Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

24/07/2023

Điểm báo Pháp - Vũ khí Hàn Quốc lấn sân vũ khí Nga

RFI tiếng Việt

Vũ khí Hàn Quốc lấn sân vũ khí Nga nhờ chiến tranh Ukraine

Theo Les Echos ngày 24/07/2023, kể từ 2021 đến nay, Warszawa đã mua trên 12,5 tỉ euro vũ khí của Hàn Quốc. Dựa vào chuỗi sản xuất hiệu quả, Seoul có thể nhanh chóng cung cấp số lượng lớn vũ khí các loại với giá phải chăng. Tại Đông Nam Á và Trung Đông, Hàn Quốc đã giành được một số khách hàng truyền thống của Moskva. Và cuộc xâm lăng Ukraine giúp mang lại các đơn hàng từ Châu Âu, do thiết bị quân sự của Nga bộc lộ nhiều điểm yếu.

hanquoc1

Ảnh tư liệu : Kiểm tra các khẩu đại bác Thunder K9 tại quân cảng Gdynia, Ba Lan ngày 06/12/2022. Đây là đợt giao hàng xe tăng và đại bác đầu tiên của Hàn Quốc cho Ba Lan. AP - Michal Dyjuk

Blogger Strelkov bị bắt : Lời cảnh cáo cho phe dân tộc chủ nghĩa

Liên quan đến Nga, Le Monde nói về "Strelkov, blogger dân tộc chủ nghĩa bị bắt vì chỉ trích quân đội". Đến lượt Strelkov (tức "Xạ thủ"), tên thật là Igor Girkin, cựu chỉ huy quân ly khai trở thành nạn nhân của bộ máy tư pháp phục vụ cho Kremlin. Ông là một trong những blogger quân sự nhiều ảnh hưởng nhất, với 875.000 người theo dõi trên Telegram.

Cuối ngày 21/07, cảnh sát đến bắt Strelkov tại nhà ở Moskva, đưa sang trình diện một thẩm phán. Các luật sư của ông chỉ có nửa giờ để chuẩn bị, không xin hoãn lại được. Trong xe cảnh sát, ông ta gởi tin nhắn cuối cùng trên mạng xã hội đề nghị những cảm tình viên đến tòa ủng hộ. Blogger này bị cáo buộc "kêu gọi công chúng cực đoan", có nguy cơ bị lãnh 5 năm tù. Igor Girkin, 52 tuổi, có hai con, trong đó có một vị thành niên, vợ không việc làm và mẹ tàn tật phải chăm sóc, xin được quản thúc tại gia trong khi chờ đợi phiên tòa chính thức, nhưng bị từ chối lập tức và bị tạm giam.

Thông điệp quá rõ đối với tất cả những tiếng nói chỉ trích ở Nga : nay kể cả phe dân tộc chủ nghĩa cũng không tránh khỏi. Khác với Yevgeny Prigozhin dường như đang được tương đối khoan hồng, Girkin chỉ là một người lính truyền thông của phong trào cực đoan nhưng lại vào tù - một lời cảnh cáo cho những khuôn mặt dân tộc chủ nghĩa khác.

Chỉ trích Putin : Lằn ranh đỏ

Igor Girkin từng là một trong những lãnh đạo nổi dậy thân Nga chủ chốt, khi những trận đánh diễn ra ở miền đông Ukraine năm 2014 dẫn đến Crimea bị sáp nhập. Là cựu đại tá FSB, ông đã chiến đấu ở Chechnya và Nam Tư rồi đến Ukraine, nơi ông hứa hẹn "tiếp tục cho đến khi Nga chiến thắng hoàn toàn". 

Le Figaro cho biết thêm, kể từ khi chiếc xe tăng Nga đầu tiên vượt qua biên giới Ukraine ngày 24/02/2022, đại tá Strelkov trở thành blogger quân sự, hàng ngày viết bài đả kích gay gắt những thất bại của "chiến dịch quân sự đặc biệt" và những yếu kém của bộ tổng tham mưu Nga. Ông thuộc phe chủ chiến, đòi tổng động viên và leo thang quân sự, kể cả dùng vũ khí nguyên tử. Nhưng trong bài viết mới nhất, Igor Girkin đã đi quá xa khi đánh giá lãnh đạo là "thảm hại", "hèn nhát", dù không nêu đích danh Vladimir Putin.

