi giữa các đảng phái.

Sự chậm trễ này cũng làm dấy lên mối lo ngại về việc liệu ngành công nghiệp Hàn Quốc có thể tiếp tục thời kỳ bùng nổ bắt đầu từ cuộc chiến ở Ukraine hay không. Erik Mobrand, giáo sư và chuyên gia về chính trị Hàn Quốc tại Đại học Quốc gia Seoul, nói với Nikkei, "Bản chất của lĩnh vực vũ khí là vì các giao dịch quá lớn nên ngành này rất bất ổn, có nghĩa là sẽ có những năm với kết quả cực kỳ tốt, sau đó là những năm yên ắng hơn".

"Đang xuất hiện những câu hỏi về bản thân thị trường và liệu còn bao nhiêu không gian dành cho các nhà sản xuất Hàn Quốc trong dài hạn".

Steven Borowiec

Nguyên tác : "K-defense : South Korea’s weapons industry goes global", Nikkei Asia, 21/02/2024

Nguyễn Thị Kim Phụng

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 01/03/2024

Published in Diễn đàn

Vũ khí Hàn Quốc lấn sân vũ khí Nga nhờ chiến tranh Ukraine

Theo Les Echos ngày 24/07/2023, kể từ 2021 đến nay, Warszawa đã mua trên 12,5 tỉ euro vũ khí của Hàn Quốc. Dựa vào chuỗi sản xuất hiệu quả, Seoul có thể nhanh chóng cung cấp số lượng lớn vũ khí các loại với giá phải chăng. Tại Đông Nam Á và Trung Đông, Hàn Quốc đã giành được một số khách hàng truyền thống của Moskva. Và cuộc xâm lăng Ukraine giúp mang lại các đơn hàng từ Châu Âu, do thiết bị quân sự của Nga bộc lộ nhiều điểm yếu.

hanquoc1

Ảnh tư liệu : Kiểm tra các khẩu đại bác Thunder K9 tại quân cảng Gdynia, Ba Lan ngày 06/12/2022. Đây là đợt giao hàng xe tăng và đại bác đầu tiên của Hàn Quốc cho Ba Lan. AP - Michal Dyjuk

Blogger Strelkov bị bắt : Lời cảnh cáo cho phe dân tộc chủ nghĩa

Liên quan đến Nga, Le Monde nói về "Strelkov, blogger dân tộc chủ nghĩa bị bắt vì chỉ trích quân đội". Đến lượt Strelkov (tức "Xạ thủ"), tên thật là Igor Girkin, cựu chỉ huy quân ly khai trở thành nạn nhân của bộ máy tư pháp phục vụ cho Kremlin. Ông là một trong những blogger quân sự nhiều ảnh hưởng nhất, với 875.000 người theo dõi trên Telegram.

Cuối ngày 21/07, cảnh sát đến bắt Strelkov tại nhà ở Moskva, đưa sang trình diện một thẩm phán. Các luật sư của ông chỉ có nửa giờ để chuẩn bị, không xin hoãn lại được. Trong xe cảnh sát, ông ta gởi tin nhắn cuối cùng trên mạng xã hội đề nghị những cảm tình viên đến tòa ủng hộ. Blogger này bị cáo buộc "kêu gọi công chúng cực đoan", có nguy cơ bị lãnh 5 năm tù. Igor Girkin, 52 tuổi, có hai con, trong đó có một vị thành niên, vợ không việc làm và mẹ tàn tật phải chăm sóc, xin được quản thúc tại gia trong khi chờ đợi phiên tòa chính thức, nhưng bị từ chối lập tức và bị tạm giam.

Thông điệp quá rõ đối với tất cả những tiếng nói chỉ trích ở Nga : nay kể cả phe dân tộc chủ nghĩa cũng không tránh khỏi. Khác với Yevgeny Prigozhin dường như đang được tương đối khoan hồng, Girkin chỉ là một người lính truyền thông của phong trào cực đoan nhưng lại vào tù - một lời cảnh cáo cho những khuôn mặt dân tộc chủ nghĩa khác.

Chỉ trích Putin : Lằn ranh đỏ

Igor Girkin từng là một trong những lãnh đạo nổi dậy thân Nga chủ chốt, khi những trận đánh diễn ra ở miền đông Ukraine năm 2014 dẫn đến Crimea bị sáp nhập. Là cựu đại tá FSB, ông đã chiến đấu ở Chechnya và Nam Tư rồi đến Ukraine, nơi ông hứa hẹn "tiếp tục cho đến khi Nga chiến thắng hoàn toàn". 