Điều mỉa mai : Igor Girkin là một trong hai người Nga bị tòa án Hà Lan kết án chung thân khiếm diện vì vụ dùng hỏa tiễn bắn hạ chiếc phi cơ MH17 của Malaysia Airlines hôm 17/07/2014 làm 298 người chết. Bị tư pháp Châu Âu truy lùng, nay Igor Girkin phải ngồi tù ở Moskva.

Nhà đối lập Nga liên tục xuống đường chống chiến tranh

Cùng ngày, một phiên tòa khác mở ra ở Moskva nhưng bị cáo là một nhà đối lập nổi tiếng : Oleg Orlov, đồng chủ tịch tổ chức phi chính phủ Memorial được tặng giải Nobel hòa bình đã bị giải thể. Ông bị truy tố vì công khai tố cáo "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine. Năm nay 70 tuổi, Orlov vẫn là nhà hoạt động không mệt mỏi. Ông xuống đường giơ cao những biểu ngữ trước Viện Duma (Hạ Viện Nga), trên Quảng trường Đỏ, ở trung tâm Moskva…

Lần nào cũng chỉ vài phút là cảnh sát xuất hiện để câu lưu, dù ông chỉ biểu tình một mình. Nhưng những câu khẩu hiệu của ông là những lời tố cáo đanh thép luận điệu của Kremlin : "Hòa bình cho Ukraine, tự do cho nước Nga", "Từ chối nhận biết sự thật và im lặng là đồng lõa với tội ác", "Sự điên cuồng của Putin đẩy nhân loại về hướng chiến tranh nguyên tử", "Liên Xô 1945, đất nước chiến thắng vinh quang trước phát-xít ; nước Nga 2022, đất nước mà phát-xít ngạo nghễ chiến thắng".

Sau mỗi lần câu lưu, Oleg Orlov lại bị khởi tố theo đạo luật được thông qua một cách vội vã ngay từ đầu cuộc xâm lăng để chặn tự do ngôn luận. Những bản án nối tiếp trong lý lịch tư pháp, nhưng ông khẳng định : "Tôi vẫn tiếp tục. Cuộc chiến tranh với Ukraine không chỉ vi phạm luật quốc tế, mà còn đi ngược lại lợi ích đất nước". Hai phiên tòa mới nhất là vì bài báo can đảm mang tựa đề "Họ muốn phát-xít và đã có được", đăng tháng 11/2022 trên báo mạng Pháp Mediapart và bằng tiếng Nga trên Facebook cá nhân.

Lần này những người biện hộ cho Oleg đã tìm ra lỗ hổng. Báo cáo phân tích bài viết của người được cho là chuyên gia ngôn ngữ đầy sai sót, nhận định chung chung, có những đoạn đạo văn và thậm chí lỗi chính tả. Đến bênh vực cho Oleg trước tòa, Dmitri Muratov, nhà sáng lập và là tổng biên tập Novaia Gazet, giải Nobel hòa bình 2021 đã chất vấn chuyên gia : "Hiến pháp Nga cấm kiểm duyệt, và Oleg chỉ đòi hỏi áp dụng Hiến pháp". Trong ngành tư pháp Nga mà 99% vụ đều có bản án y như công tố đòi hỏi, tất cả đều là "diễn". Luật sư của Oleg, bà Ekaterina Tertukhina tố cáo : "Chuyên gia ngôn ngữ học được triệu tập trong phiên tòa này, trong một vụ khác được coi là chuyên gia về tình dục, và trên thực tế, đó là một nhà toán học !".

Moskva oanh kích cả nơi thờ tự, di sản thế giới

Cũng liên quan đến Nga, Libération chú ý đến sự kiện thánh đường Chúa Hiển Dung ở Odessa bị hỏa tiễn Nga phá hủy một phần trong đêm thứ Bảy rạng sáng Chủ nhật 23/07, mà Bộ ngoại giao Ukraine tố cáo là "một tội ác chiến tranh không bao giờ quên và không thể tha thứ". Những tượng thánh bị hư hại, nền cẩm thạch đầy những mảnh vỡ, mái vòm được trang hoàng rất đẹp bị tiện ngang, những cây cột đổ nghiêng...

Số phận của ngôi giáo đường trung tâm là minh chứng mới nhất cho việc Moskva không ngừng tấn công vào Odessa, thành phố chiến lược bên bờ Hắc Hải với khu trung tâm lịch sử được Unesco coi là di sản thế giới. Trong đợt pháo kích này, hai thường dân thiệt mạng và 22 người khác bị thương trong đó có ít nhất 4 em bé. Nhưng quân đội Nga nói rằng chỉ nhắm vào các địa điểm quân sự, nơi chuẩn bị "các hành động khủng bố Nga". 

Nhà sử học Mỹ Matthew Pauly nhắc nhở, thánh đường Chúa Hiển Dung ở Odessa "còn là một phần của Giáo hội Moskva", được thượng phụ Kirill ban phép lành năm 2010. "Điện Kremlin đánh vào cả những địa điểm thiêng liêng của mình". Sergiy Kyslytsya, đại diện Ukraine tại Liên Hiệp Quốc tóm tắt : "Thành lập năm 1794, bị phá hủy theo lệnh Stalin năm 1936, được Ukraine độc lập tái thiết năm 1999, rồi bị một hỏa tiễn tấn công theo lệnh Putin năm 2023".

Trong khi người dân Ukraine lo dọn dẹp trong giáo đường và các linh mục phải tổ chức thánh lễ ngoài trời, Vladimir Putin gặp đồng minh trung thành Alexandr Lukashenko tại Saint-Petersburg. Tổng thống Belarus khẳng định đang giữ chân được lực lượng Wagner ở miền trung, "kiểm soát được tình hình", ngược lại đồng nhiệm Nga nói rằng lính đánh thuê "đang không vui", "đòi đi một vòng sang phía tây", nêu cụ thể hai thành phố Ba Lan là Warszawa và Rzeszów. Với mối đe dọa Wagner sát bên, Ba Lan, thành viên NATO quyết định điều quân đến vùng biên giới Belarus.

Hàn Quốc, nhà xuất khẩu vũ khí mới đáng gờm

Cũng liên quan đến Ba Lan về mặt quân sự, Les Echos mở đầu loạt bài về cuộc chạy đua vũ trang bằng bài viết "Hàn Quốc, người khổng lồ mới của thế giới về quốc phòng". Hôm 23/07 hai bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc và Ba Lan, đều trong bộ quân phục, đã dự khán buổi bắn thử đại bác tự hành K9 vừa được tập đoàn Hanwha giao cho Ba Lan, ở thao trường Torun, tây bắc Warszawa.

Để thay thế những vũ khí từ thời Liên Xô, Ba Lan lâu nay mua của Đức, Mỹ, Anh, Israel, đã quay sang Seoul để nhanh chóng hiện đại hóa quân đội. Kể từ 2021 đến nay, Warszawa đã mua trên 12,5 tỉ euro trang thiết bị của Hàn Quốc. Từ năm 2000 đến 2020, Hàn Quốc đã từ hạng 31 nhảy lên hàng thứ 7 thế giới về xuất khẩu vũ khí và tổng thống Yoon Suk-yeol công khai dòm ngó hạng 4, chỉ sau Pháp.

Ngoài những khẩu đại bác K9, Ba Lan sẽ nhận được 1.000 xe tăng K2 Black Panther, 48 chiến đấu cơ hạng nhẹ FA-50 để thay thế Mig29, 300 giàn phóng rốc-kết đa nòng Chunmoo. Giáo sư Choi Gi-il của đại học Sangji giải thích : "Sau chiến tranh Triều Tiên và từ 1969 với chủ thuyết Nixon dự kiến rút quân khỏi bán đảo, chính phủ Hàn Quốc hiểu rằng phải tự xây dựng kỹ nghệ quốc phòng" vì không thể chỉ trông cậy vào các đồng minh.

Vũ khí kém tác dụng trên chiến trường Ukraine, Nga mất bớt thị phần

Chế độ độc tài của tổng thống Park Chung-hee - vốn là cựu sĩ quan - đã thúc đẩy kỹ nghệ dân sự hợp tác chế tạo vũ khí, đôi khi dựa vào kỹ năng khi sản xuất theo bằng sáng chế cho quân đội Mỹ chiến đấu tại Việt Nam. Với khẩu hiệu "Một quốc gia thịnh vượng, một quân đội hùng mạnh", các chaebol (đại tập đoàn tư nhân) đã gia công cho Nhà nước. Chính phủ Hàn Quốc dù thuộc đảng phái nào cũng đều nỗ lực tăng cường quân đội để đối phó với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên. 

Seoul nay bán đại bác K9 cho khoảng mười mấy nước, những tiêm kích hạng nhẹ nay hoạt động ở năm nước. Ramon Paceco Pardo, giáo sư King’s College tổng kết : "Hàn Quốc có ít nhất ba thế mạnh so với những nước cạnh tranh. Vũ khí của họ tân tiến, thường được thừa hưởng công nghệ và tư vấn của Mỹ. Nhờ liên minh với Hoa Kỳ, các thiết bị phù hợp với tiêu chuẩn NATO. Nhất là Hàn Quốc có thể nhanh chóng giao hàng cho những nước cảm thấy đang bị đe dọa ngay trước mắt, không thể chờ đợi nhiều năm".