Le Figaro cho biết thêm, kể từ khi chiếc xe tăng Nga đầu tiên vượt qua biên giới Ukraine ngày 24/02/2022, đại tá Strelkov trở thành blogger quân sự, hàng ngày viết bài đả kích gay gắt những thất bại của "chiến dịch quân sự đặc biệt" và những yếu kém của bộ tổng tham mưu Nga. Ông thuộc phe chủ chiến, đòi tổng động viên và leo thang quân sự, kể cả dùng vũ khí nguyên tử. Nhưng trong bài viết mới nhất, Igor Girkin đã đi quá xa khi đánh giá lãnh đạo là "thảm hại", "hèn nhát", dù không nêu đích danh Vladimir Putin.

Điều mỉa mai : Igor Girkin là một trong hai người Nga bị tòa án Hà Lan kết án chung thân khiếm diện vì vụ dùng hỏa tiễn bắn hạ chiếc phi cơ MH17 của Malaysia Airlines hôm 17/07/2014 làm 298 người chết. Bị tư pháp Châu Âu truy lùng, nay Igor Girkin phải ngồi tù ở Moskva.

Nhà đối lập Nga liên tục xuống đường chống chiến tranh

Cùng ngày, một phiên tòa khác mở ra ở Moskva nhưng bị cáo là một nhà đối lập nổi tiếng : Oleg Orlov, đồng chủ tịch tổ chức phi chính phủ Memorial được tặng giải Nobel hòa bình đã bị giải thể. Ông bị truy tố vì công khai tố cáo "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine. Năm nay 70 tuổi, Orlov vẫn là nhà hoạt động không mệt mỏi. Ông xuống đường giơ cao những biểu ngữ trước Viện Duma (Hạ Viện Nga), trên Quảng trường Đỏ, ở trung tâm Moskva…

Lần nào cũng chỉ vài phút là cảnh sát xuất hiện để câu lưu, dù ông chỉ biểu tình một mình. Nhưng những câu khẩu hiệu của ông là những lời tố cáo đanh thép luận điệu của Kremlin : "Hòa bình cho Ukraine, tự do cho nước Nga", "Từ chối nhận biết sự thật và im lặng là đồng lõa với tội ác", "Sự điên cuồng của Putin đẩy nhân loại về hướng chiến tranh nguyên tử", "Liên Xô 1945, đất nước chiến thắng vinh quang trước phát-xít ; nước Nga 2022, đất nước mà phát-xít ngạo nghễ chiến thắng".

Sau mỗi lần câu lưu, Oleg Orlov lại bị khởi tố theo đạo luật được thông qua một cách vội vã ngay từ đầu cuộc xâm lăng để chặn tự do ngôn luận. Những bản án nối tiếp trong lý lịch tư pháp, nhưng ông khẳng định : "Tôi vẫn tiếp tục. Cuộc chiến tranh với Ukraine không chỉ vi phạm luật quốc tế, mà còn đi ngược lại lợi ích đất nước". Hai phiên tòa mới nhất là vì bài báo can đảm mang tựa đề "Họ muốn phát-xít và đã có được", đăng tháng 11/2022 trên báo mạng Pháp Mediapart và bằng tiếng Nga trên Facebook cá nhân.

Lần này những người biện hộ cho Oleg đã tìm ra lỗ hổng. Báo cáo phân tích bài viết của người được cho là chuyên gia ngôn ngữ đầy sai sót, nhận định chung chung, có những đoạn đạo văn và thậm chí lỗi chính tả. Đến bênh vực cho Oleg trước tòa, Dmitri Muratov, nhà sáng lập và là tổng biên tập Novaia Gazet, giải Nobel hòa bình 2021 đã chất vấn chuyên gia : "Hiến pháp Nga cấm kiểm duyệt, và Oleg chỉ đòi hỏi áp dụng Hiến pháp". Trong ngành tư pháp Nga mà 99% vụ đều có bản án y như công tố đòi hỏi, tất cả đều là "diễn". Luật sư của Oleg, bà Ekaterina Tertukhina tố cáo : "Chuyên gia ngôn ngữ học được triệu tập trong phiên tòa này, trong một vụ khác được coi là chuyên gia về tình dục, và trên thực tế, đó là một nhà toán học !".

Moskva oanh kích cả nơi thờ tự, di sản thế giới

Cũng liên quan đến Nga, Libération chú ý đến sự kiện thánh đường Chúa Hiển Dung ở Odessa bị hỏa tiễn Nga phá hủy một phần trong đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ nhật 23/07, mà Bộ ngoại giao Ukraine tố cáo là "một tội ác chiến tranh không bao giờ quên và không thể tha thứ". Những tượng thánh bị hư hại, nền cẩm thạch đầy những mảnh vỡ, mái vòm được trang hoàng rất đẹp bị tiện ngang, những cây cột đổ nghiêng...

Số phận của ngôi giáo đường trung tâm là minh chứng mới nhất cho việc Moskva không ngừng tấn công vào Odessa, thành phố chiến lược bên bờ Hắc Hải với khu trung tâm lịch sử được Unesco coi là di sản thế giới. Trong đợt pháo kích này, hai thường dân thiệt mạng và 22 người khác bị thương trong đó có ít nhất 4 em bé. Nhưng quân đội Nga nói rằng chỉ nhắm vào các địa điểm quân sự, nơi chuẩn bị "các hành động khủng bố Nga". 

Nhà sử học Mỹ Matthew Pauly nhắc nhở, thánh đường Chúa Hiển Dung ở Odessa "còn là một phần của Giáo hội Moskva", được thượng phụ Kirill ban phép lành năm 2010. "Điện Kremlin đánh vào cả những địa điểm thiêng liêng của mình". Sergiy Kyslytsya, đại diện Ukraine tại Liên Hiệp Quốc tóm tắt : "Thành lập năm 1794, bị phá hủy theo lệnh Stalin năm 1936, được Ukraine độc lập tái thiết năm 1999, rồi bị một hỏa tiễn tấn công theo lệnh Putin năm 2023".

Trong khi người dân Ukraine lo dọn dẹp trong giáo đường và các linh mục phải tổ chức thánh lễ ngoài trời, Vladimir Putin gặp đồng minh trung thành Alexandr Lukashenko tại Saint-Petersburg. Tổng thống Belarus khẳng định đang giữ chân được lực lượng Wagner ở miền trung, "kiểm soát được tình hình", ngược lại đồng nhiệm Nga nói rằng lính đánh thuê "đang không vui", "đòi đi một vòng sang phía tây", nêu cụ thể hai thành phố Ba Lan là Warszawa và Rzeszów. Với mối đe dọa Wagner sát bên, Ba Lan, thành viên NATO quyết định điều quân đến vùng biên giới Belarus.

Hàn Quốc, nhà xuất khẩu vũ khí mới đáng gờm

Cũng liên quan đến Ba Lan về mặt quân sự, Les Echos mở đầu loạt bài về cuộc chạy đua vũ trang bằng bài viết "Hàn Quốc, người khổng lồ mới của thế giới về quốc phòng". Hôm 23/07 hai bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc và Ba Lan, đều trong bộ quân phục, đã dự khán buổi bắn thử đại bác tự hành K9 vừa được tập đoàn Hanwha giao cho Ba Lan, ở thao trường Torun, tây bắc Warszawa.

Để thay thế những vũ khí từ thời Liên Xô, Ba Lan lâu nay mua của Đức, Mỹ, Anh, Israel, đã quay sang Seoul để nhanh chóng hiện đại hóa quân đội. Kể từ 2021 đến nay, Warszawa đã mua trên 12,5 tỉ euro trang thiết bị của Hàn Quốc. Từ năm 2000 đến 2020, Hàn Quốc đã từ hạng 31 nhảy lên hàng thứ 7 thế giới về xuất khẩu vũ khí và tổng thống Yoon Suk-yeol công khai dòm ngó hạng 4, chỉ sau Pháp.

Ngoài những khẩu đại bác K9, Ba Lan sẽ nhận được 1.000 xe tăng K2 Black Panther, 48 chiến đấu cơ hạng nhẹ FA-50 để thay thế Mig29, 300 giàn phóng rốc-kết đa nòng Chunmoo. Giáo sư Choi Gi-il của đại học Sangji giải thích : "Sau chiến tranh Triều Tiên và từ 1969 với chủ thuyết Nixon dự kiến rút quân khỏi bán đảo, chính phủ Hàn Quốc hiểu rằng phải tự xây dựng kỹ nghệ quốc phòng" vì không thể chỉ trông cậy vào các đồng minh.

Vũ khí kém tác dụng trên chiến trường Ukraine, Nga mất bớt thị phần

Chế độ độc tài của tổng thống Park Chung-hee - vốn là cựu sĩ quan - đã thúc đẩy kỹ nghệ dân sự hợp tác chế tạo vũ khí, đôi khi dựa vào kỹ năng khi sản xuất theo bằng sáng chế cho quân đội Mỹ chiến đấu tại Việt Nam. Với khẩu hiệu "Một quốc gia thịnh vượng, một quân đội hùng mạnh", các chaebol (đại tập đoàn tư nhân) đã gia công cho Nhà nước. Chính phủ Hàn Quốc dù thuộc đảng phái nào cũng đều nỗ lực tăng cường quân đội để đối phó với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên. 