Dựa vào chuỗi sản xuất rất hiệu quả, các tập đoàn Hàn Quốc cho ra sản lượng lớn nhờ đơn đặt hàng của quân đội nước mình, đồng thời có giá cả phải chăng. Các chaebol cũng dễ dàng chuyển giao công nghệ cho khách hàng. Sự kiện Nga xâm lược Ukraine đã đẩy mạnh việc mua vũ khí của Châu Âu, nhưng trước đó tại Đông Nam Á và Trung Đông, Hàn Quốc đã giành mất nhiều khách hàng của Nga.

Nhà phân tích Ian Storey cho biết : "Việt Nam đã ngưng chương trình hiện đại hóa quân đội, và các nước e ngại bị trừng phạt theo CAATSA" - đạo luật Mỹ năm 2017 liên quan đến việc mua vũ khí của Nga. Nhất là Moskva nay phải tập trung sản xuất cho quân đội nước mình, và thiết bị quân sự Nga đã bị mất uy tín vì tỏ ra tệ hại trên chiến trường Ukraine.

Cam Bốt ve vãn Mỹ, hy vọng bớt lệ thuộc Trung Quốc

Cũng ở Châu Á, Les Echos nhận thấy Cam Bốt vốn lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, nay muốn nối lại quan hệ với Hoa Kỳ và tìm kiếm những đối tác mới ở Châu Á và Châu Âu. Sáu tuần trước cuộc bầu cử Quốc hội, thủ tướng Hun Sen đã phát biểu rất dài để cám ơn Bắc Kinh đã giúp xây dựng xa lộ lớn thứ nhì, nối Phnom Penh với thành phố Bavet gần biên giới Việt Nam.

Cam Bốt là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ "Con đường tơ lụa mới", nhưng cũng lệ thuộc nặng nề vào Trung Quốc. Nay chế độ muốn thoát khỏi sự lệ thuộc này, nhưng phương Tây đặc biệt nghiêm khắc với Hun Sen, trong khi giữ quan hệ bình thường với "các nước Châu Á độc tài hơn như Việt Nam chẳng hạn" – theo nhà nghiên cứu Chhay Lim, Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á ở Phnom Penh. Ông Lim lưu ý, Cam Bốt không hoàn toàn theo đuôi Bắc Kinh, là một trong những nước hiếm hoi trong khu vực lên án cuộc xâm lăng Ukraine.

Hy Lạp : Ngọn lửa xua đuổi 30.000 du khách trên đảo Rhodes

Trang nhất các báo Pháp hôm nay đặt ra những vấn đề đa dạng. Le Figaro báo động tệ nạn ma túy đã lan đến những thành phố cỡ trung bình ở Pháp, Les Echos cho biết lãi suất đang ở mức cao nhất từ 20 năm qua ở Châu Âu và Hoa Kỳ. Nếu Le Monde lưu tâm đến phe cực hữu ở Tây Ban Nha, thì Libération dành hồ sơ cho những cuộc biểu tình ở Israel. La Croix chú ý vấn đề khai thác khoáng sản ở đáy biển. Ở các trang trong, hỏa hoạn ở Hy Lạp và chiến tranh Ukraine chiếm nhiều bài viết nhất.

Về Hy Lạp, các báo đều có những bài phóng sự, bình luận về sự kiện 30.000 du khách phải vội vã sơ tán khỏi đảo Rhodes vào cuối tuần qua vì hỏa hoạn. Chỉ trong vài phút, "thiên đường hạ giới" bỗng biến thành địa ngục khi đám cháy đã hoành hành từ nhiều ngày qua lan đến khu vực du lịch và trở nên không kiếm soát nổi. Chính quyền khoe rằng trong vòng 48 giờ đã "tiến hành cuộc sơ tán chưa từng thấy" ở Hy Lạp, nhưng La Croix đặt câu hỏi, liệu có thể tự hài lòng với kết quả này ? Báo chí địa phương chất vấn, đâu rồi kế hoạch phòng cháy được thủ tướng Kyriakos Mitsotakis hứa hẹn trong nhiệm kỳ đầu. Và phải chăng nguồn thu lớn khiến chính quyền không muốn áp dụng các biện pháp ngăn ngừa quá tải du lịch ?

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 214 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)