Seoul nay bán đại bác K9 cho khoảng mười mấy nước, những tiêm kích hạng nhẹ nay hoạt động ở năm nước. Ramon Paceco Pardo, giáo sư King’s College tổng kết : "Hàn Quốc có ít nhất ba thế mạnh so với những nước cạnh tranh. Vũ khí của họ tân tiến, thường được thừa hưởng công nghệ và tư vấn của Mỹ. Nhờ liên minh với Hoa Kỳ, các thiết bị phù hợp với tiêu chuẩn NATO. Nhất là Hàn Quốc có thể nhanh chóng giao hàng cho những nước cảm thấy đang bị đe dọa ngay trước mắt, không thể chờ đợi nhiều năm".

Dựa vào chuỗi sản xuất rất hiệu quả, các tập đoàn Hàn Quốc cho ra sản lượng lớn nhờ đơn đặt hàng của quân đội nước mình, đồng thời có giá cả phải chăng. Các chaebol cũng dễ dàng chuyển giao công nghệ cho khách hàng. Sự kiện Nga xâm lược Ukraine đã đẩy mạnh việc mua vũ khí của Châu Âu, nhưng trước đó tại Đông Nam Á và Trung Đông, Hàn Quốc đã giành mất nhiều khách hàng của Nga.

Nhà phân tích Ian Storey cho biết : "Việt Nam đã ngưng chương trình hiện đại hóa quân đội, và các nước e ngại bị trừng phạt theo CAATSA" - đạo luật Mỹ năm 2017 liên quan đến việc mua vũ khí của Nga. Nhất là Moskva nay phải tập trung sản xuất cho quân đội nước mình, và thiết bị quân sự Nga đã bị mất uy tín vì tỏ ra tệ hại trên chiến trường Ukraine.

Cam Bốt ve vãn Mỹ, hy vọng bớt lệ thuộc Trung Quốc

Cũng ở Châu Á, Les Echos nhận thấy Cam Bốt vốn lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, nay muốn nối lại quan hệ với Hoa Kỳ và tìm kiếm những đối tác mới ở Châu Á và Châu Âu. Sáu tuần trước cuộc bầu cử Quốc hội, thủ tướng Hun Sen đã phát biểu rất dài để cám ơn Bắc Kinh đã giúp xây dựng xa lộ lớn thứ nhì, nối Phnom Penh với thành phố Bavet gần biên giới Việt Nam.

Cam Bốt là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ "Con đường tơ lụa mới", nhưng cũng lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc. Nay chế độ muốn thoát khỏi sự lệ thuộc này, nhưng phương Tây đặc biệt nghiêm khắc với Hun Sen, trong khi giữ quan hệ bình thường với "các nước Châu Á độc tài hơn như Việt Nam chẳng hạn" – theo nhà nghiên cứu Chhay Lim, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á ở Phnom Penh. Ông Lim lưu ý, Cam Bốt không hoàn toàn theo đuôi Bắc Kinh, là một trong những nước hiếm hoi trong khu vực lên án cuộc xâm lăng Ukraine.

Hy Lạp : Ngọn lửa xua đuổi 30.000 du khách trên đảo Rhodes

Trang nhất các báo Pháp hôm nay đặt ra những vấn đề đa dạng. Le Figaro báo động tệ nạn ma túy đã lan đến những thành phố cỡ trung bình ở Pháp, Les Echos cho biết lãi suất đang ở mức cao nhất từ 20 năm qua ở Châu Âu và Hoa Kỳ. Nếu Le Monde lưu tâm đến phe cực hữu ở Tây Ban Nha, thì Libération dành hồ sơ cho những cuộc biểu tình ở Israel. La Croix chú ý vấn đề khai thác khoáng sản ở đáy biển. Ở các trang trong, hỏa hoạn ở Hy Lạp và chiến tranh Ukraine chiếm nhiều bài viết nhất.

Về Hy Lạp, các báo đều có những bài phóng sự, bình luận về sự kiện 30.000 du khách phải vội vã sơ tán khỏi đảo Rhodes vào cuối tuần qua vì hỏa hoạn. Chỉ trong vài phút, "thiên đường hạ giới" bỗng biến thành địa ngục khi đám cháy đã hoành hành từ nhiều ngày qua lan đến khu vực du lịch và trở nên không kiếm soát nổi. Chính quyền khoe rằng trong vòng 48 giờ đã "tiến hành cuộc sơ tán chưa từng thấy" ở Hy Lạp, nhưng La Croix đặt câu hỏi, liệu có thể tự hài lòng với kết quả này ? Báo chí địa phương chất vấn, đâu rồi kế hoạch phòng cháy được thủ tướng Kyriakos Mitsotakis hứa hẹn trong nhiệm kỳ đầu. Và phải chăng nguồn thu lớn khiến chính quyền không muốn áp dụng các biện pháp ngăn ngừa quá tải du lịch ?

Thụy My

Published in Quốc tế